Thap Nhi Nhan Duyen = Bai 1

Thap Nhi Nhan DuyenTT. Thích Giác Đẳng

Thập Nhị Nhân Duyên - Bài 1

TT Giác Đẳng giảng tại khoá tu học bên Thụy Sĩ
Minh Hạnh chuyển biên

(Xin lưu ý: những bài chuyển biên này chúng tôi hoan hỷ với những ai tải về trang web nhà, để tôn trọng Giảng Sư xin giữ y bản chính, xin đừng sửa chữa. Và xin đề rõ tên người chuyển biên)

.

Ngày hôm qua chúng tôi tình cờ nghe HT trong lời nói chuyện với qúi vị, HT có nhắc nhở về lời dạy của Đức Phật ví dụ con người của chúng ta có nhiều thành phần giống như bày nai, có những con nai ngơ ngác, có những con nai tinh khôn. Ví dụ đó cũng giống như rất nhiều ví dụ khác mà Đức Phật Ngài đề cập về thân phận con người, mới nghe đôi khi chúng ta nghĩ đó là ngụ ngôn, nhưng càng nhìn thì có lúc chúng ta cảm thấy rất gần gủi. Có một lần Đức Phật đưa ra một thí dụ khác về thân phận con người, Ngài nói rằng tất cả chúng ta giống như con ngựa, có bốn loại được đưa ra làm ví dụ tại vì đó là cấu trúc của loài người. Có những con ngựa người ta chỉ máng yên cương vào là chạy, có con ngựa thấy bóng roi đưa lên thì nó chạy, có những con ngựa phải đánh vào mông mới chạy, có những con ngựa đánh chết gục xuống cũng không chạy. Đức Phật ví dụ như đời sống của chúng ta sanh ra trong cuộc đời nhiều khi có những dạng người vừa thấy yên cương mắc vào, lớn lên tự biết con đường nào mình lên ra đi và cuộc sống nào mình lên theo để thoát khổ, nhưng có những dạng người trong chúng ta vì căn tính nghiệp nặng hơi dày hơn một chút chúng ta chờ đến khi gặp đau khổ lởi vởn đâu đó ở xa xôi thì mới bắt đầu ra đi, có những người trong chúng ta phải gánh vác sự khổ, nuốt vào lòng những trái bồ hòn rồi sau đó chúng ta mới chịu tu tập. Nhưng mà rồi may mắn là chúng ta không phải là hạng ngựa thứ tư, nghĩa là đau khổ chồng chất trên vai đến lúc gục xuống rồi cũng không tìm thấy sự thoát khổ.

Mỗi lần dự một khoá tu học thì chúng ta hay nhớ đến những lời dạy của Đức Phật về bốn hạng ngựa này, chúng tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đến đây trong một không khí rất an lành. An lành là vì tự thân của chúng ta tương đối là cuộc sống tốt, chúng tôi nghĩ rằng hầu hết quí vị ở đây có cuộc sống tương đối tốt về thể chất lẫn tinh thần và chúng ta không chờ đến khi cái khổ đặt chúng ta vào cảnh trí não lòng mới tu tập được. Chúng ta đến đây nói rất nhiều về đau khổ, nói rất nhiều về tình trạng khó khăn trong đời sống, vậy mà sau một khoá học thì chúng tôi tìm thấy nơi qúi vị những niềm vui, điều đó cho chúng tôi có đức tin rất mạnh mẽ rằng giáo lý Phật Đà, giáo lý của Đức Từ Phụ ở trong thời đại nào vẫn có giá trị, một giá trị cơ hồ như là không phủ nhận được, dầu rằng ở trong tiếng khóc của con người, hoặc giữa tiếng cười của con người thì giáo lý đó vẫn có giá trị. Rất may mắn cho chúng ta là chúng ta có thể cảm nhận được lời dạy của Đức Phật, cảm nhận được đạo lý tu tập, đạo lý thoát khổ, ít khi mà chúng ta được trao vào trong tay của mình.

Nhắc đến đây chúng tôi nhớ rằng ngày xưa có một câu chuyện huyền thoại. Câu chuyện kể rằng thuở xưa Ngọc Hoàng trên thiên đình ngồi giữa triều đình và một bên Ngài là Tiên Đồng và một bên là ngọc nữ, Tiên Đồng có phận sự rót rượu cho Ngọc Hoàng Thượng Đế và Ngọc nữ thì rót trà cho Ngài, nói rằng Ngọc Nữ đẹp lắm (trong văn học Trung Hoa mà nói về phụ nữ người đẹp thì họ thường sánh với Ngọc Nữ) thì thưa qúi vị Tiên Đồng đứng rót rược cho Ngọc Hoàng thấy người đẹp thì động lòng và lúng túng sao đó làm đổ rượu vào Ngọc Hoàng Thượng Đế, Ngọc Hoàng giận lắm mới ra lệnh cho Nam Tào đày Tiên Đồng xuống trần gian, và khi đày xuống phải đày đoạ như thế nào Tiên Đồng đau khổ, do vậy Ngọc Hoàng quyết định là nói với Nam Tào ghi vào sổ là khi Tiên Đồng xuống trần thì bắt làm thi sĩ (bởi vì thi sĩ trên đời này rất là khổ thưa qúi vị, người ta khổ một, nhưng mà thi sĩ thì nuốt cái khổ vào trong lòng và làm cái khổ đó trong người rất là day rứt) và Tiên Đồng bị đày xuống trần. Chuyện lại kể Ngọc Nữ ở trên cõi trời nhớ Tiên Đồng không biết làm sao hơn nên lén khi Ngọc Hoàng không để ý thì viết thơ rồi thả cho rơi xuống trần gian để Tiên Đồng đọc, thì thưa qúi vị thả một lúc thì Ngọc Hoàng bắt được và Ngọc Hoàng giận lắm lại đày Ngọc Nữ xuống trần gian. Trong câu chuyện kể rằng từ khi Ngọc Nữ bị đày xuống trần gian thì không có nghĩa là Tiên Đồng sung sướng hơn bởi vì Ngọc Hoàng đày mỗi người một ngả không cho ở chung với nhau. Và hình phạt đó đã không làm cho Tiên Đồng bấy giờ là một thi sĩ giảm bớt sự đau khổ mà bấy giờ Tiên Đồng lại đâm ra gàn, từ đó về sau thi sĩ rất gàn, và cho đến một ngày nào đó khi nợ trần trả hết rồi thì Tiên Đồng trở lại tiên môn để gặp gỡ các vị trời thì các vị trời mới thấy rằng sau thời gian xa xôi Tiên Đồng không còn là một thanh niên cậu bé ngây thơ của ngày xưa nữa mà bây giờ Tiên Đồng là người rất gàn trong tâm hồn của một nhà thi sĩ. Có một nhà thi sĩ, đọc câu chuyện đó khi ấy ông 39 tuổi và ông cũng tưởng tượng một chút mình là Tiên Đồng thành ra ông nói rằng.

Ba mươi chín năm nơi chốn trời
Một gã tiên đồng rơi xuống trần
Giữa lúc trăng thanh cùng gió mát
Nam Tào ghi sổ bắt đày ông.
Long đong thơ ngây trời bắt được
Lại đầy Ngọc Nữ xuống trần gian
Cho chừa cái thói trăng hoa ấy
Nghệ sĩ đeo thêm cái tội gàn
Trời đày hai kẻ đi hai ngả
Bắt lạ lùng nhau trong suốt đời
Kẻ ở đầu non người ở cuối
Trăng rời non nước lá vàng rơi
Trần thế bao giờ trăng sáng nở
Hạt vàng trở lại chốn tiên môn
Chư tiên mừng rỡ chào đón lại.
Cửu việc trùng lai thật ngỡ ngàng

Khi đọc về thân phận của Tiên Đồng đó, chúng tôi cũng nghĩ tới thân phận của con người, có những lúc đối diện với cái khổ thì tất cả chúng ta cũng giống nhau, có lẽ chúng ta cũng giống như Tiên Đồng bị đày đoạ trên cõi đời này, nhưng khi Ngọc Hoàng đày Ngọc Nữ xuống trần gian làm sự chia cách thì Tiên Đồng cũng không tỉnh táo và khi gặp lại thì đâm ra gàn hơn, và khi đã gàn rồi trở lại chốn thiên tiên thì chót đã mang tâm hồn nghệ sĩ thì không còn tâm hồn của tiên nữa. Chúng tôi nghĩ rằng khi chúng ta quá khổ và để cái khổ thấm tận vào xương tủy của mình thì điều đó cũng là một động lực khiến chúng ta giác ngộ giải thoát, nhưng nhiều khi thưa qúi vị đa phần là không giải thoát được chúng ta đâm ra gàn và cảm thấy rằng bất cần đời. Nhưng bây giờ chúng ta đến đây trong từ vị thế rất bình an tốt đẹp của đời sống và chúng ta trọn một hướng rất là tốt, và từ hướng đi đó mặc dầu trong một khoá học như vầy chúng ta được nghe nói nhiều về Vô Thường, Khổ, Vô Ngã, nghe nói nhiều về sự tan hợp của nhân duyên, nghe nói nhiều về giả hợp của cuộc đời, nhưng tất cả điều đó không làm chúng ta bi quan, vì sao vậy? Đức Phật gọi chúng ta là hạng ngựa chỉ thấy dạng roi, hoặc là chưa đợi dạng roi người đánh xe đưa lên mà yên cương vừa mắc vào thì chúng ta đã tự động chạy, thì như vậy chúng ta không phải khổ vì lằn roi và chúng ta không phải ngừng chết tại chỗ, bởi vì sao vậy? Bởi vì trên cuộc đời này rốt cuộc ai cũng phải ra đi cả, đâu cũng là biển cả ngại chi tấm thân bọt bèo. vì vậy mỗi khoá tu học tuy thấy rằng rất là bình thường nhưng nó có ý thức rất lớn lao, ý thức đó là không cần chờ cho đến khi chúng ta buồn da diết, không chờ đến khi chúng ta phải đối diện với cái khổ não lòng, mà chúng ta lên đường và làm cái gì đó mà nghĩ rằng cần cho cuộc đời, thì chúng tôi cảm nhận điều đó là cái gì đặc biệt, đặc biệt hơn tất cả mọi điều khác.

Ai cũng qua niệm rằng giáo lý Phật Đà chỉ tốt cho những người gặp khổ, gặp gian truân cùng bách, nhưng chúng ta thấy rõ rằng những người trong đời khổ nhiều thì họ gàn nhiều, khổ nhiều thì họ lại trách cuộc đời nhiều, còn chúng ta những người thấy biết sự khổ, cảm nhận được sự khổ nhưng còn đứng trên phương diện thế thượng phong đối với cái khổ, thì thưa qúi vị điểm đó rất là thường trong cuộc sống này, và thưa qúi vị chúng tôi mong rằng điểm này là một điểm kết tụ tinh thần của ngày Bát Quan Trai. Chúng ta đến đây là không phải vì chúng ta cầu phước, không phải chúng ta đến đây là vì chúng ta khổ sở, chúng ta đến đây không phải là chúng ta cầu công ăn áo mặc mà bởi vì với tất cả tinh thần trách nhiệm tự giác để tu tập và mong rằng những khoá tu kế tiếp và cũng giống như chuyện Phật tự địa phương ở đây cũng vậy, không phải chờ đến khi Phật tự suy vi, Phật tự ở mức đáng ngại thì chúng ta mới bắt tay. Bây giờ là lúc chúng ta nên làm bất cứ cái gì chúng ta làm được. Giả sử bây giờ đạo hữu ..... là một vị tuyên uý ở đây bao nhiêu năm, đạo hữu còn gánh vác Phật sự địa phương, mặc dầu có đôi lúc cũng mệt nhưng bây giờ tinh thần của đạo hữu còn rất kiên định đối với công việc làm, nếu bây giờ quí vị Phật tử trợ duyên thêm nữa thì tuy quả thật chúng ta phải đi rất lâu rất dài, nhưng nếu chúng ta chờ cho đến khi nào đạo hữu mệt mỏi rồi đạo hữu nói với quí vị là bây giờ đạo hữu quyết định rút vào đời sống cá nhân, không làm Phật sự nữa bởi vì làm việc cô đơn quá thì lúc đó thật là bi đát, Chư Tăng ở bên Mỹ qua cũng không biết nói gì với đạo hữu và qúi vị ở đây muốn gây dựng lại ngôi chùa không phải dễ đâu, bây giờ tự nhiên qúi vị tìm được ngôi chùa rồi tìm một người có tâm để làm Phật sự không phải là dễ, do vậy cái gì mà chúng ta thấy trước, chúng ta biết trước là chúng ta hành động trước thì ở đó là chúng ta sống như lời cổ nhân nói là "Người không lo xa thì ắt có bụi gần", nhưng người thấy được những gì cần phải làm bây giờ thì tương lai an lạc. Chúng tôi mong rằng ngày Bát Quan Trai này sẽ để lại trong lòng qúi vị vài ấn tượng những kỷ niệm và đặc biệt hơn nữa làm tri kiến Pháp là một hành trang trong cuộc đời tu tập của mình.

Vì với thời gian ngắn nên không có nhiều thì giờ sinh hoạt với quí vị Phật tử tại Pháp nhiều như những năm về trước, tuy vậy nghĩ rằng trong những ngày cuối tuần về đây năm ba bữa cũng là duyên lành để chúng ta có dịp chia sẻ về vấn đề tu học. L ần này sang đây có Sư chơn Trí, Sư có mang theo một bộ kinh Thanh Tịnh Đạo. Bộ Thanh Tịnh Đạo cách đây hai năm chúng ta có Thanh Tịnh Đạo tập một lần này chúng ta có tập hai kể như là trọn bộ, đáng lẽ là có ba tập tuy nhiên vì mỗi lần in là mỗi lần tốn kém nên in hai tập và do vậy bộ Thanh Tịnh Đạo lẽ ra thì có ba quyển nhưng chúng ta in làm hai quyển thôi. Tập Thanh Tịnh Đạo này có giá trị rất đặc biệt về phương diện có ba phần, có thể nói rằng Ngài Buddhaghosa Ngài đã cố gắng với khả năng tu chứng của Ngài cũng như là tài năng của Ngài để cô đọng lời giảng của Đức Phật về phương diện Pháp Học và Pháp Hành vào trong quyển Thanh Tịnh Đạo này. Dĩ nhiên là không ai có thể đúc kết hết tất cả Pháp vào trong một bộ kinh thành một bộ rất đơn thuần được, nhưng mỗi một câu nói như vậy có những cống hiến rất đặc biệt và giúp đỡ cho chúng ta rất nhiều trên phương diện Pháp Học và Pháp Hành, do vậy lần đầu tiên là ngoài sự thăm hỏi của chúng tôi gửi đến qúi vị chúng tôi dành một ít thì giờ để giới thiệu với qúi Phật tử tập sách này được in bởi chùa Pháp Vân ở Pomona, California, Hoa Kỳ , Phật tử nào cần thỉnh thì liên lạc trực tiếp qua đó hoặc qua chùa để chùa sẽ gửi sang, chắc chắn là Sư Chơn Trí rất hoan hỷ để gửi quyển sách này đến qúi Phật tử. Về đây lần này chúng tôi muốn dành thì giờ để giảng về bộ Thanh Tịnh Đạo, bộ Thanh Tịnh Đạo là một tập sách có giá trị. như chúng tôi đã thưa với qúi vị

Bài kinh Trạm Xe trong Trung Bộ Kinh. Bài kinh Trạm Xe này có một cuộc đối thoại giữa hai vị Tôn Giả Đại Đệ Tử của Đức Phật đề cập đến ý nghĩa rất đặc biệt, ý nghĩa đó là nếu một người muốn đi từ thành phố này sang thành phố khác và trong đoạn đường đi đó có tất cả là 7 trạm xe, thì như vậy có phải mục đích của người đó là đi đến trạm xe thứ nhất không? thì người pháp hữu trả lời rằng không, mặc dầu phải đi qua trạm thứ nhất nhưng mục đích không phải đi đến trạm xe thứ nhất, cũng không phải mục đích là đi đến trạm xe thứ nhì, thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy, mà là mục đích đạt đến thành phố cuối cùng và những trạm xe đó chỉ là những giai đọan đi qua thôi. Mặc dầu là giai đoạn nhưng chúng ta đều phải đi qua hết, đó là chuyện quan trọng và bảy trạm xe được đề cập đó được giảng là "Thất Tịnh" trong đạo Phật tức là bảy bước dẫn đến giác ngộ, dẫn đến giải thoát và bảy bước đó cũng là một sơ đồ họa rất chi tiết về Pháp Học và Pháp Hành được giảng dạy trong cái nhìn của những người thực tập thiền định. Mặc dầu ý niệm sơ khởi là chúng tôi muốn giảng về Thất Tịnh tức là 7 bước thanh tịnh dẫn đến Niết Bàn. Và Ngài Buddhaghosa đã biên soạn đó là quyển Visuddhimagga hay là Thanh Tịnh Đạo, nhưng khi nãy nói chuyện với đạo hữu..... thì theo lời yêu cầu đạo hữu muốn là có một số bài pháp giảng về Thập Nhị Nhân Duyên, chúng tôi thấy rằng có hai việc trùng hợp: Trùng hợp thứ nhất là chúng tôi muốn giảng giải về bộ sách Thanh Tịnh Đạo này, trùng hợp thứ hai là đạo hữu muốn có một số bài nói chuyện về Thập Nhị Nhân Duyên thì trong bộ Thanh Tịnh Đạo này đặc biệt là có nhiều bài chuyên về Thập Nhị Nhân Duyên. Thật sự ngày hôm nay bộ sách cho chúng ta biết nhiều nhất về Thập Nhị Nhân Duyên là bộ Thanh Tịnh Đạo. Ở trong kinh tạng thì có rất nhiều bài pháp giảng về Thập Nhị Nhân Duyên, nhưng lại được giảng nhiều đoạn khác nhau rời rạc, nằm ở nhiều bài kinh khác nhau, riêng bộ Thanh Tịnh Đạo đã đúc kết về giáo lý duyên khởi duyên sinh trở thành một chương rất sinh động mà quí vị Phật tử nào đã từng đọc bộ Thanh Tịnh Đạo thì quí vị sẽ thấy rằng qua tập sách này chúng ta hiểu rất nhiều về Lý Duyên Khởi. Do vậy ngày hôm nay chúng tôi muốn dành thì giờ ở đây để nói về Thập Nhị Nhân Duyên.

Thập Nhị Nhân Duyên là gì? Đó là một câu hỏi mà mỗi chúng ta đều có câu trả lời khác nhau, bởi vì đây là một giáo lý mà chúng ta nghe rất là thường. Người Phật tử có một trường hợp rất đặc biệt là có rất nhiều điều chúng ta nghe rất thường nhưng chúng ta bỏ rất ít thì giờ để tìm hiểu về điều đó, kể cả những từ ngữ như là "Nghiệp", ít khi chúng ta có nhiều thì giờ để chúng ta bàn về nghiệp, mặc dù chúng ta thường nói nhiều về nghiệp. Mong rằng trong những dịp tất cả chúng ta gặp nhau, chúng ta dành thì giờ để bàn chi tiết về giáo lý này, nhiều khi nó trở thành quen thuộc chúng ta lại không chú ý tới. Trước khi giảng về lý Thập Nhị Nhân Duyên chúng tôi muốn kể cho qúi vị nghe một câu chuyện chúng tôi được nghe trước đây 5, 6 hôm trước khi rời Hoa Kỳ sang Thụy Sĩ. Hôm đó chúng tôi đến nhà một Phật tử để tụng kinh, trước khi tụng kinh vì qúi vị đang bận chuẩn bị, chúng tôi mở ti vi đài tin tức đài CNN và trong phần tin tức này có một bài tường thuật rất lý thú, bài tường thuật này của một phóng viên người Hoa Kỳ, ông sang bên Trung Quốc làm phóng sự thì ông có ghi nhận một việc là từ năm 1949 tức là khi Cộng Sản tuyên bố nắm quyền tại Hoa Lục thì thưa qúi vị có đạo luật rất khắc khe về kế hoạch gia đình. Bởi vì dân Trung Quốc rất đông nếu sanh con tự do thì không có đất để ở, không đủ cơm để ăn, do vậy phần lớn các gia đình đều chỉ được phép sanh một đưá con, điều này là một điểm rất đau buồn cho nhiều gia đình Trung Quốc, bởi vì người Trung Hoa quan niệm rằng sanh con trai mới qúi, vì con trai mới nối giòng được mà không phải ai cũng sanh con trai hết, có người sanh con trai và có người sanh con gái, mà hễ sanh con gái ra rồi thì cũng đành chịu thôi mà không thể sanh thêm một đứa nữa, nếu sanh thêm thì bị nhiều phiền phức với nhà cầm quyền và đứa con thứ hai sanh không được hưởng những quyền lợi như đứa con duy nhất trong gia đình. Như vậy đa số, và là một số rất đông người Trung Quốc bây giờ họ là đứa con duy nhất trong gia đình, không có anh chị em, và cha mẹ họ cũng không có anh chị em, và không phải chỉ cha mẹ họ không có anh chị em mà ông bà họ cũng không có anh chị em. Và các nhà nhân chủng học sang bên đó họ làm một cuộc thí nghiệm là họ mang rất nhiều những tập sách những câu chuyện về tình huynh đệ, tình chú bác cô dì để cho những người này đọc, khi họ tìm hiểu lại thì những người này đọc đã không cảm nhận được tình anh em, giống như chúng ta là người bình thường. Tại vì sao vậy? tại vì họ chưa bao giờ lớn lên trong tình anh em, chưa bao giờ lớn lên trong tình cô dì chú bác, vì sao? Vì bản thân của họ, cha mẹ của họ, ông bà của họ từ nhiều thế hệ rồi chỉ có là một đứa con duy nhất trong gia đình mà thôi. Đây là một điểm mà chúng tôi muốn dùng câu chuyện này để khởi đầu cho bài giáo lý Duyên Sinh ngày hôm nay. Có những sự việc rất bình thường trong đời sống của chúng ta, chúng ta nghĩ rằng không có điều gì đáng cho ta suy nghĩ hết, như ai sanh ra ở trên đời này cũng có cha mẹ ông bà có anh chị em, do vậy khi chúng ta nghe nói đến tình anh em ruột thì chúng ta nghe rất bình thường, không có chuyện gì để suy nghĩ, nó bình thường giống như là ánh nắng mặt trời, bình thường giống như là cơm ăn áo mặc. Thưa qúi vị, nhưng mà rồi nếu tưởng tượng chúng ta là một người lớn lên tại Trung Quốc mà bản thân của mình chưa bao giờ có anh chị em, và cha mẹ mình cũng chưa bao giờ nói về tình anh chị em tại vì cha mình cũng là con duy nhất và mẹ mình cũng là con duy nhất, thì có lẽ rất khó cho chúng ta đọc sách khi kể về chuyện anh em cảm động như thế nào thì chúng ta khó mường tượng được, bởi vì chúng ta không có anh chị em.

Nên có một sự thật ở trong đời sống là bởi vì cuộc sống này nó có nhân duyên của nó, nó có nguyên nhân xâu xa của nó nhưng đối với chúng ta sự việc đó nó vô cùng bình thường, tại vì chúng ta chưa bao giờ nghĩ tới nó hết. Cũng như ánh sáng mặt trời mang lại cho chúng ta rất nhiều thứ, ánh sáng mặt trời đem lại cho chúng ta sự ấm áp trên trái đất này, ánh sáng mặt trời giết một số các vi trùng có thể hại đến sức khoẻ của chúng ta, ánh sáng mặt trời mang lại năng lượng cho cơ cấu, nhưng trước khi các nhà khoa học cho chúng ta biết điều đó thì chúng ta nhìn ánh sáng mặt trời rất bình thường như cái gì xảy ra vậy, thì giáo lý duyên sinh và duyên hệ mà Đức Phật dạy cho chúng ta là một giáo lý phát động ảnh hưởng đến chúng ta rất nhiều, hầu như trong mọi ngõ ngách của đời sống chung nhưng chúng ta ít khi để ý đến, bởi vì sao vậy? bởi vì chúng ta thấy điều đó rất bình thường. Ví dụ như Đức Phật Ngài nói rằng "Do cái này có thì cái kia có, do cái này diệt thì cái kia diệt, do cái này không có nên cái kia không có." Đó là câu nói về duyên sinh, đối với chúng ta chuyện đó rất bình thường và không có gì có ý nghĩa lớn lao hết, nhưng với một người tu tập thì câu nói đó rất quan trọng, tại vì sao vậy? Tại vì sự tu tập của chúng ta dựa trên tinh thần nhân quả, nếu chúng ta biết cái này nó do nhân nào và cái này tạo nên quả nào, thì đời sống của chúng ta hoàn toàn khác biệt, bởi vì sao? Bởi vì không tin vào lý nhân quả, không hiểu về lý duyên sinh, không hiểu về nguyên nhân của các pháp, do vậy chúng ta cứ làm chúng ta cứ hành động. Qúi vị thấy một điều rằng ở trong đời này người nào hành động mà có suy nghĩ thì đời sống họ khác biệt hơn một người đụng đâu làm đó, đụng đâu nói đó và không biết tu tập. Một người sở dĩ họ có những lời nói cẩn trọng là bởi vì họ biết rằng lời nói có tác dụng của nó và lời nói có cái quả của nó. Có những người cũng thời gặp hoàn cảnh khó khăn, có những người than thân trách phận, có những người cảm thấy rất bình thường. Tại vì sao vậy? Tại vì họ biết được nhân quả. Như trường hợp ở trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn ai cũng khổ hết thì khi chúng ta thất nghiệp chúng ta ít buồn tại vì đây là kinh tế khó khăn ai cũng giống nhau hết. Đó là chúng ta biết được nhân của nó, nhưng nếu một người mà không có suy nghĩ thì họ trách móc, họ trách chính quyền, họ trách cha mẹ, trách ông chủ tại sao đuổi mình không cho mình làm tiếp tục công việc nữa thì như vậy biết cái nhân nó cũng thay đổi đời sống rất nhiều.

Hầu như theo Đức Phật nói rằng ở trong đời sống của chúng ta bây giờ mà chúng ta biết được lý nhân quả chúng ta thay đổi được có thể nói rằng 5, 6 chục phần trăm cái nhìn của chúng ta về cuộc sống này. Do vậy giáo lý nhân duyên là một giáo lý có thể tìm thấy trong một lời dạy của Đức Phật, như khi Đức Phật Ngài giảng về Tứ Đế mà chúng ta có dịp để bàn về lần trước, trong Tứ Đế Ngài nói về lý Nhân Duyên. Ngài nói rằng: "Đây là khổ, đây là nguyên nhân sanh khổ." Nói sự khổ không không quan trọng mà phải nói đến nguyên nhân của nó mới quan trọng, Ngài nói rằng "Đây là hạnh phúc" cũng chưa quan trọng mà Ngài nói rằng: "Đây là con đường mang đến hạnh phúc." Thì điều đó là điều rất ư là quan trọng ở trong sự tu tập của mình. Thì lý Nhân Duyên là một giáo lý mà qua đó Đức Phật cho chúng ta những dụng cụ. Chúng tôi muốn nói những dụng cụ ở đây bởi vì chúng tôi muốn tất cả chúng ta nhìn vào giáo lý Nhân Duyên giống như một pháp môn cụ thể thực tế để chúng ta đào sâu vào đời sống hơn là dùng nó giống như một lý thuyết một quan niệm mà chúng ta thường dùng. Có nhiều lần Đức Phật ngài nhấn mạnh ở trong các bài pháp của Ngài rằng những gì mà Ngài truyền dạy cho chúng ta đều là những phương tiện giúp cho chúng ta tu tập và sự việc này là một sự việc người Phật tử nên mang vào trong lòng, bởi vì chúng ta đang nhìn vào lời dạy của Đức Phật là những phương tiện giúp chúng ta tu tập một cách cụ thể hơn là những điều để giải buồn. Giống như chúng ta nghe đến chuyện giải buồn, nghe qua thì nghe. Chúng ta cứ mườn tượng như vầy, bây giờ qúi vị làm vườn, qúi vị muốn trồng hoa qúi vị muốn trồng cây ăn trái, một người nào đó mang đến cho qúi vị một ít phân đất nước rồi những dụng cụ cuốc xẻn v.v... họ cho qúi vị những điều đó không phải để chúng ta nhìn nó chúng ta ngó để phán rằng nó đẹp nó qúi giá một món quà, mà chúng ta dùng những dụng cụ đó để chúng ta làm vườn và làm công việc của mình. Thì giáo lý của Đức Phật không phải Đức Phật Ngài giảng ra để làm cho chúng ta thấy rằng Đức Phật hay, Đức Phật giỏi, hay là khi chúng ta nghe giáo lý Đức Phật thì nghĩ rằng À! Đức Phật Ngài cho chúng ta những điều này để chúng ta đi ra bên ngoài gặp những người Thiên Chúa giáo chúng ta nói rằng đạo của chúng tôi hay như vầy, đạo của chúng tôi dạy như thế kia và thật sự tất cả những lời dạy của Đức Phật đều được dạy với một mục đích là cho chúng ta dụng cụ, và dụng cụ đó để chúng ta đào sâu thêm, chúng ta làm tốt thêm, và chúng ta thay đổi được đời sống của mình qua sự tu tập. Như vậy thì giáo lý Nhân Duyên cũng nên được cần lãnh hội trong đời sống như là phương tiện để sống, phương tiện đó giúp cho chúng ta đào sâu đến gần sự thật nhiều hơn

Bây giờ chúng ta nên đi một cách trực tiếp hơn và hỏi rằng lý Nhân Duyên là gì? Chúng tôi rất tiếc khi nói về lý Nhân Duyên cho đến bây giờ thì trong kho tàng kinh điển đạo Phật bằng tiếng Việt của chúng ta chưa có một quyển sách nào nói về lý Nhân Duyên đến mức độ đầy đủ, để chúng ta có thể nói rằng qúi vị chỉ cần đọc quyển sách đó và qúi vị không cần đọc quyển sách khác.
Phra Viriyang Sirintharo

Vì vậy chúng tôi mong rằng qúi vị sẽ kiên nhẫn và đọc nhiều quyển sách khác nhau cũng giống như chúng ta đọc kinh vậy, chúng ta gom đầu này một ít, đầu kia một ít, bởi vì chúng ta chưa có một tổng hợp nào đầy đủ, mặc dầu có những tập sách rất mỏng giống như như quyển sách chúng tôi đang cầm trên tay "Vòng luân hồi" Trong quyển sách này có giảng về lý Thập Nhị Nhân Duyên tương đối là đi vào những điểm căn bản, cuốn sách này có cống hiến cho chúng ta một đồ hình về Thập Nhị Nhân Duyên, và đồ hình này không giúp cho chúng ta đi vào hết tất cả những chi tiết quan trọng của lý Thập Nhị Nhân Duyên, nhưng thưa qúi vị đồ hình này là một công trình của những người Phật tử Tây Tạng đã cố gắng vẽ lý nhân duyên này lên trên tường của họ, để nhắc nhở họ về lý duyên khởi trong đời sống tu tập hằng ngày, và bởi vì nhiều năm nhiều tháng và với sự kiên nhẫn lâu dài họ đã vẽ được một đồ hình về nhân duyên một cách rất có ý nghĩa và quả thật là đồ hình này là phương tiện tốt để chúng ta không phải chỉ nhớ mà chúng ta phải suy ngẫm về lý nhân duyên. Thêm một bộ sách khác mà chúng tôi đang cầm trên tay đây thì chúng ta nghĩ rằng sớm muộn gì qúi vị ở đây cũng sẽ có bộ Thanh Tịnh Đạo. Tuy nhiên ngày hôm nay trong phần nói về lý Duyên Khởi này thì chúng tôi sẽ cố gắng dùng tập đồ hình này là một phần cũng như ngày mai chúng tôi sẽ cho qúi vị thêm một tập đồ hình liên quan đến giáo lý Nhân Duyên, tại vì sao vậy? Người Hoa Kỳ có nói hình ảnh có giá trị bằng ngàn lời nói, có thể giúp cho chúng ta nhớ việc gì.

Thường thường chúng ta nghe nói đến 12 nhân duyên là Vô minh (avidyā), Hành (saṃskāra), Thức (vijñāna), Danh sắc (nāma-rūpa), Lục xứ (ṣaḍ-āyatana), Xúc (sparśa), Thọ (vedanā), Ái (tṛṣṇā), Thủ (upādāna), Hữu (bhava), Sinh (jāti), Lão tử (jarā-maraṇa). Và khi nói đến 12 nhân duyên như vậy thì qúi vị Phật tử nghe định nghĩa là vô minh là gì, hành là gì, thức là gì và khi chúng ta nghe vô minh là gì, hành là gì, thức là gì thì chúng ta nghĩ rằng đủ rồi như vậy là mình biết được 12 nhân duyên cũng giống như mình nói rằng có 7 pháp giác chi, thứ nhất là gì, pháp thứ hai là gì, pháp thứ ba là gì, pháp thứ tư là gì và nghe xong 7 pháp như vậy là đủ. Nhưng thật sự như vậy không đủ đối với lý nhân duyên. Đúng ra trong phần lời dạy của Đức Phật về Thập Nhị Nhân Duyên thì sự quan trọng chúng ta phải hiểu, không phải vô minh là gì , mà là thế nào là "vô minh duyên hành, thế nào là hành duyên thức, rồi thức duyên danh sắc". Bởi vì sao? bởi vì Đức Phật Ngài nói rằng chính do hành nên có thức, chính do vô minh nên có hành, thì như vậy vô minh là nhân, hành là quả, do vậy chúng ta phải đặt vấn đề tại sao vô minh duyên cho hành và tại sao hành được có bởi vô minh và vì vậy khi Đức Phật Ngài nói về giáo lý Thập Nhị Nhân Duyên, Ngài định nghĩa vô minh là gì, nhưng Ngài cũng nói rằng thế nào là vô minh duyên cho hành, chữ "duyên" ở đây có nghĩa là nhân tác động tạo nên. Do vậy khi chúng ta hiểu tại sao "vô minh duyên cho hành" thì điều đó là điều rất tốt để chúng ta hiểu được một phần của giáo lý Thập Nhị Nhân Duyên chứ không phải là chúng ta hiểu là vô minh là gì thì là đủ. Thí dụ như là chúng ta đi vào trong công sở chúng ta có thể tìm hiểu rằng À! người giám đốc là gì và người quản lý là gì nhưng mà rồi cũng quan trọng để chúng ta hiểu rằng sự quan hệ giữa người giám đốc và người quản lý ra sao, cái đó chỉ là một phần thôi tuy nhiên phần khác quan trọng, ví dụ như hỏi rằng ở trong chùa chúng ta anh A là gì anh B là gì nhưng mà quan hệ của họ ra sao, khi chúng ta hiểu quan hệ của họ ra sao thì chúng ta mới hiểu tổ chức của ngôi chùa và chúng ta mới hiểu cơ cấu cơ quan đó.

Do vậy khi nói về giáo lý Thập Nhị Nhân Duyên thì chúng ta sẽ nói về quan hệ giữa các chi pháp. Khởi đầu tiên của giáo lý Thập Nhị Nhân Duyên là vô minh duyên cho hành. Ở trong sơ đồ này có lẽ là để giảng về 12 nhân duyên trong hình thức tương đối dễ hiểu nhất chúng tôi muốn mượn cách trình bày và bố cục mà người Phật tử không tên nào đó đã vẽ ra những đồ hình này. Ngày hôm nay tại Tây Tạng tất cả những bức hình về Thập Nhị Nhân Duyên đại thể đều giống nhau nhưng những chi tiết thì khác nhau và không ai biết được tác giả của đồ hình này là ai, tuy nhiên họ biết rằng đồ hình đó cho họ rất nhiều, nhưng mỗi người họ vẽ một cách khác. Giống như hình Đức Phật, họ vẽ hình Đức Phật đản sanh thì có Hoàng Hậu Maya có Đức Bồ Tát sơ sinh và 7 đoá hoa sen nhưng mỗi người hoạ sĩ họ vẽ khác nhau và không ai lấy ý kiến của ai, chỉ lấy từ trong kinh ra mà thôi. Không phải chúng tôi lạc đề mà chúng tôi chỉ muốn rằng trước khi đi sâu vào Thập Nhị Nhân Duyên thì qúi vị có ý niệm đại khái về lý Nhân Duyên. Hình mà qúi vị thấy là có thể được nhìn từ ở bên ngoài vào ở bên trong và từ ở bên trong ra phía bên ngoài, tập đồ hình này có thể hiểu từ trong ra bên ngoài được là như vầy: là ở bên trong này thì là tâm điểm của nó, tượng trưng cho tâm phiền não, phiền não này gồm có một con gà, một con rắn và một con heo. Thì qúi vị nghe con gà con rắn con heo thì qúi vị hiểu được một phần là con gà nó có thói quen là nó hay bơi móc, đi tìm kiếm thì điều đó tượng trưng cho tham, tại vì tâm tham này là đồ trong shopping trong siêu thị đồ nào tốt cũng ráng đi tìm cũng giống như con gà đi bươi cỏ bươi cùng, tâm sân giống như con rắn, con rắn hễ mình đạp nó là nó quay lại cắn đó là thói quen của con rắn thì lòng sân được nói lên ở đây ví dụ như con rắn vậy, còn con heo tượng trưng cho tâm si bởi vì con heo chỉ biết ăn và biết ngủ thôi ngoài ra không biết gì nữa hết. Do vậy ba con vật này tượng trưng cho tham sân si. Rồi vòng ở bên ngoài thưa qúi vị nó cũng là cái vòng tròn nhưng một bên trắng một bên đen tượng trưng cho hành động thiện và hành động bất thiện, điều này là một điều rất lạ và chỉ khi nào chúng ta tìm hiểu về giáo lý Thập Nhị Nhân Duyên thì chúng ta mới hiểu là tại sao cả việc thiện và việc bất thiện trong đời chúng ta làm nó đều liên quan đến phiền não, tại vì chúng ta nghĩ rằng chỉ có việc bất thiện mới được tạo nên phiền não tuy nhiên là phiền não nó có nhiều cách có những cách rất là thô, có những cách rất là vi tế, nó vi tế đến nỗi mà nó nằm việc thiện mà mình không thấy.

Thí dụ có một người mang một bó bông đến chùa cắm lên cúng Phật nhưng họ nguyện rằng: " Nguyện cho đời sau con thiệt là đẹp". thì việc họ cúng Phật là thiện hoàn toàn nhưng lại có liên quan đến phiền não ở giữa này. Do vậy khi nói "vô minh duyên cho hành" thì vô minh là si ám mê mờ không biết không thấy, nhưng nói đến hành là hành động thì có thiện và bất thiện, không phải chỉ vô minh là tạo nên hành động bất thiện mà tạo hành động thiện nữa, và điều này là ý nghĩa rất là khó hiểu. Cũng giống như lần trước chúng tôi nói về khổ đế có nhiều cái chúng ta thấy là hạnh phúc nhưng nó cũng là khổ, có nhiều thứ trong đời sống mà chúng ta thấy nó rất là thiện nhưng mà nó có căn bản của bất thiện của phiền não. Và từ hành động thiện và bất thiện này nó sẽ tạo ra quả là sáu cảnh giới đi thọ sanh mà chúng ta thường gọi là lục đạo. Lục đạo tức là cõi người sinh hoạt, rồi cõi trời, cõi a tu la, ngã qủi, địa ngục, súc sinh, đó là sáu đường ác đạo. Nói tóm lại là ở trong này thì nói đến phiền não. Vòng thứ hai nói đến nghiệp. Vòng thứ ba nói đến quả. Phiền não và nghiệp, quả, ba cái đi chung với nhau, cái này duyên cái kia, cái kia duyên cái này. Nhưng nhân duyên này giữa phiền não và nghiệp và quả nếu chỉ một cách đại khái bình thường như chúng ta hiểu được, nhưng có những cái chúng ta không thể hiểu được nếu chúng ta không hiểu về nhiều 12 lý Nhân Duyên này. Do vậy đồ hình 12 lý nhân duyên được bao gồm ở bên ngoài cũng nói về nghiệp quả và phiền não. Ví dụ như chúng ta nói vô minh, vô minh cũng là phiền não, hành cũng là nghiệp rồi thức danh sắc là quả, nhưng được trình bày với ý niệm khác. Nên chi hiểu vào phiền não nghiệp và quả trong ý niệm này chưa đủ, phải hiểu về 12 lý nhân duyên là sự liên hệ của nó thì mới đủ. Và rồi vẽ một con qủi Vô Thường, theo trong các đồ hình của Tây Tạng thì con qủi vô thường này được trang điểm trên đầu bằng những sọ người, và những sọ người này nói lên là đời sống này luôn luôn đi tới chỗ hoại, đi đến chỗ thay đổi. Rồi chúng ta đi liên tục từ đời này qua đời kia chuỗi dài gọi là "Tiền tiền vô thủy hậu hậu vô chung", do đó cái đuôi nó rất dài đi vào trong vô tận mà chúng ta không thấy hết được, cũng giống như chúng ta luân hồi từ nhiều kiếp cho đến bây giờ chúng ta không thể truy tìm ra được cái sở nguyên của nó. Cái đuôi nó cũng giống như là nhân duyên nhiều đời quá khứ mà chúng ta gọi là "Tiền tiền vô thủy" và thưa qúi vị ở chung quanh sơ đồ này là lửa đang cháy, thì người Trung Hoa họ dịch là "Tam giới như hoả thạch" là ba cõi giống như lửa. Bởi vì có thay đổi, có nhân duyên thành ra có đau khổ. Và nhờ vào giáo pháp của Đức Phật, giáo pháp ở đây có tám hoa sen tức là tượng trưng cho bát chánh đạo đưa con người đến chỗ giác ngộ giải thoát và hình ở nơi này là hình Đức Phật Ngài đang giảng về lý duyên khởi.

Chúng tôi muốn qúi vị nhớ một câu ví dụ của Đức Phật, Ngài nói rằng: "Giáo lý Duyên Sinh tức là Thập Nhị Nhân Duyên giống như một cuồng chỉ rối" chỉ có một người có đại trí là Đức Phật Ngài gỡ ra được. Khi mình cầm cuộn chỉ rối lên thì không biết khúc nào là khúc đầu và khúc nào là khúc đuôi thành ra đời sống rất là rối rắm, đời sống rối rắm lắm như qúi vị thấy bây giờ cuộc sống của mình tự nhiên có một người bạn của mình một Phật tử đi chùa có chuyện buồn phiền mà nếu quí vị tìm ra nguyên nhân thì không phải dễ, chỉ cái chuyện nhỏ như vậy thôi. Có thể là vì người không được khỏe trong người, hay là vì người đó có chuyện cá nhân, hay là vì người đó có ai đã đụng chạm đến người đó. Vì vậy đời sống thì hết sức là rối rắm, hay là ở trong một quốc gia như vầy có đôi khi kinh tế lên kinh tế xuống thấy thị trường chứng khoán lên thị trường chứng khoán xuống người thì nói do nguyên nhân này, kẻ thì nói do nguyên nhân kia. Nhưng có đôi lúc có rất nhiều nguyên nhân, và có đôi lúc chỉ do một nguyên nhân thôi. Như trường hợp ngày xưa Tổng Thống Bush, ông đi sang Nhật và tự nhiên ông đau bụng rồi ông xỉu trên bàn tiệc và chỉ chuyện Tổng Thống Bush xỉu trên bàn tiệc mà làm cho thị trường chứng khoán ở New York đi xuống với một nguyên nhân rất nhỏ như vậy. Rồi bây giờ ở bên Hoa Kỳ càng lúc những người trẻ vào tù càng lúc càng nhiều, nhiều đến nỗi ngày hôm nay tại bên Mỹ rất nhiều tiểu bang họ đã viết một bộ luật mới là phải xử những trẻ nhỏ như thế nào, mới 14, 15 tuổi mà đã cầm súng bắn người khác giết cha giết mẹ thì không thể nào gửi nó vào trong trại cải huấn bình thường được, mà phải đối xử nó như một tù nhân thật sự. Thì khi gặp những trường hợp xảy ra như vậy, nhiều nhà giáo dục và các cơ quan chính phủ họp lại hỏi rằng mình làm thế nào để cải thiện, phải làm thế nào để cải thiện thì họ mới đưa ra là mình phải tìm cái nguyên nhân nó như thế nào? thì đủ thứ nguyên nhân, nguyên nhân là ở bên Hoa kỳ bà mẹ không được trợ cấp nhiều thành ra cha cũng đi làm mẹ cũng đi làm, rồi bà mẹ đi làm kiếm tiền để gửi con chớ không có thì giờ để lo cho con do vậy con hư, rồi bên đó những người nam nữ họ cưới nhau rất sớm, không suy nghĩ cặn kẽ về hôn nhân và gia đình họ đi đến chỗ đổ vỡ, rồi con cái lớn lên cha mẹ ly dị. Và rồi muôn ngàn lý do khác, như Ti Vi chiếu nhiều phim bạo động quá, bắn giết nhau nhiều quá thì tụi nó đâm ra hiếu sát, thì chỉ chuyện tạo cho mấy đưá nhỏ hư thôi có muôn ngàn vấn đề mình phải bàn tới. Như vậy thì nó cho chúng ta một ý nghĩa là ở trong đời sống này nhiều lúc chúng ta nhìn vấn đề một cách đơn giản quá và nó khó chịu quá do đó chúng ta không muốn nhìn, không muốn đào sâu nó nữa. Cái chuyện vui buồn bất chợt ở trong lòng của mình thì thưa qúi vị nó là vấn đề khó xử. Như Đức Phật Ngài nói trong kinh Ngài thường khuyên các vị tỳ kheo khi đi chỗ này chỗ kia biết về phong thổ, về điạ lý của xứ này. Đức Phật Ngài nói rằng: "Này các tỳ kheo chính thân của các con, cái thân nhỏ đó là cả một thế giới và thế giới cần phải được tìm hiểu, nếu các con muốn tìm hiểu thế giới bên ngoài thì cũng nên tìm thế giới bên trong ." ./.

>next page
dieuphap.com