Thap Nhi Nhan Duyen = Bai 1

Thap Nhi Nhan DuyenTT. Thích Giác Đẳng

Thập Nhị Nhân Duyên - Bài 9 - Phần kết


TT Giác Đẳng giảng tại khoá tu học năm 1995 tại Thụy Sĩ.
Minh Hạnh chuyển biên

(Xin lưu ý: những bài chuyển biên này chúng tôi hoan hỷ với những ai tải về trang web nhà, để tôn trọng Giảng Sư xin giữ y bản chính, xin đừng sửa chữa. Và xin đề rõ tên người chuyển biên


TT Giac Đẳng: Hy vọng được vượt khỏi sanh tử thì đạo Phật có niềm hy vọng rất lớn, nếu chúng ta tập thiền định trong đời sống của chúng ta rồi thì chúng ta sẽ không bao giờ cảm thấy bị dồn vào chân tường, lúc nào cuộc sống cũng có lối thoát của nó, chúng ta nên hiểu một điều rằng cái khổ mà chúng ta đang có nó cũng có nhân duyên của nó, nó đến được thì nó đi được, sở dĩ chúng ta cảm thấy tắc nghẽn bế tắc không thể phấn đấu được vì một lý do duy nhất là chúng ta nghĩ rằng chuyện đó là chuyện miên viễn đời đời kiếp kiếp là như vậy, nhưng mà rồi chúng ta phải tin rằng nó sẽ chấm dứt. Giai đoạn nào đó khổ sở nhất trong cuộc đời có khi chúng ta muốn quyên sinh tự tử, nhưng chúng ta quên rằng rồi giai đoạn đó nó cũng sẽ đi qua, tất cả mọi thứ đều phải đi qua hết, cái tốt nhất cũng đi qua, cái xấu nhất cũng đi qua, cái vui nhất cũng đi qua, cái buồn nhất cũng đi qua và thọ cũng vô thường, tưởng cũng vô thường, hành cũng vô thường, thức cũng vô thường, mọi thứ đều là vô thường đều biến dịch hết, cái quan trọng nhất của đời sống là chúng ta có sống trầm tỉnh đối với những chuyện đó hay không.

Thưa qúi vị chúng ta cứ lấy một câu chuyện thường tình trong đời sống để chiêm nghiệm lý này trong đạo Phật. Trong đời sống của chúng ta thường xuyên đụng chạm nhiều thứ, va chạm với những người chung quanh, lúc va chạm như vậy thì có lời ra tiếng vào, rồi sau đó chúng ta thường hối hận ăn năn chuyện này chuyện kia phiền muộn. Mỗi lần gặp nghịch cảnh, mỗi lần gặp sự va chạm thì chúng ta hãy tâm niệm một điều rằng bây giờ mình phải nín thở qua sông, cứ ráng im lặng một lúc cho nó qua chuyện đó thì thôi, còn bây giờ chúng ta đổ dầu thêm lửa, làm rắc rối thêm thì về sau này chuyện đó sẽ kéo dài lâu thêm và chúng ta sẽ ăn năn hối hận về những lời nói của mình nhiều hơn. Do vậy người hiểu được nghệ thuật sống lớn nhất ở trong đời là người có thể sống sót qua mọi cơn bão tố phong ba, chứ không phải là khi bão tố phong ba đến thì dương cờ đánh trống chạy ra để đấu với bão tố phong ba phải không?. Chuyện quan trọng nhất của đời sống là chúng ta có thể đi qua nghịch cảnh một cách rất thầm lặng, nhưng rồi cuối cùng chúng ta là kẻ sống sót, sống sót mà không hối hận một điều gì hết thì như vậy chúng ta sẽ sống như Đức Phật, sống như Đức Phật Ngài nói rằng "sống như con độc sừng tê giác" nghĩa là đi ở trong cuộc đời này một cách rất thầm lặng nhưng biết giữ sự an toàn cho chính mình. Và ở đây là chúng ta hiểu rằng sanh vào trong cuộc đời này có muôn ngàn thứ, nhưng làm sao khi qua tất cả những điều đó chúng ta còn được sức sống của mình thì chúng ta biết mọi thứ đều vô thường, mọi thứ đều là giai đoạn, mọi thứ đều là tạm bợ, hiểu như vậy thì chúng ta sẽ trở lên thanh thản và nhẹ nhàng vô cùng.

Như Ngài Xá Lợi Phất người ta đến hỏi Ngài: "Ngài đã giác ngộ và Ngài có thể viên tịch, và sau khi Ngài viên tịch thì Ngài sẽ không còn những hệ lụy đau khổ, không còn phải đi bát mỗi ngày nữa, không còn những phận sự nữa, vậy tại sao Ngài không chết sớm đi" thì Ngài Xá Lợi Phất nói rằng: "Tôi không ham muốn sự sống và tôi cũng không tha thiết với sự chết, tôi chỉ không muốn làm trái cây xanh mà phải rụng thôi." Ý Ngài muốn nói rằng tâm của Ngài đã sống đến mức độ là Ngài có thể sống với tự nhiên của đời sống, đời sống ra sao thì Ngài nhận nó như vậy và Ngài bình thản đi qua những gì xảy ra trong cuộc đời của mình.

Phra Viriyang Sirintharo

Thì thưa qúi vị khi nhìn vào lý nhân duyên chúng ta thấy rằng mỗi thứ ở trên đời này bao giờ nó cũng cần có điều kiện để nó có mặt, điều kiện để nó trưởng thành, điều kiện để tồn tại và khi những điều kiện đó không còn nữa thì tự nó nó sẽ chấm dứt thôi. Cái chân lý về duyên sinh vọn vẹn ở trong câu câu Phật ngôn đó là "Cái này có thì cái kia có, cái này diệt thì cái kia sẽ biến hoại đi" hiểu như vậy thì chúng ta thấy cả cuộc đời này gọi là tương sanh, tương tập, tương duyên, sống là chúng ta tựa với nhau, ngón tay này đau thì ngón tay kia đau, người này bị ảnh hưởng thì người kia bị ảnh hưởng, chúng ta phải có nhiều lòng bi mẫn hơn với cuộc đời, chúng ta sống có trách nhiệm hơn, và đồng thời chúng ta không đổ lỗi cho bất cứ ai hết. Có đôi lúc như vầy, một người nào đó họ nói một câu hoặc họ làm chuyện gì đó làm chúng ta buồn thì chúng ta biết rằng; yếu tố có quá khứ có hiện tại, có vị lai. Hiện tại có khi chúng ta rất tốt với họ, nhưng biết đâu trong quá khứ chúng ta có làm chuyện gì oan trái, chúng ta hoàn toàn không biết. Rồi nhiều khi họ nói chúng ta nhiều câu bực mình, không phải là tại vì chúng ta làm lỗi mà có thể là tại vì cơ thể họ không được khỏe chẳng hạn họ đâm ra dễ bực mình. Có muôn ngàn lý do, muôn ngàn nhân duyên, và muôn ngàn điều kiện. Trong kinh điển Bắc Tông thì thường dùng danh từ gọi là "trùng trùng duyên khởi, điệp điệp duyên sinh" nghĩa là có hàng ngàn lý do như vậy, lý do là tại vì chúng ta là người Việt Nam, tại vì chúng ta là người da vàng, bởi chúng ta có mặt ở đây và trong thời điểm này, bởi vì chúng ta như vầy như khác thành ra người ta mới kỳ thị mình, và như vậy chúng ta đừng trách mình nhiều lắm, và có mặc cảm nhiều lắm. Chúng tôi muốn nói điều này liên quan đến lý duyên sinh không phải là một điều nói ra ngoài đề tài, chúng tôi chỉ muốn nói đến một sự kiện rất căn bản ở đây, là "lý duyên sinh có ảnh hưởng lớn đến đời sống của mình", nếu chúng ta ngồi trầm tư một cách cặn kẽ trong đời sống thì lý nhân duyên đó sẽ thay đổi, thay đổi lớn và thay đổi rất nhiều phần ở trong cái nhìn nhân sinh quan của mình.

Chúng ta hết phần sau cùng của lý Thập Nhị Nhân Duyên.

Tập Thanh Tịnh Đạo đem qua rất là giới hạn, lần tới trở lại Paris này chúng tôi sẽ cùng với qúi vị đọc quyển Thanh Tịnh Đạo, do vậy chúng tôi có lời yêu cầu là số kinh Sư Chơn Trí mang qua chúng ta phải giữ lại 5, 10 cuốn ở chùa này để làm tài liệu về sau này cho những khoá tu, nhưng qúi vị Phật tử nào muốn có tập này thì qúi vị có thể hỏi chùa Pháp Vân bên Hoa Kỳ, quí vị viết thơ gửi Sư Chơn Trí, Sư Chơn Trí sẽ gửi cho qúi vị, qúi vị ở nhà nên có tập sách Thanh Tịnh Đạo. Chúng tôi mong rằng qúi Phật tử sẽ có thời giờ đọc bộ Thanh Tịnh Đạo này, là một tập sách rất quan trọng được Sư Cô Thích Nữ Trí Hải dịch sang tiếng Việt. Chúng tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta rồi sẽ mang ơn Sư Cô trong công trình dịch thuật này, bởi vì đây là một quyển sách rất khó dịch và Sư Cô đã dịch mà chúng tôi nghĩ rằng khó có ai có bản dịch sáng sủa hơn bản dịch Thanh Tịnh Đạo này của Sư Cô Trí Hải, do vậy đây là bộ sách qúi, nhiều khi sách cho không không phải là không qúi, nhưng trường hợp này rất đặc biệt, sách cho không này rất là qúi thưa qúi vị, chúng tôi ở trong chùa rất lâu và tập sách này là chúng tôi đọc nhiều nhất và thích nhất để học Phật pháp đó là bộ Thanh Tịnh Đạo.

Thanh Tịnh Đạo nói về bảy điều thanh tịnh, bảy điều thanh tịnh được ví dụ như bảy trạm xe, khi đi đến nơi nào đó thì phải đi qua bảy trạm xe đó, thì mỗi cái thanh tịnh như vầy:
Thanh tịnh đầu tiên gọi là giới thanh tịnh. Một người bắt đầu khép mình vào khuôn khổ nào đó và có thể trong sạch bởi vì những khuôn khổ đó, nguyên tắc đó, gọi là giới thanh tịnh.
Nhờ có giới thanh tịnh thì tâm mới thanh tịnh,
tâm thanh tịnh ở đây được nói đến những phương pháp thiền định.
Tâm thanh tịnh dẫn đến kiến thanh tịnh
Kiến thanh tịnh dẫn đến đoạn nghi thanh tịnh,
dẫn đến đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh,
rồi dẫn đến đạo tri kiến thanh tịnh
Rồi dẫn đến tri kiến thanh tịnh

Qúi vị nghe nói nhiều như vậy thì chắc hơi nhức đầu một chút. Nhưng mỗi một giai đoạn đi qua nó là cả một điều kỳ diệu trong sự tu tập . Chúng ta sẽ giải quyết được nhiều vấn đề lấy ví dụ rằng: Tại sao có đôi lúc chúng ta muốn ngồi thiền mà chúng ta lại không thể ngồi thiền được, tại sao có nhiều lúc chúng ta đã đi đến một tiến bộ nào đó rồi bỗng như chúng ta bỏ cuộc, chúng ta quay đầu lại, thì tất cả điều đó được viết trong những phần của "Thất tịnh". "Thất tịnh" tức là bảy điểm thanh tịnh, bảy bước đi thanh tịnh mà Ngài Buddhaghosa gọi là Visuddhimagga là Thanh Tịnh Đạo, đó là một cẩm nang. Như chúng tôi có thưa với qúi vị ở trong sự tu tập không ai giống ai hết, đi tu là cái gì rất riêng tư của mỗi người, không ai có thể lấy cách tu của người khác đem qua cách tu của mình được, tuy nhiên có một số nguyên tắc căn bản nào đó thí dụ như Bát Chánh Đạo, thí dụ như Tam học giới định tuệ, thí dụ như Thất tịnh - bảy pháp thanh tịnh đạo - đều là những phương pháp hướng dẫn một cách rất căn bản. Thật ra ở trong bảy bước thanh tịnh này thì điều đầu tiên là giới thanh tịnh thuộc về giới, tâm thanh tịnh thuộc về định và sáu thanh tịnh còn lại về huệ, do đó khi nói đến Thanh Tịnh Đạo thì giảng rất nhiều về huệ, mà chúng ta thường nghe giới nhiều hay định nhiều, nhưng chúng ta nghe nhiều về huệ rất là ít. Và bộ sách này đặc biệt khai triển ở trên phương diện huệ học.

Đức Phật Ngài cho rằng chúng ta mỗi người ở trong tiến trình tu học có ba điều nên biết đó là giới học định học và huệ học, chúng ta học về giới, học về định, nhưng chúng ta cũng nên học về huệ. Tập sách Thanh Tịnh Đạo này là một bộ sách chúng tôi nói là cẩm nang cho mọi người tu tập. Ở trong lần kế tiếp chúng tôi không biết khi nào, có lẽ tháng Chín này hoặc là sang năm 96 khi chúng tôi sang chùa Kỳ Viên này và thời gian ở lâu chúng tôi sẽ cố gắng dành thì giờ để đọc tập Thanh Tịnh Đạo này với qúi vị, và mong rằng tập sách này sẽ được tôn trí tại chùa giống như "Pháp Bảo Tín Tự", khi nào chúng ta cần bàn Phật Pháp chúng ta có thể đem tập Thanh Tịnh Đạo này ra. Chúng tôi lấy một thí dụ thôi khi nói đến thiền định thì nói đến những đề mục của thiền định, khi nói đến đề mục của thiền định thì nói đến ân Đức Phật, Pháp, Tăng và nói đến những đề mục khác. Và ân đức Phật Pháp Tăng được nói đến rất là rõ ràng, như qúi vị nghe nói đến Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc v.v... thì trong tập Thanh Tịnh Đạo này được giảng rất đầy đủ. Hay là nói đến tâm từ, phát triển lòng từ bi như thế nào, tu tập lòng từ như thế nào cũng được đề cập đến trong tập Thanh Tịnh Đạo này. Như vậy thì đây là bộ sách rất là qúi, chúng tôi mong rằng qúi vị ở trong mỗi gia đình có tập sách đó và ở chùa chúng ta có để mỗi lần chúng ta bàn về Phật Pháp chúng ta có thể có một giáo án hay là có tài liệu, tài liệu đó là chuẩn cho sự tu tập. Khi bộ Thanh Tịnh Đạo này được dịch ra thì chúng tôi rất là mừng, và niềm vui rất là lớn, nhưng khi đã được in ra thì cảm thấy mừng hơn tại vì in ra cũng tốn tiền lắm, một bộ tất cả ba cuốn mà cuốn thứ hai thì gom lại cuốn hai và cuốn ba thành một, thành ra một bộ bây giờ chỉ có hai cuốn mà thôi, và in xong đã là chuyện đáng vui rồi nhưng nếu có Phật tử bỏ công ra tu học thì càng vui nữa, nhưng có người nào hiểu và chứng đạo thì thiệt là vui lắm.

TT Giác Đẳng trả lời câu hỏi của Phật tử.

1) Khi nói đến đoạn nghi, khi nói đến sự phân biệt đạo hay là phi đạo thì chúng ta nói đến một tiến trình chưa hoàn thành, như bây giờ chúng ta muốn tìm biết một người nào đó, có khi chúng ta phải đặc ra vấn đề không biết người bạn mình ra sao và chúng ta phải giao thiệp như thế nào, nhưng khi chúng ta đã thân và biết hoàn toàn và quen thuộc với người đó chúng ta không còn cảm giác đó nữa, chúng ta cảm thấy rất tự nhiên, tương tự như là "bất động" vậy, ở trong đời sống khi mà tri kiến đã lãnh hội và đã hội nhập được với các pháp rồi, thì tri kiến đó không còn cảm thấy rằng phải phân biệt, phải tìm hiểu, phải đo đạc, do đó được xem là "bất động".

2) Ngày xưa có hai người bạn rất thân với nhau, một người tu bên Tiên đạo và một người tu bên Phật đạo, người tu bên Tiên đạo đó là ông Khương Triều Sinh, thì trong lúc bạn thân đàm đạo với nhau thì họ mới có lời đánh cá với nhau là "anh tu bên Tiên anh thử viết một bộ kinh Phật cho tôi coi có được không?" và người tu bên đạo Phật thì nói với người tu tiên là "viết một bộ tiên đạo xem có hiểu về đạo lý Tiên đạo hay không?", thì rốt cuộc là chúng ta có một bộ nói về "Tiên nữ Đồng Tân" và một nói về "Tây Du Ký", trong bộ Tây Du Ký này thì họ mượn cốt truyện của Ngài Đường Huyền Trang sang bên Trung Ấn để thỉnh Tam Tạng, và khi Ngài thỉnh Tam Tạng trở về Ngài có viết một tập gọi là Tây Du Ký do chính Ngài viết, bởi vì do chính Ngài viết thành ra chỉ là hồi viết về chuyến đi của Ngài, và chắc chắn rằng nếu mà tự Ngài viết hồi ký đó thì Ngài đã không viết giống như Đường Tam Tạng thê thảm như trong truyện Tây Du Ký. Tuy nhiên trước nhất đó là một cặp tiểu thuyết và ông Khương Triều Sinh viết tập Tây Du Ký này thì ông cố gắng là dùng cái cái hiểu của Tiên đạo của mình để bày tỏ cho người bạn biết rằng ông hiểu rất nhiều về Phật lý, như vậy khi ông viết về những nhân vật như Tề Thiên, Chư Bát Giới, về Satăng thì ông có dụng ý viết về Đường Tam Tạng giống như một người mà ông gọi là chân tâm, chân tâm tức là tâm hồn rất hạo nhiên, rất hồn nhiên, rất là chân thật của con người, nhưng bên cạnh chân tâm đó thì có tham, có sân, có si, những tham sân si mạn nghi tà kiến những thứ này được xem như là những phiền não nó dày vò, nhưng mà cuối cùng rồi ở trong sự chiến đấu thì chân tâm vẫn thắng. Và ông viết ra bộ Tây Du Ký như vậy, ngày hôm nay mặc dầu trong kinh điển chúng ta không thấy Satăng, Chư Bát Giới, nhưng phải nhận đó là một quyển tiểu thuyết rất phổ thông, rất nổi tiếng. Không biết qúi đạo hữu ở đây có khi nào đi về miền quê các chùa nhiều khi có thờ Tề Thiên Đại Thánh nữa, thờ đó gọi là "Đấu trí thắng Phật" là Tề Thiên và xem đó là một vị Bồ Tát thật sự chứ không phải là một nhân vật tiểu thuyết, nhưng mà đó lại là một nhân vật tiểu thuyết Trung Hoa. Có những cốt truyện mà rất là Trung Hoa, lấy ví dụ như hỏi người Ấn Độ rằng Tây Phương ở đâu? thì họ nói rằng mười muôn triệu thế giới ta bà về hướng tây thì ở đó là Tây Phương Cực Lạc, nhưng mà hỏi người Trung Hoa Tây Phương ở đâu thì họ nói ở Ấn Độ là Tây Phương. Như ngày xưa Phẩm Phổ Môn được phổ biến rất nhiều ở miền Nam Trung Hoa nên Đức Quan Thế Âm Bồ Tát được xem là "Thường cư Nam Hải" là vị Bồ Tát thường ở biển Nam Hải, tại vì thời đó dân chỉ biết là biển Nam Hải là lớn nhất, họ không biết có Đại Tây Dương, không biết có Nam Băng Dương, Bắc Băng Dương, không biết có những chỗ khác nữa, nên đó là cái nhìn của người Trung Hoa. Tuy vậy khi đọc kinh sách và đọc lịch sử về tư tưởng của người Trung Hoa thì chúng ta cảm thấy rằng các vị tổ của Phật giáo Trung Hoa có nhiều sáng kiến rất độc đáo để đem đạo Phật vào nền văn hoá này. Văn hoá Trung Hoa cũng giống văn hóa Ấn Độ là một văn hoá rất là sáng rạng, và người Trung Hoa họ rất hãnh diện, rất là kiêu mạn đối với nền văn hoá của họ,(nhưng mà gói thuốc vào trong chuối mà người Trung Hoa họ ăn được thì cũng là hay lắm). Qúi vị biết rằng ngày xưa người Trung Hoa rất là quan trọng về gia đình, cái chuyện bỏ cha bỏ mẹ bỏ vợ bỏ con bỏ nhà đi tu thì chuyện đó không chấp nhận được trong nền văn hoá Trung Hoa. Một người sanh ra đời gọi là đàn ông, là trượng phu là quân tử phải là người biết thờ vua là làm bổn phận người dân làm quan, phải biết thờ cha tức là phải biết nối giòng nối giống trong gia đình, và rồi phải biết chăm sóc cho vợ con. Nhưng mà rồi một người đàn ông mà từ bỏ gia đình sống cuộc sống không gia đình như Đức Phật đã từng làm, thì đem vào văn hoá Trung Hoa mà có thể chấp nhận được, thì các vị đó mình phải chắp tay cúi đầu kính phục, các vị rất là khéo, cái vị dùng nhiều phương tiện.

3) Bất khả tư nghì tức là không thể nghĩ bàn được, có những chuyện ở trong đời mà mình không thể suy nghĩ đến. Có bốn điều ở trong kinh gọi là bất khả tư nghì thôi, nhưng về sau này điều gì không nghĩ được ai cũng nói là bất khả tư nghì, nhưng không phải cái gì cũng bất khả tư nghì hết (mình không tư nghì được nhưng người khác tư nghì được). Bất khả tư nghì mà Đức Phật nói trong kinh là:
Tâm thì không tư nghì được, cái độ nhanh của tâm, cái linh hoạt, cái biến động của tâm là bất khả tư nghì.
Cái trí huệ của Đức Phật không thể tư nghì được.
Cái quả của nghiệp không thể tư nghì được.
Và hiện tượng của vạn pháp không thể tư nghì được.
Như trường hợp như vầy, hỏi là tại sao con quạ đen con cò trắng, thì mình không biết nói sao vì chuyện đó là chuyện của thế gian nó như vậy đó, thì bây giờ mình ngược trở lại là nếu con quạ nó trắng con cò đen, mình hỏi tại sao con quạ trắng con cò đen, bây giờ con cò đen thì hỏi tại sao con cò đen, hỏi tới hỏi lui vậy thôi, vậy ở đời phải có trắng có đen có này có kia, vì vậy các pháp của thế gian là bất khả tư nghì.

Cái "quả của nghiệp bất khả tư nghì" là một việc mình làm ảnh hưởng của nó không lường, mình không bao giờ nghĩ được ảnh hưởng có thể đo lường được nó đi đến đâu, như ông Hồ Thích đưa ra một thí dụ, ông nói rằng một người nào đó một buổi chiều ngồi gảy đàn trong sân sau của họ, tiếng đàn trong vắt như vậy bay sang nhà hàng xóm, rồi một anh thi sĩ nào đó nghe tự nhiên xúc cảnh sanh tình nên làm một bài thơ, và bài thơ đó khi phổ biến ra bên ngoài ảnh hưởng đến nhiều tâm hồn và những tâm hồn ảnh hưởng nữa, như vậy chúng ta không đo lường được ảnh hưởng tiếng đàn đến mức độ nào, mà cái quả của nghiệp thì bất khả tư nghì. Như trường hợp như vầy, qúi vị đem bông hoa đến chùa cúng Phật rồi ngày sau sanh ra qúi vị là một người rất là đẹp đẽ, rồi sắc đẹp đó làm nhiều người động lòng, rồi nhiều người động lòng sanh ra phiền não, rồi phiền não sanh ra đủ thứ chuyện hết, rồi chuyện đó sanh ra nhiều luân hồi, chúng ta ngồi phăng từ gốc đến ngọn chúng ta không biết nó ở đâu, do đó "nghiệp quả là bất tư nghì,"

Rồi trí huệ của "Đức Phật là bất tư nghì," tại vì trí của chúng ta là trí dựa trên lý luận, còn trí của Đức Phật là dựa trên sự trong sáng của tâm hồn, tâm hồn của Đức Phật giống như tấm gương vậy, cái gì để trước mặt Ngài cũng phản chiếu được hết, tại vì Ngài không bị ngăn ngại bởi phiền não, không bị thành kiến, không bị cái này cái kia. Do vậy không ai hiểu được trí của Đức Phật sâu đến mức nào, rộng đến mức nào.

"Tâm thì bất khả tư nghì", tâm tính của con người khó hiểu.

Như vậy "Bất khả tư nghì" nguyên thủy Đức Phật Ngài nói có bốn điều bất khả tư nghì - không thể nghĩ bàn cùng tận gọi là rốt ráo trong cuộc đời này. Nhưng về sau này vì Phật tử quen rồi thì cái gì không thể nghĩ được thì gọi là bất khả tư nghì.

4) Thật ra thì thời xưa bên Ấn Độ Đức Phật Thích Ca được xem như là một vị Đạo Sư là một vị đem chánh pháp truyền đạt vào trong cuộc đời, nhưng mà hình ảnh của Đức Phật trong kinh điển Bắc Tông cũng giống như trong kinh điển Nam Tông thì Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không được mô tả giống như một vị cứu rỗi, cứu rỗi ở phương diện là khi mình cần gì mình kêu Ngài hay mình niệm Ngài thì Ngài phóng quang tiếp độ mình - thì không có - , về sau này để cho người ta nghĩ tới Phật nhiều hơn do đó các vị Tổ Sư mới khuyên người ta niệm Phật Di Đà, niệm theo cách gọi là nhất tâm bất loạn, nếu mình niệm hoài niệm hoài giống như pháp thiền định thì được vãng sanh. Vì để niệm nhất tâm bất loạn thì các vị bày cho là khi ăn khi ngủ, khi đứng khi nằm khi ngồi khi nói chuyện thì thường thường hay khởi đầu là chữ A Di Đà Phật, như vậy là nhất tâm bất loạn niệm hoài sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật từ từ nói ngắn lại là A Di Đà Phật. Lâu ngày như vậy từ ngôn ngữ để niệm Phật để cầu vãng sanh trở thành ngôn ngữ giao tế bên ngoài, thường thường niệm là Nam mô A Di Đà Phật. Về sau này người Trung Hoa họ lấy chữ Nam Mô A Di Đà Phật xem như một câu niệm cát tường, vì chữ A Di Đà còn được dịch là vô lượng thọ, vô lượng quang. Rồi khi giữa Thiếu Lâm và Võ Đang phân chia ra, họ cũng là Phật tử thì ai muốn biết mình là người Võ Đang thì họ niệm là Vô Lượng Thọ Phật, ai muốn biết là Thiếu Lâm thì niệm A Di Đà Phật, họ dùng như vậy để phân biệt tông phái. Cũng có nhiều cái nhìn khác nhau về quan niệm niệm Phật, nhưng quan niệm niệm danh hiệu Phật nó phát xuất từ thiền tông, mà niệm chuyên tâm nhất tâm bất loạn, niệm hoài niệm hoài niệm nhập tâm thì sẽ chứng đắc. Tuy nhiên khi các Ngài giới thiệu về Đức Phật A Di Đà thì ở trong đó có liên quan đến 48 lời nguyện Đức Phật A Di Đà, trong 48,000 lời nguyện đó có đề cập rằng: "hễ ai niệm danh hiệu của Ngài thì khi chết cầu được vãng sanh", bởi vậy người đời sau hay niệm Đức Phật A Di Đà để cầu vãng sanh về cõi cực lạc. Điều này cũng đáp ứng nhu cầu của thời đại mà người ta ở bên Ấn Độ người Bà la Môn giáo nói rằng những người tu tập nào mà thường niệm tưởng đến Phạm Thiên thì chết sẽ sanh về cộng trú với Phạm Thiên, rồi những người đó đến hỏi những người Phật tử "vậy chớ chúng tôi tu hành lâu khi chết vãng sanh về ở với Phạm Thiên, còn qúi vị là Phật tử thì chết đi về đâu". Phật tử không biết phải trả lời như thế nào, nói là "Chết thì đi theo cái nghiệp của mình" nghe nói thì bi đát quá, do đó các vị phải nghĩ rằng "Chết phải đi về cõi Phật" hỏi coi Phật ở đâu thì cũng phải có cõi nào để đi, do vậy từ đó ý niệm cầu vãng sanh mà ra.

Thật ra thì thời Đức Phật còn tại thế quan niệm gọi là "cầu vãng sanh" là ở trong giới luật của Nam Tông và Bắc Tông thì điều đó là điều phạm giới luật. Là một vị Tỳ kheo trong lúc tu tập hành đạo mà không nghĩ tu hành để diệt trừ phiền não chứng đắc Niết Bàn, mà nghĩ tu để kiếp sau sanh về cõi này cõi kia nhất là cõi Chư Thiên thì là phạm tác ác, nên thời Phật còn tại thế thì những người Phật tử tu tập rất ít khi nói đến kiếp sau, chỉ nói kiếp hiện tại là phải tu như thế nào, chứng như thế nào, đắc được an lạc và hạnh phúc như thế nào, nhưng sau khi Đức Phật Ngài viên tịch rồi thì tự nhiên cái hiện tại mình thấy chỉ chừng đó thôi và nói kiếp sau dễ nói hơn là nói kiếp hiện tại, do đó càng lúc người ta nói kiếp sau càng nhiều, và bây giờ qúi vị để ý có nhiều Phật tử tu là cho kiếp sau chứ không phải tu cho kiếp này - tu để kiếp sau được chỗ này, tu để kiếp sau sanh chỗ kia - chứ không nghe ai nói rằng tu để kiếp này mình đỡ hơn, mình khá hơn, cho kiếp này mình bớt được phiền não, họ không nói như vậy, mà cứ lo cho kiếp sau thôi, và hình như đó là hiện tượng chung của các tôn giáo. Có một hiện tượng chung của các tôn giáo là sự răng đe, răng đe là một hình thức của các tôn giáo, qúi vị để ý là bên Thiên Chúa giáo, cũng như ở miền Nam, người nào sống ở lục tỉnh lâu qúi vị thường nghe đến chuyện "Sấm ký", họ nói rằng thời mạt pháp tới rồi và khi thời mạt pháp thì sẽ có một đại nạn xảy ra và lúc đó sẽ có sự phán xét "Người nào khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm" lúc đó thì mọi người bị đem ra xử hết và tận cùng thế giới tới nơi rồi, và sau đó hội Long Hoa ra đời, và hội Long Hoa chỉ dành cho những người khéo tu thôi. Thì bên Nhật Bản mà qúi vị nghe chuyện hơi lộn xộn, ông giáo chủ của một tôn giáo gọi là Tôn Giáo Tối Thượng chủ trương là thế gian này sắp tận thế rồi và khi chưa tận thế ông phải chế ra cái gì để làm cho tận thế. Nhưng mà tại sao điều đó lại quan trọng với con người tu tập như vậy? là tại vì nói đến chuyện tu hành để đắc đạo chứng quả diệt trừ phiền não thì người ta nghe không sợ, phải nói là ngày mai là động đất rồi trời sập thế gian này tiêu tan thì người ta mới sợ mới lo tu. Thành ra hình như tôn giáo nào họ cũng chế ra kiểu này kiểu khác để đe dọa tín đồ, người Phật tử thì không sợ vì chưa ai hăm doạ, nếu có ai hăm dọa chúng ta thì chúng ta cũng sợ. Nhưng thật sự thì Đức Phật Ngài không dùng chuyện đó để Ngài dạy đạo nhưng các tôn giáo khác thì dùng chuyện đó rất nhiều, và đặc biệt ở miền Nam chúng ta nghe chuyện đó nhiều lắm, tại vì sao vậy? nếu chúng ta sống là những người họ không biết thờ cha kính mẹ, ngỗ nghịch sát sanh trộm cướp đủ thứ hết mà biểu họ vào để lắng nghe pháp để phát tâm tu tập tự giác giác tha thì họ không làm được, do vậy họ mới nói rằng mai mốt tận thế rồi mạt kiếp rồi, bom đạn đổ xuống - thấy sợ chưa? - và rồi khi thời mạt pháp đổ đến sẽ có đem phán xử, mọi người sẽ đi qua sự phán xử đó, nhưng chắc chưa có ai có ý kiến độc đáo như bên Nhật Bản, chưa tận thế họ cũng ráng làm cho tận thế. Nhưng những chuyện đó chúng ta phải coi chừng vì những trào lưu tôn giáo rất là tai hại, cái gì mà nói đến tôn giáo rất là tai hại, nên trong sự tu tập chúng ta phải hết sức là cẩn thận, tại vì khi đã nói đến đức tin rồi có nhiều khi không thể nào đụng đến được. Sư Giác Chánh cũng như Ngài Tịnh Sự thường nói một điều rằng "Người tu mà tham nhiều thì ít có đáng ngại, sân nhiều ít có đáng ngại mà tà kiến thì rất đáng ngại". Khi mà đức tin gọi là "chấp quấy nghĩ sai" rồi thì thật sự là ghê gớm lắm, có những việc mà chúng ta không tưởng tượng được là họ làm như vậy. Ở bên Hoa Kỳ không biết có bao nhiêu phong trào nghe thì rất là vô lý, nhưng cũng có vô số người theo, ví dụ như họ nói rằng "Khi tận thế thì chúa chỉ cứu một trăm mấy chục ngàn người thôi và tất cả chúng ta những người theo đạo có cả khoản chừng 300 ngàn người, thì trong số 300 ngàn người đó chỉ 160 mấy ngàn người là được dự phần vào đó thôi, thành ra mọi người phải tranh đấu thế nào để mọi người dự phần vào trong số 160 mấy ngàn người đó." Như vậy mà người ta cũng tin được, và họ tin một cách rất là mạnh.

Chúng tôi nhớ ngày xưa ở bên Thái Lan có một vị Sư người Thái Lan, vị Sư đó nói với chúng tôi là người Tây Phương họ có hai thứ tôn giáo: một là Thiên Chúa, hai là Cộng Sản, người Thiên Chúa thì nói rằng Chúa tạo ra chúng ta từ cục đất sét, còn người Cộng Sản thì nói rằng ông bà chúng ta từ con khỉ mà ra, thành ra nói chúng ta từ con khỉ hay từ cục đất sét làm cho tôi đều bất bình, nhưng chúng ta phải nghe vì họ có súng và có tiền." Nhưng về chuyện đó thì chúng tôi thấy rất là vô lý khi chúng tôi qua Mỹ để ý thì thấy rằng riêng đối với niềm tin có một điểm rất là đặc biệt là thưa qúi vị khi mà con người của chúng ta không có điểm nương tựa nhất là về đời sống tinh thần mà bị suy sụp thì người ta rất là dễ tin.

Và chúng tôi muốn nói với qúi vị Phật tử một điểm đây là nói đến tà kiến có bốn nguyên nhân sanh ra tà kiến, ở trong bốn nguyên nhân đó có một thứ tà kiến là do nghiệp quá khứ mà sanh ra tà kiến. Nghiệp quá khứ là sao? ở trong quá khứ mình mê hoặc người khác, mình cho người khác những thứ tà vạy, kinh sách tà vạy, thì đời này sanh lên mình bị cái nghiệp tà kiến, nghiệp tà kiến cũng dễ sợ lắm. Tà kiến do thân cận bạn xấu là một nguyên nhân, tà kiến do thiếu trí tuệ là một nguyên nhân, tà kiến do kiêu mạn là một nguyên nhân, nhưng mà cũng do nghiệp trong quá khứ nữa. Vì vậy ở trong đời sống tuyệt đối điều nào kinh cao sách đúng thì cho người khác, còn cái nào mình nghĩ là tà vạy thì đừng bao giờ cho người khác, hãy cho bằng lương tâm của chính mình, còn nghĩ rằng chuyện đó không đúng thì đừng bao giờ cho người khác. Qúi vị biết rằng người nào trong đời này mà bán rựơu, đem rượu cho người khác uống, đem rượu mời người khác thì đời sau cũng là cái nghiệp sanh ra mê si. Nên cái gì mà mình cảm thấy là nhân sanh ra bất thiện thì đừng làm. Giống như chuyện mà quí vị nghe ông Davis..... bên Hoa Kỳ, thì những người đó tà kiến có khi là do nghiệp mà ra, vì họ cũng có trí tuệ, có trí mà họ lại tin vào những điều đó, mà họ tin một cách mù quáng, thì khi tà kiến mà do nghiệp thì không biết trời cứu có được không, chứ thật sự là khó lắm. Như thời Phật còn tại thế có ông Champapani ông suốt cuộc đời chỉ đứng một chân, buổi tối ông mới lén đi hai chân, ông mới bò xuống hầm phẩn lấy phẩn mà ăn, nó là cái nghiệp như vậy, cho đến khi gặp Đức Phật thì Đức Phật Ngài mới cho ông biết là trong quá khứ ông có nghiệp là phỉ báng một vị A La Hán rồi đời này sanh ra ông mới bị cái nghiệp khổ như vậy, và sau đó thì ông phát tâm tu theo Đức Phật.

Thì thưa qúi vị, nhiều trường hợp Đức Phật cho chúng ta biết rằng con người sở dĩ sanh lên mà tin và cố chấp vào những chuyện sai quấy đều là do nghiệp lực trong quá khứ, do vậy chúng tôi gặp những người bình thường họ không mê tín hay chấp những điều gì tà kiến thì có đôi khi chúng tôi rất là hoan hỷ, chúng tôi nghĩ rằng dầu sao có những người tâm hồn họ rất là nhẹ, họ không bị mê hoặc, không bị nghiệp trong quá khứ, do đó họ có cơ duyên đến với Phật Pháp để tu tập. Khi đã bị cái nghiệp rồi thì khó gỡ lắm, họa chăng là có Đức Phật, và Đức Phật Ngài biết được nghiệp quá khứ của mình và Ngài nói cho mình biết thì mình mới tỉnh được, còn nếu không biết được nghiệp qúa khứ thì chịu thôi. Như Angulimala là một người trau dồi pháp Ba La Mật rất là đầy đủ đắc đạo chứng quả được, nhưng đời này sanh ra thân cận với bạn xấu, ông Thày xúi đi giết người cắt ngón tay để làm tràng hoa do kiến thức sai lầm, nhưng gặp Phật Ngài mới cho biết đó là do nghiệp trong quá khứ. Như Chư Phật ở trong quá khứ các Ngài thực hành khổ hạnh chỉ có bảy ngày thôi, mà Đức Bổn Sư Thích Ca của chúng ta thực hành khổ hạnh sáu năm là do cái nghiệp quá khứ của Ngài, là Ngài bày tỏ sự kiêu mạn đối với Đức Phật Ca Diếp rồi sanh lên Ngài phải thực hành khổ hạnh sáu năm như vậy, trong khi chư Phật khác chỉ thực hành khổ hạnh thời gian là bảy ngày thôi. Như vậy thì nói đến chuyện tà kiến, nói đến chuyện đức tin là cái gì mà chúng ta phải cẩn thận lắm, nếu qúi vị cầm một tập sách nào mà tập sách đó qúi vị nghĩ nó có hại về đời sống tinh thần và qúi vị thành thực tin rằng nó có hại về đời sống tinh thần thì tốt hơn là qúi vị đừng cho ai hết, chúng ta đừng cho bừa bãi, thí dụ như thấy mình không sài thì đem cho người khác, cái đó là có hại chứ không phải là không, vì đời sau nó là nhân sanh si mê, điều nào mình thành thực nghĩ rằng nó là tốt thì mình chia sẻ với người khác, và điều nào mình nghĩ rằng chuyện đó không tốt dù mình có thích đi nữa thì cũng nên để nó một bên, đừng đem tặng cho người khác. Ví dụ như người ta không uống rượu thì đừng mời người ta uống rượu, những cái đó cũng sanh ra nghiệp si mê về sau này, khi gọi là cái nghiệp thì mệt lắm, khó có ai có thể sửa được, dầu là cha mẹ, ông bà khuyên can mấy cũng không được vì nó là cái nghiệp rồi.

5) Đúng ra thì niệm Phật và một số các đề mục niệm khác đều gọi là phương tiện để nhiếp tâm thôi, nhiếp tâm tức là để gom lại tâm ý của mình, niệm Phật sẽ có lợi cho một số người nào đó trong giai đoạn đầu hành thiền, họ cần có sự hỗ trợ của đức tin cho chánh niệm, hay đức tin của họ yếu, tín lực họ yếu, họ niệm Phật để tăng đức tin. Nói là có hại thì không thể có hại được, tuy nhiên với một người theo dõi hơi thở hay tu tập oai nghi, niệm thân thọ tâm pháp có tiến bộ thì không cần thiết phải niệm "Arahan Đức Phật Trọn Lành", dầu sao đi nữa thì riêng với bản thân của chúng tôi khi làm việc với máy móc computer nhiều hay là đọc sách báo hay đang lo chuyện gì, lúc ngồi theo dõi hơi thở tự nhiên có khi gặp nhiều khó khăn thành ra khuyên niệm Phật thì dễ hơn, niệm Phật hay đếm hơi thở dễ hơn, vì điều đó giống như phương tiện để nhiếp tâm, không có gì hại cả.

6) Một lần nữa khi chúng ta nói về quán niệm, ngày hôm qua chúng ta có lấy ví dụ là cũng thời đề mục đó chúng ta có thể niệm thân niệm thọ niệm tâm niệm pháp, niệm khác nhau, nên có thể nói như vầy là mỗi một cử động mà quan sát cử động là niệm tiểu oai nghi thì việc đó nó vẫn là niệm, và nếu chúng ta có thể niệm Phật được trong lúc chúng ta như vậy nó cũng là niệm được. Như thời Phật còn tại thế có một vị Phật tử, mỗi lần mà cô vị giật mình hốt hoảng kinh sợ thì cô hay nói là "Namo Buddhaya - xin đảnh lễ Đức Phật" và cô niệm lâu ngày như vậy cũng sanh ra huệ căn. Do vậy đừng quá cố chấp vào những phương pháp và nghĩ rằng phương pháp này tuyệt đối. Cũng như khi chúng ta hành thiền, khi chúng ta ngồi, khi chúng ta đi, chúng ta đứng và đời sống hàng ngày như chuyện tu chúng ta tham thiền, đọc kinh nghe pháp. Thật ra nếu đi tham thiền mà phải đọc sách hay nghe pháp thì nó cũng có trở ngại, nhưng có đôi lúc có trợ duyên rất lớn, tại vì những việc làm đó nó giúp cho chúng ta đi qua giai đoạn đó dễ dàng hơn, nó vẫn tốt thôi, tuy vậy phải nhìn với cái nhìn rất cởi mở, đừng có quá chấp. Đôi lúc Phật tử thường hay nói rằng niệm theo phồng xẹp nó hay hơn, để theo dõi hơi thở phồng xẹp thì chuyện đó vẫn tốt, hơi thở ra vào nơi mũi thì vẫn thấy được hơi thở, căn bản là biết được hơi thở ra và vào, biết được vận hành của hơi thở, chứ không phải là chúng ta chấp vào phương pháp đó, rất là nguy hiểm, thì không riêng về niệm Phật mà ngay cả hành thiền bình thường cũng là nguy hiểm. Nên chi một người hành thiền là họ nhìn khả năng chánh niệm tự nhiên trong lúc ngồi thiền để áp dụng vào đời sống hàng ngày chứ không phải là hành thiền trong lúc họ đang làm việc, như chúng ta đi đường chúng ta phải có chánh niệm và tỉnh giác mà trong kinh goi là sati (chánh niệm) và sampajaññā (tỉnh thức) nữa, một người đi đường mà chỉ biết một chuyện là dở bước đạp, mà không biết mình đang đi đâu hết, không có biết đi hướng nào hết thì người đó chỉ có "sati - chánh niệm " mà không có sampajaññā (tỉnh thức). Một người có sati (chánh niệm) và sampajaññā (tỉnh thức) là biết mình đang đi đâu, tức là có ghi nhớ và biết mình đang làm cái gì và biết mình nên làm cái gì, nên ghẹo trái hay ghẹo phải, nên đi hướng nào thì cái đó gọi là có "chánh niệm" và "tỉnh thức"./.


Đến đây hết băng giảng.



>next page
dieuphap.com