dieuphap.com Trang Chính |
|
13. ĐẤNG PHẠM THIÊN BẤT ĐỘNG Thiên sứ xuống trần thấy một đạo sĩ Yoga đang tuyệt thực, ngồi ngay ngắn trong một tịnh thất kín đáo yên tĩnh, thân tâm bất động. Thiên sứ hỏi: - Ðạo sĩ ngồi như vậy để làm gì? - Ðể thể nhập Ðấng Phạm Thiên. Thiên sứ ngơ ngác nhủ thầm: - Ðấng Chí Tôn ban cho hắn uống, ăn, đi, đứng, hoạt động, hiểu biết, tư duy, ngủ nghỉ... có cái nào ngăn trở hắn thể nhập với Ngài đâu. Hay là hắn muốn Ngài phải bất động theo hắn? Lời góp ýPháp vốn đầy đủ mọi điều, không phải chỉ có tịnh mà không động, hữu mà không vô, tánh mà không tướng, thể mà không dụng… Có người nọ được giao cho “ngôi nhà pháp” đầy đủ mọi thứ tiện nghi. Nhưng anh lại bị bịt mắt, chẳng thấy thứ gì nên đi đâu đụng đó. Đụng trên đầu thì lo tránh chỗ cao, đụng dưới chân thì ngại ngùng chỗ thấp, đụng dao thì đứt, đụng lửa thì phỏng… nên đối với anh mọi vật chỉ là tai họa! Anh bèn nghĩ “bây giờ cứ ngồi một chỗ là tốt nhất”. Nhưng ngồi mãi cũng có cái khổ của ngồi, lại còn cần phải uống, phải ăn, phải tiểu, phải đại… Ngồi hoài sao được. Thế rồi anh lại đứng dậy đi, đi thì lại đụng. Lần này anh tự nhủ: “À, phải rồi, bây giờ mình dẹp hết mọi thứ là yên”. Thế là đụng gì anh dẹp nấy, trong nhà rộng rãi, mọi thứ trống trơn. Chưa kịp hân hoan thì bụng đói, nhưng cơm đâu có mà ăn, nước đâu còn mà uống, mệt lả chẳng có giường mà nằm, lạnh queo chẳng mền đâu mà đắp. Té ra ngôi nhà trống trơn lại càng thêm khổ. Anh lại nghĩ “thôi mình bỏ nhà này đi tìm nhà khác”. Cuối cùng anh cũng mò mẫm đến được ngôi nhà bên cạnh. Nhưng khi đến nơi mọi việc cũng hoàn như cũ. Anh thở dài ảo não, thất vọng chán chường, khóc lóc thảm thiết. Ý nghĩ cuối cùng đến với anh là “chỉ còn tự tử là xong”. Có kẻ sáng mắt đi qua, lấy làm lạ gạn hỏi. Anh kể lể đầu đuôi tự sự. Người sáng mắt nói : “Tránh mọi vật hay bỏ chúng đi, ra khỏi nhà hay toan tự tử phỏng có lợi ích gì? Chỉ vì anh bị bịt mắt mà không thấy, chứ mọi vật đâu có tội tình gì, sao không chịu mở mắt ra mà lại ngồi than oán?” Chúng sinh cũng thế, sợ động tìm tịnh, chán tịnh tìm động. Lấy tánh bỏ tướng, tránh thể tìm dụng.. đều y như vậy. Nói là thể nhập vạn pháp mà lại bắt vạn pháp chiều theo ý mình. Pháp vốn không sai không đúng, vì chấp THỂ mà thành ra chơn, giả. Pháp cũng không sạch không dơ, vì chấp TƯỚNG mà hóa thành xấu, đẹp. Pháp lại chẳng hay chẳng dở, vì chấp DỤNG mà biến thành thiện, ác vậy thôi.
|
|