|
Câu Hỏi 112: Nếu trần gian là một tạo vật của Thượng đế thì thế gian bất toàn hay Thượng đế bất toàn?
(Bài giảng trong rơom Diệu Pháp , Ngày 08 tháng 01 năm 2003)
TT Giác Đẳng: Đây là một trong những đề tài rất quan trọng của người Phật tử, cho chúng ta cái nhìn về Phật giáo nhưng không hẳn dễ dàng để trình bày. Bởi vì tất cả chúng ta đều muốn có câu trả lời cho câu hỏi, “ Tại sao mình có mặt ở tại đây? Tại sao có sự khác biệt giữa người này và người kia và thế giới này do ai tạo ra và được tạo ra với dụng ý gì?”. Xưa nay khi đối diện với những khổ đau, với những bất hạnh của đời sống, người ta thường trách móc, oán trách, thậm chí thống trách với cha mẹ, với xã hội. Đến lúc không còn cách nào khác nữa thì con người kêu trời, than trời trách đất.
Câu hỏi được tìm thấy tại đây, “ Trong một thế giới bất toàn, con người bất toàn hay thượng đế bất toàn, trách nhiệm thuộc về ai?”. Khi đề cập đến trách nhiệm thuộc về ai, đó là một câu chuyện rất lớn, có thể nói rằng đó là một câu chuyện lớn nhất của các tôn giáo. Qua bài giảng của TT Trí Siêu chúng ta thấy một điều, con người chúng ta không bao giờ tự thoả mãn với chính mình, luôn mơ về một phương trời xa xôi, một cái gì đó khác hơn với hiện tại. Chúng ta muốn trở thành một con người nào đó khác hơn con người hiện tại của mình. Nếu thật sự bằng lòng với con người hiện tại của mình thì chúng ta đã không tiếp tục lên đường. Chúng ta cần tìm thấy một động lực để tiếp tục lên đường và như TT viên Minh nói rằng,
“ Ra đi khắp bốn phương trời
Tìm ai mỏi mắt trọn đời không ra
Ta về gặp lại tình ta
Gót chân uyển mộng cũng là phù du”
“Gót chân uyển mộng cũng là phù du” có nghĩa là trong cuộc đời này chúng ta đã đi rất nhiều. Thưở nhỏ mong lớn lên sẽ trở thành ông này bà kia, lớn lên mong mình sẽ có cuộc sống an nhàn lúc về già, về già chúng ta lại mong một cái gì đó. Luôn luôn chúng ta hướng vọng đến chân trời mới và không bao giờ bằng lòng với hịên tại. Đó cũng là một sự bi thống của cuộc sống này. Ayya Khema trong một tác phẩm với tựa đề là “ Being
nobody, Going nowhere”, “Không là ai và cũng chẳng đi đâu”. Đó là một công án rất khó để tiêu hoá trong đời sống này.
“Không là ai và cũng chẳng đi đâu”. Một lúc nào đó chúng ta có thể hoàn toàn thảnh thơi và có thể ở tại chỗ ngồi của mình tìm thấy được sự an lạc. Tối thiểu sự an lạc của thiền định như hiện tại lạc trú hoặc giả một sự an lạc nào đó mà chúng ta không còn hoài vọng không còn mong muốn là lát nữa, ngày mai, ngày mốt, tháng tới chúng ta sẽ làm gì. Nhưng có lẽ chúng ta muốn mình sẽ làm một cái gì khác, một hiện hữu khác, hơn với hiện hữu này và thật ra cũng không có hiện hữu nào khác hơn hiện hữu nào hết. Có lúc chúng ta muốn trở thành một người hoàn toàn với cảm nhận rất sắc bén, có mắt có tai mũi lưỡi, có tri giác, có vui buồn và có lúc chúng ta cũng muốn bắt chước như cụ Nguyễn Công Trứ cũng mong muốn,
“ Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”
Làm người mệt quá khổ luỵ quá, vui buồn nào là hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc, cụ .
Có những khi chúng tôi dẫn một phái đoàn đi viếng một thành phố xa lạ. Trong một công viên rất đẹp người ta nhìn thấy những con thiên nga bơi lội lững lờ trên mặt nước, có một vài người nói rằng, “ Sống ở đời như kiếp con thiên nga hay những con ngỗng bơi lội nhẹ nhàng trên mặt hồ thì quả thật nhẹ nhàng, thoải mái.” Chúng ta nhìn thấy những con ngỗng như vậy không biết nó có thoải mái hay không? Thật ra chúng ta không biết, nhưng điều đó nói lên sự bi đát của thân phận là chúng ta không bằng lòng với cái thực tại, hiện hữu này. Trong cái không bằng lòng đó chúng ta đã lên đường. Từ thưở còn tấm bé đã bao nhiêu lần khóc lóc vòi vĩnh cha mẹ phải cho mình cái này, phải dẫn mình đi chỗ kia, tại vì mình không bằng lòng với một góc nhà, không bằng lòng với một cái ghế, với một món đồ chơi. Không phải chúng ta chỉ vòi vĩnh khi còn nhỏ mà ngay cả bâygiờ khi lớn lên, chúng ta vẫn tiếp tục lên đường, tiếp tục đòi hỏi và tiếp tục muốn mình trở thành một cái gì đó. Chúng ta muốn project a future, muốn có trong tương lai mình sẽ là ai đó. Khi Ayya Khema viết tựa sách đó, “Không là ai và cũng chẳng đi đâu” đó là một câu hỏi rất lớn.
Đức Phật đã hỏi câu hỏi đó không phải một lần mà trong nhiều lần, trong vô lượng kiếp luân hồi, mình muốn cái gì và mình muốn trở thành ai. Cuối cùng Ngài đã tìm thấy một câu trả lòi. Vấn đề không phải mình là ai, không phải là mình đi đâu mà vấn đề chính là anh thợ xây nhà “ái dục”. Đó là chất liệu để chúng ta đi đến kết cấu của đời sống và nó nằm sau tất cả. Ái dục không bao giờ thoả mãn được. Có thể nói rằng dưới cội bồ đề Đức Phật đã nhìn thấy khuôn mặt của vị sáng tạo chủ, Khuôn mặt này không gì khác hơn chính là sự thiết tha lên đường và trong đó không thật sự biết rõ mình muốn cái gì? Tại sao mình muốn cái mới, tại sao mình từ chối cái hiện tại. Và tại sao? Vì chỉ là muốn thôi, đã là muốn thì không bao giờ thoả mãn được. Cũng như con người tiếp tục tạo cái này, mua cái này, có cái kia. Người ta không thể thoả mãn được và thật sự cái mình hướng vọng đến cũng chỉ là một giai đoạn tạm thời và cuối cùng chúng ta lại tiếp tục lên đường. Chúng ta không thể nằm ở tại chỗ đó được.
Sự bất toàn của đời sống. Nếu nói sự bất toàn là vì sự vật không làm cho mình thoả mãn. Mọi người chung quanh không làm cho mình thoả mãn Người bạn đời của mình không được như ý, một ngôi nhà không như ý, một địa vị không như ý, mình là người bị yểm tài, mình là người sanh bất phùng thời chẳng hạn . Tất cả những cái đó chỉ là phân nửa của câu chuyện và không may lại là phân nửa của một câu chuyện rất nghèo nàn. Khám phá lớn nhất và kỳ vĩ nhất của Đức Phật ở đằng sau đó là lý do nào mà chúng ta không thoả mãn. Phải thấy được điều này mới thấy ái dục, được dùng là khát ái. Khát ái giống như là một cái gì không thoả mãn được. Có một câu Phật ngôn khác trong kinh Pháp Cú,
“Dù cho mưa bạc mưa vàng, cũng không làm cho lòng tham thoả mãn”
Chúng tôi đã được sống nhiều giai đoạn và được sống với nhiều người. Nhớ lại lúc trên tàu lênh đênh trên biển cả, chiếc tàu 11 thước so với đại dương mênh mông chỉ là một chiếc lá rất nhỏ. Sóng đưa chiếc thuyền lên xuống như một chiếc lá không hơn không kém. Ngay những giờ phút đó, trong sự kinh hoàng trước đại dương mênh mông, mọi người chỉ muốn một điều là đặt chân lên đất liền, được nhìn thấy bến bờ, không bị biển cả đe doạ nữa. Như vậy là đủ không còn mong muốn gì hơn. Nhưng khi đặt chân lên bờ người ta nhanh chónh quên điều đó, người ta lại nghỉ đến một vùng đất để định cư, một vùng đất hứa mà trong tương lai có thể tìm thấy cái này hay cái khác. Thậm chí có những người nói rằng không cần gì hết chỉ cần đặt chân sang Mỹ làm cu-li cũng được. Đi qua Mỹ làm một ngày có năm, bảy đô-la cũng được. Đối với họ lúc đó năm, bảy dollar lớn lắm vì chỉ mong một chỗ ngủ, có cơm ăn mỗi ngày không phải chạy gạo từng bữa như vậy là đủ rồi. Nhưng không phải như vậy, khi có cái này chúng ta lại mong muốn cái khác, cái khác, và cái khác nữa.
Việc của chúng ta luôn giải quyết bằng cách thoả mãn nó, luôn làm vừa lòng nó nhưng chúng ta không bao giờ hiểu được một chuyện là chính cái tanha, chính cái lòng ái, chính anh thợ xây nhà không bao giờ bằng lòng với sản phẩm mà anh ta đã tạo, không bao giờ đứng một chỗ mà cứ tiếp tục tạo. Tạo cho đến khi nào chúng ta nhìn ra anh thợ xây nhà đó là gì. Thật ra đây là một thắng pháp to lớn của Đức Phật và không đơn giản để chúng ta tiêu hoá. Bởi vì chúng ta thường tha thiết với hiện hữu, tha thiết với tương lai nhưng hiện hữu và tương lai không phải là điều quan trọng. Điều quan trọng là chúng ta biết thực chất của nó. Cũng như lúc nhỏ mình đòi cha mẹ mua đồ chơi, và mình nói rằng chỉ muốn cái đó thôi chứ không muốn gì khác nữa. Nhưng khi có thứ đó rồi chúng ta sẽ nhanh chóng quên đi. Đó là bi kịch của tình yêu, của cuộc sống, và của kiếp trầm luân. Lòng Ái vốn là căn rễ trong lòng chúng ta và nó đã tạo ra một thế giới bất toàn.
Bất cứ cái gì cũng không toàn hảo với lòng ái dục. Trong Túc sanh truyện đã đề cập đến rất nhiều câu chuyện thú vị. Một vì vua chuyển luân vương nhiều phước báu đã được Đức trời Đế Thích đưa thăm vòng Thiên giới. Đi đến chỗ nào vị này cũng không tìm thấy sự thoả mãn hoàn toàn của mình hết. Chúng tôi có nhiều dịp đi nhiều nơi rất đẹp, những lần về thăm Rio de Janeiro một thành phố rất dẹp của Barzil hay Cape Town ở Nam Phi. Có lúc chúng tôi tự hỏi, “ Nơi này có phải là nơi đẹp nhất mình đã đi qua không?” Nhưng cái đẹp đó chỉ đến trong vòng một hay hai ngày, sau đó trở nên bình thường. Chúng ta thấy rằng những ca sĩ, những minh tinh màn bạc, những cái icon, sample của thời đại, có những người mà giới trẻ lúc đó cho rằng là người đẹp nhất, người tốt nhất, là biểu tượng hấp dẫn nhất, ngay cả quý vị, khi xem phim ảnh quý vị tìm thấy những tài tử mình yêu thích nhưng cũng chỉ một thời thôi.
Cái nghiệt ngã đó không phải do lỗi nơi mình hay lỗi ở người mà đó là do lỗi ở tự nhiên trong lòng ái dục. Cái tanha không làm cho con người thoả mãn. Vì vậy khi đặt câu hỏi,
“ Thượng đế bất toàn hay trần gian bất toàn”. Trong cái nhìn Phật giáo vị sáng tạo chủ đó chính là tanha, vì bản chất của tanha là bất toàn, và cho dù trần gian này có toàn hảo hay không toàn hảo, có đẹp hay xấu, con người cũng không bao giờ thoả mãn được. Dù đó là cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ, con người nào đó, cũng giống như một khung cảnh nào đó, thành phố nào đó hay một bãi biển thơ mộng nào đó có trên trái đất này. Như vậy nói theo đạo Phật Thượng đế bất toàn và không may Thượng đế bất toàn đó đã tạo ra trần gian. Trần gian này là sản phẩm của vị sáng tạo chủ đó nên nó cũng không thể toàn hảo được.
Đối với chúng ta điều này rất khó tiêu hoá, như Ngài Ratthapala một lần trả lời một vị vua hỏi Ngài “Tại sao Ngài xuất gia sớm?”. Ngài đã nói lên bốn điều, trong có có một điều là Thế giới là nô lệ cho khát ái. Chúng ta tiếp tục làm nô lệ cho khát ái. Khát ái đó ở đâu, nếu khát ái đó là một ngoại nhân, chúng ta sẽ trách móc sẽ kêu gào. Nhưng không may khát ái đó nằm ngay tận trong sâu kín của tâm tư mình và chúng ta phải trả lời với nó, chúng ta phải đi tìm và đối diện với chính nó như Đức Bồ-tát đã từng làm. Do vậy đây không phải là bài học dễ tiêu hoá. Khi nghe TT Trí Siêu giảng câu Phật ngôn, chúng ta nghĩ rằng câu Phật ngôn này cũng giống như bao câu Phật ngôn khác. Nhưng chúng ta đừng quên trong câu Phật ngôn đó đã nói lên một sự việc,
“ Vô lượng kiếp trầm luân
Kiếm tìm nhưng không thấy
Kẻ tạo nên nhà này
Khổ thay tử sanh mãi”
Khi đức Phật nói, “ Vô lượng kiếp trầm luân/ Kiếm tìm nhưng không thấy” là không phải dễ tìm mặt mũi, tìm nguyên nhân căn rễ của đời sống. Có đôi lúc đọc những bài cảm thán về đạo học hay trong Thiền ca của Trung Hoa bvà Nhật Bản, thỉnh thoảng bắt gặp vài hình ảnh của những con người bừng tỉnh sau một giấc ngủ, họ khám phá ra rằng những gì họ đuổi bắt lâu nay, cái quan trọng không phải là những gì họ đuổi bắt mà là cái gì khiến họ phải lên đường để đuổi bắt. Khi nhận ra điều đó họ cảm thấy một ý nghĩa thật sự lớn lao. Nên chi chúng ta phải trả lời rằng Thượng đế bất toàn, nhưng không may trần gian là sản phẩm của Thượng đế nên trần gian không thể toàn hảo được. Do đó chúng ta mới có sự bi thống của kiếp người và của kiếp trầm luân này.
Chúng tôi xin dứt lời tại đây
Namo Buddhaya
Chánh Hạnh chuyển biên
Download cau hoi 112
Phat Hoc Van Dap Phap Am Lưu Trữ
|