dieuphap.com Trang Chính |
|
33. BẢO VỆ ĐẠO PHÁP Phật tử TTNM đánh máy từ quyển Vi
Tiếu Một thanh niên mới xin xuất gia vào thiền đã tỏ vẻ rất nhiệt tình. Thấy vậy, Sư hỏi: - Chí nguyện xuất gia của anh là gì? Thanh niên nói: - Con muốn trở thành một người bảo vệ đạo pháp. Sư nhìn người thanh niên từ đầu đến chân mà nói: - Có lẽ anh nên để đạo pháp bảo vệ anh thì hơn. Lời góp ý: Khi nói đến bảo vệ đạo pháp, nhiều người lầm lẫn một bên là bảo vệ hệ thống Giáo hội hoặc tông phái, bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, bảo vệ truyền thống lễ nghi, kinh điển, giáo điều, đền chùa hoặc các biểu tượng đạo giáo v.v… và một bên là lấy việc học đạo, hành trì, tu chứng hoằng dương chánh pháp để giữ gìn chân lý. Thực ra, chân lý hay đạo pháp không cần phải giữ gìn bảo vệ, vì chân lý dù cho có bị nhận xuống bùn thì vẫn là chân lý, còn tà đạo dù có được tâng bốc tận mây xanh cũng vẫn là tà đạo. Ngược lại, chân lý bảo vệ chúng ta hơn là chúng ta bảo vệ chân lý. Vì thế, Đức Phật dạy: “Thật vậy, Pháp hộ trì cho người hành trì Pháp” (Dhammo have rakkhati Dahammacàri). Người hành bốn Thắng xứ mới xứng đáng là người bảo vệ đạo pháp: 1. Tuệ thắng xứ (Pann’adhitthàna): trí tuệ (Bát nhã) thắng tri pháp đúng thực tướng (vô ngã), không bị khổ lạc chi phối, không rơi vào hữu vô, không chấp thủ thường đoạn, diệt tận khổ ưu, thành tựu thánh trí, chứng ngộ Niết bàn. 2. Đế thắng xứ (Sacc’àdhịtthàna): không dao động, không điên đảo, không hư vọng, chân thực kiến cố, vô thượng an ổn Niết bàn. 3. Xả ly thắng xứ (Càg’àdhịtthàna): buông bỏ tất cả chấp y: bản ngã, ngũ uẩn, trạng thái, cõi giới…, kể cả chấp y Niết bàn. 4. Tịch tịnh thắng xứ (Upasam; àdhịtthàma): đoạn tận tham, sân, si… cùng với tất cả các triền phược, kiết sử, tuỳ miên v.v..., tịch diệt hiện tiền, tự tại vô ngã. Người như thế còn được đạo pháp bảo vệ, huống chi kẻ phàm phu mà có thể bảo vệ đạo pháp.
|
|