dieuphap.com

Vietnamese, with Unicode VU Times or CN-Times font


Vấn Đáp
Đại cương Vi Diệu Pháp và Tâm

Tỳ kheo Chánh Minh
Chùa Bồ Đề, Vũng Tàu


Xin lưu ý: Cần có phông UnicodeViệt-Phạn VU Times hay CN-Times cài vào máy để đọc các chữ Pàli.

LỜI NÓI ÐẦU

Cố Ðại Trưởng-lão SANTAKICCA (TỊNH SỰ) mang môn ABHIDHAMMA về với Phật-học trong xứ Việt và truyền bá môn học này đến hàng Phật-tử trong xứ. Ngày nay có vị trí tốt đẹp trong hàng Phật-tử tại xứ này.

Tôi may duyên được học môn ABHIDHAMMA và được Ðại Ðức Giác Chánh chỉ dạy những điểm tinh nghĩa của Phật-pháp. Và được sự hỗ trợ tư liệu Phật-học của các vị sư huynh như: Ðại Ðức Thiện Phúc, Ðại Ðức Ngộ Ðạo, Ðại Ðức Giác Giới, Ðại Ðức Pháp Chất và của các vị sư đệ như sư Giác Nguyên, Ðại Ðức Chánh Tuệ...

Soạn phẩm này được hình thành, phần lớn nương vào những dữ liệu của Cố Ðại Trưởng-lão Tịnh Sự và các tư liệu đã được Sư Giác Nguyên và Ðại Ðức Chánh Tuệ dịch. Cũng nương theo bộ Thanh-tịnh Ðạo của Ðại Ðức Ngộ Ðạo dịch ra (phần Tuệ Thanh-tịnh).

Soạn phẩm này dành cho những học viên Vi Diệu-pháp còn sơ cơ để Tiếp-thâu kiến-thức của môn học này.

Nếu như soạn phẩm này pháp nghĩa được minh khai, ngôn từ thông đạt là do hồng ân Pháp Bảo và Trí-tuệ của các vị ấy, bằng ngược lại là do tôi tài sơ trí kém. Kính mong những bậc minh triết ban cho nụ cười rộng lượng và từ bi chỉ dạy những lỗi lầm mắc phải, kính nhận thâm ân ấy. Và những lời này không phải là lời khiêm tốn mà là lời xuất phát từ trái tim.

Mong rằng soạn phẩm này mang lại tri thức cho hàng Phật-tử được tốt đẹp.

Phần công hạnh này xin kính dâng lên Ngài Cố Ðại Trưởng-lão Tịnh Sự cùng các vị hữu ân của tôi.

Cũng xin ghi nhận công đức của Cô Tu Nữ Diệu Tịnh đã gia công trợ giúp, đánh máy soạn phẩm này.

Kính Cẩn.
Tỳ kheo Chánh Minh
Chùa Thiền Quang II,
Long Thành, mùa An cư, PL 2537 (1993)

-ooOoo-

VẤN ÐÁP VỀ ÐẠI CƯƠNG VI DIỆU PHÁP

KỆ TỤNG TRƯỚC KHI ÐỌC:

Arahaṃ sammā sambuddho bhagavā buddhaṃ bhagavanṭaṃ abhivādemi.
Svākkhāṭo bhagavaṭā dhammo dhammaṃ namassāmi.
Suppaṭipanno bhagavāṭo sāvakasaṅgho saṅghaṃ namāmi.
Lokassa nāṭhaṃ varamuṭṭamāhaṃ Buddhañ ca Dhammañ ca panāmāmi Saṅghaṃ.

 

KỆ LỄ BÁI CỦA NGÀI ANURUDDHA:

"Sammā sambuddhamaṭulaṃ.
Sa saddhamma ganuṭṭamaṃ
Abhivādiya bhāsiṭaṃ.
Abhidhammaṭṭha saṅgahaṭi".

Nghĩa:

Sau khi đảnh lễ Ðấng Chánh-giác vô tỷ,
Diệu-pháp tối thượng,
Tăng-chúng vô song.
Tôi sẽ nói đến Thắng-pháp Nghĩa-nhiếp
(Abhidhammaṭṭhasaṅgaha).

-ooOoo-

1/ Hỏi: HÃY GIẢI THÍCH TIẾNG "SADDHAMMA" TRONG KỆ LỄ BÁI CỦA NGÀI ANURUDDHA, BỘ ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA, VÀ NÊU Ý NGHĨA VỀ CHỮ DHAMMA (PHÁP)?

Ðáp:

SADDHAMMA là một hợp từ của chữ SU + DHAMMA. SU là tốt đẹp, thù diệu; DHAMMA là Pháp. SADDHAMMA là Pháp đặc biệt thù thắng tốt đẹp, được dịch là DIỆU - PHÁP.

Chữ DHAMMA từ ngữ căn DHAR là nắm giữ, nâng đỡ. Chữ DHAMMA mang ý nghĩa sau đây:

- Giáo lý hay lời dạy của Ðức Phật (Buddhabhāsiṭa: Phật-ngôn). Như câu nói: "Pháp được Ðức Thế-tôn khéo thuyết".

- Pháp là những gì có tính tốt đẹp nâng đỡ, như câu: "DHAMMO HAVE RAKKHATI DHAMMACĀRIṂ: Pháp hộ trì người hành Pháp".

- Pháp là những gì có đặc tính công minh, không thiên vị, như Pháp-thiện cho quả vui, an lạc; Pháp bất-thiện cho quả khổ.

- Pháp là những gì có tự tính (sabhāva) riêng biệt, không lẫn lộn như: Pháp-thiện (kusala dhamma), Pháp bất-thiện (akusaladhamma), Pháp vô-ký (abyākaṭa dhamma).

- Pháp là những gì có tướng trạng (lakkhaṇa) riêng như tròn, vuông, hữu hình, vô tướng...

Pháp gom lại bốn loại:

1- Guṇa dhamma: Ðức tính của pháp, tức là nói đến Pháp và phi Pháp.

"Pháp" có đặc tính tốt đẹp đưa đến lợi ích an lạc đời này và đời sau, tức là Pháp-thiện. Như Phật-ngôn: "Vị Tỷ-kheo trong Pháp luật này ..".

"Phi Pháp" là đặc tính ác xấu, cho quả khổ, bất lạc trong hiện tại lẫn vị lai, tức là Pháp bất-thiện.

2- Desanā dhamma: Pháp thuyết, là sự thuyết giảng Pháp-thiện xảo ở ba chặng: Chặng đầu, chặng giữa và chặng cuối của Ðức Thế-tôn.

3- Pariyaṭṭi dhamma: Pháp-học, là chín chi phần trong Giáo-pháp Ðức Phật.

4- Nissaṭṭa nijjīvaḍhamma: Phi hữu tình phi mạng-quyền pháp. Tức là nói đến hai loại Pháp: Pháp hữu mạng-quyền và Pháp vô mạng-quyền, Pháp hữu mạng-quyền là chỉ chúng sanh được thành tựu do nghiệp, được nghiệp bảo trì, tức là năm uẩn. Pháp vô mạng-quyền là những Pháp hình thành do thời tiết (âm dương) như núi, đất, đá sông...không có sắc mạng-quyền hay danh mạng-quyền.

2/ Hỏi: Ý NGHĨA SADDHAMMA (DIỆU-PHÁP) RA SAO?

Ðáp:

SADDHAMMA (Diệu-pháp) mang ý nghĩa:

- Là những Pháp thù diệu đặc biệt.
- Muốn nói đến Tạng Abhidhamma (Thắng-pháp).

Ngài JOTIKA giải thích chữ SADDHAMMA bằng ba chi tiết:

- Pariyaṭṭi sadhamma: Chỉ Chánh-tạng và Sớ-giải (aṭṭhakaṭhā) tức là Pháp-học gồm chín chi phần.

- Paṭipaṭṭi saddhamma: Chỉ cho sự giữ giới, tu hạnh Ðầu đà (dhuṭaṅga), tu thiền Chỉ (samāṭha) hay thiền Quán (vipassanā), tức là Pháp-hành.

- Paṭivedha saddhamma: Những Pháp được thành tựu tốt đẹp như Ðạo, Quả, Níp-bàn, Thắng-trí (abhiññāṇa), thiền-định (jhāna), chính là Pháp-thành.

3/ Hỏi: TAM-TẠNG (TIPIṬAKA) LÀ LUẬT-TẠNG (VINAYA PIṬAKA), KINH-TẠNG (SUTTANTA PIṬAKA) VÀ LUẬN-TẠNG (ABHIDHAMMA PIṬAKA) LIÊN QUAN PHÁP-HỌC CÓ CHÍN CHI PHẦN NHƯ THẾ NÀO?

Ðáp:

Khi Ðức Thế-tôn còn tại thế, chưa có Luật, Kinh và Luận Tạng, chỉ có Pháp và Luật (dhamma vinaya) mà thôi. Khi Ðức Thế-tôn đã Vô-dư-y Níp-bàn, chư Tăng kết tập Pháp ngôn để lưu truyền cho hậu thế.

Vào thời kỳ kiết tập lần thứ ba, Ðức-vua Dhammāsoka là vị đại Hộ-pháp cho cuộc kết tập này do Ngài Moggallipuṭṭa làm chủ toạ, có tất cả một ngàn vị Thánh-tăng hội lại. Sau khi chỉnh đốn lại những tri-kiến sai lệch của mười tám (hay hai mươi) tông phái thời bấy giờ, Pháp-bảo được ghi chép thành ba phần, chứa vào ba giỏ (piṭaka), là: giỏ Luật, giỏ Kinh và giỏ Luận (piṭaka còn có nghĩa là kho, Tạng).

Sở dĩ gọi là Luật - Kinh - Luận, vì Luật được xem như nền tảng của Pháp-hành (tức là GIỚI), Pháp được phân thành Kinh và Luận, Tạng-kinh tiêu biểu cho Ðịnh và Tạng-luận tiêu biểu cho Tuệ. GIỚI - ÐỊNH - TUỆ là nền tảng của Phật-giáo.

Các Giáo-thọ sư có ghi rằng:

Bậc trì Luật-tạng sẽ chứng đạt A-la-hán Tam-minh.
Bậc trì Kinh-tạng sẽ chứng đạt A-la-hán Lục-thông.
Bậc trì Luận-tạng sẽ chứng đạt A-la-hán Tuệ phân-tích.

Cả ba Tạng đều đưa đến chứng đạt A-la-hán Nhất-minh (sukha vipassako arahaṭṭa).

Tam-tạng là Pháp-luật trong Giáo-pháp của Ðức Thế-tôn, được hệ thống hoá từ Pháp-học, có chín chi phần như sau:

1) Suṭṭaṃ (Khế-kinh): Là Tạng-luật, hai bộ Xiển-minh và tất cả những bài Kinh (suṭṭa) không có Kệ-ngôn.

2) Geyya (Ứng-tụng): Là những bài Kinh có Kệ-ngôn (gāṭhā) như sagāṭhavagga (Hữu kệ phẩm) trong Tương-ưng-bộ (Saṃyuṭṭa nikāya).

3) Veyyākaraṇaṃ (Ký-thuyết): Là những Phật-ngôn ngoài Kệ-ngôn và Phật-ngôn khác, được xếp vào tám phần còn lại như Tạng-luận, Tương-ưng bộ.

4) Gāṭhā (Phúng-tụng): Là tất cả những Kệ-ngôn như Pháp-cú kinh (Dhammapāda), Trưởng-lão Tăng kệ (Theragāṭhā), Trưởng-lão Ni kệ (Therīgāṭhā), là những bài kệ trong kinh Tập (Suṭṭanipāṭa) không thuộc Khế-kinh.

5) Udāna (Cảm-hứng ngữ): Là những bài Kinh được Ðức Thế-tôn thuyết lên với Hỷ lạc tương-ưng Trí. Tổng cộng có tám mươi hai bài.

6) Paṭivuṭṭaka (Như-thị thuyết): Là những bài Kinh có nêu: "Vuṭṭamidaṃ bhagavaṭā - lời này được Ðức Thế-tôn nói", có một trăm mười bộ.

7) Jāṭaka (Bổn-sanh): Những câu chuyện tiền thân, gồm có năm trăm năm mươi câu chuyện tiền thân.

8) Abbhūṭa dhamma (Vị Tằng-hữu Pháp): Là những bài Kinh nói về những điều vi-diệu, hy-hữu không từng có, như Ðức Phật dạy rằng: "Này chư Tỷ-kheo! Có bốn Pháp hy-hữu vị tằng-hữu có nơi Ānanda..".

9) Vedalla (Phương-quảng): Là những bài Kinh do người, chư-thiên hoan hỷ Hỏi đáp, được Ðức Phật thọ ký như: Cūḷavedalla suṭṭa (Tiểu Phương-quảng kinh), Sammā-diṭṭhisuṭṭa (Chánh Tri-kiến), Sakkapañhā suṭṭa (Ðế-thích sở vấn), Sankhābhājanīya suṭṭa, Mahāpuṇṇa suṭṭa ...

4/ Hỏi: NÓI RÕ Ý NGHĨA ABHIDHAMMA VÀ PARAMATTHA?

Ðáp:

ABHIDHAMMA được phân-tích thành ABHI + DHAMMA, tiếp đầu ngữ ABHI có nghĩa là cao tột, thù thắng. ABHIDHAMMA là Pháp cao siêu, thù thắng tốt đẹp, được dịch là Thắng-pháp.

ABHIDHAMMA còn là tên của Pháp môn thù diệu được Ðức Thế-tôn giảng thuyết tại cõi trời Ðạo-lợi vào hạ thứ bảy để tế độ Mẫu Hậu của Ngài là Hoàng-hậu Māyā. ABHIDHAMMA gồm có bảy bộ, gồm bốn mươi hai ngàn pháp-uẩn (dhammakkhandha).

Bảy bộ đó là:

Dhammasaṅgani (Pháp-tụ)
Vibhaṅga (Phân-tích)
Dhāṭukaṭhā (Nguyên-chất ngữ)
Puggalapaññaṭṭi (Nhơn chế-định)
Kaṭhāvaṭṭhu (Luận-điểm)
Yamaka (Song-đối)
Paṭṭhāna (Ðại-xứ)

Còn paramaṭṭha, khi phân-tích thì được là PARAMA và ATTHA, PARAMA là cùng tột, parama được giải thích là cái gì không thể biến đổi (avipariṭa: bất biến, không thể đổi khác), không thể trở thành cái gì khác. ATTHA là điều, vật (aṭṭha ở đây không có nghĩa là NGHĨA LÝ). Paramaṭṭha là điều không thể thay đổi, biến đổi được.

Như thế, chẳng phải trong Tạng Abhidhamma mới được gọi là paramaṭṭha, ngay trong Tạng-kinh hay Tạng-luật cũng ẩn tàng paramaṭṭha.

Paramaṭṭha có thể dịch là sự thật tuyệt đối, paramaṭṭha mang tính chất CHÂN NHƯ tuyệt đối, là Pháp cơ bản (padhāna) cho Tục-đế. Tức là do nương theo paramaṭṭha mà định danh (nāmapaññaṭṭi) hoặc định đặt ý nghĩa (aṭṭhapaññaṭṭi). Do vậy, paramaṭṭha có thể gọi là SIÊU LÝ cũng được.

5/ Hỏi: GỌI LÀ ABHIDHAMMA DO NHÂN NÀO?

Ðáp:

Ðược gọi là ABHIDHAMMA do sáu nhân:

1) Suy xét trọn bảy ngày đêm sau khi Ngài chứng đắc Quả Vô-thượng Chánh-đẳng-giác, vào tuấn lễ thứ tư.

2) Khi suy xét hay thuyết đến bộ này, hào quang sáu màu của Ngài chiếu sáng rực rỡ.

3) Trước khi thuyết Tạng ABHIDHAMMA, Ðức Phật dùng Song Thông-lực để nhiếp phục ngoại đạo.

4) Thuyết Tạng ABHIDHAMMA mới xứng đáng đền đáp công ơn của thân mẫu Ngài là Hoàng-hậu Māyā.

5) Thuyết ròng rã trọn ba tháng (tính theo nhân loại) tại cung trời Tam-thập-tam (ṭāvaṭiṃsa).

6) Chư Thiên đắc Ðạo-quả đến tám trăm triệu vị.

6/ Hỏi: CÓ PHẢI KHI ÐỨC-PHẬT THUYẾT TẠNG ABHIDHAMMA HÀO QUANG NGÀI PHÁT RA LÀ DO NĂNG LỰC THẦN THÔNG CỦA NGÀI?

Ðáp:

Không phải như vậy, vì khi ấy tâm của Ngài cực thanh-tịnh, và Phật-trí được phát huy thoải mái, hào quang tự hiện khởi.

Một số Giáo-thọ sư cho rằng: "Khi ấy Ngài phải tận dụng đến Phật-trí tột độ, phải "ép trí" để phát huy năng lực của một vị Phật". Ðiều này không phải như thế, các vị Giáo-thọ sư tiền bối bảo rằng: "Khi Ðức Thế-tôn thuyết Tạng-kinh hay Tạng-luật, Phật-trí của Ngài ví như con đại kình ngư phải trườn lên bờ để đi đến mục đích", khi Ngài thuyết sáu bộ Thắng-pháp đầu, Phật-trí của Ngài ví như đại kình ngư đi vào sông lớn, tuy có thoải mái hơn so với khi trườn lên khô, nhưng không đủ không gian để vẫy vùng thoả sức. Ðến khi Ngài thuyết đến bộ thứ bảy là bộ Paṭṭhāna, Phật-trí của Ngài ví như đại kình ngư ra đến đại hải, sâu rộng mênh mông, đại kình ngư ấy vô cùng thoả thích, vẫy vùng không bị chướng ngại.

Cũng vậy, khi Ngài thuyết đến bộ Ðại-xứ, Phật-trí của Ngài có cơ hội phát huy vô chướng ngại đối với các pháp Duyên-sinh - Duyên-hệ cực kỳ thâm sâu và rộng lớn như đại hải, tâm Ngài vô cùng thoả thích và Phật-quang tự hiện khởi toả ra, ví như vị bác học được trình bày những vấn đề cao siêu trước một nhóm người có sự nhận-thức cao, vị học giả ấy say sưa diễn-thuyết vậy.

7/ Hỏi: GỌI LÀ PARAMATTHA CÓ BAO NHIÊU Ý NGHĨA? CÓ BAO NHIÊU LOẠI PARAMATTHA?

Ðáp:

Gọi là PARAMATTHA là do ba ý nghĩa:

1- Ðặc biệt.
2- Cảnh của tuệ cao.
3- Chủ chế-định.

Gọi là ÐẶC BIỆT là do có ý nghĩa là: "Không hề thay đổi (avipariṭa), tức là đặc tính của pháp ấy như thế nào, luôn luôn giữ nguyên đặc tính ấy, không bị thời gian, không gian hoặc chủng loại chi phối. Như:

Ðặc tính (sabhāva) của tâm (ciṭṭa) là luôn luôn biết cảnh (ārammaṇa) cho dù đó là tâm người, thú hay chư-thiên... Hoặc ở cảnh giới địa-ngục, ma quỷ, súc-sanh, người hay Thiên-giới, chí đến cõi Phi-tưởng phi phi-tưởng, cho dù là tâm sanh ban ngày hay ban đêm ... đặc tính BIẾT CẢNH ấy không thay đổi thành đặc tính khác được.

Hoặc đặc tính của sở-hữu tâm (ceṭasika) là phụ thuộc vào tâm, đồng sanh, đồng diệt, đồng biết một cảnh với tâm và đồng nương một vật, không một lý do nào có thể làm cho sở-hữu tâm trở thành "dẫn đầu tâm", hay ba tính chất đồng sanh, đồng diệt, đồng biết một cảnh với tâm trở thành tính chất khác được.

Hoặc như sắc-pháp (rūpa dhamma), có đặc tính đổi thay tiêu hoại, nhưng dù có đổi thay tiêu hoại do nguyên nhân nào đi nữa như do gió, do lửa, lạnh nóng, bị đánh đập, đâm chém, do côn trùng ... nhưng đặc tính riêng vẫn tồn tại, như đất có trạng thái CỨNG hoặc MỀM, cho dù chúng ở hình thức nào: lớn như núi Sineru (Tu-di) hay nhỏ như vi trần (hạt bụi), đặc tính "cứng hay mềm" vẫn như vậy.

Mặt khác, đặc tính đổi thay do tác động bên ngoài đều có được đối với tất cả sắc-pháp, chẳng ngoại trừ sắc nào cả.

Tuy bị đổi thay tiêu hoại, nhưng sự biến đổi đặc tính (sabhāva) của sắc-pháp không hề có, nên sắc-pháp được gọi là paramaṭṭha.

Pāli có giải như vầy:

Parama avipariṭo aṭṭhoṭi = paramaṭṭho
"Không có sự thay đổi khác biệt, nên gọi là paramaṭṭha".

Gọi là CẢNH TUỆ CAO, ý muốn chỉ: Nhận thức được "Sự biến đổi đặc tính" phải có trí-tuệ cao, phải nhận thức hay đắc chứng theo cách phi thường, chẳng phải nhận biết theo cách thông thường như trong đời được.

Paramaṭṭha dhamma là Pháp có nghĩa-lý thâm sâu. Người không có Thượng-trí (uṭṭamaññāṇa), tức là không có trí-tuệ cao quý, không thể nào rõ được đặc tính của paramaṭṭhadhamma.

Người có Thượng-trí (uṭṭamaññāṇa) ở đây chỉ bậc Chánh-đẳng-giác (samāsambuddha), Phật Ðộc-giác (paccekabuddha), Chư Thinh-văn (ariyasāvaka), Người Tam-nhân (ṭiheṭupuggala) có trí-tuệ nhạy bén.

Các Giáo-thọ sư ṭīkā (ṭīkācariya) có giải thích uṭṭamaññāṇa chính là sabbaññuṭaññāṇa (Nhất-thiết trí), vì trong tất cả Thượng-trí thì Toàn-giác trí là cao tột nhất, chẳng có một loại Trí nào có thể hơn cả, là Trí rực sáng nhất.

Nhưng chẳng phải chỉ có sabbaññuṭaññāṇa mới có khả năng thấu hiểu được đặc tính của paramaṭṭhadhamma các Thượng-trí khác cũng có khả năng hiểu rõ đặc tính bất biến của paramaṭṭha nếu như được học và có sự suy nghiệm đúng đắn, nhưng sâu hay nông là do sự chứng đạt Pháp, ví như mắt đều nhìn thấy vật, nhưng rõ rệt hay không là do mắt tinh hay có khiếm khuyết (cận thị hay viễn thị) mà thôi.

Cũng nên ghi nhận rằng: Người có trí-tuệ kém, cho dù có học hay nghiên cứu, cũng chỉ có được khái niệm, chứ không có khả năng thấu đáo tường tận đặc tính của paramaṭṭha. Như vậy hạng người này không được gọi là thông hiểu paramaṭṭhadhamma.

Người Tam-nhân có được Thượng-trí rõ ràng là hành giả hành vipassanā kammaṭṭhāna (quán Nghiệp-xứ), hoặc vị đã thành đạt được Ðạo-quả Níp-bàn, tuy không được học paramaṭṭha, vẫn được gọi là người thông hiểu đặc tính của paramaṭṭhadhamma. Nhưng sự nhận thức của vị Thánh hay Hành-giả này không được quảng bác như người có học paramaṭṭhadhamma.

Như vậy, Pháp nào là đối tượng (ārammaṇa: cảnh) để Thượng-trí bám lấy (gocara: dạo đi, hành xứ), Pháp ấy được gọi là paramaṭṭha. Có câu giải tự như sau:

"Paramassa uṭṭamaññāṇassa aṭṭhoṭi (goca-roṭi) = Paramaṭṭho: (đặc-tính) Pháp nào là hành xứ (đối tượng) của Thượng-trí, pháp ấy gọi là paramaṭṭha.

Gọi là CHỦ CHẾ-ÐỊNH hay là PHÁP DẪN ÐẦU (padhāna dhamma), nghĩa là từ cơ sở đó chủ trương định đặt thành danh từ, những ý nghĩa, những hình tướng để nêu bày rõ ràng.

Ý nghĩa chân-đế ra sao? Như: chúng sanh trong tam giới, dù có định đặt danh từ là người, chư-thiên, phạm-thiên... mặc dù mang hình tướng như thế này, như thế nọ, có ý nghĩa như vầy, như kia. Chung quy cũng không vượt qua ba pháp: Tâm (ciṭṭa), sở-hữu tâm (ceṭasika) và sắc (rūpa). Ngay cả những Pháp vô mạng-quyền (ajīviṭadhamma) như đất, gió, cây, núi ... chung quy chỉ là sắc-pháp mà thôi, ngoài ra chẳng có chi là khác.

Pāli có Sớ-giải như vầy:

Paramo padhāno aṭṭhoṭi = Paramaṭṭha.
Pháp dẫn đầu gọi là paramaṭṭha.

Paramaṭṭhadhamma có bốn Pháp là TÂM, SỞ-HỮU TÂM, SẮC-PHÁP và NÍP-BÀN.

8/ Hỏi: HÃY NÊU BÀY Ý NGHĨA CỦA NHỮNG TỪ NGỮ: NĀMA (DANH), VIÑÑĀṆA (THỨC), MANO (Ý) VÀ CITTA (TÂM)?

Ðáp:

Nāma (Danh) là chỉ những thành phần thuộc lãnh vực trừu tượng, tức là về tinh thần (nibbaṭṭika- trừu tượng), có hai loại Danh-pháp (nāmadhamma) là Danh-pháp hữu-vi và Danh-pháp vô-vi. Danh-pháp hữu-vi là những thành phần trừu tượng, nhưng thành tựu do có nhân có duyên tạo tác, tức là Thọ (venadā), Tưởng (saññā), Hành (saṅkhāra) và Thức (viññāṇa). Còn Danh-pháp vô-vi tuy có thực tướng (lakkhaṇa), nhưng không do nhân duyên trực tiếp tạo tác, đó chính là Níp-bàn.

VIÑÑĀṆA phân-tích thành VI + ÑĀṆA, VI là đặc biệt. ÑĀṆA là sự hiểu biết, nhận thức. Viññāṇa là sự nhận biết (cảnh) theo nhiều cách đặc biệt, như biết cảnh-sắc do mắt, biết cảnh-thinh do tai, biết cảnh-khí do mũi... Gom gọn lại có sáu loại thức là: Nhãn-thức (cakkhuviññāṇa), Nhĩ-thức (soṭaviññāṇa), Tỷ-thức (ghānaviññāṇa), Thiệt-thức (jīvhaviññāṇa), Thân-thức (kāyaviññāṇa) và Ý-thức (manoviññāṇa). Ðược phân thành sáu loại như thế do nương vào sáu vật (vaṭṭhu).

Một cách khác, Vi nghĩa là không có, Ñāṇa là Trí. Tức là sự nhận thức này không có sự biết của Trí tham dự, đó chỉ là cái biết đơn thuần do Thức mà thôi.

Viññāṇa chỉ chung cho tất cả tâm, như câu nói viññāṇakkhandha (Thức-uẩn). Phần chính yếu ở đây là nói sự nhận biết cảnh của Thức theo cách đặc biệt, tức là sự biết này không phải do Trí, không phải do Tưởng. Trong pháp Duyên-khởi (paṭicca samuppāda) có ghi rằng: "Saṅkhāra paccayā viññāṇaṃ: Hành duyên thức". Thức ở đây chỉ cho ba mươi hai tâm-quả hiệp-thế.

MANO (Ý) là chỉ cho những tâm có phận sự ÐỔNG-LỰC (javana kicca), tức là có tính hưởng cảnh và xử sự cảnh thích ứng, ví như người có tài sản và cách sử dụng tài sản ấy. Chính mano (Ý) này sẽ duy tồn lại chủng tử (bīja) tạo thành quả an lạc hay đau khổ về sau (vipāka: Quả dị-thục).

Như trong Dhammapāda (Pháp-cú kinh) có ghi:

"Mano pubbaṅgamā dhammā...
Ý dẫn đầu các pháp...". (Pháp Cú số 1 - 2).

Cũng có những mano không lưu chủng tử để tạo quả dị-thục, nhưng vẫn có phận sự xử sự cảnh thích ứng, như những tâm Ðại-hạnh (kiriyaciṭṭa) hữu-nhân, tâm quả Siêu-thế (lokuṭṭarapalaciṭṭa).

CITTA (tâm), từ ngữ căn là CINT hay CIT, nghĩa là suy nghĩ. Có những câu giải tự như sau:

Ārammaṇaṃ cinṭeṭīṭi = ciṭṭaṃ: Tư duy (suy nghĩ) đến cảnh, gọi là Tâm.

Cinṭeṭi sampayuṭṭadhamma eṭenāṭi = Ciṭṭaṃ: Nhờ cái nào mà các pháp tương-ưng (chỉ các sở-hữu câu sanh) nhận biết cảnh, cái ấy gọi là Tâm.

Cinṭanamaṭṭaṃ = Ciṭṭaṃ: Chính cái biết (suy nghĩ), gọi là Tâm.

Một số học giả ghi nhận rằng: Cinṭeṭi đồng nghĩa với vijānāṭi (biết), do đó tâm thường được định nghĩa là biết đến đối tượng (cảnh - ārammaṇa).

Như thế, cái nhận biết cảnh gọi là Tâm. Mặt khác, chữ ciṭṭa còn có nghĩa là ÐA DẠNG, tức là sự biết cảnh này rất đa dạng và làm cho các pháp khác trở nên đa dạng phức tạp. Như có câu giải tự sau:

Ciṭṭī karoṭīṭi = Ciṭṭaṃ: Cái nào (dhammajāṭi: Pháp chủng) làm đời sống chúng sanh trở nên đa dạng, pháp ấy gọi là Tâm.

Thật vậy, sở dĩ chúng sanh đa dạng, có chủng loại khác nhau, đời sống sai biệt... là do sở-hành hay hạnh-nghiệp (thiện, bất-thiện) sai biệt, sở-hành sai biệt do tham-ái sai biệt (rāga: tham-ái), tham-ái sai biệt do tâm sai biệt.

Ngay cả những đồ vật vô tri (ajīviṭa) như đất, nước, cây cối... trở nên đa dạng phức tạp cũng từ nơi tâm tạo tác. Như những kiểu nữ trang được hình thành do sự sáng tạo của người thợ bạc, những Hoàng-cung, lâu-đài mỹ diệu cũng do sự suy nghĩ của các Kiến-trúc sư...

Tóm lại, nói theo bản thể, ciṭṭa có ba khía cạnh:

- Có trạng thái nhận biết cảnh.
- Là nhân khiến các sở-hữu cùng biết cảnh như nó.
- Làm cho những sinh vật (jīviṭa) hay các loại vô-sinh (ajīviṭa) trở nên đa dạng sai biệt.

Tóm lại, cả bốn từ ngữ: nāma, viññāṇa, mano, ciṭṭa có chung nhau khía cạnh là Nhận Biết Cảnh, nhưng cũng có khía cạnh khác nhau là: Nói về lãnh vực trừu tượng thuộc tinh thần thì gọi là nāma, nhận thức cảnh do nương vật khác nhau và không có sự tham dự của biết do trí thì gọi là viññāṇa, xử sự với cảnh thích ứng gọi là mano, có trạng thái đa dạng và làm cho các pháp trở nên đa dạng gọi là tâm (ciṭṭa).

9/ Hỏi: GỌI SỰ BIẾT CẢNH CỦA VIÑÑĀṆA (HAY CITTA) LÀ ÐẶC BIỆT THẾ NÀO?

Ðáp:

Trạng thái của Thức hay tâm là Biết Cảnh Luôn Luôn, nhưng sự biết này gọi là "đặc biệt" không phải do ý nghĩa là khéo hơn, nhiều hơn hay thù thắng hơn mà "đặc biệt" ở đây ám chỉ loại trừ sự biết do Tưởng (saññā) và sự biết do Trí (ñāṇa).

Các Giáo-thọ sư Anīlaṭīkā có giải rằng:

- Vijāmanaṃ nāma upaladdhi: Luôn luôn biết cảnh bằng cách tách lìa khỏi saññā (tưởng) và paññā (trí), nên gọi là biết cảnh đặc biệt.

Trong sự nhận biết cảnh có ba cách:

- Biết do Tưởng (saññā).
- Biết do Thức (viññāṇa).
- Biết do Tuệ (paññā).

Gọi là "Biết do Tưởng" là sự biết do nhớ lại vật, đối tượng (ārammana) đã từng gặp như nhớ lại màu xanh, vàng, tròn, vuông... sự biết do tưởng cũng có khi đúng cũng có khi sai. Ví như đứa trẻ nhìn thấy vàng, nó cũng biết rằng là vàng, do nhớ lại vật có màu vàng đã từng gặp, nhưng vàng thật hay vàng giả thì nó không biết được. Ðây gọi là cái biết do Tưởng (sañnā).

Gọi là "Biết do Thức" là cái biết không cần phải nhớ lại, cũng không cần phải suy xét nhiều, cái biết tự nhiên đến. Ví như người kinh doanh vàng ngọc, trông thấy vàng là biết ngay, không cần phải nhớ lại. Cái biết này đúng nhưng không sâu.

Gọi là "Biết do Tuệ" là cái biết đúng theo thực tướng đối tượng, tức là sự biết rõ ràng: Ðây là đối tượng tốt đẹp cần giữ lấy, cần duy trì; đây là đối tượng không tốt đẹp cần loại bỏ. Ví như người thợ bạc khi nhìn thấy vàng biết rõ ràng đấy là vàng thật hay vàng giả, có trọng lượng là bao nhiêu đây, loại vàng này thích hợp với kiểu nữ trang như vầy, như vầy hay làm thành vật dụng... Ðây là cách biết do Tuệ.

Cái biết của Thức gọi là đặc biệt do loại trừ cái biết của Tưởng, cái biết của Trí là như thế. Ý nghĩa ÐẶC BIỆT ở đây là nói đến sự biết "theo đường hướng riêng", không liên quan gì đến Tưởng và Trí mặc dù có sự hiện diện của hai Pháp này. Ví như ba người cùng đi đến một thành phố, nhưng mỗi người nhận định thành phố theo hướng riêng của mình. Cũng vậy, mặc dầu đôi khi có Tưởng và Trí đi chung, nhưng mỗi Pháp nhận biết cảnh theo cách riêng của mình.

10/ Hỏi: HÃY NÊU BÀY RÕ Ý NGHĨA "ÐA DẠNG" CỦA CITTA?

Ðáp:

Ngoài sự tạo tác các vật thể bên ngoài thành sai khác nhiều vẻ, nhiều cách ra, chính bản thân tâm cũng có nhiều tính cách đa dạng phức tạp như: Tuy cùng một đối tượng (ārammaṇa), nhưng chỉ có riêng một loại tâm biết, còn có nhiều loại tâm khác nữa, tâm tốt cũng có, tâm xấu cũng có. Như đối với người thường khi trông thấy xác chết thì tỏ ra ghê tởm, kinh sợ, về sau chính người này tu tập đề mục tử-thi, khi gặp tử thi thì tâm không còn kinh sợ, nhờm tởm nữa, trái lại lấy đó làm đề mục tu-tiến (bhāvanā), hay là tuy cùng cảnh-sắc đẹp có loại tâm tham sanh lên, cũng có loại tâm ly tham sanh lên để nhận thấy cảnh ấy.

Trong Saṃyuṭṭanikāya, Ðức Thế-tôn có dạy:

- " Này các Tỷ-kheo! Có khi nào các thầy thấy một bức tranh chưa?

- Bạch Thế-tôn! Có.

- Này các Tỷ-kheo! Bức tranh ấy có nhiều sai biệt phức tạp cũng là do tâm tạo tác thành.
Nhưng này các Tỷ-kheo! Tâm còn đa dạng phức tạp hơn cả bức tranh đó nữa.
Này các Tỷ-kheo! Trong tất cả chúng sanh ở đời, loài bàng-sanh phức tạp hơn cả. Tất cả sự đa dạng ấy là do tâm tạo ra. Nhưng này các Tỷ-kheo! tâm còn phức tạp, đa dạng hơn cả loài bàng-sanh ấy".

Chính tính cách sanh diệt cực nhanh của tâm, nên sự nhận thức được tâm rõ ràng rất khó, do đó gọi là đa dạng. Như trong Dhammapāda (Pháp-cú kinh) có Kệ-ngôn:

"Tâm rất khó kiểm soát, lanh lẹ phóng đi khắp nơi..". (Pháp Cú 35)

Hay:

"Sududdasaṃ sunipuṇaṃ
Yaṭṭhakāmanipāṭinaṃ...
- Rất khó tri giác cái Tâm, tâm vô cùng tế nhị..". (Pháp Cú 36)

Tâm có năng lực đưa chúng sanh đến đọa xứ khổ cảnh, cũng có năng lực đưa chúng sanh đến nhàn cảnh, hoặc thành tựu được Ðạo-quả, chứng đạt Níp-bàn. Do đó gọi là đa dạng.

Dhammapāda có ghi rằng:

"Bất luận điều nguy hại nào do kẻ thù gây ra hay người oán hận gây ra. Tâm hướng về điều ác có thể gây nguy hại hơn nhiều". (Pháp Cú 42)

Hay:

"Ðiều mà không một người mẹ, người cha hay bất luận thân bằng quyến thuộc nào có thể làm được. Tâm hướng thiện có thể làm, nhờ đó đưa ta lên bờ". (Pháp Cú 43)

Trong kho tàng Pháp-học của Thái Lan có giải năm ý nghĩa của tâm, để nêu lên tính cách đa dạng như sau:

1) Thâu bắt cảnh rõ rệt, gọi là Tâm.
2) Do có đổng-lực (javana) là thiện, bất-thiện, quả và hạnh, gọi là tâm.
3) Chủ trương quến tụ phiền-não (kilesa) hay thành đạt Ðạo, Quả nên gọi là Tâm.
4) Khéo léo suy xét, sắp đặt thành nhiều cách đặc biệt trong đời, nên gọi là Tâm.
5) Tích tụ nghiệp do Tập hành duyên (āsevanapaccayā), gọi là Tâm.

Trong bộ Suṭṭanipāṭa-aṭṭhakaṭhā (Sớ-giải kinh Tập) có ghi rằng:

"Ciṭṭanānaṭṭamāgamma
Nānaṭṭaṃ hoṭi vāyuno
Vāyunānaṭṭaṭo nānā
Hoṭi kāyassa iñjanā.

- Chính tâm phức tạp đa dạng nên mới có các oai nghi, cử động phức tạp.
Chính nhờ các oai nghi đó mà thân mới cử động được".

Trong chỗ khác, cũng ở Saṃyuṭṭanikāya (Tương ưng bộ), Ðức Phật dạy:

"Ciṭṭena nīyaṭe loko
Ciṭṭena parikassaṭi
Ciṭṭassa ekadhammassa
Sabbeva vasamanvagū.

- Thế-gian này được tâm dắt đi siêu đọa,
tất cả chúng sanh đều đi theo quyền lực của cái tâm".

Trong Vibhāvaṇī-ṭīkā cũng ghi rõ:

"Gọi là Tâm, vì nó tạo ra sự đa dạng sai biệt (đây chỉ cho ba mươi hai tâm-quả hiệp-thế".

"Gọi là tâm do bản chất của nó đa dạng phức tạp, sai biệt (chỉ cho tám mươi mốt tâm hiệp-thế)".

"Gọi là tâm vì do thiện nghiệp, ác nghiệp và phiền-não tạo tác, có chức năng bảo vệ thân mạng, môi trường (cảnh giới) hành động của thiện nghiệp, ác nghiệp và phiền-não (chỉ cho tất cả tâm quả - vipākaciṭṭa)".

"Thức (viññāṇa) nào luôn tác động các uẩn nối tiếp nhau sanh khởi, gọi là tâm (chỉ cho các đổng-lực (javana) thiện hiệp-thế hay bất-thiện)".

"Thức nào tự mình nối nhau sinh diệt liên tục, gọi là tâm (chỉ cho bốn mươi bảy tâm hiệp-thế đổng-lực)".

"Thức nào có cảnh phức tạp, sai biệt, đa dạng, gọi là tâm (chỉ tám mươi chín tâm)".

Tóm lại, tâm có đặc tính đa dạng như sau:

- Tạo tác những vật thể thành nhiều vẻ sai khác,
- Rất khó nhận thức rõ vì sự sanh diệt tâm cực nhanh.
- Quến tụ phiền-não, tích tụ nghiệp, có tính hướng thượng hay thoái đọa.
- Có cảnh phức tạp đa dạng.

11/ Hỏi: ABHIDHAMMA ÐƯỢC HIỂN LỘ TRONG THẾ-GIAN LÀ DO THƯỢNG-TRÍ (UTTAMAÑÑAṆA) NÀO?

Ðáp:

ABHIDHAMMA được hiển lộ trong thế-gian là do sabbaññuṭaññāṇa (Nhất-thiết-trí), những Thượng-trí khác không làm được, không thể làm cho Abhidhamma hiển lộ được.

Lẽ thường, thực tướng Pháp của Danh-sắc (nāma-rūpa) luôn luôn hiện hữu trong thế-gian, nhưng không một ai có thể làm hiển lộ được ngoại trừ Ðức Chánh-giác, cho dù đó là Thượng-trí của Phật Ðộc-giác (paccekabuddha). Ví như dòng điện luôn hiện hữu, nhưng trong thời chưa có người tìm ra, điện vẫn không hiển lộ được, hay như các kim loại tuy có sẵn, nhưng không có người nghiên cứu, ráp nối cho thành hệ thống, thành vật hữu dụng thì nó không hiển lộ. Ðến khi có người tìm thấy điện, nối ráp các vật như sắt, thép, thủy tinh... làm thành bóng đèn, phi cơ, máy điện thoại... thì nó hiển lộ mang lợi ích đến quần chúng.

Cũng vậy, thực tướng Pháp tuy luôn hiện hữu trong thế-gian, nhưng vào thời không có Ðấng Chánh-đẳng-giác xuất hiện, nó không được nêu bày. Khi Ðức Chánh-giác xuất hiện, với Toàn-giác Trí của Ngài, đã xếp loại, hệ thống từng đặc tính Pháp lại để phơi bày rõ ràng, mang lợi ích cho nhân thiên.

Vì sao Ðức Ðộc-giác không thể nêu bày được thực tướng Pháp? Tuy trí-tuệ của Ðức Ðộc-giác cao thượng hơn Trí của hai vị Thượng-thủ Thinh-văn. Các vị Giáo-thọ sư có giải như vầy:

- Thắng-trí (abhiññāṇa) của ngoại đạo ví như ánh sáng con đom đóm.
- Thắng-trí của vị A-la-hán ví như ánh sáng ngọn lửa.
- Thắng-trí của vị A-la-hán Ðại đệ-tử ví như ánh sáng ngọn đèn.
- Thắng-trí của hai vị Thượng-thủ ví như ánh sáng mặt trăng.
- Thắng-trí của Ðức Ðộc-giác ví như sao mai.
- Thắng-trí của Ðức Phật Toàn-giác ví như ngàn mặt trời cùng chiếu sáng.

Ðức Ðộc-giác Phật tuy rõ phận sự Pháp (dhammarasa), phận sự Nghĩa (aṭṭharasa), nhưng Trí về phận sự từ ngữ (niruṭṭirasa) để diễn đạt Pháp, diễn đạt Nghĩa, Ngài không thông suốt, do đó không thể diễn đạt đặc tướng Pháp, cũng chính vì thế mà Chư Ðộc-giác không thể tế độ người khác đắc Ðạo-quả được.

Còn vị Thánh Thinh-văn có thể diễn đạt được đặc tướng Pháp, độ người đắc Ðạo-quả, không phải vì Trí các Ngài hơn Ðức Ðộc-giác, mà đây là do Tuệ-đức (guṇapaññā) của Ðức Chánh-giác. Nghĩa là các Ngài học từ nơi Ðức Thế-tôn, rồi mang ra phổ hoá đến các chúng sanh khác.

Các Giáo-thọ sư Aṭṭhasālinī có giải rằng:

- Gọi là Abhidhamma, là trình độ của bậc Toàn-giác, ngoài ra không là trình độ của ai khác. Sự tuyên thuyết làm hiển lộ Abhidhamma phải do khả năng của bậc Chánh-đẳng-giác.

12/ Hỏi: SỰ HIỂU BIẾT PHÁP CHẾ-ÐỊNH (PAÑÑATTI DHAMMA HAY SAMMUTTI DHAMMA) VÀ PHÁP CHÂN-ÐẾ (PARAMATTHA SACCA) KHÁC NHAU RA SAO?

Ðáp:

Sự hiểu biết trong chế-định (paññaṭṭi) là biết trong tính cách dựa vào hình thể, sắc tướng, hành động của các sự vật, định đặt thành danh xưng để tiện lợi trong việc bày tỏ ý nghĩa cho nhau biết, như làng mạc, thị trấn, cây cối, xe thuyền, nam, nữ... thực tướng của chế-định không có thật, tức là do sự định danh (niruṭṭi) mà thôi. Như gọi là người nam, người nữ là dựa vào hình thể, tướng đi, sở-hành... chứ thật ra chẳng có chi là người nam hay người nữ cả. Khi suy nghiệm kỹ thì đó chỉ là khối năm uẩn hợp thành, hay chỉ là danh sắc mà thôi. Gọi là người nam, người nữ, nhưng khi chia chẽ ra thành từng phần như tai, mắt, thịt xương... thì chẳng còn chi là nam hay nữ, không thể tìm thấy người nam hay người nữ trong mắt, tai, thịt, xương... cũng chẳng phải là tai, mắt, thịt, xương... thật tướng của nó chính là sắc-pháp (rūpadhamma).

Còn sự biết theo chân-đế (paramaṭṭha sacca) là cái biết đúng theo thực tướng Pháp, nghĩa là xuyên qua pháp chế-định, gạt bỏ, loại trừ chế-định ra thì mới nhận thức được chân-đế. Ví như ngọc ẩn trong đá, muốn phơi bày được viên ngọc, phải đập vỏ đá vỡ ra. Người thường nhìn đá có ngọc vẫn cho là đá, ví như cái biết chế-định, còn người thợ ngọc thì biết trong đá có ngọc, ví như cái biết chân-đế.

Ta có thể minh họa "Sự biết chế-định" và "Sự biết chân-đế" qua ví dụ sau:

Một người chưa từng đi vào rừng, khi y đi vào rừng trông thấy sợi dây leo có màu da giống như con rắn, y kinh hãi. Khi quan-sát rõ ràng y nhận thấy rằng: "Ðó là sợ dây leo", y bình tâm trở lại. Thấy sợi dây leo ngỡ rằng con rắn ví như sự biết chế-định, thấy rõ sợi dây là sợi dây ví như sự biết chân-đế.

Tóm lại, sự biết theo chế-định là có sự nhầm lẫn, còn sự biết chân-đế không còn nhầm lẫn thực tướng Pháp.

13/ Hỏi: HÃY GIẢI THÍCH PHÁP CHẾ-ÐỊNH (PAÑÑATTI DHAMMA)?

Ðáp:

Pháp chế-định hay pháp tục-đế là nương theo bản thể (sabhāva), hình tướng... để định đặt ngôn từ, nêu bày ý nghĩa để thông tri với nhau. Hoặc là do ý kiến, quan niệm chung mà danh từ này được chấp nhận, vì chữ SAMMUTI có nghĩa là ý kiến chung, quan niệm chung, như: "Hồn nước", "truyền thống", "triết học"... là những danh từ không có bản thể tướng, nhưng được đại chúng đồng ý chấp nhận.

Chữ paññaṭṭi được phân-tích thành hai từ là: PA + ÑATTI, PA nghĩa là đồng với, trọn vẹn, nổi bật lên. ÑATTI là nói lên. Paññaṭṭi là nói lên, làm nổi bật ý nghĩa, hay nói lên đồng với ý nghĩa, hoặc nói trọn vẹn ý nghĩa.

Chế-định Pháp có hai phần là: Từ ngữ chế-định -- còn gọi là Danh chế-định (nāmapaññaṭṭi) -- và Nghĩa chế-định (aṭṭhapaññaṭṭi).

Danh chế-định là những từ ngữ dùng để diễn đạt một bản thể thực tướng hay một quan niệm nào đó. Tức là sự định đặt tên gọi như người, thú, uẩn, xứ, giới, trách nhiệm...

Nghĩa chế-định là nêu bày ý nghĩa của danh từ ấy.

Có sáu cách định đặt danh từ là:

1) DANH CHƠN chế-định: Là danh từ dùng chỉ cho pháp có thực tướng như: Tâm, Trí, Sắc-pháp, Níp-bàn...

2) PHI DANH CHƠN chế-định: Là danh từ chỉ cho pháp không có thực tướng như: Trách nhiệm, Ðức-vua...

3) DANH CHƠN PHI DANH CHƠN chế-định: Là danh từ trước chỉ pháp thực tướng, danh từ sau thì không có pháp thực tướng như: Tâm Ðức-vua Brahmadatta...

4) PHI DANH CHƠN DANH CHƠN chế-định: Là danh từ trước chỉ pháp không có thực tướng, danh từ sau chỉ pháp có thực tướng như: Người có tâm thanh-tịnh...

5) DANH CHƠN DANH CHƠN chế-định: Là cả hai danh từ trước cũng như sau đều chỉ pháp thực tướng, như: Níp-bàn là pháp phi-tâm phi-thọ.

6) PHI DANH CHƠN PHI DANH CHƠN chế-định: Cả hai danh từ trước và sau đều không chỉ Pháp thực tướng, như: Người có trách nhiệm...

Về Nghĩa chế-định có bảy cách là:

1) HÌNH THỨC chế-định: Là nương theo hình thức định đặt danh từ, như: Vuông, tròn, dài, ngắn...

2) HIỆP THÀNH chế-định: Hợp nhiều phần lại, định đặt thành một tên gọi chung, như xe, thuyền, đồng hồ... hay chúng sanh là từ ngữ chỉ cho năm uẩn hợp thành.

3) CHÚNG SANH chế-định: Là nói đến mười hai hạng người theo nghĩa chân-đế.

4) PHƯƠNG HƯỚNG chế-định: Là Ðông, Tây, Nam, Bắc, trên, dưới...

5) HƯ KHÔNG chế-định: Như hang, động, hố, kẻ hở, ao hồ...

6) THỜI TIẾT chế-định: Như năm, tháng, mùa, ngày...

7) TIÊU BIỂU chế-định: Là nêu bày ra để biết, như đề mục thiền, bảng hiệu, màu sắc, ký hiệu...

Giữa Danh và Nghĩa chế-định có sự tương quan với nhau là:

- Có cùng Danh từ nhưng khác nhau Ý nghĩa; như Trưởng-giả Ciṭṭa có nói rằng: "Vô lượng tâm giải thoát là bốn tâm vô lượng: Từ tâm, Bi tâm, Hỷ tâm, Xả tâm". Ðồng thời cũng là tâm nhập Níp-bàn giới. Vô tướng tâm giải thoát là bốn tâm thiền Vô-sắc, đồng thời cũng là tâm quán sát tướng vô-thường đắc Níp-bàn giới (chỉ tâm Ðạo thành tựu được do quán vô-thường). (Aṅguṭṭaranikāya)

- Có cùng Ý nghĩa nhưng khác Danh từ gọi; như: pháp Vô-vi, pháp Vô-nhân, pháp Vô-lậu... là dùng chỉ cho Níp-bàn. Nghĩa là một danh từ có thể nêu nhiều ý nghĩa, hay một ý nghĩa có nhiều danh từ để gọi.

14/ Hỏi: GIỮA PHÁP CHÂN-ÐẾ VÀ PHÁP TỤC-ÐẾ, PHÁP NÀO BAO LA, KHÓ ÐẠT THÔNG SUỐT HƠN?

Ðáp:

Trong hai pháp chân-đế và chế-định, pháp chế-định bao la và khó thông đạt hơn.

Theo đường lối thế-gian, pháp chế-định rất đa dạng và phức tạp, là kiến-thức của nhiều môn học như: Triết-học, toán-học, thực-vật học, khảo-cổ học, nhân-chủng học... của nhiều ngành nghề khác nhau như: Ngành y, ngành dược, công nghiệp, chăn nuôi, thương mại... Sự am tường tất cả những học thuật, ngành nghề ấy rất khó khăn.

Còn paññaṭṭi trong Phật-học, là sự học hỏi Tam-tạng, Phật-ngôn (buddhabhāsiṭa), Sớ-giải (aṭṭhakaṭhā), Phụ Sớ-giải (ṭīkā) cũng nhiều và khó khăn như:

- Paññaṭṭi liên hệ đến chúng sanh, có nhiều sự khác nhau cần phải hiểu biết, như đời sống nhân loại, đời sống chư-thiên, đời sống phạm-thiên, đời sống bàng-sanh, ngạ-quỷ... hay tên gọi từng loại chúng sanh như: tên người, tên chư-thiên, tên phạm-thiên, tên loài rồng, tên loài voi, tên loài cá... hoặc tên gọi từng chi thể như: mỏ chim, miệng cọp, vuốt rồng, tay gấu, bờm ngựa, ức chim, kỳ, vây cá...

- Paññaṭṭi đối với pháp vô mạng-quyền cũng có nhiều tên gọi như: tên sông, núi, cây, cỏ, quốc độ, kinh thành, thị trấn...

Chính trong paññaṭṭi của paññaṭṭi cũng đa dạng không kém, như có nhiều loại ngôn ngữ Phật-học: Hán-tạng, Tam-tạng Thái ngữ, Tam-tạng Miến ngữ...

Chính paññaṭṭi khó thông suốt và không thấu đạt được thực tính của paramaṭṭha, khiến sanh ngờ vực về Ðạo-quả, Níp-bàn, không tin tưởng có người thành tựu bậc Thánh-nhân thật sự.

Tóm lại, paññaṭṭi dhamma là pháp bao la, khó thông suốt được.

15/ Hỏi: ÐỨC THẾ-TÔN KHI THUYẾT-PHÁP TẾ ÐỘ CHÚNG SANH, NGÀI NÓI ÐẾN BAO NHIÊU SỰ THẬT?

Ðáp:

Ðức Thế-tôn khi thuyết-pháp tế độ chúng sanh, Ngài triển khai hai sự thật (sacca), đó là:

- Sự thật của từ ngữ thông dụng (sammuṭivohāra-sacca)
- Sự thật bản thể thực tính (sabhāvasacca).

Như trong Sớ-giải Manoraṭṭhapūranī có ghi:

"Duve saccāni akkhāsi
Sambuddho vadaṭaṃ varo
Sammuṭiṃ paramaṭṭhañ ca
Taṭiyaṃ nuphalabbhaṭi".

"Ðức Chánh-giác, bậc Tối-thượng giữa hàng trí nhân, chỉ nói Pháp theo hai sự thật: Tục-đế và chân-đế, không tìm thấy điều thứ ba".

Gọi là "Sự thật thông thường" tức là những quy ước định đặt thành danh, nghĩa của một điều, một vật nào đó.

Gọi là "Sự thật bản thể (sabhāvasacca)", là một thực tại cùng tột, đúng theo thực tướng.

Tạng-luật, Tạng-kinh và bộ thứ tư Tạng Abhidhamma (Puggalapaññaṭṭi - Nhơn chế định), Ðức Thế-tôn thuyết giảng theo sự thật thông thường. Còn sáu bộ Thắng-pháp còn lại, Ngài thuyết theo sự thật bản thể.

Tuy Ðức Thế-tôn thuyết giảng pháp theo sự thật thông thường, nhưng vẫn có mục đích mang lợi ích đến chúng sanh. Vì sao thế? Vì rằng có những chúng sanh tuy là người tích trữ duyên lành, hội đủ nhân duyên để chứng đạt Ðạo-quả, là người hữu duyên (veneyya puggala) đáng được tế độ. Nhưng những vị này chưa từng được nghe pháp chân-đế trong thời Phật quá khứ, muốn tế độ họ, Ðức Thế-tôn phải dùng sự thật thông thường trước, sau cùng mới dẫn dắt họ tiến lên trình độ trí-tuệ về Chân-pháp (saccadhamma), như kinh Chuyển pháp-luân chẳng hạn, Ðức Thế-tôn dạy:

"Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, thương yêu phải xa lìa là khổ, oán ghét phải gần là khổ, mong muốn không được là khổ. Tóm lại: Chấp Thủ Năm Uẩn Là Khổ"...

Bảy loại khổ đầu dễ thấy, dễ nhận biết, còn "Chấp Thủ Năm Uẩn Là Khổ" thật vi tế, nhận thức được phải có trí-tuệ cao và hướng về Chân-pháp.

Ðối với những chúng sanh có được chủng tử (bīja: hạt giống) trí-tuệ về chân-đế thời quá khứ thì Ngài trực tiếp đem lý chân-đế giảng cho họ như: "Này Bāhiya! Trong cái thấy chỉ là sự Thấy (không có người thấy), trong cái nghe chỉ là sự Nghe (không có người nghe), trong cái tưởng tri chỉ là sự Tưởng-tri (không có người tưởng-tri), trong cái thức tri chỉ là sự Thức-tri (không có người thức-tri), trong cái liễu tri chỉ là sự Liễu-tri (không có người liễu-tri)". (Khuddakanikāya).

Tóm lại, khi Ngài thuyết giảng pháp theo sự thật nào chăng nữa, cũng không ngoài mục đích mang lợi ích đến quần sanh, Ngài luôn luôn nhắm đến lợi ích cho đời.

Tục-đế pháp (sammuṭisacca dhamma) có hai khía cạnh:

- Tục-đế theo ngôn ngữ đời thông thường.
- Tục-đế theo ngôn ngữ chư Phật: (như trong Tạng-luật, Tạng-kinh và bộ Puggalapaññaṭṭi).

Cũng nên hiểu rằng: Hễ còn ngôn ngữ, dù được xem là "chân ngôn" (saccavādī: lời nói thật), cũng chỉ là Chân theo phương diện chế-định, vì rằng: Nếu xét theo sự thật bản thể (sabhāvasacca) thì không còn Như Chân nữa, có "thật" chăng nữa cũng chỉ là "không phải vọng ngữ" mà thôi.

Còn lý "chân-đế" quả thật Như Chân, bởi nó là một thực tại, là bản chất tuyệt đối không thể thay đổi được nữa. Cũng nên hiểu rằng "không thể thay đổi" không có nghĩa là Thường-hằng, không bị tiêu hoại, diệt mất.

Như thế, từ ngữ tục-đế đầu là của chư Phật, chư Thánh-nhân, không nên hiểu là Vọng-ngữ, vì muốn diễn đạt chân-đế pháp phải dùng ngôn từ, không có ngôn từ, không thể diễn đạt chân-pháp. Như vậy, tục-đế chỉ là phương tiện để vận chuyển chân-đế, như trong sự giao dịch thông thường, nhà khoa học gọi Nước, nhưng trong phòng thí nghiệm thì gọi là H2O. Cũng như thế ấy, Ðức Phật dùng tục-đế trong Tạng-kinh, Tạng-luật và bộ Puggalapaññaṭṭi như người, chư-thiên, cảnh giới, cây đại-giác, quốc độ Bārāṇasī... Còn trong sáu bộ Thắng-pháp còn lại, Ngài dùng phương Pháp phân-tích những từ ngữ trừu tượng như: UẨN, XỨ, GIỚI, QUYỀN...

Trong Aṅguṭṭara-aṭṭhakaṭhā có ghi rằng:

"Tasmā vohāra kusalassa
Lokanāṭhassa janṭino
Sammuṭiṃ voharanṭassa
Amhāvādo na jāyaṭi.

"Chính vì những lý do vừa nêu trên, khi Ðức Phật nói pháp theo từ ngữ tục-đế, không phải là vọng ngữ".

Chân-đế pháp cũng có hai là:

- Sự thật bản thể (sabhāvasacca), tức là sự thật tướng trạng (lakkhaṇa sacca) của danh sắc như: Tâm, sở-hữu, sắc-pháp và Níp-bàn...

- Thánh-đế (ariyasacca) là sự thật mà bậc Thánh thấu triệt rõ ràng với các phận sự, tức là Tứ Thánh-đế: Khổ Thánh-đế, Tập Thánh-đế, Diệt Thánh-đế và Ðạo Thánh-đế .

Sỡ dĩ, gọi là Thánh-đế, vì vị hành giả hành vipassanā, chứng ngộ Níp-bàn, khi ấy cả bốn phận sự đồng có mặt: Khổ-đế được thắng tri (hiểu biết cao tột), Tập-đế được đoạn trừ, Ðạo-đế được tiến tu, Diệt-đế được tác chứng.

16/ Hỏi: HÃY TRÌNH BÀY ÐẠI CƯƠNG VỀ NỘI DUNG BẢY BỘ ABHIDHAMMA?

Ðáp:

Thắng-pháp Tạng có bảy bộ là:

1- DHAMMASAṄGANI (Pháp Tụ):

Bộ này gồm có bốn phần (Kandaṃ- chương) là:

- Chương nói về Tâm .
- Chương nói về Sắc .
- Toát yếu (nikkhepa): Là tóm lược những phần giáo-lý.
- Trích yếu (Aṭṭhuddhāra = Aṭṭha + uddhāra, Uddhāra là rút ra, tuyển chọn)

Bộ Pháp-tụ nhằm giải thích hai mươi hai Tam-đề (Tika māṭikā), là một đoạn kệ gồm có ba câu đi liền nhau như: Kusalā dhammā, Akusalā dhammā, Abyākaṭā dhammā.

Và giải thích Nhị-đề (dukamāṭikā), là một đoạn kệ gồm hai câu đi liền nhau, như Heṭu dhammā, Naheṭu dhammā (tất cả pháp Nhân ,tất cả pháp Phi-nhân)...

Về lượng thì bộ này có mươi ba bhāṇavāra (bài), mỗi bài là hai trăm năm mươi câu, mỗi câu có bốn hàng, mỗi hàng có tám chữ. Có một trăm lẻ bốn ngàn chữ, một ngàn ba trăm Pháp-uẩn (dhammakkhandha), có bảy mươi triệu vị chư-thiên đắc quả, thuyết trong mười hai ngày.

2- VIBHAṄGA (Phân-tích):

Bộ này chia thành mười tám mục. Quan trọng hơn cả là ba mục đầu, tức là Uẩn phân-tích (khandhavibhaṅga), Xứ phân-tích (āyaṭanavibhaṅga), Giới phân-tích (dhāṭuvibhaṅga). Ngoài ra còn phân-tích những phần khác như: Paccayākāra (Duyên-khởi), saṭipaṭṭhāna (Niệm-xứ)...

Những tiết mục này gồm ba phần: Giải theo kinh, giải theo Diệu-pháp và vấn-đáp (pañhapucchaka).

Bộ này gồm có ba mươi lăm bhāṇavāra (mỗi bài có tám ngàn chữ), tổng cộng là hai trăm tám mươi ngàn chữ, có sáu ngàn năm trăm pháp-uẩn, thuyết trong mười hai ngày, chư-thiên đắc quả là bảy mươi triệu vị.

3- DHĀTUKATHĀ (Nguyên chất-ngữ):

Bộ này chủ yếu phân-tích như: Pháp này có trong phần này, không có trong phần (saṅgaho asaṅgaho: Yếu-hiệp - bất Yếu-hiệp), có tương-ưng hay không có tương-ưng (saṃpayuṭṭaṃ- vippayuṭṭaṃ).

Bộ này có mười bốn chương, sáu bhāṇavāra, có bốn mươi tám ngàn chữ, thuyết trong sáu ngày, được bảy ngàn Pháp-uẩn, chư-thiên đắc quả là sáu mươi triệu vị.

4- PUGGALAPAÑÑATTI (Nhân chế-định)

Bộ này trình bày như bộ Aṅguṭṭaranikāya, nhưng thay vì đề cập các pháp khác nhau, thì Nhân chế-định đề cập cá tánh khác nhau.

Bộ này có năm bhāṇavāra, có bốn mươi ngàn chữ, có ba ngàn sáu trăm Pháp-uẩn, thuyết trong sáu ngày, có đến sáu mươi triệu vị chư-thiên chứng quả.

5- KATHĀVATTHU (Luận-điểm).

Bộ này được ghi nhận là của Ðại Trưởng-lão Moggallipuṭṭa Tissa vào thời vua Dhammāsoka. Chính Ngài làvị chủ tọa cuộc kết tập Phật-ngôn lần thứ ba.

Bản Sớ-giải Aṭṭhasālinī ghi nhận rằng: Bộ này gồm có một ngàn bài kinh, trong đó chính thống có năm trăm bài, còn năm trăm bài còn lại do Ngài Moggallipuṭṭa Tissa khai triển rộng ra.

Bộ này đề cập đến hai trăm mười sáu luận điểm của mười tám (hay hai mươi tông phái) thời bấy giờ.

Bộ này được Ðức Thế-tôn thuyết trong mười ba ngày, Có bảy ngàn một trăm Pháp-uẩn, chư-thiên đắc đạo là bảy mươi triệu vị.

6- YAMAKA (Song đối).

Goị là Song Ðối, vì theo Pháp Luận giải, có hai câu đối nhau, như là: Tất cả Pháp-thiện là căn Thiện phải chăng? Hay là: Căn Thiện là Pháp-thiện phải chăng?. Toàn bộ bộ Yamaka đều như thế cả.

Bộ Yamaka có mười Tiểu-bộ là: Căn-song ,Uẩn-song, Xứ-song, Giới-song, Ðế-song, Hành-song, Tùy miên-song, Tâm-song, Pháp-song và Quyền-song.

Bộ này có một trăm hai mươi bhāṇavāra, gồm chín trăm sáu mươi ngàn chữ, Ðức Phật thuyết trong mười tám ngày, có năm ngàn một trăm Pháp-uẩn, có bảy mươi triệu vị chư-thiên đắc quả.

7- PAṬṬHĀNA (Ðại Xứ).

Ðây là bộ quan trọng nhất, người nghiên cứu bộ này chỉ còn có thể khâm phục trí-tuệ thậm thâm của Ðức Phật. Chắc chắn rằng muốn nêu lên những vấn đề sâu rộng thù diệu như thế, phải là bậc có trí-tuệ siêu việt ,vị ấy xứng đáng danh hiệu Phật (Buddha).

Bộ này Ðức Phật thuyết trong hai mươi ba ngày, có chín ngàn bốn trăm Pháp-uẩn, và bốn trăm triệu vị chư-thiên đắc quả.

17/ Hỏi: ÂN-ÐỨC CỦA ABHIDHAMMA NHƯ THẾ NÀO?

Ðáp:

Chữ Abhi giải theo từ, có hai ý nghĩa:

1- Visiṭṭha: Thù thắng, đặc biệt.
2- Aṭiraka: Nổi bật lên, cao hơn lên, trội hơn.

Giải theo lý thì chữ abhi có năm ý nghĩa:

1) Vuddhinanṭo (Hữu-tăng pháp): Có sự tăng trưởng trí-tuệ.

2) Sallakkhaṇā (Hữu-tướng pháp): Xác định tướng trạng đa dạng của các pháp.

3) Pūjiṭā (Hữu-cúng Pháp): Là người có sự cúng dường đến chư-thiên hay nhân loaị, tức là khi học abhidhamma khiến chư-thiên và bậc có Trí hoan hỷ tán thán.

4) Paricchinnā (Hữu-phân pháp): Có sự nhận định, phân-tích các pháp hợp lý, không nhầm lẫn hay bị sái quấy, sai lệch thực tướng.

5) Adhikā (Trỗi-thắng pháp): Là làm nổi bật Pháp khiến tăng thượng đặc biệt, trở nên thù diệu.

Ngoài ra, người học abhidhamma còn thừa hưởng ân-đức trí-tuệ của Ðức Chánh-giác từ Pháp môn abhidhamma, tức là đạt được bốn Trí vô-ngại (paṭisambhidāñāṇa).

a- Aṭṭha paṭisambhidāñāṇa (Lý vô-ngại giải)
b- Dhamma paṭisambhidāñāṇa (Pháp vô-ngại giải)
c- Niruṭṭi paṭisambhidāñāṇa (Từ vô-ngại giải)
d- Paṭibhāna paṭisambhidāñāṇa (Biện-tài vô-ngại).

Trong bộ Paṭisambhidā magga (Vô-ngại giải-đạo), Trưởng-lão Sāripuṭṭa có giải rằng:

- Trí về nghĩa có một.
- Trí về Pháp có một.
- Trí về từ ngữ có hai, tức là từ này dùng chỉ ý nghĩa, từ này dùng chỉ pháp.
- Trí về biện luận có bốn, tức là khi biện luận về pháp thì dùng từ này, khi biện luận về nghĩa lý thì dùng từ này, khi biện luận về từ ngữ thì phải thông cả hai loại pháp lẫn nghĩa.

Tóm lại, Trí vô-ngại đối với một vấn đề, có đến tám Trí, nên gọi là làm cho trí-tuệ được cao thượng, tăng trưởng thêm lên.

18/ Hỏi: VÌ SAO TRONG BỘ DHAMMASAṄGANĪ ÐỨC THẾ-TÔN THUYẾT GIẢNG PHÁP-THIỆN (KUSALĀDHAMMĀ) TRƯỚC TIÊN, CÒN TRONG BỘ ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA, NGÀI ANURUDDHA LẠI ÐỀ CẬP TÂM BẤT-THIỆN (AKUSALA CITTA) TRƯỚC?

Ðáp:

Ðức Thế-tôn là bậc thiện-xảo trong pháp, Ngài thuyết-pháp-thiện trước, vì Ngài y cứ vào đặc tính pháp (sabhāva dhamma), tức là Ngài trình bày Pháp-thiện rồi đến Pháp bất-thiện, sau đó đến Pháp vô-ký (abyākaṭā dhammā) ...

Mặt khác, chư-thiên là những chúng sanh có sự thích thú, hoan hỷ với thiện-pháp, Pháp bất-thiện không làm chư-thiên hài lòng. Như trong Aṅguṭṭara - aṭṭhakaṭhā có ghi rằng: Vào ngày mùng tám mỗi nửa tháng, Ðại-thần của Tứ-đại Thiên-vương đi tuần du bốn châu thiên hạ, ngày 14 mỗi nửa tháng thì Hoàng-tử của Tứ-đại vương đi tuần du, ngày rằm mỗi nửa tháng thì tự thân Tứ-đại vương đi tuần du, khi đi tuần du, các vị đều mang theo bảng vàng cùng mực son để ghi chép danh tánh của những người hành thiện-pháp như thọ trì-giới, bố-thí, phụng dưỡng cha mẹ... vào bảng vàng. Sau đó trình lên Ðức Ðế-thích, nếu bảng vàng có nhiều người hành thiện, Ðức Ðế-thích hoan hỷ đọc lên và chư-thiên cũng hoan hỷ tán thán rằng:

- Lành thay Thiên-giới sẽ tăng thịnh, khổ cảnh sẽ giảm. Thiên chúng hưng thịnh, chúng A-tu-la giảm thiểu.

Nếu bảng vàng có ít người hành thiện thì chư-thiên và vua Trời than rằng:

- Như thế, Thiên-giới giảm thiểu, khổ cảnh gia tăng. Thiên chúng giảm, chúng A-tu-la tăng thịnh.

Ðức Phật dẫn dắt chúng sanh đi từ điều hoan hỷ hài lòng, thích ý để dễ nhận biết trước, rồi đến điều khó nhận thức theo tuần tự, nhằm mục đích mang lợi ích đến chúng sanh. Do đó, Ngài thuyết pháp-thiện trước tiên.

Còn trong Abhidhammaṭṭhasaṅgaha, Ngài Anuruddha nêu lên tâm bất-thiện trước tiên, vì nhân loại hằng thân cận với ác pháp, hành theo phi pháp, do đó dễ nhận định hơn là thiện-pháp. Như trong Pháp-cú kinh có ghi:

"Sukarāni asādhunī
Aṭṭano ahiṭāni ca
Yaṃ ve hiṭañ ca sādhuñ ca
Taṃ ve parama dukkaraṃ"

"Làm những việc khó nhọc và bất lợi cho mình thì dễ. Nhưng khó thay, quả thật vậy, làm những việc hữu ích và tốt đẹp" (Pháp Cú 165)

Hay là: "Này các Tỷ-kheo! Chúng sanh đọa vào khổ cảnh nhiều như số lông con bò, được sanh về nhàn cảnh ít ỏi như sừng con bò". (Tương-ưng Bộ)

Lại nữa, Ngài Anuruddha phân tâm theo giới vức (bhūmi). Tâm Dục-giới được nêu lên trước, đến tâm Sắc-giới, tâm Vô-sắc-giới, sau cùng là tâm Siêu-thế (lokuṭṭaraciṭṭa) để học viên dễ tiếp thâu.

Mặt khác, Ngài Anuruddha trình bày tuần tự từ hạ liệt đến trung bình, rồi cao thượng. Tức là khi Ngài phân chia: Tâm Dục-giới, tâm Sắc-giới, tâm Vô-sắc-giới, tâm Siêu-thế là y cứ vào tính hạ liệt, trung bình và cao thượng như: Tâm Dục-giới là hạ liệt, tâm Sắc-giới là trung bình, tâm Vô-sắc-giới là cao-thượng, tâm Siêu-thế là vô-thượng. Chính trong giới vức (bhūmi), tâm cũng được phân theo trình tự này, tức là tâm bất-thiện là hạ liệt, tâm vô-nhân là trung bình, tâm Tịnh-hảo là là cao thượng. Tương tự như thế đối với tâm Tịnh-hảo hiệp-thế, tức là tâm thiện là hạ liệt, tâm quả là trung bình, Tâm-hạnh là cao thượng.

Riêng tâm Siêu-thế không gọi là hạ liệt, trung bình hay cao thượng mà là vô-thượng, do vì nhận cảnh là Níp-bàn, thành tựu mục đích "thoát khổ", hưởng an lạc pháp, thoát ly tham-ái.

19/ Hỏi: CÓ BAO NHIÊU GIỚI VỨC (BHŪMI), GIẢI THÍCH?

Ðáp:

Giới vức (bhūmi) có hai thứ là:

1- Ṭhānabhūmi: Là nơi chúng sanh nương trú như Dục-giới (kāmabhūmi) là nơi trú của chúng sanh cõi Dục. Sắc-giới (rūpabhūmi) là nơi trú của chúng sanh cõi Sắc là phạm-thiên hữu-sắc, Vô-sắc-giới (arūpabhūmi), là nơi trú của chư phạm-thiên vô-sắc. Nói gọn lại, Ṭhānabhūmi chỉ cho ba mươi mốt cõi.

2- Avaṭṭhābhūmi: Là giới vức trừu tượng, không có lãnh vực rõ rệt. Avaṭṭhābhūmi chỉ cho những gì nằm trong quyền lực của tham-ái hay thoát ra khỏi tham-ái. Tham-ái là Dục-ái (kāmaṭaṅhā), Sắc-ái (rūpaṭaṅhā) và Vô-sắc-ái (arūpaṭaṅhā); hay là Dục-ái, Hữu-ái và Phi-hữu-ái (vibhavaṭaṅhā).

Nói rõ hơn, avaṭṭhābhūmi được dùng chỉ cho phạm vi hoạt động, là địa bàn có mặt hay vắng mặt tham-ái (chỉ cho tâm Siêu-thế). Avaṭṭhābhūmi là giới-vức thuộc lãnh vực tinh thần, tức là tâm và sở-hữu tâm, còn ṭhānabhūmi chỉ cho hai lãnh vực: Tâm và nơi trú của chúng sanh.

Ṭhānabhūmi chỉ nơi cư trú của chúng sanh có hai loại:

- Thuần nhất địa vức: Là nơi trú cho một loại chúng sanh như: Ðịa-ngục, sáu cõi trời Dục (trừ cõi Tứ-thiên vương), phạm-thiên-giới.

- Tạp chủng địa vức: Là nơi trú nhiều loại chúng sanh như cõi người, cõi Tứ-thiên vương.

Ṭhānabhūmi chỉ về tâm cũng có hai loại:

- Thuần nhất tâm địa vức: Như địa-ngục giới chỉ có loại tâm dục-giới, hoặc ngạ-quỷ giới cũng vậy...

- Hỗn hợp tâm địa vức: Như cõi người, Sắc-giới, Vô-sắc-giới, cõi trời dục có nhiều loại tâm như Sắc-giới tâm, Dục-giới tâm, Vô-sắc-giới tâm, Siêu-thế tâm.

Như vậy, kāmabhūmi, rūpabhūmi, arūpabhūmi gọi là ṭhānabhūmi cũng được. Riêng Siêu-thế tâm chỉ có avaṭṭhābhūmi mà thôi.

20/ Hỏi: SỰ TIÊU HOẠI PHÁP-HỌC NHƯ THẾ NÀO? HÃY DIỄN TIẾN SỰ TIÊU HOẠI TẠNG ABHIDHAMMA?

Ðáp:

Pháp-học tức là Phật-ngôn trong Tam-tạng Pāli và Sớ-giải (aṭṭhakaṭhā). Khi Pāli ngữ còn tồn tại hưng thịnh thì Pháp-học còn hưng thịnh. Theo các Giáo-thọ sư tiền bối, thì Pāli ngữ là tiếng nói của nhân loại thời Sơ kiếp, Phạm thiên hay chư Phật đều dùng Pāli ngữ để giao tiếp, thuyết-pháp. Trong thời Ðức Thế-tôn còn tại thế, tiếng Pāli là ngôn ngữ chánh của dân nước Magadha. Khi Ðức Thế-tôn Níp-bàn rồi, chư Thánh-tăng quyết định dùng Pāli ngữ để kết tập Phật-ngôn, nhằm bảo tồn Pháp-học đến năm ngàn năm.

Pāla + I = Pāli (tiếng bảo vệ, hộ trì). Pāli từ chữ pāla nghĩa là hộ trì, gìn giữ, không cho thất thoát Phật-ngôn, không cho sai lệch ý nghĩa Phật-ngôn. Pāli có thể dịch là Hộ nghĩa, Trì nghĩa.

Thời gian trôi qua, vào thời mạt pháp (kaliyuga), các vị vua rơi vào ác pháp, dần dần các quan Ðại-thần, dân chúng cũng như thế. Do ác pháp tăng khiến phát sanh nhiều thiên tai như hạn hán, lũ lụt... vật thực trở nên khan hiếm, các hộ độ gia không thể cúng dường tứ sự đến chư Tăng như trước, chư Tăng khó khăn về vật thực nên không thể tế độ cho nhóm đệ-tử cộng trú được.

Rồi thời gian sau, không còn ai có thể thọ trì nghĩa lý của Phật-ngôn, chỉ thọ trì được văn tự Pāli (như học thuộc lòng nhưng không thông nghĩa-lý).

Thế rồi, trải qua một thời gian sự thọ trì văn tự Pāli cũng không còn, khi ấy gọi là hoại Pháp-học. Sự hoại Giáo-pháp (Pháp-học) theo trình tự: Tạng Abhidhamma hoại trước, đến Tạng Kinh, sau cùng là Tạng Luật.

Khoảng 2000 - 3000 năm (Phật lịch), hoại Tạng Thắng-pháp (Abhidhamma), hoại từ ngọn đến gốc, tức là bộ Paṭṭhāna (Vị trí)  hoại trước, đến bộ Yamaka (Song đối), Kaṭhāvaṭṭhu (Ngữ tông), Puggalapaññaṭṭi (Nhân chế định), Dhāṭukaṭhā (Chất ngữ), Vibhaṅga (Phân tích), sau cùng là bộ Dhammasaṅganī (Pháp tụ).

Khoảng 3000 - 4000 năm, Tạng Kinh hoại, trước tiên là bộ Aṅguṭṭara (Tăng chi), đến bộ Saṃyuṭṭa (Tương ưng), Majjhima (Trung bộ), bộ Dīghānikāya (Trường bộ) là sau cùng. Bấy giờ, chư Tỷ-kheo chỉ thọ trì được Bổn sanh (Jāṭaka) mà thôi. Khi bộ Dīghānikāya hoại, được kế là Tạng-kinh (Suṭṭanṭa Piṭaka) hoại.

Khoảng 4000 - 5000 năm Tạng Luật hoại, khởi đầu là bộ Parivāra (Tạp yếu), rồi đến Cullavagga (Tiểu-phẩm), Mahāvagga (Ðại-phẩm), Bhikkhunī vibhaṅga (Phân tích Giới Tỷ-kheo), Bhikkhu vibhaṅga (Phân tích Giới Tỷ-kheo ni). chư Tỷ-kheo chỉ còn nhớ được Uposaṭhakkhandha (cách hành lễ Bố-tát) mà thôi, nhưng như thế cũng chưa gọi là hoại Pháp-học, bao giờ bài kệ bốn câu còn trong nhân-giới, bấy giờ vẫn còn Pháp-học.

HẾT PHẦN ÐẠI CƯƠNG VẤN ÐÁP

-ooOoo-

Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06

Source: BuddhaSasana


[Trở về trang DieuPhap]