|
Câu Hỏi 92: Thưa Sư có giảng là hãy cho tâm tư của mình sống trong nguyên tắc khuôn khổ thì mới khá được, phải cho nó an trú vào qui định. Kính thưa TT hoan hỷ cho chúng con biết rằng nguyên tắc của cuộc sống của người Phật tử là như thế nào, và làm như thế nào để sống một cách trọn vẹn là một người Phật tử, là một người con đáng kính của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
(Câu hỏi được hỏi trong rơom Diệu Pháp , ngày 25 tháng 4 năm 2003)
TT Giác Đẳng: Nói về những nguyên tắc sống hay những giới luật thì chúng ta phải nói rằng: có đôi khi người Phật tử hiểu rằng giới luật là cái gì mà chúng ta phải theo như một thứ giáo điều, thật ra giới luật là một phương tiện mà phương tiện đó nói lên một số nguyên tắc, những nguyên tắc giúp cho chúng ta tìm thấy được sự thanh thản ở trong đời sống của mình
Chúng ta sẽ bàn về điểm này ở trong một bài kệ khác, nhưng có rất nhiều thứ người Phật tử có thể theo đó, lấy ví dụ như chúng ta nói về thập thiện tức là chúng ta nói làm như thế nào cho ba nghiệp được thanh tịnh, làm mười điều thiện và tránh xa mười điều ác, cũng là nguyên tắc mà chúng ta có thể làm.
Hoặc giả trong Thi Ca La Việt trong Trường Bộ kinh tập bốn, qúi Phật tử có thể tìm thấy ở đó những lời dạy của Đức Phật cho thanh niên Singàlaka sự cung kính sáu phương: đông, nam, tây, bắc, trên,dưới, nói lên sự quan hệ của chúng ta đối với cha mẹ, đối với người hôn phối, đối với bạn bè, đối với những người làm công, đối với những vị samôn v.v….
Khi chúng ta nói đến những điều này thì Ngài Narada ở trong một chương nói về trì giới balamật trong sách Đức Phật và Phật pháp, Ngài cũng xem đó là một số nguyên tắc mà một vị bồ tát có thể theo đó để hành trì, và thấy ở đó là một điều có thể mang lại lợi lạc cho mình.
Ngũ giới, bát quan trai giới, thập giới v.v… đó là những nguyên tắc liên quan đến giới luật, hoặc giả nếu trong đời sống tu tập của chúng ta hành trình theo Bát-chánh-đạo, mà chúng ta nhớ ba pháp đơn giản nhưng hết sức quan trọng đó là chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng, lời nói chân chánh, hạnh nghiệp chân chánh và sinh kế cũng chân chánh, ba điều đó là những nguyên tắc, thì thưa qúi vị tối thiểu chúng ta cũng có được một số nguyên tắc rõ nét cho đời sống.
Dĩ nhiên không phải chỉ về phương diện giới luật, về thái độ sống, và thái độ đàng hoàng của chúng ta. Ở đâu ra đó, việc nào ra việc đó. Ví dụ như có những người họ không thể nhận ra thế nào là tình bạn, thế nào là tình yêu, thế nào là sự giao thiệp. Sự giao dịch buôn bán họ lẫn lộn những điều này, và gây cho họ nhiều rắc rối, và họ không bao giờ có một tình bạn bình thường được. Khi họ có một tình bạn rồi thì họ đòi hỏi, họ lợi dụng, họ khiến làm hỏng đi một tình bạn rất tốt đẹp, thì đó là một điều rất đáng tiếc, tại vì họ không thấy được việc nào ra việc đó.
Cũng như hồi nãy chúng tôi đề cập với quí vị, là chúng ta ra chợ thì chúng ta biết có những việc ở ngoài chợ, chúng ta ra phi trường thì biết cái gì nên làm ở phi trường, chúng ta đi chùa thì chúng ta biết cái gì làm ở chùa, và chỉ làm vừa phải, làm thích hợp, đó là một người biết sống với nguyên tắc.
Riêng đối với một người tu thiền, thì một người tu thiền nguyên tắc ở đây có nghĩa là chúng ta sống để tâm đến những gì mình đang làm, mình không làm việc vừa ngồi ăn cơm vừa coi TV, chúng ta không vừa lái xe và vừa cố gắng nói điện thoại, chúng ta không vừa nói chuyện với người khác và vừa lật sách ra coi. Thì những thứ hai ba công việc không rõ ràng như vậy, rất dễ dàng làm cho đời sống của chúng ta, cái này dẫm lên cái kia, cái kia lại ràng buộc với cái nọ một cách không cần thiết.
Nên chi đây là một kinh nghiệm cá nhân mà chúng ta phải áp dụng để tìm thấy ở đó, để hiểu như thế nào là áp dụng những nguyên tắc vào đời sống một cách thiện xảo. Qúi vị đọc trong kinh điển thì qúi vị thấy như trường hợp hôm kia chúng ta nghe câu chuyện về thiên chủ Đế Thích có 7 pháp để trở thành vị Thiên Vương, một con người hiếu kính với cha mẹ, và lập tâm rằng ngày nào cha mẹ còn sống thì mình phụng dưỡng cha mẹ một cách hiếu thảo, thì đó cũng là một nguyên tắc sống, cũng là một nguyên tắc dạy tâm.
Đức Phật Ngài có cái nhìn như thế rộng lắm. Như một người vợ biết lo cho chồng bằng hết bổn phận của mình, thì đó cũng là nhân lành dẫn đến thiên giới, và một người chồng biết lo lắng cho người vợ bằng với tất cả bổn phận của mình, thì đó cũng là một hạnh phúc cao thượng. Những lời nói đó không phải chúng tôi nói quá đâu, qúi vị có thể tìm thấy rải rác ở trong kinh Phật. Nói chung là nếu trong đời sống của chúng ta dầu rằng chúng ta có biết Phật pháp hay không biết Phật Pháp, dầu chúng ta là người cư sĩ hay vị xuất gia, dầu chúng ta là người như thế nào, nhưng nếu chúng ta sống có chừng mực trong sự ăn uống, chừng mực trong sự cư sử, chừng mực ở trong lời nói mà chúng ta xem đó là nguyên tắc sống, thì thưa qúi vị điều đó cũng tạo cho chúng ta một điều kiện rất tốt để hướng dẫn tâm tư của mình.
Những chuyện lộn xộn thường xảy ra ở trong cộng đồng, hay ở trong gia đình có lẽ bởi vì ta không biết rõ ranh giới, biết rõ giới hạn cái gi` là vừa phải. Thì tương tựa như vậy, tâm của chúng ta nếu không biết ở đâu là vừa phải mà chúng ta cứ vương theo nó, thì tâm đó lao chao, loạn động, tâm phan duyên đó sẽ dẫn chúng ta đi, trôi dạt về những phương trời vô định và những phương trời đó dần dà chúng ta không còn biết mình là ai, chúng ta trở nên tha hóa hoàn toàn, chúng ta sẽ không còn nắm được gốc của mình nữa.
Vì vậy rất quan trọng để một người sống gọi là đủ nghĩa của cách làm người theo trong kinh Phật, là người sống với một số nguyên tắc hay một số tôn chỉ nào đó, dầu cho tôn chỉ đó là tôn chỉ rất cá nhân, chỉ có bản thân của mình mới chấp trì. Nhưng nhờ tôn chỉ đó cho thấy rằng chúng ta là một người sống có căn bản, chúng ta là người sống có nguyên tắc chứ không phải đụng đâu xâu đó, sống sao cũng được, ăn sổi ở thì, cách sống như vậy là cách sống Đức Phật Ngài gọi là "Người trí làm cho tâm thẳng như thợ khéo nhặt tên".
Cô Dhammakami đã hỏi một câu hỏi rất quan trọng, là những nguyên tắc nào lên sống. Thì thưa qúi vị, nếu trong đời sống của qúi Phật tử đã lựa chọn được một thiện pháp nào, và thiện pháp đó qúi vị thấy rằng có thể làm một điểm tựa, và có thể làm một nơi mà qúi vị có thể trung thành, là một pháp môn, là một phương cách, qúi vị có thể sống qua nhiều năm tháng thì qúi vị lên hoan hỷ.
Hồi nãy chúng tôi thưa với qúi vị rằng nói về thiện pháp có rất nhiều, qúi vị phát nguyện hiếu thảo cũng được, qúi vị nguyện trong đời sống là báo ân những gì mà bất cứ ai mình đã thọ ân cũng là những hình ảnh rất đẹp, quí vị làm tròn bổn phận. Thật ra qúi vị có thể không tu gì hết, mà qúi vị chỉ làm tròn bổn phận đối với vợ, đối với chồng đối với con, thì Đức Phật Ngài dạy đó cũng là những hạnh phúc cao thượng, là những nguyên tắc.
Nguyên tắc mà đạo Phật dạy thoáng lắm, ngày hôm nay cái nhìn của chúng ta rất cục bộ, do đó khi chúng ta vào trong đạo chúng ta cảm thấy rằng hình như đạo của chúng ta đóng khung, có bao nhiêu hàng rào. Nhưng thực sự đạo của Đức Phật dạy rất đẹp thưa qúi vị, và khi Đức Phật Ngài đưa ra cho chúng ta con đường tu tập, là Ngài mở cho chúng ta một bầu trời mênh mông, ở trong bầu trời đó có đầy dẫy kỳ hoa dị thảo, có bao nhiêu phương tiện để chúng ta áp dụng vào đời sống nội tại của mình, chứ không phải chỉ có một số điều, một hai ba bốn nào đó mà anh A anh B nói với mình rằng việc đó mình phải làm.
Do vậy khi nói đến nguyên tắc thì chúng tôi thưa với qúi vị là phải nói rằng về điểm này không đơn giản, qúi vị có thể lựa ngũ giới, qúi vị có thể lựa thập thiện, qúi vị có thể lựa những nguyên tắc được đề cập đến trong kinh Lễ Bái Lục {hương, tức là kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt, qúi vị có thể sống tuân theo Bát-chánh-đạo, bất cứ một nguyên tắc nào qúi vị thấy thích hợp, và dựa trên đó để làm cảnh giới trật tự cho nội tâm của mình thì điều đó đều tốt đẹp, điều đó đều có một giá trị lớn trong việc uốn nắn nội tâm của chúng ta, và chúng tôi mong rằng điều này sẽ là một cái gợi ý để trả lời cho cô Dhammakami.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Minh Hạnh chuyển biên
Download cau hoi 92
Phat Hoc Van Dap Phap Am Lưu Trữ
|