|
Câu Hỏi 74: Kính thưa Sư, những năm trước con có nuôi một số cá vàng. Mỗi ngày con cho chúng ăn, nhưng lúc sau này con dành hết giờ để nghe Phật Pháp (Paltalk và nghe băng ), không còn gìơ coi ngó tới cá vàng nữa. Hôm qua tình cờ thấy một số cá chết, nổi lên vì bị bỏ đói, thiếu ăn. Như vậy con có gián tiếp phạm tội sát sanh không ?
(Bài giảng trong rơom Diệu Pháp, ngày 20 tháng 8 năm 2003 )
TT Giác Đẳng: Thưa quí vị ở trong câu hỏi này thật ra có ba điểm riêng biệt:
- Điểm thứ nhất về phương diện sát sanh thì chúng ta có thể nói về phương diện về giới đòi hỏi một số điều kiện, thí dụ như một người ở trong giới sát sanh thì phải hội đủ năm chi: Đối tượng phải là con vật có thức tánh, mình biết con vật đó có thức tánh và mình có ý giết và mình có cố giết và con vật này bị chết vì sự cố ý đó. Thì năm điều đó mới là phạm giới sát sanh.
Chúng ta vẫn thường nghe nói về nghiệp trực tiếp, và nghiệp gián tiếp, mình không làm nhưng khiến người khác làm thì gọi là gián tiếp. Về điểm này là một điểm người Phật tử phải để ý lắm, bởi vì có nhiều việc ở trong đời sống chúng ta không tránh khỏi , ví dụ như chúng ta đóng thuế cho chánh phủ và chánh phủ dùng tiền đó vào những công cuộc xâm lăng các quốc gia khác, thì đó là một sự gián tiếp, tuy nhiên chúng ta không thể nói là chúng ta không trả thuế được. Hay chúng ta lái xe trên đường đi, chúng ta biết chắc chắn rằng khi lái xe thế nào cũng cán những con vật ở dưới đường, dầu vật lớn hay vật nhỏ thì thế nào cũng có. Và nếu chúng ta không lái xe thì không đi đâu được hết, và dĩ nhiên là ngay cả khi chúng ta đi bộ thì cũng đạp vào con này con kia. Do vậy gián tiếp cũng phải có chừng mực.
Ðức Phật Ngài dạy rằng: điều gì không thấy, không nghe, và không nghi, thì đừng có dùng nó làm một vật ám ảnh trong đời sống tinh thần của mình. Do vậy trong trường hợp này thì không có thể gọi là sát sanh vì đã không có ý giết.
- Điểm thứ hai: đây là một lời đề nghị của chúng tôi, và đề nghị này trên cái tư cách của nhà Sư, và với tư cách cá nhân, và chúng tôi hoàn toàn không muốn với đề nghị này sẽ làm cho quí vị Phật tử phải buồn phiền. Thật ra nếu có thể được thì chúng ta tránh đi nuôi cá nuôi chim trong nhà, sở dĩ chúng tôi nói điều này vì cảnh cá chậu chim lồng đó có khi mình nuôi một con vật làm cho mình vui, để trang trí trong nhà, nhưng cảnh cá chậu chim lồng vẫn là cảnh tù đầy.
Giả sử như quí vị thấy có những câu chuyện về các nàng cung nữ chúng ta đọc trong Cung Oán Ngâm Khúc, hay có nhiều người sống trong hoàn cảnh rất cao sang đẹp đẽ nhưng bản thân của họ thì đúng là cảnh cá chậu chim lồng không có vui vẻ gì hết, người ta chỉ nuôi mình cho sự sống mặc dầu sự sống sang cả đến đâu nhưng chỉ là món đồ chơi, chỉ là một vật trang trí trong đời sống của họ, mà mình hoàn toàn không có tự do để mình làm cái gì chánh đáng cho đời sống của mình, thì thưa quí vị đó cũng là nghiệp quả. Nghiệp vốn trong qua khứ chúng ta đã từng làm công việc nuôi cá nuôi chim để vì đẹp mắt, để trang trí cho thú vui của mình. Chúng tôi phải hoàn toàn xin lỗi quí vị lần thứ hai nữa là chúng tôi hoàn toàn không muốn một số qúi vị phải khó chịu, làm cho quí vị cảm thấy mình đang bị chỉ trích, chúng tôi không có ý chỉ trích ai hết, chúng tôi biết có nhiều gia đình nuôi cá ở trong nhà, như quí vị thấy, chúng ta nuôi cá nếu có thì giờ chăm sóc cho tốt, vì không có thì giờ chăm sóc nó bị đói và bị chết đi, điều này nếu chúng ta là người không có tâm từ tâm bi thì chúng ta không cảm thấy gì, và chúng ta có đạo tâm thì trở thành ăn năn.
Do vậy trong trường hợp của cô DieuHong thì chúng tôi rất tán thán câu hỏi của cô, vì lý do nhân về điều này chúng tôi xin có một đề nghị là lúc sau này chúng tôi nghe nói và cũng đựơc chứng kiến rất nhiều khi đất nước của chúng ta khi mà cuộc sống ai cũng phải lo miếng cơm manh áo gaọ đong từng bữa, thì ngừơi ta ít có thú vui này thú vui khác, nhưng khi miếng cơm manh áo không còn chi phối chúng ta nữa, thì ngươì ta bắt đầu có những món ăn rất kỳ quái, giết con này con kia một cách không đáng mà chỉ thoả mãn tánh kỳ quặt của chúng ta. Hoặc giả có nhiều người nuôi chim nuôi cá , thưa qúi vị một con chim bị nhốt trong lồng, dù đó là lồng son cũng không có ý nghĩa gì, chúng ta không ai muốn là mình bị người khác đặt mình trong trường hợp tương tự như vậy, và nghiệp đó là nghiệp rất nặng thưa quí vị, nghiệp rất nặng ảnh hưởng chúng ta rất nhiều. Do vậy trong điều thứ hai chúng tôi xin đề nghị nếu chúng ta là người hiểu đạo thì không nên nuôi chim nuôi cá ở trong nhà, thật sự thì nuôi cá trong nhà không có giúp cho chúng ta nhiều, và thứ nhất về phương diện nghiệp báo, nó là nghiệp không được hay.
- Điều thứ ba thì chúng tôi phải nói ở tại đây đó là khi chúng ta tu tập, mà bắt đầu có một chuyện gì và để ý, nhạy cảm như trường hợp của cô Dieuhong đã hỏi, thì đó là một dấu hiệu rất tốt, bởi vì chúng ta đã tìm thấy đạo ở trong đời sống hàng ngày của mình. Có nhiều người học đạo họ xem đạo là một cảnh giới khác và đời sống hiện tại là một cảnh giới khác, và bởi vì là một cảnh giới khác không có liên hệ gì với nhau hết, đến đỗi họ có thể đọc một quyển kinh, nói một đề tài Phật pháp rất là say sưa, nhưng về đời sống hằng ngày hầu nhiên là về Phật pháp và đời sống là hai lối rẽ hoàn toàn khác nhau không dính dáng gì với nhau, đây là một điểm rất là đáng tiếc
Và vì vậy chúng tôi xin trả lời câu hỏi của cô Dieuhong là khi cô nuôi cá trong nhà rồi lại không cho nó ăn không chăm sóc đầy đủ thì có phạm cái tội sát sanh hay không?
Thì chúng tôi xin thưa rằng về phương diện giới, bởi vì mình không cố ý sát sanh nên mình không phạm giới sát sanh.
Hỏi rằng có mang nghiệp gián tiếp hay không thì về phương diện giới thì không, về phương diện nghiệp thì có, là bởi vì chúng ta nuôi cá và một lý do nào đó cá chết, thì trên phương diện nghiệp báo thì có quả xa quả gần về điểm này. Chúng tôi khuyến khích quí vị đừng nuôi cá và nuôi chim.
Riêng về điểm thứ ba chúng tôi có nhắc ban nảy là quả thật đây là điều liên qua đến đời sống hàng ngày, chúng ta sống hiểu đạo rồi có rất nhiều niềm vui nhẹ nhàng và vui nào càng ít gây phiền toái tổn hại đau thương cho chúng sanh khác thì nên, còn những niềm vui nào mang lại hệ lụy cho chúng sanh khác thì chúng ta tránh . Đó là câu trả lời của chúng tôi.
Namo Buddhaya
Minh Hạnh chuyển biên
Download cau hoi 74
Phat Hoc Van Dap Phap Am Lưu Trữ
|