dieuphap.com Trang Chính |
Bưuduc.com Trang Chính |
[06] Giảng ngày 1 tháng 05, 2006 tại rơom Diệu Pháp - Paltalk - Minh Hạnh chuyển biên TT Giác Đẳng:chúng tôi xin một lần nữa được nhắc qúi vị đang có mặt ở đây là: Bởi vì do sự trình bày, nên Ngài Buddhaghosa đặc biệt khi đề cập đến 40 đề mục thiền chỉ như đất nước lửa gió v.v... thì Ngài chọn đề mục đầu tiên là đề mục đất để gói gém vào trong đó về phương pháp thực hành, về sự đắc chứng và đưa ra một mô tả rất tường tận. Do vậy những đề mục tiếp theo như nước lửa gió niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm thí, niệm giới, tứ vô lượng tâm v.v.. thì Ngài chỉ nói về đề mục mà không đi sâu như đề mục đất, bởi vì những gì được nói ở đây có thể đem ứng dụng lại cho những phần sau. Không hẳn hoàn toàn như vậy. Nhưng phần lớn trừ những đề mục trì niệm, những phần còn lại đều giống như đề mục đất. Tuần rồi chúng ta có dịp để đi qua một số nét chính liên quan đến sơ thiền, và còn một phần của sơ thiền chúng ta chưa đề cập đến, nhưng phần đó xem ra bỏ xót thì tuần này khi đề cập đến nhị thiền chúng ta sẽ có dịp trở lại. Ví dụ như nói về ba giai đoạn và mười khía cạnh này. Thật ra ở trong kinh tạng thì đề cập đến bốn tầng thiền: sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền. Trong A Tỳ Đàm thì đề cập đến ngũ thiền, sự khác biệt nằm ở chỗ này. Trong A Tỳ Đàm khi nói đến tầm tứ hỷ lạc định, thì nhị thiền chính là tầm tứ rồi tam thiền là không tầm không tứ. Nhưng đối với kinh tạng thì chỉ đề cập đến bốn tầng thiền thôi. Thì một bước nhảy vọt là sơ thiền có đầy đủ cả tầm tứ hỷ lạc định, nhị thiền chỉ có hỷ lạc và định. Nhưng mà thưa qúi vị, khi đề cập đến những tầng thiền này thì đa số người ta căn cứ trên những chi thiền, và những chi thiền này khi mới được thành tụ thì có đủ, và khi có đủ gọi là sơ thiền. Theo sự thuần thục thì những chi thiền đó được bỏ bớt đi không có nữa thì bấy giờ theo đó mà có sự tiến bộ lên các tầng thiền như nhị thiền, tam thiền, tứ thiền. Nhưng mà chỉ y cứ trên các chi thiền để nói về các tầng thiền thì như vậy quả thật không đủ và thiếu sót lớn. Về điểm này thì ở kinh tạng đặc biệt là Trung Bộ Kinh tìm thấy những mô tả rất chi tiết bởi Đức Phật. Chúng ta cũng phải nói ở đây một khuynh hướng mà có sự không phải là sự khác biệt mà là trọng tâm thì những vị thọ trì A Tỳ Đàm đa phần không đặc biệt xem thiền chỉ như một cái gì quan trọng ở trong tiến trình tu tập giải thoát. Nói như Anh ngữ chúng ta gọi là optional, nghĩa là có cũng được và không có cũng được. Thế nhưng ở trong kinh tạng thì có những mô tả của Đức Phật, không phải một lần mà rất nhiều lần, xem sự phát triển sự tu tập các tầng thiền này như một trong những hành trình quan trọng mà trong kinh tạng gọi là tâm giải thoát để đối với tuệ giải thoát. Tuệ giải thoát là con đường tu tập bốn niệm xứ. Nói cách khác là chỉ và quán, và được xem như song hành, nếu không phải song hành thì nó là những giai đoạn bắt buộc phải đi qua. Dùng chữ bắt buộc thì hơi quá nhưng phải nói rằng được chú tâm rất nhiều. Thì thưa qúi vị một trong những đặc điểm của kinh tạng đó là sự mô tả các tầng thiền, không phải chỉ đơn giản y cứ trên các chi thiền tầm tứ hỷ lạc định mà thay vào đó là những mô tả mang tính cực kỳ chi tiết. Chúng tôi lấy ví dụ nói đến sơ thiền thì sự mô tả trong kinh tạng tìm thấy rằng đó là trạng thái mà hành giả ly dục ly bất thiện pháp, chứng và trú sơ thiền một trạng thái có tầm có tứ với hỷ lạc do ly dục sanh. Trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh là đặc điểm của sơ thiền, bởi vì đây là bước thứ nhất có thể nói rằng khi một người chưa biết chứng thiền thì cái hỷ lạc của họ nằm lệ thuộc vào sự thoải mãn của các giác quan, những gì khả ái khả ý đối với các giác quan. Ở đây nói đến năm cảnh dục là; sắc, thinh, khí, vị, súc, khả ái khả ý, nhưng một khi hành giả chứng đạt được sơ thiền hành giả tìm một thứ hạnh phúc mà nó vượt ngoài ảnh hưởng của năm dục. Về điểm này thì tuần rồi Chư Tăng đã thảo luận rất nhiều, nếu qúi Phật tử có dịp đọc lại kỹ thì qúi vị sẽ nhớ được là hầu hết những hưởng thụ niềm hạnh phúc của chúng ta đều do năm cảnh sắc thinh khí vị súc mang lại. Hoặc giả liên hệ đến năm cảnh như sự hoài niệm, như những quan niệm về đẹp về xấu v.v.. đều đặc biệt bị chi phối bởi năm cảnh. Ví dụ như mỹ cảm của chúng ta chẳng hạn tuy là mang tính trừu tượng nhưng lệ thuộc vào sắc vào thinh rất nhiều. Thì thưa qúi vị, trạng thái của sơ thiền được đặc biệt nói đến một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh. Đầu tiên là ly dục, ly bất thiện pháp có tầm có tứ, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh. Thì ly dục, ly bất thiện pháp, tuần rồi chúng ta đã được nghe giảng về chữ dục và bất thiện pháp và tầm và tứ. Chúng tôi đưa ra một ví dụ như vầy: Một người mới học một ngôn ngữ và khi học ngôn ngữ thì việc đầu tiên họ phải nhận ra mặt chữ, rồi họ nhận ra kết cấu của câu. Nhận ra mặt chữ thí dụ như chúng ta nói chữ sơ thiền, chữ sơ là chữ s và chữ ơ, chữ thiền là th rồi i rồi chữ ê, n rồi dấu huyền chẳng hạn. Và khi chúng ta nhận ra mặt chữ rồi thì chúng ta mới ráp câu lại, đại khái chúng ta thấy cái nào là chủ từ, cái nào là túc từ, cái nào là động từ. Và do thấy được từng chữ một trong câu thì chúng ta nhận ra nghĩa của câu. Thì với một người mới học một ngôn ngữ khi đọc một đoạn văn họ cần những thứ đó. Thì sơ thiền là khả năng hướng tâm. Hướng ở đây không phải là tập trú như định, mà chúng tôi lấy ví dụ về chữ tầm như vậy là có nhiều vị đã từng học A Tỳ Đàm hay học Thanh Tịnh Đạo, chúng tôi lấy ví dụ như Sư Trưởng vốn rất quen thuộc với A Tỳ Đàm, vốn rất quen thuộc với những điều đang nói hôm nay, khi vừa vào mà nghe chúng tôi nói là Sư Trưởng có thể nhập vào những gì đang nói ngay lập tức. Nhưng nếu qúi vị hoàn toàn chưa quen với môn học này, khi mới vào rơom nghe thì qúi vị nghe ngờ ngợ không biết Chư Tăng đang nói cái gì, phải định thần, phải tập trú một hồi lâu phải lắng nghe một hồi thì qúi vị mới có thể cảm nhận mang máng là Chư Tăng đang nói về cái gì. Với một người có tầm sắc bén thì thưa qúi vị họ có thể hướng về đề mục mà họ muốn để họ nhập thiền rất nhanh chóng. Nhưng trong đời sống của chúng ta, thì bởi vì tầm và tứ của chúng ta không thiện xảo, do vậy "khi ta về lại nhớ lúc ta đi." Có nghĩa là khi qúi vị vào rơom học Phật pháp, qúi vị không tập trung tại đây mà qúi vị lại hướng ra những chuyện khác, và khi qúi vị làm những chuyện khác thì qúi vị lại nghĩ đến chuyện trong rơom. Chúng tôi làm việc với các Phật tử trong ban điều hành chúng tôi biết là; Khi rời rơom sinh hoạt ra thì qúi vị thường nhắc đến bài của vị giảng sư, nhưng khi vào trong rơom sinh hoạt thì qúi vị ít để ý đến bài của giảng sư, mà qúi vị để ý đến chuyện ngoài sự sinh hoạt của rơom. Thì khả năng để hướng tâm theo ý muốn, hướng tâm có hiệu quả thật sự rất là diệu dụng. Qúi vị cứ hình dung một điều rằng chúng ta có nhiều cảnh giới để thể nhập để hướng tâm, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng thể nhập một cách thích hợp một cách đúng đắn. Mình vào chùa thì mình thể nhập vào cảnh giới của chùa chiền, mình đến buổi thảo luận về văn thơ thì chúng ta nhanh chóng thể nhập vào cảnh giới đó. Tâm của chúng ta thường không được khéo tận dụng, bởi vì chúng ta không quen tập trú. Ở đây chúng tôi nói đến tầm. Chẳng những vậy mà chúng ta không bám lấy đối tượng, chúng ta không có khả năng để bám sát lấy đối tượng. Thì qúi vị Phật tử phải thấy rằng có những lần cầm quyển sách lên đọc, đọc để cho có đọc thôi, nhưng thật sự những câu, những hàng chữ, những đoạn văn, những ý nghĩa không đi vào trong tâm trí của mình. Có khi mình đọc cái gì đó, mình nghe rất thấm thía và có nhiều khi mình đọc rất là vô nghĩa, thì thật sự phải nói rằng ở mức đầu mà chúng ta gọi là sơ thiền thì tầm tứ rất đắc dụng mà Đức Phật Ngài gọi là một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh. Trạng thái đó là một trạng thái hỷ lạc khiến cho chúng ta có khả năng tách rời năm cảnh dục mà an chỉ tâm hoàn toàn ở trên đề mục tu tập. Nhưng một khi đã thuần thục rồi thì lúc bấy giờ hành giả lại bỏ ở phía sau lưng một số điều xem như là thành đạt ở ban đầu. Bây giờ chúng tôi trở lại bài sơ thiền. Khi nói đến khả năng tầm tứ đó là khả năng rất thiện xảo. Chúng tôi lấy ví dụ là khi học ngôn ngữ đến mức độ thuần thục rồi thì mình đâu cần phải ráp vần nữa phải không? đâu cần ghép những mẫu tự vào với nhau và thậm chí qúi vị đọc là đọc chứ không cần phải ngồi để nhìn kết cấu của một câu, như chúng ta nói chuyện bằng ngôn ngữ ấy thuần thục rồi thì chúng ta không cần dịch từng chữ này sang chữ kia, mà chúng ta nói bằng cách phản xạ cấu kết rất nhanh. Thì như vậy sự thuần thục lại cho chúng ta biết ở đây một yếu tố khác của tâm linh là càng thuần thục thì càng bớt đi những requirement (requirement = đòi hỏi cần thiết). Ngày xưa họ nói có những bậc cao sĩ khi họ đọc thơ thì họ tắm rửa sạch sẽ, thắp một lò trầm, rồi ở trong một khung cảnh rất là tao nhã để cầm một bài thơ nên ngân nga đọc để tìm thấy ở đó cái đẹp của thơ. Cái đó không phải là dở thưa qúi vị, bởi vì cái đó cho phép chúng ta sống trong thế giới của thơ trong khung cảnh rất hữu tình đẹp của thơ cái phẩm vị rất gần với hồn thơ. Nhưng một khi với một thi sĩ gọi là đã đạt đến một mức độ thâm nhập thật sự rồi thì họ không cần phải tắm rửa sạch sẽ cũng không phải ngồi trước án thư, hay đốt một lò trầm, hay ở trong một cảnh gì mà đặc biệt chuẩn bị thể nhập vào thế giới của thơ, những thi sĩ này họ có thể thể nhập vào thế giới của thơ trong bất cứ hoàn cảnh nào. Bất chợt nhìn thấy một giọi nước mắt, bất chợt cảm thấy một cái gì nó đến với mình hay ngỡ ngàng đau khổ thì mình cũng làm thơ được, trong nỗi trống vắng cũng làm thơ được, ở trong nỗi quạnh hiu cũng làm thơ được, thậm chí họ đứng ở bên hè để nhìn những giọt mưa xuống cũng làm thơ được, chứ không nhất thiết là phải có một bối cảnh được khéo chuẩn bị thì họ mới thể nhập vào thế giới của thơ. Thì lúc đó chúng ta mới thấy được là những yêu cầu ban đầu không còn lớn chuyện nữa, không còn cần thiết nữa. Và ở đây khi đề cập đến nhị thiền thì Đức Phật Ngài đề cập đến hỷ lạc do định sanh, điều này đặc biệt quan trọng. Ở trong trạng thái sơ thiền đó là một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, ly dục tức là hỷ lạc đó cũng là hỷ cũng là lạc, nhưng lạc đó lần đầu tiên tách rời khỏi sự lệ thuộc ngoại cảnh ở bên ngoài. Khi lần đầu tiên tách rời ngoại cảnh bên ngoài giống như một người được độc lập, độc lập ở đây tức là lần đầu tiên mình có thể ra đời không còn bị ai dẫn dắt mình, không cần bị có người dám hộ, không cần bị có sự ràng buột với người khác, mà mình độc lập, trạng thái đó chúng ta tạm thí dụ cho cái gọi là hỷ lạc do ly dục sanh. Nhưng hỷ lạc do định sanh tế nhị hơn, chẳng những tách rời khỏi sự chi phối của dục mà vị này có sức gọi là định lực tốt hơn. Định lực tốt hơn lý do dễ hiểu là vị này quá thuần thục với việc đó, vị này có thể thể nhập ngay vào đề mục và thể nhập với định lực tương đối mạnh mẽ thành ra gọi là trạng thái hỷ lạc do định sanh. Thì thưa qúi vị, phải nhắc lại ở tại đây là những mô tả của nhị thiền cũng như tam thiền tứ thiền mà chúng tôi sắp nói đến, tất cả đều dựa trên một cách diễn tả được tìm thấy ở trên kinh tạng ở trong A Tỳ Đàm. Một khi nói đến nhị thiền tam thiền tứ thiền thì như chúng tôi nói rằng có phần hơi khác, do đó những mô tả này lại phải đặt lại thí dụ như trạng thái nhị thiền mà chúng tôi nói thì nó tương đương với tam thiền ở A Tỳ Đàm. Do vậy có nhiều khi qúi vị nghe Chư Tăng, nghe TT Tuệ Siêu giảng trong A Tỳ Đàm thì đừng ngạc nhiên nó có một sự khác biệt. Thật ra thì nó không phải là sự khác biệt lớn, nó chỉ là vi tế hơn. Một cái không tầm không tứ gọi là nhị thiền, một cái là không tầm mà có tứ là nhị thiền. Do vậy đó là một cách mô tả chi tiết thôi, nhưng chúng tôi sợ rằng qúi vị sẽ có một sự lẫn lộn giữa hai cách trình bày của kinh tạng và A Tỳ Đàm. Còn bây giờ thì chúng tôi xin được bước qua một điểm mà tuần trước không có dịp để giảng vì không có thì giờ, có lẽ chúng tôi khỏi cần nói thêm về chữ hỷ và lạc bởi vì Chư Tăng đã định nghĩa tuần rồi, chúng tôi nhớ như vậy, nhưng ở đây có nói rằng: Vị ấy từ bỏ hai pháp - từ bỏ hai pháp tức là tầm và tứ - có được ba pháp là hỷ lạc và định hay là hỷ lạc và nhất tâm, tốt đẹp ở ba phương diện và có mười đặc tính. Tốt đẹp ở ba phương diện - (phần này qúi vị phải đọc trở lại phần sơ thiền.......) tốt đẹp ở ba phương diện tức là giai đoạn đầu, giai đoạn giữa và giai đoạn cuối. Cái này là đặc tính mà ở trong Y Học họ nói là không có side-effect, tức là về lâu về dài nó không có biến chứng. Thông thường thì có nhiều thứ ở một giai đoạn nào đó cực kỳ tốt, chúng tôi lấy ví dụ là qúi vị dùng kathien để mà cho tỉnh người, thậm chí có nhiều người họ muốn tạo ra một cái cảm giác gì đó hay một trạng thái gì đó mà họ rất sung sướng như ma túy như rượu, thì những thứ đó nhất thời tạo ra cảm giác mà người ta muốn, nhưng nếu sống với nó càng lâu dài thì chẳng những nó không còn mang lại những trạng thái người ta muốn ban đầu như ma túy hay rượu mà nó là một sự tàn phá làm kiệt quệ cả thân và tâm. Thì như vậy chúng ta nói nó tốt ở giai đoạn đầu còn giai đoạn giữa và cuối không tốt. Hay là người Việt Nam của chúng ta ảnh hưởng cách chữa bịnh của Pháp, đụng chuyện gì cũng sài thuốc và sài thuốc rất là mạnh, dĩ nhiên là có kết quả liền, ví dụ như cảm rồi dùng trụ sinh thì nó có vấn đề. Đa số những gì chúng ta dùng ở trong đời sống đều có ảnh hưởng, đặc biệt là cảnh dục, hình ảnh đó, âm thanh đó, mùi thơm đó, vị ngon đó và sự xúc chạm, những thứ đó có thể tốt cho chúng ta ở một giai đoạn nào đó, nhưng qua những giai đoạn khác thì nó chỉ để lại cho chúng ta sự tiếc nuối, đó là nhẹ nhàng, kể cả sự tàn phá như là rượu như ma túy làm cho con người điên khùng được, khi con người đi quá xa bị quá lậm. Nhưng riêng với các tầng thiền thì được xem là ở chặng đầu tốt, ở chặng giữa tốt, ở chặng cuối tốt, tức là nó không có những cái biến chứng tai hại. Khi nói đến mười đặc tính thì mười đặc tính đó là: ba đặc tính thuộc chặng đầu, ba đặc tính thuộc chặng giữa, và bốn đặc tính ở chặng cuối. Ba đặc tính ở chặng đầu là tâm được lọc sạch chướng ngại do thiền. Chướng ngại đây là các pháp triền cái. Thứ hai là nhờ lọc sạch tâm chuẩn bị cho trạng thái quân bình ở chặng giữa tức là chỉ tướng. Nhờ tâm đã chuẩn bị nên dễ thể nhập vào trạng thái đó. Thì ba phương diện này có thể nói rằng là ba phương diện tốt đẹp ở chặng đầu, chặng bước vào. Cái ban đầu là cái rất quan trọng. Như một người học lái xe thấy người ta lái mình bắt chước lái theo, mình không để ý đến luật lệ từ ban đầu, hay hoặc giả là người dạy mình lái xe mà họ không nhắc mình thường nhìn kính chiếu hậu, thì có một số người lại bị một cái bịnh là lái xe ít khi nhìn kiếng chiếu hậu, khi sang line (sang hàng khác) ít có khi biết nhìn ở những chỗ cần phải nhìn trước khi đổi line cho chiếc xe và nó trở thành một cố tật thói quen suốt cả cuộc đời của mình. Chặng đầu đặc biệt quan trọng. Chặng giữa mang tính nhận diện. Chúng tôi nói chặng đầu là chuẩn bị, chặng giữa mang tính nhận diện, tức là với trạng thái xả nhìn tâm thanh lọc, nhìn tâm để chuẩn bị tinh chỉ và nhìn sự xuất hiện của các nhất tướng. Thì ở đây là trạng thái một khi mình đã chuẩn bị rồi thì rất quân bình không bộp chộp không nóng nảy. Ở đây dùng chữ gọi là xả, mình đã chuẩn bị là một lẽ nhưng trong sự chuẩn bị bắt đầu đó có một thái độ điềm tỉnh, cảm xúc quá đáng không làm cho chênh lệch cảm xúc của mình. Về điểm này thì tương tựa như một người học đạo hay một người học được một môn gì đó, khi họ đã chuẩn bị đầy đủ rồi thì họ phải bắt tay vào trong việc đó bằng một cái nhìn tương đối rằng an lành "Mình đã chuẩn bị như vậy bây giờ mình có thể làm như vậy." Có một số người thì không được về điểm này. Và trong giai đoạn thứ ba là toại ý vì không có sự quá độ nào trong các pháp khởi lên, toại ý về các căn có một nhiệm vụ duy nhất, toại ý về sự nỗ lực có kết quả, toại ý về nghĩa lý thuần thục. Với giai đoạn đầu là chuẩn bị, giai đoạn thứ hai là nhìn, giai đoạn thứ ba là bằng lòng. Ở trong sự bằng lòng này nó cực kỳ tế nhị, khi một người làm việc gì họ đã chuẩn bị đầy đủ do vậy họ không còn sống trong sự nông nỗi nữa, bởi vì mình biết rằng mình đã chuẩn bị, và mình có đủ sự tự tin là mọi việc đều tốt. Tại sao mình tự tin? Tại vì mọi việc mình đã chuẩn bị tốt, và mình đã có cái nhìn rất rõ là biết mình chuẩn bị tốt, và bây giờ mình vừa lòng với điều đó. Đó là bốn giai đoạn cuối. Thật ra từ những mô tả này chúng ta có nhiều bài học quan trọng trong đời sống hàng ngày khi nói về cái hoạt dụng của tâm thức. Về điều này sau khi xong hết bốn tầng thiền thì chúng tôi sẽ bàn kỹ trở lại về sự ứng dụng của những pháp này. Nhưng xin nhắc lại ở đây điểm chính của nhị thiền khác với kỳ rồi đó là do sự thuần thục hành giả đi vào trong cảnh giới không có tầm, không có tứ. Và đó là một trạng thái hỷ lạc do định sanh. Trái ngược với sơ thiền là hỷ lạc do ly dục sanh. Bởi vì ở trình độ này thì hành giả không còn đặt vấn đề ly dục nữa. Ly dục chỉ là một bước nhảy vọt, một bước nhảy thoát từ tâm dục, từ sự lệ thuộc vào cảnh dục đi vào thế giới của định do đó gọi là sơ thiền. Nhưng với sự tiến bộ theo đà thời gian thì vị này thể nhập vào thế giới của nhị thiền và đó là trạng thái hỷ lạc do định sanh chứ không phải do ly dục sanh nữa. Chúng tôi thật sự muốn đi hết cả những tầng thiền trong bài giảng ngày hôm nay, nhưng có một điều có lẽ chúng tôi nên đi chậm một chút, bởi vì trong bài học này tuy rằng nó là bài học thuộc về thiền nhưng lại mang nặng các chi pháp như A Tỳ Đàm, mà có thể một lúc chúng ta gói ghém nhiều chi tiết quá thì nó sẽ làm trở ngại để qúi vị theo dõi bài học. Xin được nói một cách vắn tắt là trong bài học này chúng ta đi qua phần mô tả nhị thiền và sự mô tả này được tìm thấy nhiều ở trong các bài kinh, nhất là ở trong Trung Bộ Kinh Đức Phật Ngài đề cập đến sơ nhị tam và tứ thiền. Ngoài ra thì sơ thiền được xem là bước đầu tiên để tách rời sự chi phối của các cảnh dục, nhưng nhị thiền thì vấn đề được đặt hoàn toàn khác đó là khả năng tập trú hay là định, và do vậy nhị thiền được gọi là trạng thái hỷ lạc do định sanh./.
|
|