Trở về trang dieuphap.com 

Trở về trang Đề Án Trong Tháng

jpg (8936 bytes)


...... ... .

Con Đường Diệt Khổ
(The Noble Eightfold Path - The Way to the End of Suffering)

Chánh Kiến (Samma Ditthi)

Bhikkhu Bodhi
Minh Hạnh & Nguyễn Văn Hoà, Việt dịch

 

Tám yếu tố của Bát Chánh Đạo thì không phải là những yếu tố được sắp xếp theo thứ tự nhất định, yếu tố này theo sau yếu tố kia. Những yếu tố này có thể được diễn tả thích hợp hơn đó là những yếu tố chớ không phải là những tiến trình, cũng giống sợi giây cáp được quấn bằng nhiều sợi dây sắt nhỏ, cần phải có sự góp sức của mọi sợi dây sắt nhỏ thì sợi dây cáp mới đạt được độ bền cực điểm. Qua một mức độ tiến triển tất cả tám yếu tố có thể biểu thị cùng một lúc, yếu tố này hổ trợ cho yếu tố kia. Tuy nhiên, cho đến khi mà điểm đó đạt được, cũng có những lúc có những điều trắc trở trên con đường tu tập mà không thể tránh được. Trên quan điểm của việc rèn luyện thiết thực, tám yếu tố chia làm ba nhóm:

(i) Nhóm giới đức (silakkhandha), được tạo thành bởi chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng.

(ii) nhóm tâm định (samadhikkhandha), được tạo thành bởi chánh tin tấn, chánh niệm và chánh định.

và (iii) nhóm trí tuệ (paññakkhandha), được tạo thành bởi chánh tri kiến và chánh tư duy.

Ba nhóm này tiêu biểu cho ba giai tầng của sự rèn luyện: rèn luyện nâng cao giới đức, rèn luyện nâng cao tâm định, rèn luyện nâng cao trí tuệ.

Tiến trình của ba giai tầng tu luyện được xác định qua mục tiêu và đường hướng chung của Bát Chánh Đạo. Vì mục tiêu cuối cùng mà chánh đạo dẫn đến, là giải thoát khỏi sự khổ đau, mục tiêu này tùy thuộc tuyệt đối vào sự trừ tiệt vô minh, trọng điểm của chánh đạo là phải rèn luyện trực tiếp chống lại sự vô minh. Đây là sự rèn luyện trí tuệ, được tạo ra để thức tỉnh tính năng của sự hiểu biết sâu sắc để nhìn sự vật "như chúng thật sự là." Trí tuệ phát triển từng chút một, nhưng ngay cả những tia sáng yếu ớt loé lên trong đầu cũng được coi là căn bản tâm thức của trí tuệ mà tâm thức này đã được tập trung, đã được gột bỏ lo âu và phiền não. Sự tập trung thì đạt được xuyên qua sự rèn luyện nâng cao tâm định, phần thứ hai của Bát Chánh Đạo, việc này mang lại thanh thản và tự chủ cần thiết để trí tuệ phát triển. Nhưng để tâm được hợp nhất trong sự tập trung, một sự kiểm soát phải được đặt lên những hành uẩn mà những hành uẩn này thường hay chế ngự những hành động của tâm, bởi vì những hành uẩn này phân tán sự chú tâm và làm tan biến sự chú tâm này trong nhiều nỗi ưu tư. Những hành uẩn bất thiện vẫn tiếp tục ngự trị mãi khi mà chúng vẫn được phép lấn lướt phô trương qua hành vi và qua ngôn từ. Cho nên, mỗi khi bắt đầu sự tu luyện, điều cần thiết là kềm chế những thói xấu của hành vi, để ngăn ngừa những hành vi này trở thành khí cụ của điều bất thiện. Nhiệm vụ này thì hoàn thành bởi nhóm thứ nhất của Bát Chánh Đạo, đó là sự rèn luyện nâng cao giới đức. Thật vậy Bát Chánh Đạo biến chuyển qua ba giai tầng, với giới đức là nền móng cho giới định, giới định là nền móng cho trí tuệ, và trí tuệ là phương tiện trực tiếp để đi đến sự giải thoát.

Sự lúng túng đôi khi phát sinh từ sự bất nhất trong việc sắp đặt của các yếu tố Bát Chánh Đạo và Tam Vô Lậu Học (Ba phần học của hàng vô lậu: giới, định, tuệ)*. Trí tuệ -- bao gồm chánh kiến và chánh tư duy-- là nhóm cuối cùng nằm trong tam vô lậu học, nhưng các yếu tố của nó lại được đặt ở phần đầu của Bát Chánh Đạo thay vì đặt ở phần chót như lối suy nghĩ thông thường dựa theo tiêu chuẩn đồng nhất tuyệt đối. Tuy vậy, thứ tự của những yếu tố Bát Chánh Đạo, không phải là kết quả của sự sơ suất bất cẩn, nhưng thứ tự này đã được minh định rõ qua sự cân nhắc hợp lý quan trọng, chẳng hạn như trong một việc sơ khởi nào đó, chánh kiến và chánh tư duy đều cần phải hiện hữu từ lúc bắt đầu để làm động lực đưa vào tam vô lậu học. Chánh kiến quy định phối cảnh cho sự thực hành, chánh tư duy cung ứng khả năng phán đoán cho con đường. Nhưng cả hai không kết thúc trong vai trò dự bị này. Vì khi tâm đã được minh mẫn nhờ sự tu tập nâng cao giới đức và định, tâm sẽ đạt đến cực điểm của chánh kiến và chánh tư duy, để bây giờ hợp thành sự tu tập thích hợp trong một trí tuệ sáng suốt hơn.

Chánh kiến là yếu tố đầu tiên của toàn bộ Bát Chánh Đạo, là sự chỉ đạo cho toàn thể những nhân tố kia. Chánh kiến cho chúng ta hiểu được điểm khởi hành của chúng ta, nơi đi tới, và những địa danh liên tục để đi qua trong bước tiến của cuộc hành trình. Cố gắng lao mình vào việc tu tập mà không có nền móng của chánh kiến là sự mạo hiểm đi tới thất bại vì tiến trình không định hướng. Làm như vậy có thể so sánh với việc muốn lái xe đến một nơi nào đó mà không coi tấm bản đồ hoặc không lắng nghe lời hướng dẫn của một người có kinh nghiệm lái xe. Một người có thể vào trong chiếc xe hơi và bắt đầu lái, nhưng thay vì lái đến gần nơi đến, thì người này lại lái xa khỏi địa điểm đó. Để đi đến nơi muốn đến người ta cần phải có một vài khái niệm phương hướng tổng quát và phải biết những con đường dẫn tới đó. Sự cân nhắc tương tự áp dụng cho sự thực hành trong Bát Chánh Đạo, mà đường này được bắt đầu trong khuôn khổ của sự hiểu biết do chánh kiến tạo thành.

Điều quan trọng của chánh kiến có thể được phán xét từ yếu tố là quan điểm của chúng ta trên các vấn đề chủ yếu về thực tế và giá trị có chiều hướng vượt xa hơn những định kiến lý thuyết. Chúng chi phối thái độ và hành vi của chúng ta, ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Cái nhìn của chúng ta có thể không rõ ràng hình thành trong tâm mình; chúng ta có thể chỉ có được sự nhận thức mơ hồ về niềm tin của chúng ta. Nhưng dù có hình thành hay không, có nói ra hay nín lặng, những cái nhìn đó có tác dụng ảnh hưởng sâu rộng. Chúng kết cấu tri giác của chúng ta, chỉ thị giá trị của chúng ta, chúng kết tinh vào trong khuôn khổ ý tưởng mà xuyên qua đó chúng ta diễn giải cho chính bản thân về ý nghĩa của sự hiện hữu của chúng ta trong thế giới này.

Những quan niệm này tạo điều kiện cho hành động. Chúng nằm phía sau sự chọn lựa và mục tiêu của chúng ta, và phía sau những cố gắng của chúng ta để thay đổi mục tiêu đó từ quan niệm thành thực tế. Những hành động tự nó có thể tạo ra hậu quả, nhưng những hành động song song với hậu quả của nó đều xoay quanh trên những quan niệm đã sinh ra chúng. Bởi vì quan niệm bao hàm ý "bản thể tự nguyện," một quyết định cho một câu hỏi về thực tế và chính xác, theo sau là những quan điểm chia thành hai loại, chánh kiến và tà kiến. Chánh kiến phù hợp với thực tế, tà kiến thì xa rời thực tế và thừa nhận sự sai nhầm. Hai quan điểm khác biệt này, Đức Phật dạy rằng, dẫn đến đường ranh hoàn toàn khác nhau của hành động, và từ đó cho kết quả đối ngược nhau. Nếu chúng ta có tà kiến, ngay cả nếu tà kiến đó mơ hồ, nó cũng sẽ dẫn chúng ta đến những hành động đưa đến kết quả đau khổ. Mặt khác, nếu chúng ta có chánh kiến, thì chánh kiến đó sẽ hướng chúng ta đến hành động đúng, và bằng cách đó sẽ dẫn đến giải thoát khỏi sự khổ đau. Mặc dù quan niệm của chúng ta hướng đến cuộc đời có thể như không có hại và không hợp lý, khi nhìn tại tỉ mỉ nó cho thấy chính nó sẽ là một yếu tố quyết định cho toàn thể tiến trình tương lai của chúng ta. Đức Phật Ngài dạy rằng không một nhân tố nào chịu trách nhiệm cho sự sanh khởi của pháp bất thiện tệ hại như tà kiến, và không một nhân tố nào giúp ích cho việc dẫn đến tâm thiện nhiều bằng chánh kiến. Một lần nữa, Đức Phật dạy rằng không một nhân tố nào chịu trách nhiệm cho sự đau khổ của nhân loại nhiều như tà kiến, và không một nhân tố nào phát huy một đời sống tươi sáng cho nhân loại nhiều như chánh kiến (AN 1:16.2).

Trong điểm cao nhất của sự đo lường chánh kiến bao gồm sự hiểu biết đúng đắn của toàn bộ Giáo Pháp của Đức Phật, và như thế phạm vi của nó thì bằng với Giáo Pháp. Nhưng về mục tiêu thực dụng hai loại chánh kiến chính vượt hẳn lên trên. Một loại là hữu lậu chánh kiến (thế tục chánh kiến), đó là chánh kiến sử dụng trong phạm vi giới hạn của thế gian. Loại kia là vô lậu chánh kiến (xuất thế gian chánh kiến), đó là chánh kiến tối thượng sẽ dẫn đến giải thoát khỏi phàm tục. Hữu lậu chánh kiến liên quan tới luật lệ điều hành sự thăng tiến của vật chất và tinh thần trong phạm vi của những gì sắp đến, với những nguyên tắc dẫn tới tình trạng hiện hữu cao hơn và thấp hơn, dẫn đến hạnh phúc và khổ đau của con người. Thứ hai là vô lậu chánh kiến (xuất thế gian chánh kiến) thì liên quan tới những nguyên tắc thiết yếu cho việc giải thoát. Vô lậu thánh kiến không chỉ đơn thuần nhắm vào sự tiến triển tinh thần từ đời này qua kiếp khác, nhưng còn nhằm vào việc giải phóng con người ra khỏi chu trình của sự tuần hoàn sinh tử

Hữu Lậu Chánh kiến

Hữu lậu chánh kiến (thế tục chánh kiến) đòi hỏi sự thấu hiểu chính xác của luật nhân quả, luật ảnh hưởng đến hành vi đạo đức. Tên gọi văn chương của nó là “ chánh kiến về sở hữu chủ của hành vi” (kammassakata sammaditthi), và được xác định bởi phương thức tiêu chuẩn trong câu: “ Con người tạo nghiệp, hưởng nghiệp; xuất phát từ nghiệp, gắn chặt với nghiệp và được nghiệp của mình phù trợ. Bất cứ việc gì họ làm, dù tốt hay xấu, thì họ cũng nhận được quả.” Những dẫn chứng cụ thể hơn sẽ được trình bày dưới đây. Thí dụ như các câu nói thông dụng, khẳng định rằng những nghiệp tích đức như bố thí mang đầy ý nghĩa đạo đức, rằng gieo nhân nào sẽ gặt được quả đó, rằng con người có trách nhiệm phụng dưỡng mẹ cha, rằng có sự tái sanh và có thế giới phía trên thế giới trần tục này, và rằng có thể tìm được những tu sĩ thuyết giảng uyên thâm có thể hé mở sự thật về thế giới dựa trên nền tảng nhận thức siêu việt của họ.

Để có thể hiểu được ngụ ý của dạng thức chánh kiến này, trước hết ta cần tìm hiểu ý nghĩa của danh từ căn bản, kamma. Từ ngữ kamma có nghĩa là nghiệp. Theo Đạo Phật thì nghiệp ở đây chính xác là tác ý, những hành động diễn đạt chủ ý theo đạo đức, bởi vì xuất phát từ chủ ý nên nghiệp sẽ có ý nghĩa về mặt đạo đức. Do vậy, Đức Phật xác định rõ ràng nghiệp với chủ ý. Trong một bài pháp phân tích về nghiệp, Đức Phật nói: “này các tỳ kheo, đó là chủ ý mà ta gọi là nghiệp (kamma). Nhờ vào ý chí, con người diễn đạt một động tác qua thân thể, qua lời nói, hoặc qua ý tưởng.” Việc xác định nghiệp với chủ ý ( tác nghiệp) chính thức làm cho nghiệp trở thành một sự kiện tâm linh, một yếu tố tâm linh tìm cách hiện thực những khát vọng, những hành uẩn và những dụng ý trong tâm trí. Chủ ý tạo nghiệp xuất hiện qua một trong ba cách: thân, khẩu hoặc ý- được gọi là ba cửa tạo nghiệp (kammadvara). Chủ ý được diễn tả qua thân xác được gọi là thân nghiệp; Chủ ý được diễn tả qua ngôn từ được gọi là khẩu nghiệp, và chủ ý xuất hiện ra trong ý nghĩ, dự định, tư tưởng hay dạng khác của tâm linh mà không biểu hiện ra bên ngòai được gọi là ý nghiệp. Do vậy, một yếu tố chủ ý được phân hóa thành ba dạng của nghiệp tùy thuộc vào cách thức mà nó được hiện thực.

Chánh kiến đòi hỏi một sự hiểu biết rộng rãi hơn về ý nghĩa tổng quát của nghiệp. Cũng cần phải hiểu biết về: (i) sự phân biệt rõ ràng thiện nghiệp và bất thiện nghiệp; (ii) những trường hợp chính của từng loại nghiệp; và (iii) căn nguyên của các nghiệp này. Như đã đề cập trong Kinh Phật: “ Khi một đệ tử Phật môn ngộ ra được thế nào là bất thiện nghiệp, và căn nguyên của bất thiện nghiệp, thế nào là thiện nghiệp, và căn nguyên của thiện nghiệp, thì người này đã có chánh kiến.”

(i) Bàn luận về các điểm này theo thứ tự, chúng ta thấy rằng trước tiên nghiệp được chia ra thành bất thiện nghiệp (akusala) và thiện nghiệp (kusala). Bất thiện nghiệp là những hành vi đáng trách về mặt đạo đức, gây tổn hại trong việc phát triển tâm linh, và gây khổ đau cho chính bản thân mình và cho người khác. Thiện nghiệp, ngược lại, là những hành vi đáng khích lệ về mặt đạo lý, hữu dụng trong việc phát triển tâm linh, và tạo được lợi lạc cho chính bản thân mình và cho người khác.

(ii) Vô số chuyện về bất thiện nghiệp và thiện nghiệp có thể được kể ra, tuy nhiên Đức Phật đã chọn ra mười điều chính cho mỗi loại nghiệp. Những điều này Ngài gọi là thập ác nghiệp và thập thiện nghiệp. Trong số mười điều của mỗi loại nghiệp có ba về thân nghiệp, bốn về khẩu nghiệp, và ba về ý nghiệp. Mười điều về bất thiện nghiệp được trích dẫn ra dưới đây, phân chia theo cách thức tạo nghiệp:

Thân có 4 nghiệp:

1) Sát sinh (Pān.ātipāto)

2 ) Trộm cắp (Adinnādānam.).

3) Tà dâm (Kāmesu micchācāro)

Khẩu có 4 nghiệp:

1) Nói dối (Musāvādo).
2) Nói lưỡi hai chiều (Pisun.āvācā).
3) Nói lời độc ác (Pharusavācā).
4) Nói lời vô ích (Samphappalāpo).

Ý có 3 nghiệp:

1) Tham muốn (Abhijjhā).
2) Thù oán (Byāpādo).
3) Tà kiến (Micchādit.t.hi).


Thập thiện nghiệp ngược lại hòan tòan: kiêng bảy điều đầu tiên của bất thiện nghiệp, không tham lam, không có ác ý và giữ vững chánh kiến. Mặc dù bảy điều kiêng kị được thực hiện hòan tòan bằng tâm trí và không cần phải thể hiện ra hành động bên ngoài, chúng vẫn được định danh là thân nghiệp thiện và khẩu nghiệp thiện bởi lẽ nó giữ vai trò trung tâm trong việc kiểm sóat hành động của thể xác và lời nói.

(iii) Nghiệp được phân thành thiện nghiệp và bất thiện nghiệp dựa trên động lực sinh ra nó, gọi là căn nguyên (mula), căn nguyên này chuyển đạt đạo hạnh tới hành vi trong cùng một lúc. Do vậy, nghiệp là thiện hay bất thiện là tùy thuộc vào căn nguyên của nó là thiện hay bất thiện. Với mỗi loại nghiệp có ba căn nguyên. Căn nguyên của bất thiện nghiệp là ba cấu uế mà ta đã đề cập trước đây- tham, sân, si. Mọi nghiệp xuất phát từ nguồn này đều là bất thiện nghiệp. Ba căn nguyên của thiện nghiệp là đối ngược lại với bất thiện nghiệp, Trong thời Ấn Độ cổ xưa thì nói rõ ràng là vô tham (alobha), vô sân (adosa), và vô si (amoha). Mặc dù được cấu thành bằng cách phủ định, ba căn nguyên này không đơn thuần chỉ mang ý nghĩa là loại bỏ cấu uế mà còn chỉ về đức hạnh. Vô tham ngụ ý từ bỏ, không vướng bận, và rộng lượng; vô sân ngụ ý tâm từ ái, thiện cảm, nhu hòa; và vô si ngầm hiểu là trí tuệ. Mọi nghiệp xuất phát từ nguồn này đều là thiện nghiệp.

Điểm đặc biệt của nghiệp là khả năng sinh ra những quả tương ứng với phẩm chất luân lí của nó. Quy luật vũ trụ nội tại giữ cho sự luân chuyển của nghiệp, những hành vi đó dẫn đến sự tranh cãi ở trong tầm quan trọng của nghiệp quả , gọi là thọ quả (vipaka), "quả chín muồi”, hay gọi là phala, “quả”. Quy luật nhân quả họat động trên nguyên tắc cơ bản là ác giả ác báo, thiện lai thiện báo. Quả báo không nhất thiết sẽ xuất hiện ngay lập tức, hay cũng không cần phải ứng nghiệm ngay trong kiếp hiện tại. Nghiệp có thể báo xuyên suốt nhiều kiếp, nó cũng có thể ngủ say trong một thời gian dài. Tuy nhiên mỗi khi chúng ta gây ra một nghiệp, thì nghiệp này sẽ lưu dấu trong giòng liên tục của tâm , nơi mà nó đươc lưu và tích uy lực của nó.Khi nghiệp đã được tích lũy chín mùi nó sẽ bừng tỉnh khỏi giấc ngủ sâu và sinh ra những ứng báo với nghiệp. Sự chín mùi có thể xảy ra trong kiếp này, kiếp sau, hay xa hơn nữa. Nghiệp có thể ứng báo trong khi đầu thai chuyển kiếp, hay cũng có thể ứng báo trong hiện kiếp, thể hiện ở niềm vui và nỗi đau, thành công và thất bại, thăng và trầm mà mổi người phải trải qua. Tuy nhiên với bất kỳ hình thức nào và lúc nào, qui luật bất biến vẫn là: thiện giả thiện báo và ác giả ác báo.

Việc nhận thức rõ qui luật này là nhằm giúp người phàm giữ vững chánh kiến. Chánh kiến này trước hết là để ngăn chặn những tà kiến không phù hợp. Như đã khẳng định, những nghiệp mà chúng ta tạo ra sẽ ảnh hưởng đến số mạng của chúng ta trong kiếp sau, đều này hoàn toàn trái ngược với quan điểm bất luân hồi ( cho rằng ý thức chấm dứt khi cuộc sống dừng lại). Phân biệt rạch ròi giữa thiện và bất thiện, đúng và sai, trong qui luật của vũ trụ khách quan, chống lại quan điểm duy tâm chủ quan- nói rằng thiện và bất thiện chỉ là sự mặc định của ý kiến chủ quan hay sự kiểm sóat của xã hội. Bởi lẽ con người có chủ ý hòan tòan trong hành động của mình, trong một giới hạn nào đó, thuyết chủ quan duy tâm đã áp đặt một định kiến rằng sự lựa chọn của con người luôn được quyết định bởi định mệnh, và do đó không hề tồn tại cái gọi là chủ ý và trách nhiệm đạo đức là không thể đạt được.

Một vài ngụ ý của lời Đức Phật dạy về chánh kiến đối với nghiệp và quả báo của nó trái ngược với xu hướng của suy nghĩ đương thời, việc làm sáng tỏ sự tương phản này là rất cần thiết và hữu ích. Giáo huấn về chánh kiến giúp ta hiểu rằng tốt và xấu, đúng và sai có ý nghĩa sâu xa hơn quan điểm cổ điển về như thế nào là tốt và xấu, như thế nào là đúng và sai. Nguyên tắc xã hội dựa trên sự hỗn cấu của các giá trị đạo đức đúng đắn và thậm chí cho rằng mọi người sống trong xã hội có thể đánh giá một hành động nào đó là đúng và những cái khác là sai, tuy nhiên đánh giá này không khiến cho hành vi đó là đúng hay sai. Đối với Đức Phật, các tiêu chuẩn đạo đức là khách quan và bất biến. Mặc dù giá trị luân lí của hành vi được qui định hiển nhiên bởi hoàn cảnh mà nó được thực hiện, vẫn tồn tại một số tiêu chuẩn khách quan mà bất kì hành vi nào đi ngược nó, hay bất kỳ sự thấu hiểu đạo lý đạo đức , đều có thể bị được kết luận. Tiêu chuẩn luân lí khách quan này được dung hợp với Phật pháp, qui luật rộng tổng thể về chân lí và chính nghĩa. Trên thực tế căn bản chấp thuận chuyển nghiệp như được diễn tả rằng nghiệp là có nguồn gốc từ chủ ý, gây nên hậu quả cho khổ chủ, và rằng mối quan hệ tương hỗ giữa nghiệp và quả báo là phụ thuộc vào bản chất của chủ ý. Không tồn tại một vị thượng đế đứng ngòai dòng chảy của vũ trụ để ban thưởng hay trừng phạt. Tuy nhiên, nghiệp, tự bản thân nó, dựa trên tính chất luân lí hay bất luân lí sẽ sinh ra hậu báo tương ứng.

Đối với hầu hết chúng ta, chánh kiến về nghiệp và quả báo thường mơ hồ, và được đặt trên niềm tin vào sự phán quyết của các vị giáo chủ. Tuy nhiên ngay cả khi qui luật về nghiệp báo khó có thể tường minh thì vẫn còn tồn tại quan đểm về chánh kiến. Nó là vai trò và phần nào của chánh kiến bởi vì chánh kiến liên hệ với nhận thức- với nhận thức về vị trí của bản thân trong toàn thể- và ai có thể thấu hiểu qui luật rằng hành vi có chủ ý của bản thân đều chứa trong nó một tiềm lực đạo đức là người nắm giữ được chân lí về bản chất tồn tại của họ.

Tuy nhiên, chánh kiến về nghiệp báo không phải chỉ là một tín điều bị che đậy bởi một bức màn bất nhập. Nó có thể trở thành một vấn đề khả tri. Thông qua khả năng tập trung sâu, hoàn toàn có thể tạo lập được một siêu năng gọi là thiên nhãn (dibbacakkhu), một năng lực ngoại cảm của thị kiến có thể nhìn thấu những sự việc ẩn sau con mắt trần tục. Một khi năng lực này được phát triển, nó có thể khả dụng trong sinh giới để nghiên cứu sự vận động của luật nhân quả. Với tầm nhìn siêu năng, rồi thì nó xác nhận rằng một người có thể thay cho chính mình, với cảm nhận trực tiếp, làm sao mà chúng sanh chết đi và luân hồi ứng với nghiệp mà họ đã tạo, lí do mà họ hưởng thiện báo và ác báo thông qua sự chín mùi của nghiệp thiện và bất thiện.

Vô Lậu Chánh Kiến

Chánh kiến của nghiệp và quả của nó quy định cơ sở hợp lý để đưa đến việc hành xử trong những hành vi thiện và đạt tới thân phận cao qúi trong sự tái sanh ở kiếp sau, nhưng nếu chỉ có chánh kiến thì không dẫn đến giải thoát được. Rất có thể là một người chấp nhận luật của nghiệp báo nhưng vẫn giới hạn mục tiêu của người đó trong những thành tích của thế tục mà thôi. Động cơ dẫn đến hành vi cao quí của người nào đó có thể là sự tích lũy của nghiệp lành dẫn tới sự thịnh vượng và thành công hiện tại, may mắn tái sanh vào cõi người, hoặc là hưởng thụ niềm hạnh phúc của Chư Thiên ở trong cõi thiên giới. Không có gì trong trình tự hợp lý của nhân quả về nghiệp có thể thúc đẩy để biến đổi chu kỳ của nghiệp và quả. Nhịp độ tiến đến giải thóat bắt đầu từ khởi thủy của toàn bộ một chu trình tùy thuộc vào sự ngộ được một quan niệm khác biệt sâu xa, một quan niệm mang lại ánh sáng soi vào những sai sót được lưu truyền dưới mọi hình thức luân hồi hiện hữu, ngay cả sai sót trầm trọng nhất.

Vô lậu chánh kiến (xuất thế gian chánh kiến) dẫn tới giải thoát là do sự hiểu thấu Tứ Diệu Đế. Đây là chánh kiến được coi như là yếu tố đầu tiên của Bát Chánh Đạo trong ý nghĩa chính xác: là Chánh kiến cao thượng. Thật vậy Đức Phật định nghĩa yếu tố chánh kiến rõ ràng trong ngôn từ của Tứ Diệu Đế: "Chánh kiến là gì? Nó là sự thấu hiểu về khổ đau (khổ đế), thấu hiểu căn nguyên của sự khổ (tập đế), thấu hiểu cách thức chấm dứt khổ (diệt đế), thấu hiểu con đường dẫn đến sự diệt khổ (đạo đế) (10). Bát Chánh đạo bắt đầu với sự hiểu biết bao quát về Tứ Diệu Đế, cái chỉ được nhận biết mơ hồ qua phương tiện của suy tư và phản ảnh. Nó đạt tới điểm cao nhất trong trực giác về những chân lý giống nhau, được thấm nhuần với sự sáng sủa tương đương với giác ngộ. Thật vậy có thể nói rằng chánh kiến của Tứ Diệu Đế tạo thành cả điểm bắt đầu lẫn điểm cao nhất của con đường dẫn đến diệt khổ.

Diệu Đế thứ nhất là chân lý về khổ (dukkha) tính không vừa ý vốn có của cuộc sống, biểu lộ trong nhất thời, đau đớn, và không ngừng nghỉ liên hệ tới tất cả các hình thái.

Đây là sự thật về khổ (khổ đế): Sanh là khổ, già là khổ, bịnh là khổ, chết là khổ, sầu đau, than van, đau đớn, tiếc thương và tuyệt vọng là khổ; không thích mà phải gần là khổ, thương mà phải xa là khổ, muốn mà không được thì khổ, nói tóm lại, ngũ uẩn là khổ.(11)

Lời bình luận vừa rồi cần phải được chú ý tới. Ngũ uẩn (pañcupadanakkandha) là một bảng phân loại sự hiểu biết về bản chất của con người. Chúng ta là ai, Đức Phật Ngài dạy rằng chúng ta là sự tập hợp của ngũ uẩn -- sắc vật chất, thọ, tưởng, hành, và thức - tất cả quan hệ với thủ. Chúng ta là ngũ uẩn và ngũ uẩn là chúng ta. Bất cứ cái gì mà chúng ta đồng hóa với, bất cứ cái gì mà chúng ta nắm bắt cho chúng ta, đều rơi vào trong tập hợp của ngũ uẩn. Ngũ uẩn này liên tục sinh ra toàn bộ của sự suy nghĩ, mối xúc cảm, tư tưởng, và hành uẩn trong cái mà chúng ta tìm tới, "thế giới của chúng ta." Thật vậy Đức Phật Ngài tuyên bố rằng ngũ uẩn là khổ có khả năng đem tất cả kinh nghiệm trải qua, toàn bộ sự sống của chúng ta, vào trong lãnh vực của khổ (dukkha ).

Nhưng câu hỏi được đưa ra ở đây là: Tại sao Đức Phật lại nói ngũ uẩn là khổ? Nguyên do để Đức Phật nói ngũ uẩn là khổ là vì chúng nó không lâu bền. Chúng thay đổi trong từng sát na, sanh rồi diệt mất, không lưu lại phía sau một điều gì đáng kể xuyên qua sự biến đổi. Vì lẽ rằng những nhân tố cấu tạo thành của con người luôn luôn thay đổi, hoàn toàn không có căn cơ trường cửu, không có gì chúng ta có thể níu lấy để làm căn bản cho sự yên ổn. Chỉ tòan là những tan rã liên tục, một khi mà vướng víu vào tham dục thường hằng, thì sẽ đưa con người vào đau khổ.

Thánh đế thứ hai chỉ ra căn nguyên của khổ. Từ trong nhóm của những căn nguyên xấu đưa đến kết quả là đau khổ, Đức Phật chỉ ra sự tham ái (tanha) là căn nguyên chính và sâu xa nhứt về "nguồn gốc của khổ."

Đây là sự thật của căn nguyên khổ. Chính Nó là sự tham ái đưa đến sự hiện hữu luân hồi, gắn bó với niềm khoái cảm và sự ham thích, và tìm kiếm sự hài lòng đó đây, được gọi là sự thèm muốn khóai lạc, tham muốn sự sinh tồn, và tham muốn không sinh tồn.** (12)

Một cách đơn giản Thánh đế thứ ba đảo ngược mối quan hệ của căn nguyên. Nếu sự ham muốn là nguyên nhân của khổ, vậy thì để thoát khỏi khổ chúng ta phải lọai trừ sự ham muốn. Thật vậy Đức Phật dạy rằng:

"Đây là chân lý của sự diệt khổ. Phải hoàn toàn gia giảm và chấm dứt sự ham muốn này, từ bỏ và buông xả, giải thoát và tách rời sự ham muốn."

Trạng thái thanh tĩnh tuyệt đối xuất hiện khi ham muốn bị loại trừ là Niết-bàn (nirvana), là vui hưởng tình trạng thanh thản khi ngọn lửa tham sân si được dập tắt trong đời sống. Tứ Diệu Đế đưa ra con đường đi tới diệt khổ, con đường nhận ra Niết-bàn. Con đường đó chính là Bát Chánh Đao.

Chánh kiến của Tứ Diệu Đế được triển khai trong hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất gọi là chánh kiến hòa hợp với chân đế (saccanulomika samma ditthi); Giai đoạn thứ hai là chánh kiến thấm nhập vào chân đế (saccapativedha samma ditthi). Để đạt được chánh kiến hòa hợp với chân đế cần phải có một kiến thức rõ ràng về ý nghĩa và sự quan trọng của chân đế đối với đời sống của chúng ta. Một kiến thức như vậy trước tiên được phát sinh ra do sự học hỏi và nghiên cứu về chân đế. Tiếp theo đó kiến thức này được mở rộng thêm nhờ đối diện với chân đế qua kinh nghiệm cho đến khi đạt được một niềm tin vững mạnh tương tự như sự xác thực của chân đế.

Nhưng ngay cả tại thời điểm này chân đế vẫn chưa được thấm nhuần, và vì vậy kiến thức đạt được vẫn còn thiếu sót, nó chỉ là một khái niệm chớ chưa phải là một nhận thức. Để đạt tới giá trị thực nghiệm của chân đế điều cần phải làm là thực hành thiền định -- trước tiên phải làm tăng khả năng chịu đựng tập trung, kế đó phải phát triển sự sáng suốt. Sự sáng suốt sanh ra do quán chiếu ngũ uẩn, những nhân tố cấu tạo thành sự sống, để nhận thức được những đặc tính thật của chúng. Tại cực điểm khi tâm tư lắng đọng thị giác xa rời những hiện tượng trói buộc bao gồm trong ngũ uẩn và chuyển sự tập trung vào tình trạng thanh thản, Niết-Bàn, nơi có thể tiến tới được nhờ vào sự sáng suốt. Với sự thay đổi này, khi tâm nhãn thấy được Niết-Bàn, cũng đồng thời là lúc Tứ Diệu Đế được thấm nhuần. Do sự cảm nhận Niết-Bàn, tình trạng vượt trên sự đau khổ (dukkha), con người đạt được một nhận thức mà từ đó sẽ nhìn ngũ uẩn và thấy rằng chúng là sự khổ thật đơn giản vì chúng bị trói buộc, phải chấp nhận sự thay đổi không ngừng. Cùng lúc đó Niết Bàn được nhận ra là nơi chấm đứt của mọi ham muốn; như vậy sự thấu hiểu cho thấy rằng tham dục là nguồn gốc thật sự của khổ (dukkha). Khi nhìn thấy Niết-Bàn, là lúc nhận biết ra tình trạng thanh tĩnh thoát khỏi sự phiền não đem tới. Và bởi vì kinh nghiệm này đã được với tới do thực hành Bát Chánh Đạo, con người tự biết rằng Bát Chánh Đạo thật sự là con đường đi tới diệt khổ.

Chánh kiến thấm nhập vào Tứ Diệu Đế này dẫn đến đọan chót của con đường, chớ không phải là mở đầu. Chúng ta phải bắt đầu với chánh kiến thích nghi với các chân đế, đạt được xuyên qua tu tập và phát triển thêm xuyên qua suy ngẫm. Quan niệm này khuyến khích chúng ta tiếp tục tu tập, dấn thân vào tam vô lậu học để nâng cao giới đức, tâm định và trí tuệ. Khi sự tu tập hoàn thiện, sự sáng suốt của trí tuệ tự mở ra, thấu suốt chân lý và giải thoát tâm hồn khỏi cảnh vướng bận.

Chú Thích:

Tam Vô Lậu Học: Ba phần học của hàng vô lậu, hay của hạng người đã dứt được luân hồi sanh tử:

1) Giới hay trì giới: Trong Phật giáo, không có phép gọi là tu hành nào mà không phải trì giới, không có pháp nào mà không có giới. Giới như những chiếc lồng nhốt những tên trộm tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, sát, đạo, dâm, vọng.
2) Định: Phép luyện cho tâm được định tĩnh. Tương tự như “giới,” trong Phật giáo, không có phép gọi là tu hành nào mà không tu luyện cho tâm định tĩnh.
3) Huệ: Tu tập trí tuệ là kết quả của giới và định. Nếu bạn muốn đọan trừ tam độc tham lam, sân hận và si mê, bạn không có con đường nào khác hơn là phải tu giới và định hầu đạt được trí tuệ ba la mật. Với trí huệ ba la mật, bạn có thể tiêu diệt những tên trộm nầy và chấm dứt khổ đau phiền não

** ý niệm không-sinh-tồn: Kinh Chuyển Pháp Luân, Đức Thế Tôn dạy: "Chính ái dục là nguyên nhân của sự tái sanh (ponobhavika). ái, hợp với tâm thiết tha khao khát, bám níu vào cái nầy hay cái kia (đời sống). Chính ái đeo níu theo nhục dục ngũ trần, ái đeo níu theo sự sinh-tồn, và ái đeo níu theo ý niệm không-sinh-tồn."

 

 

Trình bày: Minh Hạnh và Nguyễn Văn Hòa

Trở về Trang Đề Án Trong Tháng Mười

Đầu trang