|
Câu Hỏi 85: Thiền học với đề tài niệm thân
(Bài giảng trong rơom Diệu Pháp , Ngày 29 tháng 05 năm 2007)
Sư Trưởng:Hôm nay lớp Thiền học với đề tài Niệm Thân, TT Giác Đẳng đã giảng qua những phương pháp thực tập về Niệm thân. Ở đây nếu chú ý một chút, chúng ta có thể phân biệt rõ về cách tu tập. Cũng đồng nghĩa trong một đề tài hay một đề mục chúng ta có thể phát triển một phạm vi nào đó, một cách tu tập nào đó . Đồng ý trong Bát chánh đạo có cả Chánh niệm- Chánh định –Chánh kiến. Những tâm sở này vẫn có mặt trong Thiền sắc giới khi tu tập thiền định. Nếu phân biệt rõ hơn, khi chúng ta tu tập về đề mục Niệm thân nói về hơi thở mà phát triển về Chánh định, đưa đến cái gọi là “nhất như” tức là không còn phân biệt Năng đối- Sở đối, đó cũng là một phương pháp tốt để định tâm. Tuy nhiên không khéo nó đưa đến cái gọi là Khanasañña ( khối tưởng). Nếu như phát triển về thiền quán cần phải phân rõ Năng duyên- Sở duyên, Năng quán -Sở quán v.v… Cả hai dầu Chỉ hay Quán, Định hay Tuệ vẫn có cái sở trường sở đoản, vẫn có cái đặc biệt và cái khiếm khuyết.
Nếu nói về Thiền định, cũng hơi thở vào-ra nhưng chúng ta lại tập trung tư tưởng lên một vị trí trên mũi, như vật trong lỗ mũi, chỗ gió xúc chạm vào. Ở đây chúng ta nói Niệm thân, chúng ta nói đến những gì liên hệ đến thân và cảnh xúc. Cảnh xúc là thân hành, gió vào-ra, chỗ xúc chạm. Nếu chúng ta gom tâm được vào một điểm nào cho chính xác như bên trái hay bên phải lỗ mũi rồi chúng ta tập trung vào đó, thí dụ bên trái lỗ mũi phía trên phía dưới phía trong hay phía ngoài, chỉ một điểm chúng ta mới ghi nhận được trạng thái khi gió vào xúc chạm, khi gió ra xúc chạm. Chỉ tập trung tư tưởng vào nhất điểm (một điểm) đó để trụ tâm, định tâm tập trung tư tưởng trên đó. Điều này làm cho định lực mạnh.
Cũng giống như dùng kính hội tụ gom sức nóng mặt trời. Bình thường ánh sáng mặt trời chiếu toả khắp mênh mông và có sức nóng như vậy tuy nhiên không làm cháy mọi vật được. Nhưng nếu dùng kính hội tụ gom ánh sáng măt trời vào một điểm nhất định trên một chất dẫn hoả, có thể phát ra lửa làm chất đó bốc cháy. Như thế nào thì tâm của chúng ta nếu để nó lan toả phan duyên theo trần cảnh, nó bị chi phối quá nhiều, định lực sẽ yếu, tâm lực cũng yếu đi nên không phát triển được gì mạnh hơn. Nếu chúng ta tập trung tư tưởng vào một điểm như vậy định lực sẽ mạnh tâm lực cũng kiên cố, từ đó có thể phát triển lên những bậc Sơ,Nhị,Tam,Tứ thiền và có thể triển khai những loại thần thông như ý muốn.
Còn về phương diện thiền quán thì khác lại. Cổ nhân có nói,
“Tịnh đa tất muội
Tuệ đa tất loạn”
“ Tịnh đa tất muội” có nghĩa là nếu mình định tâm nhiều quá như người tu chuyên về thiền chỉ đến một mức độ nào đó, cảm thấy muốn qua thiền quán thì mặc dầu định tâm có khả năng làm cho trí tuệ được vững vàng nhưng cũng vì chỗ định tâm đó nếu quá mạnh có thể làm cho tâm thức bị muội lược đi trên phương diện phất triển trí năng . Còn “ Tuệ đa tất loạn” nhất là tuệ tư suy nghĩ nhiều quá, phan duyên theo trần cảnh suy tư hết cảnh này đến cảnh khác. Do đó nên cả định lực và tuệ lực phải quân bình với nhau. Từ chỗ quân bình với nhau có thể xan sẻ cho nhau, hổ tương cho nhau. Với tâm phóng túng dao động quá mạnh, cần phải có định tâm đè cái tâm xuống. Với tâm quá thụ động, tiêu cực cần phát triển trạch pháp giác chi hay chánh kiến hay giản trạch tuỳ quán để nâng cái tâm lên. Tuỳ lúc nâng tâm lên hay đè tâm xuống tùy theo hoàn cảnh để cho tâm phát triển một cách tương đối, Định và Tuệ quân bình với nhau.
Từ chỗ quân bình có thể sẽ định tâm, trong định tâm đó lại có chánh kiến soi rõ và có chánh niệm ghi nhận từng phần mỗi khi tâm sanh khởi hay tuệ pháp nào đó có thể sanh khởi nhận thức được kịp thời. Đây là lợi điểm của sự tu tập chánh niệm, ở đây là niệm thân. Niệm thân căn cứ trên phương diện thân thần kinh thân, tức là ghi nhận về cảnh xúc hay xúc giác, căn bản như vậy. Do đó nên từ hơi thở vào-ra ta cũng nhận thấy có liên hệ đến thân và cảnh xúc. Đức phật có dạy thêm sau niệm thân nói đến phần tứ oai nghi đi-đứng-nằm-ngồi, đến tiểu oai nghi để phân biệt như tay chân co-duỗi cử động kể cả nói- cười -khóc v.v... Đó là những cái sắc. Vì đi cũng là sắc đứng cũng là sắc, nằm cũng là sắc, ngồi cũng là sắc, nói cũng là sắc, cười cũng là sắc, khóc cũng là sắc. Ngoài bảy oai nghi trên những gì có hiện tướng ra bên ngoài là sắc bình thường cũng là sắc. Nên biết rõ những sắc đó do tâm điều khiển,
“ Tâm ư trung mà cái hình ư ngoại”.
Như con cá lội dưới dòng nhưng sóng dợn lên trên, ta có thể nhìn sóng dợn trên mặt nước biết là con cá gì rồi. Như con cá lóc nó đi thẳng nên sóng dợn một đường Còn cá trê khi lội đuôi quạt qua quạt lại, dợn sóng cũng thấy lăn tăn như vậy. Thí dụ như vậy, để thấy cái tâm có ý nghĩ như thế nào thì nó phát hiện ra ngoài. Nếu tâm sân sai khiến việc khóc nước mắt chảy ra. Với tâm thọ hỷ thì cười, guơng mặt bên ngoài cũng hiển lộ tương tợ như vậy.
Do đó khi nói đến Niệm thân ta cần phân biệt cái sắc. Một điều chúng ta cần lưu ý, nếu nói trên phương diện thiền quán, trong bài kinh “Đại Tứ niệm xứ” Đức phật có dạy rõ. Bình thường nói Tứ đế là bốn sự thật khổ-tập-diệt-đạo. Khổ chỉ những gì hiệp thế danh-sắc, tập nói về tham ái hay tập khởi nói chung những gì là nhân là duyên, diệt nói về nirodha chỉ chung sự đoạn diệt . Khi quán về ngũ uẩn dầu niệm thân cũng nói về sắc uẩn, nếu phát triển về thiền quán Đức Phật dạy có ba, “Đây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc đoạn diệt”. Nếu chúng ta mới đọc qua thấy hình như thiếu về Tứ đế, bởi vì Tứ đế có bốn, nhưng ở đây Ngài chỉ hành giả phân biệt khi quán đi-đứng-nằm-ngồi-nói-cười-khóc hay những sắc tương tợ, thấy rõ “Đây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc đoạn diệt”, như là còn thiếu sắc đoạn diệt đạo. Thật sự không thiếu, bởi vì chính cái nhận ra “Đây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc đoạn diệt” đó là chánh kiến, chánh kiến nằm trong Bát chánh đạo mà bát chánh đạo là tám sở hữu bát chánh nằm trong tâm thiện dục giới tương ưng với trí. Do đó với hơi thở hay đại oai nghi, tiểu oai nghi, hay 32 thể trược hay tử thi cũng gồm chung trong phần sắc. Nhưng nhìn thấy sắc đó là sắc với sự đổi thay tiêu hoại, đó là vô thường- khổ- vô ngã. Như vậy nói sắc tập khởi tức là cái nhân cái duyên gì sắc đó sanh lên rồi sắc đoạn diệt.
Ở đây sắc tập khởi được nói đến như trong bộ Patisambhida giải thích:
-Do vô minh sanh tập khởi- sắc tập khởi
-Do ái tập khởi - sắc tập khởi
-Do nghiệp tập khởi - sắc tập khởi
-Do vật thực tập khởi - sắc tập khởi
-Hay thấy những tướng sanh khởi tập khởi nào khác tức là những pháp đồng sanh còn lại chưa nói đến. Thấy những tướng sanh khởi như vậy cũng gọi là thấy tướng sanh.
Khi hành giả quan sát sanh khởi hay tập khởi tức nhân duyên sanh lên thường thấy bởi năm tướng này.
Điều này cho chúng ta thấy rõ chính vì vô minh khiến thân đi-đứng-nằm-ngồi-nói-cười-khóc.
Cũng vậy khi do tham ái sanh khởi sai khiến việc đi-đứng-nằm-ngồi-nói-cười-khóc hay sắc bình thường.
Cũng vậy do nghiệp tức là tâm sở tư sai khiến, đề đốc làm những việc thiện và bất thiện gì đó, trong lúc đó đi-đứng-nằm-ngồi nói- cười- khóc do nghiệp sanh tập khởi thì sắc tập khởi.
Vật thực tập khởi thì sắc tập khởi, đây nói về những gì thuộc về đoàn thực ăn uống làm cho chất dinh dưỡng tăng trưởng nhờ vậy thân được khoẻ mạnh mới có đủ sức để đi-đứng-nằm-ngồi- nói- cười- khóc hay sắc bình thường.
Chúng ta thấy những gì tập khởi và ngược lại cái đoạn diệt cũng biết đến với tướng đoạn diệt như nói về niệm thân kể cả hơi thở, oai nghi, tiểu oai nghi cũng vậy.
Khi quán đoạn diệt trong bộ Patisambhida cũng dạy hành giả khi quán thấy sự đoạn diệt cũng thấy bằng năm tướng. Tức là,
-Do vô minh diệt - sắc diệt
-Do ái diệt - sắc diệt
-Do nghiệp diệt - sắc diệt
-Do vật thực diệt - sắc diệt
-Hay thấy những tướng đoạn diệt khác tương tợ cũng thấy được tướng đoạn diệt.
Thật vậy không có vô minh sai khiến một hành động nào đó, tư tưởng nào đó như đi ăn trộm ăn cắp hay đánh người v.v…Trong đó do vô minh sanh khởi mới có sắc đi-đứng-nằm-ngồi. Khi hành giả có chánh niệm biết rõ khi thấy tham sân khởi lên do vô minh che phủ như vậy, khi nhận biết được như vậy, biết đó là vô minh nên không dẫn đến những hành động kế tiếp, do đó vô minh diệt sắc đoạn diệt.
Hay là do sự tham ái khởi lên muốn đi trộm cắp v.v.. Nhưng vì có chánh niệm ghi nhận tham ái thuộc về dục tư duy mà tư duy này có hại cho mình có hại cho người có hại cho trí tuệ, che lấp việc thấu rõ Niết- bàn nên tư tưởng này bị diệt đi không còn tiếp tục sanh khởi sai khiến đi-đứng-nằm-ngồi nói- cười- khóc hay sắc bình thường . Như vậy do ái diệt nên sắc diệt.
Cũng thế nghiệp hay vật thực cũng tương tợ hay các pháp khác có liên quan đến sắc cũng tương tợ.
Khi quán thấy tập khởi bằng những tướng sanh khởi, thường hành giả nên quán đến năm tướng này. Khi thấy sự đoạn diệt cũng thấy sự đoạn diệt bởi năm tướng này. Chính vì nhận biết được đó là chánh kiến thuộc về đạo đế. Như vậy kinh Tứ niệm xứ phần Ngũ uẩn, Đức phật có dạy cách quán, “Đây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc đoạn diệt”. Chính vì cái trí cái tâm biết “Đây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc đoạn diệt” đó là chánh kiến, chánh kiến nằm trong bát chánh đạo, bát chánh đạo nằm trong phần tâm thiện dục giới hiệp trí như đã nói. Do đó giữa Chánh niệm - Chánh định - Chánh kiến có sự hổ trợ xoay vòng với nhau như trong bài kinh “ Tứ thập nhị chương” có đề cập đến sự xoay quanh giữa Chánh kiến - Chánh niệm - Chánh định.
Đây là sự đóng góp của tôi.
Namo Buddhaya
Chánh Hạnh chuyển biên
Download cau hoi 85
Phat Hoc Van Dap Phap Am Lưu Trữ
|