dieuphap.com Trang Chính |
|
16. MẤT 32 THÂN Một người thắc mắc về khả năng cứu độ của Đức Quán Thế Âm bèn hởi Sư: - Đức Quán Thế Âm thần thông biến hóa như vậy sao không cứu độ tất cả chúng sinh vào cảnh giới Cực lạc mà cứ để họ trầm luân khổ nạn hoài? Sư đáp: - Úi chà! Nếu được như ý ngươi thì Bố tát mất hết 32 thân! Lời góp ýNếu người ta chỉ biết Đức Quán Thế Âm như là một nhân vật, một vị Bồ tát từ bi quảng đại, biến hóa vô cùng, có thể ứng hiện “32” thân để tùy căn duyên chúng sinh mà cứu độ, thì người ta cũng không khỏi thắc mắc khi thấy mặc dù Đức Quán Thế Âm có đại từ bi, đại thần lực như vậy mà sao thế gian khổ hải vẫn hoà là khổ hải. Lại nữa, không phải chỉ có một Đức Quán Thế Âm mà có vô số Bồ tát như vậy. Riêng các vị Bồ tát cùng hạnh nguyện, cùng danh xưng với Đức Quán Thế Âm cũng dã là vô số kể. Vậy tại sao “tam giới” vẫn ‘bất an do như hỏa trạch”? Những nguyên lý trong đạo Phật mà ai cũng biết là “tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác”, “nhân nào quả nấy”, “ai tu nấy đắc”, “hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”, v.v… chứng tỏ người Phật tử không ỷ lại vào tha lực, vào sự cứu rỗi của một ai khác. Pháp vốn tự nó đã có luật nhân quả thưởng phạt phân minh. Vậy liệu Đức Quán Thế Âm có thể can thiệp vào sự công minh rành rẽ của pháp giới được chăng? Mặt khác, đạo Phật không phải nhằm mục đích trốn lánh chân lý về sự khổ mà người Phật tử phải đối diện trực tiếp với cái khổ để thấy rõ nguyên nhân phát sinh ra nó. KHỔ là một thực tại cần được “thấy, biết, hiện quán và thực chứng”. Đạo Phật không dạy thoát khổ bằng con đường trốn lánh hoặc cầu xin một sự cứu rỗi bên ngoài mà bằng con đường trí tuệ tự chứng. Như vậy, chư Bồ tát nói chung và Bồ tát Quán Thế Âm nói riêng có ý nghĩa gì trong biện chứng giải thoát của đạo Phật? Thực ra, đây chỉ là ý nghĩa biểu tượng: Bồ tát nói chung tượng trưng cho tướng dụng THIỆN MỸ của Pháp. Về phương diện này, Pháp có hai: nội pháp (tâm) và ngoại pháp (cảnh). 1. Đối với tâm pháp, Bồ tát tượng trưng cho tín, tấn, niệm, định, tuệ, từ, bi, hỷ, xả và tất cả thiện pháp. Ngược lại là chúng sinh, như tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến và tất cả bất thiện pháp. Riêng Đức Quán Thế Âm tượng trưng cho từ bi và chánh niệm. Khi một ác pháp khởi lên trong tâm, đó là một chúng sinh đang đau khổ, đang bị đốt cháy, đang bị đắm chìm, đang bị trói buộc, v.v… Chỉ có Bồ tát chánh niệm (+ tỉnh giác) mới cứu độ được ác pháp đó ra khỏi trầm luân sinh tử nên “Ngài” quả là từ bi vô lượng. Bất kỳ ác pháp khởi lên ở đâu, chánh niệm cũng đều tới được để độ, nên thần thông biến hóa - nhất là “nhĩ căn viên thông” - của “Ngài” quả là quảng đại. Khi khổ, niệm quan thế Âm thì hết khổ, có nghĩa là, khi khổ nhớ tới chánh niệm tỉnh giác là hết khổ vậy. 2. Đối với ngoại pháp, Bồ tát tượng trưng cho các quy luật biểu hiện tính chất công minh, minh bạch, rành rẽ, chính xác v.v… của pháp giới tánh như: - Bija-niyàma: định luật về giống loại, nhân quả, di truyền v.v… - Utu-Naỳama: định luật về thời tiết, khí hậu, thiên văn v.v…. - Dhamma-niỳama: định luật về vật lý, hóa học v.v… Những quy luật này luôn luôn tác động vào đời sống chúng sinh khiến họ dần dần học ra được bản chất thật của pháp. Vậy những định luật này chính là những vị Bồ tát luôn nhắc nhở chúng sinh quay về với sự thật (chân lý), giúp chúng sinh giác ngộ là lòng từ bi của Bồ tát, và biến hóa vô cùng của các hiện tượng chính là thần thông quảng đại: đó là Quán Thế Âm đích thực vậy. Ví dụ, vì tham ăn mà ta đau bụng. Nhân quả này giúp ta thấy ra sai lầm của lòng tham. Hoặc vì tu sai bị “tẩu hỏa nhập ma” nhờ vậy mà biết mình tà kiến. Hoặc thấy sinh, già, bệnh, chết mà biết được vô thường sinh diệt. Vậy pháp tướng tác động trong đời sống hàng ngày chính là chư Bồ tát. Chỉ cần chánh niệm tỉnh giác là thấy được pháp tướng pháp tánh như thật. Vì thế, sự thể hiện chân tướng của pháp chính là Bồ tát Quán Thế Âm vậy. Nếu ác pháp khởi lên trong tâm mà không có “Bồ tát Quán Thế Âm chánh niệm tỉnh giác” thâm nhập vào cõi “ngũ trược ác thế” đó để độ cho thì làm sao giải thoát được. Nếu tham ăn đủ thứ mà không có “Bồ tát Quán Thế Âm đau bụng” thì làm sao chữa lành bệnh được. Do không thấy diệu dụng “32” thân của Pháp nên con người mới có dục vọng cầu toàn. Nhưng không biết rằng chính hiện tướng 32 thân tự nó đã hoàn toàn đầy đủ tính chất biến hóa vô cùng, từ bi quảng đại. Nếu “hoàn toàn” như dục vọng của con người mà có thật thì đâu còn 32 thân của pháp nữa. fdh
|
|