Buddhist Studies
 

 


Câu Hỏi 94: Câu nói khi có nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc v.v…nghĩa là cũng có thân xúc. Câu này nên hiểu như thế nào cho chính xác, không bị nhầm lẫn


(Bài giảng trong rơom Diệu Pháp , Ngày 16 tháng 03 năm 2008)

ĐĐ Uyên Minh: Chúng ta có thể đọc trong Kinh Thập Thượng hay kinh Phúng tụng, hay bài kinh cuối của Trường bộ kinh, để thấy rằng trong nhiều trường hợp Ngài có vô số cách thức trình bày về các Pháp. Thí dụ đối với Thọ hoặc Xúc.
-Có lúc Thọ chỉ kể là một, đó là thọ uẩn là tất cả những gì thuộc về cảm giác, cảm thọ dầu thân hay tâm Ngài chỉ  kể chung vào trong thọ uẩn.
-Có những trường hợp Đức Phật kể Thọ thành hai, tức là thân thọ và tâm thọ.Một cái là cetasika vedanā tức la những cảm giác gì thuộc về tâm. Một cái là kāya vedanā tất cả những cảm giác thuộc về thân.
-Có những lúc thọ kể làm ba thọ khổ, thọ lạc và thọ phi khổ phi lạc( thọ xả).
-Có lúc thọ được kể thành sáu tức là những thọ khởi sanh từ giây phút biết cảnh của mắt, của tai, của lưỡi, của mũi của thân và của ý.
-Cho đến tận cùng có thể chia Thọ  ra thành 108.

Đối với Xúc cũng vậy.
-Nói Xúc là một, đó là sở hữu Xúc, tức là tâm sở Xúc trong 52 tâm sở của A-Tỳ-Đàm
-Có trường hợp Xúc được kể thành sáu, tức là Xúc trong lúc con mắt thấy cảnh sắc, xúc trong lúc lỗ tai nghe cảnh thinh v.v...
-Chúng ta cũng biết rằng, Xúc là chỗ hội tụ hay chỗ gặp gỡ của ba món căn-cảnh- thức.

Tiếng Pali chỉ có chữ Phassa nhưng bên tiếng sanskrit có chữ rất hay trong bộ viniscaya, người ta có dùng một chữ là trisannipapta. Chữ Xúc trong tiếng Pali là Phassa, nhưng bên tiếng Sanskrit Phật học có chỗ người ta cũng gọi là phassa, nhưng có một chỗ người ta gọi là trisannipata. Có nghĩa là sao? Người ta giải thích chữ phassa là chỗ gặp nhau, nơi hội tụ của ba món là căn ( thần kinh nhãn nhĩ, v.v…) cảnh ( cảnh sắc, cảnh thinh , cảnh khí v.v..) thức( nhãn thức, nhĩ thức v.v..). Ba món này gặp nhau thời điểm nào thì sự gặp gỡ đó được gọi là Xúc. Và chính cái Xúc này dẫn đến Thọ. Phải có ba cái căn- cảnh- thức gặp nhau mới đi đến cảm giác của chúng ta là vui hay buồn hay lãnh đạm. Trong trường hợp Xúc được kể là sáu mình phải hiểu ngầm rằng Xúc ở đây được kể rộng ra trong sáu trường hợp, khi con mắt mình nhìn thấy một cảnh gì đó dầu cảnh đó tốt hay xấu, có nghĩa là cảnh đó có vừa ý hay không vừa ý, thì đằng sau cái biết cuả mắt sẽ là tham thọ hỷ hay sân thọ ưu hoặc đại thiện thọ hỷ hay đại thiện thọ xả.

Chúng ta học A-Tỳ- đàm biết rằng bản thân “cái biết” của mắt, của tai v.v… không phải là thiện,  không phải là ác. Và bao giờ cái biết cuả mắt, của tai v.v…cũng chỉ là thọ xả. Bản thân cái biết đó cũng giống như là ống kính chụp hình để thâu hình vào, còn cái chuyện bên ttrong hình ảnh đó, những đường nét những ánh sáng những màu sắc được xử lý ra sao nằm bên trong cái máy. Còn cái biết của ngũ song thức chỉ là cái biết, cái ghi nhận của ống kính chụp hình mà thôi. Chúng ta biết đằng sau ống kính có một màn, tiếng Việt Nam kêu là cái màn “trập”, màn đó có khi làm bằng nhựa, có khi làm bằng kim loại chẳng hạn bằng thalium. Sau màn trập đó tất cả nghững gì được xem là nội dung của tấm ảnh được xử lý sau màng trập. Còn từ màn trập trở ra bên ngoài phần gọi là zoom hay là cái lens của máy ảnh. Phần đó có thể được hiểu như cái giai đoạn biết của sáu thức.

Ở đây hỏi rằng, tại sao có chỗ nói là sáu xúc, trong sáu Xúc đó thân Xúc là cái biết là chỗ gặp nhau của thần kinh xúc giác của tâm thân thức và của cảnh xúc. Cảnh xúc ở đây là đất lửa gió. Trong A-Tỳ-Đàm nói rõ chỉ có đất lửa gió mới là cảnh xúc mà thôi. Còn nước tuy nó là vật chất, nhưng nó chỉ là một khái niệm. Khái niệm là sao? Trong A-tỳ -đàm định nghĩa, nước chỉ là một tính chất tan ra hoặc quến tụ của các phân tử vật chất hay các nhóm sắc pháp. Chúng ta cũng được biết rằng nước là một loại sắc vi tế, chúng ta chỉ có thể cảm nhận được bằng sự suy lượng. Trong thế giới vật chất hôm nay, chẳng hạn như trong thế giới vật lý có những vấn đề thuộc về vật chất nhưng người ta chỉ có thể cảm nhận nó bằng sự suy diễn. Thí dụ cái  hành trình, hoạt mô của các quark hay những phân tử cực vi của các nguyên tử, người ta chỉ biết được nó bằng sự suy luận mà thôi.

Ngày hôm qua, chúng tôi có đưa lên trang www.luylau.com một tập giáo trình rất quan trọng có nội dung số lượng là 267 trang. Trong đó trình bày đại lược nội dung A-tỳ-Đàm qua lăng kính của vật lý học, tâm lý học, hoá học, sinh vật học và nhiều ngành khoa học chuyên môn khác ở một cách trình bày rất, rất cần thiết (chúng tôi nhấn mạnh hai lần chữ rất,) cho những ai có ít nhiều kiến thức tân học. Nên vào trong đó để có thể thấy rằng, có một tương quan rất lớn giữa cái gọi là lộ tâm, đặc biệt là lộ sắc, lộ sắc có nghĩa là tiến trình sinh diễn của cái gọi là sắc pháp hay thế giới vật chất được đề cập đến trong A-tỳ-đàm. Ngay trong thế kỷ này chúng ta hiểu sao về thế giới đó thông qua những cửa ngõ khoa học hiện đại. Không phải chúng tôi giới thiệu trang web của mình, nhưng muốn giới thiệu đặc biệt tập giáo trình đó. Chúng tôi xin trân trọng và chân thành đề nghị tất cả các vị trong room ai dịch được thì đó là một công đức vô lượng. Ai có thể đọc, rồi lấy đó làm giáo tài trao đổi chia xẻ trong những buổi học như thế này, công đức đó cũng vô lượng.

Chúng tôi xin được trở lại câu hỏi.
-Đôi khi Xúc được chia thành sáu tức là sự gặp gỡ của sáu căn- sáu cảnh- sáu thức
- Có trường hợp Xúc được kể là hai thân xúc và tâm xúc. Thân xúc là tất cả những cái biết của năm giác quan thuộc về vật chất. Cái biết của mắt tai mũi lưỡi thân đều được gọi chung là cái biết của thân. Có dịp chúng ta đọc giáo tài A-tỳ-đàm của vị sáng lập ra trường đại học Ghositārāma (Abhidhamman mahāvijjālaya) bên Thái, trong đó Ngài phân tích rất rõ cho chúng ta thấy rằng vị trí của các căn trong thân thể chúng sinh, đặc biệt trong cõi nhân loại như thế nào. Vị trí của nhãn căn nằm ở mắt, vị trí nhĩ căn nằm ở thần kinh thính giác, vị trí tỷ căn nằm ở thần kinh khứu giác, vị trí của thiệt căn là những sợi dây thần kinh nằm trên lưỡi, vị trí của thân căn trải khắp châu thân. Cho nên khi ăn khi cắn mhầm lưỡi, lúc  bấy giờ không phải là cái biết của vị giác mà lúc bấy giờ đó là cái biết của thân, cái biết của xúc giác. Trong trưòng hợp này khi Đức Phật kể xúc thành sáu có nghĩa là Ngài muốn chẻ cho mình thấy, trong trường hợp chia làm sáu là dựa vào sáu cái function, sáu cái chức năng làm việc của thân. Toàn bộ cái gọi là ngũ uẩn, cái gọi là chúng sinh là một khối tổng hợp của sáu giác quan.

Nhưng có trường hợp Ngài chỉ chẻ thành hai, ví dụ có những lúc Uyên Minh không muốn chia chẻ nhiều nên chỉ ghi nhận đây là thân thọ, đây là thân xúc, đây là problem cùa thân , đây là problem của tâm, chỉ đơn giản vậy thôi. Nếu hôm nay chúng ta có dịp đọc chú giải Vibhanga, trong đó có giải thích tại sao có lúc Thế Tôn chia chúng sanh ra làm hai Danh-Sắc ( thân-tâm), có lúc chia làm năm uẩn, tại sao có lúc chia thành sáu xứ, chia thành 12 xứ ( 12 nhập), chia thành 18 giới. Tại sao vậy? Bởi vì tuỳ thuộc vào căn tính của chúng sinh. Có những người tà kiến nhiều nhưng trí nhanh. Có những người tà kiến nhiều nhưng trí chậm. Có những người tham nhiều nhưng trí nhanh. Có những người tham nhiều nhưng trí chậm. Có những người nhiều  nghi hoặc nhưng  trí nhanh. Có những người nhiều nghi hoặc nhưng trí chậm. Đức Thế Tôn đã tuỳ vào căn cơ của họ để chia sự hiện hữu của các chúng sanh.

Nếu quý vị tạm thời không có bản chú giải đó trong tay, có thể vào bản dịch của chúng tôi thực hiện năm 2000 tại Houston có tựa đề là “ Dòng giáo lý A-Tỳ- đàm tại Miến Điện” trong trang Buddha Sasana  của Tiến sĩ Bình An Sơn http://zencomp.com/greatwisdom/index.htm hay trong trang www.luylau.com của chúng tôi, các vị sẽ có dịp đọc qua điều mà chúng tôi vừa trình bày.

Chúng tôi xin tóm tắt  khi Đức Phật chia chẻ sự hiện hữu của chúng sinh thành sáu, Ngài cũng có chủ ý vì có những người họ cần như vậy. Có trường hợp chỉ chia thành hai thân xúc và tâm xúc. Thân xúc ở đây bao gồm sự hội tụ của căn -cảnh- thức từ nhãn…cho đến thân.

Cúng tôi xin ngừng tại đây
Namo Buddhaya

 

Chánh Hạnh chuyển biên


Download cau hoi 94

Phat Hoc Van Dap Phap Am Lưu Trữ