Trở về trang dieuphap.com 

Trở về trang Đề Án Trong Tháng

jpg (8936 bytes)


...... ... .

Năng lực trị liệu của giới luật


The Healing Power of the Precepts

by Thanissaro Bhikkhu / Access to Insight
Nguyễn Văn Hòa chuyển dịch

 

Ðức Phật như một vị Y Vương, điều trị các căn bệnh tinh thần của nhân loại. Con đường tu tập Đức Phật dạy như là một lớp dạy về cách điều trị cho sự khổ đau của trái tim và khối óc. Sự hiểu biết Ðức Phật và lời dạy của Ngài theo cách này đã được xác minh dựa theo các văn bản sớm nhất, nhưng cũng rất hiện hành. Thiền Phật giáo tu tập thì thường được quảng bá như là một hình thức chữa bệnh, và có khá nhiều các nhà tâm lý trị liệu hiện nay khuyên bệnh nhân của họ cố gắng thiền định coi đó là một phần của việc điều trị của họ.

Tuy nhiên, sau nhiều năm giảng dạy và thực tập thiền định như là một phương pháp trị liệu, rất nhiều người trong chúng ta đã thấy rằng chỉ thiền định không thì không đủ. Theo kinh nghiệm của riêng tôi, Tôi đã thấy rằng các thiền sinh phương Tây có xu hướng chịu ảnh hưởng nhiều hơn với một thiên kiến nhứt định nào đó và sự thiếu lòng tự trọng hơn bất kỳ người châu Á nào mà tôi đã từng dạy. Tâm lý của họ thì bị tiêm nhiễm bởi nền văn minh hiện đại đến nỗi họ thiếu cả sự uyển chuyển và bền bỉ cần thiết trước khi thực hành thiền định có thể được dùng để điều trị. Các Thiền Sư khác cũng đã lưu ý vấn đề này, và kết quả là, nhiều người trong số họ đã quyết định rằng con đường Phật giáo không đủ cung ứng cho nhu cầu đặc biệt của chúng ta. Để bổ khuyết cho sự thiếu sót này họ đã thử nghiệm với cách phụ thêm vào phần thực hành thiền, kết hợp nó với những thứ như truyền thuyết, thơ, chữa bệnh bằng tâm lý, hoạt động xã hội, tắm suối nước nóng, cầu an, và thậm chí dùng cả việc đánh trống. Tuy nhiên, trở ngại có thể không phải là khiếm khuyết một điều gì trong con đường Phật giáo, mà chỉ đơn giản là chúng ta không theo đúng con đường Phật dạy trong việc điều trị.

Đường đạo của Ðức Phật không những chỉ bao gồm chánh niệm, chánh định, và chánh tinh tấn, nhưng còn bao gồm cả đức hạnh, bắt đầu bằng năm giới. Trong thực tế, những giới luật tạo thành bước đầu tiên trong con đường đạo. Có một xu hướng ở phương Tây bác bỏ năm giới luật này giống như là luật lệ của trường đạo dạy trong ngày Chủ Nhật bó buộc theo lễ luật của văn hóa xưa không còn áp dụng đối với xã hội hiện đại của chúng ta, nhưng điều này làm mất đi vai trò mà Đức Phật dành cho họ: Năm giới luật là một phần của lớp học dạy cách trị liệu cho những tâm trí bị thương tổn. Cụ thể, những giới luật này nhằm mục đích chữa chạy cho hai loại tâm bịnh sinh ra do thiếu tự tin: hối tiếc và chối bỏ.

Khi hành vi của chúng ta không đạt được những tiêu chuẩn đạo đức căn bản, hoặc chúng ta sẽ (1) hối tiếc về các hành vi hoặc chúng ta sẽ (2) rơi vào một trong hai tình trạng chối bỏ, hoặc (a) là chối bỏ các hành vi của chúng ta đã thực sự xảy ra, hoặc (b) là từ chối rằng những tiêu chuẩn đức hạnh không có gía trị thực sự. Các phản ứng này giống như những vết thương trong tâm trí. Hối tiếc là một vết thương mở rộng, đau đớn khi chạm vào, trong khi từ chối giống như một vết sẹo khô cứng, méo mó xung quanh điểm nhạy cảm. Khi tâm trí bị thương theo những cách này, nó không thể nào lắng xuống một cách thoải mái trong hiện tại, vì nó cảm thấy nó đang nằm trên một khối thịt lở loét, hoặc những khối u hóa vôi. Ngay cả khi nó bị bó buộc phải dừng lại trong hiện tại, nó chỉ có thể dừng lại trong căng thẳng, méo mó và khiếm khuyết, và do đó, sự hiểu biết thu nhận được cũng bị méo mó và khiếm khuyết. Chỉ khi nào tâm không bị tổn thương và sứt mẻ thì lúc đó tâm mới có thể lắng xuống thoải mái và tự tại, và sẽ phát sinh ra những nhận thức sáng suốt, tinh tấn.

Đây là nơi ngũ giới dùng đến: Ngũ giới được thiết kế để chữa lành thương tích. Lòng tự trọng vững manh nảy sinh từ cuộc sống dựa trên một hệ thống tiêu chuẩn thực tế, rõ ràng, nhân đạo, và đáng được tôn trọng; năm giới luật được hình thành theo một khuôn khổ của một hệ thống tiêu chuẩn.

Thực hành: Các tiêu chuẩn của giới luật rất đơn giản --không cố ý sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, và không nghiện hút. Sống phù hợp với các tiêu chuẩn này là một việc hoàn toàn có thể làm được. Không phải luôn luôn dễ dàng hay thuận lợi, nhưng luôn luôn là có thể làm được. Tôi đã từng thấy có nhiều nỗ lực chuyển đạt các giới luật này thành tiêu chuẩn cao cả hơn hoặc quý báu hơn-- tuân giữ giới thứ hai, ví dụ, có nghĩa là không có lạm dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên--nhưng ngay cả những người quảng diễn các giới luật theo cách này cũng thừa nhận rằng không thể sống đúng được như vậy. Bất cứ ai đã từng tiếp xúc với những người bịnh tâm thần đều biết rằng thông thường chứng bịnh xảy ra vì những bịnh nhân này phải sống với các tiêu chuẩn không thể nào sống được. Nếu bạn có thể cho con người các tiêu chuẩn mà chỉ cần một ít nỗ lực và chánh niệm, thì họ có thể đạt được, niềm tự hào của họ vươn lên đáng kể khi họ phát hiện ra rằng họ thực sự có khả năng đáp ứng được các tiêu chuẩn. Sau đó họ có thể đối diện với nhiều công việc khó khăn hơn trong niềm tự tin.
Dứt khoát: Các giới luật là những công thức không chứa đựng "Nếu," "Và," hoặc "Nhưng." Điều này có nghĩa là các giới luật đưa ra hướng dẫn rất rõ ràng, không có chỗ cho du di hoặc cho những biện minh kém trung thực. Một hành động hoặc là phù hợp với các giới luật hoặc là không. Một lần nữa, các tiêu chuẩn như vậy rất rõ ràng để noi theo. Bất cứ ai đã nuôi dưỡng con cái đều nhận ra rằng, mặc dù họ có thể phàn nàn về những luật lệ khó khăn và nghiêm khắc, nhưng họ thực sự cảm thấy an toàn hơn với những luật lệ đó so với các quy tắc mơ hồ và luôn luôn cho phép xin xỏ. Quy luật rõ ràng không chấp nhận những lịch trình ngầm (không tuyên bố) lén len vào tâm. Ví dụ, nếu giới luật cấm sát sinh cho phép bạn giết chúng sinh khi sự hiện diện của họ gây ra trở ngại, điều này sẽ đặt sự thuận tiện của bạn lên trên đức hiếu sinh của bạn. Thuận tiện sẽ trở thành tiêu chuẩn ngầm của bạn -- và như chúng ta đã biết, tiêu chuẩn ngầm tạo ra địa bàn rộng lớn thuận lợi cho sự nảy sinh của đạo đức giả và làm ngưng trệ sự thăng tiến. Tuy nhiên, nếu bạn giữ đúng tiêu chuẩn của giới luật, như Đức Phật nói, tức là bạn đang cung cấp sư an toàn không giới hạn cho cuộc sống của mọi chúng sinh. Không có điều kiện nào mà bạn có thể mang đi cuộc sống của bất cứ chúng sinh nào, cho dù chúng sinh đó có tạo ra bất cứ thứ khó khăn nào. Trong điều khoản của các giới luật khác, bạn cung cấp sự an toàn không giới hạn cho tài sản và cho sự tinh khiết, cho tính trung thực và chánh niệm của bạn trong việc giao tiếp với họ. Khi bạn thấy rằng bạn có thể tin tưởng mình trong các vấn đề như thế này, bạn đã đạt được một tinh thần tự trọng lành mạnh không thể chối cãi.

Nhân đạo: Các giới luật có tính cách nhân đạo cho cả người giữ giới và cho cả những người phạm giới. Nếu bạn giữ các giới luật, bạn tự đặt mình vào những giáo lý của nghiệp, giáo lý này dạy rằng những năng lực quan trọng nhất tạo nên bản thể của bạn trên thế giới này là sự suy nghĩ có chủ tâm, chánh ngữ ( lời nói), và chánh nghiệp (hành động) mà bạn chọn trong giây phút hiện tại. Điều này có nghĩa rằng bạn không phải là không đáng kể. Mỗi khi bạn có một sự lựa chọn--tại nhà, tại sở làm, tại nơi giải trí—đó là bạn đang thực hiện quyền của bạn trong tiến trình trên thế giới. Đồng thời, nguyên tắc này cho phép bạn đo lường chính mình trong điều kiện hoàn toàn tự chủ: những hành vi chủ tâm của bạn trong hiện tại. Nói cách khác, giới luật không buộc bạn phải đo lường chính mình dựa vào bề ngoài, sức mạnh, trí óc, năng lực tài chính, hoặc bất kỳ các tiêu chuẩn khác mà phụ thuộc ít hơn về nghiệp trong hiện tại so với nghiệp từ quá khứ của bạn. Đồng thời, giới luật không vin vào cảm giác tội lỗi hay buộc bạn phải ân hận về quá khứ lầm lẫn của bạn. Thay vào đó, giới luật tập trung sự chú ý của bạn về sự khả hữu sống đúng theo tiêu chuẩn của bạn ở đây và bây giờ. Nếu bạn đang sống chung với những người giữ các giới luật, bạn thấy rằng các giao dịch của bạn với họ không phải là nguyên nhân để tin tưởng hay sợ hãi. Họ coi ước muốn hạnh phúc của bạn cũng giống như ước muốn của họ. Giá trị của họ về các cá nhân không tùy thuộc vào tình huống mà phải có người thắng và kẻ thua. Khi họ nói về phát triển lòng nhân ái và chánh niệm trong thiền định của họ, bạn thấy nó phản ánh trong hành động của họ. Bằng cách này, các giới luật không những chỉ lành mạnh hóa cá nhân, mà còn làm cho xã hội lành mạnh nữa - một xã hội mà trong đó lòng tự trọng và sự tôn kính lẫn nhau không đối chọi nhau.

Xứng đáng với sự tôn trọng: Khi bạn áp dụng một hệ thống tiêu chuẩn, điều quan trọng là phải biết tiêu chuẩn đó do ai đặt ra và phải thấy tiêu chuẩn đó đến từ nơi nào, để cho có hiệu lực bạn đang tham gia nhóm tiêu chuẩn của họ, mong muốn sự chấp thuận của họ, và chấp nhận các tiêu chỉ đúng và sai của họ. Trong trường hợp này, bạn không thể tìm ra một tổ chức tốt hơn là: Ðức Phật và các vị Thánh Đệ Tử của Ngài. Năm giới luật của Phật giáo được gọi là "tiêu chuẩn được những Thánh Tăng làm sáng tỏ." Từ các văn bản cho chúng ta biết về những Thánh Tăng, họ không phải là những người chỉ đơn giản chấp nhận các tiêu chuẩn trên cơ sở phổ biến. Họ đã đem trọn vẹn cuộc sống của họ để tìm ra những gì dẫn đến hạnh phúc thật sự, và đã thấy được , ví dụ, rằng mọi dối trá đều là bệnh trạng, và rằng bất kỳ cuộc tình ái nào bên ngoài mối quan hệ vợ chồng đều là bất an. Những người khác có thể không tôn trọng bạn khi bạn sống theo cuộc sống của năm giới luật, nhưng các vị Thánh Tăng tôn trọng, và sự tôn trọng của các vị Thánh Tăng có giá trị nhiều hơn của bất cứ ai khác trên thế giới.

Hiện nay, nhiều người cảm thấy thiếu thoải mái khi tham gia một nhóm trừu tượng như vậy, đặc biệt là khi họ chưa từng tiếp xúc với bất kỳ cao tăng nào. Thật ra thì khó có thể có hảo cảm và hào phóng khi xã hội trực tiếp xung quanh bạn cười nhạo công khai đối với những phẩm chất và giá trị chẳng hạn như không tà dâm, không sát sinh. Ở những nơi này các cộng đồng Phật giáo có thể tìm đến. Thật là rất hữu ích nếu các nhóm Phật giáo sẽ công khai tách rời các chủ trương kém đạo đức hiện hành trong nền văn hóa của chúng ta và để mọi người hoan hỉ biết đến rằng cộng đồng Phật giáo coi trọng giá trị chân tình và luôn luôn kềm lòng trong việc cư xử giữa các thành viên với nhau. Bằng cách đó, họ sẽ tạo ra một môi trường lành mạnh để chấp nhận quy mô toàn bộ khóa học điều dưỡng của Đức Phật: các phép thực hành về tập trung và phân biệt trong một cuộc sống với hành xử theo đạo đức. Nơi nào mà chúng ta có môi trường như vậy, chúng ta thấy rằng thiền không cần phải có những nhu cầu về thần thoại hay giả tưởng để hỗ trợ, bởi vì nó được dựa trên thực tế của một cuộc sống đầy ý nghĩa. Bạn có thể nhìn vào các tiêu chuẩn mà bạn sống, và hít thở thoải mái -- không phải như một bông hoa hoặc một ngọn núi, nhưng là một con người bình thường với đầy đủ trách nhiệm. Vì đó là những gì bạn đang có. .

 

Trình bày: Minh Hạnh và Nguyễn Văn Hòa

Trở về Trang Đề Án Trong Tháng 11

Đầu trang