dieuphap.com Trang Chính |
|
54.THIÊN THỦ THIÊN NHÃN Phật tử TTNM đánh máy từ quyển Vi
Tiếu Một thiền sinh hỏi: - Thưa Thầy, theo Mật tông, Đức Chuẩn Đề có ngàn tay ngàn mắt là ý nghĩa gì? Sư nói: - Ngươi cũng có ngàn tay ngàn mắt nhưng chưa vô ngại đại bi đó thôi. - Làm sao con có ngàn tay ngàn mắt được? - Sao lại không? Nóng, lạnh, đói no, vui buồn, mừng giận, đẹp xấu, dở hay, trái phải … cho đến ngàn chuyện ngươi đều biết, đó không phải ngươi có ngàn mắt hay sao? Lại còn làm lụng, đi đứng, ăn ngủ, nói năng, suy tính, tạo tác, động tịnh… cho đến ngàn việc ngươi đều làm được, đó không phải ngàn tay là gì? Lời góp ý: Nói đến Đạo là người ta mơ đến một cái gì siêu việt. Cái gì gợi lên trí tưởng tượng càng phong phú mới càng cao siêu mầu nhiệm. Thế mà một quy luật có vẻ nghịch lý nhưng rất hiển nhiên, đó là, càng mơ cái huyền nhiệm phi thường lại càng tấm thường cạn cợt. Ngược lại, càng sống giản dị, bình thường, lại càng thâm sâu uyên áo. Cho nên, Lão Tử nói: “Trí giả nhược ngu, tình thâm nhược đạm”. Sở dĩ người ta “hướng ngoại cấu huyền” là vì chưa thấy ra cái cao siêu mầu nhiệm trong cái nhỏ nhặt bình thường. Người ta đi đến một nơi đầy hứa hẹn, nhưng không thấy ý nghĩa tuyệt vời của mỗi bước đi. Người ta ăn qua loa cho xong bữa để tranh thủ đi luyện thần thông pháp thuật, nên đâu thể biết rằng mỗi cái nhai là thần thông, mỗi hạt cơm là diệu dụng. Kinh thánh nói: “Mỗi sợi tóc trên đầu rơi xuống đều là ý của Đức Chúa Trời”, nghĩa là mỗi sự việc diễn ra trên đời, dù nhỏ nhặt đến đâu, đều có ý nghĩa nhiệm mầu của nó. Vậy mà người ta vẫn cứ loay hoay trèo non lặn suối đi tìm sự huyền bí phi thường, không biết rằng “Thiên địa giai bị ư ngã, phản thân nhi thành lạc mạc đại yên”. Nước Phật nằm trong hạt cát Chúa Trời ngự khắp nơi nơi Vạn pháp tiềm tàng Thái cực Người xưa đâu phải nói chơi.
|
|