Trở về trang dieuphap.com 

Trở về trang Đề Án Trong Tháng

jpg (8936 bytes)


...... ... .

Hạnh Phúc và Khổ Đau

TT Giác Đảng giảng

Minh Hạnh chuyển biên

 

Hôm nay là lớp Phật Pháp Phổ Thông và đề tài này không hiểu tình cờ hay ý gì đó lại có phần trùng hợp với đề tài của lớp Luật Nghi Cư Sĩ tuần rồi. Tuy nhiên đối với Phật Pháp thì có những điều chúng ta đã nghe một lần, rồi chúng ta nghe trở lại một lần nữa, rồi một lần nữa cũng rất tốt, bởi vì không phải một hai lần suy nghĩ là chúng ta có khả năng thấu đáo tường tận hết tất cả những gì Đức Phật dạy.

Điểm đầu tiên khi đề cập đến nội dung bài học, chúng tôi muốn nói lên ở đây một suy nghĩ : Người Phật tử nhất là ở Việt Nam thường vẽ một hàng rào giữa đạo và đời. Có những vấn đề thuần túy đạo, có những vấn đề rất đời mà chúng ta không bàn đến. Và khi đem những điều đó vào trong cuộc sống thì chúng ta một lần nữa lại chia cách hai quan điểm: Một là đời sống rất tu hành, hai là cuộc sống hoàn toàn ở bên kia thuộc về thế gian thế tục. Thông điệp Đức Phật gửi cho chúng ta trong Phật Ngôn này là: Cho dù ngay cả trong cuộc sống rất là thế tục, ngay cả trong bối cảnh gia đình, ngay cả ở trong sinh kế, thì có những nguyên tắc rất đạo trong đó. Và nguyên tắc đó nếu được tôn trọng, nếu được thực hành thì vẫn mang lại lợi ích lớn. Nói một cách khác là đạo lý của cuộc sống bàn bạc ở trong khắp nơi, ở trong giờ phút chúng ta ngồi xuống để tĩnh tâm tu tập, và ở trong giờ phút lái xe trên đường đi đến sở làm, ở trong những quan hệ với những người thân của mình và ở ngay chính việc quản trị tiền bạc.

Đạo của Đức Phật rất rộng, bởi vì phát xuất từ đại bi tâm của Đức Phật. Đại bi tâm đó là sự thương xót chúng sanh đau khổ, những đau khổ của cuộc đời do làm những điều sai lầm. Ví dụ như cũng làm việc đó, nếu người khéo làm thì an lạc, người không khéo làm thì đau khổ. Và với những người đau khổ vì không khéo làm Đức Phật dành cho họ lời dạy "Làm sao để bớt đi cái đau khổ trong đó". Đó là đại bi tâm của Đức Phật. Đức Phật Ngài không đưa ra một chủ nghĩa, và Ngài kỳ vọng rằng mọi người sẽ theo chủ nghĩa đó. Trái lại Đức Phật Ngài nhìn cuộc đời bằng ánh mắt đại bi là chúng sinh bởi vì không khéo, bởi vì sự vụng về, bởi vì thiếu thiện xảo ở trong chính cuộc sống của mình nên mình tạo ra bao nhiêu phiền lụy, thì cái gì mà Ngài dạy được cho cuộc đời, Đức Thế Tôn đã ban bố những điều đó dù ở bối cảnh xuất gia hay bối cảnh người tại gia.

Ngay cả trong Tạng Luật những gì Đức Phật dạy cho các vị Tăng sĩ, chúng ta có thể cảm nhận lòng đại bi vô lượng của Đức Phật khi Ngài nghĩ đến những gì liên quan đến vệ sinh, liên quan đến sức khỏe, liên quan đến cuộc sống. Căn bản mà nói thì nếu chúng ta cần phải làm một việc gì đó trong cuộc đời này mà không thể không làm được thì cứ làm. Nhưng nếu chúng ta làm thiện xảo, làm khéo thì chúng ta an lạc, còn nếu chúng ta làm không khéo thì chúng ta không an lạc. Trong kinh Thi Ca La Việt, Đức Phật đã cho những lời dạy rất ân cần về một người sống tại gia cư sĩ, cái hoạ nào nên tránh. Ví dụ như việc đi chơi một cách phi thời, đêm hôm khuya khoắt đi đến nơi không đáng đi tạo ra những tai hại như thế nào. Một người cư sĩ tham đắm bài bạc thì tạo ra tai hại như thế nào. Đức Phật cũng dạy quan hệ giữa anh em, giữa cha mẹ con cái, quan hệ giữa vợ chồng, quan hệ giữa bè bạn, quan hệ giữa chủ tớ, quan hệ giữa samôn với cư sĩ chẳng hạn. Những quan hệ này rất đời rất thế gian, mới xem ra thì nó không liên quan gì đến đạo giải thoát. Nhưng mà rồi Đức Phật vẫn soi sáng và cho thấy rằng trong cảnh giới đó, ở trong mảnh đời đó, nếu một người sống có ý thức, và sống một cách hợp tình hợp lý hợp đạo thì vẫn mang lại cái Đức Phật gọi là thiện hạnh, gọi là phúc lạc, mặc dù phúc lạc đó là phúc lạc linh thiêng. Thì như vậy thưa qúi vị đôi lúc cách phê phán của chúng ta là cách phê phán để bảo vệ một chủ nghĩa, một tôn giáo. Nhưng trong lời dạy của Đức Phật thì Ngài dạy bằng đại bi tâm là những điều mang lại hạnh phúc gì cho thế gian này.

Ở đây là một ở trong số nhiều bài kinh mà Đức Phật đặc biệt đề cập đến khía cạnh kinh tế, tức là khía cạnh tài chánh sinh kế của một người sống trong xã hội. Có lẽ một vài vị Phật tử bảo thủ sẽ nghĩ rằng đạo của Phật Giáo là đạo bần hàn của thâm hạnh của nghèo nàn - Nó không hẳn như vậy. - Khi Phật còn tại thế có những đệ tử là những vị trưởng giả giàu có, thậm chí có những vị vua, chưa có vị nào đến với Đức Phật mà Đức Phật Ngài dạy rằng các con phải sống cuộc sống cư sĩ một cách nghèo khổ - không có - Nhưng Đức Phật Ngài dạy rằng cách làm giàu cũng có cách lương thiện và có cách không lương thiện. Làm vua thì có cách làm vua gọi là hôn quân vô đạo, thì cũng có cách làm vua làm một vị minh quân một vị minh vương trị nước. Và hầu như những lời dạy của Đức Phật rất thiết thực, Ngài không đưa ra một chủ trương để làm xáo trộn, mà trái lại Ngài cho những gợi ý và những gợi ý này giúp cho những người ở trong cuộc tìm thấy ánh sáng, tìm thấy một nơi nương tựa, tìm thấy một cương lãnh hành động cho chính bản thân của mình.

Trong đoạn kinh này một lần nữa Đức Phật Ngài dạy cho một người cư sĩ thấy được ánh sáng rất rõ ràng, là cuộc sống có thể được cải thiện và cuộc sống có thể được an lạc. Chúng tôi lấy ví dụ là thái độ tri túc, con người thì lựa chọn một trong hai quan điểm làm việc: Hoặc giả mình cắm cổ làm giàu, làm giàu bao nhiêu cũng không làm mình thoải mãn. Dĩ nhiên, một số người cho rằng nếu hôm nay mua một vé số mà trúng được vài chục triệu đồng thì mình sẽ không mong mỏi gì hơn nữa, thậm chí chúng tôi biết rằng có một vài vị sẽ nói rằng chỉ cần 4, 5 triệu đồng ở trong số tài sản mình có được thì mình sẽ không mong mỏi nhiều hơn nữa. Có lẽ qúi vị ở đây cũng thấy, nhưng chúng tôi biết ở Hoa Kỳ có những cặp vợ chồng, những gia đình mà tài sản của họ có thể lên tới 5 ba mươi triệu nhưng họ vẫn tiếp tục khổ sở, vẫn vất vả công việc làm, và cái giàu của một người có 5 ba chục triệu ở tại Hoa Kỳ thật sự nó không đáng bao nhiêu. Nói ra thì mình giàu bao nhiêu là đủ, xin thưa rằng vấn đề không phải giàu bao nhiêu là đủ, mà vấn đề là mình có hoan hỷ với cái gì mà mình có hay không. Đức Phật dùng chữ gọi là tri túc.

Đúng ra chữ tri túc là chữ dịch của người Trung Hoa và chữ đó chúng tôi nghĩ rằng có một chút hạn chế, không dịch xác với chữ của đạo Phật. Tại vì khi mình nói; mình biết là đủ, thì làm sao biết là đủ. Ví dụ như, tuy qúi vị có năm ba triệu nhưng qúi vị cũng có nhiều công việc làm, trong tiếng Phạn nguyên cái nghĩa trong kinh điển của đạo Phật là biết vui với cái gì mình có. Chúng tôi nói như vậy không phải là cưỡng cầu, như bây giờ một người biết là đủ, thì chúng tôi nghĩ chuyện đó không hợp cách để dịch trong chữ Phạn. Biết vui với cái gì mình có, có nghĩa là ở trong bất cứ hoàn cảnh nào với một người mà họ luôn cảm thấy thiếu thốn, cảm thấy bất mãn, cảm thấy không hài lòng với những gì mình có. Thì thưa qúi vị con người đó luôn luôn có vấn đề, cho dù cái gì đi nữa họ cũng có vấn đề. Nói một cách khác đúng ra tinh thần của Đạo Phật là làm sao mà con người không có nạn gọi là được voi thì đòi tiên, bởi vì cái tật của con người là hễ được cái này rồi thì thấy nó rất tầm thường lại nghĩ tới cái khác. Có bao nhiêu thứ trong cuộc đời chúng ta mà chúng ta có được, trước kia thì mình mong mỏi, trước kia thì mình tha thiết, trước kia thì mình mong cầu, nhưng khi mình có được rồi thì hờ hững xem thường, thậm chí cho đến khi mình mất nó, thì mình mới thấy rằng; "À, nó có một giá trị nếu ở trong đời sống của mình." Thì thái độ đó có vấn đề. Vấn đề tại đây là người đó không bao giờ có thể hưởng được niềm vui gì đối với những gì ở trong tầm tay của họ. Tinh thần tri túc thật ra đó là tinh thần của người Trung Hoa. Trong quan niệm của Đạo Phật ở đây là đừng bao giờ sống mà đứng núi này trông núi nọ, đừng bao giờ sống theo nạn là được voi đòi tiên. Để rồi cuối cùng suốt cuộc đời của chúng ta là chuỗi dài của những ngày không toại nguyện, là những ngày nuốt tiếc này chúng ta không bao giờ cảm thấy vui với những gì mình có, để không cho phép mình có một phút giây nào đó được mãn nguyện được hài lòng với những gì mình có.

Biết vui với những gì mình có là một nghệ thuật sống. Ở đây Đức Phật không nói đến giáo điều, mà Ngài nói đến nghệ thuật sống. Hay hoặc giả ở trong bài học này Đức Phật cũng đặc biệt nói đến một cái khéo léo ở trong nghề nghiệp của mình. Chúng ta thấy rằng không phải nói đến đạo, nghĩa là cái gì thuộc về trần gian này đều không đáng quan tâm. Nếu chúng ta nói về kinh tế, nói về cuộc sống thì qủa là nhất nghệ tinh nhất thân vinh. Một quốc gia có nền kỹ thuật cao, có nhiều trường đại học, có nhiều cơ sở để đào tạo nhân tài, thì quốc gia đó có triển vọng lớn về kinh tế. Chuyện đó là chuyện dĩ nhiên. Chúng tôi nhớ hồi còn nhỏ sống ở Việt Nam ít bao giờ chúng tôi nghĩ các cơ sở giáo dục là cực kỳ quan trọng, mình cứ nghĩ rằng một quốc gia giàu có là quốc gia có nhiều tài nguyên thiên nhiên, đó là phải có một chủ nghĩa mà thật sự đáp ứng được chủ nghĩa cao siêu v.v... và v.v.... Sau này sống ở xứ lạ quê người, chuyện rất đơn giản là tại Hoa kỳ có nhiều thành phố, nhưng thành phố nào tương đối phát triển thì ở đó phải có đủ cơ sở giáo dục. Nói thẳng ra là những trường đại học, những học viện có khả năng đào tạo nhân sự đối với khả năng để đáp ứng cho nhu cầu kỹ thuật của thành phố đó. Chúng ta nói đến Silicon Valley ở miền BắcCalifornia chẳng hạn. Bây giờ thì có thể nói khắp nơi trên đất nước Hoa Kỳ, như thành phố Houston nơi chúng tôi ở tương đối phát triển, đó là tại Hoa Kỳ có mặt của các trường đại học. Còn như các cơ sở đào tạo nhân tài , cái trí óc cũng như khả năng không đủ thì lấy đâu mà kinh tế phát triển. Qúi vị hỏi đất nước Việt Nam tại sao tiếp tục lạc hậu, vì hệ thống giáo dục của chúng ta tồi tệ lôi thôi quá. Cách của chúng ta học không đạt được yêu cầu vừa tốn kém thì giờ, vừa hao mòn tuổi trẻ, mà trong lúc đó thì quả thật là trường học không phải ưu tiên ở trong xã hội. Có một vị về Việt Nam, rồi than phiền với chúng tôi rằng ở Việt Nam ngày nay nhà cửa phố xá quán ăn thì phát triển rất nhiều, nhưng có hai thứ càng ngày càng thu hẹp đó là bịnh viện và trường học. Trường học đã xây mấy chục năm rồi bây giờ khuôn viên vẫn vậy không lớn ra được thì đó là dấu hiệu cho thấy chúng ta đi xuống.

Chúng tôi sang thăm viếng một vài nơi, nhất là sống tại Hoa Kỳ, thấy tại trường học những môn học chính rất quan trọng tại xứ này. Điều này một lần nữa là một ví dụ minh chứng cho sự việc Đức Phật dạy rằng một người cư sĩ sống trong cuộc đời này, nếu khả dĩ có đời sống an lạc thì tay nghề phải khéo. Việc này đơn giản lắm, nếu là việc mình muốn được khá thì mình phải được đào tạo. Ngay cả trong đạo Phật của chúng ta cũng có một vấn đề là chúng ta không được đào tạo. Vừa rồi chúng tôi sang Nhật Bản có dịp nói chuyện với một vài vị ở bên đó, được biết ở Nhật Bản và một vài quốc gia Âu Châu như Thụy Sĩ chẳng hạn, nghề nào cũng có người đào tạo hết. Thậm chí ở trong một ngôi chùa mà nghề quét dọn chùa chiền họ cũng phải qua một thời kỳ huấn luyện, thậm chí nghề đứng ở lò bánh cũng được huấn luyện. Ở trong rơom này có vài Phật tử sống ở Thụy Sĩ thì qúi vị cũng biết rằng ở Thụy Sĩ người đứng bán bánh cũng phải có bằng cấp và có thời kỳ huấn luyện rõ ràng để có được tay nghề. Thì ngay cả cái khéo ở trong đời sống của mình nó phải được đào tạo. Nếu cuộc đời không đào tạo mình thì bản thân mình phải biết tự đào tạo mình. Điều đó Đức Phật Ngài nhắc rất rõ ràng không có tay nghề vững thì sinh thái của mình không được ổn định, và sinh thái của mình không được tốt thì không cách chi đời sống mình được an lạc. Điều đó chúng ta thấy một hình ảnh rất thực tế của Đức Phật khi Ngài đề cập đến sự tồn tại trong cuộc đời này.

Những yếu tố đó lại cộng với những yếu tố khác mà Đức Phật gọi là thiện pháp như chúng ta nghe nói đến hai điều cũng trong bài học ngày hôm nay. Hai điều khác nhau. Nghề nghiệp mà Đức Phật gọi là chánh mạng tức là sanh kế phải lương thiện, và trong cuộc sống thì mình có quyền giao tiếp với nhiều người. Nhưng người mà mình thật sự thân cận thì nên là bạn lành, nên là thiện hữu. Những lời dạy đó ân cần giống như ông cha dạy đứa con. Chúng ta đi vào trong cuộc đời này đôi lúc chúng ta quá quan trọng yếu tố là làm sao ra tiền, làm ra tiền cách nào cũng được, nhưng đồng tiền không đến từ bàn tay lương thiện của mình thì nó khó tồn tại lâu dài, tại vì nó vốn từ đồng tiền nỗ lực không lương thiện của mình, hoặc là đi ngược lại luật vua phép nước, hoặc giả là nó đi ngược lại với thiện nghiệp của mình với thiện tâm của mình, thì nó là nguyên nhân thối đoạ, và nếu trong cuộc sống hàng ngày mà một người cư sĩ không lập nguyện là sẽ thân cận với bạn lành thì điều đó là một điều hết sức tai hại.

Nói về điểm này thì chúng tôi cũng phải nói thêm một điểm khác về hiện tượng của chùa chiền ngày hôm nay. Chúng tôi nhớ năm 1980 khi chúng tôi sang Hoa Kỳ, lúc bấy giờ chúng tôi sống tại chùa Pháp Vân, hai năm 1980 và 1981 đến gần năm 1982, có thời gian chúng tôi sống với Sư Cụ Hộ Pháp. Sư Cụ Hộ Pháp là một vị bỏ ra rất nhiều thì giờ để hướng dẫn thiền quán. Sư cụ đặc biệt là một người hết sức chân chất. Nếu trong cuộc đời này một người sống bằng tâm dạ hiền lành chân thành như thế nào thì chúng tôi nghĩ rằng hình ảnh của Sư Cụ Hộ Pháp là một hình ảnh mà không có thể ai phủ nhận được rằng đó là một người sống rất hiền rất thiện. Thì trước khi Sư Cụ xuất gia, Sư Cụ là một cư sĩ lão thành ở trong tầng lớp cư sĩ mang Phật Giáo Nguyên Thủy phổ biến theo chân của các Ngài, nghĩa là những cư sĩ tiên phong phát triển Phật Giáo Nam Tông ở Việt Nam. Chúng tôi rất thích ngồi nói chuyện với Sư Cụ, nói chuyện để Sư Cụ kể cho nghe hồi xưa làm đốc học ở trường Petrus Ký như thế nào, hồi xưa cùng với các vị cư sĩ như Bác....ông Hiểu làm việc như thế nào. Ngày hôm qua khi chúng tôi nói chuyện với qúi vị thì chúng tôi đang có mặt tại chùa Pháp Vân, thành phố Pomona, California. Nơi này là nơi mà chúng tôi đã từng sống với Sư Cụ. Thì Sư Cụ có nói rằng thời mà Sư Cụ đến chùa ban đầu còn là cư sĩ , người ta qúi trọng nhau ở trong quan hệ thiện hữu tri thức. Thiện hữu tri thức ở đây tức là những bạn lành. Thí dụ bây giờ đi chùa thấy rằng người ta thích chùa đó có Tượng Phật cao chùa lớn, hay chùa đó có nhà Sư mình thích hay không thích, mình có duyên hay không có duyên, hay công việc đó mình làm không được thì đi về thôi. Nhưng Sư Cụ nói thời Sư Cụ đi chùa lúc các Ngài ở Việt Nam thì vào chùa ngoài chuyện thờ cúng Phật, ngoài chuyện cúng dường Chư Tăng, thì những người cư sĩ có quan hệ rất tốt đẹp với nhau. Ví dụ như vị nào ưa chuộng về vấn đề hoằng pháp phiên dịch. Như Sư Cụ nói một ví dụ là thời đó Pháp Sư Thông Kham là một vị pháp sư nổi tiếng. Mỗi lần pháp sư thuyết pháp thì Sư Cụ thâu băng lại rồi ghi chép lại rồi quay video phát hành ra, Sư Cụ là một trong những cư sĩ đóng góp làm việc đó, nhưng không làm một việc mà nhiều người cùng làm và làm nhiều việc, làm với nhau trong ánh mắt tương thân tương ái tương kính. Và Sư Cụ nói không khí đó không còn nhiều trong thời đại ngày hôm nay nữa. Chúng tôi nghe Sư Cụ nói chúng tôi cảm được ngay rằng cái gọi là bạn lành ở trong đạo Phật chính là chỗ đó. Ví dụ như một người cư sĩ đến chùa ưa học Phật pháp thì chúng ta tìm tới nhau chúng ta qúi mến lẫn nhau. Do đó khi rơom Diệu Pháp này được thành lập thì một trong những nguyện vọng mà chúng tôi muốn làm là chúng tôi muốn tạo ra một không khí, một diễn đàn mà khả dĩ ở trong đó có những người Phật tử vì mến đạo đến với nhau, và thân thiết với nhau chỉ thuần ở trong quan niệm Phật sự làm chuyện đạo. Đó là kẻ sống ở chân trời, kẻ sống ở góc biển, cuộc sống của mỗi người khác, họ đến với nhau và cùng nhau chia sẻ chuyện đạo. Mỗi lần nhắc tới Sư Cụ thì chúng tôi lại nhớ đến những điều mà Sư Cụ nói không khí của một thuở nào đó. Thì thưa qúi vị điều đó rất là quan trọng. Quan trọng cho đời sống của chúng ta, "Ăn cơm có canh tu hành có bạn" việc đó chúng ta không phủ nhận được.

Bài học hôm nay Ngài Dhammananda, một lần nữa Ngài lại nhắc đến những Phật ngôn được trích nhiều đoạn khác nhau. Có những Phật ngôn Đức Phật dạy cho Singàlaka (Thi-ca-la-việt) thế nào là đời sống cư sĩ hạnh phúc, và câu Phật ngôn Đức Phật dạy cho ông Cấp Cô Độc thì ân cần nhắc nhở thêm về đức của một người tu tập. Cái đức đó là làm sao mình là một người tạo ra được tài sản lương thiện, mình hưởng thụ tài sản một cách lương thiện, sống không có bạo lực, và sống đời sống không tội vạ. Những điều này đã được giảng trong "Giới luật nghi cư sĩ" chúng tôi không đào sâu vào thêm.

Tuy vậy một điểm sau cùng chúng ta phải nhắc đến tại đây qua những bài học này, Đức Phật Ngài đặc biệt nói cho chúng ta một sự việc về tính chất của đất. Chúng ta thấy đôi khi đất là bùn dơ chất xám, nhưng từ đất người ta có thể trồng lên những thứ cây, những cây lành cũng từ đó, hoa thơm cũng từ đó, trái ngọt cũng từ đó. Và ngay ở trong cuộc đời này một người biết gieo trồng thì tự cuộc sống cũng thăng hoa, cũng tạo nên nhiều cây lành trái ngọt đơm hoa kết trái, chứ nó không phải là cái gì mà chúng ta nói rằng "À! đất đó là bùn dơ nó không đáng." TT Huyền Việt là một vị pháp hữu chúng tôi ở gần, TT có một cái khéo là rất giỏi về trồng sen, trồng các cây kiểng cảnh. Thú thật với qúi vị Phật tử khi chúng tôi xuống chùa Bửu Môn nhìn thấy những mảnh vườn mênh mông, chúng tôi không giỏi về làm vườn và thật sự cũng không có tay trồng cây, nhìn thấy đất đai bùn sình thì thấy mệt lắm. Nhưng chỉ với bàn tay vun xới của TT, điều này nếu đến qúy vị thấy thì TT rất là bận, bận làm việc Phật sự nhưng mà rồi vài tuần lễ nữa khi mùa Phật Đản vừa qua, tức là bắt đầu bước qua tháng Năm âm lịch thì chúng ta thấy cả một vườn rộn nở bao nhiêu là các thứ sen sún, bao nhiêu là cây kiểng cùng với vườn trúc và vườn cây ăn trái rất là tươm tất. Chúng tôi nghĩ rằng đối với chúng ta những việc đó rất là tầm thường, trồng cây để có hoa có nụ thì có chuyện gì đâu mà đáng nói, nhưng đối với chúng tôi nghĩ rằng nó là sự màu nhiệm của cuộc sống. Khi mà từ ở trong mặt đất này, đất bùn vốn là đen đúa dơ bẩn, vốn là cái gì chúng ta không thích thọc tay vào. Thế nhưng với một người khéo trồng, khéo vun sới, khéo tài bồi thì cũng tạo ra bao nhiêu cái đẹp, cái ngon ngọt, cái hay của cuộc sống. Thì đối với Đức Phật, trần gian này vốn là cõi tạm và hơn thế nữa nó đầy phiền khổ, phiền lụy, nhưng không có nghĩa vì vậy mà Đức Phật Ngài nói rằng ở trong những thứ đó chúng ta không có một cách để vun sới gieo trồng được những điều gọi là thiện, những điều gọi là đẹp, những điều gọi là quả lành, quả an lạc vẫn có. Và cái nhìn đó là một cái nhìn chẳng những về thực tế mà là về lợi lạc cho tất cả chúng sinh ở trong cuộc đời này.

Mỗi lần lật lại những trang kinh đọc lại những lời Đức Phật dạy cho nhiều hoàn cảnh khác nhau, thì chúng tôi phải thưa với qúi Phật tử rằng cái nhìn của chúng ta ngày hôm nay, chúng ta là người học đạo mà có những tranh luận không cần thiết, có những điều chúng ta quan niệm là nó phải như thế này, không phải thế kia. Đa phần là do thiện cận hẹp hòi. Khi chúng ta đọc vào kinh sách tìm thấy lời dạy của Đức Phật thì đúng như Ngài Dhammananda nói: Đạo Phật có cơm cho người lớn có sữa cho trẻ em. Đức Phật Ngài có những lời dạy rất lợi lạc dành cho mỗi tầng lớp, dành cho mỗi bối cảnh chứ không phải chỉ riêng một người nào, và chúng ta may mắn là một người Phật tử, may mắn là con của Đức Phật để có thể thừa hưởng cái lợi lạc đó nếu chúng ta biết mở rộng mắt ra để mà nhìn, nếu chúng ta biết lắng tâm tư để mà cảm nhận và dĩ nhiên nếu điều đó được khả dĩ ứng dụng phần nào trong đời sống thì tự nó cũng đã quá nhiều lợi lạc rồi ./.

 

Trình bày: Minh Hạnh và Nguyễn Văn Hòa

Trở về Trang Đề Án Trong Tháng 11

Đầu trang