|
Câu Hỏi 67: Tại sao chúng ta cần học Phật Pháp?
(Bài giảng trong khóa tu học tại Âu Châu , ăm 2008)
TT Giác Đẳng: Qúi vị Phật tử một số đã đi chùa nhiều năm qua quí vị sẽ hỏi rằng :
"Tại sao chúng ta cần học Phật Pháp nhiều như vậy, trong lúc chúng ta có thể ngồi thiền hay tu tập một cách trực tiếp không cần phải dành nhiều thì giờ để học với những tài liệu mà khiến chúng ta phải đọc rất nhiều".
Chúng tôi muốn trả lời câu hỏi này bằng một thí dụ là: Ngày xưa theo lịch sử thì người ta cho rằng con người bắt đầu biết ca, biết hát, biết thích âm nhạc, là bởi vì con người biết nhái tiếng của loài thú vật. Như vào buổi sáng ông bà tổ tiên chúng ta ngày xưa thời kỳ chưa có âm nhạc ra ngoài đồng nghe chim hót thì cảm nhận có cái gì hay đặc biệt, rồi tiếng những con vật nó kêu, nó tru, nó gầm v.v... Những âm thanh đó là những âm thanh để lại trong lòng chúng ta một cảm giác gì đặc biệt. Ông bà chúng ta có cảm giác khi nghe những âm thanh như vậy, đôi lúc ông bà chúng ta lại muốn được nghe vào những lúc mà thực sự muốn nghe, tuy nhiên không phải chim lúc nào cũng hót, không phải suối lúc nào cũng reo nên ông bà chúng ta nhái lại những âm thanh như vậy, và từ đó con người bắt đầu nghĩ tới âm nhạc. Mặc dù âm nhạc đã có trên trái đất này lâu lắm, lâu đến độ chúng ta không còn nhớ là từ thời nào những nhạc cụ đầu tiên của con người được biết đến, tuy nhiên chúng ta biết rằng trong một trăm năm trở lại đây đã có rất nhiều sự thay đổi về phương diện âm nhạc trong xã hội loài người, sự thay đổi đó bởi vì có những tiến bộ về kỹ thuật, mà những tiến bộ đó mặc dầu không liên hệ đến âm nhạc, tuy vậy đã thay đổi rất lớn lao ngành nghệ thuật này của nhân loại đó là sự phát minh của hệ thống phóng thanh và hệ thống của đại âm thanh, sự phát minh của những dụng cụ, nhạc cụ bằng điện. Chắc qúi vị biết rằng khi chúng ta ca hát chỉ để cho một số người rất ít nghe bởi vì âm thanh của chúng ta không thể lớn đủ cho cả trăm cả ngàn người nghe thì âm nhạc phải khác đi, bây giờ các ca sĩ ca nếu máy không có đại âm thanh để làm cho tiếng lớn hơn, hệ thống âm thanh không được tốt các ca sĩ cũng không chịu hát. Như vậy khi hệ thống âm thanh được phát lên vì sự cải thiện thì âm nhạc thay đổi rất nhiều, ngày xưa những nhạc cụ của chúng ta rất đơn sơ, rất thô sơ, dần dần trở lên tinh vi hơn, và đặc biệt từ khi những nhạc cụ đó được điện hóa tức là họ dùng điện vào cây đàn ghi ta, điện vào trong trống, cũng như những nhạc cụ khác thì chúng ta thấy rằng cả một nền âm nhạc thay đổi.
Chúng tôi không muốn kể câu chuyện âm nhạc này như một câu chuyện đời xưa ở trong khóa tu này, nhưng chúng tôi muốn kể câu chuyện này như một ví dụ, ví dụ đó là gì? ví dụ đó là theo tinh thần Phật Pháp thì đời nào thời nào con người cũng có những người tốt và những người xấu, trong số những người tốt đó là những bậc mà Đức Phật gọi là bậc thiện trí, những người thiện trí này sống ở giữa xã hội loài người có cống hiến một số lời hay ý đẹp, những lời hay ý đẹp đó được chép trong sách vở được truyền khẩu hoặc được gìn giữ ở trong gia đình ở trong một gia tộc, nhưng thưa qúi vị những lời hay ý đẹp này thường rất rời rạc, không phải chỉ rời rạc mà không đủ âm hưởng lớn mạnh để truyền đạt như một số đông của nhiều người, vì vậy khi Đức Phật Ngài ra đời giáo pháp của Ngài được gọi là "nghĩa văn cụ túc".
Thế nào là nghĩa văn cụ túc?
Chữ "cụ túc" có nghĩa là đầy đủ.
Chữ "nghĩa" tức là cái lý lẽ cái ý nghĩa.
Văn có nghĩa là ngôn từ.
Về phương diện diễn đạt thì phương diện diễn đạt và lý lẽ của đạo lý được xem như tròn đủ trong lời dậy của Đức Phật, điều này là một câu nói rất quan trọng khi chúng ta nói đến chữ "Nghĩa văn cụ túc" bởi vì sao? bởi vì Đức Phật Ngài xác nhận rằng có những sự thật rất cao vời nhưng nếu không được khéo diễn tả với đầy đủ ngôn ngữ với đầy đủ phương thức diễn tả thì những điều đó không thể đi vào tâm hồn và không thể gìn giữ tồn tại lâu dài trên thế gian được.
Như vậy thì chúng ta cần đến kinh điển, chúng ta cần đến lời dạy của Đức Phật để làm gì? bởi vì mỗi một thời đại có một nền văn hoá khác nhau. Nếu qúi vị cũng thời một ý nghĩa đó mà qúi vị là một người có trình độ văn hoá cao và nếu lời nói quá thô sơ đôi khi chúng ta không nghe và không nghe lọt vào trong lòng. Cũng như bây giờ đây là thời đại con người rất tinh tế về âm nhạc, một bản nhạc hay một bài thơ được ngâm một cách rất bình thường không đủ để đi vào trong lòng, mà càng lúc bản nhạc hay một bài thơ cần phải được ngâm được ca và được thâu âm một cách tinh vi, để chúng ta có thể thưởng thức được những trình độ của con người đã bắt đầu cao hơn. Do vậy không phải chúng ta lệ thuộc hay nô lệ sách vở, chúng ta không làm những công việc đó, công việc của người tu là gì? là làm thế nào để cảm nhận được Phật Pháp trong đời sống hàng ngày và áp dụng Phật Pháp vào cuộc sống thật sự của chúng ta, nhưng trên con đường đi đó thì chúng ta cần rất nhiều phương tiện, một trong những phương tiện cần thiết đó là làm thế nào để học Phật Pháp có phương thức có nghĩa văn. Vì vậy ngày hôm nay trong chương trình tu học Bát Quan Trai này mặc dầu chúng tôi dành rất nhiều giờ ưu tiên cho việc tu hơn là việc học, tuy vậy vẫn có một tài liệu Phật Pháp chúng tôi muốn được chuẩn bị cho qúi vị, thật ra tài liệu này không phải được chuẩn bị cho một khóa học mà đúng ra nó là một bộ sách, bộ sách này hết sức quan trọng ở trong đạo Phật, chúng tôi nói quan trọng ở đây không phải để quảng cáo mà chúng tôi sẽ dành một ít thì giờ để nói về lịch sử của bộ sách này.
Ngày xưa khi Phật Pháp được truyền bá các nơi thì người có công lớn nhất trong việc truyền bá đạo Phật người đó là một vị vua, một vị vua sống gần với thời Đức Phật lắm, chỉ có hai trăm năm sau khi Đức Phật viên tịch, vị vua đó là một vị vua được xem như là một Tần Thủy Hoàng của Ấn Độ, trên phương diện là vị vua này đã thống nhất được Ấn Độ, nhà Tần đã thống nhất được Trung Hoa như thế nào thì vị vua đó tức là vua A Dục đã thống nhất được một biên cương rộng lớn của xứ Ấn Độ, khoảng chừng hai trăm năm sau khi Đức Phật Ngài viên tịch. Cũng giống như vua Tần Thủy Hoàng, vua A Dục đã thống nhất đất nước bằng bạo lực, tuy nhiên khác với vua Tần Thủy Hoàng là sau khi thống nhất đất nước rồi thì vị hoàng đế quyền hành cao tột này đã không tiếp tục đường lối cai trị sắc máu của mình, mà nhà vua đã thay đổi một sự thay đổi lớn lao chưa từng thấy ở trong lịch sử của Ấn Độ cũng như lịch sử nhân loại. Từ một vị bạo chúa cầm binh xử dụng binh đao để chinh phục thiên hạ thì vua A Dục đã trở thành một người Phật tử. Sau khi trở thành một vị Phật tử thì nhà vua đã làm được bốn điều và bốn điều được xem như là hy hữu:
1) Điều thứ nhất là tự thân nhà vua đã sống với chánh pháp từ bỏ đao trượng không tiếp tục dùng quân lực để xâm lấn các nước láng giềng xa xôi nữa.
2) Điều thứ hai là nhà vua đã dùng chánh pháp giống như một bản hiến pháp thật sự để trị nước, và những điều gì nhà vua cần biết cần làm nhà vua đều tham khảo với Chư Tăng.
3) Điều thứ ba nhà vua đã làm một công việc rất khó làm, đó là mặc dầu là một Phật tử trọn niềm tin Tam Bảo nhưng vua A Dục vẫn nuôi dưỡng một tinh thần hoà đồng, một tinh thần quảng đại đối với tất cả các tôn giáo, nhà vua vẫn tiếp tục trở thành một hộ pháp không phải riêng cho đạo Phật mà trở thành người hộ pháp cho tất cả các tôn giáo, nói một cách khác là tất cả các tôn giáo đều được hưởng sự quy chế ủng hộ nâng đỡ của nhà vua, và đồng thời nhà vua đã dành cho tất cả các tôn giáo sự dễ dàng trong sự tu tập và hành đạo.
4) Nhưng điều quan trọng lớn nhất của vua A Dục, chúng tôi nói điều thứ tư nhà vua đã làm đã cống hiến, đó là nhà vua đã gửi đi một số Chư Tăng những vị chân tu Phật học rất lỗi lạc thời bấy giờ sang các quốc gia lân cận như Thái Lan, Miến Điện, Lào, Cambochia, Tích Lan v.v... A Phú Hãn, Hy Mã Lạp Sơn, Phu Tăng, Skim ngày hôm nay để làm công việc hoành truyền chánh pháp, sự thấy xa hiểu rộng của nhà vua đã đem lại lợi ích lớn lao vô cùng và nhiều quốc gia Phật giáo mà được thịnh trị ngày hôm nay vẫn xem Phật giáo là quốc giáo là nhờ vào sự khởi xướng đầu tiên của vua A Dục.
Không phải chúng tôi nhắc đến vì liên quan đến bộ sách này. Chúng tôi chỉ muốn nói đến vua A Dục như một khởi đầu của một công trình lịch sử. Lúc nhà vua gửi Chư Tăng đi khắp nơi thì trong số Chư Tăng đó có một vị Tăng mà ngày hôm nay dân chúng Tích Lan còn thờ phượng, vị Tăng đó tên là Mahinda. Mahinda là một vị Thánh Tăng với thân thế rất đặc biệt, Ngài là một vị hoàng tử con vua A Dục, vừa là vị Thánh Tăng đức cao đạo trọng, học vấn uyên bác, mà còn có thân thế vô cùng đặc biệt. Khi đặt chân đến đảo Tích Lan thì Ngài Mahida đã mang theo tất cả tinh hoa của Đạo Phật và khai hoá và truyền đạt tạo nên một truyền thống văn hoá sáng lạng, mà ngày hôm nay người Tích Lan dầu là kẻ theo cựu học cũng giống như người theo tân học đều sùng bái và kính ngưỡng một nền văn hoá sáng chói và khiến từ một đảo quốc xa xôi đã trở thành một trong những trung tâm văn hoá của nhân loại.
Khi Ngài Mahinda mang Phật Giáo đến Tích Lan thì lúc đó chỉ hơn hai trăm năm sau khi Đức Phật viên tịch, và thời đó là thời Đạo Phật còn giữ được rất nhiều sắc thái y nguyên như thời Đức Phật còn tại thế. Cái gì cũng vô thường và kể cả tôn giáo kể cả văn hoá. Mặc dầu Đạo Phật mang đến Tích Lan một thời gian dài thì tại Ấn Độ bấy giờ sanh ra một biến cố, biến cố đó là Phật giáo khi được phát triển với địa bàn rất rộng rãi thì tạo ra tình trạng phân hoá, tạo ra tình trạng tam sao thất bổn, có nghĩa là kinh điển dần dần bị truyền khẩu, bị ghi chép sai lạc đi. Một trong những vị danh tăng người Ấn đặt chân đến xứ Tích Lan, Ngài tên là Buddhaghosa. Ngài ra đi đến Tích Lan với hoài bảo là sẽ xử dụng nguồn kinh điển Phật Giáo Tích Lan để chấn chỉnh lại hệ thống kinh điển của Phật Giáo Ấn Độ. Khi Ngài đặt chân đến Tích Lan thì Ngài đã làm công việc có lẽ rất là mới lạ với thời đó, đó là công việc tu chính Tam Tạng, Ngài đã đem tất cả những kinh văn Đạo Phật của Tích Lan và của Ấn Độ phối hợp lại và với cái nhìn rất thận trọng, với sự nghiên cứu hết sức tỉ mỉ của Ngài trong nhiều năm trời, và Ngài đã xác định được những bản chú giải nào gần giống và có thể gìn giữ được là bản chú giải miên niên của Đạo Phật và những gì cần phải lượt bỏ. Khi Ngài đem tất cả kinh điển của Đạo Phật gom lại làm một công việc hiệu đính, thì một ý tưởng nghĩ trong đầu óc của Ngài là Kinh Điển quả thật là rộng lớn về phẩm cũng giống như lượng, bây giờ làm thế nào có thể chuyển đạt đến cho hàng hậu học về sau này những người có thể đọc vào kinh điển mà không sợ sai lạc mà trong đó gồm cả pháp học và pháp hành, có nghĩa là vừa học để mở mang kiến thức được và vừa hành đạo được, và cuối cùng Ngài đã đi đến quyết định viết một tập sách, tạp sách trở thành vô cùng danh tiếng trong Đạo Phật đó là quyển Thanh Tịnh Đạo.
Quyển Thanh Tịnh Đạo nói về bảy phép thanh tịnh dựa trên Giới, Định, Tuệ, tức là Tam Học, và đã được Đức Phật Ngài truyền dạy, bởi vì tập Thanh Tịnh Đạo này có tác dụng như là pháp học và pháp hành, bộ sách này đã trở thành tập sách gối đầu giường cho nhiều thế hệ Phật tử về sau này. Năm 1949 có một vị sĩ quan người Anh, ông đóng quân tại Đức sang Tích Lan để nhận một công tác mới tại xứ Tích Lan, lúc bấy giờ vị sĩ quan người Anh này tình cờ tiếp xúc với Phật Pháp và trở thành Tăng sĩ, sau khi trở thành vị Tăng sĩ thì vị sĩ quan này có tên mà ngày hôm nay ở trong giới học Phật rất quen thuộc đó là Ngài Nanamoli. Ngài Nanamoli mặc dầu tuổi thọ không nhiều và thời gian trở thành vị Tăng sĩ không lâu, chỉ được mười năm thôi, nhưng khi Ngài bị một cơn bịnh nan y và qua đời thì thế giới Phật Giáo đã nhớ đến Ngài Nanamoli như là một trong những vị Tăng đã cống hiến nhiều nhất trong việc mang đạo Phật đến với văn hoá Tây Phương về sau này. Ngài Nanamoli đã dịch rất nhiều dịch phẩm từ Pali sang Anh ngữ, không những dịch mà làm một công việc hiệu đính có nghĩa là trình bày lại một cách rất là sáng sủa mạch lạc. Công việc của Ngài Nanamoli làm rất nhiều, một trong những cống hiến đó là Chú Giải Khuddakapàthaatthakathà là một tập chú giải về những bản kinh quan trọng như Hạnh Phúc kinh, Từ Bi kinh, Tam bảo kinh v.v... Và một công trình vĩ đại khác Ngài Nanamoli đã để lại trước khi qua đời đó là dịch bộ Visuddhimagga tức là quyển Thanh Tịnh Đạo của Ngài Buddhaghosa sang tiếng Anh. Khi Ngài dịch Ngài đã phân đoạn từng phần một và Ngài ghi chú cách trình bày cũng giống như là sắp xếp hoàn toàn theo phương pháp trình bày hiện đại bây giờ. Khi chúng tôi sang Thái Lan ở trong chùa wat Phananchoeng, chùa có rất nhiều vị Tăng sĩ người Anh và là những vị rất lỗi lạc về phương diện ngôn ngữ ở bên ngoài, những vị này có nhìn nhận một điều rằng bản dịch bộ Thanh Tịnh Đạo có một giá trị rất lớn về phương diện ngôn ngữ.
Chúng tôi nghĩ rằng vua A Dục khi gửi đứa con thân yêu của Ngài là Ngài Mahinda đến Tích Lan thì vua A Dục đã làm một cống hiến thật lớn là Ngài đem Phật Giáo đến một đảo quốc, và đảo quốc đó đã gìn giữ Đạo Phật liên tục 2300 năm và đã gìn giữ sự y nguyên của Đạo Phật cho đến ngày hôm nay. Từ đạo quốc đó một vị danh Tăng là Ngài Buddhaghosa đã làm một kỳ công là hiệu đính Tam Tạng lần đầu tiên, không phải chỉ hiệu đính và viết chú giải mà Ngài viết một bản chấn lục lần được đầu tiên, và bản chấn lục đó mang tên Visuddhimagga tức là quyển Thanh Tịnh Đạo là một bộ sách rất qúi. Bộ sách đó đã được một nhân duyên rất đặc biệt là dịch sang Anh ngữ và được hiệu đính một lần nữa theo phương pháp hiện tại bây giờ bởi Ngài Nanamoli mà chúng tôi nghĩ rằng sẽ không có ai có thể làm tác phẩm lần thứ hai dịch từ Phạn ngữ sang Anh ngữ như vậy nữa.
Tuy nhiên cái kỳ tích của tác phẩm này chưa dừng lại tại đó và cách đây vài năm có một người ở Việt Nam, người đó rất là quen thuộc với người Phật tử Việt Nam đó là dịch giả của quyển "Huyền Trang - Nhà Chiêm Bái và Học Giả" người đó là học giả người dịch quyển "Câu chuyện giòng sông". "Câu chuyện giòng sông" được dịch từ một tác phẩm rất danh tiếng Siddhartha của Hermann Hesse, và người đó là người dịch quyển "Tư tưởng Phật Học" mà trước kia có tên là "Con đường thoát khổ," là một bản dịch hết sức là giá trị được xem như là giáo khoa và vị đó chính là Ni Sư Thích Nữ Trí Hải. Vị nào đã đọc kinh sách Phật Học Việt Nam thì qúi vị đã biết đến Ni Sư Thích Nữ Trí Hải. Ni Sư Thích Nữ Trí Hải mặc dầu sau nhiều năm tranh đấu cho tự do và bị tù đày trở về đả làm công việc là bỏ thì giờ còn lại của mình để dịch tác phẩm Visuddhimagga ra tiếng Việt và HT Minh Châu có một lần nói "chỉ tên Thích Nữ Trí Hải đã bảo đảm cho tác phẩm chứ không cần phải dài dòng giới thiệu." Quý vị đã đọc quyển "Tư tưởng Phật học" hay "Câu chuyện giòng sông" thì có thể cảm nhận được ngoài bút pháp rất linh động rất là Việt Nam, một lối văn dịch rất trung thành với nguyên bản và trên phương diện văn chương gần với văn chương Việt Nam thì Sư Cô đã làm công việc đó là dịch ở trong hình thức sáng sủa. Chúng tôi nghĩ rằng đây là bản dịch tốt nhất cho đến bây giờ chúng tôi vẫn thành thực tin rằng sẽ không có bản dịch thứ hai tốt hơn bản dịch này từ Anh ngữ sang tiếng Việt./.
Namo Buddhaya
Minh Hạnh chuyển biên
Download cau hoi 67
Phat Hoc Van Dap Phap Am Lưu Trữ
|