Buddhist Studies
 

 


Câu Hỏi 61: Ngày xưa Đức Phật Ngài giảng về bài kinh “Tứ Diệu Đế”, chỉ cần nghe bài kinh thôi có nhiều vị chứng đắc đạo quả. Như bài kinh “ Chuyển Pháp Luân” nghe xong năm anh em Kiều Trần Như chứng đắc đạo quả. Bây giờ chúng con nghe Tứ Diệu Đế rất nhiều, nhưng không đắc gì cả. Như vậy có phải là vì phước báu Ba-la-mật không đầy đủ hay mức độ hiểu chưa thâm sâu?


(Bài giảng trong rơom Diệu Pháp , Ngày 05 tháng 7 năm 2007)

Sư Trưởng: Qua câu hỏi, vấn đề tứ đế mà chúng ta nghe, chỉ nghe qua như là Khổ- Khổ tập khởi- Khổ đoạn diệt- Khổ tập diệt đạo. Nếu chỉ nghe trình bày như vậy mà không đắc chứng được, không hẳn là phước kém. Nhưng vì chưa gặp được một vị thiền sư đã thành tựu đạo quả để hướng dẫn cách quán Tứ đế. Đức Phật Ngài có nói rõ, với một người chứng đắc thật sự với mức độ nào đó như bậc Thánh chẳng hạn, mới có thể đặt người khác vào địa vị tương đương. Nhưng nếu gặp những vị thiền sư phàmTăng hoặc vị pháp sư giảng sư vẫn căn cứ trên kinh điển để giảng. Dầu giảng có hay nghĩa lý chẳng hạn, nhưng người nghe chỉ hiểu lý trên phương diện giáo lý có tính cách triết lý, nếu người đó không có căn lành từ quá khứ, nghe được pháp gợi lên đúng mạch đúng đường, do đó không đắc đạo quả thì không có gì lấy làm lạ.

Thường người ta nói, “Mực còn có cái mẹo”, chưa chắc người có học nghề như là thợ mộc, học cái cách bỏ mực đã thành công. Đôi khi cái ghế, như có người kêu là cái ghế đẩu, người gọi là cái ghế một chẳng hạn. Cái ghế đó thấy rất tầm thường đơn giản, nhưng nếu không phải người được học do vị thầy truyền dạy cho, chưa chắc đóng được ghế đó. Một là nó sẽ bị túm chân, ngồi sẽ bị ngã, bởi vì cái ghế đó đóng làm sao mà trên thì nó lớn ở dưới nó nhỏ. Cách đục mực làm sao cho khéo, cái mực căn bản là như vậy nhưng nếu không biết cái mẹo. Tuy bỏ mực nhưng còn cái mẹo là phải đục xuyên vào trong để cho bốn chân về phía dưới rộng ra được, nó mới không bị lật bị ngã. Còn nếu ghế đó đục thẳng cái mực vô, ở trên bao nhiêu ở dưới bao nhiêu thì sẽ bị túm chân, mà hễ túm chân thì ngồi có thể bị lật bị ngã. Cũng như đóng ghế bố nếu không biết cách, mực mà không có cái mẹo thì làm xong cái ghế bố hễ nằm mà ngồi lên thì phía sau nó đánh dát ót. Nên cũng phải có cái mẹo để làm được cái ghế bố.Những việc chúng ta thấy đơn giản tầm thường như vậy nhưng cũng còn có những cái mẹo.

Trở lại pháp “Tứ đế”. Bây giờ quý vị nghe trên phương diện như:
-Khổ: sanh, lão, bệnh, tử.
-Khổ tập khởi: Áidục, Tham ái.
-Khổ đoạn diệt: Niết bàn.
-Khổ đoạn diệt đạo : Bát chánh đạo là con đường đưa đến Niết-bàn.
Nghe như vậy quý vị hiểu cạn hiểu sâu, nhưng thật sự chưa giác ngộ được. Ở đây chúng ta thấy có một đoạn Đức phật chỉ nói đến khổ và con đường đưa đến sự diệt khổ, không nói đến khổ tập khởi là Ái, không nói đến khổ đoạn diệt là Niết-bàn. Điều này mới nghe qua chúng ta thấy lạ, nhưng thật sự đây chính là cái mẹo. Nếu như quán trong bộ Patisambhidā dạy, phần Vipassana quán về 40 hành tướng. Phân từ đó chúng ta học thêm được cái mẹo để quán về Tứ đế.

Quán về sự khổ, đã đành rồi. Nhưng thí dụ như quán về sắc uẩn chẳng hạn. Nó vô thường bởi vì nó có bắt đầu và có kết thúc. Khi người này biết một cách trực tiếp một cách trực giác, biết được về sắc uẩn, hay là con mắt, hay bất cứ cái nào làm đề mục. Phải hiểu nghĩa vô thường chứ nếu hiểu nghĩa vô thường theo cách thông thường, đại khái như tuổi nhỏ thì còn trẻ, tuổi già tóc bạc răng long. Nếu quán như vậy thì sẽ không đắc được đạo quả. Nhưng nghe được lý Anicca là vô thường là có bắt đầu và có kết thúc, hay là nó không bền vững, hay nó là pháp hữu vi do duyên trợ tạo, hay là phi hữu tức là nó từ không rồi có có rồi không.

Nhưng chỉ nói một vấn đề là quán thấy sắc uẩn là vô thường vì nó có bắt đầu và có kết thúc. Và điều này không phải là nghĩ suông mà phải trực giác hay là biết một cách trực tiếp. Nhìn thẳng vào cái gì gọi là sắc uẩn, biết thật cái ý nghĩa sắc uẩn như vậy. Khi phân tích đi sâu vào đối tượng bằng cách lấy thân chúng ta. Bao giờ thấy rõ sắc uẩn, thấy rõ được sự thật, thì bấy giờ mới quán thấy nó vô thường. Như vậy vị này, ngược lại thật quán trên cái gì không phải là vô thường, thì quán thấy sự diệt tận ngũ uẩn, tức Niết bàn là thường bởi vì Niết bàn không có bắt đầu và không có kết thúc. Chỉ quán như vậy cũng thấy được Niết bàn, mà thấy được Niết bàn phải là tâm siêu thế. Mặc dầu tâm Khán ý môn cũng có thể biết bằng cách hướng đến đối tượng hay, Gotrabhu là Tâm chuyển tộc cũng biết Niết bàn. Nhưng vì đó giống như trời rạng đông, sắp xuất hiện mặt trời như thế nào thì những sát-na này cũng biết nhận xét như vậy. Thật sự cái kiến đạo, thấy được Niết bàn chính là tâm siêu thế. Khi quán thấy bản chất thực sự như vậy, mới đắc đạo quả.

Hay là, khi ngay trong trạng thái, khi quán thấy sắc uẩn nó là vô thường bởi nó có hành tướng là bắt đầu và kết thúc. Từ đó đi quán sâu vào mới thấy rằng tất cả đều có bắt đầu và có kết thúc. Từ một mạng sống trăm tuổi nó cũng bắt đầu từ tâm tục sinh, kết thúc bằng tâm tử. Cho tới một oai nghi Đi- Đứng-Nằm- Ngồi cũng có bắt đầu và kết thúc. Một hơi thở vào-ra cũng có bắt đầu và kết thúc. Quán như vậy thấy sắc uẩn nói riêng, ngũ uẩn nói chung là vô thường vì nó có bắt đầu và kết thúc. Ngay trong khi thấy thật sự như vậy, quán thấy rõ như vậy, thật sự như vậy ( trực tiếp thấy) thì ngay lúc đó là Tuỳ thuận nhẫn là Anulomikāya khantiyā tức là tuỳ thuận thân nhẫn bởi vì thuận thứ trí chịu khó phân tích, đi sâu vào trong đối tượng. Người đắc được Tuỳ thuận nhẫn, vị ấy quán thấy Niết bàn là thường bởi Niết bàn không có bắt đầu và không có kết thúc. Như vậy đối lập với cái ngũ uẩn hay cái hữu vi có bắt đầu và có kết thúc mà quán thấy trực tiếp sự diệt tận ngũ uẩn, tức là Niết bàn không có bắt đầu và không có kết thúc. Do đó nên Niết bàn là thường. Trạng tháí này gọi là đi đến thành tựu cái gọi là Sammatapiyāma tức là Chánh tấn cố định, tức là tâm đạo phát sanh. Rõ ràng thế đó.

Hay là, quán thấy sắc uẩn là khổ. Tại sao? Vì sự thật nó có khổ bởi vì nó bị sự sanh diệt bức bách như thở vô rồi thở ra. Cứ như vậy, nó có chặng đầu chặng giữa và chặng cuối. Nó bắt đầu hơi thở vô rồi kết thúc hơi thở vô, bắt đầu hơi thở ra rồi kết thúc hơi thở ra. Bắt đầu là sanh kết thúc là diệt, mặc dầu biết như vậy nhưng không thể thở vô mà không thở ra. Hay là không thể thở ra mà không thở vô. Nó bị bức bách phải thở ra và thở vô, thí dụ như vậy. Nhiều khía cạnh khác quán thấy rõ như vậy, thì đó là cái khổ.

Hay là quán thấy nó khổ như nó là mụt nhọt sưng lên là sự sanh, chín muồi như là sự già, đau nhức là bị phiền não châm chích, mụt nhọt dập bể như là sự chết. Quán thấy rõ ( trực tiếp) trạng thái như vậy đó, thì thấy nó là khổ. Trong khi quán thấy khổ như vậy, người đó cũng gọi là đắc Tuỳ thuận thân nhẫn, rồi quán trí đó mới phát triển lên nhìn thấy ngũ uẩn khổ như vậy, mới nhìn thấy sự diệt tận ngũ uẩn, tức là Niết bàn là lạc. Bởi vì Niết bàn không có bị sanh diệt bức bách, bởi Niết bàn không có trạng thái như ung nhọt tức là có sanh, già, đau, chết v.v…Bất cứ một hành tướng nào trong 25 hành tướng khổ, quán thấy ngũ uẩn như vậy, thực sự như vậy thì đắc Tuỳ thuận thân nhẫn.Quán thấy diệt tận ngũ uẩn tức là Niết bàn là lạc, bởi nó không có trạng thái đó.

Hay là, quán sắc uẩn nói riêng hay ngũ uẩn nói chung là vô ngã, bởi vì phàm phu không biết thì cứ trừu tượng nghĩ rằng, cho danh sắc này có tự ngã có linh hồn như
“Sống là thể xác
Thác là tinh anh”
Có một cái gì để chuyển tiếp, kể cả vị tỳ kheo Sati, ông cho rằng, “Với pháp Đức Thế Tôn thuyết giảng tôi được hiểu, chính vì cái thức từ kiếp này chạy sang kiếp khác, từ cảnh giới này đi sang cảnh giới kia”. Ông bị Chư Tăng khiển trách, ông không chịu bỏ, ông đến gặp Đức Phật, Đức Phật cũng khiển trách. Như vậy tức là vì không hiểu không biết, mới nghĩ như vậy. Mà ở đây khi quán thấy cái ngã, thì một cái đơn thuần là có một, bất biến là không diệt không có, đó là vô ngã. Nhưng cái ngã, kể cả cái vô ngã đều là pañña, tức là cái chế định cả. Bởi vì người kia do không quán, trừu tượng cứ nghĩ cho là có, nhưng thât sự nó không có.

Bây giờ vị quán thật sự trong sắc uẩn hay là ngũ uẩn tìm cái tự ngã mà người ta nghĩ đó, thấy không có cái gì là tôi, không thấy có cái gì là của tôi, không thấy có cái gì là tự ngã của tôi. Quán thấy như vậy, tức là quán thấy vô ngã, đối lập lại cái ngã nhưng nó vẫn còn trong phạm vi cái chế định. Nhưng khi vị ấy quán qua thấy sự đoạn diệt ngũ uẩn, tức Niết bàn là chơn đế hay là chơn không. Gọi là chơn không. Tại sao? Bởi vì cái suññata là không tánh. Thật sự là như vậy. Nhưng gọi chơn đế bởi vì có thật. Về phương diện paññati là chế định hay tục đế, nó là vô vi nhưng không phải là parama là chơn đế không phải có thật. Còn ngũ uẩn là parama là có thật, nhưng chính vì cái có thật này mà nó do duyên tạo tác nên nó bị sanh diệt. Niết bàn vừa là chơn đế là parama và cũng là vô vi vì Niết bàn không do duyên trợ tạo.

Khi quán thấy rõ sự diệt tận ngũ uẩn tức là Niết bàn là chân không tuyệt đối như vậy, vị ấy mới thành tựu được sự giác ngộ giải thoát, tức là đưa đến Sammattaniyāma tức là Chánh tánh cố định là tâm đạo quả phát sanh lên. Sở dĩ gọi là Chánh tánh cố định chữ Samma là chánh, chánh đạo từ chánh kiến cho đến chánh định đều có chữ Samma là chánh đi đầu. Chữ Niyāma là cố định hay là nhất định là không thể thay đổi, không thể quay ngược lại. Như một vị chứng đạo Tu- đà- hườn rồi thì không có quay ngược lại, còn vướng vào thân kiến- hoài nghi- giới cấm thủ. Trước đây bị thân kiến là chấp thường, hay là bản ngã tự ngã. Hoài nghi là không còn phân vân giữa con đường đạo quả không biết có thật hay không? Giới cấm thủ, tin vào hên xui may rủi hình thức cúng tế cầu nguyện ông này bà kia v.v..Bây giờ vị này đã chứng quả Tu-Đà-Hườn thấy rõ pháp rồi thì không còn thân kiến, hoài nghi,giới cấm thủ và dầu vị đó có tái sanh lại kiếp khác đi chăng nữa cũng không đảo ngược lại chấp thủ những điều này, nên gọi là Niyāma, cái cố nhiên hay cố định, không thay đổi ngược lại.

Quán như vậy mới chứng đắc đạo quả chứ nghe suông thì không đắc đạo quả. Nãy giờ tôi nói trên phương diện căn bản là cái mực. Bây giờ nói thêm cái mẹo. Tất cả đại chúng trong đây nếu vị nào muốn, hãy làm thử. Sau khi quý vị theo dõi hơi thở vào hơi thở ra, an tịnh thân hành tức là hơi thở vào hơi thở ra, cho đến hơi thở vi tế rất nhẹ nhàng. Rồi một lúc quý vị kiểm điểm đối tượng là hơi thở như vậy đã là an tịnh rồi. Thì có thể từ chỗ an tịnh mất hơi thở quý vị cũng đừng tầm kiếm. Buông thỏng toàn thân và bây giờ đã đến lúc phải xả ly hoàn toàn với cái không có. Hơi thở có biết hơi thở có, hơi thở vi tế biết hơi thở vi tế, mà đến đổi hơi thở thô hay hơi thở vi tế không có thì biết là không có và cũng đừng tạo ra một điều gì cả, đừng tạo nên một thiên tâm hay một cái gì.

Cũng trong bộ Patisambhidā, Đức Phật có dạy, Ở đây vị Tỷ kheo đi đến khu rừng đi đến cội cây, hay đến ngôi nhà trống vị ấy quán như vầy: Trong danh sắc này thấy nó là trống rỗng, không có ngã, không có tự ngã, nó là trống rỗng. Vị ấy không tạo lên một thiên tâm nào tức là không lập lên chế định, thí dụ như lập lên như niệm Arahan hay bất cứ một hình thức nào. Như từ thiền sắc giới muốn qua thiền vô sắc phải chế định hư không không vô biên hay vô sở hữu xứ chẳng hạn, phải chế định ra. Ở đây vị này không tạo thêm một cái gì, nó trống rỗng thì cứ biết nó trống rỗng. Đó gọi là không tánh giải thoát tức là sự giải thoát bằng đối tượng trống không.

Nếu trong lúc theo dõi hơi thở vô ra như vậy, quý vị bắt đựơc hơi thở cảnh trống không rồi, với tâm hoan hỷ khởi lên quý vị ghi nhận đây là trạng thái hỷ, với hỷ thở vô hỷ thở ra hay là trạng thái hỷ mất đi mà cảm thấy toàn thân được an lạc, ghi nhận trạng thái lạc khởi lên. Nhưng dầu hỷ hay lạc đi chăng nữa nó cũng vẫn là thọ. Tìm thấy bây giờ kinh nghiệm tâm hành thở vô tâm hành thở ra, tâm hành đây là nói về thọ tưởng, từ bỏ thọ tưởng thô, ghi nhận thọ tưởng tế, tức là an tịnh tâm hành thở vô an tịnh tâm hành thở ra, làm cho cả thọ hay tưởng hay tứ danh uẩn thọ- tưởng- hành- thức đều hiện diện. Hơi thở là đối tượng chỉ là sở quán, chứ không phải là năng quán. Nhưng cái hỷ là tâm hành ở đây được quán đến, nó vừa là sở quán vừa là năng quán. Bởi vì khi khéo theo dõi hơi thở, khi hỷ phát sanh lên thì biết nó là hỷ là một tâm thiện sau quán tâm trước, do đó nên cũng nói nó vừa là sở quán vừa là niệm cũng là sở miệm nữa, tức là nó vừa là đối tượng, tức là nó vừa diệt, nó cũng là năng quán tức là tâm tương tợ như vậy kế tiếp quán theo, cũng đồng tương tợ như vậy.

Một cái là quán cái cảnh, một cái là quán cái tâm. Quý vị bây giờ có thể đổi một chút xíu mà quý vị sẽ thấy như thế này, “Năng quán sở quán tánh không tịch”, tức là “cảnh là không trống rỗng mà cái tâm tịch tịnh vắng lặng”. Bây giờ để cái tâm trống rỗng, vẫn tươi tỉnh không phải buồn ngủ, nhưng đối tượng cũng là một suññata là trống không. Cứ ngồi như vậy với giác quan tươi tỉnh như vậy, không tạo lên bất cứ một tướng nào.
-Như Đức Phật cũng có nói, Ngài không tác ý đến tất cả tướng, tức là để tâm tịch tịnh vắng lặng như vậy, thì đối tượng kia cũng trống không. Xem như giống như câu, “ Năng lễ Sở lễ tánh không tịch”, tức là cái cảnh thì trống không, cái tâm thì tịch tịnh vắng lặng.

-Ngài Xá-Lợi- Phất Ngài an trú như vậy, có một lần Đức phật hỏi, “ Này Xá-Lợi- Phất, an trú phần nhiều cái gì mà thấy lục căn thanh tịnh”. Ngài Xá-Lợi-Phất trả lời, Ngài an trú vào cái suññata tức là không tánh.
Đức Phật khen, “ Sadhu, sadhu, lành thay, lành thay! này Sārīputta, ngươi đã an trú với sự an trú của bậc đại nhân, bậc MahaUtisa là để chỉ cho các bậc toàn giác độc giác thường an trú như vậy.”
Ngài Xá-Lợi-Phất mặc dầu là vị Thinh văn nhưng là Trí Thượng Thinh văn, Ngài cũng được an trú tương tợ như những bậc toàn giác với cái không tánh.

Điều này bây giờ quý vị cứ ngồi tại chỗ yên tịnh, tay chân buông thỏng đều đặn, theo dõi hơi thở vào hơi thở ra. Lúc hơi thở còn biết hơi thở còn, lúc hơi thở mất biết hơi thở mất, khi không còn hơi thở thì cứ lấy cảnh trống không, đừng thảo lên một tướng gì cả, đừng thảo lên một ước nguyện gì cả. Nghĩa là nó không có hơi thở biết không có hơi thở và kiểm điểm lại cái tâm, nếu bây giờ nó khởi lên một tư tưởng nào thì diệt nó ngay. Tương tợ như người ta gọi là “ Tiêu thổ kháng chiến”, tức là đốt hết nhà cửa, do đó dễ phát hiện kẻ địch như thế nào, thì với tâm tịch tịnh vắng lặng như vậy, một tư tưởng khởi lên dễ phát hiện lắm. Nó khác hơn là chúng ta bắt đề mục nào như bắt đề mục hơi thở, rồi đôi lúc bắt cả tâm, ghi nhận hơi thở vào thì tâm nó chạy qua hơi thở ra. Hay ghi nhận hơi thở ra thì tâm chạy qua hơi thở vào. Hay ghi nhận hơi thở ra hơi thở vô tâm nó chạy qua cái tướng của hơi thở. Lộn xộn như vậy đó, bây giờ buông bỏ tất cả cũng như câu:
“ Không niệm, niệm mới chánh,
Có niệm, niệm thành tà”

Buông bỏ tất cả, giác quan vẫn tươi tỉnh, vẫn ngó chầm chập vào đối tượng. Hễ có tâm thì đương nhiên có cảnh. Như trong lúc ngủ, tâm nó mê man như vậy nhưng thật sự nó vẫn có cảnh cũ của nó. Đây khác hơn cái ngủ là không phải là không biết, vẫn với một trạng thái giác quan tươi tỉnh, ý thức tâm tươi tỉnh và biết cảnh trống không. Chính cảnh trống không này, quý vị quan sát đối tượng này. Nó có phải chế định hay hư không chế định hay không?. Không phải! Vì hư không chế định như hư không không bờ mé, không vô biên xứ là hư không chế định. Hay đề mục như hư không, phải khoét tròn một lỗ vách bằng một gang với bốn ngón tay của hành giả để nhìn khoảng trống như vậy. Cũng không phải hư không như vậy nữa. Đây là một sự trống rỗng, trống không thật sự. Đừng có sợ!

Trước đây, không biết do duyên quá khứ như thế nào, mà khi bắt đề mục vô tôi vẫn thấy trống rỗng, tôi lại thích để tâm trống không như vậy. Nhưng sau đó tôi nghe nói về thiền vô tưởng, lúc bấy giờ tôi mới tu vào năm 1970 theo hành thiền với ngài HT Giới Nghiêm. Khi tôi trình pháp với Ngài là trường hợp như vậy,
-“ Con vẫn thấy thoải mái dễ chịu, nhưng con sợ không biết có đúng hay không? Hay rơi vào loại thiền vô tưởng.”
Lúc bấy giờ Ngài Giới Nghiêm nói,
- “À, coi chừng đó, rơi vào thiền vô tưởng đó”
Nên tôi cũng sợ nên tôi bỏ.

Nhưng sau này tìm trong kinh điển tôi mới biết thiền vô tưởng không dễ đắc, muốn chứng qua thiền vô tưởng phải chứng tứ thiền nói theo Kinh tạng hay ngũ thiền nói theo A-Tỳ-Đàm. Từ chỗ đó mới luyện qua thiền vô tưởng chứ không phải tự nhiên mà có. Theo những đoạn kinh nói trên, tôi biết rằng khi để tâm an tịnh như vậy, bắt đối tượng như vậy không phải là chế định, cảnh đó là cảnh có thật nhưng cảnh đó không phải là ngũ uẩn. Quý vị tìm thấy đối tượng mà tâm đang biết, nó trống rỗng như vậy, nó không có sắc, cũng không có thọ, không có tưởng, không có hành, và không có thức. Thì như vậy đúng rồi. Vì đây thấy rõ trạng thái thực sự là sự diệt tận ngũ uẩn, tức là Niết bàn. Bây giờ quý vị bắt cảnh như vậy là đúng, nếu thật sự quý vị quán trực tiếp thấy rõ như vậy thì khởi đầu là từ Gotrabhu, khởi đầu lộ trình tâm là hướng tâm, khán ngũ môn, khán ý môn, hướng đến đối tượng như vậy. Sau nhiều chập tâm, sau nhiều lộ trình tâm khởi lên rồi diệt, khởi lên rồi diệt. Cuối cùng khi có duyên, minh sanh khởi vô minh diệt, tức là thấy được cảnh thật sự diệt tận ngũ uẩn, tức là Niết bàn như vậy đó. Trước nhất là Gotrabhu chuyển tộc đi trước, kế đó tâm đạo phát sanh lên. Quán như vậy mới có khả năng chứng đắc đạo quả và khi thành tựu đạo quả như vậy rồi, có thể hướng dẫn người khác tức là đặt vào địa vị tuơng đương mới được.

Đây là những lời tôi trình bày. Mong rằng trong chư Tăng, kể cả Phật tử hành giả trong đại chúng quý vị cứ tìm xem. Nhưng tôi nhắc trước cho quý vị, đối tượng đó phải là có thật, là chân đế nhưng nó không bị sanh diệt, nó không do duyên trợ tạo như ngũ uẩn. Đối tượng đó phải là vô vi( không phải do duyện trợ tạo), nhưng không phải là chế định. Quý vị coi tất cả pháp, nếu đôi tượng cảnh đó quý vị bắt được không phải là paññati hay là chế định mà cũng không phải là ngũ uẩn thì đó đúng là quý vị thấy rõ đó là sự diệt tận ngũ uẩn tức là Niết bàn.

Đây là cái mẹo tôi xin mách, trình bày cho quý vị, nếu quý vị có duyên thì tu tập lấy. Kể cả trong thời gian gần đây, những lúc nào chúng tôi mệt mỏi nhất, kể cả khi nằm hay ngồi, chúng tôi vẫn bắt cái hình ảnh đó với tâm buông thỏng hoàn toàn và bắt đối tượng đó. Một tâm khởi lên, hễ bất cứ sự suy tư điều gì, đó là hành uẩn. Nếu sự vui sự buồn gì đó là thọ uẩn. Hay nhớ nghĩ chuyện gì đó là tưởng uẩn. Ngoài ra cái thọ tưởng hành thì đó là thức uẩn. Nếu trừ ra bốn cái này rồi, nó không có và cũng không phải là sắc pháp, cũng không phải chế định thì đây là sự diệt tận ngũ uẩn, tức là Niết bàn. Phải ngồi yên tỉnh, phải nhắm mắt. Kể cả khi đi kinh hành, đi đứng nằm ngồi, đi tìm cái cảnh diệt tận ngũ uẩn tức Niết bàn. Khi nào thấy rõ ngay lúc đó tức là đắc đạo ngay khi ngay đó.

Nên quý vị thấy trong kinh, có những vị đắc chứng đạo quả ngay khi đi hay đứng hay nằm hay ngồi. Còn Ngài A-Nan-Đa thì ngay lúc nghiêng mình, ngoài ra bốn oai nghi. Những vị ấy tìm cái gì? Tìm sự diệt tân ngũ uẩn. Chính sự diệt tận ngũ uẩn đây, là một trạng thái chân đế là có thật nhưng nó không phải là ngũ uẩn. Và nó là vô vi nhưng không phải là chế định như tục đế vừa kể trên. Đó đích thị là sự diệt tận ngũ uẩn tức là Niết bàn. Những trường hợp như vậy, tự nhiên buông thỏng như vậy, tâm để trống rỗng như vậy, tâm vẫn tươi tỉnh chứ không phải mê mờ thì như vậy cảm thấy nhẹ nhàng rất khoẻ.

Điều này quý vị nào thực tâp xem, tôi nghĩ rằng thời gian kế tiếp đây, nếu có duyên những người hành thiền đến, tôi sẽ trình bày giải thích và giới thiệu, dùng nhiều phương tiện hướng dẫn , nhất là tìm những Phật ngôn rõ ràng, cho có chứng cớ, để hưóng dẫn một cách mạnh mẽ. Bằng không người ta nghe, tưởng đâu là tổ sư thiền, đây là một sáng chế mới. Không có. Chúng tôi tìm rất kỹ trong kinh điển, có xác chứng, có Phật ngôn hẳn hòi,chúng tôi mới yên tâm để chính mình thực tập và từ đó mới dám hướng dẫn người khác một hình thức tương tợ. Quý vi nào có hoan hỷ có thích thì tìm trong bộ Patisambhidā chương thứ 29, phần Vipassanakathā, nơi đó trình bày rất rõ ràng. Trong thời gian qua tôi đã biên lại hai lần và hiện tại đang biên lại lần thứ ba về chú giải thiền quán. Đây là chúng tôi phân tích theo “201 đề tài thiền quán”. Mỗi một đề tài như vậy đều quán theo tứ đế, kể cả tóc cũng quán Tóc- Tóc tập khởi- Tóc đoạn diệt- Tóc đoạn diệt đạo chẳng hạn.

Tôi xin dứt lời tại đây.
Namo Buddhaya


Chánh Hạnh chuyển biên

Download cau hoi 61

Phat Hoc Van Dap Phap Am Lưu Trữ