dieuphap.com

  

jpg (8936 bytes)


...... ... .

Mười Cách Tạo Phước Đức

By Ajahn Suchart (Abhijato Bhikkhu)

Nguyễn Văn Hòa chuyển ngữ

 

Attahi attano nadho, chúng ta là nơi nương tựa của chúng ta, đó là chủ đề chính trong giáo pháp của Phật giáo. Đức Phật dạy chúng ta chỉ nên dựa vào chính mình vì chúng ta là tác giả của thiện và ác, và cũng là kẻ sẽ gặt hái kết quả tương ứng về hạnh phúc và đau khổ. Căn nguyên tạo ra thiện ác, vui buồn, thiên đường hay địa ngục đều ở bên trong tâm trí của chúng ta. Tâm là kiến trúc sư chính. Do đó Đức Phật kết luận rằng tâm là các trưởng, tiền thân của tất cả mọi thứ. Tâm là kẻ tạo tác và cũng là kẻ lãnh quả về hành động riêng của mình. Tâm là người chủ ra lịnh cho đầy tớ của mình, là cơ thể, để hành xử và phát biểu mọi thứ.

Có ba loại hành động hay nghiệp được gọi là thân nghiệp, ngữ nghiệp, và ý nghiệp. Khi chúng ta tạo nghiệp tốt thì hạnh phúc, thăng tiến và thiên đường sẽ là những kết quả tiếp theo. Mặt khác khi chúng ta tạo nghiệp ác thì đau đớn, lo lắng, bồn chồn và suy thoái sẽ kéo theo. Sau khi chết, tâm sẽ đi đến một trong bốn cõi thấp chẳng hạn như cỏi địa ngục. Do đó, Đức Phật nhấn mạnh rằng chúng ta chỉ nên dựa vào chính chúng ta. Chúng ta không nên chờ đợi một người nào khác tạo ra hạnh phúc và thịnh vượng, cũng như thiên đường và Niết Bàn cho chúng ta. Chúng ta phải tạo ra điều đó cho chúng ta. Để cầu nguyện trước các tượng Phật hay để xin xỏ với các tăng sĩ ban bố cho sự thành công và thịnh vượng không phải là giáo pháp của Đức Phật bởi vì Ngài chỉ có thể vạch ra cho chúng ta thấy con đường nào tiến đến thanh thản, hạnh phúc, và thịnh vượng, và con đường nào đi đến đau khổ và tàn lụi. Giảng dạy của Ngài có thể tóm tắt như sau: tránh điều ác, làm điều thiện và giữ tâm ý thanh tịnh.

Tạo những nghiệp tốt hay làm những điều phước đức như hiến tặng tài vật cho tổ chức từ thiện cũng giống như gửi tiền vào ngân hàng. Chúng ta càng gửi nhiều tiền vào nhà băng thì chúng ta sẽ càng tích lũy nhiều tiền hơn. Tiền lời cũng sẽ gia tăng và chẳng bao lâu chúng ta sẽ giàu có. Mặt khác, tạo nghiệp ác tương tự như vay tiền từ ngân hàng mà chúng ta sẽ phải trả lại cả tiền vốn lẫn tiền lời. Nó có thể trở thành một gánh nặng không chịu nổi. Những người thiếu nợ luôn luôn thấp thỏm và lo lắng, không giống như những người có tiền trong ngân hàng luôn luôn vui cười bởi vì tiền bạc của họ liên tục phát triển theo thời gian. Đó cũng tương tự như là làm việc phước thiện. Nó làm cho tâm hồn chúng ta thanh thản, làm cho chúng ta cảm thấy hạnh phúc và hài lòng. Nhưng khi chúng ta tạo nghiệp ác, tâm trí của chúng ta sẽ như được đặt trên lửa. Chúng ta trở nên lo lắng và bồn chồn. Điều này chúng ta có thể nhìn thấy vì nó xảy ra trong tâm trí của chúng ta ngay lập tức, ngay tại đây và ngay bây giờ, chớ không phải xảy ra trong đời sau. Do đó, nếu chúng ta muốn được hạnh phúc và thịnh vượng, muốn được ngủ ngon và không phải chịu đựng đau đớn, thì chúng ta phải làm thiện nghiệp và tránh tạo những ác nghiệp.

Có nhiều cách để làm mười công đức hoặc tạo nghiệp tốt được khuyến cáo bởi Đức Phật là:

1. Cúng dường, cho, biếu quà; cung cấp, bố thí. Đặc biệt, sự cúng dường bất kỳ tứ vật dụng cần thiết đến tu viện giòng tu. Nói chung, cách cho thì vô phân biệt , và không mong đợi bất kỳ hình thức đền đáp từ người nhận.

2. Trì giới, phẩm chất ưu tú của luân lý đạo đức trong sáng nhằm ngăn ngừa con người rơi ra khỏi Bát Chánh Đạo. Ngoài ra, giữ giới luật điều đó ngăn giữ con người không có những hành vi bất thiện.

3. Tu thiền định hay sự phát triển tâm linh.

4. Hồi hướng phước đức cho người quá cố.

5. Tùy hỉ, hoan hỉ với những điều tốt mà người khác thực hiện.

6. Phục vụ người khác.

7. Cung kỉnh.

8. Chánh kiến.

9. Nghe Pháp.

10. Thí Pháp.

Những gì chúng ta đang làm ngày hôm nay được gọi là cúng dường hoặc bố thí. Sau khi chúng ta đã cho một cái gì đó tốt và có giá trị như tiền chẳng hạn, chúng ta sẽ cảm thấy hài lòng bởi vì chúng ta đã vượt qua sự ích kỷ, tham lam và tánh hà tiện của chúng ta. Nếu chúng ta chỉ nghĩ đến bản thân, là tham lam và ích kỷ, chúng ta sẽ luôn luôn bị đói, thèm khát. Bằng cách cho ra chúng ta có thể vượt qua chúng và khiến cho chúng ta hạnh phúc và hài lòng.

Giữ giới (Sila) là để tránh không làm tổn thương người khác bằng lời nói và giết hại, trộm cắp, phạm tội ngoại tình, nói dối, và uống rượu, những điều có thể làm tổn thương chúng ta và những người khác. Giữ giới giúp chúng ta loại bỏ căng thẳng, sợ hãi và lo lắng đến từ việc làm bất thiện của chúng ta. Khi chúng ta nói dối, gian lận hoặc ăn cắp chúng ta sẽ lo lắng về việc bị bắt và bị trừng phạt.

Tu thiền là để làm sạch tâm trí của chúng ta ra khỏi phiền não hoặc dục vọng như thèm khát, tham, sân và si mê mà làm cho chúng ta chán nản và đau khổ. Nó cũng giống như giặt quần áo của chúng ta. Để làm điều đó thành công sau đây là ví dụ của Đức Phật và đệ tử cao quý của Ngài, chúng ta cần phải có định và tuệ cũng giống như chúng ta cần nước và chất tẩy để giặt quần áo của chúng ta.

Bằng cách phát triển thiền định và trí tuệ Đức Phật cuối cùng Ngài đã đạt được giác ngộ, do đó trở thành một vị Phật, một người tìm lại cho mình con đường giải thoát của Giáo Pháp, sau một thời gian dài bị thế giới lãng quên. Ngài cũng đã trở thành một bậc Alahán, một vị thánh vô lượng; mà tâm của Ngài không vướng bận phiền não, người đã từ bỏ tất cả mười kiết sử ràng buộc tâm tư vào vòng sinh tử, mà trái tim của Ngài không chịu ảnh hưởng của phiền não, và những người như vậy, không đi vào con đường tái sinh nữa. Cùng với sự giác ngộ Đức Phật cũng nhận ra hạnh phúc tối thượng không điều gì trong thế giới này có thể vượt qua dù cho là sự giàu sang, địa vị cao, lời khen ngợi hoặc là niềm vui dục lạc. Cách duy nhất chúng ta có thể có được nó là thông qua việc thực hành phát triển tâm trí (bhavana), phát triển thiền định và trí tuệ (samadhi và Panna) cho đến khi tâm được giải thoát hoặc là thoát khỏi mọi hình thức của đau khổ (dukkha).

Hồi hướng phước đức cho những người quá cố có nghĩa là chia sẽ những cảm giác nội tâm của người sống phát sinh từ hành động đúng hoặc hành động tốt. Người thụ hưởng sự cúng kiến của chúng ta là những người đã qua đời và rơi vào cảnh giới của ngã qủi , một loài ma đói, một cõi thấp trong các cõi của chúng sinh, đôi khi có khả năng xuất hiện trước loài người. Ngã qủi thường miêu tả trong kinh điển Phật giáo như là chúng sinh đói khổ với cái miệng nhỏ cỡ lỗ kim nên họ không bao giờ có thể ăn đủ để giảm bớt cơn đói của họ. Chúng ta không thể ban phước đức cho người sống vì họ có thể làm phước cho bản thân họ và với số lượng lớn hơn. Mặt khác loài ma đói không có khả năng làm như vậy được và phải dựa vào người sống để giúp cho họ. Những kẻ được tái sinh trong thế giới con người hoặc trên thiên đường đã tích lũy đầy đủ phước đức để giữ họ mãn nguyện và vui vẻ hoặc có thể tích tụ nhiều phước đức hơn nếu họ muốn làm như vậy. Những người tái sinh trong địa ngục có thể không còn nhận được sự hồi hướng của chúng ta, vì họ hoàn toàn bị đốt cháy bởi ngọn lửa đau khổ.

Các ngã qủi thèm khát vật hồi hướng của chúng ta giống như người ăn xin. Chỉ có một phần rất nhỏ công đức mà chúng ta đã tích lũy được có thể chia sẻ với các ngã quỉ, tương đương như số tiền cho một vé xe buýt hay cho một bữa ăn giá rẻ. Đó là tất cả. Vì vậy, mỗi lần chúng ta đã làm được một cái gì đó đúng hay tốt chẳng hạn như giúp đỡ tổ chức từ thiện và muốn làm điều gì đó cho những người quá cố trong thân bằng quyến thuộc, chúng ta có thể hồi hướng công đức này cho họ. Họ có thể đang chờ đợi. Nhưng đối với chúng ta những người vẫn còn sống, chúng ta không nên tự mãn. Đừng mong đợi rằng sau khi chết, những người khác sẽ chia sẻ phước đức với chúng ta. Thậm chí nếu họ có chia sẻ, thì cũng rất ít. Chúng ta có thể tích lũy công đức nhiều hơn trong khi chúng ta vẫn còn sống như những gì chúng ta làm hôm nay, đến chùa để cúng dường, bố thí, giữ giới luật và nghe Giáo Pháp, những việc làm này sinh ra nhiều công đức hơn những gì các ngã qủi sẽ nhận được . Mỗi khi chúng ta bố thí chúng ta nên chia sẻ công đức đó với những người đã qua đời. Nếu họ đang chờ đợi họ sẽ nhận được và chúng ta sẽ đạt được nhiều công đức hơn khi biết chia sẻ.

Sự tùy hỉ là để chúc mừng một ai đó đã hành động đúng hoặc tốt. Khi chúng ta bày tỏ được lòng biết ơn của chúng ta, chúng ta sẽ cảm thấy an lạc. Hành động đúng hay tốt không làm hại bất cứ ai, nó chỉ mang lại lợi ích. Ngay cả nếu chúng ta không trực tiếp được hưởng lợi, chúng ta cũng không nên cảm thấy ganh tị, bởi vì đó là một hình thức dục vọng nó chỉ làm cho chúng ta cảm thấy đau khổ. Mặt khác, nếu chúng ta chúc mừng và bày tỏ sự ngưỡng mộ của chúng ta, chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc. Hành động đúng hay tốt cũng giống như những làn sóng trong đại dương cuối cùng sẽ vỗ vào bờ, sớm hay muộn những lợi ích cuối cùng sẽ đến với chúng ta. Khi một người nào đó trong cộng đồng hành động đúng hoặc tốt, toàn thể cộng đồng sẽ đạt được an toàn và yên bình và sẽ được lợi lạc. Nó trở thành một cộng đồng bình yên tốt đẹp. Khi cộng đồng được bình yên, chúng ta những người sống ở đó sẽ được lợi lạc. Vì vậy, khi chúng ta thấy một người nào đó có hành động đúng hay tốt chúng ta nên bày tỏ sự hỗ trợ và ngưỡng mộ.

Để phục vụ người khác thì khá rõ ràng, do đó không cần phải đi vào chi tiết.

Cung kỉnh hay Khiêm tốn là một đức tính mà chỉ có thể tỏ sự yêu mến của chúng ta cho người khác; nó trái ngược với tính kiêu ngạo, mà chỉ có thể tạo ra sự bất mãn. Nếu chúng ta vẫn cần sự hỗ trợ và thiện chí của những người khác và không muốn bị cô lập, chúng ta phải biết cung kỉnh và khiêm tốn.

Để có chánh kiến là để hiểu được quy luật tự nhiên hoặc sự thật điều khiển sự tồn tại của chúng ta, chẳng hạn như attahi attano nadho, chúng ta là chỗ nương dựa của chính chúng ta vì chúng ta là người làm cho chúng ta vui hay buồn, tốt hay xấu. Khi chúng ta nhận ra điều này, chúng ta sẽ biết làm thế nào để sống hạnh phúc và thịnh vượng, bởi vì chúng ta biết rằng bằng cách hành xử đúng hoặc tốt chúng ta sẽ được hạnh phúc, và nếu hành động sai hay xấu, chúng ta sẽ chịu đau khổ.

Nếu chúng ta tin vào quy luật tự nhiên và hành động thiện và đáng tán thán chúng ta sẽ đạt được hạnh phúc và có một kết quả thuận lợi. Nếu chúng ta không tin, nhưng vẫn hành động thiện, chúng ta cũng sẽ gặt hái những lợi ích như nhau. Nhưng nếu chúng ta không tin tưởng và hành động bất thiện chúng ta chắc chắn sẽ nhận được một kết quả không thuận lợi. Nếu chúng ta tin, chúng ta sẽ chắc chắn không dám cư xử tệ hoặc làm sai. Những người tin sẽ được hưởng lợi từ luật thiên nhiên này trong khi kẻ không tin sẽ không được hưởng vì họ sẽ có cách cư xử càn rở. Thúc đẩy bởi các dục vọng độc đoán như tham, sân và si mê, họ sẽ hành động sai hay xấu vì họ không tin vào thiên đường hay địa ngục, không tin vào sự tái sinh và trong một cuộc sống tương lai họ sẽ gặt hái những kết quả do nghiệp của họ.

Điều này là do quan điểm sai lầm về luật thiên nhiên mà luật này có thể đẩy họ vào vòng tái sinh bất tận và vào sự đau đớn và khổ sở không ngừng do hành động bất thiện của họ, vì họ không có khả năng diệt trừ tham, sân và si. Mặt khác, những người có quan điểm đúng về sự thật sẽ biết rằng nghiệp bất thiện của họ sẽ tạo ra những hậu quả bất lợi mà chính họ sẽ phải gánh chịu. Nhờ vậy, họ sẽ hành động đúng và tốt bởi vì họ không muốn gặt hái những kết quả bất như ý. Bằng cách tiếp tục hành động thiện và đáng tán thán, tâm hồn của họ dần dần sẽ giác ngộ cho đến khi đạt được mức độ mà Đức Phật và các đệ tử cao quý của Ngài đã đạt được.

Lắng nghe Giáo Pháp là một việc làm rất có lợi lạc vì Giáo Pháp tương tự như một ánh sáng trong bóng tối sẽ xua tan ảo tưởng đang che mờ tâm trí của chúng ta. Không có lợi ích gì có thể thu được trong việc thân cận với những người lừa dối . Thay vào đó chúng ta nên thân cận với những người không lừa dối, tương tự như Đức Phật và các đệ tử cao quý của Ngài là những người biết được ánh sáng của Giáo Pháp đã làm cho họ phân biệt được phải trái, tốt xấu. Nếu chúng ta thường xuyên lắng nghe Giáo Pháp, chúng ta sẽ thu được kiến thức, trí tuệ và sự hiểu biết để chúng ta sẽ chỉ làm những điều tốt và đúng và sẽ tạo ra kết quả tốt và thuận lợi. Vì những lý do này thì việc lắng nghe Giáo Pháp là một cách khác để tạo ra công đức.

Thí Pháp là một cách khác để tạo ra công đức. Nếu chúng ta biết một số giáo pháp, dù là ít, chúng ta nên giảng dạy cho người khác. Khi chúng ta biết một người nào đó đang gặp khó khăn và không biết làm thế nào để thoát khỏi tình trạng khó khăn của mình, một lời khuyên dựa theo Giáo Pháp có thể thật là hữu ích, và có thể giúp người đó thêm sức mạnh để phấn đấu. Thời buổi này chúng ta đang thiếu Giáo Pháp. Khi gặp rắc rối, chúng ta không biết phải dựa vào đâu để được hỗ trợ và khuyến khích bởi vì chúng ta đã không đến chùa chiền để nghe Pháp, để đào tạo và phát triển tâm trí của chúng ta. Vì vậy, khi chúng ta gặp khó khăn chúng ta sẽ không biết làm thế nào để đối phó trong khi trên thực tế tất cả đều có thể dễ dàng giải quyết nếu chúng ta có thể chấp nhận được thực tế là bất cứ điều gì đến, sẽ đến. Chúng ta phải đối diện với thực tế. Bất cứ điều gì chúng ta làm, sớm muộn gì chúng ta sẽ phải trả giá cho nó.

Nếu chúng ta đã làm điều gì sai, chấp nhận nó và sẵn sàng đối diện với hậu quả. Nếu chúng ta phải mất tất cả, hãy chấp nhận. Nếu chúng ta nghĩ như vậy, sẽ không có ai tự tử cả. Nhưng thời buổi này khi chúng ta phải đối diện với kết quả bất lợi, chúng ta không biết phải làm gì ngoại trừ nghĩ đến việc chết đi để thoát khỏi khó khăn, không nhận ra rằng chúng ta chỉ có thể giết mỗi một người. Cái tâm sẽ tiếp tục đau khổ trong địa ngục. Khi chúng ta tái sinh để làm người trở lại, chúng ta sẽ tự tử một lần nữa khi chúng ta gặp phải khó khăn mà chúng ta không thể đối phó. Đức Phật nói rằng đối với một lần tự tử sẽ có 500 lần tự tử khác tiếp theo trong những kiếp sau của con người vì nó đã trở thành thói quen.

Cách duy nhất để phá vỡ vòng luẩn quẩn này là dựa vào Giáo Pháp và sử dụng nó để đương đầu với nghịch cảnh của chúng ta. Hãy dùng đức kiên nhẫn, tính kiên trì và lòng khoan dung để đối diện với khó khăn của chúng ta, dù cho nghịch cảnh có nghiêm trọng đến đâu. Chúng ta không nên bỏ cuộc, ngay cả khi sẽ bị tống giam hoặc bị lên án, chỉ cần nghĩ rằng đó là hậu quả của nghiệp bất thiện của chúng ta trong quá khứ. Một khi nghiệp này đã trả hết nó sẽ vĩnh viễn biến đi.

Chúng ta hầu hết có lẽ nghĩ rằng để có phước đức thì chỉ cần đem tài vật hiến tặng đến các tổ chức từ thiện trong khi trên thực tế có nhiều cách khác để có phước đức. Giống như về sự ăn uống, chúng tôi không chỉ ăn gạo mà thôi, chúng ta cũng tiêu thụ rau và trái cây. Cơ thể của chúng tôi cần năm nhóm thực phẩm mục đích để cơ thể được mạnh mẽ và có sức khỏe tốt.Tương tự như vậy, tâm trí của chúng ta sẽ chỉ phát triển nếu chúng ta tu tập mười cách để có phước đức. Do đó, là phận sự của chúng ta để đưa những gì chúng ta học hỏi ngày hôm nay vào thực tế. Sau đó và chúng ta sẽ gặt hái những kết quả thuận lợi của hạnh phúc và thịnh vượng.

 

 

Trình bày: Minh Hạnh và Nguyễn Văn Hòa

Trở về Trang Đề Án Tháng 7, 2010

Đầu trang