dieuphap.com Trang Chính |
|
26. QUỞ TRÁCH THIỀN ĐỊNH Phật tử TTNM đánh máy từ quyển Vi
Tiếu Một thiền sinh quá tinh tấn tham thiền nhập định đến quên ăn bỏ ngủ. Sư trách: - Anh tham thiền chỉ thêm dục vọng, chẳng ích gì đâu. Ít hôm sau đi qua thiền đường, thiền sinh ấy thấy Sư đang dạy một số hành giả về cách tọa thiền, anh tức giận hỏi: - Hôm trước Thầy quở trách tham thiền sao hôm nay Thầy lại dạy tọa thiền nhập định? Sư mắng: - Ta quở trách anh tham thiền chứ đâu có quở trách thiền định. Lời góp ý: Thiền định tự nó không sai, chỉ có người sử dụng nó sai mà thôi. Chỉ trích thiền định là hồ đồ và ấu trĩ, vì thiền định có cái dụng của nó nếu như sử dụng đúng thời, đúng chỗ, đúng căn cơ và đúng “pháp vị” của nó. Có người nghe các Thiền sư nói: “Ngồi thiền không thành Phật”, “chỉ lấy đá đè cỏ”, “mài gạch thành gương”…rồi thẳng tay tống khứ thiền định ra khỏi thành trì tu tập! Nếu chấp thiền định làm cứu cánh thì quả là không thể thành Phật, cao lắm chỉ đến Sắc giới, Vô sắc giới mà thôi. Nhưng thiền định được sử dụng thiện xảo lại là “năng sinh tuệ” và giải thoát ra được biết bao phiền não giữa cõi trần. Sư quở trách một thiền sinh vì anh ta quá ham mê thiền định đến nổi bỏ quên đời sống thực mà đáng lẽ anh ta phải thâm quán từng giây từng phút. Thiền định như thế chỉ tự cô lập, giam hãm, ràng buộc mình và tách mình ra khỏi dòng biến hóa của pháp giới tánh (Sabhàvadhammatà). Một hôm, Đức Phật lấy một sợi râu hạt lúa mì cầm lên và nói: “Này các thầy Tỳ kheo, nếu như cầm không đúng hướng thì sợi râu này sẽ không đâm thủng ngón tay. Cũng vậy, pháp mà Như Lai tuyên thuyết, nếu như không hành đúng hướng, sẽ không đâm thủng vô minh ái dục”. Đức Phật không hoàn toàn tán dương thiền định, cũng không hoàn toàn bác bỏ thiền định. Ngài dạy: “Như Lai chỉ tán dương thiền định nào đoạn giảm bất thiện pháp (5 triển cái) và tăng trưởng thiện pháp (5 thiền chi), chứ Như Lai không tán dương thiền định nào tăng trưởng bất thiện pháp và đoạn giảm thiện pháp”. Bởi thế, người xưa có lý khi nói: Thật tế lý địa bất thọ nhất trần Sự sự môn trung bất xả nhất pháp.
|
|