Thap Nhi Nhan Duyen = Bai 1

Thap Nhi Nhan DuyenTT. Thích Giác Đẳng

Thập Nhị Nhân Duyên - Bài 6 - Thọ duyên cho ái


TT Giác Đẳng giảng tại khoá tu học bên Thụy Sĩ
Chánh Hạnh chuyển biên

(Xin lưu ý: những bài chuyển biên này chúng tôi hoan hỷ với những ai tải về trang web nhà, để tôn trọng Giảng Sư xin giữ y bản chính, xin đừng sửa chữa. Và xin đề rõ tên người chuyển biên )


TT Giac Đẳng: 1) Khi chúng ta uống rượu, chúng ta đi chơi, chúng ta đi chỗ này chỗ kia, tại vì sao vậy? Ở đây nó không có cái xúc cái thọ mà nó sanh ra cái ái. Như vậy chúng ta tìm để chúng ta sống nhẹ nhàng thôi. Con người muốn được nhẹ nhàng, thì đặt chúng ta trong điều kiện nhẹ nhàng, chúng ta sẽ nhẹ nhàng. Người ta thường nói một điều rằng như vậy là chúng ta quá khiếp nhược, như vậy là chúng ta quá yếu đuối. Chúng tôi cũng thấy rằng trong tất cả các cách, tránh né là thượng sách. Không có gì bảo đảm bằng sự tránh né hết. Đức Phật Ngài khuyên nên tránh né.


Ngày xưa khi chúng tôi vào trong chùa, có đôi lúc chúng tôi cảm thấy phiền toái với bộ y này . Đặc biệt là khi chúng tôi sang Hoa-Kỳ đi học. Vì đi học mà mặc chiếc y người ta chọc ghẹo. Có khi gặp người ta hỏi rằng, “Bộ lạnh lắm sao mà trùm chiếc y kín như vậy?” Hay chúng tôi mặc chiếc y đi đâu, khi mình ra cashier mình trả tiền, người ta cũng nhìn mình với vẻ hơi kỳ thị một chút. Như vậy nhìn chiếc y, như là chiếc y có cái gì chướng ngại, khó chịu lắm. Nhưng càng tu rồi, đôi lúc gặp những phiền não, đôi lúc gặp những vấp ngã, càng lúc về sau này, chúng tôi mới cảm thấy rằng, “À, chiếc y là hàng rào che chở cho mình.” Cái hàng rào đó là gì? Nó tạo cho chúng ta môi trường rất thanh tịnh. Ví dụ như quý vị đi chơi ngồi trên xe hơi với người bạn thân, hay là khi quý vị đi đến nhà nào đó, người ta mời quý vị thưởng thức một ban nhạc kích động rất hay, quý vị không từ chối được. Nhưng quý vị bước vào trong chùa này, quý vị có quyền nói rằng, “À, chuyện đó tôi không muốn, quý vị đừng mở, tôi không muốn” Như vậy chùa cho chúng ta môi trường thích hợp để tu tập. Nhìn về điểm này chúng ta mới cảm nhận được gía trị của giáo pháp, và của những gì Đức Phật để lại cho chúng ta.

Ngày xưa khi chúng tôi sang Thái Lan có một vị tên là Upasampada, trong kinh Phật gọi là Cụ túc giới, Ngài hỏi,
-“Các con có biết cụ túc giới là gì không? “
Các vị Tỳ kheo thưa với Ngài nói rằng,
-“ Bạch Ngài Cụ túc giới tức là giới luật của vị Tỳ kheo”. Giới luật Tỳ kheo gọi là cụ túc, như là nói dàn lân vậy.
Bấy giờ Ngài chỉ cười, Ngài nói rằng,
- “Cụ túc giới là ý Đức Phật Ngài nói rằng, khi các con tu đến như vậy đó, các con không có điều nào để cáo lỗi nữa. Người đời họ không ngồi thiền được, họ nói rằng tại vì bận vợ bận con không ngồi thiền được, bận công ăn việc làm không làm được, bận giao tế không làm được, còn con là vị Tỳ kheo giống như người chiến sĩ, được trang bị đầy đủ vũ khí, lúc nào cũng phải ra trận và lúc nào cũng sẵn sàng chiến đấu, mà không có lời cáo lỗi nào hết, nên gọi đó là tỳ kheo”. Khi chúng tôi nghe Ngài nói những điều đó, trở về trên con đường, chúng tôi cảm ơn Đức Phật, nhớ đến Đức Phật và cảm ơn Ngài. Quý vị có biết rằng có vô số người trong đời này không thể nào đặt chân vào nơi tu tập được là bởi vì giai cấp. Giai cấp của họ như thế nào? Họ sanh trong giai cấp hạ tiện hoặc sanh trong giai cấp vua chúa. Làm vua thì không thể đi vào đám đông để ngồi tu tập với người khác được, vì mình làm vua. Mình làm người hạ tiện mình đi đến đâu mình phải ngồi phía sau, không được ngồi phía trước để tu tập. Khi Đức Phật Ngài cho người đó thọ giới để thành một vị Tỳ kheo, thì dầu là một vị Hoàng tử như Ngài A-Nậu-Đà-La( Ngài Anuruddha) hay một người bình thường như Ngài Upali đều có cơ hội giống nhau hết. Người ở ngoài đời không đi làm người ta nói người đó làm biếng, chúng tôi không biết quý vị ở ngoài đời không đi làm, ôm bình bát đi đâu người ta có cho quý vị ăn không? Không ai cho quý vị vị ăn hết. Nhưng chúng ta đi xuất gia rồi, chúng tôi ở trong đời đi tu chưa bao giờ bị đói, nhiều khi là trể giờ thôi. Chưa bao giờ Phật tử để chư Tăng đói, (cũng có thể là ở nơi nào có đói), nhưng chúng tôi biết điều đó, là bởi vì sao? Bởi vì phật tử nghĩ rằng, “À, khi mặc chiếc y rồi mấy Sư lo tu hành.”

Như vậy đó là quyền lợi rất lớn lao, quý vị có thể nói với chúng tôi,
-“Đi tu chưa chắc ăn ngon bằng người đời”
Chúng tôi có thể nói với quý vị rằng,
-“ Quý vị là người đời quý vị ăn ngon thật, nhưng quý vị cần ăn để mà tu mà khỏi đi làm thì không ai cho quý vị hết”.
Người ta sẽ nói rằng,
-“Đạo hữu phải đi làm đi, tại sao ở nhà không đi làm, rồi đi xin người khác”.
Như vậy Đức Phật dành cho Chư tăng một môi trường, là được quyền sống mà không phải nói rằng mình phải đi làm để mà tu, như vậy đó là cái quyền lợi.

Đức Phật Ngài cho Chư Tăng mặc chiếc y. Mặc chiếc y là như vầy, ví dụ như quý vị ở ngoài đời bạn bè lâu lâu mời đi dự tiệc, uống rượu để làm cái này cái kia, có khi từ chối cũng phiền phức, nhưng khi mặc chiếc y không ai làm chuyện đó, vì chiếc y đã là một nhãn hiệu rồi, người ta nhìn vào người ta phải đối xử khác, đó là môi trường. Tại sao chúng tôi phải kể dông dài về đời sống xuất gia như vậy? Để quý vị thấy rằng, theo quan niệm của Đức Phật Ngài nói hễ né tránh tốt hơn chúng ta đương đầu với nó. Né tránh là thượng sách ở trong tất cả phiền não. Khi nào quý vị gặp người nào phiền não nhiều quá, sân hận nhiều quá, thì đừng tìm cách giải quyết với người đó nhiều, tránh người đó đi.

Đức Phật trong kinh Ngài khuyên chúng ta như vầy, “ Khi giận người nào nên ở thật xa người đó. Ở xa không được, ở gần thì đừng nên nói chuyện nhiều. Nói chuyện thì nên ráng giữ chánh niệm” Tại vì sao vậy? Bởi vì xúc thì sanh thọ, thọ thì sanh ái mà thôi. Không phải vì chúng ta quá bi quan, chúng ta quá yếm thế, nghĩa là chúng ta phải chạy trốn cuộc đời, nhưng chúng ta nên hiểu rằng, chúng ta giống những người đang bịnh nghiền rượu, đang tha thiết với rượu thì nên tránh xa rượu đi Không có gì phải mặc cảm về những chuyện đó. Danh dự nó sanh ra phiền não thì mình cứ né thôi.

Bây giờ quý vị sang bên Mỹ, không biết bên Pháp như thế nào. Ngày xưa, ở bên Mỹ, cách đây mấy chục năm người ta mời quý vị uống rượu hay hút thuốc. Nếu quý vị không uống rượu hay hút thuốc thì người ta cho quý vị là một người không ra gì, không có văn hoá, không ý thức được thời đại, thời gian là thế nào. Ngày hôm nay quý vị sang Hoa-Kỳ, người ta mời uống rượu, quý vị nói. “ Xin lỗi tôi không uống được” thì họ sẽ rất mến quý vị , họ nghĩ rằng quý vị đang cố gắng làm điều tốt. Cái chuyện né tránh đó, qủa thật đó là đặc quyền của người Phật tử mà Đức Phật Ngài dành cho chúng ta. Quý vị có quyền nói không, chúng ta không làm chuyện đó, không ai coi thường quý vị hết, không ai chê quý vị hết, bởi vì Đức Phật Ngài cho phép chúng ta làm như vậy. Quả thật sự né tránh là một điểm tốt nhất ở trong đời. Nên chi chúng tôi mong mỏi rằng dù hoàn cảnh nào cũng vậy người Phật tử nên cố gắng đi chùa, vì vô chùa được coi như là nơi thánh địa. Khi quý vị bước vào nơi đó, quý vị có quyền nói không với rất nhiều thứ mà ở ngoài quý vị không thể nói không được. Ngay cả thậm chí đôi khi quý vị không muốn nói chuyện tán gẫu. Vào trong chùa, quý vị nói, “ Hôm nay vào trong chùa tu một bữa, không có nói chuyện nhiều”. Mọi người rất tôn trọng quý vị, không ai trách cứ quý vị. Khi Đức Phật Ngài nói rằng xúc duyên cho thọ, thọ duyên cho ái, Ngài đưa cho chúng ta một định lý liên quan đến đời sống mà phiền não là cái gì rất tự nhiên, không phải là cái gì để mặc cảm, và Đức Phật Ngài không khuyến khích chúng ta sống bằng mặc cảm như vậy. Vào một lúc nào đó quý vị muốn thay đổi đời sống của mình, từ đời sống nhiều phiền não đó, cách tốt nhất là đổi cảnh đi, đổi môi trường sống đi, tức là đổi xúc và đổi thọ đi. Xúc và thọ có thể coi như là sự tiếp xúc với môi trường sống chung quanh mình, thì như vậy ái dục từ đó giảm đi. Dĩ nhiên là nó đòi hỏi nhiều ở sự tu tập. không phải đổi cảnh là chúng ta thay đổi hoàn toàn, nhưng ở đây cái chuyện xúc duyên cho thọ, thọ duyên cho ái có giá trị rất lớn với người tu tập thiền định

Ngài Ajahn Chah nói trong nhiều bài pháp của Ngài, “ Một con chó đến tìm kiếm quanh nhà chúng ta, chúng ta cho nó ăn nó sẽ trở lại hoài”. Phiền não được chúng ta thoả mãn, sẽ trở đi trở lại hoài. Nó đòi cái gì chúng ta cho nó thì đương nhiên thoả mãn thôi. Như trường hợp như vầy, chúng ta có tật là khi chúng ta bực mình chúng ta hay chỉ trích. Chỉ trích xong chúng ta cảm thấy trong lòng hả hê, cảm thấy đã nư của mình. Bây giờ chúng ta cứ xem chuyện bực mình đó như một con chó nhà hàng xóm, chó đói. Mọi khi chúng ta thường làm cái gì để thoả mãn nó, nhưng bây giờ chúng ta tập, mình nhịn đi một ít. Trong cuộc sống chúng ta nhịn một chút như vậy cũng không chết ai hết. Nhịn lâu ngày như vậy, nó sẽ thay đổi thói quen là chúng ta không còn chỉ trích.

Chúng tôi gặp rất nhiều thiền sinh đi vào trong trường thiền, những người này có thói quen nói chuyện, không nói chuyện họ chịu không được, họ nói chuyện lấy vợ lấy chồng, chuyện anh em bạn bè. Khi vào trong trường thiền, những ngày đầu tiên họ rất là buồn, bởi vì trong trường thiền cấm không cho nói chuyện, và trong trường thiền nói rằng món quà tốt nhất có thể tặng cho nhau được đó là sự im lặng. Như vậy những người này phải nhịn. Nhưng mà nhịn lâu, sau hai ba tháng nhịn trong trường thiền, ra ngoài chúng tôi hỏi rằng, “ Hôm nay quý vị trở về tâm thất, quý vị được cái gì?” Họ trả lời rằng, “Không, bây giờ về tâm thất chỉ bớt nói chuyện”. Bởi vì quý vị nói quen rồi, tất cả chỉ là thói quen thôi. Chúng ta hiểu một cách tự nhiên muốn thay đổi nó, chúng ta cứ nhớ hình ảnh Ngài Ajahn Chah nói con chó hàng xóm qua, mình cho nó ăn, nó sẽ đến. Nếu con mắt mình cho cảnh đẹp, nó sẽ đòi. Tại sao người ta không có cái đó người ta chịu được, còn mình không có thì không chịu được. Vấn đề hoàn toàn là thói quen. Tại sao chúng ta không có món đó ăn chúng ta rất khổ sở, còn nhiều người khác không ăn món đó họ vẫn sống đượ. Chúng ta nhìn nhận rằng phiền não là một thói quen, thói quen đó được tạo thành, cũng phải được thay đổi, và như vậy chúng ta sẽ tu được.

Do vậy khi Đức Phật Ngài nói “xúc duyên cho thọ, thọ duyên cho ái” là Ngài nói thẳng cho chúng ta biết rằng, “ Những đam mê, những dính mắc trong đời sống là do sự tiếp xúc đối với các cảnh” Chúng ta muốn tâm hồn nhẹ nhàng hơn, chúng ta tiếp xúc với việc nhẹ nhàng hơn. Cũng giống như vầy, chúng ta hiểu rằng chuyện thị phi trong cuộc đời làm chúng ta phiền não nhiều, chúng ta nên đọc kinh sách nhiều hơn. Đọc kinh sách nhiều hơn, chúng ta sẽ ít bị chi phối bởi chuyện thị phi nhiều hơn. Suy nghĩ về Phật pháp nhiều hơn, tâm hồn chúng ta nhẹ nhàng nhiều hơn. Chuyện đó là chuyện đương nhiên. Có một số người hỏi rằng, “ Tại sao mình cũng đi chùa, cũng nghe Pháp mà trong lòng mình không đổi được”. Có thay đổi đó, nhưng chúng ta chưa biết. Nó thay đổi từ từ chậm chậm. Chúng ta nói đến những căn bệnh, Đức Phật Ngài gọi là căn bệnh ái dục. Đó là căn bệnh của vô lượng kiếp, chứ không phải của ngày hôm qua hôm kia gì, mà từ nhiều đời kiếp. Có thể từ xa xưa đến bây giờ, lòng ái dục giữa người nam với người nữ, giữa người nữ với người nam. Lòng ái dục với sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc lạc đã ăn sâu vào đời sống rồi, muốn thay đổi chúng ta phải có một ít thời gian để chúng ta hoán chuyển nó đi. Tuy nhiên điều chúng tôi muốn nhắc lại một lần nữa là nên cố gắng nhìn phiền não, đặc biệt là ái dục như là một hiện tượng tự nhiên của đời sống, và chúng ta thay đổi trong cách tự nhiên của nó, đừng thay đổi trong mặc cảm tội lỗi, bởi vì thay đổi như vậy không có lợi gì hết, hoàn toàn không có lợi gì hết. Chúng ta biết rằng do có xúc nên có thọ, do có thọ nên có ái, như vậy ái dục sanh từ cảm thọ nào? Và cảm thọ đó sanh từ cảnh nào? Chúng ta nên tránh cảnh đó đi để không có cảm thọ. Không cảm thọ, chúng ta không gặp ái, bớt được cái ái nào, chúng ta an lạc được phần đó mà thôi.

Con người chúng ta sống ngày hôm nay, đôi khi chỉ có quan niệm về làm việc thôi, nó tạo ra cho chúng ta rất nhiều sự tranh luận rồi. Đôi khi có nhiều lúc chúng ta sống, chúng ta nhận có những quan niệm rất mới mẻ và xa lạ. Những người châu Phi phần đông họ nhận rằng trả thuế là bổn phận của người công dân, trong một quốc gia mà công dân không trả thuế thì quốc gia không làm việc được. Nhờ vào cái thuế quốc gia được phát triển, chứ không phải vì người dân đâu. Như với người Việt Nam chúng ta, ngày xưa khi người Pháp sang bên mình, họ lấy thuế mình than là sưu cao thuế nặng, nhưng về sau này chúng ta khi sang sống ở các nước, chúng ta thấy những nước kỹ nghệ nào cũng đóng thuế hết, chúng ta thay đổi quan niệm đó, và thấy trả thuế là chuyện tự nhiên

Phra Viriyang Sirintharo

Đời sống tu tập là một thế giới rất lạ. Trong thế giới đó, chỉ khi nào sống được mà cảm nhận được, chúng ta mới cảm nhận được cái hay của nó. Bên ngoài người ta nói rằng, “Đạo Phật chủ trương là diệt dục” nghe nói như vậy nhiều người cảm thấy phiền não. Tại sao vậy? Vì đời sống không có ái dục, đời sống sẽ không còn sinh khí nữa. Tuy nhiên một người Phật tử rất bình thường, không cần là Phật tử thiền sinh, không cần là người tu tập mới có thể cảm nhận được rằng, bớt đi sự dính mắc nào thì mình được nhẹ nhàng phần đó, như vậy được an lạc một chút. Khi chúng tôi đi hành thiền trong trường thiền tại Wat Nong Phra That có một lần chúng tôi lên nghe pháp, Ngài thiền sư giảng chúng tôi mới nhận được một lý lẽ quan trọng của đời sống của một vị thiền sinh là, “ Khi lên hành thiền mình không cần phải chờ đến đắc đạo chứng quả, mình mới được sự an lạc. Mình tìm thấy hạnh phúc trong từng giây phút. Với mục đích ca ngợi như vậy mới xứng đáng những giờ phút hành thiền”. Điều đó giống như một bài hát quý vị thường hay nghe, “Đường chúng ta đi qua bao gian khổ chông gai, đóa hoa hồng nở trong từng bước tới.” Mỗi bước chân là một hoa nở, vì trong mỗi giây phút chúng ta cảm nhận được cái an lạc của nó. Nếu quán tưởng đồng thời khéo suy tư, chúng ta thấy những giây phút bình thường như mình đang sống tại đây, không có suy nghĩ về chuyện nhà cửa, không suy nghĩ về chuyện người thân, không suy nghĩ những chuyện làm cho đời sống mình cảm thấy nặng nề. Bớt đi giây phút đó, ta cảm thấy đời sống an tịnh nhẹ nhàng, an lạc hơn một chút, như vậy bớt đi ái dục, và đạt được hạnh phúc. Còn người bên ngoài nói diệt dục sẽ được hạnh phúc, thì qủa thật rất là khó cảm nhận. Về điểm này người Phật tử không cần phải bảo rằng, từ bỏ gia đình, sống đời sống không gia đình, đi vào chùa tu mới cảm thấy an lạc. Nhiều người quan niệm, buông bớt được điều nào mình hạnh phúc điều đó. Ngày nào mình buông bớt được thói quen lệ thuộc, buông bớt được chuyện lo âu, buông bớt được chuyện cố chấp, ngày hôm đó chúng ta được an lạc một chút. Chúng ta phải chắc chiu những hạnh phúc đó, chúng ta mới tìm được hạnh phúc chung quanh đời sống tu tập, ngoài ra rất khó khăn.


Trong kinh Ngài Xá-Lợi-Phất có khuyên người tu học, trong đời sống của mình nếu chúng ta được an lạc được thanh tịnh chúng ta nên ghi nhận sự an lạc thanh tịnh đó. Như Đức Phật Ngài dạy trong kinh Pháp cú, lâu lâu chúng ta ngồi lại chúng ta cũng nên nhớ rằng, “ Hạnh phúc thay ta sống an lạc giữa những người khổ đau. Giữa những người khổ đau ta sống an lạc.” Khi quý vị đi đâu xa chơi nhìn thấy dòng người vất vả, họ đi tới đi lui, khuôn mặt người nào cũng lo âu, mà trong tâm hồn quý vị thanh thản, quý vị cũng nên nhắc chính mình một chút, “ Hạnh phúc thay ta sống an lạc giữa những người khổ đau. Giữa những người khổ đau ta sống an lạc.” Không phải nói như vậy để kiêu mạn, nói như vậy để nhắc nhở cho chúng ta biết rằng chúng ta có một thứ hạnh phúc mà hạnh phúc đó đến từ sự tu tập của mình.Rất dễ dàng chúng ta quên đi những hạnh phúc trong đời sống tu tập của mình.

Chúng tôi xin thưa với quý vị một điều, khi chúng ta mang đôi giầy, đôi giầy đã vừa ý rồi, đôi giầy đã vừa chân rồi, ít khi chúng ta nghĩ đến đôi giầy. Quý vị có thấy như vậy không? Khi nào đôi giầy nó chật, đôi giầy mang vào khó chịu, chúng ta ngồi chúng ta nhớ đôi giầy hoài, tự nhắc “mình phải đi mua đôi giầy”, nhưng khi đôi gìây đã vừa chân rồi, đôi lúc chúng ta quên nó đi, chỉ xỏ vô rồi đi thôi. Nhiều, nhiều thứ trong đời sống nó vốn đã quá quen thuộc, nó vốn đã quá bình thường, nó vốn đã quá gần gũi với chúng ta chúng ta cũng quên, chúng ta không để ý đến nhiều nữa, cái hại là chúng ta sắp để mất nó. Tại vì sao? Chúng ta không để ý nhiều thì chúng ta dễ bỏ quên. Như vậy trong đời sống tu tập nhiều khi một chút thanh thản một chút an lạc, cần phải được chú ý.

Khi chúng tôi đi làm việc Phật sự với Ngài Hoà Thượng Hộ Giác, bấy giờ thức đêm, Ngài có nói với chúng tôi một kinh nghiệm, Ngài nói rằng, “ Lâu lâu được đi chỗ này chỗ kia nói chuyện Phật-Pháp, nhiều người lầm nghĩ rằng, ‘À. trong đời sống này ăn cơm của Phật tử, mình phải làm cái gì để đền đáp lại một phần nào đó’, nhưng Ngài nghĩ đó là niềm vui”. Niềm vui đó đi vào trong cuộc đời hoằng pháp của Ngài. Khi chúng tôi nghe Ngài nói điều đó chúng tôi mới cảm thấy rằng, có lẽ một người khác khi nghe Ngài nói như vậy, họ nghĩ chuyện đó rất bình thường. Nhưng khi chúng ta ý thức được nó là niềm vui, thì quả thật là niềm vui lớn, điều đó là một sự ý thức, Đức Phật Ngài gọi “chánh tư niệm”, nếu không ý thức lâu ngày chúng ta sẽ quên đi. Nhiều người tu tập bị lui sụt, không phải họ không có căn cơ tu tập, chung quy họ không ý thức được họ đang tiến bộ. Khi mình không ý thức được mình có tiến bộ, mình sẽ để nó rơi vào trong quên lãng. Như Ngài Xá-Lợi-Phất có dạy trong trung bộ kinh, Ngài dạy như vầy,
“ Một người thanh tịnh mà biết mình thanh tịnh, một người uế trược mà biết mình uế trược, người đó tốt hơn một người thanh tịnh mà không biết mình thanh tịnh, một người uế trược không biết mình uế trược”

Bởi vì khi quý vị thanh tịnh mà không biết mình thanh tịnh, cơ hội đánh mất sự thanh tịnh đó có rất nhiều, và chúng ta dễ rơi vào trạng thái cũ. Một người uế trược mà không biết mình uế trược, nó trở thành tệ hại hơn . Còn một người uế trược biết rằng mình uế trược, Ngài Xá-Lợi-Phất nói rằng người đó còn tốt hơn một người thanh tịnh mà không biết mình thanh tịnh. Do vậy trong sự tu tập của chúng ta liên quan đến đời sống ái dục, chúng ta đừng nghĩ chừng nào chúng ta diệt trừ hết phiền não, hết ái dục, chúng ta mới an lạc, đừng nghĩ như vậy. Mình bớt được cái nào thì mình mừng cái ấy.

Lâu lâu chúng ta có thể nói với nhau như vầy, “Ngày xưa chúng ta ghiền trà ghiền cà-phê, nhưng bây giờ chúng ta không có trà không có cà-phê thì cũng không sao hết”. Quý vị tự khen với chính mình và cũng phải nói với những người đồng đạo thân của mình nữa. Ngày xưa đi chùa, ngồi nghe pháp nửa tiếng đồng hồ, chúng ta cảm thấy bực bội khó chịu lắm. Bây giờ chúng ta có thể ngồi được hai, ba tiếng đồng hồ. Chuyện đó cũng đáng hoan hỷ. Ngày xưa không có con cái trong nhà buồn, bây giờ không có con cái chúng ta vẫn an lạc được, cũng đáng hoan hỷ. Mặc dầu những niềm vui đó rất nhỏ, tuy nhiên chúng ta hiểu rằng sự tu là cái gì rất tự nhiên, chúng ta phải chắc chiu những điều đó, để đạt được sự tiến bộ về đời sống tinh thần.

Do vậy khi nói đến ái dục thường thường chúng tôi rất ít nói, ở trong một hội chúng mà những Phật tử chưa tha thiết với sự tu học nhiều.
Quý vị có biết rằng khi ông Cấp Cô Độc ông bị bệnh sắp mất, Ngài Xá- Lợi- Phất đến gặp ông Cấp Cô Độc.
Ông Cấp-Cô-Độc mới thưa với Ngài Xá-Lợi-Phất
-“ Thưa Tôn Giả, xin Ngài nói một bài pháp cho con được nghe, được lãnh hội”.
Ngài Xá-Lợi-Phất nhìn ông Cấp- Cô- Độc, một cách rất thiết thực Ngài đã nói với ông Cấp- Cô- Độc một bài pháp mà ngày nay là bài kinh “ Giáo giới Cấp-Cô-Độc” trong Trung bộ kinh mà quý vị đã đọc.
Ngài nói về mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, nghĩa là những gì chúng ta đang nói.
Ông Cấp-Cô-Độc nghe xong, ông chảy nước mắt.
Ngài Xá-Lợi-Phất hỏi ông Cấp-Cô-Độc,
-“ Này đạo hữu, tại sao đạo hữu lại rơi nước mắt như vậy? Có phải đạo hữu đang chấp chứa vấn đề gì không?”
Ông Cấp-Cô-Độc thưa với Ngài Xá-Lợi-Phất,
-“ Thưa Tôn Giả trong suốt cuộc đời cư sĩ, con tu tập, con chỉ nghe nói nhiều về chuyện bố thí, nghe nói nhiều về chuyện trì giới. Thưa Tôn giả, ít khi con được nghe bài pháp thâm sâu như vậy. Thưa tôn giả vì từ mẫn, hãy giảng bài pháp này cho những người cư sĩ khác, nhờ vào đó họ được lãnh hội giáo lý.”
Ngài Xá-Lợi-Phất nói với ông Cấp-Cô-Độc giống như một lời tâm sự, Ngài nói rằng,
-“ Này đạo hữu, với giáo pháp thâm sâu như vậy, không phải ai cũng phải theo, do vậy Đức Phật và Chư Tăng ít nói cho những người cư sĩ.”

Tâm trạng đó của Ngài Xá-Lợi-Phất giống như tâm trạng chúng tôi vừa đề cập với quý vị. Khi nói về ái dục, nếu chúng ta nói một cách thẳng thừng, ái dục là nhân sanh khổ, sẽ rất khó chấp nhận ở nhiều người. Vì thông thường khi nghe như vậy, chúng ta dễ dàng đánh trống lãng đi, chúng ta khó chấp nhận. Tuy nhiên nếu chúng ta suy niệm cho kỹ, nghiệm cho kỹ, và đem áp dụng vào trong đời sống từng phần từng phần một, chúng ta sẽ cảm nhận được cái gì rất thiêng liêng, cảm nhận được cái gì rất an lạc và không khó lãnh hội như nhiều người thường nói.

Có lẽ quý vị Phật tử có nghe câu chuyện ngụ ngôn,“ Có một người có bốn bà vợ, ông có bốn cách đối xử khác nhau với bốn bà vợ. Bà vợ đầu tiên ông rất thương mến, lúc nào cũng chăm sóc và để ý đến, lo lắng cả ngày. Người vợ thứ hai ông cũng lo tới, ông cũng có đoái hoài nhưng khi ông cần thì ông lui đến. Người vợ thứ ba tương đối ông không thương nhiều và cũng không hắt hủi nhiều. Bà vợ thứ tư khi có ai nhắc nhở ông mới nghĩ đến. Khi ông chết đi, trong câu chuyện kể rằng, bà vợ thứ nhất là người ông thương nhất ngày nào ông cũng nghĩ tới, đưa ông ra tới cổng rào rồi không đi theo. Bà vợ thứ hai là người ông cũng thương nhưng khi nào ông cần ông thương, đưa ông đến bờ vực, ném xuống vài đóa hoa rồi đi về. Bà vợ thứ ba ông không thương và cũng không nhớ nhiều, bà vợ này theo ông xuống đáy vực và nằm ở đó. Bà vợ sau cùng đi theo ông luôn.

-Trong câu chuyện ngụ ngôn này, người đàn ông có bốn bà vợ ví dụ giống như người bình thường chúng ta.
-Bà vợ thứ nhất ví dụ cho tài sản của chúng ta, cái mà chúng ta thương yêu nhất trong đời sống là tài sản, tiền tài, vật chất. Chính vì vậy mà ngày nào chúng ta cũng đi làm trừ những ngày lễ, chúng ta lo lắng tài sản rất nhiều. Nhưng bà vợ này là những của cải đó , khi chúng ta bước ra khỏi hàng rào, sẽ không theo chúng ta.
-Bà vợ thứ hai ví dụ giống như những người thân yêu, quyến thuộc của mình. Đó là ai? Là cha mẹ, là anh chị em,là vợ chồng con cái, là những người chúng ta rất cần nên chúng ta thương họ. Họ mang lại cho chúng ta niềm vui, mang lại cho chung ta sự an ủi, nhưng chúng ta cũng không thương bằng tài sản vật chất. Những người này họ chỉ đưa chúng ta xuống vực, ném cho chúng ta vài đóa hoa, rồi họ đi.
-Bà vợ thứ ba được ví dụ giống như xác thân của chúng ta vậy, xác thân của chúng ta thì chúng ta có thương đó, nhưng cũng không thương bằng của cải vật chất. Quý vị nghe chúng tôi kể câu chuyện ngụ ngôn này, quý vị hỏi rằng, “Đáng lẽ cái thân của mình mình lo hơn của cải của mình chứ”, nhưng thật sự không phải vậy đâu, có khi chúng ta lo của cải hơn lo thân của mình. Quý vị có thấy người nào vì của cải mà hành hạ thân xác chưa? Có rất nhiều người trong chúng ta, trong cả đời thức khuya dậy sớm chỉ lo tích luỹ tài sản thôi. Nói là chúng ta lo cho thân chúng ta nhiều. Không phải đâu. Nếu chúng ta lo cho thân chúng ta nhiều, chúng ta phải ăn những món khiến cho chúng ta ít bệnh hoạn. Không có. Lâu lâu chúng ta thích cái gì chúng ta ăn cái đó, chúng ta thích coi phim thì chúng ta thức thật khuya, cái thân nó mệt kệ nó. Khi chúng ta tham đi chơi chỗ nào chúng ta cứ đi, đi vacant về mệt nhoài như vậy cũng đi. Chỉ ham vui chứ không quan tâm đến cái thân của mình. Như vậy mình lo cái thân ít hơn mình lo tài sản. Mới nghe qua, khó chấp nhận, nhưng quả thật đôi khi chúng ta không lo thân của mình nhiều. Ngài Hộ Giác nói rằng, tập Yoga rất có lợi cho sức khoẻ, nhưng có mấy người chịu khó tập yoga. Biết rằng tập yoga đem lai nhiều sức khoẻ, lợi cho thân rất nhiều, tuy vậy không phải lúc nào chúng ta cũng tinh tấn. Nhưng nếu đi làm để lo đồng lương, thức khuya dậy sớm chúng ta phải ráng đi làm, và mỗi ngày bỏ ra một tiếng đồng hồ tậpYoga chúng ta cũng cảm thấy lười biếng. Đó là bản chất tự nhiên của con người là như vậy.
-Người vợ sau cùng mà ông ta hờ hững, ai nhắc đến mới nhớ được ví dụ như phước đức. Chuyện phước đức mà Đức Phật Ngài gọi là Thánh sản, Thánh sản là tài sản sẽ đi theo chúng ta từ đời này sang đời kia, là những gì chúng ta hờ hững. Như vậy nếu người Phật tử chúng ta nhìn lại bốn nguời vợ đó. Chúng ta thấy cái nhìn của chúng ta, quả thật là thiển cận. Người mà thương chúng ta ít nhất, là tài sản bỏ chúng ta đi sớm nhất, là người chúng ta thương nhiều nhất, chỉ đưa ra tới cổng rào rồi trở về, nhưng bình sinh chúng ta lại thương người đó nhiều nhất. Người thương chúng ta lâu dài nhất, gắn bó với chúng ta nhiều nhất là phước đức thì chúng ta lại hờ hững trong đời sống của mình.

Chuyện đó được hỏi tại sao, Đức Phật nói rằng, “Tại vì bản chất tự nhiên của con người, trong ái dục có vô minh và trong vô minh có ái dục”. Thật ra ái dục và vô minh chỉ là hai mặt của một đồng tiền. Không biết và không thấy, nếu chúng ta biết và chúng ta thấy như vậy, chúng ta phải thay đổi. Thay đổi hoàn toàn cách nhìn của chúng ta về đời sống. Nhưng phải thấy cái gì nó ăn sâu vào trong tâm hồn của mình. Nhiều khi chúng ta biết mà chúng ta không thay đổi được. Khi nói về phần “xúc duyên cho thọ, thọ duyên cho ái”, Đức Phật Ngài tiếp tục thêm hai phần nữa ứng dụng trong đời sống hiện tại, liên quan đến phiền não, đó là thủ và hữu. Sáng hôm nay chúng tôi không đi vào chi tiết khô khan, nếu như vậy có thể làm cho quý vị, buổi sáng mới vừa thức dậy, vừa tụng kinh xong, chưa sẵn sàng. Do đó chúng tôi nói hơi dông dài ngoài đề một chút về ái dục. Phần tiếp theo sau là phần thủ và phần hữu, chúng tôi xin phép nói hơi khô một chút. Những điều này rất có lợi cho hành giả tu tập hơn là cho một người nghe Phật Pháp để mà suy tư một cách bình thường giống như một môn triết học.

Khi Đức Phật Ngài nói về “xúc duyên cho thọ, thọ duyên cho ái, ái duyên cho thủ, thủ duyên cho hữu”, Ngài nhìn vào nội tâm của chúng ta trước, nhìn gíông như cái nhìn của nhà bác học đem một mảnh vi khuẩn rất nhỏ đưa lên kính hiển vi vậy, nhìn rất tinh tế. Chính cái nhìn tinh tế này giúp cho chúng ta đạt đến sự tinh tế trong đời sống tu tập. Càng gần với nó, càng biết nó, chúng ta càng thiện xảo hơn, càng khéo hơn, trong đời sống tu tập của mình. Như quý vị Phật tử làm việc, chúng ta nhớ chúng ta học nghề gì đó, lúc đầu chúng ta chưa quen cầm đồ nghề còn lấn cấn tay chân, chúng ta làm rất chậm. Nhưng khi chúng ta làm việc lâu, quen với đồ nghề rồi, chúng ta sẽ làm được nhanh. Đối với những phiến não và đối với những hiện tượng tâm lý chúng ta quen thuộc với nó, chúng ta dễ tu. Nhiều nguời tu tập có quá nhiều mặc cảm, tu tập có quá nhiều thời gian , tu tập có quá nhiều sự phân vân, là vì họ không rõ ràng, cái hình ảnh không bao giờ rõ ràng hết.

Cũng như quý vị đến một thành phố nào, quý vị không biết về thành phố đó một cách kỹ lưỡng về đưòng đi nước bước, có đôi lúc quý vị rất ngại đi ra bên ngoài, quý vị rất miễn cưỡng đi đó đi đây. Nhưng nếu quý vị sống càng lâu và biết càng nhiều đường đi nước bước, quý vị có thể xem đó là quê hương của quý vị. Giống nhu là quý vị đang sống tại nơi đây, biết đường đi nước bước như vậy đó cảm thấy hoàn toàn khác với chúng tôi ở xa đến. Nếu chúng tôi biết nhiều lắm cũng chỉ biết những cảnh đẹp như đi ra ngoài Khải hoàn môn, điện Elize, đi tới đi lui chỉ chùng đó thôi. Quý vị biết hang cùn ngỏ hẽm, chỗ này chỗ kia và như vậy quý vị cảm thấy thoải mái hơn.
Cò nhiều người phật tử hỏi chúng tôi rằng,
-“Đến thăm thành phố Houston là thành phố không có gì đặc sắc hết, nhưng tại sao chúng tôi sống tại đó lâu năm sao, chúng tôi không chán?”
Chúng tôi thưa với quý vị đó rằng,
-“ Sống lâu nên chúng tôi biết những đặc điểm của nó, chúng tôi quen rồi, biết đường đi nước bước chúng tôi cảm thấy dễ chịu hơn.”

Trong sự tu tập cũng vậy, nếu chúng ta biết sự tu tập, biết sự vận hành của tâm ý một cách tinh tế hơn, chúng ta sẽ thoải mái rất nhiều.
Chúng tôi có quen với một số Phật tử từ Việt Nam mới qua Mỹ, quý vị đó nói với chúng tôi như vầy,
-“ Học tiếng Anh khó quá, học vài chữ đã mệt rồi”
Quý vị hỏi thêm
- “ Học bao nhiêu chữ thì nói chuyện được.”
-“ Học chừng hai ngàn chữ là nói chuyện được” thì quý vị đó mất tinh thần không muốn học nữa. Vì sao vậy? Chúng ta học từ chữ thứ nhất đến chữ thứ mười, chữ thứ nhất dễ nhớ đến chữ thứ mười thì loạn trí rồi, nghe nói đến chữ hai ngàn chúng ta ngán, chúng ta thấy khó lắm, phải không quý vị? Nhất là nhớ hai chục chuyện đã là khó khó nhớ rồi, làm sao nhớ đến hai ngàn chuyện.
Nhưng chúng tôi nói với quý vị đó như vầy,
-“ Càng học càng dễ, quý vị tin tôi đi. Ngày xưa danh từ anh văn khi chúng tôi học nó khó nhớ hơn bây giờ, hiện tại chúng tôi đã nói được một phần, đã viết được một phần. Bây giờ học chữ nào mới, chúng tôi thấy dễ nhớ hơn hồi xưa nhiều lắm”.
Không nhất thiết những gì chúng ta đã học rồi, chúng ta phải khổ công nhớ đi nhớ lại hoài. Vì sao vậy? Bởi vì nó đã trở thành một phần của chúng ta rồi. Chúng ta không còn mệt mỏi với nó nữa. Nghĩa là nếu quý vị đã học được hai ngàn chữ rồi, thì với chữ hai ngàn lẽ một , quý vị sẽ học thoải mái, chứ không có nghĩa là học chữ hai ngàn lẽ một thấy khổ sở hơn, không có chuyện đó.

Học Phật Pháp, mới nghe rất nhiều, mới nghe rất khó, nhưng nếu quý vị càng học càng hoan hỷ, càng học càng cảm thấy dễ hơn. Cũng như ví dụ khi nãy, khi quý vị mới bắt dầu làm nghề, quý vị làm chậm và cảm thấy lúng túng, nhưng càng làm càng thấy nhanh, càng thấy dễ hơn. Tại sao vậy? Tại vì quý vị đầy đủ dụng cụ, đầy đủ những trang bị, đầy đủ sự quen thuộc, đầy đủ sự thuần thục. Như vậy chúng tôi xin mời quý vị thỉnh thoảng đi vào những đề tài tương đối khô khan. Khi chúng tôi về đây, quý vị có mời tôi nói về Thập nhị nhân duyên. Chúng tôi nhớ trong cuộc đời tu học của chúng tôi, chúng tôi nói Phật Pháp rất nhiều, nhưng chỉ có bốn lần thật sự chúng tôi dành thì giờ để nói về Thập nhị nhân duyên một cách trọn vẹn từ đầu đến cuối, vì nó là đề tài quý Phật tử ít ai thích nghe. Nói về bố thí trì giới tham thiền nói về ba-la-mật thì dễ, nhưng nói về Thập nhị nhân duyên nghe rất khô khan. Tuy vậy có đôi lúc chúng ta cũng nên đổi món một chút xíu, đi xa hơn một chút xíu, tìm cái gì hay lạ hơn một chút xíu. Chúng tôi mong rằng những điều đó sẽ không làm cho quý vị cảm thấy mệt mỏi, cảm thấy khó chịu khi quý vị dành thì giờ đến đây để tham dự khoá tu học ngày hôm nay.

Phần câu hỏi

1) Như chúng tôi vừa đề cập đến trong ở trong bài Thâp nhị nhân duyện, ái dục sanh khởi từ thọ và từ xúc. Xúc có nghĩa là sáu căn tiếp xúc với sáu cảnh, do sáu căn tiếp xúc với sáu cảnh sanh ra cảm thọ, và thọ sanh ra ái. Do vậy khi Đức Phật Ngài nói về ái, Ngài cho rằng đó là những hiện tượng rất tự nhiên. Hễ căn tiếp xúc với cảnh, tự nhiên sanh ra ái được, đó là hiện tượng tự nhiên. Phật tử hiểu đạo như vậy sẽ không thấy có mặc cảm. Phiền não không phải là cái gì chúng ta mặc cảm để đương đầu với nó. Tuy nhiên câu hỏi của đạo hữu không trả lời bằng lý thuyết được, bởi vì câu hỏi đó nó đòi hỏi cái kinh nghiệm thực hành, mới tìm trạng thái được liên hợp được. Người ta thường có ý nghĩ rằng chúng ta sẽ không bước tới bằng cả hai chân nhấc lên. Chúng ta không bao giờ bước tới bằng cả hai chân nhấc lên, luôn luôn chúng ta đi tới, phải dở một chân, một chân phải đứng lại. Một chân đạp xuống một chân dở lên, nó thay đổi và như vậy chúng ta mới đi tới được. Khi nói vậy có nghĩa là chúng ta không bao giờ đoạn tuyệt với đời sống hiện tại hoàn toàn, để chúng ta thay đổi cảnh giới mới. Chúng ta muốn bước tới thì một chân phải đạp xuống một chân đưa tới. Ở đây một người có một ít kinh nghiệm về tu tập, không tạo ra những biến động không cần thiết trong đời sống của mình.
Ngày xưa bên Ấn Độ, người ta có hai chủ trương, theo Đức Phật đó là hai cực đoan của đời sống. Hai chủ trương đó cho rằng:
- Con người sở dĩ khổ do họ quá thiếu thốn, như chúng ta nói bần cùng sanh đạo tặc. Từ sự thiếu thốn đó con người sanh ra phiền não, bây giờ cho con người đầy đủ, con người sẽ dễ thương, sẽ ít có phiền não. Do vậy họ chủ trương thuyết lợi dưỡng. “À, cho con người có cơm ăn áo mặc, ăn ngon mặc đẹp thì tự nhiên không có chuyện gì xảy ra hết.”. Đó là một quan niệm cực đoan.
-Một quan niệm khác ngược lại, khi người ta đề cập đến tu hành, họ cho rằng con người muốn được an lạc thì phải vứt bỏ tất cả, đi vào con đường, Đức Phật Ngài gọi là khổ hạnh. Khổ hạnh ngay cả nhịn ăn nhịn uống làm cho cơ thể mòn mỏi, làm cho cơ thể không còn có khả năng để ham muốn đòi hỏi nữa. Đức Phật Ngài cũng cho đó là một trạng thái cực đoan.

Bây giờ Đức Phật Ngài dạy về con đường trung đạo, con đường có thể bước tới nhưng không phải đoạn tuyệt với quá khứ, đoạn tuyệt với cái điều kiện tự nhiên mình có. Sỡ dĩ nói với đạo hữu điểm này là điểm tế nhị trong pháp hành là tại vì trên lý thuyết cái xa nhất mà mình có thể nói rằng, “À, mình nên nương vào, mình nên phan duyên thôi", tuy nhiên phan duyên đến mức độ nào thì chuyện đó tuỳ vào mỗi cá nhân mỗi người hành đạo. Chúng tôi muốn kể một ví dụ là vầy, tại xứ Thái Lan và Nhật Bản, chư Tăng sống có hai tiêu chuẩn, khác nhau hoàn toàn. Người Thái Lan họ rất trọng chư Tăng của họ và người Nhật bản cũng rất trọng Chư Tăng của họ. Nhưng nếu đem chư Tăng Thái Lan so với chư Tăng Nhật Bản hay Nhật Bản so với Việt Nam, thì Phật tử Việt Nam khó có thể kính trọng được chư Tăng Nhật Bản và cũng khó có thể kính trọng chư Tăng Thái Lan, Tại vì sao?
-Chúng tôi đơn cử một thí dụ, Phật tử Việt Nam đến chùa gặp chư Tăng, “ Tội nghiệp chư Tăng quá! Tu phải lo chuyện chùa chiền. Tội nghiệp chư Tăng quá! Ăn uống thiếu thốn. Tội nghiệp chư Tăng quá ! Đi tu hành cực khổ.” Nhưng quý vị sang Thái Lan, chư Tăng quả thật là một ông tiên. Quý vị biết ở bên Thái Lan, chư Tăng vào trong chùa, được chùa cho cái cốc như vậy ở suốt cuộc đời, không bao giờ nghĩ đến chuyện trả tiền gas, tiền nước tiền điện tiền tiền liêu và cái cốc lịch sự vô cùng. Và ăn thì sao? Không bao giờ lo. Ở Thái Lan chư tăng không bao giờ lo chuyện ăn uống hết. Cần, ôm bình bát đi vào xóm, đi vào làng là có ăn. Chúng tôi hỏi đạo hữu, “ Vậy chứ nếu người Phật tử Việt Nam mình qua thấy cuộc sống chư Tăng Thái Lan như vậy, vào chùa có cốc liêu ở bây giờ thì tiện nghi lắm ( ngày xưa cốc liêu còn nóng, bây giờ nhiều khi cốc liêu còn có máy lạnh nữa), ăn thì đi bát, không phải lo chuyện này chuyện kia nữa. Phật tử VN sẽ nói, “ Tu ở đây là tiên rồi ai tu cũng được hết”. Nhưng thực sự có đến với người Thái Lan mới thấy không phải như tiên như quý vị nghĩ. Tại vì sao ? Có hai lý do.
Lý do thứ nhất, Thái Lan là xứ trai thiếu gái thừa. Người đàn ông bên ngoài quan hệ nam nữ rất tự do. Đặc biệt ở miền quê, người đàn ông có thể có năm thê bảy thiếp, vợ lớn vợ nhỏ đủ hết. Như vậy một người nào từ bỏ gia đình, từ bỏ quan hệ nam nữ để sống độc thân, người ta rất quý, dầu người đó sống đời sống ổn định như thế nào. Do đó Phật tử Thái lan rất thương chư Tăng.
Lý do thứ hai, mặc dầu chư Tăng ăn uống đầy đủ bên Thái Lan, nhưng Chư Tăng chỉ ăn buổi sáng đến buổi trưa thôi, buổi chiều không ăn. Trong văn hoá Thái, người Thái rất thích ăn uốn. Ăn uống có thể nói là phần văn hoá rất quan trọng trong đời sống người Thái Lan. Thức ăn Thái Lan rất ngon và rất nhiều thứ, từ thức ăn nấu trong bếp cho đến trái cây, ở đâu cũng sẵn có và giờ nào cũng có. Ở ngoài đường, người Thái Lan bán đủ thứ, có những xe nhỏ nhưng sạch sẽ bán hủ tiếu hay bánh mì chẳng hạn, 24 giờ, giờ nào cũng có. Người Thái Lan ăn lu bù, ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều, ăn tối. Vị nào vào chùa tu, buổi chiều không ăn, họ rất quý trọng.
Và người Thái Lan có đặc điểm khác là rất sợ ma. Họ tin về chư thiên, tin phi nhân nên họ sợ ma. Nếu quý vị vào chùa tu, sống trong cốc ở nơi thanh vắng một mình, họ rất thương, rất quý quý vị.
Thành ra tiêu chuẩn bên Thái Lan, mặc dầu chỗ ở tứ vật dụng đầy đủ nhưng một người vào chùa tu cũng có thể kể như là trung đạo. Tại sao là trung đạo, bởi vì người này đã từ bỏ được cuộc sống mà xã hội không từ bỏ được. Đối với người Thái Lan tiêu chuẩn đó quả thật là tiêu chuẩn trung đạo. Bây giờ chư Tăng Việt Nam chỉ lo sống chỗ nào có đủ chỗ ăn chỗ ở thôi, thì quả thật Phật tử VN cũng khó chấp nhận. Nếu chư tăng Việt Nam sống theo tiêu chuẩn Thái lan, thật quá sung sướng. Nhưng chuyện đó chưa rõ ràng lắm.

Băng giảng đến đây là hết.



>next page
dieuphap.com