dieuphap.com Trang Chính |
Bưuduc.com Trang Chính |
[07] Giảng ngày 28 tháng 09, 2006 tại rơom Diệu Pháp - Paltalk - Minh Hạnh chuyển biên TT Giác Đẳng: Chúng ta đi vào phần cuối của những tâm niệm, của những phương pháp khả dĩ khiến cho chúng ta có thể hoá giải được cơn giận, và nhờ vậy tâm hồn của chúng ta trở lại với sự thanh thản để tu tập tâm từ. Một sự thật không thể chối cãi rằng có rất nhiều việc khiến cho chúng ta giận và khi giận thì giận nhiều khổ nhiều. Con người đối với con người trong quan niệm nhân ngã khiến cho chúng ta cực kỳ khó khăn để có thể tha thứ, để có thể quên đi, và để có thể cho phép mình sống đời sống bình thường. Cái gì mình nói được ở đây có thể nói rằng rất đơn giản. Đơn giản là nỗ lực mà hành giả làm sao để cho trong lòng mình không bị giận dữ sân hận đốt cháy, bởi vì chúng ta đã lớn, đã đủ khôn đã đủ sự hiểu biết rằng làm như vậy chỉ khổ cho chính mình.
Một thứ tình cảm khác mang tính trí tuệ ở đây là thương mình, hễ con người mình mà sống ít giận ít buồn, con người mình sống ít có những bực bội thì tâm của chúng ta như là một mảnh đất vừa màu mỡ và được dọn sạch sẵn sàng để gieo trồng cây lành trái ngọt, tâm của chúng ta mà bị chiếm ngự bởi tâm sân bởi phiền não thì thưa qúi vị giống như một mảnh đất mà ở trên đó người ta đổ cả một đống rác, họ đổ bao nhiêu thứ phế thải thì mảnh đất đó nó không hữu dụng chút nào hết. Thì bây giờ chúng ta muốn mình như thế nào, cuộc sống nói một trăm năm thì thật sự nó không tới một trăm năm, chúng ta đã bỏ bao nhiêu thì giờ ở trong cuộc trăm năm đó để ngủ để nghỉ, để làm việc, thì giờ còn lại thì ít oi lắm thưa qúi vị, nếu tính ra thì giờ mình thật sự sống cho mình không bao nhiêu và nếu mình đem thì giờ đó để mà sống cho cái giận sống cho cái phiền thì thật là lãng phí cuộc đời, đúng là mình giận người mà làm tổn thương lấy mình bởi vì mình không có thì giờ làm việc khác. Hồi nhỏ chúng tôi nhớ gần chùa Từ Quang nơi chúng tôi ở có một bà cũng lớn tuổi, hôm đó chúng tôi tình cờ nghe bà nói chuyện với đứa con, đứa con giận không ăn, nó chạy ra ngoài cây ổi ngồi, bà ra kêu nó vô ăn, nó không chịu vào bà nói rằng: "giận người ta mà làm khổ mình thì giận chi vậy?" nhưng thật sự thưa qúi vị có đôi khi mình giận người ta mà làm khổ mình mà mình vẫn cứ giận, tại vì sao vậy? tại vì mình đặt nặng cái giận hơn là đặt nặng cái lợi lạc của mình, do vậy nếu mình giận người ta mà mình không thương mình thì cũng không nên giận làm gì , tại vì mình vô tội phải không qúi vị, nếu mình vô tội thì tại sao lại hành hạ mình chi cho nó khổ vậy, đừng tự hành hạ chính mình nhất là cái giận nó làm tan đi bao nhiêu nguồn công đức. Hôm qua chúng tôi có nói chuyện với một Phật tử, người này đã từng sống ở Thái Lan, hỏi chúng tôi rằng sao văn hoá của người Việt Nam mình lạ quá, chúng tôi hỏi tại sao? thì người đó nói rằng ở bên Thái Lan Phật tử đi chùa làm lễ trai tăng thì nếu có ai mang thực phẩm đến để góp vào lễ trai tăng đó sau đó Chư Tăng thọ thực xong còn lại Phật tử cùng nhau ăn thì người ta vui vẻ lắm, thí dụ hôm đó là hôm làm lễ trai tăng ở chùa và có ai mang thức ăn đến thì họ vui vẻ lắm, còn Phật tử Việt Nam mình sao khó chịu, hễ như bữa đó làm lễ trai tăng mà có ai mang đồ ăn đến nữa thì cảm thấy phiền não cảm thấy bực bộ khó chịu ra mặt, thì chúng tôi mới nói rằng người Việt Nam mình chưa quen cách làm phước, thí dụ mình làm một buổi lễ trai tăng hay làm một việc phước lành mà càng có nhiều người góp phần thì sự tùy hỉ mình vừa tạo phước mình vừa tùy hỉ phước thì phước nhiều hơn, nhưng mà thưa qúi vị phải lâu lắm phải thấm nhuần lắm mới hiểu điều này, đa phần là người ta để cho cái giận cái phiền nó làm giảm đi cái lợi ích hiện tại của mình, một phần là tại vì mình không hiểu rõ nhiều, một phần là sự đố kỵ của mình đối với người chung quanh cũng nhiều, nếu chúng ta hiểu đạo thì trong trường hợp đó rất là vui vẻ, nhiều người làm thì công việc được tốt, nhiều người làm thì đáng hoan hỷ và đại chúng sẽ có nhiều thực phẩm thì việc đó là việc đáng vui chớ không đáng phiền. Bây giờ chúng tôi đưa qúi vị sang một thế giới khác, nãy giờ chúng ta nói đến ba thứ tình cảm ở trong đời sống đó là: tình thương đến Đức Phật, lòng thương đến quyến thuộc, và lòng thương đối với bản thân, bây giờ chúng ta hãy nói về trí tuệ. Một bài học rất cổ điển của thiền quán, của A Tỳ Đàm và của Phật Pháp là tại vì mình nhìn mọi người, mình nhìn ông A bà B mình nhìn cái ngã tướng cái danh tướng, mình không nhìn thực tướng, cái thực tướng ở đây là sắc thọ tưởng hành thức đó là tóc lông móng răng da thịt xương gân mủ v.v... Cái thực tướng ở đời là mỗi một con người họ là kết cấu của danh của sắc, nếu mà chúng ta có trí tuệ mà chúng ta thường học A Tỳ Đàm, chúng ta thường hành thiền quán thì thưa qúi vị chúng ta tự hỏi mình giận làm gì, mình giận sắc uẩn của người đó hay giận thọ uẩn, giận tưởng uẩn hay hành uẩn hay thức uẩn, nếu nói ông A thì chúng ta giận cái tóc của ông đó hay là giận cái trán của ông đó hay giận màu da của ông đó v.v... và v.v... Tại vì trong cách nhìn này chúng ta cho phép mình được đặt trong vị thế là thấy rằng cái ngã tướng của danh tướng mà chúng ta thường nói tới nó chỉ là một ảo giác thôi, không hơn không kém. Nói thẳng ra thưa qúi vị một con người mà mình đã giận cách nay trên 10 năm thì con người đó hôm nay họ đã không còn là con người của 10 năm trước, danh sắc họ đã thay đổi tất cả, nhưng mà chúng ta vẫn tiếp tục để trong lòng. Chúng tôi thường kể cho qúi vị nghe là hồi chưa vào làm sadi ở chùa Siêu Lý Vĩnh Long nơi TT Tuệ Siêu ở bây giờ, chúng tôi có một vài món quà thật qúi, không có gì ở trong đời sadi mà đáng nhắc nhưng chúng tôi trang trọng bỏ vào rương và bỏ cái rương ở trên gác, ở tăng xá có cây gác ngang và cái rương gác lên đó, lâu ngày đi xa chúng tôi trở về, vài ba năm sau trở về, đi xa thì mình vẫn nghĩ trong lòng là "à, mình có những vật qúi cất như vậy, để như vậy" đến chừng về dở ra thì bây giờ nó cũng là vật đó nhưng nó không qúi như ngày xưa, bây giờ nó thường hơn ngày xưa rất nhiều và bây giờ nếu nhìn lại giá trị chăng thì nó là chỉ là một vật kỷ niệm của một thời nào đó. Khi nghĩ tới điều này thì chúng ta thấy rằng danh sắc thay đổi, cuộc đời thay đổi cũng như bến nước và giòng nước, giòng nước luôn luôn tuông chảy và bến nước thì nó cũng lắm đổi dời, một ngày nào đó thì chúng ta cứ nói rằng bến nước ở đó, nhưng mà bến nước ngày xưa đã đổi và giòng nước đã thay đổi, chúng ta không nghĩ như vậy. Ngài Xá Lợi Phất Ngài dạy Chư Tỳ Kheo nhẫn nại, nhẫn nại bởi vì con người của chúng ta là một kết cấu bởi nhiều thành tố như là nhãn nhĩ tỉ vị thân, rồi nhãn là có con mắt, rồi có cảnh sắc, rồi có nhãn thức, nếu chúng ta nhìn qua 12 xứ 18 giới thì chúng ta không biết là cái giận mà chúng ta đặt ở chỗ nào, phải nói là đa số cái gì mà mình giận đều là vì mình chấp vào ngã tướng nhân ngã vỉ thử, nào là anh đó, bà đó, chị đó, cô đó như vậy, nhưng chúng ta không thấy được sự tồn tại của chúng sanh trong cuộc đời này nó là tồn tại của những hiện tượng, những hiện tượng đó nó như bong bóng nước nó chợt sanh, chợt diệt, chợt ẩn, chợt hiện, chợt đến, chợt đi, có bao nhiêu sự kết cấu lấy nó. Một người hiểu A Tỳ Đàm, một người hiểu thiền quán thì người đó có thể thể nhập vào cảnh giới này dễ dàng để mà hóa giải những buồn phiền hiềm hận của chúng ta. Thì nói cho cùng tất cả đều là thế giới của hiện tượng, của kết cấu của giả lập, giận rồi cũng như không, giận rồi cũng vậy, không giận rồi cũng vậy. Sau cùng là một đề nghị mang tánh tâm lý, nếu giận ai thì tặng cho người đó một món quà, không phải là khách sáo, không phải là có giã tâm, mà tặng hết sức chân tình, một món quà qúi càng tốt, có thể nhiều vị ở đây nghe không có đồng ý: "Tại sao mình ngu quá vậy, người ta đã làm phiền mình, người ta đã giận mình mà mình lại cho người ta để làm gì, tặng người ta để làm gì" nhưng mà thưa qúi vị, cho họ một vật qúi không phải là để cho mình tức tối thêm mà là để hoá giải cái giận đó. Con người chúng ta đôi khi cần những liều thuốc, mà ở đây nó là một liều thuốc mạnh. Chúng tôi nhớ là hồi xưa chúng tôi có quen với một cặp vợ chồng, hai vị này cũng tương đối lớn tuổi và ông chồng có kể cho chúng tôi nghe một kinh nghiệm cũng lạ ở trong đời sống hai vợ chồng, vị đó nói rằng hai người có một chủ trương là khi nào có những chuyện gay cấn giữa vợ chồng và phải tranh luận bàn cãi thì thay vì đem ra bàn cãi liền thì họ cam kết với nhau là họ sẽ nói chuyện ở trong một không khí hết sức là ấm cúng hết sức là nhẹ nhàng, và thường thường những lần nói chuyện như vậy vào những bữa ăn, họ tìm một nhà hàng nào đó thật đẹp thật nhẹ nhàng, để có thể hưởng một bữa ăn thoải mái rồi sau đó sẽ nói những chuyện gay cấn, và họ thấy rằng những lúc đó họ bình tỉnh hơn nhiều và họ hoá giải được nhiều vấn đề, quí vị đừng nghĩ rằng đó là giải pháp trưởng giả. Bây giờ qúi vị nghĩ như vậy, nếu chúng ta có vấn đề cần giải quyết thay vì la ầm ĩ lên thay vì làm lớn chuyện, hãy tổ chức một bữa ăn thật ngon thật vui để có thể cùng ngồi xuống có những giây phút vui trước và rồi hãy nói chuyện, nhiều khi một món quà, một tặng vật, một bữa ăn không chừng nó sẽ đánh thức cho chúng ta thấy một chân lý rất là mầu nhiệm làn người ta được vui thì người ta cũng dễ thương hơn, người ta dễ thương hơn thì mình cũng dễ nói hơn và mình ít có bất mãn hơn. Nhưng một điều nên biết rằng làm sao để đừng giận người khác, thương người lỡ giận mình, mình thương người bằng cách tặng cho người một món quà, qúi vị đừng đánh giá thấp mình mà nghĩ rằng chuyện đó chỉ có thánh mới làm được - không phải đâu - có những trường hợp chúng ta có thể tập được nếu chúng ta thử. Thì ở đây thưa qúi vị trải qua rất nhiều cái đề nghị mà Ngài Buddhaghosa đã nhắc đến chúng ta thấy là những điều này cung cấp cho chúng ta nhiều những binh khí nhiều phương tiện để hoá giải cơn giận ở trong lòng, cuộc sống nói một cách nói nào đó nó là một nghệ thuật, nghệ thuật là từ một cái rất tầm thường tạo ra cái gì rất có ý nghĩa, có nhiều khi người ta tìm thấy ý nghĩa cuộc sống bằng sự tha thứ, người ta tìm thấy ý nghĩa cuộc sống bằng cách làm đẹp đi vào cuộc đời ở giữa những cái tầm thường rất là phàm phu rất là trần tục, nếu mà chúng ta cứ nghĩ rằng cuộc đời chỉ đẹp khi nào ở một khung cảnh hữu tình với những con người rất là cao qúi và với những giá trị thật là tuyệt vời thì thưa qúi vị chúng ta quên đi lời dạy của Đức Phật là hoa sen đến từ bùn dơ, và từ bùn dơ đó hoa sen đã nở toả ngát hương thơm, và cũng vậy giữa trần gian này vị thánh có thể thể hiện thiện pháp chánh pháp như pháp, ở trong giữa cảnh bùn lầy tăm tối này có những viên ngọc có những đóa hoa mà chúng ta không ngờ được, điều đó không phải xa xôi nhưng mà đó là cái khéo của chúng ta, và nếu chúng ta khéo tận dụng khéo suy nghĩ thì chúng ta cũng làm được, cái đó là cái nghệ thuật, cũng chừng này ngôn ngữ nếu chúng ta ghép lại đúng thì cho chúng ta những giòng chữ với thi với tứ, cũng chừng này cuộc sống hơi thở ra hơi thở vào mà có những người nhờ hơi thở đó mà đạt tới cảnh giới cao siêu, và cũng nhiều cái rất tầm thường, cuộc sống hỷ nộ ái ố ai lạc nộ, những cái buồn thương ghét nếu chúng ta thiền và quán chúng ta sẽ tìm thấy những gì rất đẹp, bởi vì sao vậy, bởi vì ngoài cái phiền não chúng ta còn có hai thứ là tình thương và trí tuệ, tánh chất của tình thương, tánh chất của trí tuệ điều đó là tình thương của Phật, điều đó là tình thương quyến thuộc, tình thương đối với chính mình, và dù đó là trí tuệ bị quán tính vô ngã, dù đó là trí tuệ đi vào tham sân, hai thứ đó nó vẫn cho phép chúng ta có được cảm giác ngọt ngào giữa cuộc sống nhiều cay đắng. Chúng tôi xin kết thúc bài nói chuyện tại đây và tuần tới chúng ta sẽ qua một phần khác của phép niệm tâm từ.
|
|