TT.
Thích Giác Đẳng
Thập Nhị Nhân Duyên - Bài 7 - Ái duyên cho thủ
TT Giác Đẳng giảng tại khoá tu học bên Thụy Sĩ
Minh Hạnh chuyển biên
(Xin lưu ý: những bài chuyển biên này chúng tôi hoan hỷ với những ai tải về trang web nhà, để tôn trọng Giảng Sư xin giữ y bản chính, xin đừng sửa chữa. Và xin đề rõ tên người chuyển biên
17 phút đầu của băng giảng là phần TT Giác Đẳng trả lời những câu hỏi của Phật tử.)
TT Giac Đẳng: 1) -Nếu người Phật tử VN sang Nhật Bản sẽ rất ngạc nhiên.
Điểm thứ nhất Phật giáo Nhật Bản đối với Phật giáo VN là một Phật giáo rất đặc biệt. Một là người Nhật Bản không ăn chay. Quý vị có biết điều đó không? Tại Tokyo, rất khó kiếm được một quán bán đồ ăn chay. Chúng tôi đi với Chư Tăng Bắc Tông sang Tokyo chỉ biết ăn salad thôi chứ không còn biết phải ăn gì. Hỏi quán cơm chay, ít người Nhật Bản nghe nói về cơm chay. Người Nhật Bản và Tây Tạng là hai xứ Phật giáo không ăn chay.
Điểm thứ hai, người Tăng sĩ Nhật Bản hầu hết học đến cử nhân Phật học, nghĩa là học ra có bằng cấp. Học xong được giao một ngôi chùa, phần lớn chư tăng bên Nhật Bản nhất Tăng nhất tự, vị nào cũng được giao một ngôi chùa hết. Trong ngôi chùa có nghĩa trang, có nghĩa trang có nghĩa là có quyền lợi rất cao, nghĩa là chư Tăng có tiền, rất ổn định vế kinh tế. Và lạ hơn hết là chư tăng Nhật Bản 99% vị nào cũng có vợ và cùng ở trong chùa.
Q úi vị có biết rằng người Nhật họ có một sự hy sinh rất lớn. Người Nhật khi sinh ra đời họ luôn luôn phấn đấu ở trong nghề nghiệp, nếu biểu họ vào chùa chỉ lo tụng kinh mỗi ngày sống theo truyền thống mà không làm gì khác hơn đời sống đó thì họ chịu không nổi, họ rất thích cái mới, qúi vị biết là máy móc của Nhật mỗi năm họ ra mỗi mới, và nếu một người thanh niên lớn lên mà ghép vào khuôn khổ nào đó chỉ tụng kinh niệm Phật mỗi ngày rồi lo lắng cho ngôi chùa rồi lo lắng cho Phật tử trong vùng không còn được làm việc gì khác nữa thì họ cho đó là sự hy sinh rất lớn. Thì như vậy là trung đạo của Nhật Bản. Như vậy thì tu là kinh nghiệm cá nhân, kinh nghiệm rất riêng tư, như trường hợp một vị Hòa Thượng có đệ tử săn sóc, có cóc liêu ở đàng hoàng, nếu vị HT đó là một vị Tăng trẻ thì có thể nói: "À! Ngài sống sung sướng quá", nhưng thật sự không phải, mà là Ngài có sự hy sinh rất lớn, tại vì sao vậy? Với tuổi đạo của Ngài, với uy tín của Ngài và có thể với tiền bạc của Ngài, Ngài có thể sung sướng hơn nhiều, nhưng mà Ngài không lựa chọn như vậy, Ngài lựa chọn sống ở trong chùa để phục vụ cho Phật Pháp thì như vậy Ngài đáng kính lắm. Còn nếu chúng ta một vị chư tăng bình thường mà đời sống được như Ngài thì quả thật là đời sống lợi nhuận, tại vì sao vậy? Chúng tôi thường sang Thái Lan, nếu qúi vị đặt chân đến một ngôi chùa Thái Lan, qúi vị sẽ thấy, chúng tôi lấy ví dụ như Wat Paknam, quí vị biết Ngài Cả ở đó sống như thế nào không? cái cốc của Ngài Cả sống lớn hơn chùa Kỳ Viên ở Việt Nam, (chắc quí vị biết ngôi chùa Kỳ Viên ở Việt Nam lớn như thế nào phải không?) cất hoàn toàn bằng gỗ tếch rất đẹp, ở trước mặt có hồ nước phun, Ngài ra đường thì có người mở cửa xe và xe của Ngài là xe Mercedes - Benz mà là xe mới, đưa Ngài đi. Thưa qúi vị nhìn một vị trụ trì, một Ngài Cả một ngôi chùa như vậy thì qúi vị hỏi rằng cái tu tập của Ngài nằm ở chỗ nào? cái tu tập của Ngài nằm ở chỗ là: với uy tín và với tiền bạc của Ngài thì Ngài có thể chọn đời sống thảnh thơi, hơn là một ngày ngồi 8 tiếng đồng hồ để nói chuyện với Phật tử, qúi vị biết rằng mỗi ngày Phật tử vào trong chùa, Ngài cứ ngồi một chỗ để nói chuyện đạo với Phật tử từ giờ này đến giờ kia, chân mỏi thì đổi chân bên đây ngồi bên kia, và ở trong chùa thì thật sự không có chuyện gì gọi là vui thích trong công việc đó. Cũng như hồi còn nhỏ chúng tôi nghĩ rằng lớn lên làm trụ trì thì oai lắm, nhưng mà lên làm trụ trì cực quá thưa qúi vị, cũng như qúi vị hồi nhỏ nghĩ rằng mình làm cha làm mẹ thì oai lắm muốn nói con cái gì cũng được hết nhưng đến khi làm cha làm mẹ thì không phải như vậy, mà làm cha làm mẹ khổ vô cùng, phải lo đủ thứ chuyện hết, nhưng mà rồi chúng ta cũng phải làm và do vậy khi nói đến chuyện trung đạo nó là cái gì mà mỗi cá nhân của chúng ta phải đón nhận như là kinh nghiệm riêng tư của mình, không thể lấy tiêu chuẩn của người này để áp dụng lên người kia, không thể lấy mức sống người này áp dụng lên mức sống người kia, nên chúng ta phải rất là cẩn thận, cẩn thận khi mà phê bình.
2) Đạo hữu có thấy được rằng "Diệu Pháp Liên Hoa Kinh" là một tác phẩm được viết như một tập sách có đầu có đuôi, có từng chương, đạo hữu có thấy như vậy không?. Khi Đức Phật còn tại thế thì Đức Phật Ngài không viết sách và Đức Phật không chước tác và những gì Đức Phật nói thì được Ngài Ananda và các đệ tử của Ngài sưu tập trở lại thành từng đoạn rời rạc khác nhau, và Đức Phật chưa bao giờ Ngài có chủ tâm để viết một bộ sách với một qui mô như một bộ kinh "Diệu Pháp Liên Hoa" hay kinh "Hoa Nghiêm", thành ra nếu đạo hữu là một người học trong trường thì đạo hữu có thể có ý niệm phần nào là bộ "Diệu Pháp Liên Hoa" xuất hiện vào thời nào ở trong lịch sử của đạo Phật, chắc chắn là đạo hữu biết chuyện đó phải không?. Thật ra khoan nói cái nhìn về nội dung của "Diệu Pháp Liên Hoa kinh", chùa ở đây là chùa Nguyên Thủy theo truyền thống là chúng ta trì tụng kinh tạng Pali, do vậy có rất nhiều kinh từ kinh điển Pali mà những người Phật tử được khuyến khích tụng đọc ở đây. Sở dĩ kinh "Diệu Pháp Liên Hoa" được trì tụng trong rất nhiều các ngôi chùa không phải chỉ là vì giá trị kinh điển mà vì giá trị của sự thờ phụng, đạo hữu có thấy điểm đó không?. Ví dụ như người ta cho rằng tụng kinh "Diệu Pháp Liên Hoa" được điều này và được điều kia như trong phẩm "Phổ Môn" chẳng hạn nói về Đức Quán Thế Âm thì quí vị có muốn cầu con trai thì được con trai, cầu con gái thì được con gái, thì đa số nhiều người Phật tử tụng tác phẩm "Diệu Pháp Liên Hoa" là vì mục đích cầu phước hơn là cho huệ. Riêng về phương diện giáo lý và trí tuệ thì kinh "Diệu Pháp Liên Hoa" là một tập kinh được viết ở trong giai đoạn mà Phật Giáo đương đầu với nhiều bàng môn giáo, và nhiều chương ở trong bài kinh này kể cả những bài danh tiếng nhất như là phẩm "Phương Tiện" hay là phẩm "Phổ Môn" được viết với một mục đích là kéo những người Bà La Môn trở về với đạo Phật bằng cái phương tiện. Như vậy thì riêng chúng ta không có thì giờ để bàn giá trị của kinh "Diệu Pháp Liên Hoa" ở tại đây, chúng tôi chỉ muốn nói đến là vì đây là ngôi chùa Nam Tông do đó trì tụng kinh điển Pali, ngay cả những bài kinh "Hạnh Phúc" hay là kinh "Từ Bi" là những bài kinh tương đối ngắn, tuy nhiên là những bài kinh được kết tập trong Tam Tạng và điều này là điều tự nhiên ở trong những ngôi chùa Nam Tông thôi, chúng tôi không có cái ý niệm là trình bày thái độ gì hay là quan niệm gì với kinh "Diệu Pháp Liên Hoa" đó là đề tài mà chúng ta có thể bàn trong dịp này.
3) Riêng về câu hỏi ý nghĩa như thế nào về Tịnh Độ và Thiền Tông, thì chúng tôi có thể nói với đạo hữu là lịch sử của Phật giáo Bắc Tông hay lịch sử của Phật Giáo Đại Thừa phản ảnh một nhu cầu tâm linh của con người, ở mỗi thời đại con người có nhu cầu tâm linh khác nhau và như vậy phải có nhiều pháp môn để đáp ứng với nhu cầu tâm linh đó. Chúng tôi lấy một ví dụ như vầy, là chắc đạo hữu biết rằng thời Đức Phật còn tại thế Ngài nói rất ít về Niết Bàn, Ngài nói rất ít về cứu cánh, Ngài nói nhiều về sự tu tập, đạo hữu có biết điều đó không?.
Tại sao Ngài nói rất ít về cứu cánh? Là tại vì Ngài nói rằng chỉ có qua sự thực hành con người mới chứng ngộ Niết-Bàn hơn là bằng ngôn ngữ mà con người mới có thể hiểu được Niết Bàn. Như vậy thời Đức Phật còn tại thế Ngài nói rất ít về sau khi nhập Niết Bàn mình sẽ thành cái gì, Đức Phật Ngài không nói điều đó.
Có người hỏi Ngài Xá Lợi Phất Niết Bàn là gì?
Thì Ngài Xá Lợi Phất nói rằng "Diệt trừ tham sân si" là Niết Bàn.
Đó là cái xa nhất mà Đức Phật và đệ tử của Ngài nói. Sau khi Đức Phật viên tịch một thời gian thì người ta bắt đầu đặt vấn đề.
Vấn đề đó là gì?
Như ngày hôm nay ở trại tỵ nạn bên Thái Lan những người Thiên Chúa giáo vào truyền đạo họ nói rằng tu theo Thiên chúa thì được về thiên đàng, tu theo Phật thì không đi đâu cả.
Thì như vậy người Phật tử bắt đầu hỏi: vậy chứ đừng nói chuyện tu nữa, hãy nói tu thì được cái gì, mấy Thầy mấy Sư hãy nói cho rõ, chứ tu mà không được cái gì thì không tu nữa."
Do vậy càng về sau này pháp hành trong đời sống càng ít đi, thì người ta lại nói đến cứu cánh nhiều, họ nói đến Niết bàn nhiều, họ nói đến Tây Phương cực lạc, tại vì sao vậy? nó có nhu cầu cần phải nói về chuyện đó.
Như trường hợp chúng ta hôm nay, tại sao chúng ta nói nhiều về độc lập tự do hạnh phúc? là tại vì chúng ta không biết phải làm cái gì hết, nếu chúng ta biết đất nước mình phải làm cái gì thì mình không cần phải nói gì về độc lập và tự do hạnh phúc, tại sao vậy? tại vì mình làm tốt thì độc lập tự do và hạnh phúc tới. Như ở đây chúng ta không biết mình phải làm cái gì hết thành ra mình cứ đem độc lập và tự do hạnh phúc mình nói hoài, người quốc gia thì luôn luôn nói về tự do "mình nên sống vì tự do chết vì tự do" người Cộng Sản thì nói độc lập, cũng nói đến tự do hạnh phúc. Nhưng khi hỏi rằng mình đang làm cái gì đó? thì mình không biết phải làm cái gì? đó là sự bế tắc của con người.
Nên khi nào mà con người ít tu ít biết về hành thiền, ít biết về pháp hành thì con người nói nhiều về cứu cánh, nói về Tây Phương cực lạc, nói Niết Bàn rất nhiều, tại vì đời sống hàng ngày mình không biết phải làm gì hết, không biết phải ngồi thiền như thế nào, không biết phải giữ giới như thế nào, đề tài đó không hấp dẫn để bàn nữa thì chúng ta mới bàn về Niết Bàn, như vậy là về sau này có những bài kinh như kinh A Di Đà nói rất nhiều về cảnh giới Tịnh Độ, đó là một nhu cầu. Nhưng thời Đức Phật còn tại thế, Đức Phật là một vị Đạo Sư mà ngôn ngữ của Ngài rất là rõ ràng trong sáng, nếu đạo hữu có đọc kinh tạng Pali thì đạo hữu sẽ thấy rằng cuộc sống của Đức Phật rất là rõ ràng, Ngài sống như thế nào và Ngài muốn những người khác sống như thế nào, Ngài không nói những đa sự biện luận như chúng ta nói về đạo Phật ngày hôm nay, tuy nhiên về sau đó người Phật tử không cam tâm với sự đơn giản đó, như qúi vị thấy rằng mình lớn lên ở trong nền văn hoá thâm trầm đơn giản quá mình cảm thấy nó không hay, không sinh động, tự nhiên qua thời đại nào thì con người muốn lý luận nhiều hơn, và muốn biện sự nhiều hơn, muốn lý thuyết nhiều hơn do vậy họ bày ra đủ thứ lý thuyết, khi lý thuyết nhiều như vậy một thời gian thì người ta chán ngán thì người ta phải đưa ra cái gì đó để dẹp hết tất cả, chuyện đó không phải chuyện là bây giờ bất lập văn tự giáo ngoại biệt truyền, bây giờ không nói văn tự giáo nữa, bây giờ chỉ quán thôi thì dẫn đến thiền. Do vậy những pháp môn tu tập đó thật ra nó không phải mới lạ, tuy nhiên nó là sản phẩm thời đại, một trào lưu nào đó, nhu cầu nào đó con người cần được đáp ứng, vì vậy sanh ra nhiều, phải hiểu điều đó thì chúng ta mới hiểu được giá trị của Tịnh Độ như thế nào và hiểu được điều đó thì chúng ta mới hiểu rằng chúng ta nên đi xa đến mức độ nào ở trong giai đoạn đó.
Thật ra thì Đức Phật Ngài có lẽ điều Ngài nghĩ về đời sau nhiều nhất là Ngài làm một hình ảnh gương mẫu, như trường hợp thời Đức Phật còn tại thế Đức Phật Ngài có nhiều phương tiện, Ngài có rất nhiều đệ tử rất giàu có như trưởng giả Cấp Cô Độc, bà Visakha, những đệ tử vua chúa như vua Ba Tư Nặc hay Bình Sa Vương, nhưng mà rồi mỗi lần Đức Phật Ngài đi đâu thì Ngài không ngồi xe, Ngài không đi kiệu, Ngài không dùng những phưong tiện đó, tại vì sao vậy, tại vì nếu Ngài làm như vậy đời sau nói rằng ngày xưa Đức Phật nhiều phúc đức thì Ngài có phương tiện Ngài đi còn bây giờ mình không có được thành ra mình không tu được, như vậy Ngài nghĩ cho đời sau, hay là Đức Phật Ngài có thể bay đi từ chỗ này qua chỗ khác bằng thần thông của Ngài, nhưng Ngài đã không làm như vậy và Ngài đi giống như tất cả chư tỳ kheo, đời sống của Ngài là Ngài sống như thế nào mà những tỳ kheo bình thường cũng có thể sống như vậy và những người đời sau cũng có thể theo đó mà sống được thì Đức Phật chọn lối sống đó, đó là cái gương để lại cho người đời sau. Riêng về những vấn đề kinh điển, vấn đề chánh pháp, thì đúng ra chánh pháp nguyên thủy phải là chánh pháp mà không bị kẹt vào thời đại nào hết, chánh pháp nào mà chỉ tốt cho một thời kỳ mà thời kỳ sau đó bị kẹt lại thì không phải là chánh pháp. Như Đức Phật Ngài nói về Tứ Niệm Xứ, Ngài nói về vô thường, khổ não, vô ngã v.v.... những giáo lý đời nào cũng đem áp dụng được hết mà không bị kẹt lại. Như bây giờ người ta nói rằng đi tu, thí dụ như qúi vị nghe trong kinh là khi trì kinh Dược Sư phải đốt bao nhiêu ngọn đèn, phải thờ hướng nào, lạy ra sao thì mới thành một đạo tràng được, thì điều đó, phương tiện đó là chuyện của người đời sau họ tạo nên chứ không phải do Đức Phật nói, vì sao vậy? phương tiện đó tốt cho một xã hỗi mà người ta có nhiều mê tín, nhưng qua đến xã hội đời sống tâm linh cao thì không còn. Do vậy Đức Phật không có dạy một điều gì đó mà nó chỉ thích hợp cho một thời đại, mà những gì Đức Phật dạy là có thể đáp ứng cho mọi thời đại, mà để đáp ứng cho mọi thời đại thì lời dạy đó phải rất là rõ ràng, rất là trong sáng và không bị vướng mắc vào những phong tục tạp quán. Người đời sau này bày biện ra nhiều thứ khi vướng mắc vào phong tục tập quán thì chỉ tốt cho một thời đại thôi. Như chúng tôi lấy một thí dụ, đạo hữu thấy rằng ngày xưa người ta quan niệm rằng tụng kinh phải có chuông mõ mới là đúng, nếu không có chuông mõ thì không phải là tụng kinh, nhưng khi chúng ta ra xứ ngoài thì chúng ta hiểu một điều rằng có nhiều ngôn ngữ mà khi tụng lên mà tụng theo chuông theo mõ thì không tụng được, chỉ những xứ nào tiếng đơn âm giống như tiếng Tàu tiếng Việt từng âm một âm một thì mới tụng chuông mõ được mà thôi, như qúi vị tụng tiếng Pháp hay tiếng Anh mà tụng chuông mõ thì nghe không được, thì như vậy chuông mõ chỉ tốt cho một dân tộc, cho một địa phương, nó không phải tốt cho tất cả mọi thứ, nếu người nào tin rằng điều đó là một điều vĩnh viễn tất cả mọi thứ thì người đó chưa lãnh hội được phương tiện đó, và những gì Đức Phật dạy thì thật sự không bị kẹt về thời gian và không gian. Riêng về đạo hữu hỏi rằng đọc "Diệu Pháp Liên Hoa kinh" có phải Đức Phật Ngài dạy cho thế hệ 2000 năm sau không? thì chúng tôi nghĩ rằng ở trong nhiều thời đại trước tại Trung Hoa người ta đã thọ trì "Diệu Pháp Liên Hoa Kinh" và ngày hôm nay thì có những điểm trong "Diệu Pháp Liên Hoa kinh" thích hợp với thời đại này và có những điểm không thích hợp, thì chúng tôi xem đó như là một tác phẩm kinh điển, nhưng không nhứt thiết phải đặt cho tác phẩm kinh điển đó một câu nói rằng "đó là gì mà Đức Phật dạy cho thời đại ngày hôm nay" tại vì kinh Phật có rất nhiều kinh điển khác, nói như vậy thì quá quan trọng của kinh này và đánh mất đi sự quan trọng của những kinh khác.
Ít khi có dịp gặp quí Phật tử trong không khí đạo vị như là những ngày tu học, đa phần chúng ta gặp nhau chúng ta chỉ lo nói chuyện này chuyện kia thôi và khi gặp qúi vị đến chùa tu học thì có pháp vị, có niềm vui rất lớn và chúng tôi nghĩ rằng trong đời sống tu tập thì để nuôi sống những niềm vui đó, do vậy thật ra những khi đi sang Âu Châu những khóa tu học thì đối với chúng tôi giống như là những ngày vacances rất là lợi ích, bởi vì ở một ngày học với qúi vị thì chúng tôi cũng tu và chúng tôi cũng học và như vậy cảm thấy đời sống tinh thần và thân khoẻ hơn nhiều và vui hơn nhiều.
Ái duyên cho thủ
Chúng ta nói đến phần tiếp theo là "Ái duyên cho thủ" do có sự ưa thích chúng ta có sự bám víu nắm giữ, và "Thủ" được xem như là một thái độ đạo đức hay là không đạo đức của đời sống. Khi chúng ta nói đến xúc duyên cho thọ, thọ duyên cho ái, thì ái đó được xem như là một hiện tượng tự nhiên, nghĩa là ai thấy cảnh đẹp cũng thích, nhưng sau cái thích đó rồi làm gì thì đó là cái chuyện mà chúng ta nói là thiện hay là bất thiện.
Do vậy yếu tố "Thủ" rất là quan trọng, có hai khuynh hướng mà khiến tạo nên thành ba khuynh hướng:
Là ở trong đời sống này nó giống như chiếc chuông đồng hồ vậy, nó đi từ phía bên trái và đi về phía bên phải, từ phía bên phải trở về phía bên trái, chuông đồng hồ không đi từ bên trái về nằm ở giữa và không đi từ bên phải về nằm ở giữa được. Do vậy khi nói đến thủ thì chúng ta càng đam mê với điều nào nhiều thì chúng ta càng khổ với điều đó nhiều, hễ càng đam mê thì càng đau khổ, mà hưởng thụ càng nhiều, càng tìm sự an toàn thì chúng ta càng cảm thấy bất an đó là hai trạng thái của thủ.
Như ở bên Mỹ người ta có nói đến hiện tượng xã hội mà họ gọi là "chứng lo sợ của những người trung lưu", chứng lo sợ đó là gì? là những người trung lưu thưa qúi vị khi công ăn việc làm của họ ổn định rồi thì họ nghĩ tới chuyện mua bảo hiểm, nghĩ tới chuyện có tiền hưu bổng để về già, ý là đời sống của họ cái gì cũng an bày trật tự nào đó. Thì người ở ngoài nhìn vào nghĩ rằng những người này có cuộc sống ổn định thành ra họ không có lo sợ. Nhưng chính những vị đó là những người lo sợ nhiều nhất, hễ chúng ta càng mong muốn được an toàn thì chúng ta lại càng lo sợ. Khi nào chúng ta có niềm vui gì mà chúng ta hưởng thụ càng nhiều thì khi chúng ta khổ thì chúng ta khổ càng da diết, qúi vị thích điều nào nhiều thì qúi vị càng khổ vì nó thôi. Như trường hợp chúng tôi mua một vật gì đó như cái đồng hồ rất là tốt, rất là ưng ý, rất là vừa ý, rất là đắc tiền, chúng tôi rất là thích nó và dành nhiều thì giờ để săm soi nó, khi nó mất thì chúng tôi sẽ khổ hơn là chúng tôi nhìn đồng hồ lúc vui thích. Hễ vui nhiều thì chúng ta sẽ lụy nhiều, từ cực đoan này sẽ đi đến cực đoan kia, giống như cây tre chúng ta kéo qua bên này nhiều thì nó sẽ qua bên kia nhiều đó là ý nghĩa của "Thủ".
Thì việc chấp thủ ở trong đời này nó là một hình ảnh mà các vị thiền sư thường ví như là chúng ta đi trên con đường, chúng ta có thể đi một cách thoải mái, nhưng chúng ta cũng có thể chọn một thái độ khác là chúng ta thấy một viên đá nào trên đường thì chúng ta nhấc nó lên khiên trên vai chúng ta đi, thay vì để cục đá đó mà chúng ta khiên trên vai chúng ta đi, thì càng khiên nhiều thì càng nặng, thì giống như một người có chấp thủ thấy cục đá thích thay vì thấy rồi buông nó đi thì chúng ta thấy chúng ta vác nó trên vai, đó là hình thức gọi là "Thủ", "Thủ" là giữ nó lại. Thì thưa qúi vị khi nói đến chữ "Ái" thì chỉ nói đến lòng ưa thích, nghĩa là cảm giác thấy thích thú với vật đó, nhưng mà nói đến "Thủ" là chúng ta giữ vật đó là một phần của đời sống và mang nó theo trong giai đoạn kế tiếp của cuộc đời. Thì cuộc sống sở dĩ có qúa nhiều gánh nặng là tại sao? là bởi vì "Thủ", giống như đi đường chúng ta thấy vật gì chúng ta cũng bỏ lên vai. Bây giờ có một câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao chúng ta không thể đi một cách tự nhiên được mà chúng ta phải cúi xuống để nhặt những cục đá đó vác lên trên vai thì câu hỏi đó không cần phải trả lời nhiều là bởi vì "Ái" mà thôi, tại vì chúng ta thích nó phải không?, nếu chúng ta không thích nó thì chúng ta không mang nó lên vai, như vậy là ý nghĩa của chữ mà Đức Phật gọi là "Ái duyên cho thủ" và do ưa thích nên chúng ta chấp lấy nó, chúng ta giữ lấy nó, chúng ta cưu mang nó, chúng ta vác nó.
Và chính cái "Thủ" này quyết định rất nhiều liên quan đến hạnh nghiệp của chúng sinh, bởi vì nó có ba thái độ:
1) Hoặc là từ chối với những chuyện mà chúng ta gọi là trái ý mình.
2) hoặc là bám víu lấy những gì mà chúng ta ưa thích.
3) Thì từ chỗ bám víu và từ chỗ từ chối đó chúng ta sẽ sanh ra một trạng thái khác mà trong kinh điển gọi là "Sầu bi khổ ưu não" nó từ chỗ đó mà ra.
Thì bây giờ thưa qúi vị , trạng thái "Thủ" được Đức Phật đề cập ở đây là do nhân duyên từ ái mà ra, dầu rằng ái được xem như là chuyện tự nhiên, nhưng mà thủ không phải là chuyện tự nhiên, mà đây là sự lựa chọn trong đời sống. Như trường hợp qúi vị sinh ra và lớn lên qúi vị có quyền lựa chọn để lập gia đình hay sống cuộc sống độc thân, mặc dầu sự ưa thích quan hệ nam nữ là chuyện tự nhiên của con người, ai cũng ưa thích ăn ngon mặc đẹp, nhưng để lựa chọn cách sống như thế nào thì điều đó gọi là "Thủ". Hễ từ ái dục mà đưa đến sự thành hình nào đó thì nó phải qua giai đoạn chấp thủ, thủ như vậy được xem là một thái độ lựa chọn, trong khi ái chỉ là trạng thái ưa thích mà thôi, và chính vì có điểm này nên người Phật tử tin rằng có sự tu tập và tu tập có giá trị, tại sao?
Vì thường thường người ta có hai quan niệm:
1) Quan niệm ngày xưa của người Bà La Môn và các tôn giáo khác thường có: thứ nhất là con người sanh ra vì phiền não là một bản năng tự nhiên, trời đất sanh ra như vậy thì chúng ta không thể sửa đổi được, như là ai sanh ra đời cũng tham cũng muốn do vậy điều đó là điều tự nhiên không thể sửa đổi được ta gọi là tiền định, có nghĩa là cái gì đã được an bày rồi. Và những người này khi họ tin vào sự an bày đó thì họ cho rằng những việc làm lầm lỗi của mình thì mình không cần chịu trách nhiệm. Không hiểu qúi vị có khi nào nghe trường hợp của những vị mục sư, của những vị linh mục ở bên Hoa Kỳ mà khi những người này làm những chuyện sai lầm thì những vị đó nói rằng "đó là do sự an bày của Chúa, ý Chúa muốn như vậy, ý Chúa muốn tôi lầm lỗi để sau sự lầm lỗi đó tôi làm gương cho bà con tín đồ, nên Chúa muốn tôi làm thì tôi phải làm" như vậy chúng ta cho rằng điều đó là sự an bày tự nhiên.
2) Nhưng mà rồi một phái cực đoan khác nghĩ rằng phiền não nó là tội lỗi của con người, con người không nên làm vậy, nhưng mà vì sự mềm lòng yếu đuối nên làm.
Do đó khi chúng ta đọc về "Ái duyên cho thủ" và "Thủ duyên cho hữu" thì ái là một điều tự nhiên nhưng mà thủ là một sự chọn lựa và hễ có sự chọn lựa thì có chấp thủ mà chính vì điểm này chúng ta mới tin vào sự tu tập, tin chúng ta có thể làm nó khác đi, tại vì sao? Nếu ở trên đời này tất cả đều do tự nhiên như làm thiện cũng là tự nhiên, làm bất thiện cũng là tự nhiên thì Đức Phật không dạy chúng ta tu tập, tại vì sao? mọi sự cố gắng đều là vô ích, và Ngài khuyên chúng ta nhìn lại tiến trình này để thấy rằng chúng ta có sự lựa chọn chứ không phải là không có sự lựa chọn.
Cũng như qúi vị Phật tử, qúi vị cứ nguyện đi chùa thì ở trong việc đi chùa có tốt và có xấu, điều đó tự nhiên, đoàn thể nào cũng có người vầy người khác, qúi vị có đồng ý không? hễ chúng ta đi chùa vào đám đông thì có vui có buồn, nhưng mà rồi không có nghĩa là chúng ta không có lựa chọn, chúng ta có được sự lựa chọn chứ, chúng ta có thể có quyền lựa chọn những người bạn nào mà chúng ta muốn thân cận và những người bạn nào chúng ta không muốn thân cận, chúng ta có sự lựa chọn nhập cuộc và chúng ta có sự lựa chọn không nhập cuộc, nếu chúng ta thấy đám đông đó là đám đông không thích hợp tu tập thì chúng ta có quyền lựa chọn chứ không phải là không có sự lựa chọn, nên khi nói đến "Ái duyên cho thủ" thì Đức Phật Ngài nhấn mạnh một điểm là con người sanh ra đời là chúng ta có một khuynh hướng tự nhiên là phiền não, nhưng ngoài khuynh hướng tự nhiên đó chúng ta còn được có quyền lựa chọn.
Khi chúng ta hành thiền thì có một điểm rất là thú vị, người ta nói rằng trong lúc hành thiền một miếng bánh kẹp nhỏ thôi thì nó có giá trị như cao lương mỹ vị. Chúng tôi nhớ ngày chúng tôi ở bên Thái Lan, lâu lắm rồi chúng tôi không được ăn kẹo chocolate và ở bên Thái Lan thì kẹo chocolate rất mau chảy do đó hiếm khi ở trong chùa Phật tử họ dâng chocolate, thì có một lần ở bên Thụy Sĩ qúi vị Phật tử gửi cho chúng tôi thùng quà vào dịp tết, ở chùa bên đó thì Chư Tăng không được nhận quà riêng, do đó khi nhận thùng quà đó do Phật tử gửi qua cúng dường thì giao lại cho vị thủ kho và vị đó là phó trụ trì của chùa, và khi vị đó mở ra thấy quà bánh nhiều quá thì vị đó hỏi chúng tôi thích ăn quà bánh sao mà người ta gửi cho nhiều quá vậy.
Thì chúng tôi mới thưa với quí vị đó rằng:
"Bạch Ngài không phải, tại vì hôm nay là ngày đầu năm Tết Nguyên Đán và theo phong tục thì người Việt Nam giống như người Tàu tại Thái Lan vậy, do vậy qúi vị gửi qua cúng dường đó là chuyện rất là tự nhiên chứ không phải tại con thích ăn bánh kẹo mà người Phật tử quen họ gửi bánh kẹo qua."
Thì Ngài nghe nói như vậy Ngài cười và Ngài mới lấy một phong chocolate nói:
"Sư đem cái này về ăn đi, có khi ở Thái Lan lâu cũng nên nhắc nhở chút gì về Việt Nam và đây là ngày tết Việt Nam".
Rồi chúng tôi cám ơn Ngài và mang về, ở trong đời chúng tôi chưa bao giờ mà ăn chocolate ngon như vậy, ăn rất là ngon thưa qúi vị, thì lúc đó chúng tôi mới có ý nghĩ như vầy là:
"Nếu giả sử như trong các ngày lễ mà Phật tử họ gửi cho mình một thùng bánh, mà ở trong thùng đó chỉ được một thẻ chocolate thôi thì thật sự ở đây có ý nghĩa"
Thì lúc đó chúng tôi mới nghĩ tới chuyện là từ "Ái sanh ra thủ" ăn ngon thì chưa dừng ở tại đó mà nó còn đi xa hơn một chút, nghĩ làm sao cho có chuyện đó, và với một người ở trong trường thiền mà nhịn ăn hay nhịn đói lâu ngày thì những chuyện đó có sự quyến rủ rất đặc biệt, và lúc đó thì chúng ta mới nhìn thấy là "ái sanh ra thủ" cái gì ngon, cái gì mà tiện nghi thì bây giờ nghĩ tới làm sao cho nó có và có một cách hợp pháp không bị la không bị rày thì chuyện đó chúng ta sẽ thấy là một trình tự tự nhiên lắm. Nên khi chúng ta ngồi thiền có trạng thái mà qúi vị thường để ý là chúng ta muốn thay đổi không khí ngồi lâu thì chán, chúng ta muốn làm việc gì đó và ý muốn đó cần được ghi nhớ, cần được biết. Có đôi lúc chúng ta không phải tự chiến đấu với chính mình nhiều lắm, nhưng mình phải biết là để ý lâu ngày thì chúng ta thấy rằng ở trong cuộc đời mình có nhiều sự lựa chọn chứ không phải thụ động như chúng ta nghĩ, và điểm này quan trọng với người tu tập. Người xưa họ có nói một câu nói như vầy "Tự do hay không tự do là do kiến thức của con người chứ không phải do người khác ban bố cho mình, một người mà trình độ không có dầu họ qua sống ở xứ tự do hoàn toàn thì họ cũng cảm thấy không có tự do, nhưng một người tu lâu ngày thì cảm thấy rằng mình có rất nhiều tự do là vì mình có rất nhiều sự chọn lựa, khi mình hiểu rằng "Ái duyên cho thủ" thì cái "Thủ" rõ ràng là sự lựa chọn của mình chứ không phải là người khác đem lại cho mình.
Như Ngài Punna khi xin Đức Phật sang xứ Sunaparanta để hành đạo, thì Đức Phật Ngài hỏi ngày Punna là: "Này Punna người dân ở xứ Sunaparanta rất hung dữ, các con sang bên đó các người bên đó hành hung con chửi mắng con thì sao?
Thì Ngài Phuna thưa với Đức Phật "Bạch Đức Thế Tôn nếu những người đó chửi mắng con thì con nghĩ rằng họ còn rất tốt bởi vì họ chỉ mới chửi mắng chứ họ chưa đánh con."
Rồi Đức Phật Ngài hỏi "Vậy chứ này Punna nếu họ đánh đập con thì con nghĩ sao?"
Ngài Punna trả lời "Bạch Đức Thế Tôn họ chỉ đánh đập con là còn tốt chứ họ chưa giết con"
Đức Thế Tôn hỏi tiếp "Này Punnan nếu họ giết con thì sao?" Ngài Puna trả lời rằng "Bạch Đức Thế Tôn, nếu họ giết con thì tốt, là bởi vì họ đã cho con một cái chết có ý nghĩa."
Thì thưa qúi vị khi nghe câu chuyện đó thì chúng ta cảm thấy Ngài Punna trả lời là trả lời cho có, nhưng Ngài Punna cho chúng ta bài học rằng chúng ta có sự lựa chọn trong cái nghĩ về người khác đối xử với chính mình, chúng ta có quyền nghĩ rằng "À, Tây hay Đức họ kỳ thị mình", chúng ta có quyền nghĩ như vậy vì rõ ràng họ có kỳ thị chúng ta mà họ kỳ thị một cách kín đáo, nhưng nếu chúng ta nghĩ như vầy: "chúng ta cám ơn họ, họ còn rất tốt, họ kỳ thị nhưng họ còn giữ trong bụng, họ chưa hành hung chúng ta như vậy còn tốt", nhưng nếu hành hung chúng ta thì sao, rồi khi họ hành hung chúng ta thì chúng ta nghĩ rằng "À, vẫn còn tốt, ít nhất họ đối xử với chúng ta tệ bạc mà họ còn cho chúng ta đến đây sống, như vậy họ vẫn còn tốt" tại sao chúng ta không nghĩ tới chuyện đó. Cũng giống như tất cả chúng ta đều trách Thái Lan, chính phủ Thái Lan tại sao không chống hải tặc, chính phủ Thái Lan không can thiệp chuyện này chuyện kia, nhưng tại sao chúng ta không nghĩ rằng họ còn rất tốt, ít nhất họ cũng cho chúng ta tạm dung trên đất nước họ bao nhiêu năm trời. Chúng ta có quyền lựa chọn chứ không phải không có lựa chọn, thường thường cái chuyện lựa chọn mà chúng ta gọi là "Thủ" là khi chúng ta lựa chọn thì chúng ta thích nhìn khía cạnh bất lợi, nhìn khía cạnh không tốt. Như bây giờ qúi vị vào trong chùa, tự nhiên chúng ta có thể nói rằng ở đây không ai tiếp đãi chúng ta nồng hậu hết, chúng ta có quyền nghĩ như vậy và quả thật đó là như vậy, nhưng chúng ta cũng có thể nghĩ rằng ở đây tốt quá không ai làm phiền mình hết, chuyện đó là quá tốt rồi. Có một lần một số đạo hữu ngồi với chúng tôi nói chuyện rồi có một người không phải là Phật tử, nhưng vì họ có chuyện họ rất ghét Chư Tăng và lúc đó chúng tôi đang ngồi tại một nhà thuộc cộng đồng tại thành phố Houston thì họ vào họ nói "Mấy Thầy nha, bây giờ mấy Thầy tại sao ra nước ngoài rồi làm việc này việc kia, giỏi sao không ở Việt Nam xuống đường biểu tình tranh đấu đi." Thì nghe nói như vậy thưa qúi vị thì qúi vị chung quanh họ nổi sùng lên họ muốn gây chuyện với người đó, thì chúng tôi ngồi yên lặng vì mình là nhà sư cũng đâu làm gì, chúng tôi mới nói với qúi Phật tử là "chuyện không có gì hết đâu qúi vị, đừng làm gì hết, sắp tới giờ làm lễ rồi", một lát sau mấy người hỏi chúng tôi: Vậy chứ Sư thấy mấy người đó sao Sư" thì tôi nói qúi vị rằng nếu tôi nhớ không lầm, nếu Ngài Puna có mặt tại đây thì Ngài nói rằng "những người đó còn tốt vì họ mới chửi mà thôi" thật ra nếu họ đưa tay đánh mình, mình cũng đâu làm gì được, qúi vị thấy không, họ đánh mình chẳng lẽ mình đi kiện họ, mình là nhà Sư không lẽ mình xách áo đi kiện họ, thành ra họ chưa đánh mình, họ chỉ nói vài lời là họ còn tử tế lắm. Như vậy ở trong cái mà Đức Phật nói "Ái duyên cho thủ" tức là từ cái thích điều này thích điều kia chúng ta có sự lựa chọn chứ không phải là không có sự lựa chọn, dầu sao đi nữa thì chúng ta nên ý thức một điều rằng sự lựa chọn đó là một điều rất là tế nhị,
Chúng ta còn 10 phút nữa do đó chúng tôi dành 10 phút này để nhắc lại một câu chuyện, ngày xưa chúng tôi có kể qúi vị nghe câu chuyện về chữ "Thủ" này, câu chuyện đó chắc qúi vị ở đây còn nhớ, là trong Túc Sanh Truyện kể rằng: Ngày xưa có một chàng thanh niên làm nghề gánh nước, mỗi ngày đi gánh nước để độ nhật ở một giếng nước nằm rất xa, mỗi ngày anh đến gánh một cặp nước đem về cho ông bá hộ và đổi lấy một đồng bạc để sống qua ngày, mà thưa qúi vị làm được một ngày thì đủ ăn một ngày mà làm hai ngày đủ ăn hai ngày, suốt đời anh, từ lúc nhỏ cho tới lớn lên không dư được đồng nào hết.
Có một lần có một vị quan thượng thư đi ngang thấy anh đang gánh nước mới kêu "nè anh bạn trẻ tôi rất khát nước mà tôi cũng cần nước để rửa mặt cho mát, anh có thể nào bán gánh nước anh đang có không?"
Anh thanh niên này mới nói với quan thượng thư "Thưa Ngài, tôi biết Ngài là vị quan lớn, nhưng Ngài thông cảm cho tôi, nếu tôi bán gánh nước này cho Ngài thì tôi sẽ không có thì giờ để đi lấy một gánh nước khác về cho ông bá hộ và nếu hôm nay tôi không mang nước về cho ông bá hộ thì ông sẽ giận và cho tôi nghỉ việc luôn, thì khi ông cho tôi nghỉ việc thì thưa Ngài chắc Ngài cũng đi chỗ khác rồi thì tôi cũng không có việc và tìm công việc ở đâu nữa, thì xin Ngài hoan hỷ là tôi không bán gánh nước này cho Ngài"
Rồi vị quan năn nỉ, vị quan mới nói "Thôi tôi sẽ cho anh bạn một đồng vàng, đồng vàng này giá trị rất lớn và anh lấy đồng vàng này rồi anh bán gánh nước lại cho tôi, rồi sau đó anh chạy nhanh trở lại giếng nước và chịu khó mang gánh nước về trễ một chút và chịu khó nghe la rày một chút thì như vậy anh sẽ có được đồng vàng"
Anh thanh niên nghe vị quan nói như vậy thì nhận lời lấy một đồng vàng. Thưa qúi vị khi có được đồng vàng đó thì anh đi gánh nước trở về bị ông bá hộ la rày nhưng anh vẫn vui vẻ, sau khi nghe ông bá hộ la rày xong thì anh tìm một nơi kín đáo để cất giữ đồng bạc, vì không có nhà cửa đàng hoàng nên anh mới nghĩ rằng phải đi đến một nơi rất là xa phía đông của hoàng thành tìm một nơi tương đối ẩn khuất, anh mới đếm từ dưới đất lên bao viên gạch rồi tháo viên gạch đó ra cất đồng vàng vô rồi để viên gạch đó trở lại. Yên trí rằng mình có tài sản để dành.
Thời gian không bao lâu sau đó thì anh một người con gái và cô gái này cũng làm nghề gánh nước như anh, hai người thương nhau và đồng ý kết nghĩa vợ chồng, thì thưa qúi vị nghề gánh nước làm một ngày thì đủ một ngày, một người làm thì đủ ăn một người, mà hai người làm thì đủ ăn hai người chứ không dư dả, do đó hai vợ chồng cưới nhau một thời gian cũng không để dành dư được đồng nào. Một đêm người vợ đi làm về tâm sự với ông chồng nói: "hồi chiều em đi trong làng nghe người ta đánh chuông gõ mõ tuyên bố rằng tối ngày mai có hội chợ đêm, ở trong đời mình mà có lần đi hội chợ đêm chắc là vui"
Người chồng nghe nói như vậy thì rất là xúc động và rất là thương vợ, người chồng mới nghĩ rằng: "mình là đàn ông cưới vợ về và từ lúc cưới về tới giờ chưa bao giờ mà làm cái gì cho người vợ mà xứng đáng là người chồng, mình làm đủ mình ăn, vợ làm đủ vợ ăn, hai vợ chồng làm thì mạnh ai lấy lo mạng của mình", nằm gát tay lên trán một hồi thì người chồng mới kêu người vợ nói rằng: "anh có để dành được ít tiền tính làm của cho con cái sau này nhưng thôi được ngày mai anh sẽ dùng tiền đó để dẫn em đi chợ đêm", người vợ nghe nói như vậy thì mừng quá. Thì thưa qúi vị cũng ngày sáng hôm sau Đức Bồ Tát Ngài sanh làm vị vua Brahmadatta ở trong thành, qúi vị nào sang Ấn Độ thì biết rằng Ấn Độ mùa hè rất nóng, nhà vua ngồi trong hoàng thành, hai bên có cung phi mỹ nữ quạt từ sáng tới chiều và quạt luôn tay, và ở trên thì nóc cao nhà tường đá, nhưng trời nóng thì vẫn nóng như thường và nhà vua ngồi nóng nực bực bội như vậy thì nhà vua ngó ra cửa sổ thấy ở dưới đường có một chuyện rất lạ là có một thanh niên đang chạy trên đường, trời thì nắng mà đường cát đầu trần chân không mà có điều lạ là mặt anh rất vui vẻ rất hoan hỷ thì nhà vua vô cùng hiếu kỳ mới cho thị vệ bắt người thanh niên đó lại đem đến trước mặt nhà vua, vua hỏi rằng:
"Trẫm đang ở trong cung này bằng đá cẩm thạch có người hầu kẻ quạt mà trẫm thấy rất bực mình vì cái nóng, tại sao khanh chạy dưới đường mà lại rất vui vẻ như vậy, khanh có thể chia cái niềm vui đó cho trẫm biết không?"
Thì anh thanh niên mới thưa với nhà vua rằng "Muôn tâu hoàng thượng, tiện dân từ trước đến giờ chưa bao giờ làm được chuyện gì mà gọi là vui lòng người vợ của tiện dân, tối hôm nay tiện dân sẽ dẫn vợ của tiện dân đi chợ đêm một lần, và bây giờ tiện dân đang chạy đến phía đông của thành này để lấy một đồng vàng, nghĩ tới tối nay được dẫn vợ của tiện dân đi chợ đêm thì hoan hỷ vô cùng mặc dầu trời nắng như rất là vui vẻ"
Thì nhà vua mới hỏi "Này thanh niên, trẫm có thể hiểu được là nhà người vui sướng tại vì nghĩ đến chuyện dẫn vợ đi chợ đêm tối nay, nhưng mà trẫm tò mò một chút khanh có thể cho trẫm biết là được bao nhiêu tiền không?"
Thì người thanh niên mới nói với nhà vua rằng "Tâu hoàng thượng tiện nhân có một đồng vàng"
Nhà vua nghe nói như vậy thì vua bật cười, vì một đồng vàng đối với nhà vua quá nhỏ nhoi nên nhà vua mới nói rằng:
"Trẫm hiểu và trẫm rất là vui khi được chia xẻ niềm vui với khanh, khanh khỏi cần phải chạy dưới trời nắng như vậy vì dễ bị cảm dễ bị bịnh, hãy trở về nhà và quên đồng vàng đó đi" rồi nhà vua kêu người hầu cận đem cho thanh niên một đồng, nhưng khi cầm đồng vàng đó anh thanh niên có vẻ hơi đăm chiêu một chút, thì nhà vua mới hỏi anh thanh niên tại sao lại đăm chiêu như vậy"
Thì anh thanh niên mới nói "Tâu hoàng thượng, tiện nhân rất cảm kích hoàng thượng đã cho tiện nhân một đồng vàng, nhưng mà hoàng thượng bảo tiện nhân quên đồng vàng đó đi, thì tiện nhân không thể bỏ được tại vì dù sao có hai đồng vẫn tốt hơn có một đồng"
Nhà vua mới nghĩ tội nghiệp anh thanh niên quá, từ nhỏ tới lớn chưa bao giờ có tài sản nào hết mà bây giờ có được đồng vàng mà biểu bỏ thì dĩ nhiên không đành lòng rồi, nhà vua mới nói:
"Thôi được rồi, trẫm hiểu tâm trạng nhà ngươi, nhà vua biểu người hầu cận lấy cho anh 10 đồng và nói:
" Nhà người cầm 10 đồng này về đi và đừng bao nhờ nghĩ tới đồng bạc đó nữa"
Thì anh thanh niên nghĩ một lúc rồi tâu : "tâu hoàng thượng, đành rằng hoàng thượng cho tiện dân số tiền rất lớn, lớn nhất ở trong đời chưa bao giờ có được, nhưng bảo quên đồng vàng kia thì không bao giờ có thể quên được, tại vì có 11 đồng vẫn tốt hơn có 10 đồng"
Và khi nhà vua nghe nói như vậy thì vì nhà vua là bậc thiện trí thức nhà vua mới có một ý tưởng rất lạ lùng, nhà vua nghĩ rằng mình thử làm cái nào mà ép anh chàng này quên đi được đồng bạc kia để coi tâm ý của chúng sanh ra làm sao thì nhà vua nói rằng:
"Này anh thanh niên, trẫm sẽ cho anh 1,000 đồng vàng mà anh chỉ hứa với trẫm một điều thôi, đó là đừng bao giờ nghĩ tới đồng vàng kia nữa khanh có hứa được không?"
Thì anh thanh niên này nghĩ một hồi rồi nói "Thưa hoàng thượng chuyện đó khó quá, một ngày đi làm chỉ được một đồng bạc nhỏ thôi, mà bây giờ một đồng vàng mà không nghĩ tới thì không thể được."
Thì nhà vua mới nghĩ trong lòng có lẽ là anh thanh niên này từ nhỏ tới lớn chưa bao giờ có thể làm ra được nhiều tiền do đó anh chàng không bao giờ bỏ được đồng vàng đó, thì nhà vua mới nói rằng:
"Ta sẽ phong cho ngươi một chức vụ và do chức vụ này nhà ngươi sẽ có rất nhiều tiền và trẫm hy vọng rằng ngươi sẽ quên, bây giờ trẫm cho ngươi làm đô trưởng của nửa kinh đô, phân nửa kinh đô này ngươi sẽ làm đô trưởng và với chức vụ đó người ta sẽ cho ngươi rất nhiều tiền bạc như vậy ngươi có bằng lòng không".
Thì anh thanh niên đó nói "Tâu hoàng thượng, hoàng thượng cho nhiều quá hạ thần không dám đòi hỏi, hạ thần hứa là sẽ quên đi đồng vàng đó"
Nhà vua bèn nói rằng "bây giờ hoàng thành trẫm sẽ chia ra làm đôi, phía đông và phía tây nhà ngươi chọn phần nào". Thì tự nhiên anh nói rằng chọn phía đông, nhà vua hỏi "Tại sao vậy, ở đó có đồng vàng phải không?"
Thì thưa qúi vị cái chấp thủ của chúng sanh gọi là "Ái hà thiên xích lãng" nghĩa là rất là khó, có rồi khó quên được, tại vì cái "Thủ" đó chúng ta biết rằng chúng ta có sự lựa chọn, nhưng sự lựa chọn không dễ dàng đâu, giống như anh thanh niên vậy, anh thanh niên có quyền lựa chọn để quên, nhưng để có thể lựa chọn để quên đi đồng vàng đó thì không phải là sự lựa chọn dễ dàng mặc dù anh được rất nhiều tiền. Bởi vậy Đức Phật Ngài nói rằng đó là "xiền xích" và con người phải phấn đấu rất nhiều, như vậy một lúc nào đó phải có sự lựa chọn.
Thủ hữu sanh và lão tử, chúng ta đã nói đến thủ và phần tiếp theo chúng ta sẽ nói về "Hữu" và bài sau là "Thủ duyên cho hữu". Chữ "Hữu" trong đạo Phật là một chữ rất đặc biệt có lẽ là đối với tiếng Anh và tiếng Hán rất là dễ dịch nhưng khi dịch sang tiếng Việt Nam chúng ta chỉ có thể sài tiếng Hán Việt là chữ "Hữu" mà có từ ngữ trong chữ Nôm dịch sang thì rất dễ hiểu nhưng khó tìm lắm, vì vậy từ xưa đến giờ các Ngài dịch thấy khó quá nên các Ngài dịch là chữ "Hữu".
Hữu là gì? Chữ "Hữu" trên phương diện từ ngữ, trên phương diện ngôn ngữ thì thưa qúi vị chữ "bhava" trong tiếng Phạn có nghĩ là "sự hiện hữu", nói một cách khác là sự hình thành hay sự trở thành đó là chữ hữu được dịch một cách nôm na là như vậy, nhưng chữ "Hữu" ở trong Thập Nhị Nhân Duyên được hiểu theo ý nghĩa là một sự hoàn thành của một tiếng trình, tiếng trình dó được bắt đầu từ lục nhập rồi xúc rồi thọ rồi ái rồi thủ rồi hữu. Hữu như vậy được xem như là một tiến trình hoàn thành của một chuỗi dài tác động, có thể nói rằng không thể nào mà nhắc đến chữ hữu mà chúng ta không nói đến sự phân chia theo cái nhìn của Ngài Buddhaghosa, nếu qúi vị nhìn vào Thập Nhị Nhân Duyên ./.
Đến đây là hết bằng giảng
|