Trang web Chùa Bửu Đức Trang Chính |
|
Phật lịch 2544, Tl 2000
[02] Bài giảng số 2 Sư Trưởng giảng tại
Thiền viện Vạn Hạnh Saigon Chánh Hạnh
chuyển biên Kính thưa quý vị, hôm nay như lệ thường hằng tháng chúng tôi thuyết giảng tại đây. Như kỳ trước tôi đã giới thiệu và giải thích sơ qua thất giác chi, hôm nay tôi sẽ tiếp tục giảng sâu rộng thêm. Như đã nói, thất giác chi là mấu chốt cơ bản cần phải giảng sâu, rộng quý vị mới có thể lãnh hội chiều rộng và chiều sâu. Gọi là chiều rộng chúng tôi sẽ giải thích bổ túc thêm một số sự tích liên quan những lời chú giải .Gọi là chiều sâu chúng tôi sẽ dẫn chứng giải thích những chi pháp cơ bản liên hệ đến môn Abhidhamma hay là A-tỳ-đàm. Để quý vị có thể lãnh hội được mặt nào đó, mặt về triết lý sâu xa hay là bề nổi tuy rằng cạn không thâm sâu nhưng dễ lãnh hội. Tiếp theo bài kinh Đại tứ niệm xứ, được ghi chép ở Trường bộ kinh (Digha Nikaya) hay kinh Tứ niệm xứ trong Trung bộ kinh ( Majjhima Nikaya) và cũng được ghi chép trong tạng Abhidhamma bộ thứ nhì gọi là Vibhanga hay gọi là bộ Phân tích, được nhiều chỗ đề cập đến ghi chép đến. Đủ cho chúng ta thấy môn Vipassana hay tứ niệm xứ có tầm quan trọng như thế nào rồi. Và trong phần kinh này chúng tôi sẽ giải tiếp phần niệm Pháp hay quán pháp trên các pháp đối với thất giác chi. Vậy thất giác chi là gì? Như đã đề cập đến thất giác chi là bảy phần pháp đưa đến sự giác ngộ đặ trưng là niệm giác chi, trạch pháp giác chi, cần giác chi, hỷ giác chi, tịnh giác chi, định giác chi, và xả giác chi. Cũng trong phần giác chi này kỳ trước đã triển khai, nhất là niệm giác chi. Hôm nay tôi sẽ lập lại, giảng rộng ra và phần chính yếu sẽ triển khai chi pháp thứ nhì gọi là trạch pháp giác chi . Năm chi pháp còn lại tuần tự mỗi lần giảng tôi sẽ lập lại phần thất giác chi cơ bản này và giảng sâu, rộng để quý vị có thể dễ lãnh nhận. Như đã nói đến bảy chi pháp thất giác chi đó, trong kinh tứ niệm xứ đoạn Phật ngôn này Đức Phật có đề cập đến “Thế nào gọi là vị tỷ kheo sống quán pháp trên các pháp đối với bảy giác chi ? Này các tỷ kheo, vị tỷ kheo sống quán pháp trên các pháp đối với bảy giác chi là vị ấy khi có niệm giác chi sanh khởi vị ấy biết rõ, hay không có niệm giác chi sanh khởi vị ấy biết rõ. Trạch pháp giác chi có sanh khởi vị ấy biết rõ, không có trạch pháp giác chi sanh khởi vị ấy biết rõ. Có cần giác chi sanh khởi vị ấy biết rõ, không có cần giác chi sanh khởi vị ấy biết rõ. Có tịnh giác chi sanh khởi vị ấy biết rõ, không có tịnh giác chi sanh khởi vị ấy biết rõ. Có định giác chi sanh khởi vị ấy biết rõ, không có định giác chi sanh khởi vị ấy biết rõ. Có xả giác chi sanh khởi vị ấy biết rõ, không có xả giác chi sanh khởi vị ấy biết rõ.” Ở đây quý vị lưu ý dùng từ “có niệm giác chi sanh khởi vị ấy biết rõ” này có thể như là trung tính chưa phân định là của ai. Muốn phân tích tỉ mỉ thêm như đoạn sau của đoạn này thì sau khi nói về bảy giác chi rồi đoạn đúc kết Đức Phật dạy “Như vậy vị tỷ kheo sống ở đời đối với các pháp quán tánh sanh diệt của các pháp, quán tánh sanh khởi của các pháp. Quán tánh diệt tận của các pháp.Quán tánh sanh và diệt của các pháp. Là vị ấy sống quán các pháp nội phần, ống quán pháp ngoại phần, sống quán pháp trân cácpháp nội và ngoại phần.”
Như vậy hai đoạn chia ra sáu mệnh đề chi pháp cần được giải thích sâu rộng. Bây giờ tìm hiểu trước phần ít phức tạp hơn. Đó là đoạn Phật ngôn: “Có pháp đây vị ấy quán pháp sanh khởi hay là vị ấy quán tánh hoại diệt hoặc quán tánh sanh khởi và hoại diệt.” Đoạn này đã hàm chứa trong mỗi chi pháp như là niệm giác chi, trạch pháp giác chi. Khi Đức phật đề cập đến đoạn đó câu cuối cùng được đúc kết bằng câu hay giải thích từng chi cũng được lập lại là, “Đối với niệm giác chi chưa sanh khởi nay sanh khởi vị ấy biết rõ” Đây là nói tánh sanh khởi. “Niệm giác chi sanh khởi, đã sanh khởi nay được tu tập viên thành vị ấy biết rõ”v.v… Như vậy đoạn này giải thích quán pháp đối với tánh sanh khởi, quán pháp đối với tánh hoại diệt hay quán pháp đối với tánh sanh và diệt. Còn quán pháp đối với các pháp nội phần, quán pháp đối với các pháp ngoại phần, quán pháp đối với các pháp nội và ngoại phần cần được giải thích thêm. Vì phần này trong bộ Vibhanga chia thành ba đoạn: nội phần, ngoại phần, nội và ngoại phần. Tôi xin triển khai ba phần này ở một khía cạnh khác để quý vị thẩm nghiệm soi thấu ẩn ý đoạn Phật ngôn này. Vị tỷ kheo sống quán pháp nội phần chỉ về pháp bản thân của mình còn ngoại phần là của người khác. Nội và ngoại phần hoặc là thấy pháp của người khác quán lại của mình hay thấy pháp của mình quán lại người khác, nên mới có đoạn: “Đối với vị tỷ kheo sống quán pháp trên các pháp đối với bảy giác chi khi nội tâm có niệm giác chi vị ấy biết rõ” Nội tâm tức là trong tâm của mình. Hay là “ Khi nội tâm không có niệm giác chi vị ấy biết rõ”. Nếu trong nội tâm ,quán tâm của mình thấy không có niệm giác chi vị ấy biết rõ. Kế tiếp là sanh diệt. “Với niệm giác chi, trước chưa sanh khởi, nay được sanh khởi vị ấy biết rõ”. Đó là quán tánh sanh khởi. Hay là “Với niệm giác chi đã sanh khởi nay được tu tập viên thành vị ấy biết rõ”. Mỗi chi pháp đúc kết phần sau cùng là như vậy. Như vậy là đối với niệm giác chi. Cũng vậy đối với sáu pháp còn lại. “Đối với vị tỷ kheo quán pháp trên các pháp, đối với phần nội tâm của mình. Khi nội tâm vị ấy có trạch pháp giác chi sanh khởi, vị ấy biết rõ. Khi nội tâm vị ấy không có trạch pháp giác chi sanh khởi, vị ấy biết rõ. Hay nội tâm vị ấy đối với trạch pháp giác chi trước đây đã sanh khởi nay tiếp tục sanh khởi và được tu tập viên thành, vị ấy biết rõ”. Cần giác chi, tịnh giác chi, định giác chi, hỷ giác chi, xả giác chi cũng như vậy. Đó là quán lại phần nội tâm bên trong của mình. Đối với trường hợp ngoại phần có thể ví dụ giữa một vị thiền sư và hành giả để quý vị dễ nhận. Đối với vị quán các pháp đối với ngoại phần. Như vị thiền sư nhận biết về hành giả là đệ tử là người học trò mình hướng dẫn. Mỗi khi trình pháp vị ấy có thể nhận xét tương tự như vậy. Tức là đối với người khác có niệm giác chi vị thiền sư biết rõ. Người khác đây tức là hành giả. Hay là hành giả không có niệm giác chi vị thiền sư biết rõ. Hay hành giả tu tập có niệm giác chi sanh khởi nay được tiếp tục tu tập cho được viên thành vị thiền sư biết rõ. Hay hành giả có trạch pháp giác chi vị thiền sư biết rõ. Hay vị hành giả này trình pháp hay sự nhận thức của vị Thiền sư thấy hành giả không có trạch pháp giác chi vị Thiền sư biết rõ. Đó là ngoại phần. Hay là hành giả đã có cần giác chi hay không có cần giác chi vị thiền sư biết rõ. Hoặc hành giả có cần giác chi trước đây chưa có nay có vị thiền sư biết rõ. Với cần giác chi đã sanh khởi đối với hành giả nay được tiếp tục sanh khởi và được tu tập viên thành vị thiền su biết rõ. Đó là ngoại phần. Hoặc là với hành giả không có hỷ giác chi vị thiền sư biết rõ. Hay hành giả có hỷ giác chi sanh khởi vị thiền sư biết rõ. Hay hành giả trước đây chưa có hỷ giác chi nay có hỷ giác chi sanh khởi vị thiền sư biết rõ. Hay truớc đây có hỷ giác chi sanh khởi nay tiếp tục sanh khởi và tu tập viên thành vị thiền sư biết rõ. Đó là quán ngoại phần. Cho tới tịnh giác chi, định giác chi, xả giác chi cũng tương tợ như vậy. Đó là nói về thí dụ một vị thiền sư cần theo dõi thẩm nghiệm để quán biết rõ về thiền sinh hay hành giả người đệ tử của mình đang hướng dẫn. Như vậy quý vị thấy rõ niệm pháp về ngoại phần. Còn trường hợp nội và ngoại phần. Vị thiền sư hướng dẫn cho cnhững thiền sinh hay hành giả mà vị này chỉ có kinh nghiệm bản thân không có đọc qua sách vở hoặc đọc qua sách vở nhưng chưa có thực hành. Hoặc vị này vừa thực hành có kinh nghiệm bản thân mà cũng có nghiên cứu qua sách vở nhưng vị này chưa có kinh ghiệm dạy đệ tử. Do đó có những ấn chứng phát sanh vị này có thể không thông suốt. Bởi những ấn chứng này có thể không tìm thấy trong kinh sách được ghi chép. Hoặc những ấn chứng này chẳng những không thấy nói trong kinh sách mà bản thân vị thiền sư đó chưa có kinh nghiệm bản thân. Như vậy đòi hỏi ở vị thiền sư chẳng những học hiểu thông suốt, nghiên cứu sách chú giải về môn niệm xứ hay vipassana. Còn phải chính bản thân mình có thực tập có kinh nghiệm và tốt hơn nữa vị thiền sư lâu năm có nhiều kinh nghiệm ngoài kinh nghiệm bản thân, còn nghiên cứu kinh điển sách vở, còn từng trải bởi những người đệ tử trình pháp. Do đó vị này có thể hướng dẫn người đệ tử một cách rành rẽ. Nếu như có kinh nghiệm bản thân, khi hành giả trình pháp vị này nghe như vậy như vậy, quán lại chính pháp này mình đã đắc chưa? Hướng dẫn cho vị thiền sinh, như vậy cũng là quán pháp nội phần và ngoại phần. Hay ngược lại hành giả chỉ tiến đến một mức độ nào đó vị thiền sư cần phải sách tấn thêm. Lấy kinh ghiệm của mình để hướng dẫn thiền sinh. Vì đối với thiền sinh hay hành giả chưa có niệm giác chi nhưng vị thiền sư đã có niệm giác chi. Bây giớ muốn cho vị đó phát triển , xử dụng phương pháp thực tập để vị đó có được niệm giác chi cũng như mình v.v…Đó là quán pháp trên các pháp nội phần và ngoại phần. Cũng để nói thêm rõ trong bảy pháp giác chi này, có trạch pháp giác chi là có thể. Chúng ta nhận thấy pháp này đóng vai trò rất quan trọng. Nếu hành giả thuộc về trí tuệ, trạch pháp giác chi sẽ đóng vai chính trong baỷ pháp giác chi là bảy nguyên nhân giác ngộ . Thay vì người khác do niệm giác chi hay xả giác chi v.v…được giác ngộ. Vị này với trí tuệ mà giác ngộ hành giả hướng về phân trạch páhp giác chi cơ bản. Đối với vị đó trạch pháp giác chi vừa là trạch pháp giác chi trong bảy giác chi mà cũng làm trách nhiệm của tuệ tứ năm trong bảy pháp thanh tịnh. Ngược lại nếu hành giả có xu hướng hay có cơ duyên khác do niệm giác chi hay định giác chi cho tới xả giác chi một pháp nào đó nặng hơn thù diệu hơn, đưa đến sự giác ngộ thì trạch pháp giác chi này không phải đóng vai trò trạch pháp giác chi của pháp giác ngộ nhưng vẫn làm chức năng pháp thanh tịnh thứ năm gọi là đạo phi đạo tri kiến tịnh, Pali goi là Maggàmagga- Nanadasana-Visuddhi, là phân biệt giữa đạo và phi đạo. Như vậy chúng ta cần hiểu trạch pháp giác chi này tức là tâm sở trí tuệ. Nếu hành giả thuận về trí tuệ thì nó làm hai chức năng vừa là trách pháp giác chi vừa là đạo phi đạo tri kiến tịnh. Còn nếu hành giả thuộc về cần hay niệm giác chi khác thì trạch pháp giác chi này chỉ làm trách nhiệm đạo phi đạo tri kiến tịnh. Và pháp thanh tịnh thứ năm này hành giả nào cũng phải đi ngang qua đó. Và một điều đáng cho quý vị lưu ý bảy pháp giác chi tuy rằng phân ra bảy pháp nhưng không bắt hẳn mỗi hành giả đều phải đầy đủ bảy giác chi nhưng cũng không phải hành giả chỉ cần một giác chi, các giác chi khác thiếu. Không phải. Cái nào trội hơn kể như hành giả chuyên về dạng đó, các giác chi còn lại được xem như là như thứ yếu. Vì cái kia quá nổi bật, sáu cái còn lại bị lu đi, nhưng không mất hẳn hay là không có. Ở đây bắt buộc chúng ta phải vận dụng đến Abhidhamma (A-tỳ-đàm). Bây giờ phân tích bảy giác chi, tìm bản thể chân tướng của các pháp này. Chúng ta thấy rõ pháp bản thể của niệm giác chi là tâm sở niệm, tâm sở niệm là một trong 19 tâm sở tịnh hảo biến hành nghĩa là trong tất cả tâm tịnh hảo luôn luôn có mặt. Gọi là biến hành nghĩa là không thể thiếu, nhưng nếu không có danh từ tịnh hảo chỉ gọi là biến hành thì phổ thông có trong tất cả tâm. Nhưng khi gọi tịnh hảo biến hành là có nghĩa phổ thông trong lãnh vực tâm tịnh hảo, tâm bất tịnh hảo tức là tâm bất thiện không có. Tâm thiền sắc giới, vô sắc giới tâm siêu thế tức là phần tịnh hảo nhất định phải có niệm giác chi tức là tâm sở niệm. Dù là thứ yếu, không đóng vai trò chủ chốt nhưng nhất định phải có mặt. Đó là giải thích theo a-tỳ-đàm. Chi pháp cơ bản của trạch pháp giác chi là tâm sở trí tuệ. Tâm sở trí tuệ khác hơn niệm vì tâm sở trí tuệ không phải là tâm sở tịnh hảo biến hành vì có một số tâm tịnh hảo không có tâm sở trí tuệ nếu nói theo Abhidhamma. Trong 24 tâm dục giới tịnh hảo, có 12 tâm hợp trí mới có trí tuệ, 12 tâm ly trí không có tâm sở trí tuệ. Còn tâm thiền sắc giới, tâm thiền vô sắc giới, tâm thiền siêu thế cũng là tâm tịnh hảo nhưng thuộc về thiền phải nhất định không thể thiếu trí tuệ. Không hề có một tâm thiền nào dù là thiền hợp thế hay thiền siêu thế mà thiếu trí tuệ được. Như vậy tâm sở trí tuệ luôn luôn có mặt trong những tâm thiền định đạo quả. Như vậy tâm sở trí tuệ làm chức năng trạch pháp giác chi trong bảy giác chi hay không làm trách nhiệm trạch pháp giác chi trong bảy giác ch,i cũng vẫn có mặt và kiêm nhiệm luôn phần đạo phi đạo tri kiến tịnh tức là pháp thanh tịnh thứ năm để thẩm nghiệm biết rõ đạo hay là không phải đạo. Cần giác chi là tâm sở cần, là một trong 6 tâm sở biệt cảnh là tầm, tứ, thắng giải, cần, hỷ, duc. Nó thuộc cả thiện bất thiện. 6 biệt cảnh này cộng với 7 biến hành trở thành 13 tâm sở tợ tha (Annasama`na) , có thể hợp với tâm thiện có thể hợp với tâm bất thiện, có thể trung lập. Tính ra tâm sở cần chỉ vắng mặt trong 16 tâm sở vô cần như ngũ song thứcv.v… ngoài ra đều có mặt. Như vậy không thể thiếu tâm sở cần. Do đó tâm sở cần dù có làm chức năng cần giác chi hay không cần giác chi vẫn có mặt tâm sở cần. Nhưng từ thưở mới tu tập tứ niệm xứ tiến lên một bước lên tứ chánh cần đã có mặt tâm sở cần, đóng vai trò lãnh đạo chức năng nằm trong tứ chánh cần là chính tâm sở cần này gồm cả 4 chi pháp thận cần, trừ cần, tu cần, bảo cần. Tứ nhứ y túc thì có dục như ý túc, cần như ý túc, tâm sở cần này làm trách nhiệm cần như ý túc vẫn có mặt. Lên ngũ căn, ngũ lực có tín, tấn, niệm, định, tuệ thì tấn căn là tâm sở cần, ngũ lực có tấn lực cũng là tâm sở cần. Với bảy giác chi thì cần giác chi cũng có mặt. Cuối cùng đến bát chánh đạo chính tâm sở cần này đóng vai chánh tinh tấn. Hỷ giác chi cũng giống như cần giác chi. Hỷ giác chi (Pìti) là một trong 6 tâm sở biệt cảnh là một trong 13 tâm sở tợ tha, là tầm, tứ, thắng giải, cần, hỷ, dục. Như vậy hỷ vẫn có mặt. Vả lại dầu thiền hiệp thế, siêu thế, sắc giới vô sắc giới cũng phải tuần tự hy tiến từ sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, nếu theo A-tỳđàm còn có ngũ thiền. Hỷ giác chi (pìti) hay chi tâm sở hỷ này là một trong năm chi thiền tầm, tứ, hỷ, lạc, định. Chi tầm (vitaka) , tứ ( vicara ), hỷ (pìti), lac (sukkha), định (ekaggata). Có thể thay đổi là upekkha từ chi lạc biến ra, nhưng bản thể vẫn là tâm sở thọ. Nhưng hỷ này không phải là thọ hỷ, mà nó là pìti chứ không phải là pháp hỷ (vetana), ở đây nên phân biệt như vậy. Hỷ này nằm trong phần chi thiền tầm, tứ, hỷ,lạc, định do vậy cũng có mặt tâm sở hỷ. Như vậy chứng tỏ rằng hành giả tu tập dù có hỷ giác chi làm chức năng hỷ giác chi hay không làm chức năng hỷ giác chi mà do một chi pháp khác đóng vai trò hỷ giác chi thì tâm sở hỷ này vẫn có mặt, nhưng là hạng thứ yếu. Giác chi khác nổi bật hơn làm nó lu đi nhưng vẫn có mặt. Tịnh giác chi là tâm sở tịnh thân hay tịnh tâm. Một hoặc hai tâm sở này trong số 19 tâm sở tịnh hảo biến hành. Tịnh thân tịnh thân ở đây làm chức năng tịnh giác chi trong bảy giác chi. Nếu như không làm chức năng tịnh giác chi thì tâm sở tịnh thân tịnh tâm này vẫn có mặt vì nó thuộc thành phần tâm sở tịnh hảo biến hành. Định giác chi phát xuất từ tâm sở ekaggata hay là nhất hành. Ekaggata là một trong bảy tâm sở biến hành xúc, thọ, tưởng, tư, định, mạn căn, tác ý. Danh từ định ở đây là nhất hành, có khả năng gom thu đối tượng vào một điểm. Và phát triển từ ekaggata lên thành Samadhi, từ sát na định cho đến khi thành định kiên cố appanà là kiên cố bền vững trụ tâm được lâu dài . Ekaggata hay tâm sở định này như đã nói trong abhidhamma là tâm sở biến hành, trong tất cả tâm không tâm nào vắng mặt tâm sở biến hành. Bảy tâm sở biến hành xúc, thọ, tưởng, tư, định, mạn căn, tác ý có mặt cùng khắp. Những thức thuần tịnh muội lược yếu đuối có tâm sở ít nhất như tâm sở nhãn thức nhĩ thức chỉ có 7 tâm sở biến hành phối hợp, trong đó vẫn có tâm sở định ekaggata này, không thể thiếu, bất khả phân. Như vậy chứng tỏ định giác chi tức là tâm sở định dầu có làm chức năng định giác chi hay không làm chức năng định giác chi, lúc sắp đắc chứng hay đắc chứng tâm hành giả đó vẫn có tâm sở định vì nó là biến hành tâm sở. Xả giác chi là chi cuối cùng trong bảy nguyên nhân đưa đến giác ngộ, chính là tâm sở hành xả. Tâm sở hành xả này là một trong 19 tâm sở tịnh hảo biến hành tín, niệm, tàm, quý, vô tham, vô sân, hành xả… Hành xả trung tính, có trạng thái làm quân bình đối tượng, như người kỵ mã thiện xảo khéo điều khiển cặp ngựa song hành đồng đều nhau. Có trách nhiệm giữ cho ngũ căn ngũ lực quân bình không cho cái nào quá mạnh quá trội. Tâm sở hành xả này là tâm sở tịnh hảo biến hành, nhất định phải có mặt luôn khi, mọi trường hợp, mọi góc độ, trong những tâm tịnh hảo. Như vậy nhất định phải có mặt tâm sở hành xả trong những tâm tu tập thiền dầu chuẩn bị hay đắc chứng. Chúng ta thấy bảy pháp giác chi này tức là bảy tâm sở cơ bản tâm sở niệm (niệm giác chi), tâm sở trí tuệ (trạch pháp giác chi), tâm sở cần (cần giác chi), tâm sở tịnh thân tịnh tâm ( tịnh giác chi), tâm sở hỷ (hỷ giác chi), tâm sở nhất hành hay tâm sở định (Định giác chi), tâm sở hành xả ( xả giác chi) luôn luôn có mặt. Bảy tâm sở này được khéo tu tập trưởng dưỡng thành tựu đến một mức độ thù thắng rốt ráo đắc được đạo quả niết bàn. Đó là bàn về chiều sâu có tính cách chuyên môn Phật học. Tuy khô khan nhưng vẫn phải nói cho quý vị có khái niệm. Tiếp tục tôi sẽ giảng về chiều rộng, tuy hơi cạn nhưng dễ lãnh hội. Kế chi pháp niệm giác chi là trạch pháp giác chi. Như kỳ trước đã giảng sâu rộng về niệm giác chi, phần trạch pháp giác chi này khác với niệm giác chi. Niệm giác chi đóng vai trò sati tức là chánh niệm Tôi gọi theo ý tôi là theo dõi. Trạch pháp giác chi này là tâm sở trí tuệ (Sampajanna) hay tỉnh giác làm trách nhiệm phát hiện như một người lính kín theo dõi đối tượng, đi tới đi lui, đi qua đi lại, ghé những nhà nào, người đó theo dõi, bám sát đối tượng đó là niệm. Thấy người này trao đổi thư từ với một người khác, hay có một thái độ nào khả nghi thì người đó biết ngay, đó là sampajana hay là trạch pháp giác chi. Trạch pháp giác chi này đối với hành giả có xu hướng nặng về trí tuệ, có thể đắc chứng chậm nhưng vững chắc, không bị sai lạc. Một kinh nghiệm cho chúng ta thấy trong lịch sử Phật giáo khi nói đến hai vị Trí thượng thinh văn, đại đệ tử của Đức Phật là ngài Xa-Lợi-Phất và ngài Mục-kiền-Liên. Ngài Xá-Lợi-Phất có trí tuệ thuộc loại mẫn tuệ tiệp tuệ, tốc trí. Khi nghe ngài A-xà-Chí nói lên tóm tắt ý nghĩa tứ diệu đế ngài đã chứng quả tu-đà-hườn, về thuật lại cho bạn mình là ngià Mục-kiền-Liên nghe cũng chứng quả tu-đà-hườn. Sau đó xuất gia gặp Đức phật, Ngài Mục-Kiền-Liên một tuần lễ sau khi xuất gia mới đắc quả A-la-hán. Ngài Xá-lợi-Phất hai tuần lễ sau mới đắc quả A-la-hán. Thấy rõ Ngài Xá-Lợi-Phất chứng quả Tu-đà-hườn trước Ngài Mục kiền nhưng lại chứng quả A-la-hán sau Ngài Mục-Kiền-Liên. Nhưng điều thú vị hơn nữa là 250 thuộc hạ của hai vị này do sự hướng dẫn của Ngài Xá lợi Phất và Ngài mục Kiền Liên theo về với Đức Phật, Đức phật cho xuất gia thiện lai tỷ kheo rồi, lại còn đắc chứng quả A-la-hán trước hai Ngài . Bởi vì 250 vị đạo sĩ này họ chỉ làm theo đức tin, chỉ đâu làm đó, như vậy ngũ căn ngũ lực của họ từ tín, tấn, niệm, định, tuệ dễ quân bình nên giác ngộ mau lẹ. Còn trường hợp của hai vị Xá-Lợi-Phất và Mục-Kiền-Liên, hai vị này có cơ bản cách biệt khác nhau như cổ đức có câu, “Tịnh đa tất muội Tuệ đa tất loạn” Thật vậy , đây nói trên kinh nghiệm thực hành, Ngài Mục-Kiền-Liên từ quá khứ xa xưa có thường thân y duyên về thiền chỉ, định rất mạnh, nên sau này Ngài sở trường cũng phát triển về thần thông , một dạng định lực mạnh. Trong lúc Ngài Mục-Kiền-Liên thiền chỉ Ngài bị hôn trầm, Đức Phật biết được xuất hiện trước mặt sách tấn Ngài. Sau đó Ngài quân bình ngũ căn ngũ lực, chứng được quả A-La-Hán một tuần sau khi xuất gia. Trường hợp Ngài Xá-Lợi-Phất lý thú hơn nữa, vì Ngài qúa nặng về trí tuệ, nhất là trạch pháp giác chi, thẩm nghiệm, tư lương, suy tính, đối chiếu phân tích nên “Tụê đa tất loạn”. Trong ngũ lực tín tấn niệmđịnh tụê, trí tuệ này vượt hẳn lên, nên sự chứng đắc đạo quả bị đình trệ. Kỳ trước tôi đã dẫn chứng cho quý vị. Ngài A-Nan-Đa vì chánh niệm quá mạnh, lúc chư Tăng kết tập tam tạng, có toạ chủ là Ngài Ca-Diếp trong thạch động. 499 vị chờ đợi Ngài trong thạch động, làm cho Ngài A-Nan-Đa- sốt ruột cố gắng thực hành đắc quả A-la-hán mới được vào thạch động kết tập tam tạng, sở trườngcủa Ngài A-Nan-Đa là niệm mạnh, cộng với tinh tấn mạnh nên không thành tựu. Đến lúc mỏi mệt muốn nghỉ, lúc đó tinh tấn và niệm hạ xuống ngang bằng với các căn, quyền kia. Tín, tấn, niệm, định, tuệ quân bình. Sau hai tuần phân tích thẩm nghiệm so sánh, đến một lúc trí tuệ của Ngài mỏi mệt, hạ xuống bằng với tín, tấn, niệm, định, tuệ Ngài mới đắc quả A-La-Hán. Đương nhiên với trí tuệ phân tích trở thành vị Thượng thủ Thinh văn đệ nhất về trí tuệ. Kinh nghiệm cho chúng ta sau này nếu thấy trí tuệ hoặc một chi pháp nào mạnh chưa hẳn là mình đã thù thắng thành đạt vì như đã nói trí tuệ này có thể vừa là trạch pháp giác chi vừa có thể là pháp thanh tịnh thứ năm là đạo phi đạo tri kiến tịnh. Tâm sở trí tuệ vừa làm chức năng trạch pháp giác chi như vừa giảng. Bây giờ xét qua mặt khác là làm trách nhiệm pháp thanh tịnh thứ năm là đạo phi đạo tri kiến tịnh. Sở dĩ có sự đắn đo phân vân, sàng lọc kỹ như vậy vì hành giả tiến đến giai đoạn này có thể gặp một trong những phiền não quán hay 10 pháp trở ngại sau đây. Do đó nếu không phân biệt được thì trong đường tơ kẻ tóc có thể đi sai lầm vào một con đường khác, không phải con đường đưa đến đạo quả. Nếu như hành giả với sự năng nổ tu tập một thời gian khá lâu , tự nhiên sau một lúc nào đó, vị này tự thấy từ thân phát sanh hào quang hay sánh sáng. Đương nhiên rất hoan hỷ vì trước đây mình chỉ nghe Đức Phật hoặc các vị Thánh tăng có hào quang chứ người thường không có. Nhưng hôm nay chính bản thân mình có hào quang. Ban đêm trong cốc thấy sáng trưng. Nghĩ rằng mình đã thành bậc thánh. Do nghĩ như vậy nên bị lệch đường vì hào quang là ấn chứng phát sanh do tu tập chứ chưa đắc đạo giải thoát. Nhưng đây không phải là ác pháp, bất thiện pháp. Chỉ vì chưa đạt tới đích đã tưởng tới đích. Kế đến là pháp hỷ. Vị này trước đây có thể thân tâm buồn bực, quân bình, ít khi cảm thấy vui mùng. Sau thời gian tu tập, có một lúc vị này thấy hoan hỷ. Ở trong cốc trong phòng cảm tâhý thoải mái vui vẻ không có sự buồn bực, Trước đây chưa từng có như vậy, bây giờ cả ngày lẩn đêm, sự vui thích hoan hỷ liên tục phát sanh. Nghĩ rằng mình đã chứng quả, nên dứt được phiền não không giận không sân. Pháp hỷ này phát sanh chỉ là một trong 10 phiền não quán, chưa phải thật sự chứng đắc đạo quả. Hoặc là đức tin. Vị này trước đây đức tin còn mù mờ, chưa quyết tin tam bảo. Chỉ được nghe giải thích rằng những vị nào chứng quả tu-đà-hườn trở lên có niềm tin bất thối, không còn nghi ngờ về tam bảo. Sau một thời gian hành đạo, một hôm cảm thấy niềm tin với tam bảo vững chắc, mãnh liệt, tưởng mình là một trong những bậc thánh, tối thiểu cũng là tu-đà-hườn. Nhưng thật ra chưa phải. Niềm tin này là tín căn hay tín lực phát sanh mãnh liệt như vậy, chứ chưa đắc đạo quả. Hoặc tâm vị đó cảm thấy an tịnh cả ngày lẩn đêm. Nghĩ rằng mình đã đạt được tịnh giác chi. Trước đây phiền não tham sân dấy khởi, bây giờ ngồi thiền kinh hành thấy tâm nhu nhuyến dễ xử dụng, an tịnh thơi thới không còn bị trần cảnh lôi cuốn. Nhưng chưa phải chỉ là tâm sở tịnh thân tịnh tâm được phát triển có thể trở thành tịnh giác chi, vì mình tưởng lầm nên hoan hỷ chấp thủ , do đó tiến lên không được, hay tẻ qua đại lộ khác. Chính tịnh này không phải ác pháp, bất thiện pháp nhưng vì nó trội hơn làm đình trệ không đạt được mục đích. Hoặc là tinh tấn. Hành giả trước đây có vẻ bị lui sụt nhưng khi hành thiền tích cực. Vị này cảm thấy mỏi mệt, vật lộn với những cơn hôn trầm hay những tâm bất thiện khởi lên. Nhưng bây giờ không phải như vậy, vị này cảm thấy nếu không đi kinh hành không hành thiền, cảm thấy khó chịu, buồn bực, trống trải. Vị ấy hành thiền lien tục không thiết tha ăn uống, ngủ nghỉ. Nghĩ rằng mình đã đạt đến bậc thánh nên mới tinh tấn như thế này, cũng bị sai lầm. Hoặc là vị hành giả thấy thân mình có phỉ lạc sung mãn, tràn trề. Ngồi hành thiền thấy thân mình mát mẻ như được tắm nước, toàn thân mát rượi như nước tràn qua bờ tức là sung mãn hỷ. Lạc khác với hỷ. Ở đây thân tâm mát mẻ dễ chiu thoải mái. Vị này thấy sung sướng hạnh phúc trước đây chưa từng có. Đi đứng nằm ngồi toàn thân thoải mái sung mãn tràn trề. Nghĩ rằng mình là bậc thánh nên mới đạt trạng thái hạnh phúc tối thượng như thế này. Nhưng thật sự chỉ là chi lạc phát sanh, chứ chưa thành tựu cứu cánh đạo quả. Hoặc là vị ấy trước đây có những vấn đề chưa thông suốt, hành thiền một thời gian trí tuệ phát sanh một cách sáng suốt, phân tích rõ rệt. Cặp mắt nhìn ở đâu cũng phân biệt được nhân và quả. Tưởng rằng mình có trí tuệ của bậc thánh nhưng thật sự tri tuệ này phát sanh mạnh chứ chưa phải thành tựu thánh trí. Trong mười pháp hào quang, hỷ, tịnh, tín, cần, vui, huệ, niệm, xả và ái thương. “Trong mười, một mạnh hoá cường, Trở thành phiến não của đường quán chân” Trong mười phiền não quán này chỉ có chi thứ mười là ái thương là bất thiện. Ngoài ra chin chi còn lại là thiện pháp nhưng vì hiểu lầm, chấp lầm bị trở ngại nên không được tiến hoá, nên gọi là phiền não quán chứ thật sự nó phông phải là phiền não. Chỉ có ái thương mới là pháp bất thiện. Ở đây hành giả nhờ phát triển trí tuệ. Trong thất giác chi trí tuệ đóng vai trạch pháp giác chi tức là lựa chọn, tuyển chọn, phân biệt cũng là chức năng thanh thịnh thứ năm là đạo phi đạo tri kiến tịnh. Nhờ có sự so sánh phân biệt, cân nhắc kỹ lưỡng như vậy tuy rằng chậm nhưng chắc tức là không bị sai lầm, không đi vào con đường tà đạo hay tà định. Về trạch pháp giác chi như đã nói, dẫn chứng câu chuyện như ngài Xá-Lợi-Phất tuy nặng về trí tuệ nhưng đắc chứng đạo quả châm hơn, hai tuần sau khi xuất gia mới thành tựu. Có một câu chuyện của ĐĐ khác cũng tương tợ như vậy. Vị ĐĐ này hằng ngày đi khất thực nuôi mạng, theo thứ lớp từng nhà nhận những thực phẩm, không tà mạng, có giới đức nghiêm minh. Sau khi khất thực trở về trú xứ, vị này ngồi kiết gìa lưng thẳng, an trú chánh niệm trước mặt tu tập niệm xứ. hay lúc đi kinh hành chánh niệm tỉnh giác trong cả bốn oai nghi. Dù tu đúng phương pháp như vậy với một thời gian khá lâu, vị này vẫn chưa thành tựu đạo quả. Trong thôn xóm có những người có niềm tin thường xuyên cúng dường cho vị ĐĐ này, dù vị này chưa chứng được đạo quả nhưng vì giới đức quá nghiêm tịnh nên hàng chư thiên, phi nhân ở gần đó cảm thấy nóng nảy. Họ muốn đuổi vị ĐĐ này đi chỗ khác, nhưng không biết làm sao. Có một vị chư thiên ma làm một đứa trẻ trong xóm bị đau bệnh. Chư thiên ma mới mách cho cha mẹ đứa bé, “Chứng bệnh này muốn khỏi. Ngày mai đợi vị ĐĐ đi khất thực, xin nước rửa bát của vị này cho đứa bé uống, nó sẽ khỏi bệnh”. Hai vợ chồng làm y như lời của chư thiên ma. Vị tỷ kheo nghĩ rằng, “Ta không sống bằng nghề tà mạng như làm thuốc trị bệnh để kiếm vật thực cơm ăn. Nước rửa bát này dù người này hỏi hay không hỏi ta cũng đổ. Nhất là khi ta thọ thực tại nhà của họ, họ lấy nước đó đổ ở đâu cũng được, ta đâu cần giữ lại.” Vị tỷ kheo đi về trú xứ của mình. Người cư sĩ lấy nước rửa bát đó cho con mình uống và đúa bé hết bệnh. Vị tỷ kheo về trú xứ của mình hành đạo, phi nhân hiện ra nói, “Ông không phải là vị tỷ kheo chân chánh, ông là phi sa môn. Ông không có giới đức. Ông sống bằng nghề tà mạng, ông không xứng đáng ở đây. Ông hãy đi chỗ khác.” Vị ĐĐ hỏi rằng, “Ta sống bằng nghề tà mạng nhưng ta đã làm gì tà mạng?” Phi nhân nói, “Có phải ông mới vừa cho một người cư sĩ trong xóm nước để chữa bệnh không?” Vị ĐĐ chợt hiểu việc này do hang phi nhân làm, vị này nói, “Việc này do ngươi làm chứ không phải ta. Ta không có chủ ý làm thầy thuốc trị bệnh. Ta cũng không biết trước họ dùng nước để trị bệnh. Ta cũng không có ý định làm cho linh thiêng để mua chuộc thí chủ” Vị ĐĐ đứng tại chỗ, sau khi kiểm lại thấy giới đức của mình thấy hoàn toàn trong sạch, thẩm nghiệm từng chi từng chi. Cảm thấy dầu bị phi nhân xỉ vả như vậy, Ngài không thấy thù ghét không thấy giận hờn. Kiểm lại nội tâm phân biệt giữa chánh và tà, thoát nhiên thọ ngộ, chứng quả A-La-Hán. Sau khi chứng ngộ với tâm hang phi nhân biết được tâm của Ngài, biết Ngài đã thành tựu đạo quả. Nhưng nếu hàng phi nhân xúc phạm vị A-La-Hán, nặng đầu bể làm bảy mảnh, nhẹ thì rơi vào ác đạo, nên vị chư thiên ma này hốt hoảng kinh hãi quỳ xuống đảnh lễ xin sám hối. Vị ấy khuyến cáo vị chư thiên ma, “Hôm nay ta đã làm xong phận sự, ta sẽ không còn ở chỗ này. Ngươi hãy an tâm sống yên vui nơi trú xứ. Vì đối với vị sa môn như ngỗng trời rời ao, với tam y quả bát, không vướng bận trú xứ nào cả.” Khi vị ấy ra đi thì đảo ngược vấn đề, vị phi nhân ưa thích hoan hỷ mong được ngài ở lại. Có gì hạnh phúc cho bằng ở gần bậc thánh và nhất là hầu hạ bậc thánh. Phi nhân thỉnh cầu Ngài ở lại. Câu chuyện trên cho chúng ta thấy chỉ vì phi nhân kia làm hại muốn đuổi Ngài đi, vô tình gợi lên cho Ngài phát triển trạch pháp giác chi. Thay vì trước đây ngài vẫn giữ cái niệm hay cái tịnh tu tập mãi, nhưng cái khả năng của Ngài là trạch pháp giác chi không có cơ hội phát triển. Nay có cơ hội phát triển, trạch pháp giác chi xuất hiện và trí năng phát huy đúng chỗ và tột độ. Chư thiên ma này giúp cho Ngài thành tựu đạo quả. Đó là kinh nghiệm bản thân chúng ta thấy trong vấn đề hành đạo không phải giống nhau. Có người chuyên về niệm giác chi, có người thuần về trạch pháp giác chi như câu chuyện ĐĐ kể trên. Là tiềm năng là trí tuệ là chủng tử của vị đó. Cái mầm giác ngộ, hột giống bồ đề của vị đó trong quá khứ. Cái gì mạnh được xem là làm trưởng. Các vị khác sẽ có những chi pháp tương tợ. Hôm nay tôi triển khai sâu về trạch pháp giác chi và đã giải thích cho quý vị vấn đề quán pháp trên các pháp về thất giác chi đối với thất giác chi và trong phần Phật ngôn Đức Phật đã dẫn cách nào là quán pháp nội phần, ngoại phần, nội và ngoại phần. Tức là quán bảy giác chi trong thân tâm của mình, quán thất giác chi có sanh khởi hay không sanh khởi của người khác là ngoại phần. Lấy pháp của người khác quán cho mình hay lấy pháp của mình quán cho người khác đó là quán nội và ngoại phần. Trong mỗi phần giác chi đó vị ấy quan sát thấy rõ những giác chi nào trước đây chưa sanh khởi nay được sanh khỏi. Những giác chi nào đã sanh khởi nay được tu tập viên thành, không cần tu tập nữa, đó là thấy sự diệt. Thấy giác chi nào chưa được sanh khởi nay được sanh khởi tu tập viên thành đó không còn tì khuyết là quán cả sanh diệt. Như vậy, vị ấy sống quán pháp trên các nội pháp; hay sống quán pháp trên các ngoại pháp; hay sống quán pháp trên các nội pháp, ngoại pháp. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên các pháp; hay sống quán tánh diệt tận trên các pháp; hay sống quán tánh sanh diệt trên các pháp. "Có những pháp ở đây", vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Với sự tu tập đúng pháp như vậy. Nếu trong suốt bảy năm được thuần thục như vậy, hoặc không cần đến bảy năm có thể sáu năm, năm năm, bốn năm, ba năm, hai năm, hay một năm cũng có thể thành tựu một trong hai quả thánh đó. Cũng có thể với một số hành giả căn duyên đầy đủ không cần phải đến một năm chỉ có thể bảy tháng hay sáu tháng hay năm tháng bốn tháng ba tháng hai tháng, một tháng có thể thành tựu một trong hai quả A-na-hàm hay A-la-hán. Đối với một số hành giả, tuệ căn đầy đủ mẫn tiệp, vị ấy có thể thành tựu đạo quả không cần nhất thiết phải đến một tháng có thể trong bảy ngày sáu ngày năm ngày bốn ngày ba ngày hai ngày một ngày có thể thành tựu một trong hai thánh quả kể trên. Cũng có những bậc đại trí ba-la-mật đầy đủ có thể đắc chứng đạo quả ngay tại chỗ ngồi, trong lúc được nghe đức Thế tôn thuyết giảng hay trong lúc phát triển thiền quán. Tuỳ theo căn lành duyên của mỗi vị, nhưng lời bảo đảm của bậc đạo sư chậm nhất cũng trong bảy năm.
Buổi giảng đến đây cũng vừa phải lẽ. Tôi xin được dứt lời ở đây. |
|