dieuphap.com Trang Chính |
|
30. VÔ THƯỜNG Phật tử TTNM đánh máy từ quyển Vi
Tiếu Một chú tiểu đang tưới phong lan, có người khách hỏi: - Chú đã biết đời là vô thường sao còn trồng làm gì thứ vô thường tạm bợ ấy? Chú tiểu nói: - Nhưng nếu chúng mà thường thì tôi còn trồng làm gì nữa? Lời góp ý: Khi nghe Đức Phật dạy: “Sabbe Sankhàrà aniccà’ti” (tất cả hữu vi là vô thường), người ta nghĩ rằng một khi mọi hiện tướng đều biến đổi không ngừng thì cần phải dẹp bỏ hết đi để tìm cái gì thường còn bất biến. Đó là một hiểu lầm to lớn. Thấy vô thường chính là để đừng rơi vào ảo tưởng thường còn. Ví dụ khi ta không còn bị ảo tưởng của dục vọng ước mong đoá hoa còn mãi để rồi rước lấy thất vọng khổ sẩu. Cái khổ xuất phát từ nguyên nhân thấy sai chứ không phải ở bản chất vô thường của hữu vi pháp. Lại nữa, thật ra “hữu vi pháp” hoặc “các hành” ám chỉ tâm sinh diệt của chúng sinh hơn là các ngoại tướng (sắc, thanh, hương, vị, xúc). Chính tâm sinh diệt này tác thành bản ngã, tư tưởng, không gian, thời gian và đau khổ. Cũng vậy, khi nói “vô vi, vô sinh diệt” là nói tâm không động, không thối chuyển hoặc tâm không sinh ngã pháp, chứ không phải là thường tồn vĩnh cữu. Vì ngộ nhận tai hại như thế nên người ta toan lìa bỏ thế gian vô thường tạm bợ để đi tìm thế giới thường hằng vĩng cửu. Đó là “hướng ngoại cầu huyền” nên ngài Huệ Năng một phen phải xác định: “Phật pháp tại thế gian Bất ly thế gian giác Ly thế mích Bồ đề Khắp như tầm thố giác” Người giác ngộ được bản chất vô thường của hữu vi pháp, có thể ung dung chơi trò chơi “như huyễn hạnh” để chỉ cho kẻ mê thấy đời là huyễn.
|
|