dieuphap.com Trang Chính

Bưuduc.com Trang Chính



Insight Meditation Online


[08]
Thanh Tịnh Đạo - Niệm Từ Phạm Trú (tiếp theo)

Giảng ngày 05 tháng 10, 2006 tại rơom Diệu Pháp - Paltalk - Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Như chúng ta được biết rằng đạo Phật đề cập đến nhiều trạng thái tâm và những trạng thái đó có thể tìm thấy ngay trong đời sống hiện tại như chúng tôi đang nói với qúi vị: Thí dụ như định, nói về tâm định thì qúi vị đang tập trung lắng nghe, ở trong sự tập trung lắng nghe đó cũng có phần nào của định, nhưng định ở trạng thái rất muội lượt tương tựa như một loại ớt hay một loại rau mọc ở sau vườn, chúng ta có thể thấy được, có thể ăn được những trái ớt, những loài rau đó. Nhưng muốn trở thành một kỹ nghệ, ví dụ như mình trồng cải chẳng hạn để lấy bông cải thì chúng ta phải trồng ở một quy mô khác lớn hơn chứ không phải chỉ một vài cây cải ở sau vườn là đủ. Đối với chúng ta những trạng thái như "Từ Bi Hỉ Xả" là những thứ người đời gọi là tình cảm cao thượng và có thể tìm thấy trong đời sống hàng ngày.

Có một ngày qúi Phật tử đến chùa với một tâm rất trong sạch nhìn những đạo hữu xung quanh mong rằng những người này được vui, mong rằng họ được lợi ích, đó là "Tâm Từ". Chúng ta có thể ý thức rằng đó là tâm từ hay đó không phải là tâm từ.

Hoặc giả chúng ta nghe và thấy những đau khổ của chúng sanh khác, đồng bào nạn nhân bão lụt miền Trung chẳng hạn, nhìn thấy những người không nhà cửa thất tán thân nhân, qúi vị khởi tâm xót xa, thấy khổ quá, bây giờ mình làm một cái gì đó cho những người này, chúng ta gọi là "Tâm Bi."

Thì những trạng thái tâm này vốn không dễ dàng để tồn tại liên tục và có thể khởi lên trong tâm chúng ta bất cứ lúc nào. Có thể khi xem TV hay nghe người ta nói đến nạn nhân bão lụt thì chúng ta khởi tâm bi, chúng ta cảm thấy rung động trắc ẩn trước cái khổ của nạn nhân đó, nhưng lát nữa bước ra bên ngoài thì chúng ta không còn cảm giác đó, cái cảm giác trắc ẩn khi nghe người ta kể chuyện nó như vậy, rồi bây giờ có ai nói rằng mình hãy trở lại sống với cảm giác đó chúng ta cũng khó có cách mang trở lại, do đó tâm bi của chúng ta là một thứ phản ứng tình cảm, phản ứng cảm xúc có nghĩa là có chất xúc tác ở bên ngoài thì chúng ta sanh tâm bi mẫn nhưng chúng ta không thể tìm trở lại trạng thái đó, thể nhập vào trạng thái đó dễ dàng.

Bốn đức "Từ Bi Hỉ Xả" chúng ta vừa đề cập đến, thì những thứ này không dễ dàng để cho chúng ta an trú bất cứ lúc nào và cũng không dễ dàng để chúng ta gìn giữ trạng thái này tiếp tục và tiếp tục tồn tại như ý chúng ta muốn.

Do vậy đi vào thế giới của thiền là một thế giới của tập trú có khả năng định tâm, có khả năng an trú, có khả năng thể nhập vào một trạng thái. Có thể nói rằng ở trong đời sống kinh nghiệm qua việc chúng ta học ngôn ngữ, ban đầu chúng ta học thứ tiếng xa lạ, mỗi lần mình nói thì mình nói bập bẹ để vận dụng trí nhớ của mình, khả năng dịch thuật của mình, nhưng khi chúng ta nói quen rồi thì nó trở thành một phản ứng tự nhiên, nó đã ăn xâu, nó đã là một phần của chúng ta, thì bốn trạng thái "Từ Bi Hỉ Xả" này có thể đạt đến chỗ đó, thì một ở trong những cách mà chúng ta biến mãn đó là chúng ta dùng giá trị về không gian.

Giá trị không gian quan trọng đối với người tu tập tâm từ. Khi nói đến giá trị không gian thì chúng ta nói đến giá trị của phương hướng, tại sao vậy? tại vì những gì đem vào trong tâm tư của chúng ta liên quan đến cuộc đời, liên quan đến chúng sanh, thì nó lại liên quan đến tâm linh của chúng ta, nó liên quan đến thị giác từ chỗ chúng ta đứng chúng ta luôn luôn ngó về phía trước, và khi mà chúng ta ngó về phía trước thì cảm xúc của chúng ta nó phản ứng theo cách ở phía trước và do vậy thường chúng ta hay quên đi hay là không nghĩ tới cái gì nằm ở phía sau, cái gì không nằm ở trong tầm mắt của mình.
Đúng ra trong Phạn ngữ thì hướng đông, hướng tây, hướng nam, hướng bắc được dịch ở tại đây nó là chữ Pascima, chữ Pascima dịch là hướng tây nhưng chữ Pascima có nghĩa là "sau lưng". Về điểm này thì người Tây Phương học một chút của người Ấn Độ khi tính phương hướng là mình đứng nhìn mặt trời thì mặt trời ở phương đông và sau lưng của chúng ta là phương tây, rồi bên tay phải là phương nam bên tay trái là phương bắc, từ cách xác định phương hướng này người ta nói đến hướng đông nam tây bắc, nhưng Ngài HT bổn sư Thầy dạy của chúng tôi Ngài Tangpulu thì Ngài nói rằng một hành giả tu tập tâm từ không cần phải xác định đâu là hướng đông, đâu là hướng tây, đâu là hướng nam, đâu là hướng bắc, có thể vị đó sống trong rừng, có thể vị đó sống trong hang đá, có vị sống trong am thất, thì đúng ra ở tại đây chúng ta có thể trở về với nghĩa đen của tiếng Phạn tức là trước mặt, sau lưng, bên phải, bên trái, trên và dưới. Những từ này ở trong tiếng Phạn, thí dụ như hướng đông và trước mặt thì giống nhau, ở sau lưng và hướng tây giống nhau, bên phải và hướng nam giống nhau, nhưng một hành giả khi ngồi xuống trong một đêm tối hay trong một am thất hoặc giả trong một căn nhà thì vị này lấy giá trị không gian từ chỗ ngồi của mình tức là tất cả chúng sanh ở hướng trước mặt, tất cả chúng sanh ở hướng sau lưng, tất cả chúng sanh ở hướng bên tay phải, tất cả chúng sanh ở hướng bên tay trái, tất cả chúng sanh ở hướng trên, tất cả chúng sanh ở hướng dưới, xin cho tất cả chúng sanh được an lạc.
Tại sao chúng ta phải dùng giá trị của không gian, giá trị của phương hướng để tu dưỡng bốn vô lượng tâm, bởi vì rất là đơn giản hồi nảy chúng tôi nói với qúi vị là cảm xúc "Từ Bi Hỉ Xả" đến từ một thứ cảm xúc phản ứng và cảm xúc phản ứng này đập vào thị giác của chúng ta, đập vào trước mặt của chúng ta, do vậy thị giác này mang tính một chiều, mang tính phiến diện. Không hiểu qúi Phật tử có khi nào để ý thấy một điều rằng có thể cha mẹ mình rất thân nhưng cha mẹ vì ở xa, chúng ta ít có dành thì giờ để sống cho cha mẹ bằng người ở gần mình, những người trước mắt, những người mà đập vào trong mắt mình. Ông bà chúng ta không phải là vô lý khi nói rằng xa mặt cách lòng, tại sao xa mặt cách lòng? là tại vì những cảm xúc, những tình cảm vốn đến từ phản ứng trực tiếp nhiều hơn là chuyện xa xôi, trừ khi có một người nào đó mình thương lắm ở xa mình ráng nghĩ, nhưng đa số thưa qúi vị ở trong Anh ngữ gọi là proximity (trạng thái gần - cự ly) người ta nói cự ly hay khoản cách của không gian khiến tạo nên nhiều cảm xúc hơn, ở đây là một kinh nghiệm và do vậy khi chúng ta muốn phát triển tâm từ rất cần thiết để chúng ta xử dụng phương hướng, chúng ta muốn nói đến giá trị của không gian là đông nam tây bắc trên dưới, nhưng chúng tôi xin nhắc lại Ngài Tangpulu Ngài nói rằng đúng ra thì chúng ta nói rằng "Trước mặt sau lưng bên phải bên trái bên trên bên dưới", có lẽ về điểm này thì chúng tôi xin được tạm ngưng ở đây một chút để lấy ý kiến của TT Tuệ Siêu vì trong tất cả các bản dịch thường dịch là đông nam tây bắc, TT Tuệ Siêu là một giáo sư về Phạn ngữ và đọc nhiều kinh sách. Bạch TT Tuệ Siêu theo ý kiến của TT Tuệ Siêu thì chúng ta có thể dùng quan niệm là trước sau bên phải bên trái thay thế cho đông nam tây bắc không, xin được kính cung thỉnh TT.

TT Tuệ Siêu: Về vấn đề này thì theo chúng tôi nghĩ là chúng ta dùng cách nào cũng được không nhất thiết là phải hướng đông hướng tây hay hướng nam hướng bắc, bởi vì nếu chúng ta tu tập biến mãn từ tâm và chúng ta theo phương hướng như vậy có sự giới hạn hay nói một cách khác tức là chúng ta bị lệ thuộc vào những từ ngữ hay phương hướng, và chúng tôi nghĩ rằng trong kinh văn thì Đức Phật Ngài dùng từ đông tây nam bắc, nhưng điều đó là để cho chúng ta hiểu, nhưng khi một vị hành giả tu tập ngồi ở tư thế ngồi như thế nào thì bốn phía từ nơi thân của vị đó nó sẽ là bốn hướng, chúng tôi nghĩ là như vậy, bởi vì khi vị trí ngồi mà vị hành giả xay mặt về hướng bắc hay hướng tây nhưng hễ biến mãn tâm từ bắt đầu từ hướng đông thì như vậy nó có tánh cách bó buộc một chút, theo chúng tôi nghĩ rằng nếu khi chúng ta ngồi thiền chúng ta biến mãn tâm từ thì ở phía trước mặt của mình dài cho đến vô biên hướng phía trước đi tới chúng ta nên có từ tâm đối với phía trước tượng trưng như phía đông rồi ở phía sau lưng chúng ta, chúng ta liên tưởng đến những chúng sanh vô lượng, chúng ta tu tập từ tâm hay biến mãn từ tâm với những chúng sanh đó, thì chúng tôi nghĩ rằng khi chúng ta ngồi trong thế ngồi nào, chúng ta ngồi ở giữa như là một trung điểm và biến mãn cùng khắp ở trên ở dưới và trước sau bên phải bên trái thì như vậy tâm từ sẽ toả rộng và dễ cho chúng ta cảm nhận hơn. Vả chăng các từ đông tây nam bắc v.v...., điều này chỉ là một từ chế định để có sự quy định, chẳng hạn trong bài kinh Thi Ca La Việt khi đề cập đến phương đông để chỉ cho cha mẹ v.v... thì các phương hướng được định đặt như vậy chúng ta phải hiểu rằng đó là một sự ẩn dụ chớ không phải là cha mẹ được xem như phương đông, vì mặt trời mọc lên ánh sáng từ nơi đó xuất hiện cũng tượng trưng cho cha mẹ v.v... Thì khi chúng ta nói điều này thì chúng ta nên dùng lý trí để suy nghĩ theo kinh nghiệm tu tập của từng cá nhân, chứ ở đây chúng tôi không có một cơ sở nào để nói rõ về vấn đề đó, trong cơ sở chú giải chúng tôi cũng chưa tìm thấy, cho nên trong vấn đề này chỉ được xem như là ý kiến của cá nhân hay sự nhận xét một cảm tưởng cá nhân mà trình bày ý nghĩa này trong câu hỏi mà TT Giác Đẳng vừa nêu lên như vậy. Nói tóm lại theo chúng tôi thì nếu chúng ta đã quen rải từ tâm biến mãn từ tâm theo phương hướng đông tây nam bắc nếu đã quen như vậy thì chúng ta hãy tu tập như vậy, còn nếu chúng ta không quen như vậy thì chúng ta cứ rải từ tâm chúng sanh phía trước mặt, ở sau lưng, ở bên tay phải bên tay trái trên và dưới thì như vậy nó cũng ứng theo sáu hướng điều này không có gì sai trái hết cho nên chúng tôi có ý kiến để đóng góp câu hỏi là như vậy.

TT Giác Đẳng: kính tri ân TT Tuệ Siêu, và bây giờ thì chúng ta tiếp theo bài học về chan hoà tâm "Từ Bi Hỉ Xả", ở đây chúng ta đang nói tâm từ tất cả phương hướng thì theo trong sớ giải chia làm hai giai đoạn, giai đoạn đầu tiên thì chỉ phát triển tâm từ thôi, thuần túy là tâm từ, sau khi đạt được định an chỉ tức là kiên cố định rồi thì từ định này vị này mới dùng tâm từ đó biến mãn câu hữu với tất cả các phương hướng.
Ở đây Ngài Buddhaghosa đặc biệt nhấn mạnh rằng hành giả đã thể nhập tâm từ đối với từng phương vị là lập đi lập lại chứ không nói là "cũng vậy".
Ví dụ như qúi vị nghe trong kinh Bát Nhã nói là "Sắc tức thị không, không tức thị sắc, rồi thọ tưởng hành thức diệt phục như thị", tức là "sắc là không, không tức là sắc, rồi thọ tưởng hành thức cũng giống như vậy"
Cách đó là nói trong cách hành văn của kinh Bát Nhã, thì ở đây chúng tôi mượn cách đó để làm thí dụ là chúng ta không thể dùng cách đó ở tại đây rằng
"Nguyện cho tất cả chúng sanh ở hướng đông được an lạc dứt trừ mọi oan trái thành tựu những hạnh phúc rồi hướng tây hướng nam hướng bắc cũng vậy".
Cái chữ "cũng vậy" thì sài không được, chúng ta phải đầy đủ. Thật ra khi một người với tâm từ sung mãn rồi thì họ cảm thấy rằng họ có thể cho và cho được rất nhiều và cho một cách rất đầy đủ ở tất cả các phương hướng mà không nề hà gì.

Chúng tôi kể qúi vị nghe một câu chuyện trong truyền thống của Phật Giáo Nam Tông và cũng có một phần của Phật Giáo Bắc Tông ảnh hưởng nền văn hoá Ấn Độ, thường thường những lời tác bạch hay những lời đảnh lễ thì được tái xác định lần thứ nhì lần thứ ba, ví dụ như chúng ta nói qui y Phật thì: "Con nguyện qui y Phật, con nguyện qui y Pháp, con nguyện qui y Tăng lần thứ nhất" rồi nói "Lần thứ hai con nguyện qui y Phật, lần thứ hai con nguyện qui y Pháp, lần thứ hai con nguyện qui y Tăng", rồi "Lần thứ ba con nguyện qui y Phật, lần thứ ba con nguyện qui y Pháp, lần thứ ba con nguyện qui y Tăng", lập lại ba lần để tâm của chúng ta minh định rõ, để tâm của chúng ta nói rằng mình không bị lẫn lộn, để tâm của chúng ta đoan chắc rằng đó là điều mà mình muốn mình mong, và mình thật sự tác ý như vậy, và do vậy trong kinh điển thường lập đi lập lại ba lần, ví dụ tụng "Namo Tassa" cũng ba lần hay qúi Phật tử xin thọ trì tam qui ngũ giới cũng ba lần. Chúng tôi nhớ hồi nhỏ chúng tôi về Mỹ Tho có quen với một vị Sư, Sư này thì cũng không dám bỏ phong tục đó nhưng hễ Sư làm việc gì đó thì không lập lại ba lần mà Sư cứ nói lần thứ nhì lần thứ ba là đủ, ví dụ như: "Con xin thành kính đảnh lễ Bảo Tháp ngọc Xá Lợi Đại Thọ Bồ Đề Kim Thân Phật đã thờ trong các mọi nơi" thì thay vì lập lại lần thứ nhì cũng vậy lần thứ ba cũng vậy thì Sư này nói lần thứ nhì và lần thứ ba, hay là Phật tử xin giới xin một lần rồi xong cũng lại lần thứ nhì lần thứ ba, lâu ngày các vị sa di trong chùa thường nhắc vị sư đó là thứ nhì thứ ba. Thì khi chúng ta niệm tâm từ chúng ta không làm như vậy, chúng ta không có làm gọi là làm cho có, Ngài Buddhaghosa Ngài đặc biệt nhấn mạnh là chúng ta không có để là "cũng vậy", mà chúng ta phải lập lại và lập lại một cách rất rõ ràng rất đầy đủ từng phương hướng. Thưa qúi vị điểm này không phải là điểm mang tánh cách nghi lễ là mệt mỏi hay là bổn phận mà căn bản là nếu chúng ta đã thật sự an trú vào một trạng thái cao thượng mà tâm tư mát mẻ như tâm tư của tâm từ chẳng hạn chúng ta cảm thấy an lạc thì đối với tất cả các phương hướng cũng giống nhau chứ không phải hướng này trọng còn hướng kia không trọng, đây là một cái gì tương đối hơi li chi mang tánh cách thể nhập.

Trong phần đầu chúng ta nói về sự phát triển tâm từ, nhưng qua phần này chúng ta đặc biệt lưu ý đến cái gọi là đối tượng của tâm từ và ở đây trong đối tượng của tâm từ ở một mức độ nào đó thì người ta dùng những "Tướng", những tướng này có thể nói rằng nó vượt ngoài những khái niệm hàng ngày của chúng ta. Nếu qúi Phật tử đọc kinh Từ Bi thì Đức Phật Ngài dạy là chúng ta đem lòng từ trải rộng đến những chúng sinh ở xa hoặc ở gần, lớn nhỏ hoặc trung bình, đã sanh ra hay sắp sanh ra, thì khi mà chúng ta nói rằng ở xa ở gần lớn nhỏ trung bình dài ngắn thì thưa qúi vị nó cũng còn là chúng sanh nhưng cái dạng chúng sanh đó vượt khỏi nhiều khái niệm về đẹp, về xấu, về thân, về sơ, về người Miên, người Tàu, người Thái. Chúng ta có nhiều cách nhìn cuộc đời nhưng đến lúc nào đó thì cái "Tướng" trở nên rất đơn giản và do nó đơn giản nó bao trùm lấy nhiều người, ví dụ chúng ta niệm tâm từ đối với một người ở gần và ở xa, ở gần tức là những chúng sanh ở chung quanh mình, ở xa là những chúng sanh mà chúng ta có thể nghĩ đến nhưng xa lắm chúng ta không thấy được, không nghe được, hoặc lớn nhỏ hoặc trung bình, lớn như con voi con trâu con bò, trung bình giống như con người, nhỏ như là con kiến con sâu v.v... Cái nhìn của chúng ta như vậy đó, đại loại thì thưa qúi vị nói đến một trạng thái tương đối là thuần của tâm.
Nếu qúi vị Phật tử nào học A Tỳ Đàm thì qúi vị sẽ thấy rằng sở dĩ tâm của chúng ta có nhiều nê chấp là bởi vì chúng ta không nhìn con người qua bản thể, mà bản thể chúng ta gọi là "Uẩn Xứ Giới Đế" ví dụ như qúi vị hành thiền thay vì nói rằng tôi đi hay tôi làm hay tôi thế này tôi thế kia, thì vị này niệm về danh về sắc đây là thân, đây là tâm, đây là cái khởi lên ý muốn, đây là cử động v.v... chúng ta thấy đó là thế giới của hiện tượng, khi thấy thế giới của hiện tượng thì chúng ta dễ đem tâm tư của mình hoà nhập với hiện tượng, còn nếu chúng ta không nhìn thấy thế giới hiện tượng mà nhìn thấy thế giới cá biệt thì nó sẽ đưa chúng ta trở về với một cảnh giới khác. Nếu một vị minh quân nhìn thấy cả quốc gia đó là thần dân, cả quốc gia đó là một cộng đồng của nhiều người sống chung với nhau, thì vị này an trú tâm mình trong một tâm thái khác hơn một vị vua mà vị này lại nghĩ quá nhiều về một người chẳng hạn, ví dụ như ở trong cả ngàn cả bao nhiêu triệu người mà vị vua chỉ nghĩ đến một mỹ nhân và mỹ nhân này là người mà vị vua thích nhất, thì nghĩ quá nhiều về một người như vậy thì tâm thái nó phải khác đi.
Thì thưa qúi vị khi chúng ta đọc đến điều này chúng ta nhận ra một lý lẽ vô cùng quan trọng, lý lẽ này là để tâm của chúng ta ở trong một tình trạng tương đối nhẹ nhàng thì chúng ta phải an trú vào cái gì giản dị nhất, thì ở đây Ngài Buddhaghosa nêu lên một số cách nhìn về chúng sanh, ở trong những cách nhìn đó thì chúng ta nhận ra tuy rằng có chúng sanh nhưng cách nhìn đó nó rất gần với bản thể, như ở trong kinh Từ Bi hồi nãy chúng tôi có đề cập đến với qúi vị nói về chúng sanh loại hai chân loại nhiều chân loại nhỏ lớn, loại trung bình khi chúng ta nhìn cái thân tức kaya là mỗi chúng sanh họ là một thể hiện của nghiệp quá khứ thì kaya có khi nó thân lớn như atula, nhỏ như là một con kiến con bọ v.v.... thì nói chung là chúng ta nhìn theo một chiều kích chúng ta nhìn theo một dạng đơn thuần như những nhà khoa học mà họ nói về kỷ hà học hay về hoá học họ chỉ nhìn thấy hiện tượng vật chất qua những công thức. Thì chính những cách nhìn này nó làm cho chúng ta giảm đi rất nhiều những chấp tướng riêng, ngoài chấp tướng riêng đó nó bị vướng vấp hễ chúng ta càng đi quá nhiều vào chi tiết đơn cử từng phần một thì chúng ta càng bị kẹt và cái bị kẹt này làm tâm của chúng ta không hanh thông.
Phật tử nào có những hành trình đi đường xa, thưa qúi vị hành trình xa thì chúng ta thấy rằng không ai có thể đi hết cuộc hành trình nếu nhìn cuộc hành trình đó một cách quá chi tiết một cách quá tỉ mỉ , càng chi tiết càng tỉ mỉ thì chúng ta càng nặng nề, chúng ta chỉ biết rằng mình sẽ có mặt tại thành phố đó trong một ngày và vì vậy ở ngày đó mình đến thăm những nơi cần thiết những nơi quan trọng nhất, chứ không thể nào đào quá sâu vào một nơi hay đi quá sâu vào một chi tiết, thì cái nhìn này nó mang tánh cách gần với nhân văn gần với xã hội hơn là mang tánh cách cá nhân, và do vậy cuộc hành trình nó được trơn tru có nghĩa là chúng ta không bị vướng vấp điều này không bị vướng vấp điều kia.
Thì nói chung sự phát triển của tâm từ ở đoạn đầu chúng ta nói đến sự phát triển từ tâm đối với các phương tiện đối với những giá trị về không gian, ở đây bước sang đối tượng của lòng từ thì chúng ta cũng phải biết cách nào để nhìn những đối tượng đó. Có khi nào chúng ta lật một bài báo ra nhìn cuộc đời này chỉ qua những con số thôi. Ví dụ như có bao nhiêu người sống tại Hoa Kỳ và trong số người đó có bao nhiêu phần trăm sống trong lợi tức tương đối trung bình, có bao nhiêu phần trăm sống dưới trung bình hay trên trung bình, những con số đó hoàn toàn giúp cho chúng ta vượt ngoài cái nhìn mang tánh cách cá nhân ông A bà B mà chúng ta vẫn nghĩ vẫn quan tâm đến chúng sanh nhưng không bị lụy vào chúng sanh, và qúi vị Phật tử sẽ thấy một điều ở trong Từ Bi Kinh cái gì mà Đức Phật Ngài nêu ra, chúng tôi mong rằng có dịp chúng ta đọc kỹ lại bài kinh đó trước đây đã được giảng ở trong lớp "Nghi thức tụng niệm" và lớp học đó đã được hoàn tất chúng tôi nhớ là năm rồi thì chúng ta có đọc qua bài Từ Bi kinh, qúi vị đọc bài Từ Bi Kinh đó sẽ thấy rằng Đức Phật Ngài dậy chúng ta nên nhìn chúng sanh như thế nào khi mà Ngài nói rằng đối với tất cả chúng sanh hoặc xa hoặc gần, hoặc thấy được hay không thấy được, hoặc lớn nhỏ hoặc trung bình đã sanh ra rồi hoặc sắp sanh ra thì lòng từ đối xử không phân biệt, thì đó là cách mà chúng ta nhìn chúng sanh theo tâm từ./.

 



 

 

 

 

 

 

 


|  | trở về đầu trang | Trang Chính |

© 2006 dieuphap.com. All Rights Reserved. Kỹ thuật trình bày nội dung: Minh Hạnh & Chánh Hạnh |