|
Câu Hỏi 121: Nếu một người hay bị xúc động trước những tiếng khen chê, tu tập như thế nào? Thế nào là quán vô thường, quán khổ và quán vô ngã? Có phải chăng quán vô thường là mình cứ ngồi và nghĩ “Đời là vô thường, đời là vô thường”?
(Bài giảng trong room Diệu Pháp , Pháp cú kinh Kệ ngôn 43. Ngày 19 tháng 07 năm 2004)
TT Trí Siêu :Pháp môn tu tập nào cũng quan trọng, cũng tốt đẹp. Đứng ở góc độ này chúng ta tu tập pháp môn này, đứng ở góc độ kia chúng ta tu tập pháp môn nọ, tùy theo góc độ chúng ta đang đứng. Giống như khi chúng ta muốn vào một thành phố, có nhiều ngõ đi vào thành phố tùy theo vị trí nhà ở của mình hay tùy theo chỗ đứng của mình, chỗ chúng tọa lạc, chúng ta đi vào thành phố bằng ngõ đó, nhưng rồi tất cả đều có thể vào được trung tâm thành phố. Cũng như đối với việc tu tập, mục đích của chúng ta là được giải thoát khỏi khổ và thành tựu những hạnh phúc an lạc. Để được như vậy chúng ta có thể hành bất kỳ pháp môn nào tùy theo trình độ, cá tính của mình và khuynh hướng tu tập mà chúng ta tâm đắc.
Không có gì khác khi chúng ta người chọn pháp môn này người chọn pháp môn kia có hiệu quả hay không hiệu quả. Chúng ta đặt vấn đề, nếu tam mình dễ bị xúc động trước sự chê bai, sự công kích của người khác, chúng ta làm sao để dẹp bỏ được tâm xúc động đó. Hôm trước khi Phật tử hỏi vấn đề này thì Sư có đưa ra ba pháp ấn tu tập mà chúng ta có thể diệt trừ được nó. Nếu cảm thấy khó khăn hoặc khô khan hoặc khó hiểu, chúng ta có thể tu tập bằng cách khác cũng được. Có rất nhiều phương pháp, thí dụ khi bị bệnh đi đến bác sĩ, nếu sợ tiêm thuốc, khi thấy mũi kim đâm vào da thịt chúng ta hốt hoảng lo âu thì chúng ta uống thuốc vậy. Uống thuốc cũng có hiệu quả trị bệnh, uống thuốc xem ra dễ hơn là tiêm thuốc.
Việc tu tập cũng như thế đó, bây giờ một người chỉ cần giữ được lập trường chân chánh tức là chúng ta kiên định, kiên trì trong lý tưởng tu tập của mình, không thối chuyển trong thiện pháp. Như vậy húng ta đã diệt bỏ được tâm xúc động khi bị người khác chỉ trích chê bai. Bởi vì chúng ta đã thấy được sự an lạc, hạnh phúc do tâm hướng chánh mang lại. Đây cũng là một biện pháp. Hay khi tâm chúng ta quen hướng về điều thiện chỉ thích làm điều thiện, chỉ hoan hỷ trong điều thiện và chỉ thấy trong điều thiện như hơi thở cần thiết cho mạng sống này. Chúng ta cũng thấy điều thiện như một món ăn tinh thần mà hằng ngày chúng ta phải ăn để bồi dưỡng cho thân sống này. Chúng ta cũng có thể diệt bỏ trạng thái tâm xúc động trước sự khen chê của người khác.
Khi chúng ta sống trong vô thường quán, vô ngã quán, khổ quán. Đó là pháp môn căn bản, là tinh túy của việc tu tập. Bởi vì khi chúng ta hướng thượng thì mông lung quá. Sư nói mông lung có nghĩa là bao quát quá, tâm hướng thiện là như thế nào. Cái nào cũng là tâm hướng thiện cả, nếu chúng ta có ý chí tu tập, ý chí làm công đức phước báu tạo thiện pháp, đều tốt đẹp cả. Những thiện pháp chúng ta làm năm này qua tháng kia, từ ngày này qua ngày nọ. Nếu chúng ta kiên trì hành lâu ngày những thiện pháp đó trở thành nền tảng kiên cố nhưng chung cuộc chúng ta cũng phải đến chỗ tuệ quán thấy được tam tướng vô thường, khổ, vô ngã. Như vậy chúng ta mới có thể chứng đạt được quả vị giải thoát trong tương lai.
Chính trong bài kệ Pháp cú 43, câu Phật ngôn Đức Thế Tôn đã dạy, trường hợp của Tôn giả Soreyya vì Ngài đã ngán ngẫm cuộc đời, Ngài cảm thấy phiền lụy trong cuộc sống nhiêu khê, vào hoàn cảnh bẽ bàng tủi nhục do bị biến thái giới tính bởi vì lúc trước Ngài đã xúc phạm đến vị Thánh Tăng bằng ý nghĩ bằng tư tưởng. Lúc bấy giờ khi thấy rõ điều đó vị trưởng lão cũng phải suy xét đến trạng thái vô thường, khổ và vô ngã đối với cuộc sống này. Khi Ngài an trú tâm liễu ngộ được tính chất vô thường khổ và vô ngã của cuộc sống, đó được gọi là tâm hướng chánh. Do vậy chúng ta tu tập cách nào cũng gọi là tâm hướng chánh cả, miễn trạng thái tâm lúc đó là vô tham vô sân và vô si, vô si tức là có trí tuệ, khi đó được gọi là tâm hướng chánh.
Nếu quý vị muốn học thêm, hiểu thêm về ý nghĩa tu tập vô thường quán, khổ não quán, vô ngã quán như thế nào. Sư xin đặc biệt triển khai về khía cạnh này để nếu có cơ duyên sẵn sàng chúng ta có thể tu tập theo đó. Vô thường quán tức là tùy quán về tính chất vô thường của danh và sắc. Việc lúc nãy cô Minh Hạnh trình bày là cô cũng tu tập vô thường quán, nhưng hằng ngày cô lại suy niệm rằng, “ tất cả pháp đều là vô thường, đời là vô thường, đời là vô thường”. Đây chỉ là chặng đầu trong việc quán vô thường. Chúng ta niệm vô thường là như vậy nhưng nếu chúng ta tiến tu đến giai đoạn thứ hai thứ ba, thì như vậy đây là một tư kỷ ám thị. Bởi vì khi niệm trong tâm, chúng ta tự kỷ ám thị bằng cách niệm, “ vô thường à, vô thường à, tất cả đều là vô thường”. Chúng ta cứ suy nghĩ như thế đó chỉ là mới chặng đầu , chứ chưa hiểu được thực chất. Đến khi lúc nào quên niệm thì lúc bấy giờ tâm của chúng ta lại bị loạn động trước nghịch cảnh của cuộc đời.
Do đó chúng ta phải đến giai đoạn thứ hai, thứ ba tức là hằng ngày khi quý vị nhìn thấy cái gì có sự thay đổi chúng ta đều ghi nhận trạng thái biến đổi nó là như vậy, bản chất nó là như vậy, thay đổi là như vậy. Từ việc nhỏ cho đến việc lớn. Lâu ngày tư tưởng chúng ta quen thuộc, thấm nhuần, nhuần nhuyễn thiện xảo trong vấn đề chúng ta suy nghĩ về pháp vô thường. Chẳng hạn như khi mới vừa ngồi xuống, chúng ta có cảm giác thoải mái dễ chịu, nhưng khi ngồi lâu không biết qúy vị ra sao nhưng riêng sư cảm thấy có một trạng thái an một chút thôi, bởi vì khi chúng ta ngồi yên như thế này sẽ nóng từ cột xương sống nóng dài xuống bàn tọa. Thế thì chúng ta phải thay đổi, phải cử động. Trạng thái thay đổi đó là trạng thái vô thường, các pháp không bao giờ ở nguyên trạng. Chúng ta suy nghĩ từng chút từng, chút như vậy.
Trong cuộc sống có nhiều vấn đề để chúng ta nhìn thấy sự vô thường. Chẳng hạn ngày hôm nay chúng ta khỏe nhưng sáng ngày mai có trạng thái bệnh như nhức đầu nóng lạnh hoặc ho v.v…Chúng ta suy nghĩ đó là trạng thái vô thường. Lúc nãy tâm chúng ta đang vui, bây giờ lắng nghe phát hiện tâm có sự buồn bực thất vọng chán nản. Từng trạng thái tâm sanh như vậy, chúng ta cũng thấy được lý vô thường . Nói một cách khác chúng ta quán vô thường, khổ, vô ngã, không phải chúng ta lấy danh từ vô thường, danh từ khổ não hay danh từ vô ngã mà chúng ta niệm, niệm, niệm. Mà có nghĩa là chúng ta phải nhìn thấy tướng, cái bản chất hư hoại của các pháp danh sắc. Có sanh có diệt không ở nguyên trạng, không ở vị trí cũ, không phải là vĩnh hằng bất biến, như vậy gọi là vô thường. Chúng ta suy nghĩ tường tận như vậy. Ở đây dầu chúng ta có dùng ngôn ngữ trình bày, diễn tả hết đi chăng nữa nhưng nếu không thực hành cũng không thể nào thấy được. Sư gợi ý như vậy, quý vị thực hành mỗi ngày mỗi ngày như vậy. Khi có những gì trục trặc, trở ngại hoặc chưa thông trong việc tu tập quý vị có thể mang ra để bàn luận trở lại.
Sư xin nói thêm về pháp quán khổ não và vô ngã. Cũng như thế việc chúng ta quán sự khổ hay vô ngã, không phải chúng ta dùng danh từ đó để chúng ta niệm trong tâm. Chúng ta niệm trong tâm mà không thấy rõ cái thực chất của nó, chúng ta không cảm nhận bản chất của nó, sẽ không thành tựu được tuệ quán, quán khổ não hay vô ngã.
Quán khổ não là như thế nào? Khổ là trạng thái bất an, khó chịu, danh từ gọi là dukkha. Dukkha là trạng thái khó chịu, không thể chịu đựng nổi. Từ cái khổ vi tế cho đến cái khổ thô tháo, cái gì mà ta có cảm giác không được thoải mái thân và tâm, đó gọi là khổ. Chúng ta phải suy nghĩ đến mức cùng tận như thế đó.
Thường các vị hành giả tu tập sơ cơ hay nói cách khác là với tuệ căn vẫn còn non, chưa đủ già dặn để thấy sự vô thường, thấy sự khổ thấy sự vô ngã thì tu tập sự khổ ở đây chúng ta thấy qua khía cạnh thân của mình bị đau nhức ở khớp tay hay khớp chân, xương sống hoặc cảm thấy đau nhức trên đầu hay trong bụng chẳng hạn. Những cảm thọ khổ đó chúng ta dễ phát hiện hơn. Hay chúng ta quán sự khổ bằng cách nghe uất ức , bất mãn, tuyệt vọng, đau đớn, sầu muộn trong lòng. Đó là những cảm giác khổ thân và tâm. Chúng ta lấy những cái đó dễ niệm, dễ suy quán hơn.
Nếu nói khổ theo chận đế, khổ giải thích theo thực tính vi diệu pháp, thực sự nếu chúng tôi có giải ra quý vị cũng khó mà nhận được, Cho nên xin dừng lại ở khía cạnh khổ-khổ dukkhadukkha, còn như hành khổ sankhāradukkha, hoại khổ viparināmadukkha khi có dịp Sư xin giải thích sau. Trong cuộc sống của chúng ta có nhiều phiền lụy, có nhiều nỗi băn khoăn, bất an, đau đớn về thân về tâm , chúng ta cảm nhận được cái gì thì chúng ta quán cái đó. Khi chúng ta có sự bất an khởi lên nơi thân hoặc nơi tâm, lúc bấy giờ chúng ta có sự suy nghĩ, “ À, đau khổ là như vậy. Có thân này đau khổ là như vậy, có thân này phải chịu sự phiền lụy là như vậy, có thân này phải chịu sự đau đớn là như vậy”. Chúng ta cứ suy nghĩ bao nhiêu đó, chúng ta nhận được từng chút từng chút, lâu ngày tư tưởng chúng ta cũng sẽ quen dần, mặc dầu đây chỉ là sự thực hành trong giai đoạn sơ cơ, nhưng chúng ta đứng xem thường hạnh tu khổ quán này mà chúng ta vọng mống tìm cái cao siêu hơn, lý lẽ thù diệu hơn. Chúng ta chưa bước được nấc thang thứ nhất, đừng vội trèo lên nấc thang thứ hai thứ ba. Chúng ta cứ suy niệm những sự khổ xảy ra cho mình, xảy ra trong đời sống hằng ngày rõ ràng nhất, thiết thực nhất, và chúng ta dễ nhận nhất. Chúng ta đem ra so sánh, như vậy sự khen chê, chỉ trích của người khác cũng là nguyên nhân đưa đến sự khổ đau. Sự khổ đau trong đời sống hằng ngày mình cảm nhận được rồi, như vậy những khổ kia phát sanh ra như vậy không có gì để chúng ta chán, hoặc xúc động với những lời khen chê.
Cũng như trường hợp một người tù nhân, mỗi một ngày họ bị các người cai ngục tra khảo đánh đập, họ cảm nhận sự khổ đó. Cho đến một ngày nào đó tạm thời ngưng tra khảo, người ta chỉ la rầy quở mắng, họ cảm thấy hạnh phúc hơn những ngày kia. Khi nhận thức được như vậy, chúng ta sẽ cảm thấy cuộc đời này không có gì đáng cho là khổ nhiều lắm. Khi nhìn thấy thực chất khổ từ bên trong thân và tâm rồi thì chúng ta thấy các nguyên nhân tạo nên sự khổ ở bên ngoài không đáng kể gì. Đó là điều chúng ta ghi nhận.
Pháp vô ngã quán, đây là một đề tài cao chứ không phải đề tài thông thường. Đề tài này rất tế nhị và đòi hỏi chúng ta phải có trí tuệ tuyệt đỉnh và hết sức bình tỉnh để phân tích, chúng ta mới thấy được lý vô ngã. Nói như vậy cũng không có nghĩa là chúng ta bất lực không thực hành pháp môn này được. Vẫn được, bằng cách chúng ta đi bước đầu, còn bước thứ hai thứ ba hơi khó. Bước đầu là như thế nào? Bước đầu có nghĩa là khi muốn tu tập quán vô ngã, chúng ta phải suy xét, “ Nếu cố chấp cái này là ta, cái này là của ta thì khi cái ta, cái của ta đó mất đi hoặc bị xúc phạm thì chúng sanh có sự đau khổ. Nếu không có sự cố chấp về cái tôi ta như vậy thì có khổ không?”
Sư xin kể một câu chuyện. Có một vị sư nọ rất ưa thích, hoan hỷ trong việc đọc sách, rất quý sách. Chẳng những quý và gìn giữ kinh sách mà vị đó khó chịu khi thấy người khác xem kinh sách mà xếp trang kinh để làm dấu. Nhất là kinh sách của vị đó người nào mượn mà xem cẩu thả như vậy, vị đó giận lắm. Một ngày kia vị ấy thấy một vị sư bạn cầm quyển sách một tay và xem lật ngược trang giấy ra sau. Vị ấy nghĩ không phải là sách của mình nên tâm vị ấy vẫn bình tỉnh, nhưng khi biết quyển sách đó là của mình vị sư này liền nổi tâm sân giận, quát tháo lên. Chúng ta thấy rõ trong trường hợp này tại sao lúc đầu vị sư giữ được tâm bình tỉnh, nhưng sau đó lại nổi lên tâm buồn bực, khó chịu đau khổ? Là tại vì lúc ban đầu tâm của vị đó không nghĩ rằng quyển sách là của ta, nhưng khi phát hiện ra được sách đó của mình và trong tâm chấp đó là quyển sách đó là của ta. Sách đó là của mình mà vị sư nọ coi một cách cẩu thả như vậy làm cho quyển sách bị hư bị cũ, tự nhiên vị ấy khởi lên tâm khổ. Đây là trường hợp chúng ta nên hiểu rằng khi chúng ta còn vướng vào tư tưởng chấp bản ngã thì sẽ đi đến trạng thái khổ đau như thế đó.
Khi quán về pháp vô ngã, trong bước đầu chúng ta tập phân tích như thế đó. Dần dà chúng ta sẽ thấy rõ là các pháp sanh lên khởi lên đều do nhân và duyên. Khi hết nhân và duyên các pháp sẽ tự biến hoại, danh sắc sẽ tự biến hoại. Khi danh sắc sanh khởi do duyên và hết duyên cũng tự biến mất, rõ ráng không ai điều khiển được, không ai làm chủ để sắp đặt như vậy. Đây là trường hợp được gọi là vô ngã. Trong bài kinh Vô ngã tướng Đức Phật Ngài dạy cho năm anh em Kiều Trần Như, “ Này chư Tỳ kheo các sắc, các thọ tưởng, hành, thức là thường hay vô thường ?”
-“ Bạch đức Thế Tôn là vô thường”
-“ Này các Tỳ kheo, vậy cái gì là vô thường thời cái ấy khổ đau hay an lạc”
-“ Bạch Đức Thế Tôn cái gì vô thường biến hoại thời cái ấy là khổ đau”
Đức Thế Tôn hỏi tiếp,
-“ Này chư Tỳ kheo, cái gì vô thường biến hoại khổ đau thời cái đó có nên chấp rằng là ta, là của ta, là tự ngã của ta”
-“ Bạch đức Thế Tôn không nên nói như vậy”
Đức Thế Tôn xác định rằng,
-“ Này chư Tỳ kheo, đúng vậy cái gì vô thường biến hoại khổ đau thời không nên chấp là ta là của ta là tự ngã của ta.”
Bởi vì nếu là hữu ngã thời nó phải tuân theo ý muốn thế này thế nọ, như thế này như thế nọ. Ở đây không tuân theo ý muốn nên nó là vô ngã.
Chúng tôi xin dứt lời tại đây
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Chánh Hạnh chuyển biên
Download cau hoi 63
Phat Hoc Van Dap Phap Am Lưu Trữ
|