TT.
Thích Giác Đẳng Thập Nhị Nhân Duyên - Bài 10 - Những danh từ Thiền
(Xin lưu ý: những bài chuyển biên này chúng tôi hoan hỷ với những ai tải về trang web nhà, để tôn trọng Giảng Sư xin giữ y bản chính, xin đừng sửa chữa. Và xin đề rõ tên người chuyển biên Đôi khi chúng ta có thói quen cái gì đã nghe quen dần, chúng ta không muốn định nghĩa nữa vì nghĩ rằng mình đã hiểu rồi. Đối với một số người chữ thiền được định nghĩa giống như một phương pháp thực hành có tính cách yên lặng. Ví dụ chúng ta ngồi yên trong một khung cảnh rất yên lặng, rất thanh tịnh và để tâm hồn chúng ta thanh tịnh. Như vậy gọi là thiền. Hoặc giả có người định nghĩa thiền là một phương pháp trau giồi để đạt được những tâm lực, thí dụ tu theo mật tông chẳng hạn. Hoặc giả định nghĩa thiền giống như một cách sống có triết lý, một cách sống thông minh, một cách sống độc đáo. Quý vị đọc những cuốn sách thiền, quý vị cảm thấy như thế nào? Chúng ta có nhiều cách thiền khác nhau và nhiều định nghĩa khác nhau về thiền. Chúng ta không cần phải cãi nhau, thế nào là thiền đúng và thế nào là thiền sai. Cũng giống như không ai nói món ăn của mình ngon, món ăn của xứ khác dở hơn nhiều. Chúng ta có quyền phê bình như vậy, nhưng nếu chúng ta đem những món ngon nhất của mình, đem cho người xứ khác, họ cũng không thích ăn . Vần đề là của chúng ta, tu tập là một cái gì rất cá nhân. Hôm nay có một số đạo hữu đến đây trong những ngày nghỉ hè. Gọi là đi nghỉ hè, nhưng mỗi chúng ta có một cách hoàn toàn không giống nhau. Có những người thích đi nghỉ hè thật xa, thăm viếng thật nhiều di tích. Có người chọn một nơi nào đó, một bãi cỏ, một đồi núi, một bãi biển và mướn phòng khách sạn ở tại đó năm ngày bảy ngày. Hai người đó cãi nhau, “ Tôi có một triết lý về cách nghĩ hè của tôi, tôi không đồng ý với triết lý đi nghỉ hè của anh”. Người đi nhiều nói rằng, mình bỏ tiền nhiều mình phải đi coi nhiều. Nếu bỏ tiền nhiều mà tìm nơi nào đó nằm yên, quả thật ở nhà sướng hơn đi nghỉ hè. Nhưng cũng có người khác nói rằng đi xa không bằng đi cận, ăn nhiều không bằng ăn ngon. Nếu đi nghỉ hè, chạy từ nơi này sang nơi khác, thăm di tích này sang di tích khác. Sau mấy tuần lễ nghỉ hè về, chúng ta rất mệt mỏi, như vậy chúng ta không gọi là đi nghỉ hè, mà là chúng ta đi cho mệt vì khi trở về con người của chúng ta rất là mệt mỏi. Từ ngữ về thiền cần phải định nghĩa và quan niệm về thiền cũng cần phải định nghĩa. Quý vị thiền sinh nên nghĩ rằng, quý vị đến đây để được hướng dẫn thực tập thiền, chúng tôi không có mục đích để minh định cho quý vị thiền nào đúng thiền nào sai cả. Chư Tăng cố gắng trình bày cho quý vị một phương pháp thực hành, nếu quý vị có niềm tin và nếu quý vị muốn thử cứ thực hành, chúng ta không cần phải so sánh, và không cần tìm hiểu thiền này đúng hoặc thiền kia đúng. Có một điều kỳ lạ, chúng ta cố gắng thực hành thiền đồng thời cố gắng để cầu chứng chữ thiền định. Ví dụ như thiền như thế này mới là thiền, thiền như thế khác không phải là thiền. Chúng ta không nên tranh luận điều đó, mỗi người có quan niệm khác về thiền. Ở đây chúng ta nói đến một phương pháp, một phương pháp có thể thực hành được. Phương pháp thực hành này có kết quả lợi lạc, quý vị chỉ cần hiểu như vậy là đủ không cần đi xa hơn. Thiền là một kinh nghiệm sống, kinh nghiệm sống đó đòi hỏi nhiều năm nhiều tháng thực hành. Không ai có thể trình bày thiền, hướng dẫn thiền qua lý thuyết của mình hết, vì rằng đó là một lý thuyết không thống nhất. Bản thân chúng tôi từ nhỏ vào chùa, chưa bao giờ có thời gian thực hiện thiền liên tục. Có một khoá thiền dài nhất chúng tôi thực hành, đó là ba tháng ở tại San Fransisco và thỉnh thoảng một năm chúng tôi tham dự khoảng hai lần những khoá khoá thiền năm ngày, bảy ngày. Chúng tôi cũng chưa đạt tiến bộ nhiều trong lãnh vực thiền học. Tại đây trước những vị hành giả , chúng tôi không dám hướng dẫn, vì thú thật chúng tôi hiểu thiền học qua lý thuyết nhiều hơn kinh nghiệm, chính bản thân chúng tôi không có nhiều kinh nghiệm về thiền quán. Những gì chúng tôi cố gắng trình bày ở đây là hướng dẫn quý vị làm quen với một số danh từ thiền và quý vị thấy rằng sự làm quen này rất hữu ích để khi quý vị nghe những vị Thiền Sư trình bày về thiền, quý vị có khái niệm. Ít nhất quý vị có sự lãnh hội tương đối chính xác trọn vẹn, hơn là chúng ta chỉ có một số danh từ mang máng mà thôi. Thật ra trong những gì chúng ta học hỏi có hạn chế, chứ không phải tất cả những gì chúng ta học hỏi dẫn chúng ta đến thế giới cùng tận của vấn đề, nhất là vấn đề thiền học. Cho nên Đức Phật nói đến một loại trí, những gì chúng ta học hỏi bên ngoài chỉ là trí văn. Những gì chúng ta suy tư suy nghĩ là trí tư. Có một loại trí khác không thuộc về trí văn trí tư, đó là trí tu. Trí tu có nghĩa là một tâm hồn định tỉnh, một tâm hồn rất hồn nhiên, rất hạo nhiên nhìn thấy vấn đề như thật. Khi nhìn thấy vấn đề như thật , họ có thể hiểu được những điều mà một người cố gắng suy nghĩ, một người cố gắng học hỏi cũng không thể nào suy nghĩ được và tìm hiểu được, Đó là những kinh nghiệm rất cá nhân, rất riêng tư của chính mỗi người. Chúng tôi cố gắng trình bày một vài ý niệm liên quan đến thiền quán. Chúng ta có chữ thiền. Thiền nghĩa là gì? Thiền là một Phạn âm, có nghĩa là lấy từ chữ Phạn âm ra thành chữ Trung Hoa, chúng ta đọc âm Hán Việt. Tiếng Phạn gọi là Jhàna, Có giai đoạn đọc là "ch'na" hay zen. Chữ Jhàna có nghĩa là đối trị hay thiêu đốt. Nói về ý niệm thiền đầu tiên chúng ta có ý niệm “tiến trình của tâm thức”. Tâm chúng ta an trụ vào một cảnh một đối tượng thì không có gì xảy ra hết, khi nó bắt đầu đi lang thang tư lự, những ý tưởng sẽ khởi lên và những ý tưởng tư tưởng khởi lên mang đến cho đời sống có phiền não và đau khổ. Ví dụ chúng ta đang nhìn một vật hay chúng ta đang an trụ tâm vào một cái gì , tâm hồn chúng ta sẽ không có những tư tưởng, những chập tư tưởng nào phóng tâm khởi lên. Nhưng khi chúng ta ngó ra bên ngoài, nhìn một cảnh tượng nào đó hoặc sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc lạc thì tâm chúng ta bắt đầu một cuộc phiêu lưu, dựa trên những phiêu lưu những cảm giác đó, phiền não bắt đầu sanh khởi. Nếu một người có khả năng tập trung tư tưởng an trụ trên một đối tượng có tính cách về lâu về dài, họ hạn chế được nhiều tư tưởng sanh khởi do hoàn cảnh bên ngoài tạo nên. Đối với chúng ta trong nền luân lý Á đông, những gì chúng ta nói, những gì chúng ta làm quan trọng hơn những gì chúng ta thu thập vào. Chúng ta nghĩ rằng con người mình có thể tiếp nhận tất cả thế giới bên ngoài. Nhưng theo Đức Phật những gì chúng ta đang hoài vọng cũng quan trọng giống như những gì trong lòng chúng ta chạy theo bên ngoài. Chúng ta đem phiền não từ cảnh bên ngoài đi vào lòng, tự nó sẵn sàng xáo trộn đời sống của chúng ta cũng giống như chúng ta phát động với hoàn cảnh bên ngoài vậy. Nên Ngài dùng một chữ các Ngài thường dịch hai lối khác nhau. Các Ngài gọi là phóng dât. Phóng là ném. Dật là tung lên. Ví dụ giống như đống tro, chúng ta ném một vật gì vào đó, đống tro tung lên, gọi là phóng dật. Hoặc giả các vị thiền sư dùng từ Trạo cử. Chữ Trạo là chèo, cử là di động, như mặt nước khi quý vị bơi nó sẽ bị khuấy động thì chúng ta dùng chữ trạo cử. Thì bây giờ những gì chúng ta đem vào trong tâm hồn mình thì biết chắc rằng nội tâm chúng ta có bị chi phối, chứ không phải không bị chi phối. Chúng ta không đặt nó vào hoàn cảnh thích hợp vào điều kiện thích hợp, không hướng tâm vào những đối tượng hợp tình hợp lý, cứ để nó đi lang thang thì tự nhiên những rắc rối phiền não sanh khởi. Cũng giống như chúng ta ở nhà không có gì làm, chúng ta đi lang thang ngoài đường phố, đi đêm có ngày gặp ma. Chúng ta đi lang thang để tâm ý phóng dật, phiền não sanh khởi lên. Đó là lối sống quen của đời sống bên ngoài. Một điểm khác nữa liên quan đến đời sống tinh thần chúng ta cần tìm hiểu trước khi chúng ta có định nghĩa về thiền. Con người chúng ta ai cũng thích hạnh phúc, chuộng những gì sung sướng hạnh phúc của đời sống. Do đó chúng ta có khuynh hướng tránh né đau khổ. Thường chúng ta thích hạnh phúc chúng ta sẽ tránh né những đau khổ bất hạnh của đời sống. Chúng ta càng tránh né, chúng ta càng đâm ra sợ hãi. Ví dụ ở tại Hoa -Kỳ người ta thích mua bảo hiểm. Chúng ta có rất nhiều bảo hiểm, bảo hiểm răng, bảo hiểm sức khoẻ, bảo hiểm nhân thọ. Một cái cây quý khi mua từ bên Tàu về họ cũng mua bảo hiểm cho cây ấy. Họ tin tưởng rằng tất cả mọi thứ đều được bảo đảm, trong sự bảo đảm đó cho họ sự an lòng. Tại sao chúng ta cần bảo hiểm như vậy? Chắc chắn rằng khi tai nạn xảy ra trên đường, không bảo hiểm nào có thể bù đắp lại sự mất mát có thể xảy ra cho chúng ta hết, không hãng bảo hiểm nào mang lại sức khoẻ cho chúng ta với tấm thân tàn phế hoặc giả cái mạng sống ta chết đi sau tai nạn xe hơi. Nhưng chúng ta cảm thấy bảo hiểm là một sự cần thiết nó mang đến cho chúng ta sự an lòng. Khi mua bảo hiểm rồi chúng ta sung sướng, cảm thấy cuộc đời mình được bảo đảm. Ông William, một triết gia người Mỹ nói rằng, “Nếu người Mỹ có thể mua bảo hiểm cho nước Mỹ, họ cũng sẵn sàng mua”. Nhưng rất tiếc không ai có đủ tiền cho một khế ước lớn lao như vậy. Có một dấu hiệu liên quan đến đời sống của chúng ta, bởi vì muốn hạnh phúc nên chúng ta tránh né đau khổ. Do chúng ta tránh né đau khổ, sợ hãi phát sanh. Đức Phật nói rõ rằng, “Ái dục sanh sợ hãi, ái dục sanh lo âu, ái dục sanh sầu muộn” Sợ hãi biểu lộ qua nhiều dấu hiệu trong đời sống hằng ngày. Chúng ta không ước đoán và không lường được nó. Chúng ta cố sắm cho mình những mặt nạ và với chiếc mặt nạ đó chúng ta cảm thấy yên tâm sống. Chúng ta sống không thành thật với chính mình, khi chúng ta sợ hãi và chúng ta tự khinh an lấy chính mình. Tại sao xã hôi ngày nay chúng ta bị nhiều chứng bệnh tâm lý, mặc dầu chúng ta rất đầy đủ. Sống ở một quốc gia nhược tiểu nghèo nàn, cái bàn tay và khối óc của mình, con người chúng ta khôn ngoan một chút có học một chút, chúng ta đạt được niềm tự tin lớn mạnh. Nhưng sống ở xã hội này ví dụ như nói được hai, ba thứ tiếng, có tiền trong tay có bằng cấp chăng nữa , ra đường vẫn còn mặc cảm thua kém. Thế giới bên ngoài quá to lớn và quá vĩ đại với chính mình. Tại sao nó quá to lớn và vĩ đại với chính mình, chúng ta sống nhờ vào sự giàu có sự thông minh của người khác, làm cho chúng ta không còn cảm thấy tự tin nữa. Có khi nào quý vị không cảm thấy tự tin không? Có nhiều lắm, như trường hợp nếu người nào quen mặc bộ đồ đẹp, khi ra đường với bộ đồ đúng mốt đúng thời trang, người đó sẽ tự tin hơn khi mặc một bộ đồ cổ lổ sĩ. Chứng tỏ chúng ta tự tin dựa trên bộ đồ chúng ta đang mặc. Tại sao chúng ta cần đến nó,? Bởi vì chúng ta không đủ tự tin với chính mình. Tại sao chúng ta cần đến nó? Vì trong lòng, mình không đủ sự tự tin với chính mình. Do vây thời trang cũng là một dấu hiệu con người cảm thấy yếu đuối trước thời đại. Chúng ta không cảm thấy tự tin với vẻ đẹp con người mình nữa, không còn tự tin với đời sống tinh thần của mình nữa, chúng ta phải dùng những mặt nạ chúng ta đeo vào để chúng ta đau khổ với nó. Đó cũng là một chứng bệnh của tâm hồn. Những chứng bệnh tâm hồn này tạo ra nhiều bậc thang. Có một Phât tử bên Hoa Kỳ. Người Phật tử đến chùa đọc câu hạnh phúc kinh, “ Không gần gủi kẻ ác, thân cận bậc trí hiền, đãnh lễ người đáng lễ là phúc lành cao thượng”. Người Phật tử trình bày cho chúng tôi biết rằng, khó có thể không gần những người bạn. Chúng tôi cảm thông điều đó, chúng ta nói không gần gũi kẻ ác, nghĩa là chúng ta bỏ bạn xấu chứ gì? Bỏ bạn xấu là điều gì đó lớn lao. Tại sao vậy? Nếu quý vị sống ba ngày không nói chuyện, hoặc giả quý vị ra đường gặp người nào cũng lạnh lùng, chúng ta cảm thấy mất niềm tin liền. Chúng ta cần người nào sùng bái mình, cần người nào đó ân cần, cần một người thán phục mình, chúng ta cần nói. Tại sao vậy? Nói để được người khác nghe, và khi người ta nghe mình cảm thấy có lòng tự tin. Nếu chúng ta nói người khác không lắng tai nghe chúng ta mất đi lòng tự tin. Do vậy chúng ta cần nói và cần người nghe, mặc dầu đề tài chúng ta nói rất nhạt nhẽo và bình thường. Nếu đời sống chung quanh không có người nào lắng nghe và hiểu cho chúng ta một chút, chúng ta cảm thấy cô đơn vô cùng, cảm thấy mình đáng ghét và cảm thấy mất lòng tự tin nơi chính mình. Do vậy chúng ta cần bạn, mặc dầu bạn đó rất xấu. Chúng ta chỉ cần một người nghe và tán thưởng chúng ta , chúng ta cũng cảm thấy thích, cảm thấy an ủi và tự tin trong tâm hồn. Do vậy tại sao có những người họ biết la cà ngồi lê đôi mách luôn luôn có phiền não và luôn luôn mang hoạ nhiều hơn nhưng họ vẫn la cà. Tại vì sao? Họ la cà với mọi người vì có những người đó tâm hồn họ mới được trấn an, mới thấy rằng mình mới có niềm tự tin nơi chính mình, vì vậy mới có những người bạn xấu. Những điều này cho chúng ta thấy rằng, chính vì sự sợ hãi mất niềm tin nơi bản ngã , nên chúng ta thiếu tự tin và tự tạo cho mình chiếc mặt nạ thường xuyên và liên tục . Đức Phật khuyên chúng ta nên gìn giữ nội tâm của mình. Nếu nội tâm là cái gì rất lạ lùng, rất xa cách, là một thế giới kỳ bí, chúng ta không bao giờ trị được nó. Đi xa hơn một bước nữa trong vấn đề gìn giữ nội tâm, chúng ta nên hiểu một điều quan trọng, đó là với chúng ta, thường cái gì gần gũi ảnh hưởng chúng ta nhiều hơn, cái gì thuộc về cơ thể ảnh hưởng chúng ta nhiều hơn ,cái gì cụ thể ảnh hưởng chúng ta nhiều hơn, chúng ta phải thành thật suy nghĩ như vậy. Trong một thống kê tại Hoa-Kỳ, đa số những cuộc hôn nhân, một thanh niên và một thiếu nữ kết hợp với nhau thành vợ chồng thường do họ gần nhau trong điều kiện cùng làm trong một môi trường hoặc ở cùng xóm hay cùng một lớp học với nhau. Một cô gái nào lớn lên trong cuộc đời cũng nghĩ đến một người chồng lý tưởng, nhưng ông tơ bà nguyệt xe duyên thế nào lại lấy một anh chàng ở đầu làng cuối xóm. Tại sao không nghĩ đến một tài tử hay một thanh niên lỗi lạc hào hoa nào đó ở xa xôi mà lại nghĩ đến một anh chàng cuối xóm. Đó là chuyện thân cận. Cái gì thân cận ảnh hưởng đến đời sống chúng ta nhiều hơn hết và chính nó, nó lại quá lớn đối với chúng ta. “Phật ỏ xa, ma thì gần” Quý vị có thấy như vậy không? Chúng ta ngưỡng mộ và tán thưởng lời dạy của Đức Phật, những lời dạy trong kinh điển nhưng chúng ta không thể sống theo Ngài, bởi vì hình ảnh của Ngài quá xa cách. Cho đến khi nào chúng ta chưa đem hình ảnh của Ngài lại gần chúng ta thì đời sống hằng ngày, đời sống tầm thường chung quanh bao phủ lấy mình và mình bị quyến rũ và chi phối dễ dàng. Chúng tôi thấy rằng hằng ngày qúi vị bỏ thì giờ để ngồi bên chiếc computer nhiều hơn là để thì giờ nghĩ tới Phật, mặc dù chúng ta thấy rằng Đức Phật là hình ảnh đẹp đáng ngưỡng mộ vô cùng, thì chúng ta để ý cái gì quá lớn qúa gần với chúng ta, chúng ta sẽ bị nó chi phối và chiếm mất thôi, chúng ta không nhìn thấy cái ở xa được. Ở đây có những căn nhà chọc trời, cũng giống như quý vị đến thành phố Nữu Ước sẽ thấy những toà nhà chọc trời. Khi chúng ta đi ngắm cảnh, mà đi vào trong đường phố, chúng ta không ngắm cảnh được, lý do là building quá cao, chúng ta lại nhỏ bé, thấy chung quanh toàn vách tường và người đi qua đi lại, không thấy được hình thù của toà nhà như thế nào. Chúng ta chỉ có thể nhìn thấy toà nhà khi chúng ta đứng một khoảng cách khá xa mà tầm mắt chúng ta có thể bao phủ được hết. “Chuyện người thì sáng chuyện mình thì quáng”. Cái gì xảy ra ở ngoại cảnh, chúng ta là người rất sáng trí. Những gì xảy ra những gì đang ngự trị trong tâm hồn chúng ta rất mù quáng, rất điên đảo, điên đảo vọng tưởng vì nó ở qúa gần chúng ta, chúng ta không khám phá được nó. Do vậy con đường trở về với thiền định là chúng ta đặt cho nó một khoảng cách, khoảng cách nào đó để mình có thể nhìn thấy chính mình, giống như một cái nhìn khách quan, điều đó khó lắm. Ví dụ đơn giản, quý vị ngồi niệm hơi thở, Trong thiền học dạy rằng niệm hơi thở có nghĩa là chúng ta để hơi thở một cách tự nhiên, phát hiện ra- vào. Nhưng chúng ta không theo dõi tự nhiên, chúng ta thở như chúng ta tập thể dục vậy. Như chúng ta tập yoga, điều khiển hơi thở. Chúng ta không bao giờ nhìn hơi thở một cách khách quan, chúng ta bắt nó thở theo ý mình muốn. Phải lâu lắm chúng ta mới có thể nhìn hơi thở một cách khách quan tự nhiên. Bởi vì chúng ta lên làm vua rồi, chuyện gì chúng ta cũng muốn sắp đặt hết, ngay cả hơi thở chúng ta cũng muốn sắp đặt nữa. Khi chúng ta muốn sắp đặt cái ly, cái bình bông, cái đồng hồ chỗ này chỗ kia cho hợp tình hợp lý, khi nghĩ đến hơi thở mình cũng bắt nó theo ý của mình. Chúng ta không để nó thở một cách tự nhiên. Bây giờ để thở tự nhiên là chyện rất khó khăn, cũng phải mất nhiều thời gian lắm chúng ta mới nhìn một cách khách quan. Đức Phật nhắn nhủ cho chúng ta biết rằng, “ Người nào có thể nhìn thấy nội tâm của mình với cái nhìn khách quan thì người đó đã thắng được Ma-Vương.” Không dễ, đó là một bài toán, một câu nói khó khăn bí hiểm vô cùng. Chúng ta luôn luôn muốn làm chủ cuộc đời này, muốn khuyên bảo cuộc đời này, nội tâm chúng ta, chúng ta cũng muốn khuyên bảo nó, muốn làm chủ nó. Nhưng chủ trương chính sách của chúng ta có tốt hay không? Chuyên đó không cần, bởi vì chúng ta chưa bao giờ có đủ khôn ngoan để làm chủ nội tâm của mình hết. Nếu chúng ta đủ khôn ngoan, chúng ta đã thành Phật lâu rồi. Do vậy thiền học cho chúng ta cái nhìn khách quan về đời sống của mình. Có nhiều đạo hữu về chùa hành thiền, quý vị than thở, không biết tại sao hơi thở ra hơi thở vào chúng ta để ý làm gì. Bước chân đi chân mặt bước chân trái bước, chúng ta để ý lam gì, chúng ta chú ý điều gì chúng ta cho nó rất lẩm cẩm. Nhưng chính trong những cái lẩm cẩm đó chúng ta tập cho tâm hồn chúng ta một thói quen. Một thói quen chúng tôi vừa nói với quý vị khi nãy. Bây giờ chúng ta sang đến chữ quán, trong ngôn ngữ Phật học, rất dễ cho chúng ta lẫn lộn. Khi nghe nói đến chữ quán, thường chúng ta nghĩ đến chữ quán tưởng hay quán xét. Chữ quán tưởng hay quán xét ở đây không có liên quan đến chữ quán của thiền quán. Thật ra chữ quán trong quán tưởng hay quán xét có nghĩa là trạng thái dùng trí để suy nghĩ vấn đề gì đó. Ở đây chúng ta không có suy nghĩ. Chữ Vipassana có nghĩa là cố gắng để nhìn thấy và theo dõi. Do vậy về sau này một số vị tránh không dùng chữ Vipassana là chữ quán nữa mà các vị dùng chữ minh sát. Chữ minh có nghĩa là trong sáng, sát có nghĩa là nhìn thấy, nhìn thấy một cách trong sáng. Ví dụ như khi chúng ta đi, chân dở bước đạp, từng động tác cử chỉ nào đó chúng ta trực nhận chúng ta nhìn nó, chúng ta nhìn một cách thản nhiên, một cách sáng suốt, một cách tỉnh táo. Do vậy chúng ta gọi là minh sát. Nếu chữ quán làm cho chúng ta dễ hiểu lầm, thì chữ niệm cũng làm cho chúng ta hiểu lầm. Chúng ta thường nói niệm Phật, nghĩa là chúng ta đọc lâm râm lâm râm. Ví dụ chúng ta niệm Nam-Mô-A-Di-Đà_Phật hay Arahan (Á-Rá-Hăng) Đức Phật trọn lành, đọc lâm lâm như vậy gọi là niệm. Chữ niệm ở đó không có liên quan gì đến như quán niệm trong thiền quán hết, chữ quán chúng ta đã lầm lẫn rồi chữ niệm chúng ta cũng lầm lẫn nữa. Niệm ở đây không phải là niệm lâm râm, đọc đi đọc lại một danh hiệu nào đó. Niệm ở đây là ghi nhận. Chánh niệm có nghĩa là ghi nhận một cách sáng suốt. Như vậy “chữ niệm trong tứ niệm xứ” có nghĩa là chúng ta cố gắng ghi nhận những gì đang xảy ra đang sanh khởi chứ không phải chúng ta niệm. Có nhiều đao hữu nói thiền là như vầy, khi đi nói đi à, khi đứng nói đứng à. Nói “đi à, đứng à” là niệm. Không phải như vậy. Chữ niệm đó không phải là niệm trong chánh niệm. Chữ niệm trong chánh niệm không phải chúng ta niệm lâm râm một điều gì đó mà chữ niệm ở đây có nghĩa là ghi nhận, ghi nhận những gì đang xảy ra với mình (vipassana sanna). Quán có nghĩa là thấy, niệm là ghi nhận. Để ý một điều gì đó, chúng ta thấy bước chân đang đi mình ghi nhận bước chân đang đi. Cái đó gọi là quán niệm. Người ta gọi đó là "minh sát" và chúng ta gọi đó là thiền quán. Thiền quán khác với thiền chỉ, Thiền chỉ có nghĩa là chúng ta để tâm vô một đối tượng và cố gắng bằng một phương pháp để an trụ tâm trên đối tượng đó càng lâu càng dài càng tốt, chúng ta không nghĩ đến những chuyện khác. Chúng ta gọi là thiền chỉ. Ví dụ quý vị đến chùa, “giác thời tự ngộ, đáo tẩn hoàn môn.” khi chúng ta ngồi đây chúng ta không nghĩ đến những chuyện phiền não ngoài thế gian, như vậy cũng là một phương pháp tránh né phiền não, nhưng không có nghĩa là với phương pháp đó chúng ta diệt trừ phiền não. Nó có thể được khoả lấp đi một thời gian. Nhưng khi chúng ta ngồi xuống đối diện thẳng với vấn đề, mình phải giải quyết với trí tuệ, với tuệ giác của mình, đó là thiền quán. Bây giờ chúng tôi sẽ đi qua một vài danh từ khác vì quí vị sẽ nghe và có đôi khi qúi vị nghe rồi qúi vị sẽ thấy rằng có khác hơn bình thường chúng ta nghĩ. Chúng tôi cố gắng làm sao để qúi vị biết về những danh từ về thiền, một vài từ ngữ thông thường quý vị thường nghe như thiền tập, thiền hành, hoặc đi kinh hành chẳng hạn. Trong danh từ của thiền, nếu chúng ta nghĩ nó đơn giản thì nó đơn giản, chúng ta nghĩ nó phức tạp thì nó phức tạp. Toạ thiền là ngồi thiền, lâu ngày các vị nói là thiền toạ hay toạ thiền nghĩa là ngồi thực hành thiền quán. Toạ thiền căn bản có nghĩa là ngồi thiền. Quý vị được nghe chữ Tức quán hay Sổ tức quán, chữ sổ có nghĩa là đếm, ví dụ như hơi thở ra hơi thở vào chúng ta đếm một, hơi thở ra hơi thở vào chúng ta đếm hai. Đếm như vậy đến mười rồi trở lại. Chúng ta gọi là sổ tức quán, tức là quán hơi thở bằng con số. Nhưng nói niệm hơi thở của thiền quán là hơi thở ra và hơi thở vào biết nó ra và biết nó vào thì mới dùng chữ sổ tức quán, tức là quán niệm hơi thở. Quán niệm hơi thở khác với sổ tức quán. Sổ tức quán thuộc về thiền chỉ. Quán niệm về hơi thở thuộc về thiền quán Thật ra nói đến hành thiền không phải chỉ niệm hơi thở vì chúng ta có bốn pháp niệm tu thiền: niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp. Chúng tôi giảng sơ để quý vị có khái niệm về tứ niệm xứ. Tóm lại bài giáo lý hôm nay chúng tôi cố gắng trình bày để quý vị quen với một vài danh từ trong thiền học mà quý vị đã nghe giảng trong những khoá thiền rất nhiều. Đời sống hành thiền là một quá trình thực tập. Do vậy những gì chúng ta biết, chúng ta nên biết cho nó thật. Người ta nói trên đời có ba điều dốt: Băng giảng đến đây là hết.
|