dieuphap.com Trang Chính |
|
42. XUẤT MÔN Phật tử TTNM đánh máy từ quyển Vi
Tiếu Một chú tiểu đang say mê nghiên cứu cuốn “Diệu pháp nhập môn”, thỉnh thoảng đắc ý nói một mình: “Thật là tuyệt diệu! Thật là tuyệt diệu!”. Sư đi ngang qua nói: - Ngươi đọc xong cuốn đó ta sẽ cho học “Diệu pháp xuất môn”. - Bạch Thầy, nhập được môn này con thấy kỳ diệu quá sao lại xuất môn?” Sư nói: - Bởi vậy người ta mới nói nhập môn đã là kỳ diệu mà xuất môn lại càng kỳ diệu hơn. Lời góp ý Xưa có hai cha con ông bá hộ, vì chiến tranh loạn lạc phải bỏ nhà ra đi tha phương cầu thực. Đến lúc thái bình thì người cha đã già yếu sắp lìa bỏ cõi trần. Ông bá hộ bèn viết chúc thư giao lại tòa lâu đài của ông tại quê nhà cho con. Trong chúc thư, ông tả rõ đường về quê cũ, dáng dấp ngôi nhà và từng công dụng chi tiết của từng báu vật bên trong. Người con hàng ngày cứ ngồi đọc chúc thư với lòng tự hào hãnh diện rằng mình là chủ nhân của một toà lâu đài tráng lệ. Càng đọc, anh càng say mê với sự kỳ diệu của những báu vật trong kho tàng vô giá. Có người thấy thế hỏi: “Kho tàng quý giá của anh hiện giờ ở đâu?”. Anh tự hào chỉ chúc thư và nói: “Thì ở đây chứ còn đâu nữa!”. Diệu pháp (Abhidhamma) là một trong ba tạng giáo điển của nhà Phật. Diệu pháp cũng chính là Đệ nhất nghĩa đế (chân lý rốt ráo - paramatthacassa). Như vậy, Diệu pháp vừa có nghĩa là ngôn ngữ chỉ bày thực tại, vừa có nghĩa là chính tự thân thực tại. Nhưng khi một người còn say mê với ngôn ngữ kỳ diệu nói về thực tại thì có nghĩa là anh ta chưa hề thấy thực tại kỳ diệu bao giờ. Mau mau thoát khỏi rừng kinh điển Mở mắt mà xem chuyện gì đây Chớ luận Tam hoàng rồi Ngũ đế Cũng đừng nằm mộng giữa ban ngày.
|
|