TT.
Thích Giác Đẳng Thập Nhị Nhân Duyên - Bài 5 - Thọ Duyên cho Ái
(Xin lưu ý: những bài chuyển biên này chúng tôi hoan hỷ với những ai tải về trang web nhà, để tôn trọng Giảng Sư xin giữ y bản chính, xin đừng sửa chữa. Và xin đề rõ tên người chuyển biên 17 phút đầu của băng giảng bài 5 là phần trả lời những câu hỏi của Phật tử, vì nhận thấy câu hỏi liên quan đến bài giảng bốn nên chúng tôi đã đưa những câu trả lời đó qua phần cuối của bài chuyển biên 4.) Thức thì có thể hiểu nôm na giống như một linh hồn cho nên thượng đế có linh hồn và chúng ta nói có hành thì có thức và có linh hồn thì có sự sống, giống như trong kinh Phật nói rằng có xúc thì có danh sắc, có sự sống thì có giác quan hay là danh sắc thì có lục nhập. Nhưng vấn đề khác biệt là khi hỏi rằng linh hồn là do Thượng Đế như vậy Thượng Đế do đâu mà có thì người Phật tử sẽ trả lời rằng thượng đế là do vô minh mà có, (qúi vị đừng nói như vậy ngoài đường vì rất là phiền phức, mặc dầu chúng ta biết hành là do vô minh nhưng chúng ta không thể nói Thượng Đế là do vô minh mà có được), Nhưng người Tây Phương họ có nhận một điều rằng tất cả thế gian này đều đến từ cái không biết, họ gọi là "Unknown" tức là một đơn vị, một thành phần nào vượt ngoài trí tưởng tượng của con người. Thì thưa qúi vị ở đây từ sự không biết không thấy tạo nên thế gian này và tự nhiên sự tạo tác đó tạo ra tâm thức, tâm thức đó tạo nên sự sống, sự sống đó tạo nên giác quan và giác quan đó tạo nên xúc và tiến trình kéo dài ra sao. Chúng tôi nói ở đây là một trắc nghiệm rất tương đối để qúi vị dễ nhớ mà thôi, chứ những chuyện đó hoàn toàn khác biệt. Tuy nhiên nếu có một người nào đó hỏi qúi vị "Vậy chớ trong đạo Phật không có thượng đế, như vậy thế gian này được tạo bởi gì?" Thì chúng ta sẽ trả lời rằng "Tạo nên bởi nghiệp." là lý Duyên Sinh tức là vị sáng tạo chủ của thế gian này. Mặc dù ở trong nền tôn giáo và văn minh Tây Phương thì thượng đế có đôi lúc được xem là một con người có quyền lực, có ý trí, còn trong đạo Phật khi nói đến nghiệp thì được xem như là một định luật thiên nhiên và định luật đó không phải là một cá thể, không phải một cá nhân nào hết. Khi nói đến ái thì Đức Phật Ngài nhìn nhận rằng ái là một phiền não thông thường của chúng sanh. Ở đây khi chúng ta nói đến thủ và hữu thì chúng ta mới có thái độ thật sự, và khi nói đến ái thì chúng ta chỉ nói đến phản ứng rất tự nhiên của con người thấy sắc đẹp, tiếng hay mùi thơm, vị ngon, xúc lạc, thì chúng ta dính mắc vào đó. Nhưng lời dạy của Đức Phật về ái cho chúng ta thấy một sự kiện rất là thông thường chúng sanh tất cả mọi người, chúng sanh ở trong đời này đều có khao khát với những gì vừa lòng và mãn ý. Vừa lòng mãn ý là gì mà chúng ta cảm thấy đồng ý được, những gì chúng ta cảm thấy chấp nhận được và nếu nó ngược lại điều đó thì chúng ta đâm ra rất khổ. Cho dù là một người bình thường hay là một người tu sĩ thì vẫn có quan niệm là thế nào để chúng ta vừa lòng cái nào không vừa lòng, dầu chúng ta là người nghèo hay là người giàu thì chúng ta đều có quan niệm thế nào là vừa, và thế nào là thích và thế nào chúng ta không thích. Lấy ví dụ như vầy có nhiều người họ thích ngôi chùa được sơn son thếp vàng một cách rất màu mè thì điều đó cũng là ái dục, nhưng mà rồi chúng ta không thích những điều đó không có nghĩa là chúng ta không có ái dục, chúng ta lại chuộng những gì đơn giản hơn, một cách hiện đại hơn, cái đó cũng là ái dục, nằm trên ái dục nó có cái thô và cái tế.
Trong kinh Đức Phật Ngài nói về ái dục, Ngài dùng câu nói rất là thông thường đó là chấp vào tướng chung và chấp vào tướng riêng. Chấp vào tướng chung là gì và chấp vào tướng riêng là gì? Tướng chung nghĩa là chúng ta dán nhãn hiệu nào đó, thật ra ở trong đời này thưa qúi vị chúng ta nếu nghĩ cho kỹ thì chúng ta có thể sống hài hoà với tất cả, tại vì sao, tại vì không ai quá tốt và cũng không ai quá xấu. Chúng tôi không biết như thế nào, nhưng ngày xưa ở Việt Nam, chúng tôi rất ít có việc tiếp xúc với qúi Thầy bên Bắc Tông, rất ít tiếp xúc với những người Phật tử ở các tông phái khác thì chúng tôi vẫn có quan niệm rằng những người đó là những người khác đạo và khi nhắc tới họ thì chúng tôi không thoải mái, thậm chí ngồi chung xe ở chung phòng cũng không thoải mái nữa, nhưng sau này lớn lên có dịp sống chung, thì nói chung chung là con người chúng ta giống nhau, ai cũng cần được thương yêu, ai cũng cần được an ủi, ai cũng có tham sân si, ai cũng có nhu cầu riêng của mình và từ những nhu cầu đó chúng ta thấy rằng mặt dầu có những điểm khác nhau, nhưng chúng ta có rất nhiều điểm giống nhau, và tại sao chúng ta có thể chấp nhận được điều này mà chúng ta không chấp nhận điều kia. Có lẽ qúi vị ở Pháp này qúi vị nghe đến trường hợp của một Sư Cô, (trước kia là sư cô mà bây giờ không biết là gì), chúng tôi ít có dịp để nghe hay là để xem những băng video bởi vì đời sống tương đối bận rộn của mình, nhưng có một lần chúng tôi xem một băng video do một người Phật tử đưa cho chúng tôi coi, chúng tôi nhớ đến một việc mà khi chúng tôi coi những việc đó và qúi vị hỏi chúng tôi suy nghĩ gì về cô, trong lúc mà cô giảng đạo cô cố gắng để cho những người Phật tử thấy rằng những người Phật tử và những người Thiên chúa giáo, giữa giáo lý của Đức Phật và kinh thánh có rất nhiều điểm giống nhau, từ vấn đề phiền não, vấn đề này vấn đề khác và cô kêu gọi là người Phật tử nên có một cái nhìn rất là cảm thông với tôn giáo khác như trường hợp nói đến Thượng Đế chẳng hạn, và cô trình bày quan niệm về Thượng Đế, nhưng điều đó không có nghĩa là phản ảnh những tư tưởng rất là bao dung của cô, tại vì khi nói đến những người Phật tử trong các tông phái khác thì cô rất là gay gắt, thì chúng ta hỏi tại sao như vậy, thì thưa qúi vị ở Mỹ, chúng tôi không biết ở bên Pháp như thế nào nhưng bên Hoa Kỳ người Tin Lành và người Thiên Chúa giáo của Hoa Kỳ họ đối với Phật giáo thì họ có vẻ là nương tay hơn, nhưng mà Tin Lành đối với Thiên Chúa giáo họ rất là ghét, và Thiên Chúa giáo đối với Tin Lành thì rất là ghét dầu là cùng con, cha, và thánh thần mà thôi. Thì điểm đó nói lên một điều gì, hiện tượng trong cuộc đời là chúng ta sống chúng ta chấp vào tánh chung và tánh riêng mà thôi. Tánh chung và tánh riêng là chúng ta không thấy được trong cái riêng có cái chung. Và chúng ta không thấy được trong cái chung có cái riêng. Thế nào là trong cái chung nó có cái riêng và trong cái riêng có cái chung. Nói cho cùng thì thưa qúi vị những người mà chúng ta thương mến nhất không hẳn những người đó hoàn toàn là tốt, và những người mà chúng ta xa lạ chúng ta không giao thiệp nhiều cũng không hẳn họ là xấu, tất cả đều là do nhân duyên hết, chúng ta tự nhiên gặp nhau quen biết với nhau tự nhiên chúng ta cảm mến nhau thôi. Chúng tôi luôn luôn nghĩ rằng ở ngoài kia, ở ngoài đường nơi mà không quen thuộc nơi mà rất là xa lạ thì có vô số người mà những người đó chúng ta có thể mến mộ họ được, và chúng ta chưa mến mộ họ được tại vì chúng ta chưa biết nhiều về họ thôi. Cũng giống như trong tủ sách của qúi vị vậy, có rất nhiều quyển sách hay nhưng có thể là qúi vị không thích đọc tại vì qúi vị chưa bao giờ có dịp nào để cầm quyển sách đó, tuy nhiên có ai đó nói với quí là quyển sách đó hay quá, qúi vị nói rằng trong tủ sách tôi cũng có quyển sách đó, về lấy ra đọc và qúi vị thấy nó hay thật và từ đó qúi vị thích quyển sách đó. Có nhiều quyển sách rất hay, nhưng thường xuyên có nhiều tập sách rất là nhỏ và mỏng thôi, nhưng khi nhận được do ai tặng cho mình rồi mình để qua một bên, rồi tình cờ mình nghe ai nói là hay cầm lên đọc thì mình thấy hay và tự nhiên mình cảm thấy rất thân thiện. Một con người mà nặng về các tướng chung và các tướng riêng đó là hình thức thông thường tất cả chúng ta, thì thường thường là chúng ta nghĩ rằng người nào mà mình thương thì người đó tốt và những người nào mình ghét thì những người đó đều xấu hết. Người xưa có nói rằng "khi thương ai nhiều thì nên biết cái xấu của họ và khi ghét ai nhiều thì nên biết cái tốt của họ" và cái nhìn của Đức Phật về cuộc đời nó là như vậy, Ngài nhìn cuộc đời là như vậy, Ngài nhìn cuộc đời này có vị ngọt, có nguy hiểm và có sự xuất ly. Trở lại vấn đề thiền định cũng như vậy. Vấn đề thiền sở dĩ mà chúng ta không hạ quyết tâm được, chúng ta không tu tập được là bởi vì chúng ta chỉ nhìn thấy mọi sự hoặc là tướng chung của nó hoặc là tướng riêng, mà không nhìn thấy trong cái chung đó có cái riêng và trong cái riêng đó có cái chung. Điều này là một trong những điểm tế nhị trong đạo Phật khi mà Ngài nói rằng chúng ta nên xem sự đối xử tất cả chúng sanh một cách bình đẳng, tuy nhiên Ngài cũng nói rằng tất cả chúng sanh đều có nghiệp riêng của mình. Người Nhật Bản họ có thái độ là rất là phong kiến, cùng cực thượng cấp, đến mức độ như vầy là: có nhiều khi người Tây Phương qua sống ở xã hội Nhật Bản họ cho rằng Nhật Bản phong kiến quá không có dân chủ, người làm cấp dưới phải nghe người cấp trên gần như tuyệt đối, không nói ra nói vô gì hết. Người Tây Phương cho rằng làm như vậy là mất bình đẳng, tại vì tất cả chúng ta là con người hết, anh đó làm giám đốc hay anh đó làm chức lớn nữa thì không nhất thiết mình phải nghe lệnh người đó hoàn toàn, nhưng càng về sau này họ càng cảm thấy chuyện đó rất cần thiết, tại sao nó cần thiết? tại vì trật tự phải có như vậy. Ngày hôm nay anh là một người cấp dưới phải nghe lời cấp trên, trong lúc anh làm cấp trên thì người cấp dưới phải nghe lời cấp trên thì điều đó là một sự bình đẳng, chứ bình đẳng không có nghĩa là ở trong sở không ai nói, không ai nghe hết thì lúc đó không phải là bình đẳng nữa. Giống như trong kinh trong đạo Phật một vị tỳ kheo nhỏ đảnh lễ một Chư Tỳ kheo lớn, dầu vị tỳ kheo lớn đó học không bằng mình, sức không bằng mình, giòng dõi không bằng mình đi nữa mà họ xuất gia trước mình thì mình đảnh lễ thôi. Đức Phật Ngài không tạo ra một giai cấp chuyên chế. Chúng tôi nhớ rằng ở trong các quân trường họ hay để câu là: "Bây giờ mình tuân lệnh để sau này mình có thể chỉ huy." Thì như vậy ở đây nó là một cái tự nhiên của đời sống, cái tự nhiên đó là chúng ta phải thấy mỗi giai đoạn ở mỗi vị thế mỗi con người phải đi qua thôi. Cái quan niệm về bình đẳng Phật tử cũng nhìn thấy như vầy; khi nào mình sanh ra ở đời này có nam có nữ, chúng ta sanh ra ở đời có giàu có nghèo, có người chức cao người chức thấp, chúng ta cũng tôn trọng cái định luật đó của xã hội, tuy nhiên chúng ta cũng biết rằng tất cả điều đó là giai đoạn hết, tại vì kiếp này mình sanh lên có thể mình làm cha rồi kiếp sau mình sanh lên mình làm con, kiếp này sanh lên làm người thông minh, nhưng đời sau sanh lên làm người thiếu trí chỉ là giai đoạn thôi, bây giờ mình làm công, mai mốt ông chủ về hưu thì mình lên làm chủ, tất cả điều đó là giai đoạn và cái giai đoạn đó là cái riêng nằm trong cái chung, nhưng giữa cái riêng và cái chung đó chúng ta không chấp thủ sai lầm vào cái chung và cái riêng. Cũng như khi Đức Phật Ngài dạy về thế gian này, Ngài cho chúng ta biết cái thế giới ở trong lòng chúng ta nó là thế giới của phức tạp giống như thế giới ở bên ngoài vậy. Ở trong kinh Ngài dạy: "Trong tấm thân nhỏ bé một sải tay này thì chứa đựng sự khổ, nguyên nhân sanh khổ, diệt khổ, và con đường đi đến sự diệt khổ." Ý Ngài nói cho chúng ta biết là giữa thế gian này và tất cả ở chung quanh thế gian trong ta và ngoài ta có rất nhiều điểm tương đồng, do vậy khi chúng ta nhìn vào một cái gì đó thì chúng ta có thể cảm nhận được chung hết tất cả. Thường thường qúi vị nhìn thấy vật gì đó và cảm thấy rất là đam mê, chúng ta cảm thấy rất là đam mê, rồi những vật xấu nào đó qúi vị không thích, hai vật đó có cái gì tương ứng với nhau. Một người phụ nữ xấu và một người phụ nữ đẹp có một cái gì tương ưng với nhau. Thì cái chung mà Đức Phật Ngài nói đó là tất cả đều là vô thường. Tất cả đều là vô thường, đều là khổ não, cái đó là cái chung của tất cả. Trong cái chung phải nhìn thấy cái riêng, trong cái riêng phải nhìn thấy cái chung. Người nào chấp tướng riêng mà quên đi cái chung thì điểm đó là sai lầm. Chấp tướng chung mà quên đi tướng riêng là như thế nào? Là chúng ta nghĩ rằng vật này là nhất ở trên đời này như vậy nó không bị vô thường, khổ não, vô ngã chi phối, chỉ thấy cái riêng biệt của nó thôi, hoặc là một người nào đó nghĩ rằng tất cả mọi thứ đều là chung mà không có sự khác biệt. Thì thưa qúi vị theo trong kinh điển Đức Phật dạy rằng; thân thì khác biệt có cái chung của nó và trong cái chung của nó có cái riêng biệt của nó như vậy là tướng chung và tướng riêng. Bây giờ nói đến ái dục, chúng ta trở về đề tài khi nãy mà Đức Phật Ngài dạy rằng: "Thọ duyên cho ái", tại sao "Thọ duyên cho ái", có ý nghĩa lớn như thế nào đối với người Phật tử? Ở đây đặc biệt đối với người Phật tử tu tập thiền quán thì người Phật tử sẽ cảm nhận rất thấm thiá một câu nói là: "Tránh voi chẳng hổ mặt nào" là ông bà chúng ta nói rằng có những chuyện chúng ta không nên đối diện với nó, tránh đi là tốt. Bởi vì khi chúng ta dự vào thì không sớm thì muộn tay của chúng ta cũng bị nhuốm chàm. Nên Đức Phật Ngài nói rằng có vô số phiền não trong đời này nó hiện thành sanh khởi là tại vì chúng ta tiếp xúc nó thì nó sanh ra phiền não. Bây giờ một nơi mà ai cũng biết rằng đi chơi chỗ đó chúng ta sẽ sanh ra rất nhiều tâm tham hay là gặp những người đó chúng ta có rất nhiều tâm sân, thì Đức Phật Ngài dạy chúng ta cách rất là đơn giản là tránh nó càng nhiều càng tốt. Sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm,vị ngon, xúc lạc những thứ đó có rất nhiều cái cám dỗ quá, tự nhiên mình sanh khởi lòng tham, thì cách tốt nhất để đương đầu với nó là tránh nó đi, tại vì xúc thì duyên cho thọ và thọ thì duyên cho ái, chuyện đó tự nhiên như vậy. Chúng ta thường hay nói rằng người tu thì nên có hùng tâm đảm lượt, hùng tâm đảm lượt là mình phải đi vào cuộc đời phải nhập thế để mà thấy để mà cứu độ chúng sinh. Qúi vị nghe nói như vậy thì qúi vị nghĩ rằng rất là lý tưởng, qúi vị đồng ý không? nhưng mà khi chúng ta lao vào trong trần gian tục lụy thì chúng ta rất dễ dính mùi trần ai, do đó qúi vị nào đọc cuốn "Người xuất gia" của Ngài Hộ Tông xem những lời tựa đầu tiên có viết một câu nói như vầy: "Tăng trụ thành hoàng Phật Tổ ha - Tăng ở thành vua Phật Tổ cũng than" Chư tăng ở thành vua thì Phật than, Phật than là tại vì Ngài không muốn chúng ta vào chỗ đó, chỗ đó là chỗ văn nghệ chỗ đó là chỗ du hí chỗ đó là chỗ ăn chơi mà bảo rằng chúng ta phải vào trong đó có xúc, có thọ mà không có ái thì chuyện đó không có, tại vì xúc duyên cho thọ, thọ duyên cho ái, đó là chuyện tự nhiên. Nên mình hiểu rằng cái phiền não trong lòng mình nó cũng đến là tự nhiên do đó chúng ta không có cảm thấy mặc cảm tội lỗi gì với chuyện này mà chúng ta chỉ tìm môi trường thích hợp để tu tập vậy thôi, tìm môi trường thích hợp đó là gì, như trường hợp người Phật tử hiểu rằng con mắt mình nhìn sắc đẹp, khi mình nhìn cái đẹp thì nó nhẹ nhàng hơn cái xấu. Thí dụ ngày xưa thì chúng ta thích đi xem tranh ở bên ngoài, bây giờ chúng ta thích trang trí bàn Phật để nơi đó tương đối đẹp, cái vi tế thay thế cái thô thiển, hay là ngày xưa chúng ta thích mùi thơm của nước hoa bây giờ chúng ta thắp một nén hương, mùi hương làm chúng ta nhẹ nhàng thanh tịnh hơn thì cũng vi tế một chút, hoặc giả là ngày xưa chúng ta thích ăn nhậu bây giờ chúng ta thích uống trà cái vị đó thay thế một chút , dĩ nhiên chúng tôi không khuyến khích qúi vị nghiền trà, nhưng đại khái là trong đời sống này có nhiều khi chúng ta phải thay thế và trong sự thay thế đó chúng ta phải thành thật mà nhận rằng phiền não nó là hiện tượng tự nhiên của đời sống chứ không phải là cái gì để chúng ta mặc cảm tội lỗi, cái tội lỗi mà nói ở các tôn giáo khác không giống như là cái tội lỗi nói trong đạo Phật. Nên chi khi Ngài Upali đến gặp Đức Phật và hỏi Đức Phật "Thưa Samon Cồ Đàm Ngài có nói về tội không?" Đức Phật Ngài không nói về tội mà Ngài chỉ nói về nghiệp thôi, Ngài nói về cái hiện tượng tự nhiên của đời sống, con người tham sân si chuyện đó phải hiểu là do có "xúc thì có thọ" và có "thọ thì sanh ra ái" mặc dầu nó là chuyện đương nhiên như vậy, nếu chúng ta muốn vượt qua điều đó thì chúng ta sống trong môi trường thích hợp, như bây giờ qúi vị cứ tự xét lại từ hôm qua cho đến hôm nay qúi vị sống ở chùa gọi là thành Phật thì chưa thành, nhưng ít nhất trong thời gian đó qúi vị cũng nhẹ nhàng hơn./. Đến đây hết băng giảng
|