dieuphap.com Trang Chính |
|
21. DU HÍ THẦN THÔNG Phật tử TTNM đánh máy từ quyển Vi
Tiếu Sư cận thị, tín thí mỗi người đem dâng Sư một cặp kính cận, vì vậy Sư đeo khá nhiều kính khác nhau. Vị thị giả hỏi: - Sao thầy đeo nhiều kính thế? Sư đáp: - À, đó là du hí cận thị thần thông. Hôm sau lại thấy Sư không đeo kính, thị giả hỏi: - Sao hôm nay Thầy không đeo kính? Sư nói: - À, đó là thần thông du hí cận thị. Lời góp ý:
Có người nói: “Tôi phải là”, thế rồi cố gắng dựng lên cho mình một con người mẫu với nào là phong cách, nhân cách, tính cách v.v… và rồi những tập tính đó trở thánh thói quen. Vô tình anh ta tự giam mình trong tháp ngà tù ngục của chính mình, muôn đời khó thoát. Nhiều người tu hành cũng không tránh khỏi cái bẫy đó. Hình như họ nỗ lực để trói buộc mình hơn là cởi mở mình ra khỏi những thằng thúc của ý niệm vọng ngã. Họ cố làm ra vẻ giản dị chỉ càng gây thêm phức tạp, họ làm ra bậc Bồ tát chỉ phơi bày tâm địa hẹp hòi. Vì vậy mà một hôm có vị Tăng đến xin Thiền sư chỉ cho cách cởi mở trói buộc, Thiến sư nói: “Có ai trói buộc ngươi đâu!”. Nếu một người thấy pháp đến đi, sinh diệt như thị như thực thì cái xấu cái tốt, cái mất cái còn, cái thuận cái nghịch đâu có gì vướng bận. Khi có kính thì Sư đeo, khi bị giấu đi thì Sư cứ nhìn đời bằng đôi mắt cận thị. Đeo kính thì thấy chỗ diệu dụng của kính. Không đeo kính thì thấy chỗ diệu dụng của đôi mắt trần. Thế giới mờ ảo hay rõ ràng đều có cái hay của nó. Thực tướng không phải ở cảnh, sắc, cũng không phải ở nhãn căn mà ở nơi cái nhìn giác ngộ. Đã thấy chỗ nhiệm mầu của pháp thì không đòi hỏi một điều kiện tất hoàn mà “tuỳ sở trú xứ thường an lạc”. Khổng Tử cũng nói: “Tuỳ cảm nhi ứng, tuỳ ngộ nhi an”. Cho nên chỉ người mê mới cầu toàn, còn người ngộ thì cứ “tuỳ duyên” mà vẫn “bất biến”. Cổ đức nói: “Đói ăn mệt ngủ là thiền, bửa củi gánh nước là diệu dụng thần thông”. Người như thế ắt có thể thong dong trong vạn pháp mà đêm ngày sáu thời vẫn an lành tự tại. Tới lui chừ không động Sinh tử chừ thong dong Đoạn thường chừ chẳng có Nhất dị chừ cũng không.
|
|