Buddhist Studies
 

 


Câu Hỏi 53: Ngày nay Đức Phật viên tịch đã lâu. Khi đề cập đến Phật Pháp có người nói thế này có người nói thế khác. Ai là người có thẩm quyền để nói đúng về Phật Pháp.


(Bài giảng trong rơom Diệu Pháp , Ngày 25 tháng 1 năm 2008)

TT Tuệ Siêu: Chúng ta đặt vấn đề, trên phương diện kinh điển Phật Pháp ai là người có thẩm quyền để quyết định sự đúng sai. Ở đây theo tinh thần của Pháp-Luật, có hai trường hợp chắc chắn và cũng có hai trường hợp có thẩm quyền nhưng không chắc chắn và có một trường hợp hoàn toàn không đáng tin cậy, không có thẩm quyền để quyết định.

Trước tiên chúng ta nói về hai trường hợp để nói rằng đó là tiếng nói có thẩm quyền trên phương diện kinh điển Phật Pháp.
Thứ nhất đối với một vị Trưởng lão A-La-Hán, một vị đã giác ngộ Pháp của Đức Thế Tôn, đã thành tựu được mục đích cứu cánh đời sống phạm hạnh. Đối với vị này khi trình bày về Phật Pháp, các Ngài luôn luôn có sự nhận xét dựa trên Pháp là thực chứng chứ không phải dựa trên quan điểm cá nhân hay có một định kiến. Hoặc khi tuyên bố một điều gì, các vị không nằm trong bốn pháp tư vị, vì thương, vì ghét, vì sợ hay vì dốt nát. Đó là trường hợp thứ nhất được xem như một vị có tiếng nói thẩm quyền trên phương diện kinh điển Phật Pháp.

Thứ hai là một hội chúng Thánh Tăng, trong đó gồm có những vị A-La-Hán hay những bậc hữu học, thậm chí là một người cư sĩ đắc quả hữu học từ Tu-Đà-Hườn cho đến A-Na-Hàm. Với người đó vẫn đựoc gọi là Saddheyyavācā tức là có lời nói đáng tin cậy, Trong Luật Đức Phật Ngài cũng đã nhấn mạnh điểm này. Thí dụ trường hợp khi một vị Tỳ kheo bị một người cư sĩ mách lại với Chư Tăng là vị Tỳ kheo đó có sở hành hay lời nói không tốt. Trường hợp này rơi vào điều gọi là Aniyada bất định. Tức là tội danh của vị đó có thể tuỳ theo vị đó thú nhận, thú nhận như thế nào thì Chư Tăng sẽ hành xử như thế đó. Tuy nhiên có một điều nếu có một cư sĩ lời nói đáng tin cậy Saddheyyavācā. Người này trình bày với Chư Tăng rằng, vị đó phạm tội với tội danh như vậy, như vậy thì Chư Tăng không có lý do gì phải bác bỏ hay chờ để xét lại, mà phải xử lý ngay theo lời nói của vị Thánh cư sĩ đó. Như vậy rõ ràng đối với một hội chúng bậc Thánh gồm các bậc hữu học và vô học, đó cũng là những vị có tiếng nói có thẩm quyền trên phương diện kinh điển Phật Pháp.
Hai trường hợp này được xem là chắc chắn.

Hai trường hợp có thể có thẩm quyến nhưng không chắc chắn, đó là trường hợp với cá nhân của một vị Tỳ kheo, vị này là một người có đức tin và có trí tuệ, học thông suốt kinh điển Tam Tạng. Khi trình bày về Phật Pháp vị đó vẫn có một tiếng nói có thẩm quyến, nhưng ở điểm này cũng chỉ là bất định, vì khi xét thấy vị này vẫn cón là phàm phu, mặc dầu là bậc thông tuệ nhưng chư Tăng cũng phải xét lại. Đức Thế Tôn Ngài đã dạy trước khi viên tịch Niết-Bàn rằng,
“ Nếu sau này có một vị Trưởng lão Tỳ kheo, một vị Thượng Toạ Tỳ kheo hay một vị tân Tỳ kheo.Khi nghe những vị đó đã nói đây là pháp đây là luật của Bậc Đạo Sư, thì này Chư Tỳ kheo, các ngươi chớ vội tin chớ có vội bỏ, cần phải so sánh với kinh đối chiếu với luật. Nếu thấy phù hợp với kinh với luật thì nên thọ trì đó là Pháp Luật của Đức Thế Tôn. Còn nếu thấy sai với kinh với Luật, thì điều này không nên thọ trì là Pháp Luật của Đức Thế Tôn.”

Bởi vì vẫn có tình trạng một vị đa văn, bác học, quảng kiến nhưng vị này có thể sơ xuất trong một vài điểm do vì quên, thất niệm hay do vì vị ấy rơi vào pháp thiên vị. Cho nên khi vị đó nói về Pháp Luật có thể trình bày hơi bị lệch lạc và có định kiến chẳng hạn. Trong trường hợp này mới nói rằng đây là trường hợp bất định.

Trường hợp thứ hai trong vấn đề bất định là trường hợp một hội chúng Tăng , cũng là một hội chúng của những vị Tăng phàm phu. Và nếu những vị này vượt khỏi quan niệm chấp thủ về phong tụ,c tập quán, quốc độ thì những vị đó nói theo kinh điển là điều này đáng tin cậy. Nhưng cũng có thể những vị Tăng đó vì do theo tập tục, quốc độ, khi các vị đó nói và truyền miệng với nhau, chấp trì theo truyền thồng thì vẫn cần phải xét lại khi so sánh với kinh đối chiếu với luật. Nếu dựa trên phương diện Tăng chúng, ở đây Đức thế tôn Ngài cũng có nói đến bốn điều Mahāpadesa Đại cứ pháp. Cũng có Bốn điều Đại cứ pháp khác theo Luật nhưng cũng có bốn điều Đại cứ pháp theo Kinh.

Ở đây những vị thọ trì giáo pháp có thể y cứ vào đức Phật, y cứ vào Tăng chúng, y cứ vào các vị trưởng lão, và y cứ vào một vị Tỳ kheo đa văn thì cũng được xem như những điều y cứ đó đúng với Pháp và Luật. Đối với Tăng chúng, dầu cho phần lớn hiện tại chỉ là phàm nhân, nhưng những vị này đã truyền thừa Phật Pháp, đã học thông suốt kinh điển. Cũng có thể nói rằng khi những vị đó nói về Pháp và Luật đúng hoặc sai thì điều này cũng có thể đáng tin cậy với điều kiện các vị này phải loại bỏ những quan điểm dựa trên phong tục tập quán của quốc độ.

Trường hợp không đáng tin cậy, không thể có thẩm quyền trên phương diện kinh điển PhápLuật,. đó là một hoặc nhiều vị Tỳ kheo dốt nát không hiểu Kinh -Luật, có ác tà kiến. Những vị này dầu cho ở đâu, điều vị đó nói phải được xem như là lời nói không đáng tin cậy bởi vì không có cơ sở để tin rằng điều vị đó nói là Pháp và Luật của Đức Thế Tôn.

Chúng ta cũng cần nên lưu ý, chúng ta không thể phủ nhận lời nói của một vị Tăng khi không có mặt Đức Phật, nhưng chúng ta cũng không nên chấp nhận lời nói của một vị Tăng sĩ hoàn toàn có thẩm quyền để nói về kinh điển đúng hoặc sai. Trong Luật Đức Phật Ngài có dạy bảy pháp Adhikaranasamatha Bảy pháp diệt tránh.Trong trường hợp đó đối với một vị A-la-hán là một vị bất si, không có sự si mê, là một vị có đầy đủ chánh niệm. Như vậy lời nóicủa vị này đáng tin cậy v.v…Những trường hợp này chúng ta cũng nên chú ý. Chúng tôi xin chia xẻ một vài điều tuy có hơi dài một chút, nhưng cần phải nói rõ để chúng ta có nhiều suy nghĩ hầu đem đến sự lợi lạc.

Chúng tôi xin dứt lời tại đây
Namo Buddhaya

Chánh Hạnh chuyển biên


Download cau hoi 53

Phat Hoc Van Dap Phap Am Lưu Trữ