Buddhist Studies
 

 


Câu Hỏi 79: Bây giờ chúng ta thử chứng minh, pháp không dễ duôi, có nhiều tác dụng hay có nhiều sự lợi ích để cho thấy rõ sự việc này. Thí dụ người không dễ duôi thì có nhiều sự lợi ích hay nhiều tác dụng là thế nào. Người có tu tập chánh niệm dù không đắc đạo quả thì có thể có lợi ích gì trong cuộc sông bình thường , về sức khoẻ hay về trí nhớ hay nhiều khía cạnh khác, chúng ta sẽ thấy rõ pháp không dễ duôi có nhiều tác dụng. Như vậy mới đúng với ý nghĩa pháp đa tác dụng . Còn người không tu hành có chánh niệm thì có lợi ích ra sao?




(Bài giảng trong rơom Diệu Pháp , Ngày 12 tháng 03 năm 2007)

TT Tuệ Siêu:Trong ý nghĩa pháp bất khinh xuất hay pháp không dễ duôi có lợi ích ra sao. Đức Phật , một vị Chánh Đẳng giác Ngài đã nêu lên những pháp nào lợi ích thì pháp đó lợi ích thật sự. Còn pháp nào Đức Phật Ngài đã tuyên bố đó là pháp có hại thì hại thật sự. Không có một vị Sa-môn Bà-la-môn trong đời có thể nói sai đi lời dạy của Đức Phật. Cũng như trong trường hợp này khi Ngài tuyên bố về pháp Không dễ duôi có nhiều sự lợi lạc

Chúng ta chỉ đơn cử nói về  chánh niệm thôi. Chánh niệm tức là sự ghi nhớ, sự biết mình.Cho dù rằng một người có tu tập hay một người không tu tập. Vấn đề chánh niệm cũng vẫn có lợi ích. Đối với người tu tập, nhờ chánh niệm họ kiểm soát được những phiền não nào đang sanh để họ diệt trừ và những thiện pháp nào đang có họ phát triển thêm. Nên có lợi ích như vậy.

Nếu một người bình thưòng không phải là một đệ tử của Đức Phật, hỏi rằng Pháp này có lợi ích gì không?
Thưa có, thí dụ một người lái xe mà tâm họ lơ đễnh, họ bị phóng dật, nghĩ ngợi đâu đâu không tập trung. Như vậy sẽ rất dễ dàng gây nên tai nạn.
Hay khi một người làm một công việc gì đó, thí dụ những công việc có sự nguy hiểm. Một người sửa chửa điện mà người đó bị thất niệm, nếu đấu dây điện sai đi cũng có thể làm đứt cầu chì hay gây nên vấn đề hoả hoạn v.v...  Tất cả những ngành nghề khác cũng vậy.

Cho nên ở đây, khi nói đến pháp Bất khinh xuất là một pháp đa tác dụng, lấy chánh niệm làm gốc. Trình bày trong kinh điển, chúng ta thấy rằng Đức phật Ngài thuyết là một pháp có nhiều lợi ích, pháp đa tác dụng thì chúng ta áp dụng trong đạo cũng được và chúng ta áp dụng ngoài đời cũng được. Áp dụng cho người đang tu tập cũng được mà những người không tu tập cũng vẫn áp dụng và có nhiều lợi ích. Đó là câu trả lời của chúng tôi.
Namo Buddhaya

Sư Trưởng:   Quả thật vậy, ở đây chúng ta biết đến pháp không dễ duôi như đồng nghĩa với chánh niệm hay chuyên niệm . Bởi vì người có chánh niệm sẽ có nhiều lợi ích khác. Người không có chánh niệm sẽ tổn thất rất nhiều. Chẳng hạn khi lúc trẻ không tu tập chánh niệm cho có trí nhớ, tức là sự biết mình thì khi lớn tuổi có thể có những cái người ta nói như “ Già sanh tật như đất sanh cỏ” là hay nói nhiều hay lẩm cẩm, làm trước quên sau làm sau quên trước. Việc này đổ sang việc khác v.v…

Người có chánh niệm sẽ không như vậy, tức là làm việc một cách thận trọng. Một người làm việc một cách cẩn trọng phải là một người không dễ duôi. Người dễ duôi coi thường những việc nhỏ có thể bị lẫn lộn bị quên mình. Tôi để ý thấy có một ý nghĩa rất đặc biệt  với ý nghĩa chánh niệm là không dễ duôi, mà tôi lấy làm tâm đắc. Tôi để ý những vị tu thiền, đừng nói chi thiền sinh là những người mới tu tập, kể cả những vị thiền sư có tiếng tăm. Những vị này dạy về pháp chánh niệm tỉnh giác hay Tứ niệm xứ chẳng hạn, nhưng tôi lại phát hiện ở những vị đó lại có sự quên mình. Quên mình là sao? Thí dụ những  chuyện tầm thường, sau khi thọ thực xong, đứng lên phải nhắc ghế để vô. Hay những phận sự phải làm trong nhà vệ sinh, nhà tắm hay nơi ở phải ngăn nắp thứ lớp. Nhưng những vị này không có chánh niệm vói những chi tiết đó mặc dầu khuyến khích tu tập về chánh niệm.

Phải nói thẳng rằng một là họ không hiểu rõ ý nghĩa chánh niệm, hai là có sự dễ duôi, coi thường những chi tiết. Chỉ đặt nặng trọng tâm là ngồi thiền, chuyên chú vào đề mục thiền nào đó như Tứ vô lượng tâm hay niệm về Ân đức Phật, Ân đức Pháp, Ân đức Tăng hay niệm hơi thở v.v…Nhưng không quan trọng những chi tiết nhỏ nhặt.
Như trong kinh Tứ niệm xứ Đức Phật có dạy rõ,
“Khi vị Tỳ kheo đi tới đi lui.Đi tới biết rõ, đi lui biết rõ. Khi đứng nằm ngồi cũng như vậy v.v..”
Khi những vị này lúc mới tu tập là thiền sinh lại tìm những pháp như đề mục hơi thở chẳng hạn rồi tu tập phương pháp đó. Nhưng ngoài giờ tu thiền ra, những chuyện khác lại coi thường. Chính vì sự coi thường này gọi là khinh xuất, do đó vị này hay bị thất niệm.

Tôi nói một cách thành thật, vì tôi có gặp những vị tu thiền đã từng đi du học nước ngoài như Miến Điện, Thái Lan, hành thiền rất nhiều năm. Khi đến thăm, chúng tôi phát hiện vị này thường bị thất niệm như những chuyện không đáng nói lại nói, hay nói những lúc không hợp thời, thậm chí khi đi bỏ quên cái túi cái dèm của mình, hay những việc linh tinh thì không được để ý. Như vậy muốn tu tập để có chánh niệm phải là người không dễ duôi chứ không phải cho ngườidễ duôi. Dễ duôi hay buông lung hay khinh xuất, coi thường những chi tiết nhỏ nhặt mà chỉ xem trọng những pháp vĩ đại siêu việt mới để ý.

Trong vấn đề học cũng vậy, vị nào khi học để ý không coi thường những chi tiết như TT Tuệ Siêu khi học Pali chẳng hạn, học rất kỹ lưỡng chính chắn, dầu phần lớn cũng vậy hay những chi tiết nhỏ nhặt cũng không bỏ qua. Nên khi dịch kinh dịch sách hay diễn giải rất tự tin. Còn nếu khi học chỉ cần biết đại cương, coi thường những chi tiết thì khi gặp những từ ngữ tượng tợ như vậy đến lúc cần hoặc khi có người hỏi đến  sẽ lúng túng, giải thích một cách không mấy gì chính xác.
Đây là vấn đề so sánh để thấy rõ ý nghĩa chánh niệm tức là sự không dễ duôi. Mà người dễ duôi thì không có chánh niệm.

Một người có chánh niệm thì được nhiều lợi ích như làm viêc không lẫn lộn, không bị quên không bị sót. Khi già lớn tổi không bị lẩm cẩm, hay quên, và không sanh những tật nói nhiều hay làm những chuyện không đáng làm. Đó là vì khi có chánh niệm, người này biệt chuyện đáng nói mới nói, cái không đáng nói thì không nói. Chuyện đáng làm mới làm, chuyện không đáng làm không làm. Thâm chí vị này có được chánh niệm nữa thì có thể kiểm soát được tư tưởng của mình, suy nghĩ cái cần suy nghĩ, không suy nghĩ những cai không cần suy nghĩ v.v… Do đó nên gọi là pháp có nhiều tác dụng, dầu trên phương diện giác ngộ giải thoát, hành thiền để đắc đạo quả hay trên phương diện cuộc sống bình thường hằng ngày. Người có chánh niệm sẵn hay người mới tu tập có chánh niệm, không bỏ qua chi tiết nhỏ nhặt nào, người này sẽ được lợi ích như đã nói khi trở về già.  

Thường chúng ta nghe ông bà hay trách mắng con cháu, “ làm việc không có ý tứ” hay   “Ngớ ngẩn” v.v…Tức là người này làm việc không có chú tâm, chú ý đến những công việc  đang làm nên bị sơ sót. Ví dụ như đang làm mà tâm nghĩ đâu đâu, nên làm sai làm trật. Hay một ngưòi băng qua đường, nếu tâm phóng dật gọi là thất niệm, họ nhìn cho có nhìn vẫn băng qua đường khi chiếc xe thật lớn chạy đến. Khi đó họ nhìn theo tập quán, theo quán tính, nhìn cho có lệ chứ không để ý.Không biết quý vị có để ý hay không chứ tôi đi trên xe hay gặp trường hợp có những người vẫn đâm nhào vào chiếc xe của mình tuy họ vẫn nhìn về phía chiếc xe. Đến khi chiếc xe thắng lại họ mới giật mình, và phần lớn là nữ giới. Chứng tỏ rằng người này không có chánh niệm.

Tóm lại người có chánh niệm được nhiều lợi ích là như vậy. Nghĩa là khi băng qua đường se không bị tai nạn giao thông vì nhờ có chánh niệm phòng hộ, nhìn chung quanh một cách kỹ lưỡng. Làm việc không bị sai sót. Kể cả hành thiền cũng không bỏ qua những chi tiết nhỏ nhặt như tay đưa, co chân, duỗi tay, đầu lắc hay gật, ngó tới hay ngó lui v.v.. đều có chánh niệm tỉnh giác. Do có chánh niệm như vậy nên sẽ đem lại nhiều tiến bộ cả vật chất lẫn tinh thần, cả người hành đạo hay người không hành đạo vẫn có nhiều lợi ích. Do đó nên gọi là một pháp có nhiều đặc ân hay có nhiều tác dụng là như vậy.

Tôi xin dứt lời tại đây.
Namo Buddhaya

Chánh Hạnh chuyển biên


Download cau hoi 79

Phat Hoc Van Dap Phap Am Lưu Trữ