dieuphap.com Trang Chính |
|
52. THỰC SỰ HÀNH Phật tử TTNM đánh máy từ quyển Vi
Tiếu Nhiều học giả cho rằng môn A Tỳ Đàm (Abhidhamma) tức Vi diệu pháp hoặc Thắng pháp, là môn học cao siêu hơn cả Duy Thức Luận, nên họ còn gọi là môn Siêu lý học. Sư nói với một học giả Siêu lý: - Ta có một môn hơn xa Siêu lý học, nhờ đó mà có thể biến hóa vô cùng, dung thông vạn pháp. - Đó là môn gì mà siêu dữ vậy? Sư nói: - Không phải siêu mà thực, vì đó là môn Thực sự hành. Lời góp ý: Siêu lý học là tên gọi khác của môn học lấy Diệu pháp tạng (Abhidhamma Pitaka) làm đối tượng nghiên cứu. Chủ đề của Diệu pháp là Tâm, Tâm sở, Sắc và Niết bàn. Tâm hợp với Tâm sở và Sắc tạo ra tam giới, đồng thời cũng chính Tâm chứng ngộ Niết bàn. Đó là nguyên lý tổng quát đã được mô tả và phân tích kỹ lưỡng trong môn Siêu lý học. Nhưng pháp học chỉ là phương tiện để thấy ra pháp hành. Thấy pháp hành chưa đủ mà còn phải thực sự hành nữa mới được. Nếu không, người học pháp có thể rơi vào hai sai lầm: 1. Quá say mê pháp học để tích lũy sở tri, không ngờ chính sở tri vay mượn quá chi ly manh mún là trở ngại lớn lao cho việc hành trì. 2. Quá tin vào những công thức tạm lập (để diễn tả cho dễ hiểu) rồi đem ra áp dụng một cách máy móc không sáng tạo mà cho là tu. Có thể những công thức được mô tả đúng đắn, nhưng dầu sao cũng không có công thức nào phô diễn được trọn vẹn chân lý vốn rất linh động khó lường. Chưa kể qua lý trí vọng thức của người học, công thức đã được tiếp thu một cách méo mó. Công thức là phương tiện diễn đạt sự thật mà đã bị méo mó thì sự thật làm sao thấy được, nên khi đem ra áp dụng tưởng là thực hành chánh pháp, hóa ra chỉ là thực hành tà đạo! Người học giáo pháp đúng hướng phải biết “được ý quên lời”, phải biết nhìn vào sự thật chứ đừng nhìn vào công thức. Ví dụ, đừng phân tích tâm qua “công thức lộ trình tâm”, mà qua chính sự diễn biến đang xảy ra một cách sống động nơi tâm mình. Có thể lúc đầu ta không thấy được tâm như công thức gợi ý, nhưng về sau lại thấy vi tế hơn công thức diễn tả rất nhiều. Đừng đem công thức áp dụng lên thực tại, trước khi muốn nhìn thực tại phải biết vất bỏ công thức đi. Vì thực hành là trực tiếp thể nghiệm chân lý chứ không phải mô phỏng, áp dụng hay so sánh công thức với chân lý. Từ chân lý, Bậc Giác Ngộ nói ra lời để chỉ bày chân lý, mượn lời để nhìn thẳng vào sự thật được chỉ bày chứ không phải đem lời áp đặt lên chân lý. Chân lý là sự sống nên chỉ có thể sống chứ không thể áp dụng. Áp dụng tức là áp đặt một khuôn mẫu đã có trước lên trên thực tại đang là, trong khi thực tại đó chính là sự sống luôn luôn linh động và mới mẻ, chỉ có một trí tuệ sâu lắng bất động (accalà gambhirà pannà) mới có thể hội nhập. Trí tuệ đó hoàn toàn trong sáng (visuddhanàna), hoàn toàn ngược lại với dòng thác lý trí vọng thức (anoghanìyà pannà). Vậy phải biết quên bài học về Siêu lý kinh điển để thể hội bài học Siêu lý trên thực tại hiện tiền luôn luôn sinh động mới mẻ. Đó chính là thực sự hành vậy.
|
|