dieuphap.com

  

jpg (8936 bytes)


...... ... .

Sự pha trộn

TT Giác Ðẳng giảng trong room Phật Pháp Buddhadhamma, ngày 09 tháng 07-2010

Minh Hạnh chuyển biên

 

Chúng ta được biết rằng hai động thạch khắc Ajanta và Ellora nằm trong tỉnh bang Maharashtra. Ajanta cách Mumbay khoảng 130 cây số, Ellora gần Maharashtra hơn. Ajanta theo các nhà khảo cổ thì có lẽ đã được khởi công vào thế kỷ thứ nhất trước Tây Lịch kéo dài cho đến thế kỷ thứ 5. Và đến thế kỷ thứ 5 thì lý do gì đó Ajanta bị quên lãng. Nhưng từ thế kỷ thứ 5 cho đến thế kỷ thứ 12 thì Ellora được hoàn thành, và nói chung thì Ellora được nổi tiếng với những công trình kiến trúc. Chúng ta lấy một thí dụ là tại Ellora có những ngôi đền được tạc từ khối đá khổng lồ, chúng ta không thể tưởng tượng được một ngôi đền được thực hiện như vậy nhất là ngôi đền Ấn Giáo. Còn trong lúc đó thì Ajanta nổi tiếng dĩ nhiên là có phần kiến trúc những ngôi tịnh xá được tạc sâu vào trong hang núi nhưng Ajanta thật sự được nổi tiếng với những bức bích họa tức là những bức tranh vẽ trên tường.

Dĩ nhiên là thì giờ chúng ta ngồi nói tại đây không phải là để nói về hai động thạch khắc mà ở đây chúng ta nói về một khía cạnh mà chúng tôi tin rằng điều đó sẽ được Chư Tăng và qúi Phật tử suy ngẫm nhiều trong buổi sinh hoạt ngày hôm nay.

Ajanta chứa đựng nhiều đến những câu chuyện bổn sanh tức là những câu chuyện tiền thân của Đức Phật. Thật ra thì thời Đức Phật còn tại thế Ngài xử dụng những câu chuyện bổn sanh để đặc biệt nhắc trong một số trường hợp Ngài cho biết rằng nó có những sự lập đi lập lại của môt điều mà chúng ta thấy trong hiện tại nhưng nó vốn đã xảy ra trong quá khứ. Và do nó đã xảy ra trong quá khứ nên có duyên gặp lại. Ví dụ là có một lần vua Tịnh Phạn bạch với Đức Phật là khi Đức Phật Ngài đi rời bỏ hoàng cung thì có người đến báo với nhà vua là:

"Đức Phật Ngài là con của Ngài tức là Thái Tử Sĩ Đạt Đa hay là Samon Cồ Đàm đã chịu đựng không nổi với sự tu hành nên đã chết rồi."

Nhưng vua Tịnh Phạn không tin, vua Tịnh Phạn có một niềm tin rất mãnh liệt là người con yêu dấu của mình đã thành tựu được một quả vị vô thượng và sẽ trở về ở trong quang vinh chứ không phải bị chết trong sự quên lãng như vậy. Thì nhân vua Tịnh Phạn bạch với Đức Thế Tôn như vậy nên Đức Thế Tôn nói rằng:

"Không phải chỉ có ngày hôm nay nhà vua mới có một cái thái độ không tin lời đồn như vậy mà ở trong quá khứ xa xưa cũng đã có những kiếp có trường hợp xảy ra là nói con của Ngài chết thì Ngài cũng không tin."

Dĩ nhiên những câu chuyện tiền thân khiến chúng ta tin vào giáo lý luân hồi, những câu chuyện tiền thân cho chúng ta biết về những khía cạnh rất tế nhị của giáo lý nghiệp báo hay của thường cận y duyên. Nhưng có một điều là Đức Thế Tôn Ngài cho chúng ta biết được những phức tạp trong sự tương quan giữa nhân và quả. Tuy nhiên chúng ta phải nói đến hai khía cạnh liên quan đến giáo lý:

Ngày nay chúng ta thường đọc những câu chuyện bổn sanh như là thời Đức Thế Tôn còn là vị Bồ Tát ở trong những kiếp quá khứ tức là trước khi Ngài thành đạo trong kiếp này, thì Ngài đã từng là Balamon, Ngài đã từng là Sát Đế Lỵ, Ngài đã từng là bậc thiện trí, Ngài đã từng là vị đạo sĩ, Ngài đã từng là vị thọ thần, Ngài đã từng là con hưu, đã từng là con khỉ. Dĩ nhiên trong luân hồi Ngài có nhiều kiếp tái sanh thành nhiều sanh loại khác nhau nhưng phần lớn những câu chuyện đó cho thấy một sự thể hiện rất đặc biệt của một vị Bồ Tát có một giác hữu tình, một chúng sanh mong cầu giác ngộ. Và vì vậy Phật Giáo thời Đức Thế Tôn còn tại thế Đức Thế Tôn có đề cập đến Bổn Sanh, Bổn Sanh được xem như một trong chín loại kinh (Jàtaka). Chúng tôi nhắc đến điều này là bởi vì có rất nhiều học giả đã vội vã kết luận phê phán một cách theo chúng tôi nghĩ hơi thiếu cẩn trọng khi nói rằng những câu chuyện Bổn Sanh là những câu chuyện hậu tác. Chúng tôi có nhìn nhận một điều rằng sự ngưỡng mộ, sự ưa thích của quần chúng Phật tử đối với những câu chuyển Bổn Sanh quả thật là bộc phát rất mạnh mẽ sau khi Đức Thế Tôn viên tịch Niết-bàn khoảng chừng ba đến bốn thế kỷ, chúng tôi sẽ nói tại sao, nhưng sự ưa thích ưa chuộng đó không có nghĩa là thời Đức Thế Tôn còn tại thế Ngài không có nói về kiếp quá khứ, Ngài không nói về sự luân hồi, nhưng tánh cách Ngài nói khác với tánh cách chúng ta nói về sau này. Khác nhau như thế nào?

Chúng tôi lấy ví dụ, như Ngài cho biết rằng Ngài đã từng luân hồi trong nhiều đời nhiều kiếp, có một kiếp thời Đức Phật Kassapa, Ngài là một thanh niên tên là Jotipala và Ngài có một người bạn tâm giao tên là Ghatikara hai người này một người thì tính tình can trường ít chịu tin và ít chịu phục, còn một người thì sống rất thuần đạo tâm lại là một người sùng kính Đức Phật Kassapa thì Đức Phật kể chuyện tiền thân như vậy và khi Đức Phật kể tiền thân trong quá khứ thì không có nghĩa rằng tất cả những gì mà Ngài đã làm ở trong quá khứ, hay là tiền thân của Ngài Mục Kiền Liên, tiền thân của Ngài Xá Lợi Phất, tiền thân của Ngài Ananda, tiền thân của vua Tịnh Phạn, tiền thân công chúa Du Đà La.... những tiền thân đó không nhất thiết là những gì đã làm đã nói đều là khuôn vàng thước ngọc mặc dù nó chứa đựng rất nhiều lời dạy cao đẹp. Ví dụ như Đức Bồ Tát khi Ngài tu hành trí tuệ hay trì giới, bố thí thì Ngài thấy nhiều chuyện tốt đẹp, nhưng chúng ta nhớ rằng những lúc đó Ngài vẫn là phàm nhân, Ngài có cung cách phi phàm của một bậc hướng cầu giác ngộ, của một bậc tích lũy ba la mật hạnh, của một bậc có nhiều trí tuệ nhưng không có nghĩa là những gì thấy biết thực hành của Ngài là toàn bích là toàn hảo, không phải như vậy.

Khi Đức Phật Ngài ra đời thì Ngài không đặt nặng những gì mà Ngài nói trực tiếp ở trong nhiều đời nhiều kiếp quá khứ nó trở thành khuôn vàng thước ngọc mà Ngài lại nói nhiều về những phương pháp tu hành trực tiếp như Bát Chánh Đạo, trong Bát Chánh Đạo chúng ta thấy có Tứ Niệm Xứ, những phương pháp tu tập trực tiếp, tại vì lúc bấy giờ Ngài không còn là một người dọ dẫm con đường tu tập nữa mà Ngài đã thật sự trở thành một bậc giác ngộ, ở trong bậc giác ngộ thì giống như một vị hiểu rõ chân tướng của vạn pháp, cái gì mà Ngài chỉ nó rất trực tiếp rất rõ ràng để thật sự tu tập, vì vậy khuynh hướng tu tập thời Đức Phật còn tại thế nặng về giới, nặng về định, nặng về tuệ, nặng về thiền định, tức là cái gì có thể đem thực hiện trong đời sống hàng ngày.

Nhưng về sau này thì người ta bắt đầu nặng về triết lý, tư tưởng, chúng ta nặng về lý tưởng nhiều hơn là sự thực hành. Chúng tôi phải nói một điều là ở trong cuộc sống tu tập trong nền văn hóa Phật giáo hay nói chung các tôn giáo thì chúng ta tìm thấy hai khuynh hướng rất rõ rệt; một khuynh hướng nói thì rất đại ngôn đưa ra sự việc rất lý tưởng cái gì cũng to lớn cái gì cũng vĩ đại nhưng thật sự cái đó nó không thực tế, chúng ta phải nhìn nhận như vậy. Còn cái gì thực tế ở trong đời sống chúng ta có thể làm được thì thường nó không thể mang lý tưởng hoá được. Chúng tôi lấy ví dụ như là chúng ta có thể phát nguyện cứu độ chúng sanh, nhưng bản thân của chúng ta có thể ngồi thiền 7 ngày hay ngồi thiền 10 ngày? chúng ta làm không nổi, là tại vì sao, tại vì sự thực hành luôn luôn khó khăn. Thành ra thời Đức Thế Tôn còn tại thế thì Ngài chú trọng nhiều về thực hành, do vậy mình cứ nhìn nhận rằng thời Đức Phật còn tại thế những vị tỳ kheo, tỳ kheo ni, thiện nam tín nữ đặt nặng về những gì có thể làm được và làm một cách cụ thể như bố thí, trì giới, tham thiền, tu giới, tu định, tu huệ, mà không có chuyện mà chúng ta gọi là một cái lý tưởng có tánh cách huyền hoặc xa xôi, một cái lý tưởng mà chúng ta nghe rất đẹp nhưng hầu như không có thực hành, không có khả thi được trong đời sống, thì điều đó nó cho chúng ta dẫn đến một giai đoạn về sau này sau khi Đức Phật Ngài viên tịch khoản ba, bốn thế kỷ, càng ngày khả năng thực hành của chúng ta càng giảm đi mà thay vào đó chúng ta đặt nặng về lý thuyết nặng về lý tưởng.

Thì cái lý tưởng gì mà người ta đưa ra một cách hợp lý nhất? cái lý tưởng đó là họ trở về với lý tưởng gọi là Bồ Tát Đạo. Tức là những câu chuyện tiền thân bắt đầu được ưa chuộng nhiều được nói về nhiều, giống như chúng ta gọi là được khuyết đại lên để trở thành những mẫu mực lý tưởng và lúc đó người ta ít nhắc đến đời sống của Ngài Culakala, Ngài đã phấn đấu như thế nào, đời sống của Ngài Mahakala phấn đấu thế nào, Ngài Culakala đầu đà như thế nào, mà lúc đó họ nhắc ở trong quá khứ Ngài đã dấn thân vì chúng sanh ra sao, Ngài phát nguyện ra sao v.v...

Thì trên phương diện này chúng ta phải nhìn nhận rằng nó không sai khi chúng ta nhắc đến tánh cách vĩ đại của chư vị Bồ Tát trong quá khứ. Nhưng mà nếu nhắc đến sự vĩ đại về những câu chuyện tiền thân trong quá khứ mà chúng ta quên đi sự thực hành thực tế trong hiện tại, thì thật ra mà nói nó giống như chúng ta gọi là thả mồi bắt bóng. Tại vì sao? Là vì Đức Thế Tôn Ngài ra đời một bậc Đại Giác thấy rõ; đây là phương pháp niệm hơi thở, Ngài dạy rõ đây là thân quán, đây là thọ quán, tâm quán, pháp quán, đây là ngũ giới, đây là bát quan trai giới, đây là trì giới v.v...

Nhưng những phương pháp đó chúng ta không thực hành là tại vì sao? cái thực tế luôn luôn nó làm chúng ta ngán ngẩm ái ngại, nhưng cái gì mà có tánh cách lý tưởng huyền hoặc đại ngôn, có tánh cách là phóng đại xa xôi thì có hạp với chúng ta hay không? Chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng những việc đó nó ảnh hưởng không phải riêng gì đạo Phật mà là trong nhiều tôn giáo. Ở trong cái khởi nguyên thì người ta nói đến những điều rất thực tế, rất gần gủi trong đời sống, nhưng càng truyền thừa về lâu dài thì họ khoát lên đó những chiếc áo của văn hóa, chiếc áo của lý tưởng, chiếc áo của tín ngưỡng nhân gian.

Và vì vậy khi chúng ta nói đến sự pha trộn thì chúng ta có thể lấy thạch động Ajanta và Ellora, đặc biệt Ajanta là một trong những công trình rất tuyệt vời trên phương diện nghệ thuật, chúng tôi có nghe nhiều học giả nhiều nhà nghệ thuật đã khẳng định rằng ví dụ như tại Ajanta thạch động mang số 1 có tượng Đức Bồ Tát là một thanh niên trẻ với ánh mắt chúng ta gọi là mắt thương nhìn cuộc đời thì ánh mắt Ngài là lòng đại bi vô lượng, diễn tả lòng đại bi như vậy, diễn tả cái nhìn về cuộc đời rộng thoát như vậy mà diễn tả được trên đôi mắt thì người ta xem rằng chuyện đó đẹp, và có nhiều người nói rằng nếu bức tranh đó mà đã được nhắc đến trong nền hội họa tây phương thì người ta phải nói rằng đôi mắt đó còn vĩ đại hơn là đôi mắt của Mona Lisa ở Tây Phương thường nhắc đến từ viện bảo tàng Louvre.

Thì qúi vị cứ đơn giản thôi, là Bồ Tát Đạo bắt đầu được nhắc nhiều từ thế kỷ thứ nhất trước Tây Lịch, rồi từ thế kỷ thứ nhất trước Tây Lịch cho đến thế kỷ thứ nhất sau Tây Lịch khoảng 200 năm, đó là một thời kỳ khởi hưng của một phong trào gọi là tu tập về Bồ Tát Hạnh hay Bồ Tát Đạo. Khi nhắc đến Bồ Tát Hạnh người ta nói đến "nhập thế" nói đến "đi vào đời" nói đến một tinh thần tu tập rời xa tu viện, rời xa con đường giới định huệ, rời xa tu tập Tứ Niệm Xứ, mà người ta nói đến "độ tận chúng sinh." Có nhiều lúc khi chúng ta đọc lại những trang sử cũ thời xa xưa thì chúng ta thấy rằng đã có một thời những người Phật tử thừa tiếp giáo pháp xem lòng đại bi như là một lý tưởng cao vợi, một lý tưởng tuyệt đối và lòng đại bi đó vượt qua tất cả những giá trị khác trong đạo Phật, mặc dầu bản thân của Ngài Long Thọ Ngài là một vị được xem như là tổ sư của Phật giáo Đại Thừa thì Ngài có viết về tín không, nhưng Đại Thừa Khởi Tín Luận nói nhiều về đại bi tâm nói nhiều về Bồ Tát hạnh.

Thì vấn đề của chúng ta ở đây cho chúng ta nhìn trở lại những động thạch khắc đó thì chúng ta hiểu được khuynh hướng tôn giáo càng ngày càng trở thành lý tưởng nhiều hơn là một lối sống thực hành cụ thể, tôn giáo càng ngày càng nặng về hình thức, hình thức ở đây là chùa chiền tu viện, tôn giáo càng ngày càng được ưa chuộng trên phương diện văn hóa nghệ thuật mỹ thuật. Lấy ví dụ như ngày nay một vị sư giảng pháp mà lời giảng thiếu văn chương hay một lời giảng thiếu hoa lá cành thì không được thích mặc dầu vị sư đó là vị sư nói rất thật rất rõ về giáo pháp. Đức Phật Ngài có cho biết một thời gian nào đó những đệ tử của Ngài, tỳ kheo, tỳ kheo ni, thiện nam, tín nữ sẽ ưa chuộng cái gì đẹp, cái gì hoa mỹ, cái gì văn vẻ, cái gì của nghệ thuật quên đi cốt lõi của chánh pháp. Thì chúng ta phải nhìn nhận là khi tượng Pháp phát sanh chúng ta nặng phần trình diễn hơn, chúng ta nặng phần hình thức.

Có thể là điều này khi chúng tôi nói ở đây có nhiều điều không đồng ý nhưng rất mong rằng lát nữa chúng ta có thì giờ thì chúng ta sẽ cung thỉnh chư tôn đức để qúi Ngài cho biết ý kiến của qúi Ngài.

Nhưng phải nhìn nhận rằng nếu Phật giáo cái gì trở thành hoa mỹ quá thì khi chúng ta đặt nặng về vấn đề văn chương nhiều quá lâu ngày chúng ta chuộng cái đẹp. Chúng tôi nhớ rằng có rất nhiều buổi sinh hoạt chúng tôi đi đó đi đây, Phật tử thích những buổi sinh hoạt có một chút văn nghệ ngâm thơ, có những câu chuyện vui, rồi uống trà đàm, còn bài pháp mà dạy mà chúng ta gọi là thẳng ruột ngựa tức là nói thẳng vào Phật Pháp thì chúng ta không ưa chuộng điều đó, càng ngày chúng ta càng thích hoa mỹ, do vậy có một vài Phật tử đề nghị chúng tôi làm một việc khác hơn, họ là nói rằng những phần trích đoạn hay trịch lục ở trong chánh tạng đôi khi rất khó đọc vì trùng lập, vì thế này thế khác, và hỏi tại sao sư không có viết lại cho gọn hay nhờ Phật tử làm lại cho gọn cho đẹp. Chúng tôi có nói rằng chúng tôi hiểu là khi đọc thẳng vào trong chánh tạng thì đôi khi cũng có trùng lập, đôi khi có luộm thuộm tại vì theo HT Minh Châu nói; đó là cái bịnh truyền thống của cổ văn Ấn Độ tức là nói chuyện lập đi lập lại và đó là di sản của một nền văn học truyền khẩu.

Nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy rất tiếc nuối nếu một ngày nào đó chúng ta viết lại Tam Tạng một cách rất nhẹ nhàng hoa mỹ và chúng ta bỏ đi cách hành văn trùng lập đó, tại vì sao, tại vì ít nhất trong cách hành văn đó tự nhiên là một sự gợi nhắc đập thẳng vào đầu óc chúng ta là "văn tuy rằng cần nhưng nghĩa thì cần hơn", dĩ nhiên là lời viết đẹp làm chúng ta hoan hỉ nhưng chính là ý kinh, nếu chúng ta chịu khó động não chúng ta chịu khó đọc thẳng vào trong kinh điển, chúng ta chịu khó đi sát với nguyên văn tìm hiểu hơn là chúng ta cắt đầu này bỏ đầu kia làm cho gọn lại. Thật ra có nhiều bài kinh khi người ta cắt ngắn nhiều quá, người ta chau chuốt nhiều quá chúng tôi cảm tưởng như là nghe thì hay nhưng nó mất đi cái ý nguyên thủy, mất đi tinh thần nguyên thủy. Do vậy chúng tôi nghĩ rằng có một cố gắng của chúng ta là mỗi ngày chúng ta vào trong room chúng ta chịu khó lắng nghe phần chánh văn, có khi vị Phật tử này đọc, có khi Phật tử khác đọc, có khi đọc hay, có khi đọc dở, chúng tôi biết rằng có nhiều Phật tử rất thích giọng đọc của một số vị nào đó ở tại đây, nhưng chúng tôi nghĩ rằng ai cũng nên đọc hết và tất cả những lời kinh nào đọc lên thì chúng ta đều nghe, nhiều khi chúng ta vượt qua hình thức ở bên ngoài, qua cái gọi là nặng phần trình diễn thì chúng ta sẽ tìm thấy được viên ngọc ở trong đá mà chúng tôi rất tin tưởng rằng thời gian càng lâu càng dài.

Và nếu tất cả chúng ta cứ chạy theo cái đẹp thì cái đẹp đó nó không có lâu dài được, cái đẹp chỉ là một thứ thời trang, có những thứ rất hay thời HT Hộ Tông nhưng mà không hay thời bây giờ, có những thứ rất là hoa mỹ thời Đường như bây giờ là một thứ cổ văn chứ nó không còn hay bây giờ nữa. Nhưng những lời kinh rất là trong sáng những ý kinh rất rõ ràng thì thời nào cũng giá trị.

Do vậy khi đến chiêm ngưỡng động thạch khắc Ajanta và Ellora chúng ta phải nhìn nhận rằng những pho tượng Phật những bức hoạ là những kỳ công là những tuyệt tác, nhưng lúc đó chúng ta nên hiểu rằng tượng Pháp đã từ từ mạnh mẽ và chân Pháp đã bắt đầu bị yếu thế và chúng ta cũng hiểu rằng lúc bấy giờ văn học nghệ thuật điêu khắc nó đã có một chỗ đứng quan trọng. Lấy ví dụ như chúng tôi nói điều này ra có lẽ nhiều vị ngạc nhiên rằng ở hải ngoại đôi khi qúi Thầy gặp nhau người ta đánh giá Thầy này Thầy kia không phải là sở học không phải là hạnh tu mà đánh giá là vị nào có chùa lớn có tiền nhiều hay chùa có đẹp hay không và lâu ngày những chuyện đó làm cho chúng ta cảm thấy áy ngại, và cảm thấy ái ngại là chẳng lẽ giá trị của chúng ta chỉ là những thứ đó sao? Nhưng trên thực tế thì có một thời nào đó chúng ta trọng cái gì mà hình thức bên ngoài quá, hễ hình thức nặng quá thì chúng ta quên đi nội dung, điều này hoàn toàn không có nghĩa là chúng tôi phủ nhận giá trị của nghệ thuậ,t không có nghĩa là chúng tôi phủ nhận cái đẹp. Chúng tôi nói rằng những thần tượng đó những bích hoạ đó có một giá trị nhất định và giá trị lớn chứ không nhỏ, nó là một cống hiến, nhưng chúng ta phải nhìn nhận rằng ở trong những giai đoạn mà người Phật tử và chư tăng mà bỏ quá nhiều thì giờ tâm trí cho những thứ đó thì những thứ khác nó sẽ suy thoái.

Có đôi khi người ta làm những ví dụ như vầy; khi chúng tôi còn ở Thái Lan thì một số những vị trưởng lão ở trong đó có Ajahn Maha Boowa Ngài kể rằng khi Ngài đi hành đầu đà thì chư tăng rất thiếu tiện nghi từ cái mùng cho tới cái ấm, chùa chiền ở thì miêu cốc sơ sài lắm, nhưng lúc đó thì sự tu tập rất tinh tấn, bây giờ thì tất cả những vị thiền sư tất cả những vị tu hành nổi tiếng đều rất sung túc tại vì đàn tín cúng dường rất nhiều và do vậy có thể rằng chúng ta vào một thiền viện rất đẹp rất tươm tất tổ chức rất chu đáo ăn uống rất đầy đủ nhưng sự tinh tấn đó không bằng thời xưa, chúng ta phải nhìn nhận. Chúng ta cũng có đến một vài nơi như ở tại Miến Điện thì cái xứ rất nghèo những vị thiền sinh tu rất khổ nhưng phải nhìn nhận rằng trong cái nghèo cái khổ đó thì họ có những thành tựu mà chúng ta không phủ nhận được. Do vậy chúng ta không có cực đoan nói rằng những gì mà thuộc về hình tượng về tranh ảnh về hình thức hoàn toàn là vô giá trị, những thứ đó cũng có giá trị, tuy nhiên chúng ta phải công tâm mà nhìn nhận rằng khi người Phật tử dù là xuất gia hay tại gia và nhất là phong trào chúng ta quá nặng về hình thức bên ngoài, xây dựng những công trình to lớn mang tánh cách biểu dương, mang tánh cách nặng phần trình diễn thì thiệt ra đôi khi nó chỉ làm cho chúng ta tự cao tự đại nhiều hơn là đạt được những tính cách của sự tu học, chúng ta phải nhìn nhận như vậy. Ví dụ như chúng tôi làm trụ trì một ngôi chùa mà có pho tượng Phật trong chùa rất đẹp hay có ngôi chùa nguy nga tráng lệ, Phật tử thập phương hay bá tánh đến chúng tôi rất hãnh diện, hãnh diện là mình có thể làm được chuyện đó, nhưng mà trên thực tế thì những chuyện đó chưa chắc đáng hãnh diện như là một ngày thiền định hay như một đời sống mà thật sự sống gần với Phật Pháp.

Về điểm này khi chúng ta đến hai động Ajanta và Ellora thì chúng ta thấy là đã có một thời nào đó lý tưởng về Bồ Tát đạo dựa trên những câu chuyện tiền thân của Đức Phật đã được hâm mộ và sự hâm mộ đó đã vượt xa những gì mà được biết đến trong thời nguyên thủy. Chúng tôi nhắc qúi vị rằng ở tại đây chúng tôi hoàn toàn không nói rằng những câu chuyện Bổn Sanh không phải của Phật, những vị nào nói rằng văn học Bổn Sanh là văn học hậu tác, chúng tôi không đồng ý việc đó, chúng tôi biết rằng có một số chi tiết là được vẽ vời về sau này nhưng căn bản thì Đức Phật có nói đến luân hồi, căn bản thì Đức Phật có nói rằng Ngài không phải tu tập ở trong một kiếp mà trong nhiều đời nhiều kiếp, căn bản mà nói rằng trên con đường tu tập đó thì Đức Phật Ngài đã dụng công, Ngài đã trải qua rất nhiều với công phu tu tập, nhưng không có nghĩa là những gì Ngài suy nghĩ những gì Ngài, nói những gì Ngài hành xử ở trong nhiều kiếp luân hồi trong quá khứ trước khi thành Phật là khuôn vàng thước ngọc 100%, mà đôi khi chúng ta đặt nặng về điều đó quá thì chúng ta lại quên đi lời dạy của Đức Phật hiện tại đó là giới, là định, là tuệ, đó là thiền định, cũng như là Bát Chánh Đạo mà chúng ta được biết.

Về điểm này có lẽ là trước khi chúng tôi nói về đoạn kết về động Ajanta & Ellora liên quan đến sự pha trộn thì chúng tôi xin thỉnh chư tăng thảo luận về điều này bởi vì ở đây chúng ta không phải nói về những gì trong kinh mà là chúng ta nói về một nhận định thì nó mang tánh cách cá nhân, những gì mà chúng tôi nói nãy giờ là dựa trên sự suy tư cá nhân, có thể ở đây chư vị giảng sư chư vị tôn đức có thể các Ngài có ý kiến khác hơn ./.


 

Trình bày: Minh Hạnh và Nguyễn Văn Hòa

Trở về Trang Đề Án Tháng 9, 2010

Đầu trang