Buddhist Studies
 

 


Câu Hỏi 62: Tại sao trong kinh Tứ niệm xứ lại nhấn mạnh mệnh đề lấy thân quán thân, lấy thọ quán thọ, lấy tâm quán tâm, lấy pháp quán pháp.


(Bài giảng trong rơom Diệu Pháp , Ngày 06 tháng 9 năm 2007)

Sư Trưởng: Trong bài kinh Tứ niệm xứ chúng ta thấy đoạn kết của mỗi chuơng hay mỗi đề Thân Thọ Tâm Pháp bằng sáu câu mà tôi gọi là tinh hoa của Thiền quán. Như nói về niệm hơi thở, đoạn cuối Đức Phật nói,
“ Như vậy vị Tỳ kheo quán thân trên nội thân, quán thân trên ngoại thân, quán thân trên nội và ngoại thân. Vị ấy sống quán Pháp sanh khởi, quán Pháp đoạn diệt, quán Pháp sanh khởi và đoạn diệt”. Sáu câu trên trong đoạn kết thật sâu sắc.

Nhiều khi chúng ta đọc qua kinh Tứ niệm xứ, mải mê để ý đến hơi thở, oai nghi, tiểu oai nghi, quán thân bất tịnh v.v…Nhưng đoạn kết sáu câu mỗi đoạn như vậy là Tinh hoa của thiền quán. Nhưng phần lớn ngay cả những vị thiền sư viết sách cũng lướt qua một phần rồi bỏ qua không nói đến. Còn nói chi người đọc thấy các đoạn giống nhau lại bỏ qua. Nhưng sáu câu này mỗi đoạn có chi pháp li chi rất đặc biệt. Bây giờ chúng tôi xin nói sáu đoạn tinh hoa này, rồi sẽ giải thích trở lại với mệnh đề pháp nội phần, ngoại phần, nội phần và ngoại phần.

Trong bài kinh Tứ niệm xứ Đức Phật nhấn mạnh đọan kết mỗi một đề tài đều có nêu sáu câu này. Sau này quý vị có dịp đọc cũng nên để ý nhất là những vị giảng sư, thiền sư lưu tâm để sáng tỏ vấn đề sẽ đươc nhiều lợi ích.
-Pháp gọi là nội phần, đây chỉ cho Pháp nào đang làm căn hay quyền (indriya) tức là sáu nội xứ.
-Pháp gọi là ngoại phần là chỉ cho Pháp nào đang làm cảnh hay sáu ngoại xứ.
-Pháp nào gọi là nội và ngoại phần tức là những Pháp, ở đây có hai phần được nói,
a/ Những pháp này liên đới hay liên quan cả nội phần và ngoại phần, giống như người đứng dang hai chân trên hai xuồng, tức là nhờ cả hai.
b/ Những pháp đó vừa đang làm nội phần mà cũng đang làm ngoại phần.
-Quán pháp tập khởi tức là quán theo lý duyên sinh
-Quán đoạn diệt tức là quán theo lý duyên diệt.
-Quán tập khởi và đoạn diệt tức là vừa quán Ngũ uẩn và Niết-Bàn.

Thí dụ quán ngũ uẩn vô thường, là sao? Ngũ uẩn vô thường bởi nó có bắt đầu và kết thúc. Đó là quán về tập khởi. Còn cái hoại diệt, nói về câu thứ hai Niết-Bàn không có hành tướng vô thường tức là không có trạng thái bắt đầu và kết thúc. Như vậy cùng một lúc phân ra giữa câu này và câu kia nói hai ý nghĩa. Chúng tôi tìm thấy Pháp này trong bộ Patisambhida, mới đầu đọc chúng ta rất chán thấy sao kê khai một pháp thấy vô thường khổ não vô ngã hữu vi ngũ uẩn. Còn một pháp toàn liên quan đến Niết-Bàn. Một đoạn thì nói cả hai.

Nhưng đến đây mới thấy ý nghĩa thiền quán mà trong bài kinh Tứ niệm xứ nói đến là quán pháp tập khởi, quán pháp đoạn diệt, quán pháp tập khởi và đoạn diệt. Nếu không có bài kinh Patisambhida, theo truyền thuyết do Ngài Xá-Lợi-Phất giảng dạy thì tôi cũng không tìm ra được cái mấu chốt này trong sáu câu căn bản của thiền Tứ niệm xứ. Đó là chúng tôi trình bày sơ qua đại ý. Tôi xin lập lại cho quý vị nhớ.

Khi được nói đến nội phần là nhấn mạnh sáu nội xứ
Khi nói đến ngoại phần là nhấn mạnh sáu ngoại xứ
Khi nói đến nội và ngoại là nói đến cả hai
Khi nói đến tập khởi là nói theo lý duyên sanh
Khi nói hoại diệt là nói theo lý duyên diệt
Khi nói tập khởi và hoại diệt là chỉ rõ giữa hữu vi và vô vi, có sự so sánh như vậy.

Như vậy chúng ta đã biết nội phần, ngoại phần, nội và ngoại phần. Tôi đưa ra thí dụ rồi phân tích chi pháp sau.
Thí dụ chúng ta nhìn một tử thi là cảnh sắc, xác chết này chỉ là cảnh chứ không có căn mặc dù mắt tai mũi lưỡi thân còn nằm đó, nhưng sắc thần kinh nhãn, thần kinh nhỉ thần kinh tỷ, thần kinh thiệt, thần kinh thân, tâm thức không có. Do đó nên đối với tử thi này là cảnh sắc, nó chỉ làm cảnh chứ không làm căn.
Nếu một người sống độc cư một mình, chung quanh không có ai cả. Mặc dầu người đó vẫn có thân thể, có thể nhìn thấy, khi ho vẫn có thể có người nghe nhưng đã là độc cư, ở một mình, nên không có người thấy nguời nghe v.v…nên chưa thành cảnh. Như vậy người này chỉ có căn mà không có cảnh.
Nếu hai người đối diện với nhau nói chuyện, thì người đang nói cho người kia nghe, người đang nghe chỉ nhìn người đang nói. Người đang nói nhìn người đang nghe vừa là căn trong sáu căn hay sáu xứ nội, nhìn người kia coi mình nói họ vui hay buồn thì đối tượng người nghe là cảnh sắc. Người đang nghe dầu nhắm mắt lại đi nữa nhưng có suy tư vừa là căn có nội xứ, vừa nghe tiếng của người nói là cảnh thinh là có ngoại xứ. Cả hai người đó vừa là nội vừa là ngoại, bởi người này thấy người kia, người kia nghe người này. Nói như vậy có nghĩa là vừa nội phần vừa ngoại phần. Đó là thí dụ để quý vị nương theo thí dụ để hiểu vấn đề

Bài học hôm nay chúng ta phân theo Tứ niệm xứ,
Niệm thân là nói về sắc uẩn
Niệm thọ nói về thọ uẩn
Niệm tâm nói về thức uẩn
Niệm pháp nói về tưởng uẩn và hành uẩn
Điều này quý vị nên lưu ý , đây là lối giải thích Tứ niệm xứ phân theo Ngũ uẩn. Tứ niệm xứ phân theo 12 xứ thì khác, Tứ niệm xứ phân theo 18 giới thì khác, Tứ niệm xứ phân theo bốn đế hay Tứ diệu đế thì khác nữa.

Ở đây chỉ nói Tứ niệm xứ phân theo Ngũ uẩn. Tưởng uẩn và Hành uẩn kể như trong phần niệm Pháp nhưng không phải chỉ đây là nhiếp. Chúng ta đặt lên một câu hỏi, vấn đề sẽ sáng tỏ, đó là Tứ niệm xứ nhiếp Ngũ uấn hay Ngũ uẩn nhiếp Tứ niệm xứ?

Câu trả lời sẽ cho chúng ta thấy rõ là Tứ niệm xứ nhiếp Ngũ uần chứ Ngũ uẩn không nhiếp đựoc Tứ niệm xứ. Tại sao?
Tứ niệm xứ là một đề tài rộng lớn nói chung, Ngũ uẩn là một đề tài nhỏ hơn nói riêng. Tức là trong Tứ niệm xứ có ngũ uẩn và cũng có thể là trong Ngũ uẩn có Tứ niệm xứ nhưng không có nghĩa Tứ niệm xứ chỉ nằm trong Ngũ uẩn, bởi vì Niết-Bàn còn được nói đến trong Tứ niệm xứ . Nếu phân Tứ niệm xứ theo 12 xứ thì Niết-Bàn là Pháp xứ, 18 giới Niết-Bàn là Pháp giới, Tứ diệu đế thì Niết-Bàn là Diệt đế v.v.. chúng tôi minh định giải rõ ý nghĩa này.

Chúng ta nêu lên một câu hỏi nữa.
“ Đức Phật Ngài thuyết một chi pháp cũng đủ, tại sao Ngài lại nói về 5uẩn, 12 xứ, 18 giới, 4 đế làm chi. Cũng chi pháp này cũng bao nhiêu tâm, tâm sở, Niết-Bàn mà đảo đi đảo lại chi cho nhiều?”

Bởi vì có lý do, có điều đặc biệt Đức Phật không thể không nói.
Không có một từ nào gói ghém trọn vẹn Pháp hữu vi cho bằng từ Ngũ uẩn. Ngũ uẩn tức là Hữu vi, Hữu vi tức là Ngũ uẩn vì hữu vi là pháp do duyên trợ tạo,
Đã sanh là pháp hữu vi
Ắt là phải có cái chi trợ cùng
Do đó pháp hữu vi được nói đến nằm trong danh từ Ngũ uẩn trọn vẹn.

Nói như vậy nhưng trên một phương diện khác người ta khó phân tích, lấn cấn, thì phải nói đến 12 xứ.
12 xứ để chia 6 xứ nội và 6 xứ ngoại.
6 xứ nội tức là 6 căn.
6 xứ ngoại là 6 cảnh.
Đế minh định rõ ràng trong- ngoài.
Như vậy pháp nào đang làm indriya là Quyền hay Căn thì pháp đó được gọi là nội phần. Pháp nào đang làm cảnh thì pháp đó là ngoại phần.
Rõ ràng giữa chủ và khách.
Trên phương diện này chúng ta sẽ thấy,
Nói về nhãn nhĩ tỷ thiệt thân hẳn là sáu phần sắc uẩn. Nhưng phần ý xứ thì không phải là sắc uẩn nữa mà là tất cả tâm, 121 tâm.
Nói về sáu cảnh sắc thinh khí vị xúc hẳn là sắc uẩn. Nhưng phần pháp thì không phải như vậy. Vì phần pháp xứ gồm cả 52 tâm sở, 16 sắc tế luôn cả Niết-Bàn. Như vậy chúng ta thấy thêm ý nghĩa riêng biệt để phân làm hai, trong-ngoài, nội phần- ngoại phần.

Phân như vậy lại nói đến 18 giới làm gì?
Nếu không nói đến 18 giới thì còn một chỗ ẩn tàng chưa được phân tích, đó là nói đến Thức uẩn là tất cả tâm. Ý xứ cũng là tất cả tâm.
Bây giờ đã đến lúc phải chia làm bảy phần nhãn thức giới, nhĩ thức giới, tỷ thức giới, thiệt thứcgiới, thân thức giới, ý giới, ý thức giới. Chia ý xứ thành bảy phần giới này để làm gì? Bởi vì ở đây đã đến lúc phải phân tất cả pháp nội phần, tất cả pháp ngoại phần, tất cả pháp nội và ngoại phần.
Bảy giới này được nói đến vì,
Nhãn nhĩ tỷ thiệt thân hẳn là những nội xứ.
Sắc thinh khí vị xúc hẳn là những ngoại xứ.
Nhưng phần ý xứ, thúc uẩn, ý xứ này bây giờ được biết đến là bảy giới là những pháp phải liên đới với nội phân và ngoại phần như trong kinh văn mà chúng ta thấy Đức Phật thương nói đến .
“Do duyên con mắt, do duyên các sắc, nhãn thức sanh khởi”. hay bốn nguyên nhân sanh lên nhãn thức do có con mắt , do có cảnh sắc, do có ánh sáng, do có sự chú ý. Như vậy chúng ta thấy rõ ràng. Đây là nhãn thức cũng là thức uẩn, nhãn thức cũng là ý xứ. Ở đây nhãn thức tức là nhãn thức giới. Là pháp tôi nói gíông như đứng dạng chân hai bên . Ví khi sanh lên nó phải nương nội xứ là nhãn căn. Nó sanh lên là vì nó biết được cảnh sắc là sắc xứ. Do đó nó là pháp nội và ngoại phần.

Từ đây trở đi Đức phật nói tiếp,
“ Do vì sự tụ họp, giáp mặt của ba pháp này được gọi là Xúc”, tức là trong tâm nhãn xúc có 7 tâm sở biến hành như chúng ta đã biết.
Như vậy sự giáp mặt của ba pháp, tụ hội giữa ba phápnày căn-cảnh-thức nên gọi là xúc. Từ nhãn thức trở đi xem như là những pháp vừa là nội phần vừa là ngoại phần .
Do từ Xúc, trong sự tập khởi của Xúc có sự tập khởi của Thọ. Xúc cũng là một trong bảy tâm sở biến hành , Thọ cũng là một trong bảy tâm sở biến hành, đều có mặt trong tâm nhãn thức. Thọ (dầu khổ, lạc, xả), sanh lên nối tếp sau mà xuất xứ từ nhãn xúc thì được gọi là nhãn thọ. Bởi vì những lộ ý nối theo lộ nhãn này nó còn nhiều công đoạn nên khi Đức phật nói đến, “ Do duyên mắt do duyên các sắc nhãn thức sanh khởi” Sự tụ họp ba pháp này gọi là xúc, từ tập khởi của xúc có sự tập khởi của thọ, từ thọ duyên cho ái gọi là sắc ái. Từ chỗ nhãn thức đến sắc ái này, nó là những pháp nội và ngoại phần, bởi vì nó nương căn- cảnh nên nó mới sanh khởi được. Đó là ý nghĩa như vậy.

Nói vế mắt- các sắc- nhãn thức v.v…như thế nào thì phần còn lại nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, hướng trình bày giải thích vẫn tương tự. Chi pháp dĩ nhiên là có khác.

Niết bàn được kể như pháp ngoại phần. Và Chế định nếu được nói đến cũng kể là pháp ngoại phần, tại sao?
Niết-Bàn và Chế định làm cảnh chứ không làm căn. Trong khi tâm, tâm sở, sắc pháp thì có thể đóng vai nội và ngoại phần nhất là tâm và tâm sở có thể vừa là căn vừa là cảnh. Còn Niết-Bàn và Chế định làm cảnh chứ không bao giờ nó làm căn. Niết-Bàn là đối tượng của tâm siêu thế, nếu trong lộ trình tâm đắc đạo từ Gotrabhu, chuyển tộc đạo quả thì chỉ biết Niết-Bàn là cảnh duy nhất mà thôi. Do đó Niết-Bàn chỉ là cảnh chứ không bao giờ làm căn.

Còn Chế định cũng vậy, chế định là pháp không thật có, nên không thể nói là nội hay ngoại, nhưng nó cũnglà pháp xứ, pháp giới, cũng là đối tượng của ý thức nên nó cũng là cảnh pháp. Thí dụ chúng ta học về lộ trình tâm, khi mắt thấy sắc chẳng hạn. Những giai đoạn đầu chỉ là thâu bắt cảnh chân đế, chỉ là có đối tượng bị thấy, không có ý niệm về danh từ ý nghĩa chi cả.
Thứ tư lộ ý nối đi
Tướng, Nghĩa chế định vậy thì sẽ ra
Từ công đoạn thứ tư trở đi thì, những lộ ý nối theo lộ ngũ nói chung hay lộ nhãn nói riêng thì mới khởi lên cảnh này, cảnh sắc đó nó có tên như vậy, có nghĩa như vầy. Từ đó cảnh chế định mới xuất hiện trở thành cảnh pháp hay đối tượng của ý thức, mới phân biệt tốt xấu v.v…Như vậy pháp Chế định nếu được kể đến thì nó cũng là pháp ngoại phần hay ngoại xứ bởi nó làm cảnh chứ không bao giờ làm căn. Mặc dầu nó là chế định không có thực tính, nhưng nếu được xài đến nó chỉ làm cảnh. Còn Niết-Bàn là pháp có thực tính chỉ làm cảnh chứ không bao giờ làm căn, tức không phải nội xứ.

Như vậy chúng ta đã minh định quá rõ ràng những pháp nào gọi là nội xứ. Quý vị lưu ý cái mà tôi gọi là đang làm, chứ nếu nó trôi qua trở thành dĩ vãng thì là cảnh.
Pháp nào đang làm căn thì pháp đó gọi là nội phần,
Pháp nào đang làm cảnh pháp đó là ngoại phần,
Pháp nào đang làm căn cũng đang làm cảnh, đó là nội và ngoại phần.
Như chúng tôi đã thí dụ, chúng tôi đang nói, quý vị đang nghe. Quý vị nghe tiếng tôi nói, đó là cảnh thinh là ngoại phần. Hiện hữu 6 nội xứ của tôi đầy đủ. Như vậy tròn đủ nội phần và ngoại phần. Quý vị cũng vậy pháp nào đang làm căn và cũng đang làm cảnh thì nó là nội và ngoại phần. Nếu hiểu được ý nghĩa này, chúng ta tóm gọn các Pháp vào trong một ý nghĩa như tung một mảnh lưới, hốt tất cả tôm tép cá lớn cá nhỏ vào trong chài, không dư sót một phần nào. Đây là phần chúng tôi trình bày giải thích với sự so sánh về bài kinh Tứ niệm xứ liên quan đến các Pháp nội phần, ngoại phần, nội và ngoại phần.

Chúng tôi xin được dứt lời tại đây
Namo Buddhaya


Chánh Hạnh chuyển biên

Download cau hoi 62

Phat Hoc Van Dap Phap Am Lưu Trữ