|
Câu Hỏi 65: Nếu chúng ta vô tình đạp trúng một con kiến, tính về mặt giới chúng ta có bị đứt giới không? Có mang nghiệp không?
(Bài giảng trong rơom Giảng Đường Diệu Pháp , Ngày 13 tháng 03 năm 2008)
ĐĐ Phạm Trí :: Nếu nói về giới, chúng ta phạm giới sát sanh phải có đủ năm chi:
-Chi thứ nhất là vật có thức tánh,
-Chúng ta biết rõ vật đó có thức tánh,
-Chúng ta có tâm muốn sát hại con vật
-Chúng ta cố gắng hết sức bằng mọi cách để giết con vật
-Sinh vật đã chết do sự ráng sức giết của chúng ta.
Đó là đủ năm chi, chúng ta sẽ phạm vào giới gọi là giới sát sanh.
Nếu như thiếu một trong năm chi đó, chưa hẳn chúng ta phạm giới sát sanh.
Câu hỏi trường hợp chúng ta vô tình đạp trúng một con kiến chúng ta có đứt giới hay không? Phạm Trí xin thưa, nếu đủ năm chi thì sẽ đứt giới, còn nếu chỉ phạm một chi hay hai chi, hay ba chi thôi thì chưa gọi là đứt giới. Nhưng giới của chúng ta lúc bấy giờ không còn trong sạch nữa mà giới đã bị đốm, bị lổ giống như con bò trắng có đốm đen. Như vậy nếu gọi là sát sanh phải hội đủ năm chi, còn chưa đủ năm chi thì chưa gọi là sát sanh.
Nói về nghiệp, có mang nghiệp không? Đức Phật có dạy,
Cetana'ham bhikkhave kamman vadami
Này các Tỳ kheo, Ta nói nghiệp là sở hữu tư, tức là sự cố ý.
Ở đây nếu con kiến đang bò, mắt mình thấy, và mình thấy con kiến thấy ghét quá, mình lấy tay nhấn mạnh vào con kiến, con kiến chết. Như vậy chúng ta đã mang nghiệp. Ở đây tuỳ theo cái Javana, nếu lúc chúng ta sát sanh với đổng lực tâm quá mạnh như vậy có thể rơi vào hiện báo nghiệp hay hậu báo nghiệp.Tuỳ theo tâm của chúng ta lúc đó như thế nào nếu lọt vào sát-na thứ nhất sẽ cho hiện báo nghiệp, lọt vào sát na thứ bảy cho sanh báo nghiệp, lọt vào sá-tna giữa từ thứ hai cho đến sát-na thứ sáu sẽ cho hậu báo nghiệp.
Trường hợp do vô tình làm con kiến bị chết sẽ cho ra nghiệp rất nhỏ gọi là cái khinh tiểu nghiệp tức là những nghiệp nhỏ, một số vị dịch là vô ý nghiệp. Hằng ngày khi đi lỡ đạp con kiến, chúng ta không có sự cố ý, không có cetana tức là tác ý để giết con kiến, lúc bấy giờ có hai trường hợp như sau.
Trường hợp thứ nhất, con kiến nếu cột oan trái với mình, nó sẽ tìm mình trả thù. Cũng gíông như trường hợp Bồ-tát Sunavamasa, kiếp trước của Ngài đi vào rừng, khi thấy một bông hoa, Ngài dương cung bắn thử xem tài thiện xảo bắn cung của mình. Ngài đâu ngờ rằng trong bông hoa có một con sâu, con sâu chết và cột oan trái với Ngài. Về sau trong một kiếp Bồ tát Suvanamasa tiền thân Đức Phật, lúc bấy giờ con sâu trở thành một vị vua vào rừng săn bắn, nhìn thấy con thú, vị vua dương cung bắn thì trúng ngay Bồ tát.
Trường hợp thứ hai cho ra nghiệp rất nhỏ, vẫn cho nghiệp nhưng không mạnh bằng khi có cetana có tác ý giết. Vì lúc sơ ý như vậy, nhất là những cụ già mắt mờ tai điếc, làm sao có thể nhìn thấy con kiến nhỏ xíu. Lúc bấy giờ không có sự cố ý giết thì nghiệp không nặng lắm nhưng vẫn tạo nghiệp rất nhỏ. Ví dụ khi chúng ta đứt tay, Phạm Trí chỉ lấy ví dụ thôi, chứ không phải ý nói rằng chúng ta sơ ý làm con kiến chết rồi bị đứt tay. Những nghiệp nhỏ này cho quả khiến chúng ta bị đứt tay, hay bị vấp cục đá v.v…Những tai nạn nhỏ này là quả của những khinh tiểu nghiệp do chúng ta vô tình làm chết các sinh vật.
Phạm Trí xin dứt lời tại đây
Namo Buddhaya
Chánh Hạnh chuyển biên
Download cau hoi 65
Phat Hoc Van Dap Phap Am Lưu Trữ
|