Buddhist Studies
 

 


Câu Hỏi 65: Phái đoàn tại Bắc Mỹ sắp đi hành hương, có nhiều người nói rằng, chúng ta đảnh lễ Phật, quan trọng là Phật ở trong lòng. Hình tượng Phật bên ngoài có nhiều sự khác biệt. Người Thái tạo tượng Phật như thế này, người Ấn Độ tạo tượng Phật như thế kia, người Tây Tạng  tạo tượng Phật  như thế nọ. Quan trọng là Phật tại tâm. Nếu Phật tại tâm tại sao chúng ta không ngồi ở nhà, như bây giờ chắp tay lạy Phật mà chúng ta phải hành hương sang xứ Phật để chiêm bái các Phật tích. Cũng có nhiều người lập luận Phật ở đâu, ở trong lòng chúng ta hay ở bên ngoài. Chúng ta đã nói về thời gian và không gian nhưng đối tượng để kính lễ là Đức Phật, những hình tượng mang tính cách quy ước hay có một giá trị cố định nào đó. Xin thỉnh TT Tuệ Siêu hoan hỷ  cho câu trả lời.


(Bài giảng trong rơom Diệu Pháp , Ngày 25 tháng 11 năm 2007)

TT Tuệ Siêu: Tất nhiên là do tự tâm của chúng ta. Nhưng ở đây tâm thiện phát sanh do nhiều nhân duyên, nhiều pháp duyên khởi, nhiều pháp duyên hệ.Đối với một người đã có thường cận y duyên thuần thục trong việc niệm tưởng Ân đức Phật, Ân đức Pháp, Ân đức Tăng, dầu ở đâu người này cũng có thể khởi lên lòng tin sâu sắc, niềm tin bất động đối với Phật Pháp Tăng. Không cần phải đi hành hương ở nơi này hay nơi khác.Hoặc giả đối với những người thiết tha hành theo lời dạy của Đức Phật, tìm thấy sự an lạc trong thiền định, an lạc trong trạng thái chứng đắc quả vị. Với người này không cần phải đi hành hương, họ cũng tìm thấy được sự an lạc và khởi lên trí tuệ, niềm tin tuyệt đối.

Ở đây còn một trường hợp khác đó là cảnh duyên Ārammanapaccaya hay cảnh trưởng duyên Ārammanadhipatipaccaya. Cảnh đó cũng trợ tạo cho tâm thiện sanh khởi được và chính điều này Đức Thế Tôn đã thuyết được ghi lại trong bài kinh Đại Bát Niết-Bàn, Trường bộ kinh và chính  miệng của Đức Thế Tôn  đã giảng rằng,
“Có bốn nơi nếu nguời có lòng đến bái viếng với lòng tịnh tín hoan hỷ thì người đó sau khi mệnh chung sẽ sanh về Thiên giới. Đó là chỗ Đản sanh, chỗ Thành đạo, Chuyển pháp luân, Niết-Bàn .”

Việc chúng ta đi hành hương đến bốn chỗ Thánh tích. Điều này chúng ta không thể phủ nhận được là không có lợi ích. Khi chúng ta đi đến đó, chắc hẳn với một người có niềm tin và có tâm hoài cổ. Người này sẽ có sự xúc động mãnh liệt hơn. Có niềm tin là như thế nào? Và có tâm hoài cổ là như thế nào? Chúng tôi lấy bản thân làm thí dụ. Bình  thường ở đây từ khi xuất gia còn thiếu thời, chúng tôi đã học Phật pháp, đã hiểu Phật Pháp, đã có niềm tin nơi Đức Phật, giáo Pháp và Tăng chúng. Đi hành hương hay không đi, đến chỗ Thánh Tích chúng tôi vẫn có niềm tin như vậy. Nhưng chúng tơi tin chắc rằng nếu trong những ngày sắp tới đây được viếng bốn chỗ động tâm, chúng tôi sẽ có sự xúc động mãnh liệt hơn.

Vì sao vậy? Nói thêm một chút, với tâm của người hoài cổ, thậm chí khi đi đến các cổ thành của vua chúa xa xưa, chúng tôi cũng có một sự động tâm, khi chúng tôi nghĩ rằng,  xưa kia cách đây mấy trăm năm tại nơi này là những  bước chân đi của các vị vua, các vị quan thần mà giờ đây những người đó theo luật vô thường, họ đã ra đi và để lại vết tích là cổ thành. Tất cả sự đời đều là vô thường v.v.. Khi tham quan các cổ thành ở Huế thăm lăng Khải Định hay ở Vũng Tàu chẳng hạn, chúng tôi đều cảm nhận đó. Vì vậy chúng tôi tin rằng một khi bản thân chúng tôi được đi đến bốn Thánh Tích, chắc chắn tâm chúng tôi sẽ xúc động nhiều.

Khi đến đảnh lễ cội cây bồ đề, chúng tôi nhớ đến trong kinh điển chúng tôi đã biết Đức Thế Tôn ngồi dưới cội cây bồ đề trong canh đầu đã đắc Túc mạng minh , canh giữa đắc Sanh tử minh, canh cuối đắc Lâu tận minh trở thành bậc A-La-Hán Chánh Đẳng Giác. Rồi Ngài đi thuyết Pháp độ chúng sanh. Chỉ nhìn cây bồ đề thôi, ngay khi đó chúng tôi biết rằng mình sẽ có sự vui buồn lẫn lộn vầ tâm tràn ngập xúc động cũng như sự hoan hỷ. Và cảm nhận được tính chất vô thương như lời Đức Thế Tôn đã dạy. Do đó chúng tôi nghĩ rằng việc đi đến Thánh tích, hành hương về xứ Phật, chiêm bái những Thánh tích sẽ trở thành cảnh duyên, cảnh trưởng duyên giúp cho thiện tâm sanh khởi mạnh hơn.

Bây giờ khi chúng ta không có cảnh duyên, cảnh trưởng duyên đó, chúng ta chỉ ngồi tại đây và nói rằng Phật tại tâm. Nhưng khi ngồi yên một chỗ, chúng ta có dành nhiều thời gian để chiêm nghiệm về Ân đức của Phật Pháp Tăng hay không? Chúng ta có mấy  khi nghĩ đến Ân đức Phật Pháp Tăng mà tâm của chúng ta có sự rúng động tràn ngập hoan hỷ. Ít lắm thưa quý vị. Nếu có chăng đi nữa cũng do chúng ta phải tự suy diễn và tự chúng ta phải cố gắng làm cách nào cho tâm của chúng ta có sự hoan hỷ với Phật Pháp tăng.

Chúng tôi nghĩ rằng một khi chúng ta đã bước chân đi hành hương đến xứ Ấn Độ và tại bốn nơi động tâm  được nghe giải thích, được biết tại nơi này, chính tại đây Đức Thế Tôn đã từng ngự đến, Ngài ngồi ở đây, Ngài đi kinh hành tại đây, một bậc A-La-Hán Chánh Đẳng Giác chăc chắn lúc đó với một người đã có sẵn niềm tin thì niềm tin đó được nhân gấp mười lần, gấp trăm lần lên chứ không còn nhân đôi nữa. Vì vậy chúng tôi nghĩ rằng sự việc đó rất quan trọng, chứ chúng ta không thể nói suông như người ta thường nói, “ Phật tại tâm”. Câu nói đó người ta thường nói ngoài của miệng, khi nói như vậy bản thân của người đó thấy Phật có cảm động, có khởi lên lòng tịnh tín được hay không? Vấn đề đó cần phải xét lại. Chúng ta không thể nào nói như thế. Hiếm có trường hợp một nhân vật chưa từng gặp Đức Phật mà chỉ nghe đồn Đức Thế Tôn bậc Chánh Đẳng Giác mà vị này khởi lên niềm tin bất động, lòng tịnh tín thật thanh tịnh đối với Đức Phật và lặn lội đi quãng đường xa mong tìm gặp Đức Phật thật sự.

Chúng tôi nghĩ rằng tất nhiên niềm tin đối với Đức Phật, với Pháp, với Tăng, lòng tin đó là do tự lòng mình nhưng chúng ta đừng quên rằng niềm tin đó, thiện pháp đó khởi lên còn được một sự trợ duyên khác tức là  cảnh duyên hay cảnh trưởng duyên nữa. Vì vậy cho nên việc đi hành hương cũng đem lại cho chúng ta nhiều kết quả lợi lạc. Tất nhiên chúng tôi cũng không hoàn toàn nói rằng, tất cả mọi người khi đi đến đó đều khởi lên lòng tịnh tín bởi vì tâm phàm phu, nhiều khi do vì ham thích đi du lịch, đi đến những chỗ được nghe người ta đồn do tính hiếu kỳ. Đi đến đó cũng thắp hương, cũng đi kinh hành chung quanh vậy, nhưng vì rằng niềm tin trước đây không có, không hiểu biết đúng, không hiểu biết chính xác nên trạng thái tâm dửng dưng, chỉ hiếu kỳ và thấy lạ thôi. Không phải hoàn toàn ai đi đến viếng Phật cảnh cũng đều có tâm xú đông mãnh liệt. Bởi vậy cho nên niềm tin có tự nơi tâm nhưng niềm tin đó nếu được cảnh thật bên ngoài trợ sanh và vun bồi  thì niềm tin càng mãnh liệt, kiên cố hơn.

Chúng tôi xin dứt lời tại đây.
Namo Buddhaya

Chánh Hạnh chuyển biên


Download cau hoi 69

Phat Hoc Van Dap Phap Am Lưu Trữ