dieuphap.com Trang Chính |
|
18. TU SỬA Phật tử TTNM đánh máy từ quyển Vi
Tiếu Một thiền sinh hỏi: - Có phải tu là sửa không? Sư nói: - Không. - Vậy là không sửa? - Cũng không. Thiền sinh không hiểu, thắc mắc: - Như vậy tu phải làm sao? Sư đáp: - Không sửa thì kẹt cái này, sửa thì thành ra cái khác. Lời góp ý Trong kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy: “Quả thất trong sự sụp đổ của chính mình, người ngu đi tìm trí thức và sở đắc mà không biết rằng chính điều đó chẻ cái đầu nó ra làm hai”. Dục vọng của con người thường phóng ra một lý tưởng trong tương lai rồi nỗ lực thực hiện cho bằng được lý tưởng đó, không biết rằng người ta đang chạy theo một ý niệm, một vọng tưởng, một ảo ảnh do bản ngã vẽ ra, nhằm thỏa mãn tham vọng của mình. Tu sửa phải chăng là ý đồ thay thế cái bản ngã đang bị bất mãn bằng một bản ngã vừa lòng hơn? Vậy ý niệm tìm kiếm, chứng đạt, sửa đổi vv… chỉ là công cụ của vô minh dục vọng hầu làm giàu thêm cho bản ngã mà thôi chứ không thể nào giải thoát một cách rốt ráo ra khỏi bản ngã đươc. “Chẻ cái đầu ra làm hai” là như vậy. Nếu thế phải chăng tu là giữ nguyên trạng cái ngã đang có? Nếu giữ nguyên trạng cái ngã vì tự mãn, dính mắc, chấp thủ, đam mê, đắm trước thì đó cũng là vô minh dục vọng. Còn nếu giữ nguyên trạng cái ngã chỉ vỉ “luân hồi nào biết mối manh nẻo về” thì đó chính là mê muội bất giác trong bể khổ trầm luân. Đức Phật dạy: “Như Lai không bước tới, không dừng lại mà thoát khỏi bộc lưu”. Vậy con đường tu của Ngài không phải là sửa đổi, cũng không phải là không sửa đổi. Cốt tử của chỗ tu hành hoặc hạ thủ công phu là mê hay ngộ. Mê thì đâu cũng là biển khổ, ngộ thì đâu cũng là bờ giác. Trong tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác, sửa đổi hay không sửa đổi chủ quan không còn chỗ đứng, chỉ có pháp đương xứ chính là “tịch diệt hiện tiền”, “vô sinh bất diệt”, “Đại bát Niết Bàn”. Quá khứ không truy tầm Không luyến tiếc quá khứ, không mơ mộng tươnglai, không đắm chìm hiện tại, chỉ còn lại Pháp tự nó vận hành thì đâu cần phải sửa hay không sửa để làm gì? Khi ngộ rồi “núi vẫn là núi, sông vẫn là sông”, nên nếu có thay đổi thì đó chính là sự thay đổi tự nhiên của Pháp như bản chất muôn đời của nó. fdh
|
|