|
Câu Hỏi 104: Khi có khả năng xử dụng được tâm phải chăng mình đã giác ngộ?
(Bài giảng trong rơom Diệu Pháp)
TT giác Đẳng: Có thể nói rằng không hẳn như vậy, tuỳ vào khả năng của mình. Một người có khả năng có thể xử dụng tâm hoàn toàn chắc chắn đó là sự giác ngộ. Chúng ta cũng có thể dùng được tâm mình. Ví dụ chúng ta cố gắng để tâm mình học được một thứ ngôn ngữ hoặc giả để tâm của mình làm quen với một cảnh nào đó, nhưng sự sử dụng đó rất hạn chế. Nói về điều này chúng tôi nhớ trong bài kinh Ngưu giác lâm, trong đó có một đối thoại rất thú vị giữa những đại đệ tử của Đức Phật, các Ngài là những bậc Thánh trí tuyệt luân, các Ngài có những sở đắc chuyên biệt rất thù thắng. Một lần nọ, một số lớn các vị đang có mặt tại khu rừng Sừng bò hay Ngưu giác lâm. Trong khu rừng này trăng sáng rất hữu tình, khung cảnh nên thơ, trong một cuộc gặp gỡ toàn những bậc Thánh trí. Có một vị đại đệ tử của Đức Phật trong số đó đã có một câu hỏi rất thú vị,
“Này các hiền giả , trong một đêm trăng sáng tại khu rừng này, các hiền giả nghĩ rằng vị tỳ kheo nào đã làm cho khu rừng được chói sáng?”
Đối với chúng ta câu hỏi đó có thể rất mông lung nhưng lại là một câu hỏi hết sức ý nhị với các bậc Thánh. Mỗi một vị có mặt đều đưa ra câu trả lời dựa trên những đắc chứng ưu việt của mình từ việc lãnh hội giáo Pháp, lãnh hội A- tỳ-đàm, những vị nguyên thông A-tỳ-đàm, những vị giỏi về thần thông, những vị tuyệt luân về thiên nhãn. Mỗi câu trả lời đều khác nhau. Ngày hôm sau các vị trình lên Đức Phật những câu trả lời. Đức Phật Ngài khen ngợi rằng, “ Mỗi vị trả lời đều dựa trên chứng đắc thù thắng của mình và không có gì sai lầm trog các câu trả lời. Nếu câu hỏi được đặt với Như Lai, Như Lai sẽ có một câu trả lời khác.”
Chúng ta sẽ rất ngạc nhiên khi biết nếu Đức Phật có mặt tại đó Ngài sẽ trả lời như vầy,
“ Vị tỳ kheo vào buổi sáng muốn an trú vào trạng thái tâm nào vị ấy có thể an trú vào loại tâm đó. Buổi trưa muốn an trú vào loại tâm nào vị ấy có thể an trú vào loại tâm đó. Buổi chiều muốn an trú vào loại tâm nào vị ấy có thể an trú vào loại tâm đó. Như Lai gọi vị Tỳ kheo đó có thể làm chói sáng khu rừng Gushinka.”
Câu hỏi của một đạo hữu vửa hỏi chúng tôi cũng giống như câu hỏi đó, “Có phải khi mình có khả năng dụng tâm thì đã giác ngộ hay không?” Nếu buổi sáng quý vị đi làm việc cần sự hăng hái quý vị có thể làm cho tâm được hăng hái. Buổi tối trước khi đi ngủ muốn tâm tư thanh thản, quý vị có thể làm cho tâm tư thanh thản. Những lúc nghe pháp muốn làm cho tâm tươi tỉnh, quý vị có thể làm cho tâm tươi tỉnh như ý của mình. Một người có thể có những hoạt dụng của tâm, có thể sử dụng được tâm nhu nhuyến như vậy là một người có sự tự chủ rất cao. Nói cách khác vị đó có thể là một Thánh nhân.
Đa số trong chúng ta không làm chủ được tâm mình. Những lúc chúng ta cần trỗi dậy thì tâm lại chùng xuống. Những lúc chúng ta nghỉ ngơi thì nó lại loạn động. Những lúc chúng ta cần sinh khí thì nó trở nên bi quan chán nản. Những lúc lo âu đến chúng ta không dẹp tan được sự lo âu đó. Ngài Ajahn Chah có nói, “ Nếu chúng ta có thể ra lệnh cho tâm của mình, biểu nó đừng giân, biểu nó đừng buồn, biểu nó đừng lo. Chúng ta ra lện được nó chúng ta đã thành Phật. Bởi vì chúng ta không ra lệnh được cho nó, do đó chúng ta nên biết áp dụng phương pháp thiện xảo để điều phục nó.”
Ý Ngài muốn nói rằng bởi vì mình không ra lệnh được cho tâm nên chúng ta phải tu tập và phải khéo léo trong việc ứng xử đối với nội tâm. Đôi khi một đạo hữu có câu hỏi, “ Phải chăng mình có thể sử dụng tâm tức là mình giác ngộ”. Chúng tôi xin thưa rằng nếu một vị có khả năng thiện xảo sử dụng tâm như vậy đúng là một vị giác ngộ rất thù thắng. Riêng với chúng ta, chúng ta có thề sử dụng tâm rất hạn chế rất tương đối như trường hợp chúng ta có thể đi đến lớp học, ngồi đó để hàm thụ. Tuy nhiên điều này mang tính cách đại lược bên ngoài, chưa đủ nói rằng chúng ta đã có thể sử dụng tâm một cách nhu nhuyến được, tuỳ ý được. Có những lúc chúng ta đi vào lớp học nhưng tâm tư lại nghĩ những chuyện rất xa vời.
Chúng tôi xin dứt lời tại đây
Namo Buddhaya
Chánh Hạnh chuyển biên
Download cau hoi 104
Phat Hoc Van Dap Phap Am Lưu Trữ
|