dieuphap.com Trang Chính |
|
57. KHÔNG CÓ ĐƯỜNG ĐẾN NIẾT BÀN Phật tử TTNM đánh máy từ quyển Vi
Tiếu Ai cũng biết mục đích tối hậu của đạo Phật là Niết bàn. Như vậy, chẳng cần nghĩ bàn gì, người ta cứ việc khẳng định rằng đạo Phật chính là con đường đi đến Niết bàn đó. Nhưng Sư lại nói: - Chẳng bao giờ có con đường đi đến Niết bàn, chỉ có đường vào luân hồi sinh tử mà thôi. Các thiền sinh rất lấy làm lạ. thắc mắc: - Như vậy, Đức Phật dạy Đạo để làm gì? Sư nói: - Đạo chỉ để xóa tan Tập đế, như ánh sáng xoá tan bóng tối chứ đâu phải đường đến Niết bàn. Ví như trong bóng tối anh không tự nhìn thấy mình, đến khi thắp đèn lên mới thấy được mình. Như vậy, anh không cần phải đi đâu mà tìm kiếm chính anh. Niết bàn cũng y như vậy. Lời góp ý: Không phải cứ hễ gọi là Đạo thì tức là con đường. Con đường luôn luôn có khởi điểm và có chỗ đến. Niết bàn không phải là chỗ đến theo một địa điểm. Cho nên, không có đường đến Niết bàn. Từ Đạo cũng được dùng rất nhiều nghĩa: Đạo trong Lão Tử Đạo Đức Kinh là chân lý rốt ráo. Đạo trong Thiên Chúa giáo là lẽ thật và sự sống đời đời. Đạo trong Khổng học là cách xử thế tiếp vật, minh đức thân dân và chí thiện. Đạo dùng trong Đạo đế có nghĩa là “sự thực hành nhằm vào khổ diệt” (Dukkha-nirodha-gàminì-patipadà), hoặc Đạo trong Bát chánh đạo được định nghĩa là “tiêu tan phiền não” (kilesemàrento). Nói theo kinh Bát Nhã thì Đạo tức là “chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách” vậy. Trong tất cả các thuật ngữ Đạo nói trên, không có thuật ngữ nào chỉ con đường có đi có đến cả. Đặc biệt trong đạo Phật chẳng liên hệ gì đến Niết bàn, vì không có Đạo vẫn cứ có Niết bàn. Nhưng không có Đạo thì không thể chứng ngộ Niết bàn đuợc. Giống như người đang nằm trên giường có ảo giác rơi vào khoảng không không đáy, anh ta cảm thấy hụt hẫng và khiếp sợ. Chỉ cần ảo giác tiêu tan (hoặc thấy đó chỉ lả ảo giác) thì người ấy trước sau vẫn nằm trên giường thoải mái bình yên. Niết bàn cũng y như vậy.
|
|