Trang web Chùa Bửu Đức Trang Chính |
|
Phật lịch 2544, Tl 2000
[05] Sư Trưởng thuyết giảng tại Thiền viện Vạn Hạnh Sài sòn. Kính thưa quý vị, bài giảng hôm nay chúng tôi xin giảng tiếp về phần Tịnh giác chi. Tịnh giác chi là một trong bảy pháp Bojjhanga hay là Thất giác chi hay Bảy giác phần. Thất giác chi là một trong Bodhipakkhikadham là bảy phần pháp trợ đạo hay trợ giác, vì sự tu tập thiền quán hay Vipassana là để đưa đến cái cứu cánh tức là sự giác ngộ giải thoát khỏi sanh tử luân hồi. Muốn được tiến hoá trên con đường giác ngộ đó, chúng ta phải vượt qua một số vấn đề vừa khó khăn vừa phức tạp. Tuy nhiên, không phải không thể làm được. Nếu như chúng ta là những hành giả kiên trì quyết tâm thực sự muốn giác ngộ giải thoát thì những pháp đó không làm cho chúng ta phải chùn chân thối bước. Mà ngược lại càng gặp những vấn đề khó khăn trở ngại chúng ta càng nổ lực tinh tấn hơn. Trong thời gian qua, trong những bài pháp chúng tôi đã giảng cho quý vị về bài kinh “ Tứ niệm xứ” tại Thiền Viện Vạn Hạnh, nhằm hổ trợ sự tu tập thiền quán Vipassana. Theo tuần tự thứ lớp trong bài kinh “Maha Satipatthana” hay là “Đại Tứ niệm xứ” chúng tôi đã giảng qua về Thân quán niệm xứ, Thọ quán niệm xứ, Tâm quán niệm xứ, và đã đến phần Pháp quán niệm xứ. Trong phần học Pháp quán niệm xứ chúng tôi cũng đã trình bày đến phần quán Pháp trên các Pháp đối với bảy giác chi Bojjhanga. Trong bảy giác chi đó chúng tôi cũng đã trình bày qua về những giác chi đầu như là Niệm giác chi, Trạch pháp giác chi, Cần giác chi, và Hỷ giác chi. Hôm nay sẽ giải tiếp về phần Tịnh giác chi. Cũng cần nhắc lại trong bảy giác chi đó có những pháp phù hợp với một số cơ tánh của hành giả này, một số phù hợp với cơ tánh của hành giả khác. Có pháp phù hợp tất cả các cơ tánh đó. Như vậy trong bảy giác chi này chúng ta có thể chia ra làm ba thành phần: Đề pháp cần phân tích giải thích hôm nay, đó là Tịnh giác chi như đã nói. Tịnh giác chi Phạn ngữ Pali gọi là Passadhi. Chữ Passadhi này chỉ cho trạng thái lắng dịu yên tịnh không bị sự bức bách bởi đối tượng mà phải sôi nổi bồng bột, và cũng lắng dịu được tâm tư năng động, tự khởi phát suy tư. Về phần Passadhi này, được các nhà chú giải giải thích nhiều trường hợp. Có đôi lúc gần như hơi đi quá xa, người ta giải thích đến trạng thái chứng đắc, một mức độ nào đó tương đương với đạo quả hay là đạo quả. Chữ Passadhi này được gọi là tịch tịnh và đến trạng thái như không còn hay biết. Trường hợp này vẫn có sự tranh cãi với nhau. Thí dụ như có vị nói, “Nếu không hay biết đồng với cỏ cây, đất đá là vô tri giác” rồi ngược lại vị kia nói, “ Nếu còn hay biết thì cũng như những người thông thường không có thiền định”. Thật sự không phải như vậy, nếu như vậy không phải vì sự hiểu lầm thì đó là cố tình đưa đi quá xa để bác bỏ người đối thoại với mình. Vẫn có sự biết, nhưng sự biết này không phải biết như tâm dao động bình thường bên ngoài. Rồi Đức Phật dạy tiếp, “ Cũng vậy, này các Tỳ kheo, đến khi vào mùa khô những ruộng lúa được chín được thu hoạch. Bây giờ cả cánh đồng không còn hoa màu không còn lúa không còn sợ những con bò hoặc ăn hoặc dẫm đạp trên mạ trên lúa trên hoa màu khác của nông dân. Bây giờ người chăn bò để yên cho bầy bò tự do thong thả theo ý của chúng muốn, hoặc ăn cỏ hoặc uống nước hoặc chúng có thể chạy qua chạy lại trên cánh đồng tự do. Người mục đồng ngồi trong một tàng cây râm mát với ngọn gió đồng thoải mái, thỉnh thoảng xem chừng những con bò có đi quá trớn có đi quá xa có đi lạc bầy hay không, chỉ như vậy thôi. Lúc bấy giờ người chăn bò không còn bận tâm gìn giữ những con bò như trước. Cũng vậy, đối với trạng thái tâm những Tham- Sân- Si- Mạn nghi- Tà kiến v.v… Tất cả những phiền não đó đã được thu hoạch được gặt hái được loại bỏ không còn nữa, hành giả đã đến lúc gọi là Passadhi hay tịch tịnh, thỉnh thoảng với chánh niệm tỉnh giác phòng hộ xem chừng cái tâm giống như người mục đồng thỉnh thoảng liếc nhìn xem bầy bò trông chừng cho có lệ vậy thôi. Không còn phải cực khổ vất vả canh chừng vì sợ con bò phá hại hoa màu. Tâm hành giả đến lúc tịch tịnh cũng như thế đó.” Chính vì bài kinh người chăn bò này ( Culagopalaka Sutta), gìn giữ những con bò đã đưa đến cho một số vị sau này phát triển loại thiền gọi là Tổ sư thiền đã cho chúng ta có công án thiền hay thiền án gọi là “Thập mục ngưu đồ” nhưng vấn đề giải về “Thập mục ngưu đồ” về hình thức tương tợ chỉ khác đôi chút như người chăn bò- người chăn trâu đi tìm trâu theo dấu trâu v.v… đến cuối cùng trâu hay bò đó không còn và người chăn bò người chăn trâu cũng không còn, là một lối hình thức dẫn dụ xa hơn một chút nhưng chắc chắn không phải là sự trùng hợp. Những vị Tổ sư phát triển thiền này đã cao hứng cảm hứng khi đọc kinh Phạn ngữ Pali kể trên, đã nảy ra một sáng kiến phát triển một loại thiền theo hình thức “Thập mục ngưu đồ” đó. Nhưng chính vì hình ảnh cánh đồng và người chăn bò với bầy bò đã minh hoạ cho chúng ta một hình ảnh tu tập rõ ràng. Với tâm bị dao động giống như nghững con bò và những phiền não tham sân si, những điều sai trái giới định tuệ có thể làm hư hại sự tu tập như những phiền não giống như lúa ruộng hoa màu. Một khi nào phiền não đó được chấm dứt, được đoạn tuyệt tâm thanh tịnh không còn phiền não. Bây giờ chúng ta được tự tại thoải mái tiêu dao giống như người chăn bò thỉnh thoảng chỉ liếc mắt trông chừng xem chừng vậy thôi. Không còn vất vả như những lúc hoa màu còn lúa còn gíông như phiền não còn. Đó là một hình ảnh thí dụ cụ thể thiết thực rõ ràng, dễ nhận dễ biết dễ lãnh hội để hổ trợ cho chúng ta trong sự tu tập. Passadhi hay tịch tịnh ở đây không phải là trạng thái tâm không còn hay là sự mất đi sự cảm giác sự hiểu biết vì Passadhi hay Tịnh giác chi ở đây nằm trong hai tâm sở Tịnh thân và Tịnh tâm (Kāyapassaddhi – Cittapassaddhi)Hai tâm sở Tịnh thân và tịnh tâm là một trong 19 loại tâm sở tịnh hảo biến hành (Sobhanacetasika) trong luận A-tỳ-đàm có giải thích rõ ràng về hai tâm sở này. Chính nhờ sự tu tập hai tâm sở tịnh thân - tịnh tâm được phát triển một cách mạnh mẽ đưa đến sự yên tịnh về Thân- Tâm. Danh từ tịnh thân - tịnh tâm ở đây, thật sự danh từ Tịnh thân không phải chỉ cho cái thân, mà tịnh thân - tịnh tâm ở đây chỉ cho tâm và tâm sở. Tâm và tâm sở không thể tách rời ra. Tuy nhiên nếu phân tích cũng có những thành phần khác nhau giống như trong một chén chè hat một chén canh, những đố gia vị như muối như đường đã có nằm trong đó không thể bưng chén ché hay chén canh đó lấy ra chất muối riêng hay chất đường riêng. Tuy nhiên nếu cần phân biệt thì những gì nếm mặn mặn đó là muối, những gì nếm ngot ngọt đó là đường. Cũng vậy tâm sở tịnh thân - tịnh tâm là nói đến hai loại tâm sở. Một là để cho tâm yên tịnh hay tâm sở yên tịnh nhưng không thể tách rời , bất khả phân nhưng có thể biết được cái cơ năng cái yếu tố nguyên tố hai pháp này là như vậy. Chữ Passadhi hay cực tịnh là để chỉ cho sự yên tịnh hành giả, lắng dịu được sự nóng hổi của tình dục. Như chúng ta bình thường bị những cảnh ngũ trần lôi cuốn hay nói chung là thất tình lục dục hỷ- nộ- ái- ố- ai- lạc- dục chi phối tâm tư chúng ta không vui thì buồn không thương thì ghét hoặc không thương không ghét ở một mức độ nào đó tâm vẫn bị dao động. Nhưng khi chứng đến mức này có được Passadhi làm cho tâm được lắng dịu tịch tịnh những loại thất tình lục dục hay nói theo danh từ nhà Phật phiền não ( Kilesa) làm cho tâm bị vẩn đục dao động, nhờ có tịch tịnh này được lắng dịu như vậy. Từ chỗ yên tỉnh thanh tịnh đó chúng ta có thể quán những loại phiền não kiết sử lớn nhỏ. Một thí dụ khác Đức phật cũng nêu lên một hình ảnh tương tợ để chúng ta có thể quán triệt vấn đề nhất là lãnh hội được ý nghĩa passadhi hay tịch tịnh, tức là tịnh giác chi ở đây. Như một hồ nước trong vào một ngày hè. Hồ nước đó bên trên không có các loài thuỷ thảo, không đất không bụi, không bị người hay thú phóng uế, không bị gió làm chao mặt nước nổi sóng. Với hồ nước trong như vậy, vào ngày hè như vâỵ, người ta có thể nhìn sâu xuống đáy hồ thấy rõ các loại tôm cá, những loại trứng sạn hay những vật khác một cách rất rõ ràng vì mặt nước yên tịnh không bị sóng động, không bị bụi bặm không bị các loài thuỷ thảo như rong cỏ che lấp thì nhìn thấu suốt được. Đó là một hình ảnh, trong thiền học có danh từ “ Ao xuân mò sỏi”, đó cũng là một loại tổ sư thiền, có lẽ cũng phát triển từ bài kinh thí dụ hình ảnh một hồ nước trong sạch như vậy. Đức Phật dạy tiếp, “ Nhờ hồ nước lắng dịu thanh tịnh, không bị gió làm chao động mặt nước không bị bụi bặm bị thuỷ thảo ngăn che trên mặt nước, nếu như người ta cần đến có thể soi mặt của mình rõ ràng.” Một đoạn kinh khác Ngài thí dụ, “ Có một loại cò ngà có sự đặc biệt kỳ diệu, nó đóng ổ trên cây người ta không thể nào tìm được, nhưng nhờ mặt hồ nước trong sạch phản ảnh được ổ cò rọi xuống. Từ đó người ta mới có thể tìm được trứng cò ngà, chứ trực tiếp nhìn không thấy.” Đó là một thí dụ giống như trường hợp cái tâm chúng ta được yên tịnh trong sạch như hồ nước, chúng ta có thể soi rọi quán triệt thấu triệt thấy rõ từng thành phần phiền não, có thể quán chiếu đến sự giác ngộ rõ ràng được. Như vậy hảnh giả tu tập về thiền Vipassana như chúng tôi thường giảng giải, trường hợp nào hai pháp cơ bản vẫn là chánh niệm tỉnh giác hay phạn ngữ Pali goi là Sampajanna mà tôi thích dùng danh từ mộc mạc đơn giản dễ hiểu đó là theo dõi và phát hiện. Theo dõi là chỉ cho niệm, phát hiện là chỉ cho tỉnh giác. Nhờ có chánh niệm tỉnh giác này chúng ta theo dõi và phát hiện kịp thời những gì thân tâm của chúng ta hành động. Nhờ theo dõi phát hiện kịp thời đó chúng ta có thể ngăn chận kịp thời những gì đáng tiếc có thể xảy ra và có thể phát triển được những gì cần phát triển. Như vậy hai pháp này vẫn là cơ bản đối với môn thiền Tứ niêm xứ. Để hổ trợ thêm cho sự giác ngộ Phật đã nói đến bảy pháp giác chi này là bảy pháp trợ sự giác ngộ. Tuỳ theo cơ tánh của mỗi hành giả chúng ta có thể thực hành được. Với những trường hợp các vị Tổ sư thiền sau này ưa phát triển thành lối thiền Đốn giáo. Cũng kinh nghiệm từ nơi Đức Phật, Ngài đã tế độ đệ tử qua những lần giảng đạo thuyết pháp. Với những trường hợp thuyết thật cụ thể, dùng hình ảnh dễ cảm nhận và những lời nói trắc nghiệm tâm lý mà hành giả cũng như thính giả trong pháp hội lãnh hội được. Do đó các loại thiền đốn giáo nhắm vào phương tiện này phát triển một cách rộng rãi thêm lên. Tuy nhiên chúng ta đừng tưởng rằng pháp thiền đốn giáo đó hay những cách Đức phật tế độ chúng sanh đó luôn luôn áp dụng cho mọi trường hợp cho mọi người. Dù thời Đức phật cũng vậy, với căn tánh của chúng sanh có sai khác, với duyên lành của chúng sanh có sai biệt. Có thể trong một pháp hội hằng ngàn người nhưng chỉ một vài người lãnh hội được ý nghĩa Đức Phật nêu lên, nói đến. Còn số khác không lãnh hội được là do căn duyên chưa có, căn lành chưa đủ, trí năng chưa phát hiện đúng lúc hoặc họ không lưu tâm để ý những chỗ cần để ý. Không lắng nghe những chỗ đáng lắng nghe không phát triển trí năng những chỗ đáng phát triển. Do đó tuy vẫn nghe pháp họ lại không lãnh hội được vấn đề cần được lãnh hội, nên không phải là mỗi người nghe pháp đếu được chứng đắc. Đồng ý trên phương diện Đức Phật giảng đạo để tế độ chúng sanh, các bậc Thinh Văn nhựng vị nghe pháp. Những vị đó nhờ nghe pháp mà được giác ngộ , nhưng trogn sự giác ngộ không phải chỉ vì nghe pháp. Bởi vì nếu do nghe Pháp mà được đắc ngộ thì tất cả những người nghe Pháp trong Pháp hội đó đều giác ngộ. Nhưng chắc chắn những bậc Thinh Văn được giác ngộ phải nhờ nghe Pháp. Nhờ nghe Đức phật thuyr6t1 giảng rồi mới phát triển được quán chiếu được cái nội tâm, nhờ quán chiếu được nội tâm của mình vị đó mới thấy rõ được sự thật chân lý. Ở đây chúng tôi sẽ lược qua một số câu chuyện đã giảng qua trong những thời pháp trước. Tuỳ trường hợp, mỗi câu chuyện chúng ta có thể trích ra từng khía cạnh khác nhau trong cùng một câu chuyện đó cho người nghe được thấu triệt vấn đề. Giống như tại Thiền Viện Vạn Hạnh, vẫn hình ảnh của Thiền Viện Vạn Hạnh như vậy nhưng khi chúng ta muốn tìm hiểu ở một góc nào đó, chúng ta có thể quay phim chụp hình từng góc riêng hoặc là nóc chùa hoặc là cổng chùa hoặc chỗ hành thiền hoặc chỗ thư viện v.v… để thấy rõ ràng từng chỗ muốn thấy. Khi muốn giới thiệu đến sách vở chúng ta phải lấy những hình ảnh của thư viện. Khi muốn chỉ sự sinh hoạt hành thiền chúng ta chụp những hình ảnh tại thiền đường. Khi muốn nói đến sự thính pháp giảng đạo, chúng ta chụp những hình ảnh nơi pháp hội chỗ giảng đường. Cũng vậy cùng trong sự tích đó chúng ta có thể trích ra từng khía cạnh để thấu rõ vấn đề. Dầu những sư tích đó đã được nói trước nhưng ở một khía cạnh khác, một góc độ khác. Trường hợp sau cũng vẫn sự tích đó trường hợp sau lại dùng để chỉ cho một khía cạnh khác. Qua ý nghĩa Passadhi hay tịch tịnh là pháp làm cho lắng dịu yên tịnh. Từ chỗ lắng dịu được tâm tư đó mới có thể giác ngộ. Ở đây chúng ta có thể tìm gặp hình ảnh một người mẹ khi đứa con đã chết. Tâm tư bấn loạn đau khổ vì đứa con trai của bà đã qua đời. Đó là hình ảnh của cô bà Gotami ốm yếu tiều tuỵ bệnh hoạn. Khi đứa con bà chết nhưng bà không dám nghĩ rằng đứa con trai yêu dấu của bà thật sự đã chết. Bà bồng xác đứa con đi đến mọi nhà dầu là hy vọng mong manh nhưng vẫn còn hy vọng hơn là đem xác đứa trẻ chôn ngoaì nghĩa địa xem như là hết hy vọng. Do đó tuy biết con bà chết nhưng bà tự lừa dối chính mình, bà không dám nghĩ con bà chết. Có vài người thương hại chỉ cho bà đến tìm Đức Phật. Tôn giả Gotama là vị tối thượng lương y có thể trị giúp được bà. Khi bà tìm đến, Đức phật thay vì từ chối hay bác bỏ Ngài đã khéo phương tiện nhận lời cứu sống con của nàng bằng cách bảo nàng đi tìm cho Ngài một số hạt cải với điều kiện linh thiêng là tại những nhà nào chưa từng có người chết. Nàng Kisa Gotami nghe như vậy đi tìm khắp mọi nhà xin hạt cải. Hạt cải tìm không khó, nhưng tìm đâu ra một nhà nào chưa từng có người chết. Không có. Cuối cùng Nàng ý thức được một loại thiền án Đức phật muốn giải thích rằng, “Những Pháp nào có tên gọi là “Vô thường”, là Pháp có trạng thái sanh diệt không thường. Những Pháp nào có tên là khổ não là những Pháp có trạng thái đau đớn buồn rầu. Nhựng Pháp nào có tên là Vô ngã là những Pháp có trạng thái không phải là ta hay của ta. Những Pháp ấy chẳng phải chỉ để riêng cho những người trong một xứ, chẳng phải chỉ để riêng cho những người trong một xóm, chẳng phải chỉ để riêng cho những người trong một gia tộc đâu. Pháp ấy để chung cho nhơn loại, súc sanh, luôn đến Chư Thiên, Ma Vương và Phạm Thiên đều cả thảy.” Cuối cùng bà hiểu ra Đức phật muốn dạy rằng không phải một mình nàng bất hạnh trên đời này, phải gánh chịu sự tử biệt sanh ly, phải gánh chịu sự khổ não như vậy. Ý thức được điều này rồi nàng không còn cảm thấy đau thương nữa, đem xác đứa con chôn xong rồi, tìm đến trình bày với Đức Phật. Khi đến Đức Phật hỏi, “ Những gì cần làm nàng đã làm xong chưa?” Câu hỏi này cũng có ý nghĩa là Nàng đã tìm được hột cải chưa? Cũng ẩn ý rằng, “ Nàng có hiểu được những gì Như Lai nói với Nàng không?” Nàng Kisa Gotami trình bạch Đức Phật, “ Bạch Đức Thế Tôn những gì cần làm mà Đức thế Tôn chỉ dạy, con đã làm xong. Bạch Đức Thế Tôn xin Ngài cho phép con được xuất gia sống đời phạm hạnh với hình thức Tỳ kheo ni” Đức Phật cho phép và tâm tư bà được lắng dịu không còn sự đau khổ với nổi lòng người mẹ mất con. Từ đó bà yên tỉnh tu tập, sau khi xuất gia không bao lâu, một hôm nhìn ngọn đèn hết dầu, trước khi tắt phực lên rồi tắt hẳn. Bà ý thức được sự vô thường Sanh-Diệt như vậy, chứng quả A-La-Hán. Trường hợp đó cho chúng ta thấy nhờ Đức phật khéo thuyết giảng khéo hướng dẫn từ một sự bấn loạn trở thành sự yên tỉnh thanh tịnh. Như hồ nước trong đang bị dao động hay bị bụi bặm đóng trên mặt, được khéo thanh lọc trong sạch có thể thấy được những sỏi đá hay tôm cá dưới đáy hồ. Cũng vậy với tâm dao động tháo động loạn động được Đức phật khéo thuyết trở nên yên tịnh, nhờ có yên tịnh đó mới có sự trong sáng giác ngộ được. Như vậy chúng ta thấy rõ ý nghĩa Passadhi hay Tịnh giác chi cần thiết quan trọng dường như thế đó. Qua một câu chuyện tương tợ khác chúng ta có một cơ hội biết được hiểu được ý nghĩa tịch tịnh này. Đó là câu chuyện của Tỳ kheo ni tên là Pacatara mà quý vị đã từng nghe trong những pháp hội khác. Chúng tôi xin lược kể sơ qua giai đoạn cuối cùng để quý vị lãnh hội ý nghĩa tịch tịnh này. Nàng Pacatara vì một sự cố xảy ra hai đứa con bà chết, chồng bà chết. Bà trở về quê hương được tin gia đình cha mẹ chết vì trận mưa giông to lớn. Trước biến cố đột ngột quá to lớn như vậy, bà không chịu nổi nữa được. Một lúc tất cả người thân đều mất đi, bà trở thành người điên loạn. Xé bỏ quần áo, Bà đi lang thang ca hát ngoài đường. Nhưng nhờ duyên lành quá khứ, trong cơn điên loạn bà đến chùa Kỳ Viên trong lúc Đức Phật đang thuyết pháp, đi vào pháp hội với thân loã lồ. Mọi người lấy chăn che thân cho bà và kéo ngồi xuống. Ngay lúc đó Đức Phật phóng luồng tư tưởng từ bi làm cho tâm bà đang bị nóng cuồng nhiệt gặp được sự mát mẻ của tâm từ bi đó, tâm bà bình tỉnh trở lại. Giống như chúng ta đi ngoài nắng nóng cảm thấy bức rức bực bội khó chịu nhưng khi bước vào trong nhà có máy lạnh chúng ta cảm thấy mát mẻ. Quý vị có thể hình ảnh được trạng thái tiếp nhận sự mát mẻ bởi năng lực từ bi Đức Phật phóng ra để trấn tỉnh tâm tư nàng Pacatara như thế nào, thì quý vị cứ nghĩ đến lúc mùa hè nóng bực bội chúng ta được bước vào những ngôi nhà có máy lạnh, lúc đó quý vị thấy dễ chịu như thế nào thì Nàng Pacatara với sự nóng bức của nội tâm khi tiếp nhận được luồng mát mẻ từ bi từ đức Phật cũng có trạng thái tương tợ như vậy . Bà định tỉnh và oà lên khóc, cầu xin Đức Phật cứu giúp. Giống như một người con gái khi đau khổ cùng cực kêu cứu với người cha. Đức Phật. Với thái độ như một người cha Đức Phật nghiêm nghị đáp, “ Này Pacatara, chớ có nghĩ đến sự cứu vớt nơi người khác mà hãy nghĩ đến chính mình, hãy tự cứu lấy mình, Như Lai không cứu nàng được đâu mà chính nàng phải tự cứu lấy nàng”. Với một câu Phật ngôn đơn giản như vậy nàng Pacatara đã thấu hiểu được và sau khi giác ngộ nàng xin Đức Phật được xuất gia. Nàng hành đạo không bao lâu, một hôm bà ra giòng sông rửa chân, khi chân bà vừa giở lên bà nhìn với hình thức chánh niệm tỉnh giác theo dõi và phát hiện, bà phát hiện được từng giọt nước dính vào chân bà rồi rơi từng giọt từng giọt xuống dòng nước và tan biến. Ý thức được điều này bà thoát nhiên tỏ ngộ, chứng đạo quả A-La-Hán ngay lúc đó. Cũng câu chuyện này chúng ta thấy với tâm tư bị nóng bức bởi phiền não thiêu đốt, nhờ Đức Phật trấn an chẳng yên tịnh, quay ngược lại chẳng những không bị phiền não thiêu đốt mà còn thiêu đốt được phiền não. Nhờ thiêu đốt được phiền não, phiền noã ấy mới yên tịnh, không còn là những chướng ngại.Bây giờ bà cảm thấy yên tịnh thanh thản nhẹ nhàng không còn bị thất tình lục dục bao che chi phối. Tâm tư bà bây gìơ thật đúng như người chăn bò vào khi mùa khô hoa màu đã được thu hoạch. người mục đồng ngồi thanh thản dưới bóng cây râm mát, hưởng những cơn gió đồng như thế nào thì tâm tư phiền não được thiêu đốt sạch sẽ không còn bị chi phối bởi lục dục thất tình đó nữa thì cũng yên tịnh như thế đó là Passadhi hay là tịch tịnh, trở thành cái Tịnh giác chi. Nhờ sự yên tịnh đó mà được tỏ ngộ nên Tịnh giác chi này là một trong Bảy pháp đưa đến sự giác ngộ. Qua những hình ảnh, những câu chuyện Đức Phật đã thí dụ trên, chúng ta có thể lãnh hội được cái từ ngữ Passadhi hay tịch tịnh hay Tịnh giác chi. Bây giờ áp dụng vào đời sống thiết thực hiện atị của chúng ta trong mỗi ngày. Bất cứ lúc nào đó, nếu chúng ta phát hiện rằng tâm tư chúng ta đang bị sự nóng hổi của tình dục, đang bị sự bức bách của phiền não, lúc đó chúng ta tìm bất kỳ hình thức nào một phương pháp nào để lắng dịu được cái phiền não đó. Khi nó được yên tỉnh rồi tâm tư mới có sự hạnh phúc. Trạng thái này gọi là tịnh lạc vì có sự yên tịnh mới đưa đến sự an lạc Cũng tương tợ như chúng ta đi trên sa mạc hay trên con đường nào đó bị ánh nắng làm nóng bức, chúng ta tìm đến được hồ nước mát, chúng ta có thể uống nước, rửa mặt hoặc tắm rửa thân mình sạch sẽ. Nhờ sức mát của nước làm sạch sẽ bụi bặm, lắng dịu được sự khó chịu sự bức bách nóng nảy của thân như thế nào thì với phương pháp Passadhi làm cho chúng ta cũng được sự mát mẻ dễ chịu như thế đó. Từ chỗ được an tịnh đó đưa chúng ta tiến xa hơn nữa trong sự tu tập hành đạo. Nếu như quý vị muốn được tiến hoá trên con đường giác ngộ, cần có sự kiên trì liên tục và trắc nghiệm nơi bản tánh của mình thuộc về bản tánh năng động hay thụ động, tích cực hay tiêu cực. Quý vị sẽ áp dụng phương pháp thiền này, hoặc chọn chomình những phương pháp giác chi như là Trạch pháp giác chi, Cần giác chi, Hỷ giác chi. Nếu cảm thấy mình thuộc loại hành giả dễ duôi giải đãi lui sụt tiêu cực thụ động thì những pháp này sẽ sách tấn nâng đỡ tâm của chúng ta lên. Hoặc quý vị có thể lựa chọn một trong ba giác chi này Tịnh giác chi Định giác chi hay Xả giác chi nếu thấy mình thuộc loại hành giả có cơ tánh năng động tích cực bị dao động háo động để đè cái tâm xuống. Đó là phương pháp đối trị phiền não nội tâm. Nếu như quý vị thấy hình như mình có đủ cả hai cũng có lúc tiêu cực, cũng có lúc tích cực, mình cũng có thể vừa năng động và cũng là thụ động hay là cả hai đều nhẹ quý vị lưỡng lự phân vân, tốt nhất là giữ chánh niệm là Niệm giác chi vì Niệm giác chi không bị dư thừa không bị thất bại không bị trở ngại trên vấn đề hành đạo tu tập. Đó là sự hướng dẫn hay giải thích đẻ hổ trợ cho các vị Phật tử hành giả thường đến đây nghe pháp. Những buổi toạ thiền tập thể cũng như toạ thiền riêng biệt tại tư gia, những điều này có thể giúp cho quý vị được sự tiến hoá giống như có bức bản đồ hay có cuốn cẩm nang những lúc cần thiết giở ra xem. Cũng vậy trên phương diện nghe pháp để rồi áp dụng tu tập hằng ngày của quý vị,cũng tương tợ như thế đó. Hôm nay chúng tôi chỉ giải thích về phần Tịnh giác chi, chỉ bấy nhiêu thôi. Với kinh nghiệm bản thân chúng tôi có thể giải thích cho quý vị 7 giác chi cũng được nhưng có thể làm cho quý vị từ giác chi này lộn qua giác chi kia hay giải thich quá nhiều rồi quý vị về, quý vị cứ nhớ hoài những tích truyện. Hơn nữa việc tu tập hành đạo không phải như hình thức thuyết pháp kiểu đại trà mà cần nhiều người nghe cần kéo dài thời gian, chỉ cần lãnh hội được một khía cạnh một góc độ nào đó, quý vị có thể tu tập có kết quả. Như trong Phật ngôn Đức phật có dạy, “ Dầu một câu kệ nghe xong được tịnh lạc hơn nghe rất nhiều kinh kệ mà không chút được tịnh lạc”. Cũng vậy với một câu pháp ngắn gọn, một công án một thoại đầu không phải là nhiều nhưng giác ngộ được bởi người nghe chứ không phải ở người nói. Người nói cũng đồng ý rằng trên phương diện nào đó có thể giảng sư Pháp sư có khả năng hấp dẫn hướng dẫn người nghe ưa thích nhưng chưa chắc rằng với tài năng làm cho thính giả ưa thích đó có` thể đưa đến sự chứng đắc. Một vài trường hợp khác những vị tổ sư thiền học Trung Hoa họ không nói nhiều, có thể họ đánh họ hét v.v… nhưng cũng có thể làm cho người nghe được tỏ ngộ. Như vậy một thời pháp dù có ngắn nhưng không đi xa vấn đề, không phân tâm quý vị quá nhiều mà chỉ gom lại một đề tài để từ đó quý vị có thể phát triển, tham cứu như tham cứu thoại đầu để có kết quả hơn. Chúng tôi xin dứt lời tại đây.
|
|