|
Câu Hỏi 86: Con xin hỏi chữ "Sợ" "fear" trong cuộc sống từ khi mới sanh ra con đã cảm nhận được sự sợ hãi đó vậy đó là chân đế hay tục đế ? Và khi đã có cảm giác như vậy chúng ta có thể dùng A Ty` Đàm đối trị không?
(Câu hỏi được hỏi trong lớp Diệu Pháp , 17 tháng 4 năm 2004)
TT Giác Đẳng: Thưa quí vị khi chúng ta nói về chân đế và tục đế, chúng ta không đơn thuần một sự việc mà chúng ta trả lời một cách chân đế và tục đế. Ví dụ như tâm sợ hãi, chúng ta nói trạng thái tâm tán loạn, lao chao, tâm không ổn định, một thứ tâm bất thiện.
Thưa quí vị, tâm sợ hãi và tâm nào cũng là chân đế, ngay cả trạng thái cũng là chân đế. Tuy nhiên nói đến cảnh để sợ hãi thì phải nói rằng nó vốn đến từ nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân do sự ám ảnh của quá khứ, như chúng ta nghe nói đến ngành tâm lý học, ông Sigmund Freud một tâm lý gia người Áo, ông đã từng có những nghiên cứu cho thấy rằng, có những nỗi ám ảnh của tuổi thơ, những em sanh trong gia đình cha mẹ ly dị, khi lớn lên có đời sống tình cảm không ổn định là bởi vì ám ảnh của thời niên thiếu.
Sợ hãi là một trạng thái vốn tự nhiên ở trong con người, ai cũng có sợ hãi, nhưng có khi chúng ta sợ hãi ít, khi chúng ta sợ hãi nhiều và có khi sợ hãi không có ly' do, có những phobia tức là những nỗi sợ nó không dựa trên lý trí. Ví dụ như tại sao con rắn có người không sợ mà lại sợ con gián, tại sao có người thấy xe cộ chạy ngoài đường nguy hiểm không sợ mà lại sợ con sâu. Có những trạng thái vốn do ám ảnh.
Ở đây sợ thì chúng ta cứ ghi nhận đó là sợ, chúng ta có lẽ không cần phải đặc vấn đề đó là chân đế và tục đế ở đây.
Riêng về một câu hỏi được nêu lên là khi có cảm giác như vậy có thể dùng A Tỳ Đàm để trị không. Chúng tôi thưa như vậy, nỗi sợ vốn là một trong những xúc cảm đặc biệt, như một người sợ cao, một chiều cao làm cho họ sợ, hay một cảnh tượng gì đó làm cho họ sợ. Những cảnh tượng đó nhiều khi chúng ta dùng lý tính không giải quyết được. Lấy ví dụ hồi nãy chúng tôi nói tại sao chiếc xe lớn chạy ngoài đường nguy hiểm chúng ta không sợ, chúng ta lại sợ con sâu. Ở trên phương diện lý tính thì không có như vậy. Có những người đi lính vào quân trường thụ huấn, họ vốn sợ độ cao, lên lầu một, lầu hai hoặc lên nóc nhà của họ là họ đã sợ, nhưng khi vào quân trường bởi vì họ đã được huấn luyện thật sự ở một lúc nào đó thì họ vượt qua nỗi sợ đó. Do vậy sự xúc cảm của tâm lý thường nên được vượt qua bằng một thái độ đương đầu thật sự với nó.
Ngài Nàrada, Ngài có nói rằng A Tỳ Đàm mặc dù được người ta nói rằng là bộ môn triết học Phật Giáo và cũng gọi là môn tâm lý học Phật Giáo, nhưng người ta không nên kỳ vọng ở A Ty` Đàm những phương pháp trị liệu tâm lý như người ta kỳ vọng ở nền tâm lý học hiện đại. A Tỳ Đàm quả thật là một khoa học tự nhiên cho chúng ta những cái nhìn, những sự trình bày toàn diện. Dĩ nhiên khi chúng ta học A Tỳ Đàm lâu ngày, chúng ta cũng có thể qua đó có một số sự cảm nhận sâu sắc về đời sống nội tại của mình, nhưng A Tỳ Đàm hoàn toàn không có mục đích như ngành tâm lý học, nếu chúng ta đi sâu vào thì chúng ta thấy rằng đề cập đến rất nhiều thứ.
Tuy vậy phải nói rằng giáo lý duyên khởi, giáo lý duyên sinh và duyên hệ trong A Tỳ Đàm đã là một cơ sở rất lớn ở trong thiền học, trong cái nhìn quán chiếu của thiền học thì có thể nói rằng mọi sự vật là một kết cấu của nhiều nhân, nhiều duyên, và trong sự kết cấu đó giống như cây chuối chúng ta lột từ bẹ chuối này ra, rồi lột bẹ chuối khác, cuối cùng thì chúng ta không tìm thấy cái lõi của nó. Thì những cái chúng ta thường sợ hãi, thường là phiền lụy, thường là đam mê, bởi vì chúng ta nghĩ rằng nó có cốt lõi, nhưng khi chúng ta học, giống như chúng ta gỡ những bẹ chuối ra khỏi thân cây chuối, gỡ thì chúng ta gỡ hết bẹ chuối này sang bẹ chuối khác chứ không có thật sự cái gì ở trong đó hết.
Thì A Tỳ Đàm hay giáo lý duyên khởi, duyên sinh, duyên hệ giúp cho chúng ta xoá đi ảo giác về "Tôi", về "Ta", về "của tôi", và đặc biệt một thứ linh hồn thực thể thường hằng bất biến ở trong mỗi con người, mỗi chúng sinh và vì vậy nó là cơ sở cho thiền học. Thiền thì rất có lợi cho việc giải tỏa những xúc cảm tâm lý đặc biệt là sợ hãi.
Chúng tôi nói ở đây rất cẩn thận, bởi vì hoặc giả chúng ta vội vàng kết luận rằng A Tỳ Đàm sẽ đáp ứng hết tất cả những câu hỏi về tâm lý học. Chúng ta không nghĩ rằng một vị dạy về A Tỳ Đàm có thể biết hết tất cả tâm của vị đó, hay biết hết tâm của quí vị, rồi qúi vị cần gì thì vị đó đưa ra phương pháp tâm lý trị liệu
A Tỳ Đàm không đề cập như vậy, tuy nhiên nói về A Tỳ Đàm không có liên hệ đời sống tâm linh thì chuyện đó cũng sai, bởi vì ai hiểu được giáo lý duyên sinh, duyên hệ, ai hiểu được giáo lý vô ngã thì người đó sẽ hiểu được cơ sở quan trọng của Phật Pháp, và hiểu được nhân sinh quan khác hơn trong đời sống của mình. Dù hèn cũng thể, có nghĩa là dù chúng ta còn phiền não, nhưng mà do hiểu giáo lý đó, tâm tư của chúng ta sẽ không có câu chấp và nhờ vào vậy chúng ta giải tỏa được rất nhiều vấn đề nội tại, và dĩ nhiên đối với những vấn đề của tâm lý thực hành quan trọng hơn lý thuyết nhiều lắm.
Chúng ta đừng trông cậy vào bất cứ một môn học nào, kể cả một quyển sách dạy về A Tỳ Đàm hay cuốn sách học làm người, hay cuốn sách chuyên về dạy tâm lý mà có thể giúp cho chúng ta, chúng ta phải tự vượt qua bằng sự sống thực của mình. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Phật.
Namo Buddhaya
Minh Hạnh chuyển biên
Download cau hoi 86
Phat Hoc Van Dap Phap Am Lưu Trữ
|