dieuphap.com Trang Chính


VI TIẾU

HT. Viên Minh

 


24. NAM MÔ THƯỜNG BẤT KHINH

Phật tử TTNM đánh máy từ quyển Vi Tiếu

Một số thiền sinh đang ngồi bàn cải về ý nghĩa một câu kinh. Mỗi người đưa ra một kiến giải khác nhau, ai cũng cho mình đúng, kẻ khác sai.

Sư đi ngang, ngâm bài kệ:

 Cũng chỉ một lời kinh

Tuỳ căn cơ sai khác

Kiến giải bất đồng tình

Nam mô Thường Bất Khinh.

 Lời góp ý:

                        Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan

                       Ly kinh nhất tự tức đồng ma thuyết.

Cho nên, trừ phi các Bậc Giác ngộ đã thấy sự thật không còn y thứ vào ngôn thuyết, những người học Phật khác không nên tự cho chỗ hiểu của mình là tiêu chuẩn. Với những người đang đi tìm ý nghĩa trong kinh giáo như thế, chắc chắn kiến giải sẽ bất đồng, nhiều môn phái nhiều kinh luận ra đời tranh nhau chỗ đứng, ai cũng tự cho mình là nắm được ý chỉ của Phật, nhưng khó mà biết được ai đúng ai sai, ai tà ai chánh.

Sở dĩ kiến giải khác biệt như thế là do căn cơ trình độ bất đồng, điều đó không thể nào tránh được. Người bi quan một chút sẽ than rằng giáo pháp đã bị lu mờ hoặc xuyên tạc, không còn người liễu giải. Nhưng  lạc quan một chút thì sẽ thấy rằng Phật pháp giống như nước mưa, trăm cây ngàn cỏ cứ tuỳ mình sức mà sử dụng. Cây lớn dùng theo sức lớn, cây nhỏ dùng theo sức nhỏ, rồi biến hóa theo cách riêng của mình, đâm chồi nảy lộc, đơm hoa kết trái mà làm đẹp cho đời.

Đã hưởng được lợi ích của mưa pháp thì tuỳ duyên tuỳ sức mà cống hiến cho đời, đừng nên tranh chấp hơn thua sai đúng. Cái sai không phải ở tầm vóc hiểu biết mà ở chỗ ngã mạn cố chấp cho mình là đệ nhất thiên hạ. Không có kinh giáo nào của Phật tự cho là đệ nhất. Những kinh luận tự cho mình là đệ nhất đều do người sau thêm thắt theo tư kiến tư dục của họ mà thôi.

 

 


|  | trở về đầu trang | Trang Mục Lục |

© 2006 dieuphap.com. All Rights Reserved. Kỹ thuật trnh b y nội dung: Minh Hạnh & Chnh Hạnh |