Buddhist Studies
 

 


Câu Hỏi 96: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, con kính xin có một câu hỏi về các hành động ác, con kính xin TT Giác Đẳng giảng rõ cho chúng con được biết như thế nào là hành động ác, vì tùy theo tâm niệm của mỗi người, chẳng hạn như một người nào đó đứng ở một phía khác thì khi thấy người làm một việc mà không thuận với ý của người mình thì họ cho rằng đó là một hành động ác. Nhưng mà chính người làm hành động đó thì họ lại nghĩ rằng là họ đang giúp lợi ích cho một số những người chung quanh của họ. Thì con không hiểu rằng với quan niệm ác đây nó phải như thế nào theo sự hướng nhìn chung của mọi người. Con xin cung thỉnh TT từ bi giảng cho chúng con được rõ. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.


(Câu hỏi được hỏi trong rơom Diệu Pháp , ngày 07 tháng 3 năm 2004)

TT Giác Đẳng: Câu hỏi của cô Minh Hạnh thì thật ra chúng tôi không dám đoan chắc rằng chúng tôi hiểu hết câu hỏi của cô, nhưng chúng tôi xin trả lời một cách chung chung và nếu cô Minh Hạnh thấy điều gì cần hỏi thêm thì trở lại hỏi tiếp tục chúng tôi sẽ trả lời.

Thưa quí vị người Tây phương họ có dùng chữ gọi là Thượng đế của chúng ta, lấy ví dụ như người Đức cũng tin vào Thượng đế và người Mỹ cũng tin vào Thượng đế, khi ra trận hai bên đánh nhau thì họ đều cầu nguyện Thượng đế của chúng ta, tức là Thượng đế đứng về bên này hay Thượng đế đứng về bên kia. Dĩ nhiên đó là một điều rất khôi hài khi chúng ta nói rằng khi người Đức và Mỹ đánh nhau ở trong trận thế chiến thứ hai hay thế chiến thứ nhất mà Thượng đế đứng phía bên người Mỹ hay Thượng đế đứng bên người Đức.

Hiện tại bây giờ chúng ta được nghe một chính quyền bảo thủ của Hoa Kỳ, tức là nội các của Tổng Thống Bush thường hay nói đến Thượng đế, và những người Hồi Giáo cũng nói đến Thượng đế, ai cũng nghĩ Thượng đế phải đứng về phía bên họ hết. Phải nói rằng trong sự cư sử trong đời sống hằng ngày chúng ta cũng có ít nhiều gặp những trường hợp nghĩ rằng mình hoàn toàn đúng, và mình hoàn toàn làm việc đó vì lợi ích cho mình và lợi ích cho những người chung quanh, lợi ích cho những người cùng phe nhóm với chính mình.

Thật ra thì con người của chúng ta sống trong cuộc đời này dễ có những oan trái, dễ có những việc bất thiện nghiệp do mình làm, do vậy Đức Phật Ngài dạy chúng ta là có đôi lúc chúng ta đừng có quá nặng về vấn đề lý luận, mà chúng ta nên lắng nghe tâm từ của mình, tức là tâm của mình có mát mẻ hay không, mình làm việc gì mà trong tâm hồn mình cảm thấy mát mẻ nhẹ nhàng thì mình nên làm. Thật ra thì thưa quí vị nếu thiện ác nằm ở trên lý luận thì rất là nguy hiểm.

Tại sao nó nguy hiểm? Là bởi vì quan niệm thiện ác nằm ở trên lý luận đôi lúc chúng ta quên đi nỗi khổ của người khác, cho dù đó là một việc hoàn toàn chánh đáng, nhưng việc chánh đáng đó mang lại nỗi khổ cho người khác nếu chúng ta biết như vậy thì chúng ta tránh không làm.

Thí dụ là nói pháp chẳng hạn, nói pháp là một việc lợi ích được Đức Phật khuyến khích, nhưng Đức Phật không phải chỉ khuyến khích chúng ta nói pháp, Ngài dạy chúng ta nên nói pháp đúng thời, nói pháp vì lòng từ và nói pháp không phải với tâm sân hận. Điều đó rất hay, nhưng chúng ta nói bằng tâm bực dọc giận dữ thì sẽ tạo một phản ứng khác. Điều đó rất đúng, nhưng mình nói không đúng thời thì không mang lại sự an lạc mà mang khổ cho người khác. Điều đó rất là hay, nhưng nếu chúng ta nói bằng tâm sân chứ không nói bằng tâm từ thì cũng không đúng.

Nói pháp đã như vậy thì ở trong đời sống hằng ngày cũng tương tựa như thế, nếu chúng ta nhân danh lẽ phải, nhân danh chánh pháp, nhân danh đều đúng mà chúng ta cứ phát ngôn, chúng ta cứ cư sử hành động không lý gì, không để ý, không quan tâm đến cảm giác của người khác điều này là một chuyện hết sức nguy hiểm.

Nhân loại đã từng chứng kiến vô số các bi kịch như vậy, bây giờ nếu quí vị xem những cuốn phim lịch sử của Mễ Tây Cơ khi những nhà truyền giáo dùng súng, dùng quân đội để gom những người không cùng tôn giáo vào trong những trại tập trung và bắt họ phải đốt đi những kinh điển mà những người linh mục giòng tên bấy giờ gọi là tà đạo, tà giáo, rồi bắt họ phải cải đạo, rồi nếu những người nào không cải đạo thì đem bắn giết. Thì bấy giờ chúng ta nhìn thấy rằng có một lúc nào đó con người nhân danh lẽ phải, nhân danh chánh pháp, nhân danh chánh đạo mà quên đi nỗi khổ của người khác, vì sự ép uổng quan niệm của mình.

Chỉ có một chất liệu khả dĩ giúp cho chúng ta nhiều đó là chất liệu của tâm từ, tâm từ rất quan trọng. Tâm từ là gì? Tâm từ là mong cho chúng sanh khác được an lạc.

Cho dù quan niệm của chúng ta về việc đó có đúng một trăm phần trăm, nhưng chúng ta nói một cách không đúng thời, nếu chúng ta nói bằng sự sân hận thì điều đó không có lợi gì cho cuộc sống của mình hết, mình nghĩ rằng có lợi đó, mình nghĩ rằng tốt đó nhưng rồi thật sự không tốt.

Do vậy ở trong bất cứ trường hợp nào mình nghĩ rằng những người mình đang làm việc cho lẽ phải cho những người ở chung quanh mình, nhưng mình lại quên đi một người nào đó đau khổ, mình không nghĩ đến thì điều đó cũng là điều rất đáng tiếc. Bởi vì tâm từ không có sự lựa chọn, nếu chúng ta làm việc gì đó nếu vui cho 5 người, 3 người, mà lại đem lại sự đau khổ cho một hai người khác thì chúng ta phải đặc biệt cẩn thận, trừ phi trường hợp bất đắc dĩ chẳng đặng đừng. Có thể nói rằng về phương diện lý luận chúng ta có thể làm một việc gì nhân danh lẽ phải, nhân danh công lý , nhân danh chánh đạo để đem lại niềm vui cho một hai ba người, cho 5, 7 người, cho một chục người, nhưng bên cạnh đó có một vài người là nạn nhân của nỗ lực của chúng ta thì việc đó chúng ta phải coi chừng, trường hợp này rất dễ xảy ra trong đời sống của mình.

Chúng tôi nhớ là ngày xưa có một câu chuyện không liên quan đến câu chuyện của chúng ta hôm nay, nhưng có một câu nói rất ý nhị, đó là một câu chuyện trong Thập Nhị Tứ Hiếu, nói về Thầy Mẫn Tử Khiêm. Thầy Mẫn Tử là một người rất có hiếu, mẹ mất sớm sống với cha, rồi cha tục huyền, sống với người mẹ ghẻ. Mẹ ghẻ có hai người con với cha của mình và tất cả tình thương sự săn sóc đều dành cho hai đứa em cùng cha khác mẹ với Thầy Mẫn Tử.

Khi cha của Mẫn Tử đi dạo chơi bên ngoài ngồi trên chiếc xe, Mẫn Tử là người kéo chiếc xe đó cho cha, trời lạnh quá mà không có được một chiếc áo ấm, chiếc áo Mẫn Tử mặc nó chỉ là chiếc áo, nhìn ở bên ngoài thì giống như chiếc áo của em mình, nhưng thật sự ở bên trong không được độn bằng bông mà độn bằng rơm, độn bằng rơm nên không đủ ấm.

Chúng tôi nhớ mang máng bài học đó tại vi` chúng tôi học hồi còn rất nhỏ, bây giờ thì không nhớ rõ, nhưng mà đại khái họ nói rằng:
- Thầy Mẫn Tử vốn người hiếu nghĩa.
Xót nhà riêng quạnh quẽ đã lâu.
Thờ cha sớm viếng khuya hầu.
Chẳng may gặp phải mẹ sau độc tàn.
Trời đương tiết đông hàn lạnh lẽo.
Hai em thời áo kép mền bông.
Chẳng thương chút phận long đong.
Hoa lau nở để lạnh lùng một thân.
Khi cha dạo theo chân cha đẩy.
Rét căm căm nên xảy rời tay.
Cha nhìn ngẫm nghĩ mới hay.
Quyết tâm cắt đứt sợ dây sướng tùy.
Gạt nước mắt chân qùy miệng gởi.
Cúi xin cha xét lại nguồn cơn.
Mẹ còn chịu một thân đơn.
Mẹ đi luống những cơ hàn cả ba.
Câu nói rằng mẹ còn chịu một thân đơn, mẹ đi luống những cơ hàn cả ba là một trong những câu nói rất đẹp, ngay lúc ông cha nhận ra rằng đứa con lớn của mình đang bị bạc đãi bởi vợ sau, và nghĩ rằng sẽ bỏ người vợ đó, sẽ ly dị với người vợ đó, sẽ đuổi người vợ đó đi, nhưng Mẫn Tử đã kịp thời lạy xuống để xin cha, bây giờ mẹ còn thì một mình con chịu khổ lạnh, nhưng nếu mẹ đi rồi thì không những một mình con mà cả hai em bị khổ nữa. Cái nhìn của Mẫn Tử, tâm đó có thể nói là một tâm rất quảng đại, không phải vì khổ của mình mà mình không nghĩ đến khổ của người, không phải vì hạnh phúc của mình mà quên đi hạnh phúc của người khác.

Có một lần chúng tôi ngồi gần Ngài Ajahn Chah và nói chuyện với Ngài về sự cư sử ở trong Tăng chúng, lúc đó có một vài người hỏi Ngài về một vài câu, thì Ngài nói rằng "Mình nói cho nhiều có khi cũng không cần thiết, nếu một người sống với lòng từ thì không cần phải suy nghĩ chuyện gì hết, lòng từ ở đây tức là nếu mình mong cho mình được hạnh phúc thế nào thì mong cho người chung quanh hạnh phúc như vậy, mình mong cho những người thân mình hạnh phúc thế nào thì hãy mong cho người đối nghịch với mình cũng được hạnh phúc như vậy, và vì chính tâm đó mới đủ lương tri và đủ sự sáng suốt để chúng ta chan hoà tất cả mọi thứ, nếu chúng ta còn ý nghĩ rằng mong cho người này vui, mong cho người khác bị khổ thì không có niềm vui nào trọn và không có tâm tư nào được trọn vẹn hết".

Dĩ nhiên câu hỏi này là một câu hỏi rất phức tạp, chúng tôi không nghĩ rằng chúng tôi trả lời được chính xác ý của cô, do vậy nếu cô muốn rõ thêm câu hỏi của mình thì chúng tôi xin được mời cô Minh Hạnh hoan hỷ trở lại để cho biết, còn nếu cô không có câu hỏi gi` thi` chúng ta có thể sang câu hỏi tiếp theo./.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Minh Hạnh chuyển biên


Download cau hoi 96

Phat Hoc Van Dap Phap Am Lưu Trữ