|
Câu Hỏi 133: Niệm chết
(Bài giảng trong room Diệu Pháp)
Sư Trưởng :
:Thường những người không tu tập rất sợ khi nói về sự chết. Tôi có xem phim nói về nhà ngoại cảm Phạm Thị Bích Hằng. Sau sự kiện bị chó dại cắn, có hiện tượng ngoại cảm xuất hiện nơi cô. Cô thấy một ông cụ trong xóm thời gian sống không còn lâu nên cô báo cho ông cụ biết. Ông cụ vốn thân trong làng nghe như vậy cho rằng cô này ác độc trù rủa, ông vác cây đập làm cô phải chạy về nhà. Tôi trích ngang câu chuyện này để nói rằng, cụ ông này đã già rồi nhưng khi nói đến cái chết, sợ đến nổi lấy roi rượt đập đứa cháu trong làng. Sự thật đúng ngày giờ đó ông cụ cũng chết, đó là một trong những điều làm cho cô Phạm Thị Bích Hằng nổi tiếng vì những điều cô nói là có. Quả thật cái chết ai cũng sợ. Có vài Phật tử khi tôi khuyên họ niệm sự chết thì họ từ chối nói chừng nào chết thì hay chứ nghe nói vậy không còn muốn làm ăn gì cả. Sự thật những người không chuẩn bị trước, khi cái chết đến khiếp đảm sợ hãi và chính sự khiếp đảm sợ hãi đó đưa tái sanh vào trong cảnh giới đau khổ. Còn người chấp nhận sự thật như vậy, nhớ đến sự chết sẽ bình tỉnh khi cái chết đến.
Trong quyển “ Góp nhặt cát đá” có câu chuyện có người thanh niên Nhật Bản đến bái sư cầu học kiếm thuật. Vị thầy kiếm thuật trông thấy khí phách của anh mới hỏi,
-“Này bạn, trước khi bạn đến đây, bạn có học môn võ nào chưa?”
-“ Thưa Thầy tôi chưa từng học gì cả”
Vị thầy không tin , nhất định là người thanh niên có học hay luyện tập một phương pháp nào đó, nên gặn hỏi mãi.
Cuối cùng người thanh niên nói,
-“Tôi chưa từng học môn võ thuật nào cả, nhưng thường đến các vị Thầy trong chùa dạy niệm về sự chết. Tôi đã thọ trì và lúc nào cũng nhớ đến cái chết, sự sống thì khó khăn còn cái chết đến dễ dàng, cái chết có thể đến với chúng ta bất cứ lúc nào. Nhờ niệm sự chết lâu ngày như vậy nên bây giờ tôi không sợ chết, dầu cái chết có đến bằng cách nào, lúc nào. ”
Vị kiếm sư vỗ vai chàng thanh niên và nói.
-“ Thôi đủ rồi tráng sĩ, không cần phải học nữa. Với tinh thần võ sĩ đạo chúng tôi đạt tới cảnh giới vô úy không sợ chết, tráng sĩ đã đạt tới cảnh giới tối cao của võ sĩ đạo là không sợ chết rồi.”
Nhắc câu chuyện này cho thấy người thường niệm sự chết có lợi thế là không sợ sự chết. Sự chết dầu cho đến với mình hay đến với quyến thuộc có bất ngờ thế nào đi nữa, bản thân người đó không có sự sợ hãi. Có câu chuyện kể bồ-tát tiền thân Sonaka, có một kiếp Ngài cùng tất cả những người trong gia đình tu tập về đề mục niệm sự chết. Có lần hai cha con cùng ra đồng cày ruộng. trong lúc làm việc đồng áng vô tình và cũng có thể do nghiệp quá khứ cộng lại, người con trai bị rắn độc cắn chết. Khi bồ tát thấy người con bị rắn độc cắn chết, Ngài bế đứa con lên bờ ruộng rồi tiếp tục cày cho đến khi có người đi ngang về phía nhà của ông. Ông nhờ người nhắn về gia đình là hôm nay chỉ đem một phần cơm và nhớ đem các dụng cụ dùng để thiêu đốt. Khi nghe nhắn như vậy, cả nhà bồ tát biết có sự cố xảy ra, và làm theo lời nhắn. Khi đến nơi gồm có bà mẹ, người vợ, người em gái, người tớ gái, đều làm việc bình thường trong khi bồ tát ngồi ăn cơm. Sau đó họ lập dàn hỏa và thiêu người con trai, người chồng, người anh trai, người chủ yêu quý, nhưng không ai than khóc ưu phiền. Đức trời Đế Thích thấy sự việc lạ lùng như vậy rất nóng lòng. Ngài hóa hiện thành một vị Bà-la-môn đến hỏi thăm,
-“Quý vị đang thiêu xác ai vậy, Thiêu xác người bạn, kẻ thù hay con vật?”
Bồ tát trả lời,
-“ Đang thiêu xác con trai của tôi.”
-“ Người con trai ông lúc còn sống ngổ nghịch hung dữ lắm chăng?”
-“ Không, con tôi rất ngoan hiền, là một người con tốt trong những người con tốt.”
-“ Sao đứa con tốt chết ông lại không đau buồn gì.”
Bồ tát trả lời,
-“ Con rắn già phải lột da, người sanh ra trên đời phải chết. Dầu có than khóc cũng vô ích nó cũng chết rồi”
Người Bà-la-môn hỏi đến người mẹ, bà trả lời,
-“ Đứa con thương yêu tôi và tôi cũng thương yêu nó. Con tôi lúc đến không mời, ra đi cũng chẳng một lời tiễn đưa. Tôi không mời mà nó đến, tôi cũng không đuổi mà nó đi. Tùy duyên nó đến và cũng tùy duyên ra đi. Bây giờ nó chết rồi, lửa thiêu nó còn không thấy nóng, không còn hay biết, tôi khóc than chỉ tổn hại thân thể chứ có lợi ích gì.”
Người Ba-la-môn do Đế Thích hiện ra hỏi người vợ của thanh niên. Cô ta trả lời,
-“ Chồng tôi rất thương yêu tôi, là một người chồng tốt trong những người chồng tốt. Bình kia đã vỡ nát rồi.
Chẳng hề lành lại lựa là thở than.
Chồng tôi thác xuống suối vàng.
Lửa thiêu chẳng nóng khóc than biết gì.
Dầu nghĩa nặng tình thâm, bây giờ có than khóc cũng chỉ tổn hại cho tôi, chứ chồng tôi đâu có hay biết. Như cái bình đã bể, dầu cho than khóc cũng không sao lành lại.”
Người Bà-la-môn hỏi người em gái, và người tớ gái. Họ cũng trả lời tương tợ như vậy, người anh trai, người chủ trai chết rồi có than khóc cũng vô ích, chỉ cần làm những việc cần làm như phụ giúp thiêu xác, sau đó có làm công đức gì thì chia xẻ phước đức đó thì có lợi hơn là than khóc.Bởi vì những người này đã từng niệm sự chết nên sự chết đến không phải là điều đột ngột, không phải việc lạ. Họ biết rằng có sanh có tử là lẽ tất nhiên.
Trong Thanh tịnh đạo có ví dụ giống như một bánh xe lăn trên đường. Mặt đất là chỗ tựa của bánh xe, luôn tiếp xúc với bánh xe tại một điểm như thế nào, thì sự sanh cũng sống từ trên cái chết. Dầu cho lúc ngừng lại bánh xe vẫn đậu trên mặt đất, chạy cũng chạm trên mặt đất, dầu lăn nhanh cách mấy cũng không rời mặt đất như thế nào, thì sự sống này luôn dính liền với sự chết. Không phải đợi đến khi thấy một xác thân nằm trơ trên mặt đất, không còn hơi thở nữa mới gọi là chết, mà sự chết của danh sắc đã sanh diệt từng sát-na, nhưng đó là những thời điểm ngắn, nó vẫn còn tương tục sinh, được tiếp nối bằng những danh pháp sắc pháp khác tương tục. Cho đến khi toàn bộ danh sắc không còn tiếp nối, sắc mạng quyền không còn tiếp tục nữa, thì gọi là chết. Đó là một từ thông thường.
Đức Phật hỏi các Tỳ kheo,
-“ Này các Tỳ kheo, chết là gì? Nếu chết là sự chấm dứt thân sanh tử luân hồi thì chỉ có vị A-la-hán mới chết, còn chúng phàm phu chưa phải chết bởi vì các ngươi chết rồi thì tiếp tục tái sanh, chết chỉ là hiện tượng tạm thời. Chỉ có vị A-la-hán mới chấm dứt sanh tử luân hồi vì thân ngũ uẩn không tiếp nối. Nếu nói chết là sanh diệt danh sắc thì không phải nói đến vị A-La-Hán mà các ngươi đã chết trong từng khoảnh khắc”.
Bởi trong từng sát na tâm sanh diệt hàng triệu triệu, tỷ lần, sắc pháp chậm hơn 17 lần nhưng vẫn sanh diệt.
Trong khảy móng tay
Tâm sanh triệu triệu diệt hoài đồng nhau
Sắc pháp sanh diệt chẳng mau
Tâm qua 17 sắc nhào một khi
Trong một sát na như vậy sắc pháp sanh diệt năm dương, chín tỷ, hai kinh, hai cai, thời gian diệt như vậy. Danh sắc sanh diệt từng trong khoảnh khắc. Nếu cái chết chấm dứt sanh tử luân hồi thì vị A-la-hán mới thật sự chết. Còn nếu chết là sự sanh diệt của danh sắc thì chúng ta đã chết trong từng khoảnh khắc . Mỗi sát-na, mỗi tia chớp, mỗi cái nháy mắt như vậy danh sắc sanh diệt liên tục. Vì chúng sanh, người đời không ý thức được điều này nên có sự sợ hãi.
Như chúng ta có nghe câu chuyện vua Tề, một hôm ngoạn cảnh Sầm Sơn, thấy cảnh núi rừng xinh đẹp, non sông gấm vóc hữu tình, bỗng rơi lệ. Bá quan hỏi tại sao nhà vua khóc. Vua mới trả lời rằng,
-“ Nhìn cảnh Sầm Sơn, giang san cẩm tú, sơn thủy hữu tình, quá đẹp tiếc đời người mỏng manh, trẩm chỉ hưởng một thời gian, không phải tồn tại mãi mãi trên đời, nghĩ như vậy nên chạnh lòng mà khóc”
Vị Thừa tướng Yến Anh lấy tay che miệng cười, nhà vua hỏi,
-“ Trong khi Trẩm nghĩ đến sự chết chạnh lòng mà khóc, bá quan ai cũng rơi lụy, sao khanh lại cười?”
Thừa tướng Yến Anh tâu với nhà vua,
-“ Nếu như cuộc đời không có định luật vô thường, sanh ra sống mãi, các vị Tiên vương trước vẫn còn tiếp tục làm vua thì đâu tới lượt bệ hạ.”
Nghe như vậy vua Tề bừng tỉnh. Một người như Thừa tướng Yến Anh ý thức được hễ có sanh thì có chết, làm sao trái lại với định luật vô thường. Như câu chuyện vua Tần Thủy Hoàng sau khi gồm thâu lục quốc, xây vạn lý trường thành. Ông cho thầy thuốc ra Bồng lai đảo tức là nước Nhật ngày nay để luyện thuốc trường sanh bất tử, tham sống sợ chết nhưng cuối cùng tần Thủy Hoàng cũng phải chết.
Người ý thức được cái chết nên không ngại sự chết. Có câu chuyện ba ông lão vừa uống trà vừa làm thơ lấy đề tài là vô thường.
Ông lão thứ nhất ngâm lên,
-“Năm nay các mặt ngồi ăn uống
Chẳng biết sang năm vắng mặt nào”
Hai ông kia khen hay và thưởng cho ông một ly trà. Ông lão thứ nhì nói hay thì hay nhưng vẫn còn tới một năm, ông mới đọc lên ,
-“Đêm nay giầy dép để nơi đất
Chẳng biết sáng mai có xỏ vô”
Thường có những người lên giường ngủ rồi đi luôn. Ông lão thứ nhì quán sự chết trong vòng một đêm, cũng được khen ngợi và thưởng cho một ly trà. Ông lão thứ ba mới đọc lên rằng tuy khá hơn nhưng vẫn còn một đêm,
“Hơi thở này đậy ra khỏi miệng
Biết còn trở lại hoặc đi luôn”
Đối với ông sự vô thường chết chóc đến rất nhanh chỉ tính bằng hơi thở, nếu thở vào mà không thở ra phải chết, thở ra mà không thở vào cũng chết. Như vậy đối với ông sự chết vô thường chỉ tính bằng hơi thở.
Trong kinh dạy rải tâm từ để đối trị tâm sân, quán thân bất tịnh để đối trị tham ái, nhớ ơn Đức Phật để tăng trưởng lòng tin nơi Tam bảo và phải một lần niệm sự chết để nhớ thời gian qua mau, phải hối hả tu tập bằng không sẽ không kịp. Một khi sự chết đến mà ta chưa tạo nên công đức thiện sự hay chưa có một điểm tựa nào nên phải tinh tấn tu hành. Như vậy niệm sự chết rất có lợi cho hành giả tu tập, luôn luôn nhắc nhở sách tấn mình. Như trong bài kinh Nhất dạ hiền giả có nói,
Quá khứ đã qua rồi
Tương lai thì chưa đến
Chỉ có pháp hiện tại
Thiền quán chính là đây
Vì thời gian qua mau, một khi tử thần đến lấy gì chống đỡ đây. Người Tây Tạng khi giận nhau, họ rủa nhau không phải như xứ mình, rủa cho người kia chết bất đắc kỳ tử v.v.. Họ rủa nhau bằng câu là, “ Hãy coi chứng kiếp sau sẽ đến với anh vào ngày mai”. Tức là tối nay anh chết ngày mai đã tái sanh rồi. Chửi cũng có triết lý Phật giáo trong đó.
Đôi khi quán tưởng sự chết chúng ta không khỏi chạnh lòng. Thỉnh thoảng đi trên đường chúng tôi hay gặp người ta chở những con chó trong chiếc xe ba-gác. Nhìn những con chó đực chó cái, có thể cách đây mấy tháng, trước khi nó sanh làm chó còn sống ở kiếp trước, đàn ông thì có thể là những nguyên thủ quốc gia hay những vị Hòa Thượng, Thượng Tọa, những vị linh mục, cha xứ cha sở, kể cả Tăng thống Giáo Hoàng. Người nữ có thể là phu nhân mệnh phụ. Bây giờ sanh làm những con chó chở đến lò sát sanh. Nghĩ như vậy thấy xúc động bồi hồi. Thấy thân người xét đến thân ta, nghĩ mình có gì để nương tựa, biết đâu ngày này tháng sau mình cũng trở thành một con chó con. Lấy gì bảo đảm ngày này tháng sau mình vẫn còn sống và chưa chứng quả Tu-Đà-Hườn thì lấy gì bảo đảm không sanh vào bốn đường ác đạo. Nghĩ như vậy thấy bồi hồi xúc cảm, quanh đi quẩn lại không biết lấy gì nương tựa, ngay trong giờ phút đó chỉ có nương tựa bằng cách ghi nhận hơi thở vô hơi thở ra, lấy hơi thở làm đề mục niệm. Hy vọng rằng với phương pháp tu tập định niệm hơi thở này làm thành cổ xe hay căn cứ địa vững chắc. Đến giờ phút lâm chung với thói quen tập niệm hơi thở ra hơi thở vô giữ vững chánh niệm như vậy, may ra mình không rơi vào bốn đường ác đạo, bằng không chẳng biết nương tựa vào đâu. Dầu có bao nhiêu tiền của chết cũng bỏ lại tất cả cho đời, có bao nhiêu tiền gửi ngân hàng khi chết cũng chẳng đem theo. Dầu có binh đông tướng mạnh cũng không có gì bảo vệ cho ta. Ngay như những nhà nguyên thủ quốc gia, những người có binh quyền có binh đông tướng mạnh tài giỏi, trong giờ phút lâm chung cũng không ai cứu được, đều vô phương thất thủ trước thần chết, huống gì chúng ta, lấy gì chống đỡ dây.
Nếu quán về sự chết xa xưa, chúng ta thấy vị Chánh Đẳng Chánh Giác như Đức Phật, thân hữu hình rồi cũng hữu bại, chỉ có viên tịch niết-bàn không tái sanh lại nữa và không có sự chết tái diễn lại nên gọi là bậc Amata hay bất tử, nhưng trót đã có thân ngũ uẩn cũng phải bỏ thôi. Vị đại trí tuệ tối thượng Thinh-văn như Ngài Xá Lợi Phất cũng phải viên tịch niết-bàn. Ngài Mục-Kiền-Liên Trí thượng Thinh văn đại thần thông cũng bị kẻ cướp giết cũng mất. Đại phú gia như ông cấp cô độc, bà Visakha cuối cùng rồi cũng thân hoại mạng chung, không bao giờ giữ được sắc thân này. Hiểu biết được như vậy, ngày đêm tích cực tu tập để làm công đức làm chỗ nương tựa.
Như đã nói mỗi lần quán như vậy tự nhiên chúng tôi thấy nên có sự tinh tấn, có một sự cố gắng. Ngay tại chỗ ngồi, lúc đó có thể ngồi trên xe, ngồi trên máy bay, hay bất cứ chỗ nào mà khi suy tưởng, quán đến như vậy cảm thấy chán nản, chỉ còn biết nương tựa là chú tâm định niệm hơi thở vào hơi thở ra. Mong rằng phương pháp tu tập này sẽ là chiếc phao cứu hộ cho mình trong lúc lâm chung. Biết đâu trên đường mình đi còn năm phút ba phút nữa thì sẽ bị tai nạn, lúc đó thân xác mình nằm quằn quại sóng xoài trên xa lộ. Như Ngài Hộ Nhẫn đi khất thực bị xe tông, Ngài cũng chết ngoài đường. Nghĩ như vậy chỉ nương tựa cho mình bằng định niệm hơi thở vào hơi thở ra, nếu vô thường đến thì lúc bấy giờ cũng tập trung tư tưởng, giữ vững chánh niệm.
Nghe thuật lại khi Ngài Hộ Nhẫn té xuống, cái bát của Ngài văng ra, máu trong người tràn ra. Hai người đi Honda đỡ Ngài, Ngài sửa mình nằm nghiêng về bên tay mặt theo tư thế như Đức Phật niết-bàn, thế ngọa thiền, rồi Ngài khoát tay biểu hai người đó đi đi, không thôi bị công an đến làm khó. Hai người nghe lời Ngài đi, nhưng họ chịu không nổi. Đến khi người trong phố đem Ngài về chùa Thiền Lâm, buổi chiều họ đi đầu thú cảnh sát họ tông Ngài chết như vậy. Trong chùa cũng không làm khó dễ gì cho hai người này vì Ngài xuất gia không có con chỉ có cháu. Cho hai anh này đứng đầu hàng mặc đồ tang, để tang cho Ngài, câu chuyện nghe rất xúc động. Nhưng điều đáng kể là đến phút lâm chung vẫn giữ được chánh niệm tỉnh giác.
Khi quán tưởng như vậy lúc đi trên đường tôi cứ nghĩ rằng biết đâu sự chết sẽ đến, không có gì nương tựa chỉ có giữ lúc nào cũng có chánh niệm. Giống như đi xe dọc đường, đối với người lái xe dầu cho đường có ghồ ghề nhiêu khê như thế nào, người này vẫn giữ vững cổ xe, dầu nó tưng nó giật nhưng không bị té, bị ngã nhưng nếu lỏng tay lái thì cổ xe bị chao đảo, bị lật như thế nào, thì đối với người tu tập thường giữ vững chánh niệm, đến giờ phút lâm chung không bị thất niệm , dầu cho thân hoại mạng chung cũng được sanh lên cõi Chư Thiên hay cõi nào tương đối cũng đỡ hơn sanh vào bốn đường ác đạo vì sự sợ hãi đưa đến tử vong, còn nếu chánh niệm tỉnh giác như vậy cung không bị sa đọa.
Cũng như trong kinh Pháp cú có nói đến câu chuyện con gái người thợ dệt. Trước đó ba năm Đức Phật đến đây, hữu duyên người con gái người thợ dệt này đến nghe Đức Phật thuyết pháp. Ngài dạy về đề mục niệm sự chết. Cô con gái đó thọ trì và ngày đêm trì tụng niệm sự chết, tâm an trú vào sự chết. Sau ba năm Đức Phật quán xét căn lành, biết do nghiệp quá khứ cô gái này sẽ chết vào buổi chiều hôm đó. Nếu Ngài đến độ thì vị này sẽ chứng quả Tu-Đà-Hườn khỏi sanh vào bốn cõi khổ. Sau khi đi khất thực Đức Phật ngự đến xứ này, Ngài đến một chỗ ngồi thọ thực. Khi được tin Đức Phật ngự về, người dân xứ đó họp lại. Lẽ thường sau khi thọ thực xong Đức Phật sẽ thuyết pháp. Nhưng hôm ấy Ngài vẫn ngồi im lặng. Hàng tứ chúng cũng im lặng, dầu không được Đức Phật thuyết pháp họ cũng không dám hỏi. Người con gái ông thợ dệt nghe tin Đức Phật về xứ mình, muốn đến nghe pháp nhưng bổn phận của nàng mỗi ngày phải quay xong ba cuộn chỉ tơ để dệt vải. Cô tự hỏi bây giờ mình đi nghe pháp xong rồi hãy về quay tơ hay quay xong ba cuộn tơ rồi sẽ đi nghe pháp. Nàng nghĩ rằng đi nghe pháp mà chưa làm xong phận sự, trong tâm còn thắc mắc không được yên tịnh thôi chi bằng cố gắng tranh thủ quay thật nhanh, xong bổn phận rồi đi nghe pháp cũng được. Vì vậy nàng cố gắng làm xong phận sự, quay xong ba cuộn chỉ tơ rồi mới đến chùa nghe pháp. Do đó thời gian hơi chậm trễ, Đức Phật quan sát hôm nay chỉ có cô gái này mới có thể chứng được quả Tu-Đà-Hườn, ngoài ra trong hội chúng không có ai có duyên như vậy, nên Ngài im lặng chờ đợi.
Cho đến khi cô con gái ông thợ dệt vừa đến nơi thì đi ngay vào trong pháp hội đảnh lễ Đức Phật. Đầu tiên Đức Phật hỏi rằng,
-“ Nàng từ đâu đến?”
Cô tín nữ trả lời,
-“Bạch Thế Tôn con không biết”
-“Nàng sẽ về đâu?”
-“Bạch Đức Thế Tôn con cũng không biết”
-“ Nàng thật sự không biết hay sao?”
-Nàng trả lời, “ Bạch Thế Tôn con biết”
-“ Nàng nói biết nhưng có biết chắc chắn không?”
-“ Bạch Đức Thế Tôn con không biết chắc chắn”
Với bốn câu hỏi của Đức Phật và bốn câu trả lời như vậy, chỉ có Đức Phật và cô con gái biết. Những người dân bản xứ họ không hiểu được ý nghĩa này, cho rằng cô gái này không tôn kính Đức Phật, nói gì biết rồi không biết v.v…
Bấy giờ Đức Phật mới hỏi lại cô tín nữ con gái ông thợ dệt,
-“ Tại sao Như Lai hỏi nàng từ đâu đến, nàng trả lời không biết”
-“ Bạch Đức Thế Tôn , Thế Tôn cũng biết con từ nhà đến đây, nhưng ý Thế Tôn không hỏi như vậy, mà ý Thế Tôn muốn hỏi con có biết con từ cảnh giới nào sanh lại đây không, nên con trả lời là con không biết”
-“ Khi Như Lai hỏi nàng về đâu tại sao nàng trả lời không biết”
-“ Bạch Đức Thế Tôn, Thế Tôn cũng biết sau khi nghe pháp xong con sẽ trở về nhà của con, nhưng ý của Đức Thế Tôn không hỏi như vậy mà Đức Thế Tôn muốn hỏi rằng sau khi chết con sẽ sanh về đâu, nên con trả lời rằng không biết”
-“ Còn khi Như Lai hỏi nàng không biết sao nàng trả lời là biết”
-“ Bạch Đức Thế Tôn khi Thế Tôn hỏi con không biết là con không biết có sự chết hay sao, thì con trả lời là con có biết sự chết, vì cách đây ba năm Đức Thế Tôn đã dạy con niệm về đề mục sự chết và cứ như vậy con niệm về đề mục sự chết. Lúc nào con cũng nghĩ rằng sự chết sẽ đến và không biết ngày hay đêm. Cái chết đến rất bất ngờ. Sanh có kỳ, Tử thì vô hạn. Không biết chết vào ban ngày hay ban đêm. Không biết chết trên đất liền hay ngoài biển cả. Không biết phải chết vì do vật thực ăn không tiêu, hay do rằn độc mổ hay do tai nạn nào khác. Tức là không biết cách nào con không rõ. Chắc chắn có sự chết nhưng con không biết chết lúc nào, chết chỗ nào, chết bằng cách nào, nên con trả lời rằng con không biết”
Đức Phật khen, “ Sadhu, lành thay”
Và Ngài giảng về bốn sự thật. Sau khi nghe xong nàng chứng quả Tu-Đà-Hườn. Khi trở về nhà vừa mở cửa ra, người cha đang ngủ giật mình đạp trúng nhằm cây song hồng phóng ra trúng người con gái đó chết. Nhờ nghe pháp, nhờ niệm đề mục chết và chứng quả Tu-Đà-Hườn nên người con gái ông thợ dệt sanh lên cõi trời, không bị tái sanh vào cảnh khổ.
Đây là những câu chuyện chúng ta kết hợp lại do vì niệm sự chết mà khiến cho người có được sự bình tỉnh nhất là người tu theo Phật pháp, tu về thiền v.v…sẽ không có sự dễ duôi. Bình thường người ta dễ duôi vì người ta nghĩ rằng mình còn sống lâu dài. Còn với người niệm sự chết thì thấy cái chết đến rất dễ dàng. Cũng như trong kinh Pháp cú có nhắc đến câu chuyện Đức phật Ngài có nói, đối với người thiếu trí cứ nghĩ mình sống mãi như.
Mùa mưa ta ở đây
Qua đông chí, tiếp ngày thu sang
Người ngu cứ thế mơ màng
Biết đâu nguy hiểm kia đang đợi chờ.
Có những trường hợp, có người thỉnh Đức Phật đến cúng dường, lúc tiễn Đức Phật ra đi trở về một đỗi trúng tên mà chết và cũng có nhiều người chết vì tai nạn bất thình lình như vậy. Bởi vì sự chết được nói đến có bốn nguyên nhân, chết vì hết tuổi thọ goi là chết vì thọ diệt, chết vì nghiệp diệt, chết vì nghiệp và thọ đồng diệt và chết bất đắc kỳ tử gọi là chết phi thời.
-Chết vì do nghiệp diệt, nghiệp tái sanh do phước duyên mà người đó đã tạo từ kiếp trước nên họ được tái sanh làm người, nếu có một thiện nghiệp khác nâng đỡ, trì nghiệp tiếp tục nâng đỡ họ sống thêm nữa. Nhưng bằng không, thì giống như đi xuất ngoại làm visa đến một nước được 60 ngày, thì ở nước đó 60 ngày thì hết visa phải trở về. Nhưng có trì nghiệp tức là mình có thể gia hạn thêm. Như vậy có sanh nghiệp, trì nghiệp, đoạn nghiệp, chướng nghiệp. Nếu một người có sanh nghiệp nhưng không có trì nghiệp đồng giống nâng đỡ thì khi nghiệp chấm dứt thì họ phải tử vong. Chết như vậy gọi là chết vì nghiệp diệt.
-Chết vì thọ diệt là chết vì tuổi thọ đúng thời kỳ như thời Đức Phật tuổi thọ 100 năm, thời kỳ này là thời kỳ giảm thọ. Cứ 100 năm như vậy tuổi thọ nhân loại bớt đi một tuổi. Từ thời Đức Phật đến nay trải qua 25 thế kỷ, nhân loại trung bình là 75 tuổi. Như vậy một người chết vào tuổi 75, xem như chết vì thọ diệt, tức là chết theo đúng tuổi thọ của nhân loại trong thời kỳ đó. Dầu sanh nghiệp có trì nghiệp nuôi dưỡng, có thể nhiều hơn nữa nhưng vì cái duyên thế nào đó có thể chết đúng lúc tuổi thọ nhân loại diệt.
-Chết do nghiệp, thọ đồng diệt tức là sanh nghiệp trong kiếp trước, kế đến trì nghiệp nuôi dưỡng và vị ấy chết vào đúng lúc 75 tuổi cũng đúng vào tuổi thọ nhân loại như vậy là thọ và nghiệp đồng diệt.
- Chết bất đắc kỳ tử gọi là hoại tử hay chết phi thời tức là tuổi thọ như thời gian bây giờ là 75 tuổi là trung bình. Do người này có tạo những phước duyên khác nên có thể sống nhiều hơn nữa, nhưng do một nguyên nhân nào đó mà đi đánh nhau hay đấu kiếm hay do những người khác làm hại hoặc bị những tai nạn nào đó nên chết bất đắc kỳ tử trong khi chúng sanh đó mới 10 tuổi, 20 tuổi chứ chưa phải 75 tuổi. Cái sanh nghiệp cũng như thọ người đó vẫn còn nhưng vì tai nạn hay do một bất thiện nghiệp khác trong quá khứ gọi là chướng đoạn nghiệp xen vào cắt đứt mạng sống chúng sanh đó. Như vậy gọi là chết phi thời bất đắc kỳ tử.
Đây là để cho quán thấy rằng sự sống khó khăn, cái chết dễ dàng. Nên khi người đã quán tưởng sự chết sẽ không có sự dễ duôi và cũng cố gắng tu hành nhất là tạo những thiện duyên như bố thí, trì giới, tu thiền, hy vọng rằng trong vòng luân hồi nếu chưa chứng quả chưa giải thoát thì sanh dầu làm người nhờ có bố thí được tài sản nhân loại, sanh làm chư thiên, khi đầy đủ cơ hội được tài sản thánh nhân tức là thiền định tựu đạo quả. Do nhờ cố gắng trì giới sanh lại nếu làm người cũng được thân hình khỏe mạnh tuổi thọ lâu dài, nếu sanh về chư thiên được hào quang chói sáng. Nếu tu về thiền định, chưa đắc được đạo quả đi nữa, nhờ thiền định tâm được an tịnh có thể sanh lên các cõi trời sắc giới hoặc dục giới đi nữa thì tưổi thọ cũng lâu dài có đủ thời gian tiếp tục tu tập. Nếu chứng quả Tu-Đà-Hườn thì xem như có sự bảo hiểm không rơi vào bốn đường ác đạo để tiếp tục tu tập cho đến khi chứng quả A-La-Hán, hoàn toàn giải thoát.
Nhờ nghĩ như vậy nên người thiện trí thức thường hay niệm sự chết để nhắc nhở tâm mình luôn luôn có sự tinh tấn không dễ duôi và ngay trong giờ phút lâm chung, Đức Thế Tôn viên tịch niết-bàn Ngài cũng nhắc nhở,
“ Này các Tỳ kheo, các pháp hữu vi là vô thường biến hoại, hãy chuyên cần chớ có dễ duôi.”
Ngài khuyên cố gắng giải thoát. Do vậy nên đề mục niệm về sự chết này không phải để cho chúng ta buồn rầu bi lụy mà để nhắc nhở chúng ta cố gắng tu tập. Các xứ Phật giáo như Chư Tăng Khemer, lúc trước tôi có nghe mỗi chiều tụng kinh có nói tuổi thọ Phật giáo năm 5000 năm, kể như hôm nay là 2552 năm, đã qua mấy tháng mấy ngày mấy giờ và Phật giáo còn lại bao nhiêu tháng bao nhiêu năm bao nhiêu giờ. Tôi hỏi các vị đó sao lại có bài kinh tụng ngộ như vậy, các vị cho biết rằng nhờ tụng như vậy để nhắc nhở mình có sự tinh tấn bởi vì Phật Pháp khó gặp, giáo pháp của Đức Phật chỉ tồn tại 5000 năm bây giờ đã phân nữa phải cố gắng tu tập và nếu có sanh làm người thì cũng may mắn có được Phật Pháp. Đối với người niệm về sự chết sẽ có sự tinh cần như là sự thúc bách.
Chúng tôi có nghe kể lại câu chuyện một vị Hoàng tử em vua A-Dục. Vua A-Dục sau này nhờ sự tế độ của một vị Tỳ kheo trẻ tuổi đã quay đầu hướng thiện quy y Tam bảo, trở thành một vị minh quân hộ trì Phật Pháp. Vua thường nghe pháp và có đức tin đối với Tam bảo. Hoàng đệ em vua không bằng lòng, thấy đức vua cúi đầu đảnh lễ các vị sa-môn rất tôn kính. Vị này rất ương ngạnh ngã mạn không chịu đảnh lễ Chư Tăng. Thấy những vị sa-môn đi khất thực ăn uống bình thường ông cho rằng những vị sa-môn đệ tử Đức Phật tu hành có sự dễ duôi, không tinh tấn như những người tu khổ hạnh. Biết được tâm ý và để tế độ cho người em. Câu chuyện kể rằng, một hôm có một người tử tội bị chặt đầu, mới lấy cái đầu để chung với đầu heo, đầu chó, đầu bò đem đi bán. Tất cả đầu heo đầu bò đầu chó đều bán hết, còn đầu người ta không ai dám mua. Sau hai ba ngày,cái đầu sình lên nhà vua nói cho, cũng không ai dám xin. Đức vua mới hỏi Hoàng đệ sao đầu người ta không ai mua và cho cũng không ai nhận.
Hoàng đệ trả lời,
- “ Đâu có ai dùng đến đầu người, người ta thấy người ta còn sợ”
Đức vua mới nói,
- “Như vậy đầu con người còn thua đầu con heo hay đầu con bò, vì đầu con heo, con bò người ta dám mua, dám xin còn đầu con người thậm chí cho người ta cũng không lấy. Như vậy đầu con người có gì quý trọng mà Hiền đệ khi thấy trẫm cúi đầu đảnh lễ các vị sa-môn thì lại quan trọng hóa.”.
Nhưng vị Hoàng đệ này cũng không kính nể sự tu tập của chư Tăng. Đức vua cũng muốn tế độ Hoàng đệ nên lập ra một kế. Một hôm vào chầu Đức vua giả đi tắm, cỡi Long bào để trên ngai. Các vị đại thần dụ vị Hoàng đệ mặc thử chiếc long bào. Hoàng đệ lấy áo mão đức vua mặc vào và lên chỗ đức vua ngồi. Bá quan giả bộ quỳ xuống tung hô. Bấy giờ Đức vua A-Dục đi ra, Ngài giả bộ nổi giận kêu đem vị Hoàng đệ ra chém. Bá quan năn nỉ xin tha, Đức vua gia hạn cho vị Hoàng đệ được làm vua bảy ngày rồi hành quyết. Mỗi buổi chiều nhà vua cho quân lính hô lớn, “ Hôm nay đã qua một ngày, còn sáu ngày nữa sẽ đem tân quân hành quyết”. Những ngày hôm sau cũng đúng giờ đó họ dánh kiểng và hô to “ Hôm nay qua hai ngày, ba ngày, bốn ngày …..” Đến gày sau cùng Đức vua A-Dục xuất hiện hỏi Hoàng đệ,
-“ Bảy ngày qua Hoàng đệ làm vua có được vui vẻ không, có được hạnh phúc không?”
Vị Hoàng đệ khóc nức ở trả lời,
-“ Tâu Hoàng huynh bảy ngày qua còn hơn ở trong địa ngục, sự đau khổ dằn dặt đến với Hoàng đệ, mỗi buổi chiều nghe quân sĩ nhắc đến sự chết càng lúc càng gần kề làm sao hưởng được hạnh phúc.”
-“Hoàng đệ chỉ thấy cái chết hiện tại mà còn sợ hãi, buồn rầu. Các vị sa-môn Thích tử tỳ kheo đệ tử Đức Thế tôn, các Ngài quán về sự chết, sự nguy hiểm vô cùng tận là luân hồi. Nhờ quán thường xuyên sự chết, nên các Ngài tinh tấn tu hành không có sự giải đãi, dễ duôi như ý khanh tưởng”
Nhờ nhắc như vậy vị Hoàng đệ mới giác ngộ và xin xuất gia.
Nhắc đến câu chuyện này cho quý vị thấy rằng niệm sự chết có lợi như vậy. Do đó trong Phật giáo nói rằng một vị sa-môn, một vị tỳ-kheo, một bậc xuất gia ngày đêm phải tối thiểu một lần nhớ niệm về sự chết để có sự tinh tấn, nhắc nhở, siêng năng, chuyên cần tu tập. Còn nếu không niệm sự chết thì sẽ dễ duôi. Đây là ý nghĩa quan trọng cần được biết đến trong đề mục niệm sự chết.
Chúng tôi xin dứt lời tại đây
Namo Buddhaya.
Chánh Hạnh chuyển biên
Download cau hoi 133
Phat Hoc Van Dap Phap Am Lưu Trữ
|