Buddhist Studies
 

 


Câu Hỏi 82: Người ta nói sân hận là đốt hết công đức, vậy đốt hết công đức là như thế nào. Con xin quí Sư từ bi giảng dậy thêm.


(Câu hỏi được giảng trong rơom Diệu Pháp lớp A Tỳ Đàm, ngày 14 tháng 5 năm 2004 )

TT Giác Đẳng: Câu hỏi này đặc biệt và thú vị đối với đề tài ngày hôm nay, bởi vì có hai điểm chúng ta phải nói tới, đó là quan niệm thường thức và quan niệm về Phật pháp.

Quan niệm về thường thức thì quả thật có rất nhiều trường hợp sân hận đốt hết công đức.

Lấy ví dụ có thể nói đó là một việc rất có y' nghĩa, mà bản thân của mình làm với sự phát tâm và hết sức đáng tán thán, nhưng bởi vì bản tính không tự chủ và dễ dàng sanh ra tâm phẫn nộ đối với những điều trái ý nghịch lòng. Ví dụ như mặt dầu đó là công việc đầy ý nghĩa, mang lại lợi lạc cho nhiều người, nhưng vì chúng ta bất mãn một lời nói hay một việc làm của người đồng sự với mình chẳng hạn, rồi bừng cơn giận lên, rồi có thể chúng ta làm hỏng đi việc lớn, có thể chúng ta bỏ đi công việc chúng ta đang làm, hay đồng thời chúng ta có thể làm cho bao nhiêu nỗ lực xây dựng từ trước tới giờ của mình nó hoá ra vô ích, bởi vì đã không thực hiện đến nơi đến chốn được.

Thật ra ở trong những trường hợp như vậy những câu nói, sân hận đốt hết công đức rất đúng, tuy nhiên ở trong một phương diện khác thi` chúng ta thấy rằng nghiệp nào thì cho ra nghiệp đó, trên phương diện nghiệp báo và nhất là nói về A Tỳ Đàm.

Một người đã có một thời gian hay giai đoạn tạo ra thiện nghiệp, thì cũng không phải vì đoạn sau đó họ có tâm khác đi, khiến cho thiện nghiệp trước kia họ làm tiêu hủy hết. Nghiệp báo không phải là một sự thưởng phạt mang tánh cách phán xét như quan niệm của thần ngã, mà nghiệp báo là một quan niệm rất rõ ràng trong định luật tự nhiên.

Ví dụ như chúng ta nói nghiệp trắng tức kết quả trắng, nghiệp đen kết quả đen, nghiệp trắng lẫn đen thi` kết quả đen lẫn trắng, nghĩa là không trắng không đen thi` kết quả cũng không đen không trắng. Điều đó nghĩa thế nào?
Nghĩa là trong tiền thân câu chuyện, một người nhìn thấy vị Phật Độc Giác đi khất thực ngang, phát tâm để cúng dường cho vị Phật Độc Giác một ít thực phẩm. Nhưng khi vị Phật Độc Giác đi rồi, bỗng nhiên người này sanh tâm hối tiếc nghĩ rằng phần thực phẩm đó mình đem cho những người làm công trong nhà thì có lợi hơn cho một ông Thầy tu như vậy. Thì thưa quí vị với hai cách suy nghĩ, hai sở hành khác nhau trước đó và sau đó, nhưng không phải vì ý tưởng có một chút tiếc nuối sau đó, mạo phạm sau đó hay xem thường vị Phật sau đó, mà lại xoá đi việc bố thí trước. Thì theo trong kinh vị này sanh lên đời sau này, phước cúng dường vị Phật Độc Giác, vị này là vị trưởng khố rất giàu có ở trong thành Xá Vệ, nghĩa là tiền muôn bạc vạn, nhưng bởi vì sau đó vì sanh tâm hối tiếc nên dầu có rất nhiều tiền nhưng đời sống của vị này rất bần hàn, đời sống rất cơ cực là bởi vì tâm tiếc của, không dám sài, có tiền mà không dám sài mặc dù được tiếng là giàu có nhưng lại không có sài. Thi` như vậy ở đây chúng ta thấy rằng nghiệp trắng lẫn đen, kết quả đen lẫn trắng.

Thật ra cái nhìn của chúng ta về vấn đề nhân quả đôi khi bị trộn lẫn với cái nhìn thường thức ở bên ngoài. Một người họ đối sử với chúng ta rất tử tế ở trong nhiều năm, nhưng bỗng nhiên có chuyện gì đó họ không làm hài lòng chúng ta, thì chúng ta xoá đi hết tất cả những ân tình trước đó. Việc đó người đó đã làm quấy với chúng ta một lần thôi, một việc thôi ở trong một giai đoạn nào đó thôi, nhưng chúng ta không nghĩ đến tình trước nữa. Đó là quan niệm hàng ngày của chúng ta và chúng ta phải đoạn tận quan hệ với người đó. Nếu một người có suy xét một chút thì sống có trước có sau, có họ ở trong giờ phút này hay ở một điểm nào đó mà mình quên đi điều tốt trước kia của họ, thì như vậy thật sự mình cũng không có công bằng.

Đây là một lỗi lớn nhất của quan niệm về thần ngã, ngay cả quí vị nào đọc những tác phẩm của người Trung Hoa như là Hồi Dương Nhân Quả thì quí vị sẽ thấy một việc đó là Diêm Vương cũng dựa vào cách phán xét, là một người tuy rằng ở trong cuộc đời đã làm nhiều công đức nhưng giờ chót phạm tội, hoặc giả chúng ta nghe chuyện cổ tích con bìm bịp chẳng hạn. Hồi nhỏ chúng tôi nghe chúng tôi cũng cảm thấy có cái gì không ổn.

Một nhà Sư đi về Tây Trúc để đảnh lễ Phật, dọc đường có một tên ăn trộm nghe nói nhà Sư đi về Tây Trúc nên móc bộ lòng của mình ra, tên ăn trộm đã có một tấm lòng đối với Đức Phật, nhưng nhà Sư đó lại không đủ can đảm, không đủ sự kiên trì để đem tấm lòng của một người như vậy đến đặt dưới chân của Đức Phật. Thì ở một phương diện nào đó có một giá trị ngụ ngôn. Nhưng hồi nhỏ chúng tôi cảm thấy hơi bức xúc, bởi vì lý do là việc đó Đức Phật Ngài có vẻ cay nghiệt quá, Đức Phật Ngài có vẻ khó khăn quá, ít nhất nhà Sư đó tuy rằng đã phụ lòng người ăn trộm, nhưng còn những công đức khác tu tập trong thời gian qua, ít nhất vị đó cũng có lý do để không thể tiếp tục mang theo bộ đồ lòng của người ăn trộm, ruột gan phèo phổi của người ăn trộm gửi theo. Và ít nhất ở trong cái không được thì cũng còn có cái được bên cạnh đó, chứ không phải không được hoàn toàn. Vì vậy trong quan niệm thưởng phạt của thường thức, thì lại không áp dụng được trong kinh Phật.

Thật sự thưa quí vị ở trong Phật Pháp có một chuyện mà chúng ta được biết rằng công đức BaLa Mật không có tiêu hẳn theo thời gian, lấy ví dụ Đề Bà Đạt Đa khi bị đất rút, Đề Bà Đạt Đa khi sanh vào địa ngục, sau đó sẽ trở thành vị Phật Độc Giác. Có nghĩa là công đức của Đề Bà Đạt Đa tạo trong quá khứ, không có nghĩa trong kiếp này chống đối Đức Phật, chia rẽ Tăng Già hay chích máu Phật v.v... Mà những công đức tu tập trong qúa khứ tiêu hủy hoàn toàn hết.

Nên chi phải nói rằng trong quan niệm lòng sân mà đốt hết công đức, thì chúng tôi nói rằng có những phương diện, nhất là phương diện tổ chức, trên phương diện làm việc, thì có giá trị để chúng ta sử dụng như một câu nói rất đáng lưu tâm. Bởi vì có nhiều người chứ không phải số ít đã cố gắng làm một việc rất có ý nghĩa ở trong năm tháng ba tháng, rồi bỗng nhiên vì sự bực bội mà làm hỏng hết việc của mình. Quí vị thấy có vô số Phật tử đi chùa, đi chùa trong nhiều năm như vậy đã là người Phật tử rất gần với chùa, một cận sự nam, cận sự nữ đúng với nghĩa của u bà tắt, u bà di, nhưng rồi vì sự bất mãn đôi phút nào đó với Thầy Trụ Trì với một người Phật tử trong ban hộ trì Tam Bảo hay bất cứ ai đó mà bỏ luôn cả phúc nghiệp của mình, và có đôi khi thậm trí bỏ đạo để đi sang tôn giáo khác thì lòng sân đó đúng là thiêu đốt công đức.

Nhưng cũng đừng quên một điều rằng nếu trong quan niệm thưởng phạt, mà cho rằng một phút nào đó chúng ta khởi tâm sân và bao nhiêu công đức trước đó đều tan biến hết thì cũng không hẳn là như vậy trên phương diện nghiệp báo./.

Namo Buđdhaya


Minh Hạnh chuyển biên

Download cau hoi 82

Phat Hoc Van Dap Phap Am Lưu Trữ