dieuphap.com Trang Chính

Bưuduc.com Trang Chính



Insight Meditation Online


[05]
Mười Thiện Xảo trong định an chỉ (Tiếp theo)

Giảng ngày 17 tháng 04, 2006 tại rơom Diệu Pháp - Paltalk - Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Hôm nay chúng ta tiếp tục về mười pháp trợ duyên cho định an chỉ. Xin nhắc lại phần đầu được ghi trong pháp niệm về đề mục đất và đề mục đất được ghi là một đề mục đầu tiên ở trong bốn mươi đề mục thiền chỉ. Bởi vì là đề mục đầu tiên được đề cập đến nên Ngài Buddhaghosa đã nêu lên rất nhiều chi tiết, dĩ nhiên những chi tiết này không phải chỉ áp dụng riêng cho đề mục đất mà những đề mục khác như nước, gió, lửa v.v... cũng được dùng đến. Do vậy riêng về đề mục đầu tiên chúng ta cần bỏ nhiều thì giờ đi xa một chút.

Về mười thiện xảo nói cho rõ hơn là mười cái khéo - chữ thiện xảo trong chữ Hán chúng ta tạm dịch là cái khéo làm cho tâm được định tĩnh. Tuần trước đã đi qua bốn pháp và ngày hôm nay chúng ta sẽ nói về sáu pháp còn lại. Trong sáu pháp còn lại, thì điều năm, sáu, bảy và tám liên quan đến cái khéo của hành giả đối với sự tu dưỡng tâm ý của mình. Nếu chúng ta đọc kỹ về những điểm này, không những chỉ có lợi cho sự tu tập thiền định mà ngay cả sự tu tập hằng ngày cũng có nhiều điều lợi lạc:
Chế ngự tâm lúc đáng chế ngự, khích lệ tâm lúc đáng khích lệ, nhìn tâm với thái độ xả.


Điều này gợi ý cho chúng ta thấy rằng khi một hành giả tu tập thì thái độ cư xử với bản thân mình, nói rõ hơn là cuộc sống nội tâm của mình vô cùng quan trọng. Chúng ta nên biết rằng đa số hay nói hầu hết cuộc sống chúng ta rất phiến diện chỉ có một chiều thôi. Chúng tôi lấy một ví dụ là đối với người chung quanh chúng ta thường có một thái độ duy nhất hoặc là thân hoặc là không thân, hoặc là thương hoặc là ghét, hoặc là dễ giãi hoặc là nghiêm túc. Đối với những người thân của mình thì mình nghĩ rằng họ chỉ có một trạng thái mà chúng ta đối với họ cũng chỉ một cách thôi. Lấy ví dụ chúng tôi nghe có một vài vị Tăng nói rằng hồi nhỏ tới lớn ở gần Thầy của mình thì chỉ biết ông Thầy là bậc đáng tôn kính, và chỉ tôn kính ông Thầy mình mà thôi. Nhưng ở một tuổi nào đó thì ta nhận ra rằng những người lớn tuổi ,những bậc sư trưởng bậc tri túc, thì ngoài thái độ cung kính người ta cần đến những thứ khác ví dụ tình cảm. Chúng ta gần người nào tôn kính thì chúng ta dành cho một thứ, và chúng ta dành cho người nào tình cảm một cách thân thiện thoải mái thì chúng ta chỉ dành một thứ cho người đó. Do cái nhìn và cái thái độ chỉ có một chiều như vậy nên đôi khi, không phải đôi khi mà thường khi chúng ta tạo nên những sai lầm rất là nghiêm trọng.


Qúi Phật tử nào có con nhỏ thì hiểu rằng thương nó quá thì cũng hư mà khó khăn với nó quá thì cũng không được, có lúc phải khoan mà có lúc phải nghiêm, có lúc phải cho tình thương và có lúc cũng phải có thái độ rất nghiêm nghị với nó để dạy nó. Đối với ngoại cảnh, đối với cuộc đời đã khó mà đối với nội tâm của chúng ta khó trăm lần. Con người của chúng ta nói về bịnh tinh thần có đủ thứ bịnh: Đôi lúc chúng ta rất là tự tôn, tự cao tự đại nghĩ rằng mình hay mình giỏi, nhưng đôi lúc chúng ta rất là tự ti mặc cảm, cảm thấy rằng mình thua kém người khác, mình ghen ghét người khác, mình sợ rằng người khác thế này thế kia. Nếu chúng ta có cả hai trạng thái tự tôn và tự ti thì đó là có vấn đề. Nếu trạng thái tâm trong lúc mình đang tự tôn tự cao, thấy rằng ở trong đời này không ai bằng mình chỉ có mình mình duy nhất, rồi mình lại còn nói cái hay cái tốt cái đẹp của mình nữa thì cái đó gọi là khích lệ tâm lúc không đáng khích lệ. Tâm của chúng ta có những lúc cao ngạo thì chúng ta cũng phải có một cái gì đó để cho nó có một cái nhìn tương đối là hiểu biết là trung thực. Nhưng có những người lại có những trạng thái tự ti mặc cảm, cảm thấy mình yếu kém, cảm thấy mình thua sút, cảm thấy mình không là cái gì hết và mất đi sự khôn ngoan của mình, mình cảm thấy rằng mình không đúng, tại vì mình không ra gì, thì đó là trạng thái tự ti. Ở đây chúng ta không nói anh A bà B, chúng ta không nói người này người kia, chúng ta nói rằng mỗi chúng ta với một cuộc sống nội tâm cực kỳ phức tạp, và do vậy khi một hành giả tu tập thiền định thì hành giả đó phải hiểu một điều rằng chúng ta cần đem khích lệ lúc đáng khích lệ, chế ngự lúc đáng chế ngự, nỗ lực lúc đáng nỗ lực, chứ không phải chỉ có một thái độ duy nhất đối với nội tâm của chúng ta. Ví dụ là có những lúc chúng ta nên khẩn trương, nên cương quyết, nên làm một cách mạnh mẽ như trong kinh Đức Phật dạy rằng: "Một người mà đội chảo dầu nóng ở trong đầu thì không dám lơ đễnh, dù rằng trước mắt mình là một thiếu nữ đẹp đi nữa cũng không dám lơ đễnh." Tại vì sao? chỉ khinh xuất một chút thì dầu đổ xuống là bị phỏng mình. Do vậy có những lúc chúng ta cần cách suy nghĩ đó để đánh thức tâm tư của mình để thôi bới đi cái dễ dãi, thôi bới đi cái trù trừ phóng túng nơi mình. Đúng ra chỉ dùng cách đó trong đời sống của mình khi mình quá căng thẳng, một số người quá căng thẳng thì nên để cho họ có trạng thái thư giãn một chút, thoải mái một chút.


Ngày xưa khi nói đến những yếu tố để dẫn đến giác ngộ và được chính Đức Phật Ngài giảng dạy "bojjhanga" gọi là Thất Giác Chi thì qúi vị sẽ thấy rằng bao gồm cả cần tức là sự nỗ lực, bao gồm cả hỉ tức là sự hân hoan, bao gồm sự khinh an tức là nhẹ nhàng, bao gồm trạng thái xả một trạng thái tâm quân bình. Có tiến thủ biết lúc nào phải cao biết lúc nào phải hạ. Nếu chúng ta ra khơi ngoài biển cả mà chúng ta chỉ có một sách lượt, một cách thức để chèo chống con thuyền thì qúi vị không sớm thì muộn con thuyền bị lật, không ai căng buồm ngược gió để mà đi, nhưng nếu cơn phong ba bão tố mà dương buồm thì chỉ chuốt hoạ cho mình. Là một người tu tập, một trong những kinh nghiệm đầu tiên là học biết cách sống với chính mình và điều này là một điều rất khó, đa số các hành giả thường phó thác trọn vẹn cho vị Thiền Sư, Thiền Sư nói sao thì làm như vậy. Đúng, trong giai đoạn đầu chúng ta cần một sự hấp thụ hết sức là nghe lời, nghĩa là làm theo tất cả sự hướng dẫn, nhưng dần dà thì mỗi chúng ta nên tự biết lúc nào nên tăng, lúc nào nên giảm, lúc nào nên khích lệ mình và lúc nào nên chế ngự nội tâm.


Chúng tôi lấy ví dụ là đối với hành giả thì con người của chúng ta trong một ngày có những giờ phút chúng ta rất là phấn chấn và có những giờ phút đầu óc của chúng ta tương đối hơi muội lượt thụ động.


Thì những lúc chúng ta phấn chấn mà chúng ta không khéo, nghĩa là chúng ta khích lệ nhiều khiến cho mình cảm thấy hoan hỷ, thì thưa qúi vị những lúc đó sự phấn chấn sẽ trở thành một thứ gọi là giao động phóng tâm phóng dật.


Bởi vì sao? Lúc đó lại khích lệ vào thời điểm không đáng khích lệ.


Những lúc chúng ta thụ động thì chúng ta lại cần sự khích lệ đó.


Trái lại những lúc chúng ta quá thụ động thì phải làm cho chúng ta trổi dậy mạnh mẽ thêm.


Khi chúng ta học trong kinh điển, đặc biệt đi vào pháp hành thì những giá trị của Phật Pháp, giá trị của Phật ngôn, giá trị của những sự hướng dẫn giống như là uống thuốc không hơn không kém. Thuốc thì phải có gia giảm, phải có lúc này lúc khác. Thí dụ như qúi vị cầm những toa thuốc lên thì họ nói rằng mỗi một ngày dùng bao nhiêu lần nếu bịnh nặng thì uống bao nhiêu, nếu bị nhẹ uống bao nhiêu, và nếu dùng trong tám ngày, mười ngày hay bảy ngày không hết bịnh thì phải gặp bác sĩ chẳng hạn. Thì như vậy những phương thuốc đó vốn là phương thuốc và phải hiểu nó là một phương thuốc chứ không phải là một thứ để sùng bái. Con người của chúng ta hay sanh ra cái bịnh là hễ cái gì được thì cứ làm hoài, qúi vị thấy chúng ta hay sống trong cái chữ gọi là "indrawn" trong tiếng Anh có nghĩa là chúng ta thu mình vào trong, hụp lặn trong đó và chúng ta ỷ lại vào điều đó sống trạng thái nào mà mình thích thì mình sống với nó thôi điều đó rất tai hại. Lấy ví dụ một người nào mà mình thân mình nói chuyện cảm thấy hoan hỷ thì mình cứ lui tới với người đó hoài, một bộ sách nào mà mình thích đọc thì mình chỉ thích đọc bộ đó hoài, mình từ chối không chịu bước ra thế giới bên ngoài và đôi lúc chúng ta chỉ chọn cho mình một cách sống và bởi vậy người ít học cũng có vấn đề và người học nhiều cũng có vấn đề, người ít học thì họ thích chìm mình ngâm mình ở trong trạng thái mà họ tìm thấy ở đó rất là thích. Người học nhiều thì đầu óc của họ cũng liên tục đuổi bắt những thế giới mới lạ. Và với một người hành giả tu tập thì phải có một nguyên tắc rõ ràng là lúc cần khích lệ thì khích lệ tâm tư và lúc cần chế ngự thì chế ngự tâm tư và lúc cần bình thản thì cũng phải biết bình thản. Và trạng thái biết bình thản nó khác nhiều lắm đối với quan niệm thường tình của người ở bên ngoài đó là một thái độ thờ ơ lạnh lùng.


Tâm xả gọi là upekkhà gọi là hành xả ở trong thiền định, đúng ra chữ hành xả trong đạo Phật là một chữ vô cùng quan trọng, có những khi chúng ta hiểu rằng tâm của mình có khuynh hướng cực vui và cực buồn. Tức là khi buồn thì buồn da diết khi vui thì hỉ hả vô cùng. Với hành giả tu tập thì hiểu rằng lúc nào nên làm cho tâm quân bình. Người thế gian học Phật Pháp thì không hiểu biết về điểm này nhiều do đó họ hay có một quan niệm rằng cuộc đời là khổ và Đạo Phật là đạo yếm thế. Hễ có người khác đến với đạo Phật thì chỉ thích chuộng những gì đẹp thôi, chúng tôi lấy ví dụ là chúng tôi có một người quen sống ở Đài Loan vị đó thường thích những bức tranh vẽ về cảnh giới cực lạc, và vị đó nói với chúng tôi rằng khi vẽ tranh về thế giới cực lạc thì cảm thấy rằng pháp hội như vậy, chư Phật ngồi như vậy, chư Bồ Tát ngồi như vậy, trong không khí trang nghiêm như vậy, có lẽ ngoài cảnh giới đó không có cảnh giới nào hạnh phúc hơn. Thưa qúi vị vấn đề của cuộc sống không phải là chúng ta nói rằng Đạo Phật yếm thế hay Đạo Phật lạc quan, hoặc giả đạo Phật thế này Đạo Phật thế kia. Đạo Phật đôi lúc với một hành giả không cần phải có một kết luận là Phật Pháp thế này Phật Pháp thế kia. Dĩ nhiên là vị nào hay xem cải lương thì nhiều lúc phải nói rằng Phật Pháp rất cải lương, nghĩa là một người buồn cuộc đời, ý thức cuộc đời là phù du, ý thức được cuộc đời là tạm bợ, sau khi mệt mỏi thì lúc đó họ bỏ tất cả để vào chùa.


Tuy nhiên đối với người học Phật thì ngay cả những lời dạy của Đức Phật về sanh già đau chết, ngay cả những lời dạy của Đức Phật về hạnh phúc của cảnh trời hạnh phúc của Niết Bàn cũng được áp dụng một cách khéo áp dụng phải có thiện xảo. Chúng ta thử nghe lại một vài bài Pháp của Đức Phật khi Ngài dạy đạo cho những người mới đến mà chúng ta thường được biết đến đó là "Tuần tự pháp thoại" Ngài nói về sự lợi lạc của pháp bố thí, Ngài nói về sự lợi lạc của pháp trì giới, Ngài nói hạnh phúc của các cõi trời, Ngài nói về cái oan khiêng cái hệ lụy của ngũ trần, Ngài nói lợi lạc của con đường xuất gia giải thoát. Ở trong bài pháp như vậy có đủ mọi thứ cho những cảm xúc trong lòng chúng ta, có đủ cái cho chúng ta tha thiết, có đủ cái cho chúng ta từ bỏ, vừa đủ để ra đi, vừa đủ để từ bỏ, vừa đủ để nhàm chán và có những thứ vừa đủ để chúng ta đặt lại vấn đề của cuộc sống, cái đó ở trong cách nói của người thế gian gọi là "biết tiến thủ", tức là biết lúc nào là công, lúc nào là thủ, lúc nào tiến, lúc nào thối. Thì đối với hành giả cũng vậy, một điều quan trọng lớn nhất trong đời sống nội tâm của chúng ta đó là làm sao để tự khích lệ lấy chính mình.


Bởi vậy ở trong các trường thiền người ta thường có những pháp thoại và nhiều lúc chúng ta nghe pháp thoại thì chúng ta cảm tưởng như cuộc đời này không có gì đáng để tha thiết. Lấy ví dụ là nói về nhìn một xác chết, ở những ngôi chùa tại Thái Lan, mà là những thiền viện thì người ta có một cách thực hành mà những nước khác ít biết, đó là họ treo một bộ xương không phải bộ xương cách trí bằng plastic hay bằng fiber mà là bộ xương người thật sự để trong lồng kính trên giảng đường. Những bộ xương đó thường thường là do một người Phật tử trước khi mất họ có tâm nguyện hiến bộ xương cốt của họ để cho những hành giả tu tập, nhất là những nhà sư. Thì qúi vị cứ tưởng tượng như vầy, Chư Tăng ngồi trong giảng đường, và khi ngồi thì có đủ thứ cảnh phát sanh ra, có những bữa thức ăn rất ngon mà phải nói rằng khi chúng tôi ở Thái Lan trong 10 bữa thì 9 bữa thức ăn thực phẩm rất ngon. Có những người thí chủ họ là những người đến từ thành thị chốn phồn hoa đô hội ăn sang mặc đẹp rất là mỹ miều. Rồi nhiều cảnh nảy sanh ra, là một hành giả hay là một nhà sư sống trong chùa mình không có quyền từ chối tránh những người đó, nhưng các vị thiền sư treo một bộ xương trong tủ kiến ngay ở phía trước chỗ Chư Tăng ngồi thọ thực, nhiều lúc nhìn thấy một người mỹ miều đẹp đẽ đó và bộ xương đó chúng ta sẽ thấy rằng nó là một gợi ý rất lớn, nhưng mà có áp dụng thiện xảo hay không đó là chuyện của mỗi cá nhân chúng ta phải thấy.


Phật tử ở các nước Phật giáo họ tin một điều là khi chết đi mà hiến bộ xương đến các chùa để Chư Tăng tu tập thì rất nhiều phước báu. Họ đào một cái hố ở phía sau rừng tu thiền, thường các watpa (chùa tu thiền trong rừng) có khu rừng rộng lớn, họ lựa một góc tương đối rộng rãi đào một cái hố chúng ta gọi là cái huyệt không sâu rồi để xác ở đó, và xác đó một ngày hai ngày ba ngày không ướp thuốc nên nó sình chương nó trở nên hôi thúi ghê tởm. Bây giờ chúng tôi nói qúi vị ở tại đây có nhiều vị không hình dung ra hình ảnh đó. Với một người chưa đi vào thế giới tu thiền thì những điều đó xem rất cực đoan dễ sợ. Nhưng chúng tôi thưa như vầy, là tâm của chúng ta giống như tề thiên, giống như con khỉ, giống như nhân vật Vi Tiểu Bảo, nó có muôn thiên hình vạn trạng muôn ngàn ngõ ngách hiện ra dạng này chút lại hiện ra dạng kia, mà chúng ta thường rất ngây thơ đối với tâm tư của mình. Nó nản xuống thì không khéo chúng ta làm cho nó nản thêm, và những lúc hăng hái quá đáng không khéo thì chúng ta cũng làm cho quá đà, và do vậy người biết sống một mình là người tương đối sống với câu nói rằng "một người hiểu mình phải là một người sống có lắng đọng tâm tư có hiểu biết và đúng thời đúng lúc cư xử với chính mình một cách hợp tình hợp lý".


Càng đọc trong kinh và càng sống gần các vị thiền sư thì chúng ta hiểu được chân lý rõ ràng là "Vi nhân nan, thậm nan, thậm nan - làm người là khó", và cái khó làm người là trong sự cư xử ở đời, nhưng đối với cái nhìn của Đức Phật cách cư xử với cuộc đời xem ra nó dễ hơn là cư xử với chính mình.


Chúng ta ngày hôm nay ra sao, trong giờ phút này ra sao đều do thái độ đối với chính mình. Chúng ta có cho phép mình vượt qua sa mạc mênh mông của cuộc đời, thoát khỏi bóng tối chìm ngập trong tâm tư mình. Có cho phép chúng ta vươn lên để hứng ánh sáng ban mai của mặt trời, tha thiết của ánh bình minh hay không, những điều đó xem qua thì rất dễ dàng ai cũng nói rằng: "À! mình muốn mình được tốt, mình muốn được an lạc, mình muốn mình có được cái này mình có được cái kia" nghĩa là cách cư xử của chúng ta thì không khéo cư xử với chính mình, không khéo là mình cứ khích lệ mình trong lúc không đáng khích lệ, mình tự dằn vặt mình trong lúc không đáng dằn vặt, mình chế ngự mình trong lúc không đáng chế ngự, thì lúc đó đã sanh chuyện rồi, khó lắm ! rất là khó !


Trong kinh Pháp Cú Đức Phật Ngài nhấn mạnh một điểm là:


"Thắng muôn ngàn quân giặc ở ngoài mặt trận, không vẻ vang bằng mình thắng chính mình."


Và thỉnh thoảng chúng tôi nghe các vị tôn túc nói với nhau như vầy:


"Mình tu năm sáu mươi năm trong chùa tới tuổi già có nhiều khi cái lợi bỏ được mà cái danh thì bỏ không được."


Cái danh là: Người ta nói mình hay người ta nói mình dở, mình đâm ra phiền não. Có người bỏ nhà cửa, bỏ vợ con, bỏ tất cả vào chùa tu được, những cái lợi thì bỏ được, gia đình bỏ được, nhưng chút tự ái thì không bỏ được.


Ở những cuộc đối thoại đó thì mình mới hiểu được tâm chúng ta như có muôn ngàn ngõ ngách.


Và thưa qúi vị Ngài Achaan Cha, Ngài thường nhắc đi nhắc lại một điều là: "Một người tu tập thì phải có ý thức tỉnh táo về cái thăng cái trầm của nội tại, và không nên quá tin vào những thăng trầm đó". Ví dụ như lúc chúng ta buồn thì với một người tu thiền nên hiểu rằng đó là một cảm thọ buồn, nó có đến và nó có đi, không đem ra để mà xào nấu tìm cách giải quyết nó, vì có nhiều lúc nó phiền phức hơn. Thì giống như chúng ta sống trong ngày có khi có những va chạm tranh chấp, mình đem ra nói tới nói lui thì tệ hại hơn mình không nói, con người của chúng ta vốn hay quen là quá tin và hay quá nông nổi bồng bột phản ứng với cái vui cái buồn, thật ra cái vui cái buồn đó chỉ là cái gì chợt đến chợt đi thôi.


Thì thưa qúi vị, có người nói rằng "Hôm nay trời nhẹ lên cao tôi buồn không biết vì sao tôi buồn" Do là có những xúc cảm có những xâu kín trong lòng ta không biết được, nhưng đa phần cái buồn cái vui của chúng ta nó là một thế giới vô chừng, chúng ta quá tin vào nó mà chúng ta nghĩ rằng; à! chuyện đó phải được giải quyết hay là phải cách này cách khác. Là chúng ta không hiểu có những lúc chúng ta cần phải thản nhiên, chúng ta cần có thái độ thản nhiên, cứ làm lì với nó.


Chúng ta nhớ rằng ở chùa Buddhabat, phía sau lưng của Ngài Cả có câu bằng tiếng Anh là "Personal desire is not a problem." tức là những ham muốn cá nhân nó không phải là vấn đề. Lấy ví dụ như chúng ta đến chỗ nào đó mà chúng ta muốn người ta đối xử với mình nồng hậu, phải đối xử với mình một cách niềm nở, và bây giờ người ta không đối xử với mình niềm nở thì mình thấy có vấn đề, vấn đề là tại vì người ta không niềm nở với mình, mà đi vào cái mục đề mình nghĩ rằng người ta phải dành tất cả sự nồng ấm cho mình, mà người ta không dành cho mình sự nồng ấm là có vấn đề. Thì thấy rất rõ rằng cái vấn đề không phải người ta đối với mình, mà vấn đề là mình đòi hỏi mình mong đợi và khi mình đòi hỏi mong đợi thì mình có vấn đề. Do vậy có đôi lúc mình phải nhận ra một điều rằng những nhu cầu những đòi hỏi những kỳ vọng những mong muốn không ai nói đó là vấn đề, tức là không nên đó là vấn đề giải quyết mà nó như vậy là nó như vậy thôi, mình nên thản nhiên với nó. Giống như một đứa nhỏ, khi mình ở gần một đứa nhỏ thì có lúc nó vui có lúc nó buồn và nhiều lúc qúi vị sẽ thấy kinh nghiệm rất rõ ràng là nó vui cứ để nó vui nó buồn cứ để nó buồn. Hồi trước chúng tôi có nghe kể câu chuyện này chúng tôi không biết hư thực ra sao nhưng có một người sống bên Đài Loan họ nói với chúng tôi là người Mỹ họ có cách dạy con nhỏ là họ không bồng ẵm nó như người Việt Nam, người Việt Nam hễ con khóc thì bồng ẵm nó lên rồi nâng nui rồi dỗ dành, người Mỹ họ nuôi con là tới giờ cho uống sữa thì cho uống sữa lúc nào cần thay tã thì thay tã theo giờ giấc nhất định, thì nó dịu hơn là người Việt Nam của chúng ta hễ con khóc chút là ẵm là bồng, khi có chuyện gì dỗ dành an ủi. Thì dĩ nhiên là nếu chúng ta còn nhỏ thì chúng ta mong bà mẹ cũng nuông chiều chúng ta chớ không thản nhiên như vậy, nhưng cách thản nhiên không phải là cách không hay, con nít mà quen bồng ẵm riết rồi cũng có vấn đề, bản thân của chúng ta cũng vậy, bản thân của chúng ta nó vốn được chiều chuộng, muốn thế nào được thế đó, muốn thế này thế kia đôi lúc chúng ta phải làm tỉnh với nó, kệ nó, nó thích thì kệ nó, buổi sáng hôm nay nó muốn đi đâu cũng kệ nó, cứ kệ nó như vậy. Ngài Achaan Cha, chúng tôi có được nghe một giai thoại là có lúc Ngài phát nguyện, ví dụ như đang ở tỉnh mà Ngài muốn đi về Bangkok, thì Ngài có phát nguyện rằng nếu Ngài muốn đi thì Ngài không đi, lúc nào Ngài không muốn đi thì Ngài mới đi. Cách đó cũng là một cách để trị cái gọi là vọng động cái ý muốn của mình thành ra mỗi lần muốn thì phải làm tỉnh với nó, mình đừng thấy nó quá quan trọng ở trong cuộc sống.

Hai điều sau cùng mà chúng ta đề cập ở đây trong 10 thiện xảo. Ở trong 10 thiện xảo này chúng ta nói đến điều 8, điều 9 và điều 10 thì nói đến một cái rất ngoại tại, một cái rất nội tại.

Ngoại tại ở đây là người mình thân cận, nếu chúng tôi nói điều này với qúi vị nghe chắc qúi vị rất là nhàm nhưng ở trong đời sống của người tu thiền cũng như đời sống hàng ngày đối với Phật thì người mà mình giao tiếp, mình thân cận có quan hệ mật thiết, người đó ảnh hưởng rất nhiều, không cần phải bàn tới bàn lui việc đó, họ ảnh hưởng rất lớn. Cứ xem mình đi làm việc, người nào mình làm việc thân cận nhất, người nào mình thường lui tới, thường giao thiệp, mình tâm đắc nhất, thì mình hiểu mình là ai. Và mình muốn tu tập thì mình nên gần sự tu tập đó là tại sao Đức Phật Ngài nói rằng hội chúng quan trọng, thời Đức Phật còn tại thế ngay cả những người ngoại đạo họ cũng biết một điều rằng Đức Phật là người ca ngợi tán thán sự thanh tịnh và hội chúng của Đức Phật không phải là hội chúng ồn ào, nếu chúng ta muốn thanh tịnh thì chúng ta cần phải có một lối sống gần với những người ưa thanh tịnh, chúng ta muốn nhẫn nại thì chúng ta cần gần người nhẫn nại, chúng ta muốn học hành thì gần những người ưa học hành. Con người của chúng ta có một sự yếu đuối rất lớn, sự yếu đuối là hay tiêm nhiễm người khác, tiêm nhiễm những người chung quanh mình, và do vậy, thưa qúi vị cuộc sống ngày hôm nay khi đạo lực của chúng ta yếu thì chúng ta dễ bị người khác ảnh hưởng và không may đây là thời đại chúng ta không có lựa chọn, đến trường cũng vậy đến công sở cũng vậy vào việc làm cũng vậy, hầu như những người làm việc chung quanh mình không lựa chọn được ai hết, dầu sao thì mình phải ý thức là có những người bạn tâm đắc lui tới tri kỷ và những người đó có đạo tâm thì tốt hơn là những người không có đạo tâm, có chánh kiến thì tốt hơn những người không có chánh kiến, mà nếu qúi vị tu thiền định thì nên nhớ rằng ở gần với những người tâm tư họ định tỉnh, tỉnh táo sáng suốt thì tốt hơn với những người phóng dật. Người thân cận rất là quan trọng.

Điều sau cùng là khả năng tha thiết của chúng ta, ở đây dùng chữ quyết tâm, quyết tâm, sự tha thiết, không ai làm điều gì thành công mà thiếu sự tha thiết, thiếu sự gắn bó. Có một số người rất sợ để sống với hơi thở, mỗi lần họ ngồi xuống để niệm hơi thở thì họ thấy giống như là một cực hình và cũng có một số người khác khi tìm về với hơi thở họ thấy đó là tiêu cột của sự bình an. Chúng tôi có nghe một vị Thiền Sư nói một câu là "Một khi hành giả ngồi xuống tu tập thiền định thì vị đó thấy rằng ở trong giờ phút đó không có việc gì quan trọng hơn đối với mình bằng nhìn vào hơi thở, và nếu có chuyện gì phải lo thì vị đó lo là tâm của mình phóng", và chỉ có vậy thôi. Và nói lên sự tha thiết của mình tại sao chúng ta không có đi chùa thường, tại sao chúng ta không đọc kinh sách thường, tại sao chúng ta không tu tập thiền? tại vì chúng ta không tha thiết với điều đó, phải có sự quyết tâm thấy điều đó quan trọng, hễ cái gì mình muốn thì thưa quí vị dầu người ta có lấy giây cột mình lại mình cũng sẽ làm. Đôi lúc chúng tôi nghe qúi vị nói rằng bận quá không có đi chùa được, bận quá không tu thiền học Phật được, thì thật sự phải nói trong lòng chúng tôi chỉ có một ý nghĩ thôi đó là tại vì sự tha thiết nó chưa đủ mạnh. Lấy ví dụ là chúng tôi làm việc trong rơom paltalk này có nhiều Phật tử đang đi làm cũng vào để làm việc, có nhiều vị vào paltalk tốn tiền mà cũng vào là qúi vị tha thiết với điều đó, nhưng nếu qúi vị không tha thiết với điều đó thì thưa qúi vị không có cách gì vì có hàng trăm ngàn lý do; buổi trưa bận quá, buổi sáng phải đi làm, rồi thức dậy sớm, ban ngày mất ngủ v.v... và v.v... hễ cái gì mình muốn là mình làm được thôi mà mình không muốn thì không làm được. Người ta nói rằng không phải tất cả ý muốn đều thành công hết đều được thành tựu hết nhưng phần lớn trong cuộc đời những chuyện mình làm được là nhờ ý muốn mạnh mẽ, hễ mình có ý muốn thì cái gì mình làm cũng được và nếu mình không có ý muốn thì dầu cho trời có sập hay trời gầm đi nữa thì chúng ta cũng không thể nào làm được, tại vì sao? vấn đề đơn giản là mình không muốn chuyện đó, do vậy chữ "chanda" trong đạo Phật nghĩa là pháp dục, chanda là ý muốn là cái tha thiết gắng bó, ở đây chúng ta nói chữ quyết tâm thì mạnh mẽ hơn nữa, quyết tâm để làm thì làm lúc ban đầu rồi từ từ sẽ thành công. Như chúng tôi thấy có một vài vị Phật tử quen họ bận rộn đi làm, nhưng khi đi coi triển lãm bonsai họ rất thích bonsai, rồi họ bỏ thì giờ mua bonsai về làm rồi lâu ngày họ cũng trở thành một người tuy rằng rất bận rộn nhưng là người chơi bonsai rất tốt. Tương tựa như vậy, bởi vậy đối với chúng tôi thì chuyện quan trọng không phải là ngồi đó cố gắng để nói với Phật tử là điều này nên làm điều này không nên làm, nhưng sở dĩ ngay cả trong chuyện học Phật Pháp chúng tôi luôn tin tưởng một điều rằng vị nào mà đã tha thiết với Phật Pháp rồi thì đúng là "mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua", quí vị sẽ tự biết cách để tìm ra tài liệu, quí vị sẽ tự biết cách để tìm kinh sách, để hỏi và dấn thân vào làm việc, mà người đã không tha thiết rồi thì khác, quí Phật tử để ý thấy một điểm là nếu trong cuộc sống này cái người mà sống có tha thiết thì chúng ta dễ sống với họ hơn là những người sống quanh năm mà không có gì để tha thiết hết, và riêng với sự tu tập thiền định thì sự tha thiết đó quan trọng vô cùng ở đây chúng ta nói là sự quyết tâm.

Thì nói tóm lại là ở trong mười pháp thiện xảo này nó là những pháp tiến thủ, nó là những cái khéo, là những điều mà một người hành giả có thể dùng như là một lợi khí một giải pháp để cho cái sở đắc trong tâm tư của mình. Sáng nay chúng ta thức dậy có lẽ chúng ta không muốn làm gì hết hay chúng ta không biết phải làm gì hết điều đó không có gì đáng ngạc nhiên, thế giới của nội tâm là một thế giới của hoang vu của trùng trùng những chướng duyên mà nhiều lúc mình cảm thấy ngán ngẩm, nhưng một khi chúng ta tìm thấy được ánh sáng của đường hầm, một khi chúng ta tìm thấy được một điều đáng để tha thiết và một chút khéo léo, một chút quyết tâm thì chúng ta sẽ đi tới và sẽ có thành tựu, mình phải tin như vậy.

Chúng tôi xin chấm dứt bài giảng hôm nay ở tại đây là sự chấm dứt đề tài nói về mười thiện xảo ở trong sự dụng tâm và tuần tới chúng ta sẽ trở lại với một vài khía cạnh khác rất quan trọng liên quan đến sự tu tập thiền chỉ này ./.



 

 

 

 

 

 

 


|  | trở về đầu trang | Trang Chính |

© 2006 dieuphap.com. All Rights Reserved. Kỹ thuật trình bày nội dung: Minh Hạnh & Chánh Hạnh |