dieuphap.com Trang Chính |
Bưuduc.com Trang Chính |
[10] Giảng ngày 03 tháng 07, 2006 tại rơom Diệu Pháp - Paltalk - Minh Hạnh chuyển biên TT Giác Đẳng: Trước khi đi vào hai pháp niệm thí và niệm thiên, chúng ta cũng nên ôn lại ở đây chữ "tùy niệm". Phương pháp an trú vào tùy niệm có phần đặc biệt hơn những pháp khác và đặc biệt pháp này rất gần với đời sống hàng ngày của chúng ta, có những lần trong cuộc sống chúng ta trải qua những kinh nghiệm như vậy nhưng bởi vì không tiếp tục huân tập do đó không trở thành một pháp tu tập gọi là tùy niệm. Chữ tùy niệm ở đây có giá trị cao đẹp và trong tâm tư tự phát ra một niềm hoan hỷ cảm hứng đặc biệt đối với những giá trị đó và vị này tiếp tục thi triển một cách thuần thục an trú vào đó. Chúng tôi lấy ví dụ là có những người làm việc từ thiện, lâu lâu mới làm việc một lần, làm việc do người khác mời gọi thúc dục thì đó là một chuyện khác. Nhưng có những người làm việc từ thiện bởi vì trong lòng họ luôn cảm nhận ý nghĩa cao đẹp, họ sẵn sàng để làm và làm khi nào việc cần thì họ làm, chớ họ không còn ở trong tình trạng là bị hối thúc hay hoặc giả là được khuyến khích cổ võ bởi người khác nữa. Đời sống của chúng ta có nhiều niềm vui, có nhiều cảm hứng. Lấy ví dụ là một số người thì có được niềm vui nấu ăn, khi vào trong bếp tự tay nấu một số thực phẩm mà mình thích cho mình hay cho người khác thì họ cảm thấy vui. Do vậy nhiều người nói rằng tại sao nấu ăn cực như vậy mà họ vẫn nấu được. Hay hoặc giả cũng có những người tụng kinh mỗi ngày, đối với người khác việc tụng kinh là một việc rất mệt mỏi. Chúng tôi nhớ hồi còn nhỏ ở trong chùa thì mặc dù việc tụng kinh là việc gần như làm để theo sự bắt buộc, tuy nhiên khi lớn lên rồi nhận thấy có rất nhiều người ở trong những phút tụng kinh họ cảm thấy an lạc, đang ngủ mà thức dạy tự nhiên nói đến tụng kinh là họ tỉnh táo, họ rất hoan hỷ với những giờ phút vô cùng nhẹ nhàng ngồi trước tượng Phật lật từng trang kinh để tụng. Một kinh nghiệm nhỏ của chúng tôi hồi thơ ấu, chúng tôi không biết có vị nào có nhớ là hồi đó đài phát thanh Sài Gòn phát chương trình đọc truyện Tàu, thì mỗi buổi khuya như vậy từ 4:30 cho đến 5 giờ, người ta đọc Đông Chu Liệt Quốc, Phong Kiến Xuân Thu, Xuân Thu Oanh Liệt v.v... Những tác phẩm này phần lớn chúng tôi tìm thấy cảm hứng để mà đọc về sau này là nhờ những chương trình phát thanh đó. Chúng tôi nhớ rằng bữa nào buổi sáng khi mọi người còn ngủ thì đúng giờ chúng tôi bật thức dạy như một đồng hồ định sẵn chuông reo, và áp sát radio vào tai mình, mở rất nhỏ, để theo dõi câu chuyện, thí dụ như chuyện Tôn Tẫn Bằng Quyên , chuyện những nước thời Đông Chu Liệt Quốc tranh chấp nhau v.v... Những nhân vật như Lê Sơn Thánh Mẫu hay Thái Thượng Lão Quân, hoặc giả Lý Tịnh Na Tra đã trở thành một thế giới mà mỗi lần chúng tôi còn nhỏ nghe đến thích vô cùng, những truyện đằng vân độn thổ mà thế giới về sau này những người trẻ thì không ưa thích gì, nhưng thời đó thì chúng tôi nhớ rằng chúng tôi ưa thích rất là đặc biệt. Thì mỗi lần nhớ lại những điều đó chúng tôi chợt nhớ đến những pháp liên quan đến tùy niệm này, ở trong con người của chúng ta có một trạng thái cảm xúc rất lành mạnh mà nó trở thành chất sống vô cùng quan trọng đó là người Trung Hoa gọi là linh cảm. Chữ linh cảm trong chữ Hán khác với chữ linh cảm của chúng ta. Thí dụ như qúi vị biết sắp có một người khách đến thăm, dù qúi vị không được nhắn trước nhưng tự nhiên ngờ ngợ là sắp có khách đến thăm thì gọi là linh cảm. Hay có những chuyện gì sắp xảy ra mà tự nhiên chúng ta ở trong lòng hơi ngờ ngợ là chắc có chuyện gì, thì đó gọi là linh cảm. Người Trung Hoa thì họ dùng chữ linh cảm trong ý nghĩa; thí dụ như một người vẽ tranh mà họ không có nguồn cảm hứng để vẽ thì họ gọi là thiếu linh cảm, hay một thi nhân thiếu thi hứng, thi hứng tức là cảm hứng để làm thơ thì gọi là thiếu linh cảm. Thì cảm hứng trong đời sống như vậy nó là chất sống vô cùng quan trọng, nó làm cho chúng ta chịu khó để làm việc gì đó, nó làm cho chúng ta an trú vào việc gì đó, chúng ta có thể làm bền bỉ nhiều năm. Bởi vì sao vậy? Bởi vì chúng ta thật sự vui với điều này. Đức Phật Ngài dạy rất rõ về điểm này là chúng ta có thể vận dụng một số cảm nhận rất lành mạnh, rất cao thượng để tạo nên nguồn cảm hứng của nội tâm. Ví dụ như là niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng, niệm thí, niệm giới, niệm Chư Thiên v.v.... Đó là những pháp niệm, những pháp niệm này cho chúng ta được một cảm xúc rất dồi dào nhưng lành mạnh, và nó có khả năng kéo dài và khả năng bền bĩ đó là điều mà chúng ta đáng chú ý. Qúi vị thích một ca sĩ nào đó mà mỗi lần nghe đến tên ca sĩ hoặc nghe đến một album ca nhạc của ca sĩ đó mà người ta thích, nhưng biết chắc chắn rằng cái thích đó không có lâu. Qúi vị có thấy rằng thời nào cũng vậy có những thứ người ta thích, ví dụ như có lúc người ta thích đi cắm trại hay có lúc người ta thích vào trong paltalk, hoặc thích làm chuyện gì đó, nhưng nó không bền được, vì sao vậy? Những cái thích đó mang tánh cách nhất thời. Nhưng về lâu về dài thì có những thứ mà càng sống lâu thì chúng ta càng mạnh mẽ, sống lâu thì chúng ta càng dồi dào có thể huân tập được nguồn linh cảm, lâu ngày chúng ta có thể có được cảm hứng nhiều về việc đó. Lấy ví dụ là khi chúng tôi sống ở Thái Lan thì chúng tôi thấy có một điểm như vầy là những người Phật tử mà suốt cuộc đời họ thường hay cúng dường vào bình bát của Chư Tăng và qúi vị biết là Chư Tăng ở Thái Lan đi khất thực rất sớm, trời tinh sương đã đi khất thực rồi. Những người Phật tử muốn đón Chư Tăng để cúng dường vào trong bình bát, thì phải dạy sớm để nấu thực phẩm, nấu sớm mới có để mà cúng dường Chư Tăng. Khó ai có thể tưởng tượng rằng những người đó họ đã một đời họ làm như vậy dù không có bắt buộc, họ cúng dường cũng được không cũng được, chúng tôi chưa bao giờ nghe có người Phật tử nào bên Thái Lan mà chỉ chích là ông đó bà đó tại sao không cúng dường Chư Tăng. Chư Tăng đi ngang nhà rất nhiều vị, hễ mình thích thì mình cúng thôi, nhưng có những người chúng tôi biết rằng họ thích thức dạy sớm mỗi ngày và khi họ thức dạy sớm mỗi ngày họ phải nấu và chờ đợi Chư Tăng đến, nhưng họ làm là tại vì sao? Tại vì họ an trú vào thiện pháp đó có chất sống và họ có thể an lạc tồn tại lâu dài được. Cũng như chúng tôi nhớ ngày xưa ở gần Ngài Tịnh Sự, Ngài Tịnh Sự như qúi vị biết rằng rất tha thiết với môn học A Tỳ Đàm. Không phải là chuyện dễ làm thưa qúi vị. Nào thức khuya dạy sớm, nào phải vặn đầu vặn óc ra để tìm thuật ngữ để mà dịch, nhưng Ngài đã làm việc đó một cách rất tận tụy và bền bỉ, tại vì Ngài tìm thấy chất sống từ điều đó mà ra . Do vậy những người mà thấy đời sống họ nhạt nhẽo, đời sống vô vị là thường họ không có một lẽ sống, và cái lẽ sống đó thông thường nếu họ có thì lại không lành mạnh. Ví dụ như lẽ sống của một người đặt để ở người khác chẳng hạn, một bà mẹ mà thương đứa con tất cả cuộc sống là đặt để ở con, con nó vui thì mình vui, con nó buồn thì mình buồn, con nó thành công thì mình mừng, con nó bị tai nạn thì mình buồn khổ, đó là lẽ sống đặt ở một người nào đó. Cũng có người họ đặt lẽ sống họ ở chỗ họ thích danh thích lợi, khi họ được danh thì họ cảm thấy vui, khi mất danh thì họ cảm thấy buồn, được lợi thì họ vui, mất lợi thì họ cảm thấy buồn. Những điều đó thường thấy trong thế gian này. Nhưng một khi lẽ sống của một người mà đặt trong thiện pháp rồi và thật sự trưởng thành trong điều đó, thì người đó thưa qúi vị họ có cái bền bĩ rất vững. Có một cái gì đó mà chúng ta phải nhìn nhận rằng ở trong thế gian này không phải tất cả lẽ sống đều giống nhau, không phải tất cả cảm hứng đều giống nhau hết. Hồi mình còn trẻ thì những cái vui của mình có tính nông nỗi, khi ở thời gian nào chính chắn thì chúng ta sẽ lựa chọn một cái gì đó hợp tình hợp lý hơn cho chính mình, và về lâu về dài thì chúng ta sẽ thấy rằng ở trong cuộc sống này có nhiều lý lẽ chứ không phải có một hai điều như chúng ta nghĩ. Thì bỏ qua được những chuyện mà hơn thua được mất hoặc giả là danh lợi v.v... thì Đức Phật Ngài đã cho chúng ta một số gợi ý vô cùng quan trọng. Ngày hôm nay chúng ta tập trú để nói vào hai lẽ sống lành mạnh. Thật ra lẽ sống này cũng được liệt vào sáu pháp tùy niệm đó là niệm thí và niệm thiên. Nói về bố thí thì ai cũng hiểu là mình lấy một cái gì đó đáng lẽ mình giữ nó, hay đáng lẽ mình tiêu sài cho mình, bây giờ mình chia sẻ cho người khác, ví dụ như tiền bạc, ví dụ như những vật sở hữu của mình, tất cả những thứ đó khi mình có thể đem chia sẻ cho người khác được, thì thưa qúi vị nó mang lại cho chúng ta một niềm vui, mà niềm vui đó đi ngược lại đa số những niềm vui trong cuộc đời này. Niềm vui đó là gì? Niềm vui của chúng ta thường có trong cuộc đời là có thêm, được làm chủ, được chấp chứa. Nhưng niềm vui của bố thí là niềm vui của chia sẻ, của ban bố, của xả kỷ, và ít người trong chúng ta khi sanh ra đời mà được cái tâm tư của vị Bồ Tát, nghĩa là vui với sự xả kỷ. Vui với xả kỷ nghĩa là nói rằng mình có khả năng rời bỏ một cái mà mình rất quyến luyến, mình rất là dính mắc, mình cột chặt lấy nó và khi mình rời nó ra thì mình cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Điều bất hạnh lớn nhất của kiếp người là đôi khi chúng ta sống mà thậm chí lời nói của mình cũng hà tiện, thì giờ của mình cũng hà tiện, thiện chí của mình cũng hà tiện và dĩ nhiên tài sản mình cũng hà tiện. Có nhiều khi vì thiếu sự tu tập, hay bởi vì không được gặp chánh pháp, mình làm một cái gì giúp cho người khác an lạc cũng không muốn làm, cái gì mà làm cho mình,cho tôi, cho ta, thì dầu trèo non vào biển lửa thì chúng ta cũng làm, cái gì gọi là để làm cho người khác thì không hoan hỷ đó là nỗi bất hạnh lớn nhất. Tại vì sao vậy? Tại vì ở trong thế gian này vật ở đời "Tay lại trao tay". Thật ra cái gì mình có mình không bỏ nó thì nó cũng bỏ mình thôi. Có ai mà đời sống này một khi nhắm mắt lại có thể mang đi tất cả cái gì mình có trong cuộc đời, mình biết cái gì mình có nó chỉ là "Tay lại trao tay." Lấy ví dụ là qúi vị cầm viên ngọc qúi ở trên tay, hay một miếng đất chúng ta đang đứng tên làm chủ thì rồi nó sẽ đi về đâu? thì thưa qúi vị nó cũng sẽ qua tay người khác hoặc sớm hoặc muộn. khi ta chết đi rồi thì người ta cũng có cách giải quyết thôi. Trong cuộc sống chúng tôi đã từng chứng kiến điểm này: là có những vị cao tăng, ở gần cuối cuộc đời hầu như dốc toàn lực xây dựng ngôi chùa rất lớn rất đẹp, xây dựng vừa xong rồi thì vị này ra đi, bao nhiêu tâm nguyện bình sinh thì gởi vào ngôi chùa đó. Lâu lâu chúng tôi có dịp trở lại thăm những ngôi chùa đó thì trong lòng có một chút thương cảm ngặm ngùi, một người nào đó đã tạo nên công trình này mà nghĩ rằng công trình đó khi nó được tạo nên thì mình phải vui lắm, nhưng mình vui được bao nhiêu ngày. Thì hầu như tất cả những gì chúng ta gọi là tài sản sở hữu, cái gì chúng ta gọi là có trong cuộc đời này thì thưa qúi vị nó chỉ là "Tay lại trao tay" thôi, một cõi tạm, của mượn truyền tay từ người này qua tay người khác, mình không bỏ nó thì nó cũng bỏ mình, nhưng có những người trong chúng ta sống suốt cuộc đời này cố gắng để bám lấy và cũng bám được, chúng ta có thể bám cho đến giờ phút hơi thở cuối cùng, nhưng trong cái bám đó thì chúng ta lại mất mát nhiều thứ đẹp. Thậm chí có một lần Đức Phật nói với ông BàLaMôn rằng: "Nếu người thế gian mà biết về giá trị của bố thí như Như Lai từng biết, thì người đó không có một bữa ăn nào mà không chia sẻ với người khác." Đối với sự sang sẻ nó là cái gì rất đẹp. Đời sống của con người mà không có một sự chia sẻ, tấm lòng không được mở rộng ra, chúng ta không thể hy sinh cái mà mình có cho người khác một chút, thì trước nhất là điều bất hạnh cho mình, mình đừng bao giờ nghĩ rằng sự bố thí của mình nó làm lợi cho cuộc đời, dĩ nhiên là nó có lợi ít hay lợi nhiều, cách này hay cách khác, cho cá nhân người này hay cho cá nhân người khác, nhưng phải nói rằng sự bố thí đó trước nhất làm cho cuộc sống của chúng ta có được giá trị là chúng ta không nặng lòng về nó. Có được thì cho được, nắm được thì buông được, đến được thì đi được. Khả năng có thể xa lià những cái mình thủ đắc, cái mà mình thương qúi, cái khả năng đó hết sức là diệu dụng cho cuộc sống này chứ không phải là khả năng để chiếm hữu. Con người chúng ta ai cũng chào đón hoan nghênh những con người có thể tạo ra những tài sản khổng lồ, nhưng chúng ta đã quên đi những trang kinh cũ, những trang kinh nói về những bậc cao sĩ mà các Ngài đã từng dám bỏ cái vĩ đại nhất trong cuộc đời để vào rừng sâu núi thẳm. Ngày hôm nay chúng ta nghe chuyện đó không có nhiều, chúng ta biết rằng có những người rất giàu như Bill Gate là người giàu nhất thế giới, đi sang Trung quốc, đi Việt Nam và đi nhiều nơi, người ta xem đó là thần tượng, người ta đã hâm mộ. Họ có những cái đáng hâm mộ thật, nhưng mà thưa qúi vị bên cạnh đó thì cũng cho chúng ta thấy hình ảnh của một thời đại mà con người không thấy được giá trị của những người có khả năng rũ bỏ cái mình có. Chuyện xả bỏ đơn giản lắm: Chúng ta có một bịch kẹo ngon, chúng ta có thể đem chia cho mọi người, chúng ta có điều gì thú vị đem chia cho mọi người, chúng ta có một công thức gì đó hay, một bí quyết gì đó hay thì chia sẻ với mọi người, sự chia sẻ đó làm đẹp cho cuộc đời và đẹp trong lòng mình. Phải sống, phải làm, phải chia sẻ thì chúng ta mới thấy giá trị của sự bố thí. Đức Phật Ngài dạy rằng thu nhập được tài sản đó là một niềm vui, nhưng biết cho cũng là một niềm vui, rất hiếm người ở trong thế gian này biết giá trị của cái gọi là biết cho, cái gọi là xả kỷ, cái đó chúng ta không làm, tất cả những gì chúng ta làm đều dựa lên trên cái gọi là toan tính, nghĩ rằng làm sao mình bỏ một mà được mười, bỏ cái này được cái kia, ít khi nào chúng ta cho một cách thành thực. Nếu chúng ta thật sự vui với niềm vui đó, Đức Phật dạy rằng từ đó nó tạo ra một nguồn cảm hứng hoan hỷ, hoan hỷ vì thấy làm một hành động gọi là xả kỷ hay là xả tài hay là bố thí hay là ban pháp hay là chia xẻ hay là hy hiến, chúng ta dùng bất cứ từ gì. Nhưng nói tóm lại là nó cho phép chúng ta thở ra một chút, nó cho phép chúng ta có những giờ phút sống với thanh lương thật sự của cuộc đời, hơn là lúc nào bàn tay cũng nắm chặt, muốn chụp lấy, muốn gìn giữ mà bấy giờ nó chính là niềm vui lớn khi chúng ta thấy biết điều này, và ai là người cảm nhận gía trị đó thì tìm thấy được thư khoái trong lòng, cái nhẹ nhàng, cái an lạc mà từ cái khả năng của bố thí. Một người muốn làm được chuyện này thì bản thân của mình nên tập cho, tập làm phước. Chúng tôi đôi khi nghĩ đến một vài quốc độ mà gọi là nơi muốn về sống, thì thật sự có nhiều nơi đẹp để chúng ta muốn trên trái đất này, chúng tôi vẫn rất thương ngôi làng nhỏ ở đó có hình ảnh của Chư Tăng đi khuất thực. Chư Tăng buổi sáng đi khuất thực thì không nghĩ rằng lựa căn nhà nào và ai sẽ cúng món gì. Những người dân trong làng có thể họ tay lấm chân bùn, nhưng buổi sáng khi thấy hình bóng của Chư Tăng đi trên đường là họ đem ra nếu chỉ có trái chuối thì họ cúng trái chuối, có nắm xôi thì cúng nắm xôi, và họ không bao giờ nghĩ chuyện gì, không nghĩ rằng sẽ có ai chê ai khen. Đối với chúng tôi đó là thế giới mà nên sống, một cảnh giới sống an lạc. Những lần chúng tôi về những ngôi làng như vậy và đi với những người thân của mình, chúng tôi tìm thấy ở đó không khí thanh bình rất lớn, tại vì sao? tại vì chúng tôi nghĩ những người đó hữu phúc quá, họ có cái duyên để làm như vậy, và Đức Phật đã tạo ra một môi trường, một điều kiện hết sức lành mạnh tốt đẹp để người ta có thể làm. Bây giờ nói sang một nguồn cảm hứng thứ hai thì ở đây có ngược lại với quan niệm thường tình. Thông thường trong những quốc gia Đông Phương của chúng ta khi nghĩ đến thiên thần, khi nghĩ đến Chư Thiên hay nghĩ đến những năng lực gọi là vô hình khuất mặt, thì chúng ta chỉ nghĩ đến những người có năng lực hơn chúng ta, có thể phù hộ, có thể ban cho chúng ta điều này, điều khác. Nhưng Đức Phật Ngài cho chúng ta một gợi ý là hãy nghĩ về cái phước của Chư Thiên và nghĩ đến nhân để tác thành thiên quả như vậy. Chư Thiên là những vị sống bằng phước hạnh bằng quả phúc, quả phúc đó thì có thể do tín, do giới, do thí, do trí, do tuệ. Tức là vị đó do có niềm tin mà sanh thiên, vị đó có thể do bố thí mà sanh thiên, do trì giới sanh thiên, do nghe nhiều học rộng hoan hỷ với chánh pháp mà sanh thiên. Ví dụ như Chư Thiên ở cõi trời Đâu Xuất là những vị sống bằng pháp lạc, mỗi lần các vị nghe pháp các vị hoan hỷ. Mỗi một định kỳ các vị quần tiên này tụ họp chung quanh một pháp toà để nghe Chư Thiên mà chúng ta thường gọi là các vị Bồ Tát ở trong kiếp chót trước khi giáng trần các Ngài thường sanh vào cõi trời Đâu Xuất. Tại vì quần tiên tại đó đặc biệt rất hoan hỷ đối với chất của chánh pháp. Chúng ta có thể tìm thấy những điều đó với những con người mà chúng ta đã bắt gặp ở trong đời sống này, những người này họ sống thật sự có niềm vui với đạo, niềm vui với đạo ở đây không phải là tánh cách đem chánh pháp để điểm tô cho đời sống của mình, thí dụ như mình học Phật pháp ai đến mình nói rằng tôi là người nghe nhiều hiểu rộng, hiểu biết Phật pháp thâm sâu. Khi chúng ta nói về Chư Thiên thì mình nghĩ về những vị có năng lực siêu nhiên hay một vị ở cõi nào đó. Đức Phật Ngài dạy chúng ta nên lãnh hội được một lý lẽ xác đáng hơn. Đó là những chúng sanh nhiều oai lực, nhiều phúc lành vốn dĩ họ thành tựu được là do phúc quả của thiện nghiệp quá khứ. Những người họ sanh ra do thiện pháp, do thiện nghiệp tích lũy trong quá khứ thì họ có cái đẹp khác chúng ta nhiều lắm, không phải chỉ có thiên sắc thiên hương, họ không phải chỉ có những điều thù thắng mà ở trong cõi lòng của họ rất là an lạc nhờ chất của thiện pháp trong quá khứ. Như trong trần gian này chúng ta thường nhắc đến địa linh nhân kiệt hay chúng ta nói hổ phụ sanh hổ tử, ở trong đạo thì thường nói đến thiện pháp hay là thiện hạnh, thiện nghiệp tạo nên những chúng sanh đó khác hơn là những chúng sanh mà chúng ta thường thấy biết ở trong cuộc đời. Giả sử như tiền thân của Đức Trời Đế Thích Ngài còn là vị thanh niên tên là Makhac, niềm vui lớn của cuộc đời Ngài là làm một cái gì đó lợi lạc cho người khác, Ngài thường đắp đường làm cầu cho người ta đi qua lại, kiến tạo những phước xá. Nếu trong khi Ngài làm mà có ai đến tranh với Ngài thì Ngài vui vẻ nhường cho người đó để Ngài tiếp tục làm những công việc khác. Ngài sống vô cầu vô tranh nhưng có hy hiến, và nhờ cái phước làm việc vì công ích như vậy Ngài sanh lên được quả vị thiên chủ của Đế Thích có đức để cảm quần tiên ở cõi trời Đao Lợi và Tứ Đại Thiên Vương, những Chư Thiên này là những vị làm việc theo mệnh lệnh của Ngài. Thì thưa qúi vị khi cảm niệm về cái ân đức của các vị tiên, của những chúng sanh thù thắng ở các cõi như vậy, thì trong đạo Phật không nói đến không khí hơi hám thần quyền như chúng ta thường nghe, mà đạo Phật đặc biệt nói cách thiện nào tạo ra chúng sanh như vậy, sự an lạc ở trong lòng của họ là vốn tự nhiên nó được trưởng dưỡng sản sinh bởi thiện nghiệp thiện hạnh quá khứ và đó là điều rất là hoan hỷ. Cứ nếu như vầy là lâu lâu chúng ta gặp những người họ lớn lên trong gia đình gia giáo, cuộc sống của họ vốn sống ở trong một môi trường rất đặc biệt do vậy phong cách, ngôn từ, sở hạnh của họ có những điều đáng cho chúng ta cảm thấy thích thú. Thì ở đây những điều đó trong đạo Phật gọi là những giá trị mà chúng ta có thể hâm mộ được gọi là niệm thiên. Cái giá trị niệm thiên ở tại đây tương tựa như khi còn nhỏ chúng ta thường được khuyến khích hãy học về các danh nhân, học về những con người đã tìm ra những phát minh hay những thành tựu lớn, những điều đáng khâm phục, ví dụ như Thánh Gandhi hay bà Marie Curie hay chúng ta nói đến những văn hào những người có những gì cống hiến cho nhân loại, đời sống của họ có nhiều điều thú vị để chúng ta tưởng nghĩ đến. Nhưng đặc biệt đối với Chư Thiên thì mang lại lợi cho chúng ta theo như ở trong kinh chúng sanh nào thương mến Chư Thiên thì Chư Thiên thương mến chúng sanh đó, và ai được Chư Thiên thương mến thì người đó được nhiều lợi lạc. Một người thường cầu nguyện Chư Thiên mà theo cách cầu nguyện của chúng ta thì cách cầu nguyện đó không đẹp bằng cách chúng ta cảm nhận đức lành của Chư Thiên, cảm nhận nghiệp lành của Chư Thiên và từ chỗ đó phát tâm gọi là rất hoan hỷ, rất là thương mến những vị Chư Thiên, và do phát tâm hoan hỷ thương mến như vậy nên chi chúng ta lại đạt được một điều là được các vị Chư Thiên thương mến lại. Dĩ nhiên ở đây chúng ta niệm thiên không phải là chúng ta mong cầu được Chư Thiên thương mến phù hộ, mà ở đây bởi vì theo Đức Phật thì đức lành của Chư Thiên là một điều đáng để tán thán, nó tương tựa như những danh nhân hay những bạn lành, những thiện hữu trong cuộc đời nhiều khi cảm nhận được ân đức của họ thì cũng thấy sung sướng, Không biết qúi Phật tử có khi nào đọc những câu chuyện ví dụ như một số đệ tử Phật như Ngài Xá Lợi Phất. Ngài Xá Lợi Phất cuộc sống của Ngài rất đẹp, đẹp từ lúc còn là cư sĩ cho đến lúc xuất gia và trở thành vị thiện hữu thinh văn đệ nhất về trí tuệ của Đức Phật, thì Ngài vẫn thể hiện được một điều là sự khoan hoà khiêm cung và là một người đúng là trưởng tử của Đức Phật. Thì bấy giờ mỗi lần đọc đến tiểu sử của Ngài, chúng ta thấy trong lòng rất hoan hỷ và niềm hoan hỷ đó cũng tương tựa như niềm hoan hỷ chúng ta niệm Chư Thiên hay niệm tưởng về các bậc danh nhân, về những con người nào đó, về những chúng sanh nào đó mà cuộc sống sở hành, những thành tựu của họ làm chúng ta hoan hỷ, đáng cho chúng ta mến mộ, thì niệm thiên cũng có được cái đức rất lớn. Nngười Ấn Độ họ nói như vầy "Nếu những ai mà không có cúi đầu kính ngưỡng điều hay thì người đó sớm muộn gì cũng làm nô lệ cho điều ác quấy." May mắn cho chúng ta trong kiếp sống trong cuộc đời này nếu chúng ta có được một sự hâm mộ những giá trị thiện, những tâm hồn lương hảo, những đời sống cao đẹp, nếu chúng ta có hâm mộ được, có hoan hỷ được với những điều đó thì thưa qúi vị những điều đó sẽ là áp lực dẫn chúng ta tới chỗ tốt đẹp lương hảo. Nhưng quan trọng là chúng ta phải biết qúi nó. Nếu qúi vị xét lại tất cả những gì trong cuộc đời rằng những gì mà qúi vị có được hay thành tựu được đều do ý hướng của chúng ta hết. Ý hướng là gì? Là sự hoài bảo, ý hướng là những gì chúng ta ngưỡng vọng, chúng ta nhắm tới. Thí dụ như thấy ai có chiếc xe đẹp và qúi vị mơ ướt chiếc xe đẹp hoài thì thưa qúi vị đi làm rồi có tiền có địa vị thì thế nào qúi vị cũng dần dà tới chỗ quyết định mua chiếc xe đẹp. Hay hoặc giả qúi vị thường tưởng nghĩ tới một vùng đất nào đó có thể sống, xem ra đừng xem thường nó vì những ý muốn đó sẽ dẫn qúi vị đến đó. Cổ nhân thường nói rằng "Không phải cái gì mà chúng ta muốn đều thành tựu hết, nhưng hầu hết những điều mà chúng ta thành tựu đều bắt nguồn từ ý muốn." Đạo Phật dùng chữ là "Chanda" hay là chữ "ý muốn" hay chữ "dục", dù là pháp dục hay tác dục đều là ý muốn hướng đến. Thì bấy giờ nếu một người mà muốn ngưỡng vọng hâm mộ đức của Chư Thiên thì người đó được Chư Thiên thương mến được phước sanh thiên và người đó sẽ đến gần và cộng trú với Chư Thiên. Do vậy điều rất quan trọng trong cuộc đời này là chúng ta có cái giá trị cao qúi để mà ngưỡng mộ. Thì khi nói đến niệm thí và niệm thiên chúng ta phải nói thêm một điểm khác là tại sao có những người họ cống cao ngã mạn. Chữ cống cao ngã mạn thường thường chỉ đơn thuần do một lý do là cái nhìn của mình hẹp quá, mình nghĩ chỉ mình là nhất thôi, không có cái gì hơn trong cuộc đời. Nếu một người an trú tâm tư của họ vào những giá trị cao đẹp, họ gặp tượng Phật họ có thể qùy xuống lạy một cách thành kính, họ gặp các vị tôn trưởng, họ gặp các vị hiền đức, họ gặp những vị đạo cao đức trọng mà họ có thể nghiêng mình được thì điều đó chứng tỏ rằng họ có cơ may rất lớn, và họ thấy rằng trong cuộc đời này còn có các giá trị cao đẹp hơn là chính bản ngã của họ. Chính sự lãnh hội đó là cái cơ may để cứu họ trong rất nhiều các thiện nghiệp. Nói cho cùng thì con người của chúng ta dù là một hình hài rất mạnh mẽ, khôi ngô đẹp đẽ, hoặc giả là có một sự nghiệp hết sức đáng kể, dù một gia sản kếch sù, hoặc giả nếu trong đời sống chúng ta có sở tri,sở đắc, sở chứng hay là có tài năng đến đâu đi nữa mà điều đó khiến cho chúng ta không còn thấy cái gì khác để hâm mộ để ngưỡng vọng thì đó là đại bất hạnh. Chúng ta phải hiểu rằng trong cuộc sống ngay cả như ở đây chúng ta nói đến niệm thiên tức là mình nhận rằng thế giới của chúng ta là thế giới rất hữu hạn, ngoài thế giới này còn có những cảnh giới khác mà chúng sanh thù thắng hơn, chúng ta phải biết như vậy. Cũng như khi đất nước còn ở trong điều kiện khó khăn, chúng ta sống co cụm lại chỉ biết làng mạc tỉnh thành của mình thì mình thấy rằng mình không tự tại tự cao được, nhưng một khi chúng ta có dịp đi năm châu bốn biển đi chỗ này chỗ kia mình nhìn thấy cái giàu thì thiên hạ cũng có giàu hơn, cái đẹp thì cũng đẹp hơn, cái tài thì thiên hạ cũng tài năng gọi là "Núi cao hơn núi, người cao hơn người" thì chúng ta thấy rằng con người của chúng ta chỉ đóng vai trò nào đó là tương đối thôi, có xá gì khi mà chúng ta nhìn một hạt cát ở giữa sa mạc mênh mông, chỉ là một hạt cát, nhưng nhờ sự hiểu biết làm cho tâm hồn của chúng ta thoải mái an lạc hơn, nó không có kiêu kỳ ngoạc mạn nhìn đời bằng nửa con mắt và đó là cái gì rất đẹp của cuộc sống. Do vậy khi nói đến những pháp tùy niệm này là niệm pháp, niệm tăng, niệm thí, niệm giới, niệm Chư Thiên thì những giá trị này là những giá trị thứ nhất là lương hảo, đẹp, thứ hai là giá trị có khả năng tạo cho chúng ta một nguồn hứng mà chúng tôi tạm dùng chữ gọi là có chất sống một lẽ sống, và cái thứ ba là lẽ sống này chất sống này rất bền chứ không phải như những cảm hứng nhất thời nghe một bản nhạc, ăn một bữa cơm ngon, nhìn một cảnh đẹp, qúi vị nhìn cảnh đẹp như cảnh mặt trời lên trên đỉnh hoàng sơn buổi sáng với mây với thông với tùng với đá cảnh trí hữu tình, nhưng chúng tôi bảo đảm rằng mình ở đó hoài thì chúng ta cũng thấy nó nhàm đi, nhưng có những nguồn cảm hứng vô biên chúng ta dựa trên điều đó chúng ta tạo thành được một lẽ sống bền bỉ cho mình. Do vậy niệm thí và niệm thiên này nó cũng là hai kinh nghiệm khác và kinh nghiệm rất quan trọng. Chúng tôi muốn quí vị nhớ một điều là khi đọc vào kinh Phật thì chúng ta thấy rằng Đức Phật luôn luôn cho chúng ta một niềm hy vọng rất lớn trong cuộc đời này: Cho dù một con người bần cùng dù nghèo khổ ở trong cảnh tuyệt lộ đi nữa nhưng nếu người này hoan hỷ với những giá trị cao qúi và tùy niệm với những giá trị cao qúi thì đời sống người đó vẫn phong phú vẫn giàu có. Và do vậy Đức Phật đã đến nhiều nơi và gặp rất nhiều người trao gởi cho họ sự cảm nhận cao qúi và những người này có thể gặp Đức Phật ở trong 5 phút, 10 phút rồi họ nhắm mắt rời khỏi cuộc đời này nhưng đã đón nhận được từ Đức Phật rất nhiều. Liệu rằng trong đời sống của chúng ta có đón nhận được điều đó hay không, hay là chúng ta chỉ vui với một vài thứ rất cỏn con hạn chế ở trong cuộc sống của mình, bởi vì mình không nhận thấy những giá trị cao qúi đó. Do vậy những pháp tùy niệm nó không có đơn giản. Trong những lần tới khi học đến những pháp tùy niệm này qúi vị sẽ thấy rằng sẽ mở cho chúng ta rất nhiều gợi ý quan trọng, gợi ý đó là làm sao đời sống chúng ta không khô cằn, không nghèo nàn, không phiến diện và nhờ vậy một hành giả có thể biến mãn tâm tư của mình ở trong một cảnh giới rộng lớn hơn ./.
|
|