Sự Suy Vong Của Giáo Pháp
TT Giác Ðẳng giảng trong room Diệu Pháp, ngày 08-10-2009
Minh Hạnh chuyển biên
Kinh Thanh Tịnh đoạn 12 trong Trường Bộ Kinh
12. Này Cunda, khi nào phạm hạnh được đầy đủ về những phương diện này, vị đạo sư là vị Thượng tọa, có nhiều kinh nghiệm, xuất gia đã lâu ngày, đã đến tuổi trưởng thượng, đã đến tuổi trưởng thành, và những vị Thượng tọa Tỷ kheo, những vị đệ tử... nếu không có các vị Trung lạp Tỷ kheo, những vị đệ tử... Có các vị Trung lạp Tỷ kheo, những vị đệ tử... nhưng nếu không có các vị Hạ lạp Tỷ kheo, những vị đệ tử... có các Hạ lạp Tỷ kheo, những vị đệ tử... nhưng nếu không có các vị Trưởng lão Tỷ kheo ni, các vị đệ tử... nhưng nếu không có các vị Trung lạp Tỷ kheo ni, các vị đệ tử... nhưng nếu không có các vị Hạ lạp Tỷ kheo ni, các vị đệ tử... có các vị Hạ lạp Tỷ kheo ni, các vị đệ tử... nhưng nếu không có Nam cư sĩ đệ tử, những vị tại gia, mặc áo trắng, sống theo phạm hạnh... có những Nam cư sĩ đệ tử, những vị tại gia, mặc áo trắng, sống theo phạm hạnh... nhưng nếu không có những Nam cư sĩ đệ tử, những vị tại gia, mặc áo trắng, chấp nhận dục lạc... có những Nam cư sĩ đệ tử, những vị tại gia, mặc áo trắng, chấp nhận dục lạc... nhưng nếu không có những Nữ cư sĩ đệ tử, những vị tại gia, mặc áo trắng, sống theo phạm hạnh... có những Nư cư sĩ đệ tử, những vị tại gia mặc áo trắng, sống theo phạm hạnh... nhưng nếu không có những Nữ cư sĩ đệ tử, những vị tại gia, mặc áo trắng chấp nhận dục lạc... có những Nữ cư sĩ đệ tử, những vị tại gia, mặc áo trắng chấp nhận dục lạc ...phạm hạnh như vậy nếu không được thành công, hưng thịnh, phát triển và phổ thông một cách rộng rãi, khéo tuyên bố giữa các người, nhưng không đạt được danh xưng và lợi dưỡng một cách tối thắng, phạm hạnh như vậy không được viên mãn về phương diện này.
TT Giác Đẳng: Hôm nay chúng ta đi vào một đề tài mà có lẽ ít có dịp để chúng ta nói đó là chữ "Mạt Pháp." Mạt Pháp ở đây được hiểu là thời kỳ suy vong của giáo pháp và đi đến chỗ biến mất của giáo pháp trên thế gian này, cho đến nay thì chữ mạt pháp tuy được nhiều người nói nhiều người xử dụng, nhưng mà rồi từ trên phương diện kinh điển cho đến sự hiểu biết của các vị pháp sư, giảng sư và cái nhìn của quần chúng nhân gian thì hoàn toàn không giống nhau.
Thật ra hôm nay cả ba đoạn đều dài, chúng tôi sẽ tự đảm trách hết cả ba phần, phần quan trọng nhất là phần thứ ba ở trong đó đưa ra những tiên tri về sự suy tàn của giáo pháp, sự biết mất của giáo pháp trên thế gian.
Trước nhất chúng ta nên hiểu chữ mạt pháp mà người Phật tử Việt Nam thường dùng đúng ra là dựa lên trên ba nguyên nhân:
Nguyên nhân thứ nhất lấy từ trong kinh điển Phật Giáo Bắc Truyền, ví dụ như kinh Pháp Hoa nói về ba thời kỳ của giáo pháp là thời kỳ của chánh pháp tức là thời kỳ nguyên nguyên của Phật Pháp. Thời kỳ thứ hai là thời kỳ của tượng pháp tức là thời kỳ xuất hiện những giáo lý có tánh cách mô phỏng không còn có tánh cách chính thống nữa. Sau thời kỳ tượng pháp là thời kỳ mạt pháp, lúc đó pháp nhược ma cường, Phật pháp trên thế gian này có tánh cách như là hình thức mà không thật sự tồn tại nữa thì là thời mạt pháp.
Nhiều Phật tử và đặc biệt một số vị xuất gia thì biết giữ những nhiễu nhương của xã hội trước sự suy tàn của giáo pháp. Ở một vài nơi thì khẳng định rằng thời chúng ta đang sống ở đây đã hơn 25 thế kỷ sau khi Đức Thế Tôn viên tịch và đây đã bước sang thời kỳ mạt pháp. Chúng tôi nói về điều này hoàn toàn là ghi nhận ở trên cái nhìn của nhân gian của Phật tử Việt Nam và cái nhìn này mang tánh cách phổ thông nhân gian truyền khẩu chứ không mang tánh cách chính thống. Trong kinh điển chính thống của Phật giáo Bắc Truyền thì có một tài liệu nói về sự mạt pháp, thì ở đó cũng có nhiều điều thú vị so với những gì được ghi nhận trong Tam Tạng Pali, lẽ ra thì chúng tôi trình bày những điều đó ở tại đây nhưng nếu chúng tôi trình bày nó sẽ đi lạc đi, chúng tôi không cố ý để làm một sự so sánh như vậy, nhưng chúng tôi nhắc một lần nữa là chữ mạt pháp của Phật Giáo Bắc Truyền có khác với ý nghĩa chữ Phật giáo suy tàn mà chúng ta nói tại đây vì nó có liên hệ đến thời kỳ, nó có liên hệ đến một số lý do mà ở đoạn cuối chúng tôi sẽ nói.
Thưa qúi vị, ở trong phần đầu của bài học này chúng ta thấy rằng khi Đức Phật Ngài định nghĩa sự hưng thịnh của giáo pháp thì làm chúng ta nhớ lại vua Tissa là vua của Tích Lan sau một thời gian được gặp Ngài Mahinda, và sau một thời gian cảm thấy rằng Phật Pháp được quần chúng Tích Lan đón nhận quy ngưỡng thì nhà vua đã đặt một câu hỏi với Ngài Mahinda:
"Bạch Tôn Giả, cho đến khi nào Phật giáo thật sự là mọc rễ và có điều kiện lớn mạnh ở trên xứ sở này."
Tôn Giả Mahinda đã trả lời rằng: " Tâu đại vương, ngày nào mà có một người Tích Lan xuất thân từ trong một gia đình Phật tử Tích Lan và tu tập với một tăng sĩ người Tích Lan, như vậy ngày đó Phật Giáo đã thật sự mọc rễ ở trên đất nước này."
Câu nói này của Ngài Mahinda rất gần với câu Phật ngôn trong Trường Bộ Kinh khi mà Nigantha Nàthaputta (Ni-kiền tử) là giáo chủ của đạo Jain vừa qua đời thì có những tranh chấp những lời qua tiếng lại về giáo lý ở trong hội chúng của Nigantha Nàthaputta. Đức Phật nhân đó Ngài giảng về giáo pháp và ở đây Đức Phật Ngài đề cập đến sự có mặt thật sự của giáo pháp, ở trong sự có mặt đó trước nhất là đòi hỏi phải có người, người là quan trọng, và sau người chúng ta phải nói yếu tố đến thời gian, và sau yếu tố thời gian chúng ta phải nói đến yếu tố truyền đạt, và sau yếu tố truyền đạt chúng ta phải nói đến tính toàn diện.
Người ở đây là gì? là khi mà giáo pháp được gọi là hưng thịnh thì ở đó phải có những vị Trưởng Lão, phải có những vị chẳng những thành nhân thành tài mà còn đi đến giai đoạn là vị niên trưởng, là vị bác lãm, là vị có tuổi đạo lâu ngày. Chúng tôi lấy ví dụ là nói về sự truyền bá của A Tỳ Đàm tại Việt Nam nếu chỉ do một vài vị tăng trẻ nào đó đi học A Tỳ Đàm ở nước ngoài về rồi giảng dạy lại thì chúng ta chưa thể có A Tỳ Đàm là một môn mà đã mọc rễ tại Việt Nam, cho đến khi nào môn học này ở trong đó có những vị trưởng lão và những vị trưởng lão đó đã đi gần cuối cuộc đời có tuổi hạ có kinh nghiệm thật sự đã thấm nhuần ở trong môn học này, và vị đó là người Việt Nam như trong trường hợp của chúng ta có HT Tịnh Sự hay có Sư Trưởng chẳng hạn, thì có những vị lớn tuổi đời cũng như tuổi đạo thật sự đã sống rất nhiều với môn đó và cho đến cuối cuộc đời vẫn có những theo đuổi, thì chúng ta nói đến yếu tố người thì rất là quan trọng. Và dĩ nhiên bên cạnh người thì còn đề cập đến một chuyện khác là những vị trưởng lão này còn phải có được đồ chúng, đồ chúng những người cùng thọ trì cùng chấp nhận một môn học một sự tu tập, và ở trong đồ chúng đó phải có những vị thượng toạ, trung toạ, hạ toạ, vị tâm tọa, tức là những vị mới tu, những vị tu tương đối khá lâu, và những vị tu tương đối lâu. Và rồi không những chỉ có người truyền thừa mà chúng ta còn đề cập đến cả một đồ chúng theo trong ý nghĩa rộng rãi nghĩa là có thầy, có trò, có người tu tập, có người ủng hộ, có bốn chúng đệ tử. Nói chung là nếu một vị Trưởng Lão học rất giỏi về một môn Phật học nhưng ở một nơi nào đó một thân một mình không có những vị xuất gia, những vị đệ tử truyền thừa, những người tiếp nối kế túc thì không thể hưng thịnh được, mình gọi là cu ki một mình chẳng hạn thì ở đó nó vẫn có sự thiếu vắng.
Ở tại đây Đức Phật cũng đặc biệt đề cập đến đồ chúng cư sĩ, trong đạo tràng thì có những vị xuất gia có những vị tại gia. Trong từ ngữ "phải chấp nhận những dục." Khi nói đến "chấp nhận những dục" chúng ta hiểu là nói những vị cư sĩ tại gia, nhưng những vị cư sĩ này cũng được trưởng thành cũng được hướng dẫn và cũng có khả năng để truyền đạt giáo pháp đến những người liên hệ, thì như thế chúng ta mới thấy là Phật Giáo thật sự hưng thịnh. Trong ý nghĩa chúng ta gọi là truyền đạt thì Đức Phật Ngài có cho thêm một ý nữa đó là có khả năng đối thoại với ngoại đạo, nếu cái gì đó mình tin theo mà mình phải giữ bí mật riêng một mình, nếu cái gì mình tin theo mà cái đó không được đem ra ánh sáng để mổ sẻ, cái gì mà mình tin theo mà cái đó không có khả năng phản bác những luận điệu khác biệt thì cái đó chưa gọi là hưng thịnh, khi giáo pháp thật sự hưng thịnh thì không những có những vị trưởng lão có những vị có đồ chúng không những có xuất gia có tại gia, không những có những vị có khả năng truyền đạt mà còn có khả năng từ sự trưởng thành trong giáo pháp để đối thoại đối tác để có thể biện minh để có thể làm thế nào đó mà thắng hóa được ngoại đạo qua cơ sở hiểu biết của mình, thì như vậy mới gọi là Phật giáo hưng thịnh, còn nếu mà Phật giáo hưng thịnh mình nói rằng chỉ mặt một vị trưởng lão ví dụ như chúng ta nói một số đông các ngôi chùa tại Hoa Kỳ nhất tăng nhất tử và một vị tăng ở đó không thể tạo thành đồ chúng có người cư sĩ, và ở đó chánh pháp không được giảng dạy, và ở đó những người Phật tử đến chùa chẳng những không hiểu chánh pháp mà không có khả năng để lý luận để phản bác để phản biện đối với những cái gì mà của ngoại đạo đem ra bôi bác mình, thì điều đó vẫn chưa thấy có nền tảng của sự hưng thịnh mà trái lại nó là nền tảng sự suy vong.
Có lẽ về điểm này chúng ta sẽ nhận thấy rất là thú vị khi chúng ta trở lại với một cái nhìn khác đó là mặc dù chúng ta tha thiết với Phật Pháp nhưng chúng ta không có khuynh hướng đào tạo người, không có khuynh hướng phát triển, không có khuynh hướng để đẩy mạnh chữ học Pháp, hoằng Pháp, thắp sáng được ngọn đèn của chánh pháp, tuyên ngôn chánh pháp bằng tiếng nói vô úy, thì thưa qúi vị lúc đó chánh pháp cũng chưa có hưng thịnh và chánh pháp đi vào trong thời đại suy vong. Đoạn kinh này Đức Phật giảng cho Ngài Cuda rất dài ở trong Trường Bộ Kinh, bài kinh Thanh Tịnh, bài kinh rất quan trọng, có dịp nào đó chúng ta mà đi trọn cả bài kinh thì chúng tôi thấy có nhiều điểm lợi ích vô cùng, nhưng ở đây chỉ trích một đoạn ngắn để chúng ta nói lên khía cạnh là sự thịnh suy của giáo pháp.
Bây giờ chúng ta bước sang một lãnh vực khác nói về sự thịnh suy của giáo pháp, ở đó Đức Phật Ngài đề cập đến một dụ ngôn "Trống Chiêu Tập Anaka" ở trong dụ ngôn này có thể chứa đựng rất nhiều những hướng dẫn vô cùng quan trọng đối với sự hưng vong của giáo pháp.
Trống Chiêu Tập Anaka
Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, dân chúng Dasàrahà có một cái trống tên là Anaka.. Khi cái trống Anaka bắt đầu nứt ra, dân chúng Dasàrahà đóng vào một cái chốt khác. Cho đến một thời gian, này các Tỷ-kheo, cả cái thùng ván của trống Anaka biến mất và chỉ còn lại những cái chốt tụ tập lại. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo sẽ thành trong tương lai. Những bài kinh nào do Như Lai thuyết, thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất thế gian, liên hệ đến không, họ sẽ không nghe khi các kinh ấy được thuyết giảng; họ sẽ không lóng tai; họ sẽ không an trú chánh tri tâm, và họ sẽ không nghĩ rằng các pháp ấy cần phải học thuộc lòng, cần phải thấu đáo. Còn những bài kinh nào do các thi sĩ làm, những bài thơ với những danh từ hoa mỹ, với những câu văn hoa mỹ, thuộc ngoại điển, do các đệ tử thuyết giảng, họ sẽ nghe khi các kinh ấy được thuyết giảng; họ sẽ lóng tai; họ sẽ an trú chánh tri tâm và họ sẽ nghĩ rằng, các pháp ấy cần phải học thuộc lòng, cần phải học thấu đáo. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các kinh do Như Lai thuyết, thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất thế gian, liên hệ đến không sẽ đi đến tiêu diệt. Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập như sau: "Những bài kinh nào do Như Lai thuyết giảng, thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất thế gian, liên hệ đến không, chúng tôi sẽ nghe khi các kinh ấy được thuyết giảng; chúng tôi sẽ lóng tai; chúng tôi sẽ an trú chánh tri tâm. Và chúng tôi sẽ nghĩ rằng, các pháp ấy cần phải học thuộc lòng, cần phải học thấu đáo". Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.
TT Giác Đẳng: Ở đây Đức Phật Ngài nói đến thái độ học Phật Pháp mà theo sở thích, chúng ta hiểu sở thích của chúng ta là gì, chúng ta ưa chuộng cái gì hoa mỹ cái gì có tánh cách hào nhoáng ở bên ngoài, cái gì có tánh cách hấp dẫn nhưng mình phải nhắc đến chính mình rằng có những lời dạy mà đặc biệt lời dạy của Đức Phật liên hệ đến giải thoát. Đức Phật ở đây dùng chữ "không" chữ "không" ở đây chúng ta hiểu theo nhiều cách, nhưng chữ "Sunnata" được hiểu một cách nôm na là một sự vượt ngoài tất cả những giá trị đối đãi bình thường của chúng ta nhất là những giá trị của những cái giá trị liên hệ đến những cái mà chúng ta thích cũng như cái không thích. Thí dụ như chúng ta nói rằng "Niết-bàn là cái gì không nằm trong 12 xứ 18 giới, không thuộc về 5 uẩn, không thuộc về sắc thinh khí vị xúc nhãn nhĩ tỷ thiệt thân, không thuộc về 6 thức v.v... Khi nói đến tính không nó là một trong những thể tài tương đối khó tiêu hóa bởi người ta, nhưng ở đó nói lên sự vượt thoát lên trên tất cả những gì chúng ta đang sống đang bám víu, chúng ta gọi là một sự lột xác toàn diện, một sự thoát thai toàn diện hay là một sự buông bỏ toàn diện. Về điểm này thì chúng ta lấy ví dụ như kinh Vô Ngã Tướng, Đức Phật Ngài đã giới thiệu cho chúng ta cái nhìn từng phần một về sắc về thọ về tưởng về hành về thức, sắc thọ tưởng hành thức là những thành tố của đời sống của chúng ta, mỗi chúng ta đều sống với 5 uẩn và trong 5 uẩn đó Đức Thế Tôn đã nói rõ là chúng ta phải thấy được tánh vô thường, khi thấy được tánh vô thường thì chúng ta thấy được tánh khổ, và cái gì vô thường là khổ thì chúng ta thấy được nó không phải là ta, không phải của ta, không phải tự ngã của ta. Bài kinh đó đặc biệt quan trọng, nhưng bài kinh đó không phải là bài kinh mà người Phật tử ưa thích để nghe, ưa thích để đọc, ưa thích để tụng, ưa thích để nằm lòng. Và chúng ta nhớ mặc dầu chúng ta là con Phật nhưng chúng ta cũng có khuynh hướng để thích cái gì của ma chứ cái gì của Phật thì thường thường chúng ta mong ngưỡng thôi chứ chúng ta không ưa chuộng nhiều. Chúng ta cần phải nhắc nhở và cần phải gom lại tìm lại những dụ ngôn như chúng ta thấy trong bài kinh này.
Anaka là một cái trống chiêu tập, trong nền văn minh cổ của Ấn Hà cũng như nền văn minh của Hoàng Hà đổ xuống miền Đông Nam Á thì chúng ta thường thấy thuở xưa xử dụng một loại trống chiêu tập rất phổ thông trong nhân gian, như tại Đông Sơn tại Hoà Bình Việt Nam chúng ta có tìm thấy những cái trống như trống đồng Ngọc Lũ, chúng ta tìm thấy rất nhiều ở trong nền văn hóa của Đông Nam Á như Thái Lan hay miền nam Trung Hoa ở Vân Nam Quảng Tây v.v.... Trước kia ở Việt Nam chúng ta nghĩ cái trống đồng chỉ đơn giản là của Việt Nam nhưng sau này chúng ta ra nước ngoài đọc công trình khảo cổ thì chúng ta hiểu chung quanh miền nam của Trung Hoa từ Thái Lan, Miến Điện đổ xuống miền Bắc Việt Nam nền văn mình Hoà Bình thì có rất nhiều sắc tộc, nhiều dân tộc đã xử dụng cái trống đồng. Nhưng ngày nay có một thứ khác mà người ta được biết mà nó không còn tồn tại đó là cái trống không bằng đồng mà bằng gỗ, nhưng nó gần giống như cái trống đồng được tạc từ một thân cây lớn. Trong rừng có những thân cây rất lớn khoảng 5 người dang tay cùng nhau ôm mà không hết, họ lấy thân cây lớn như vậy để làm cái trống. Ơ những vùng Bắc Mỹ như vùng Alaska thì những thuyền của người Eskimo là thuyền độc mộc hay ở những quốc gia vùng Thái Bình Dương cũng có thuyền độc mộc, họ lấy một thân cây duy nhất để tạc thành chiếc thuyền gọi là thuyền độc mộc. Thì cách tạc trống cũng vậy, người ta không dùng thân gỗ như ngày nay kết nhiều mảnh gỗ lại với nhau mà ngày xưa chỉ là một thân duy nhất và trống loại này chỉ có một mặt thôi và mặt kia trống hoàn toàn, nó chỉ là trống gỗ nhưng giống dạng của trống đồng Ngọc Lũ của chúng ta vậy. Thì loại trống này được Đức Thế Tôn đề cập đến có tên là Anaka. Thuở xưa khi loài trống này được một số các bộ tộc xử dụng thì ban đầu làm ra tương đối âm thanh vang ra rất ấm rất tốt, vang đi rất xa rất hay, nhưng theo thời gian xử dụng thì nó bị mòn, một phần cái trống bị nức bị mẻ bị lủng chẳng hạn, thì người ta vá mặt trống bằng những con nêm, những con nêm này ít thì nó là con nêm, nhưng khi những con nêm được dùng để vá quá nhiều lên mặt trống thì thứ nhất cái trống không còn đẹp như ngày xưa, thứ hai là âm thanh không còn tốt như thuở ban đầu, chúng ta gọi là mất đi tánh cách nguyên nguyên ban đầu của cái trống và Đức Phật gọi điều này để chỉ cho giáo pháp.
Dĩ nhiên thì giáo pháp nói đến nghĩa, nói đến văn, giáo pháp nói đến văn nghĩa cụ túc, nhưng quan trọng nhất vẫn là giáo nghĩa. Giáo pháp có đề cập đến những cái đẹp, thí dụ như Tam Tạng thì có gatha, có những bài thơ những bài kệ, cũng có những điều nói lên cái hoa mỹ, nhưng nếu người học Phật mà chúng ta chỉ chú trọng vào những điều đó và nhớ đến những điều đó thì chúng ta sẽ đánh mất đi một bộ phận quan trọng khác của đạo Phật, đó là những giáo lý tuy khô khan nhưng mà lại đặc biệt là những tinh hoa của đạo Phật. Ví dụ về tánh không, về giải thoát, về giáo lý vô ngã, về tam tướng phổ thông chẳng hạn, những điều này là những điều chúng ta đặc biệt lưu ý, thời đại của chúng ta hôm nay là thời đại rất dễ dàng để người ta chạy theo những thứ hào nhoáng này. Chúng ta thi hóa những câu Phật ngôn rồi câu Phật ngôn đem phổ nhạc, rồi những vị tăng trẻ có đôi lúc ỉ mình là mình bắt kịp với thời đại hơn, mình hiểu rõ về âm nhạc hơn, rồi lấn lướt các vị lớn bằng cách là những vị này dùng những gì hoa mỹ những gì có tánh cách hấp dẫn ru ngủ để hấp dẫn thính chúng, và thính chúng đôi khi không thích nghe những vị trưởng lão giảng dạy những lời dạy rất thật rất trực tiếp rất lợi lạc nhưng lại không được hoa mỹ như những vị trẻ. Thì ở đây những hiện tượng này có xảy ra và chúng ta đừng quên một điều rằng nếu chúng ta không cố gắng để gìn giữ cái gốc cái nguyên nguyên của giáo pháp thì có rất nhiều thứ dễ bị mai một, nhất là thái độ chuộng cái hay cái đẹp bề ngoài mà bỏ cái thực ở bên trong.
Nãy giờ qua hai phần A và B thì chúng ta đã đề cập đến một số việc liên quan đến tánh cách hình thức thịnh suy của giáo Pháp, chúng ta đề cập đến thái độ của mỗi cá nhân. Bây giờ chúng ta bước sang phần C và phần này rắc rối nhất đó là những tiên liệu về sự mạt pháp hay sự tiên liệu về sự hưng vong của giáo pháp ở trong kinh điển như thế nào.
Thứ nhất là nói về sự tiên tri của Giáo Pháp thì chỉ có một lời tiên tri duy nhất mang tánh cách chính thống tức là được tìm thấy ở trong Tạng Luật còn những lời tiên tri khác, danh sách 6 lời tiên tri kia thì chúng ta đặc biệt tìm thấy ở trong các bộ sớ giải và không có ở trong Chánh Tạng, thì về điểm này là điểm mà các vị giảng sư sẽ bàn lại với nhau. Lời tiên tri duy nhất Đức Phật nói về tương lai của giáo Pháp tìm thấy trong Chánh Tạng đó là khi Bà Di Mẫu Maha Pajapati Gotami tức là Di Mẫu Maha Ma Xòa Ma Đề đến thành Vaishali để khẩn khoản xin Đức Thế Tôn cho phép người nữ xuất gia trong giáo pháp của Ngài, Đức Thế Tôn đã từ chối ba lần và Tôn Giả Ananda đã bằng mọi cách thỉnh cầu, cuối cùng Đức Thế Tôn đã chấp nhận. Thì khi Đức Thế Tôn chấp nhận Ngài đã cho biết một điều đó là nếu giáo pháp của Ngài không có tỳ kheo ni xuất gia thì giáo pháp sẽ tồn tại 1000 năm, qúi vị nhớ con số 1000, và bởi vì có người nữ xuất gia thành ra giáo pháp chỉ tồn tại có 500 năm thôi.
Thứ nhất, tại sao Đức Thế Tôn đã nói người nữ vào xuất gia trong giáo pháp thì giáo pháp sẽ mất đi phân nửa tuổi thọ? Không phải tại vì người nữ xấu nhưng cái tự nhiên của người nữ là như vầy: khi có người nữ vào xuất gia trong giáo pháp thì có hiện tượng những ngôi chùa những cơ sở bất động sản được xây dựng lên nhiều, tại vì ở trên căn bản thì người nữ hay là các vị tỳ kheo ni, sadi ni, thức xoa ma na không thể đi du phương không thể sống trong rừng một cách dễ dàng như những vị tỳ kheo tăng, ở trong một xã hội nào cũng vậy vấn đề người nữ đi cô độc một mình mà vấn đề an ninh rất là quan trọng, ngay cả trong luật thì Đức Phật Ngài cũng có sự ràng buột là làm thế nào mà chư vị tỳ kheo ni có đi từ nơi này sang nơi khác thì cũng phải đi hai vị, và do có sự xuất hiện của tỳ kheo ni ở trong giáo pháp thì chùa chiền bắt đầu mọc lên nhiều. Và ngày xưa trên nguyên tắc khác bây giờ là ngày xưa thì chùa ni xây cất phải trong tầm mắt của chùa ty kheo tăng. Chúng tôi nói dễ hiểu, thật ra thì ni cũng là tăng, khi chúng ta nói Tam Bảo là gồm cả ni luôn, nhưng người Việt Nam chúng ta quen nói tăng là nam tu sĩ và ni là nữ tu sĩ, thật ra ni cũng là tăng. Thì vì lý do các vị tỳ kheo ni xuất gia nên bắt buộc Phật giáo phải dẫn đến việc xây dựng những cơ sở chùa chiền. Thí dụ Phật tử ở Mỹ nói rằng xây dựng chùa to Phật lớn là Phật giáo hưng thịnh, thật ra thì xây dựng chùa nhiều là dấu hiệu của Phật giáo suy vi. Bởi vì có chùa chiền thì có thủ đắc tài sản, có sự tích tập tài sản, và chuyện thụ đắc tài sản của những vị tu sĩ làm cho Phật giáo suy vong nhiều hơn là Phật giáo hưng thịnh. Dĩ nhiên về điều này nhiều vị cũng có đồng ý là Phật giáo phải giàu phải có nhiều tiền nhiều bạc thì mới khá được nhưng trên thực tế thì khi những vị tu sĩ Phật giáo tích tập tài sản, thủ đắc tài sản, sở hữu tài sản nhiều thì Phật giáo suy chứ không thịnh. Khi nào những vị tu sĩ sống du phương hành hóa, sống bần hàn, sống thanh hạnh không chấp chứa tài sản thì lúc đó Phật giáo mới thịnh được. Về điểm này khi có dịp thì chúng ta sẽ nói thêm. Nhưng nói chung đó là do có sự có mặt của giáo đoàn tỳ kheo ni nên các cơ sở chùa viện của Phật giáo được hình thành, do có cơ sở chùa viện Phật giáo hình thành nên có sự việc các vị tỳ kheo thủ đắc tài sản tích trữ tài sản. Và do có sự thủ đắc tài sản, tích trữ tài sản, nên đời sống gọi là thanh hạnh, đời sống bần hàn, đời sống không có chất chứa tài sản, đời sống du phương hành hóa mỗi ngày một giảm đi và vì vậy Phật giáo rơi vào chỗ suy thoái. Chúng ta thấy cái ảnh hưởng này có tánh cách di truyền với nhau và không phải chúng ta đổ lỗi cho người nữ, người nữ ở đây không có chuyện lỗi gì hết mà đó là tánh cách tự nhiên vì người nữ không thể sống mà không có chùa chiền. Những thời đầu của Phật giáo không có nhiều chùa, chỉ có tu viện Trúc Lâm sau đó thì có chùa Kỳ Viên, nhưng mà đa số thì Đức Phật và Chư Tăng sống trong rừng, sống rày đây mai đó chứ không cố định một ngôi chùa như chúng ta ngày nay. Do vậy quan niệm về thịnh suy của giáo pháp thời xưa với ngày hôm nay rất khác nhau.
Thì lời tiên tri duy nhất của Đức Thế Tôn là có ni chúng ở trong giáo pháp Phật giáo sẽ mất đi nửa tuổi thọ và Ngài dùng con số 500 năm thì vào con số 500 năm này có ba cái nhìn khác nhau về con số 500 năm này: Ngày hôm nay chúng ta ở trong thời điểm là Phật giáo đã trải qua 25 thế kỷ đã 5 lần cái 500 năm Đức Phật nói thì phải chăng Đức Phật nói không chính xác, thật ra Đức Thế Tôn đã nói một cách rất chính xác là từ lúc Đức Thế Tôn viên tịch cho đến khi giáo pháp nguyên nguyên không còn có mặt tại Ấn Độ nữa, tức là từ lúc bắt đầu có sự phân hóa, bị pha lẫn Phật giáo, bị Balamon tràn ngập đó là vào thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên, chúng ta nói là thời kỳ khởi hưng của Phật Giáo Đại Chúng Bộ thì bấy giờ chỉ có 500 năm đầu là Phật giáo thật sự là tồn tại trong tánh cách nguyên nguyên mà không mang hình thức bộ phái. Hình thức bộ phái đã có từ thời vua A Dục nhưng không rõ ràng cho đến thế kỷ thứ nhất của Công Nguyên mở đầu là sự ra đời của các vị luận sư. Thật ra chúng tôi thường nói với qúi vị đó là Phật giáo tại Ấn Độ có lịch sử 1700 năm thì 500 đầu là thời kỳ của Phật giáo Nguyên Thủy, 500 năm sau đó là thời kỳ của Phật Giáo Phát Triển, và 700 năm còn lại là Phật giáo mang nặng màu sắc của dân gian.Về điều đó thì chúng ta thấy tại trung thổ tức là tại vùng đất nơi Phật giáo ra đời chung quanh lưu vực sông Hằng và toàn cõi Ấn Độ thì Phật giáo nguyên nguyên chỉ tồn tại đúng 500 năm như lời Đức Phật dạy.
Có một câu giải thích thứ hai từ bộ sớ giải Dhammasangani và trong bộ sớ giải nói rằng lẽ ra thì nếu để tự nhiên thì Phật Pháp chỉ tồn tại có 500 năm thôi nhưng Phật giáo sẽ tồn tại gấp 10 lần cho đến 5000 năm vì lý do là có Ngài Maha Kasapa-Ngài Maha Ca Diếp có cuộc kết tập Tam Tạng lần thứ nhất là hệ thống hóa kinh điển tại thành Vương Xá trên hang Thất Diệp và chính vụ kết tập Tam Tạng lần đầu tiên này của một vị trưởng lão Tăng là cuộc kết tập Tam Tạng hệ thống hóa kinh điển đã giúp cho Phật Pháp tồn tại gấp 10 lần tức là 5000 năm đó là lời sớ ở trong bộ Atthasālinī là bộ chú giải của Dhammasangani bộ chú giải đầu tiên của tạng Diệu Pháp.
Và có một lời giảng thứ ba mà lời này không phổ thông lắm, chúng tôi tìm thấy ở trong một số các bộ sớ giải thì họ nói rằng khi Đức Phật Ngài dùng con số 500 năm và số 1000 năm Ngài thuyết là để thí dụ thôi, Ngài nói giáo pháp nó sẽ bị giảm đi phân nửa như là giáo pháp đáng lẽ tồn tại 1000 năm thì còn lại 500 năm thôi, Ngài không dùng những con số khác thì cách giảng này nó cũng là thành ngữ phổ thông ở trong cách xử dụng từ trong văn học Phạn ngữ tức là khi mình nói chuyện gì thay vì mình nói như thế này thế kia mình nói là 10 phần thì còn lại 5 phần nhưng lúc đó cách họ nói là 1000 thì còn lại 500 thí dụ như vậy. Con số 500 và 1000 này là con số mang tánh cách ước lập chứ không phải là con số chính xác thì chúng tôi không có nói ở đây là chúng tôi đứng trên quan điểm nào của điều này, chúng tôi chỉ đưa ra cả ba cách giải thích con số 500 và 1000.
Bây giờ chúng ta đi vào những danh sách khác, những danh sách này đề cập đến sự biến mất của giáo pháp trên thế gian này. Trong sớ giải của bộ Dhammasangani thì hồi nãy chúng tôi có nói là có đề cập đến thời kỳ hưng thịnh của giáo pháp là 5000 năm, con số 5000 năm đó được xử dụng rất nhiều trong văn bản rất tiếc là cho đến hôm nay chúng tôi không tìm thấy ở đâu, chúng tôi cố gắng rất là nhiều nhưng không tìm thấy con số 5000 năm này được ghi ở trong Chánh Tạng mà tất cả đều nằm trong sớ giải hết, Tuy nhiên điều thú vị là mặc dù những danh sách nói về thời mạt pháp nói về những giai đoạn mạt pháp đi qua trong rất nhiều bộ kinh nhưng con số 5000 năm này là một con số dường như không thay đổi, đây là một điểm mà chúng ta phải ghi nhận. Thì cũng từ bộ sớ giải Dhammasagani tức là bộ Atthasālinī. chúng ta thấy rằng có danh sách như vầy là giáo pháp suy tàn qua sự biến mất của pháp thành. Pháp thành tức là những sự chứng đắc ở trong giáo pháp:
Sau 1000 năm đầu thì không còn có chư vị A La Hán có bốn tuệ phân tích nữa, ở đây chúng tôi không đi vào bốn tuệ phân tích nhưng mà một vị đắc được bốn trí tuệ phân tích là những vị hiểu về nghĩa, về pháp, về văn, về biện luận, nghĩa là có thể là vừa đắc đạo chứng quả vừa có khả năng tuyên dương giáo pháp một cách diệu dụng thì sau 1000 năm đầu không có những vị A La Hán với trí tuệ phân tích.
Sau 1000 năm thứ hai thì không còn chư vị A La Hán nữa tức là khi Phật Giáo đã tồn tại hơn 2000 năm thì trong đạo Phật không còn có những vị thật sự gọi là A La Hán.
Sau 1000 thứ ba không còn chư vị A Na Hàm.
Sau 1000 thứ tư không còn chư vị đắc Tư Đà Hàm.
Sà sau 1000 thứ năm thì không còn có những vị đắc Tu Đà Hườn. Tu Đà Hườn tức là sau 5000 năm sẽ không còn ai đắc đạo chứng quả nữa và cũng không còn ai hiểu biết kinh điển chỉ còn lại di tích và biểu tượng thôi, di tích và biểu tượng Phật giáo sau 5000 năm và đó là cái ghi nhận mà chúng ta tìm thấy ở trong bộ Atthasālinī .
Bây giờ có một cái ghi nhận khác là chú giải của một bộ kinh nổi tiếng trong đạo Phật đó là bộ Theragatha-Trưởng Lão Tăng Kệ, ở trong đó có ghi nhận là có 5 thời kỳ của giáo pháp:
Thời kỳ đầu gọi là vimuttika thời kỳ giải thoát, sau 1000 năm đầu thì không còn vị nào chứng đắc được tầng tâm giải thoát và tuệ giải thoát và đây là một điều cũng khác với danh sách đầu.
Qua thời kỳ thứ hai thì không còn cái gọi là samadhitka tức là những vị tu thiền đạt đến trình độ cao như là chỉ và quán thì không có.
Và 1000 năm thứ ba silaka là thời kỳ về giới không còn tinh tấn như là trước.
Sau 1000 thứ tư thì không còn Sudattika tức là không còn có những vị mà am tường kinh điển nữa.
Sau 1000 thứ năm thì không còn danaka thì không còn có sự cúng dường, không còn có sự lễ bái đặc biệt là cúng dường mang danh nghĩa gọi là hộ pháp cúng dường đến Tam Bảo như là chúng ta thấy.
Danh sách này chia Phật giáo thành ra 5 thời kỳ biến mất: Thời kỳ đầu là biến mất các vị giải thoát tức là viên mãn tuệ giải thoái. Thời kỳ thứ hai là những vị viên mãn về định học. Thời kỳ thứ ba là không còn những vị viên mãn về giới học.
Tức là tam học giới định huệ là 3000 năm đầu không còn nữa qua. 1000 thứ tư những vị biết hiểu và có thể giải thích được kinh điển thì không còn. Qua 1000 năm thứ năm thì chuyện phát tâm cúng dường của đàn tín hộ pháp không còn nữa, tức là cái gọi là tín tâm để bố thí biến mất sau cùng so với tam học so với sự hiểu biết về giáo nghĩa. Đó là danh sách mà chúng ta được tìm thấy trong bộ Theragatha.
Trong lần kết tập Tam Tạng lần thứ sáu thì chúng ta lại nghe một đoạn sớ giải và đoạn sớ giải này được tìm thấy trong Phật Giáo Miến Điện mà thôi chứ không tìm thấy ở trong những kho tàng chú giải khác, thì trong đoạn sớ giải này của Phật Giáo Miến Điện cũng nói đến 5 giai đoạn: giới, định, tuệ, sự hiểu biết Tam Tạng kinh điển, và tín tâm bố thí cúng dường, 5 giai đoạn như vậy, nhưng mà nói rằng mỗi một giai đoạn là 500 năm và tổng cộng là 2500 năm, và sau 2500 năm thì giai đoạn đầu tiên đó là tái lập lại, tức là bây giờ chúng ta đang tái lập lại giai đoạn đầu, chúng tôi không có thấy trong một nơi nào khác ngoại trừ Phật Giáo Miến Điện có danh sách mà nói về mạt pháp này.
Bây giờ chúng ta đi qua một bản kinh mới một bản chú giải Anagatavamsa tức là chúng ta nói một bản kinh nói về tương lai và ở trong đó thì Đức Phật Ngài có đề cập đến đặc biệt là sự ra đời của Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật tức là Đức Phật Di Lặc ở trong kế tiếp, và ở trong bản kinh này Đức Phật cũng có đề cập đến sự suy tàn của giáo pháp qua 5 giai đoạn:
Giai đoạn đầu là thời kỳ biến mất của tuệ phân tích cái khả năng để phân biệt để chia chẻ giáo pháp như bộ Patisambhida chẳng hạn.
Thời kỳ thứ hai là thời kỳ biến mất của đạo quả tức là của những vị thánh chứng bốn đạo bốn quả.
Thời kỳ thứ ba là sự biến mất của pháp hành tức là những người tuy là không đắc đạo chứng quả nhưng có những thời kỳ mà con người có thể thành đạo được nhưng thời kỳ thứ ba lại biến mất pháp hành
Thời kỳ thứ tư là biến mất của pháp học.
Thời kỳ thứ năm là biến mất của tăng già.
Chúng ta nói đến 5 giai đoạn được đề cập đến trong Anagatavamsa là nói về sự biến mất của tuệ phân tích, sự biến mất của đạo quả, sự biến mất của pháp hành, sự biến mất của pháp thành, và sự biến mất của tăng già, đó là cũng đi qua 5 giai đoạn.
Và có một phần sớ giải khác và sớ giải này đặc biệt dùng chữ gọi là antharadhana chúng ta tạm dùng danh từ này tương đương với chữ mạt pháp, nhưng thật ra đó là tánh cách suy tàn của giáo pháp trải qua 5 giai đoạn, 5 giai đoạn này có lẽ là qúi vị đã được nghe đọc rồi, phần đọc đó là bản dịch của Ngài Bửu Chơn ở trong Chánh Giác Tông, trong phần này được tìm trong bộ sớ giải nói về lời dạy của Đức Phật cho Ngài Xá Lợi Phất, không hiểu tại sao đoạn này cũng chỉ tìm thấy ở trong sớ giải mà thôi chứ không thấy ở trong chánh tạng.
Trong đó nói về sự biến mất thời đầu là sự biến mất của đạo quả sau 1000 năm đầu không còn ai chứng đạo quả nữa.
1000 năm thứ hai là sự biến mất của pháp hành.
1000 thứ ba là sự biến mất của pháp học.
1000 thứ tư là sự biến mất của pháp tướng tức là Phật giáo chỉ còn lại một cách tương đối.
và 1000 thứ năm là sự biến mất của xá lợi.
Thì chúng tôi nghĩ rằng ở trong bản chính mà chúng tôi tìm thấy trong bản Pali chỉ để là có 5 sự tiêu hoại: sự tiêu hoại của đạo quả, sự tiêu hoại của pháp thành, sự tiêu hoại của pháp hành, sự tiêu hoại của pháp học, sự tiêu hoại của tăng tướng, và sự tiêu hoại của xá lợi. Nhưng không thấy con số 1000 năm thứ nhất biến mất cái gì, và 1000 năm thứ hai biến mất cái gì, thật ra về điểm này thì chúng tôi nghi rằng có những bản chú giải sau bản chú giải chúng ta gọi là hậu chú giải là thêm thắc vào con số 1000 năm.
Như vậy đó là những danh sách của thời kỳ mạt pháp mà chúng ta tìm thấy ở trong các bộ sớ giải, chúng tôi nhắc quí vị là trong ngay cả tất cả những danh sách này chỉ có một điểm đầu mà chúng tôi đề cập đó là cái câu trả lời của Đức Phật trong sự kiện Ngài cho phép thành lập giáo đoàn tỳ kheo ni là thật sự là có ghi trong chánh tạng còn lại tất cả đều nằm ở trong chú giải hết./.